Q2. Chương 101 - Khăn rách và ngọc nát
Vạn Kiếp là một vùng đồng bằng châu thổ rộng, là nơi giao nhau của ba con sông lớn, sông Đuống, sông Bạch Đằng và sông Thái Bình. Từ nơi này, thuyền bè có thể đi tới bất kỳ địa phương nào trên lãnh thổ Đại Viêt. Nhưng khác với các vùng châu thổ trù phú khác của Đại Việt, đây lại là nơi đất đai bị nhiễm phèn, không thuận lợi cho việc trồng lúa. Cách đây gần tám mươi năm, khi họ Trần lập nước, vùng này còn là một vùng dân cư thưa thớt, nghèo đói liên miên, khu vực phủ vương và quý tộc lại chỉ cách khu xóm nghèo của gia nô có nửa canh giờ, sang hèn bất phân. Chính vì thế, phàm là quan lại, quý tộc hoặc là người có chút phân lượng thì đều không muốn bị phân tới cái nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, thú dữ ăn thịt người này. Ấy nhưng mà vì mối hiềm khích với thái sư Trần Thủ Độ, An Sinh Vương Trần Liễu vốn là thân sinh của Hưng Đạo Đại Vương đã bị đẩy tới vùng đất này lập ấp.
Trải qua mấy chục năm cải tạo cùng ba cuộc chiến tranh, trước là An Sinh Vương, sau là Hưng Đạo Đại Vương đã cải tạo nơi này thành một trong những cửa ngõ tấp nập nhất của kinh thành.
Nhờ lợi thế là nơi giao nhau của ba con sông lớn, Chí Linh trở thành điểm đóng quân và luyện binh của đội thủy chiến hùng mạnh nhất Đại Việt do đại tướng quân Yết Kiêu thống lĩnh. Người dân nơi này được Đại Vương khuyến khích lấy việc đánh bắt cá, săn bắt, chăn nuôi làm kế sinh nhai. Lại cộng thêm việc thuyền buôn từ khắp nơi muốn tới được Kinh thành thì đều phải đi qua khúc sông này, Đại Vương đã lệnh mở ra rất nhiều trạm nghỉ chân, khuyến khích thương nhân các nơi đổ về đây trao đổi hàng hóa, tạo nên một vùng thành ấp đông đúc, náo nhiệt không khác gì kinh thành.
Ta theo chú Đạt và sư tổ dừng chân ở Chí Linh vài ngày, sau đó đổi qua xe bò để đi về Vạn Kiếp. Chú Đạt nói không sai, chuyến này, đi theo ông ấy phải tới mấy chục người đều là ám vệ tinh nhuệ, tổ chức quy củ, không tò mò cũng không nhiều lời. Họ thấy ta ngày ngày đi theo sư tổ học thuốc, lại thấy thái độ thương yêu của chú Đạt thì liền ai làm việc nấy, không thèm để ý tới ta nữa.
Những ngày này đi theo sư tổ, ta lại được nghe một đoạn quá khứ của cha mẹ mà chưa có ai từng kể cho ta nghe. Sư tổ có tính tình cởi mở, phóng khoáng, thật sự rất giống với vẻ ngoài của ông lão. Đặc biệt ông rất thích uống rượu, vừa hay, ta cũng là thương nhân mở tửu quán khắp từ Bắc tới Nam, sau mỗi bữa cơm, qua ba chén rượu, ông thường kể cho ta chuyện ngày xưa.
"Ngươi thật sự rất giống Thái Tần, từ vẻ ngoài tới tính cách, chỉ có điều Thái Tần thì cứng cáp, rắn rỏi còn sức khỏe của ngươi lại quá yếu ớt. Sau này cần điều dưỡng cho tốt."
Lúc này ta đang ngồi đối diện với sư tổ trên một bàn đá của trạm dừng chân. Sư tổ dựa người vào bàn đá, một tay cầm li rượu trống không, đôi mắt lại lim dim nhìn ánh trăng lấp lánh trên mặt nước. Ta mỉm cười rót rượu cho ông lão. Sau bữa cơm, chú Đạt đã ra ngoài giải quyết công việc từ lâu, để lại ta ở đây bồi rượu với ông ấy. Thấy ta chỉ cười mà không trả lời, ông lão liền nhăn mày càu nhàu.
"Cái tính kiệm lời này cũng giống nhau. Nhớ ngày ấy, ta xuống núi mua đồ, gặp con bé gầy nhẳng như cái nắm tay nằm co ro trong bụi tre. Ta thật ra không muốn nhặt nó về, chỉ thấy thương nên vứt cho nó nắm cơm, nhưng mà con bé ấy thấy tay ta cầm kiếm liền sống chết bám lấy không buông. Cực chẳng đã ta mới mang nó về."
Ta nghe ông ấy càu nhàu liều cảm thấy tò mò nên hỏi.
"Tại sao ngày ấy sư tổ không muốn cứu mẹ?"
Sư tổ nhướn mày nhìn ta rồi vuốt chòm râu bạc trắng trả lời.
