Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Q1. Chương 15 - Một cuộc cá cược

"Em suy nghĩ xong chưa?"

Ta lần nữa ngước mặt nhìn Trần Thuyên, thấy mày hắn vẫn cau chặt, ta đành thở dài nói.

"Anh muốn nghe chuyện nào trước? Chuyện ám sát hay chuyện em với hoàng thất Chăm Pa?"

"Hôm nay trẫm có thời gian, bắt đầu từ chuyện em và hoàng thất Chăm Pa đi."

Từ trước đến nay, ngoài những việc ta làm cho Trần Thuyên, thì ta đều hành sự quang minh chính đại, dù xấu hay tốt thì đều không thẹn với bản thân, không phạm vào luân thường đạo lý, có kể lại cho hắn cũng chẳng có vấn đề gì, vì thế ta liền kể.

"Chuyện này là từ lần đầu tiên em tới buôn bán ở thành Đồ Bàn. Đó là khoảng thời gian sau khi mẹ vừa qua đời, vì để quên đi buồn chán nên em quyết định bắt đầu kinh doanh ở Chăm Pa.

Hôm ấy em vừa đặt chân tới thành Đồ Bànliền như thường lệ tìm kiếm một tửu quán đông đúc để nghe ngóng xem ở đó đang thiếu cái gì để chuẩn bị mà bán. Nơi em đến là một tửu lâu ngay cạnh bến tàu, người ra vào tấp nập đến mức không có bàn trống vì vậy em đành tìm một nơi nào đó để ghép bàn. Em biết mình là thân nữ nhân nên nhìn mãi mới thấy một vị khổ tăng và một người đàn ông đang ngồi ở một cái bàn rất lớn vì vậy lân la tới nói chuyện, họ liền vui vẻ mời em ngồi cùng.

Ban đầu, tuy thấy khuôn mặt vị khổ tu kia nhìn rất quen nhưng thấy hai người đó chỉ nói chuyện Phật pháp, em rất không hứng thú nên lúc sau liền chỉ tập trung dỏng tai lắng nghe các cuộc nói chuyện xung quanh. Sau một lúc lâu mới để ý vị khổ tu nọ đang nhìn em, ông ấy nói:

"Nữ thí chủ xin ngồi cùng bàn với bần đạo nhưng lại không hề có hứng thú với câu chuyện của bần đạo. Bần đạo có thể thỉnh giáo nữ thí chủ đang tìm kiếm gì ở thành Đồ Bàn này không?"

Em thấy ông ấy là một nhà sư còn người kia ngồi cùng nhà sư bàn chuyện Phật pháp thì chắc cũng là phật tử tại gia, có nói thật mục đích của mình thì cũng chẳng có vấn đề gì, vì thế em nói.

"Không giấu gì hai vị, tiểu nữ tới nơi này là tìm kế làm ăn. Người ta nói muốn biết nhu cầu của khách nhân là gì thì cần phải lắng nghe câu chuyện của họ trước. Chính vì thế tiểu nữ mới muốn ngồi ở tửu lâu này để nghe ngóng. Tuy nhiên thành Đồ Bàn là vùng đất bốn phương hội tụ, người tới đây nói đủ loại ngôn ngữ, muốn nghe ngóng lời người ta nói cũng không phải dễ nên mới xao lãng câu chuyện với hai vị. Nếu khiến hai vị mất hứng, tiểu nữ xin tự nguyện chi trả toàn bộ bữa cơm này coi như là tạ lỗi."

Bình thường nếu em nói như thế thì người khác đều dễ dàng bỏ qua, tuy nhiên hai người này lại cười trừ nói.

"Chúng ta không thiếu tiền cũng không yêu cầu tiểu thư phải chi trả. Tuy nhiên Phật dạy bất kỳ sự gặp gỡ nào đều là duyên nghiệp từ tiền kiếp. Hôm nay bọn ta cùng thí chủ gặp mặt chắc chắn là duyên tiền định. Người ta lại nói bỏ xa tìm gần, biết đâu nói chuyện cùng chúng ta lại giúp được thí chủ."

Em ngày ấy còn trẻ, không khỏi bị thói ếch ngồi đáy giếng nên đương nhiên thoái thác đề nghị đó của họ. Tuy nhiên vị khổ tu lại nói tiếp:

"Tại sao tiểu thư nghĩ Phật pháp và kinh doanh không hề liên quan với nhau, chi bằng chúng ta cùng đi dạo một vòng bến tàu tìm ba vấn đề để kiến giải, nếu giải pháp của ta toàn vẹn hơn của tiểu thư thì tiểu thư cần thực hiện một yêu cầu của vị thí chủ này. Tiểu thư thấy sao?"

Ta nói tới đây mới hé mắt nhìn Trần Thuyên thì thấy lông mày của hắn nhín chặt.

"Em đừng nói là em đồng ý đấy nhé?" Ta đương nhiên cũng ước là ngày ấy mình không đồng ý, nếu vậy thì đống phiền phức sau này cũng không xảy ra.

"Ờ, em đã nói rồi, ngày ấy em trẻ người, ngựa non háu đá, lại nghĩ mình lăn lộn trên thương trường gần chục năm, lẽ nào lại thua một nhà sư. Vì thế em đã nhận lời.

Em cùng hai người bọn họ đi ra khỏi cửa hàng, sau một lúc đi bộ liền tới cổng chợ, ngay chỗ ấy có hai mẹ con bán sọt cỏ và dép cỏ. Trong khi người con bán sọt cỏ rất là đắt hàng thì người mẹ lại đợi rất lâu cũng không có ai mua, trong khi người qua lại rất nhiều. Nhà sư liền quay sang hỏi em .

"Đề bài đầu tiên là bán sọt cỏ và dép cỏ, tiểu thư thấy thế nào?"

Em nhìn qua đã thấy giải pháp nên đương nhiên là đồng ý. Sau đó em và người đàn ông đi cùng vị khổ tăng kia liền bỏ tiền mua hết chỗ hàng của hai mẹ con người nọ rồi chia làm hai, mỗi người bọn em thế là có mười lăm sọt cỏ và mười lăm đôi dép cỏ chia nhau bán hai bên cổng chợ. Mỗi cái sọt cỏ giá mười văn tiền, trong khi một đôi dép cỏ giá hai văn, vì bọn em mua nhiều họ liền giảm giá một nửa.

Em vì muốn tháo hết dép cỏ để bện thành sọt cỏ nên thuê cô con gái ở lại làm, mỗi sọt trả nàng ta năm văn tiền. Năm đôi dép thì bện được một cái sọt, vì mặt hàng này bán chạy, sau hai canh giờ em đã bán hết hàng. Nhưng lúc nhìn qua bên lề đường đối diện thì đã thấy nhà sư kia và người đi cùng ông ta đã