"Mấy chục năm trước, bách tính Đại Việt vẫn còn chịu dư âm của tiền triều, thiên hạ loạn lạc, người chết đói khắp nơi, trẻ con không cha mẹ vất vưởng đầy đường, nếu tâm ta mà lương thiện thấy đứa nào nhặt đứa ấy thì làm sao mà nuôi nổi?"
Thì ra là vậy, quả thật trong dân gian vẫn còn truyền miệng cảnh lầm than những năm cuối cùng của tiền triều. Sư tổ không để ý ta đang suy nghĩ mà vẫn tiếp tục chìm đắm trong hồi tưởng của mình.
"Lúc ấy ta đã có một đứa đồ đệ là Ngũ Lão rồi. Nuôi một miệng ăn đã khó, thêm một con mèo hen là mẹ của ngươi lại càng khó hơn. Ấy vậy mà trời sinh voi sinh cỏ, hai đứa nhóc ấy ăn khoai, sắn, rau dại mà lớn lên vô cùng khỏe mạnh, khỏe mạnh rồi chúng nó lại bỏ ta đi. Đúng là lũ vô ơn."
Nói tới đây sư tổ liền thở dài thườn thượt, uống cạn chén rượu. Ta biết điều liền vội vàng rót đầy chén cho ông lão, lại cầm đũa gắp cho ông một miếng lòng lợn xào dưa chua. Sư tổ vừa nhâm nhi vừa tiếp tục nói.
"Trong ba đứa đồ đệ của ta, mẹ ngươi là đứa thông minh nhất, trong kho có bao nhiêu sách đều bị nó lôi ra đọc tới nát bấy. Con bé ấy thông minh nhưng tính tình lập dị, đi đâu cũng mang theo một cái khăn rách và một miếng ngọc nát. Ta nhớ có lần Chu Đạt nghịch ngợm giấu hai thứ ấy đi, nó liền chạy đi tìm tới phát điên. Thật là, chấp niệm quá nặng."
Sư tổ lại tiếp tục nhấp một ngụm rượu, ta nhìn theo ánh mắt của ông về bóng phản chiếu của mặt trăng trên mặt nước. Một cái khăn rách và một miếng ngọc nát? Từ khi ta có nhận thức, chưa bao giờ trông thấy hai thứ ấy bên cạnh mẹ. Đã có chuyện gì xảy ra?
"Sư tổ, tại sao mẹ lại quý trọng hai thứ ấy như vậy? Con chưa bao giờ nhìn thấy hai thứ ấy."
Sư tổ nheo mắt quay sang nhìn ta, sau đó chỉ thở dài nói.
"Nghe bảo đó là kỷ vật của mẹ nó. Có lẽ sau này mẹ ngươi tòng quân, hai vật ấy cũng bị thất lạc. Ngẫm lại, những thứ chấp niệm ấy, thất lạc lại là điềm may."
Ta mỉm cười gật đầu đồng ý với ông lão, nhưng trong lòng vẫn cứ suy nghĩ miên man. Mẹ là người cực kỳ cẩn thân, vật nào để ở đâu đều chưa bao giờ quên. Lại nói năm ấy bà tòng quân nhưng thật ra không hề ra chiến trường, muốn để thất lạc hai vật quan trọng như vậy cũng khó. Trừ hai trường hợp, một là bị người khác cướp đi, hai là chính tay bà đã phá hủy hoặc giấu chúng đi. Nhưng dù là trường hợp nào, nếu như mẹ không để ta biết về sự tồn tại của hai vật này thì chỉ có thể là vì chúng có thể gây bất lợi cho ta.
Đêm càng ngày càng sâu, sư tổ uống hết một bình rượu cũng đã thấm mệt bỏ về phòng, đầu óc của ta lại vô cùng tỉnh táo nên ta ngồi lại bên bờ hồ sen của dịch trạm miên man suy nghĩ.
Những chuyện của đời trước đáng ra nên để nó trôi đi, mẹ giấu diếm ta hẳn là vì bà không muốn ta phải bận lòng. Nhưng không hiểu sao từ khi ta rời khỏi Trần Thuyên, dù ta không cố gắng tìm, nhưng những chi tiết liên quan tới cái chết của mẹ cứ dần dần hé lộ.
Phải chăng đây là điềm gì đó, ta đã bị nó dẫn dắt đi tới tận nơi này nhưng liệu ta có nên tiến sâu thêm để tìm hiểu hay không?
Liệu hé mở được sự thật này rồi, ta còn có thể vô tư bất cần như trước?
Lúc này, bỗng nhiên ta cảm thấy hoang mang sợ hãi về tương lai sau này của bản thân. Càng ngồi chôn chân tại chỗ, mồ hôi lạnh nơi lòng bàn tay lại càng chảy nhiều, chẳng mấy chốc mà chỉ một cơn gió đêm cũng khiến ta rùng mình vì ớn lạnh.
Cùng lúc ngọn nến trên bàn tắt phụt, ta theo bản năng đứng bật dậy toan chạy trở vào trong phòng. Chạy được mấy bước, trong bụng lại lo lắng cồn cào không nguôi. Ngước mắt nhìn tiền việc vẫn còn ánh đèn leo lét, ta mạnh dạn đi về phía ấy tìm chú Đạt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro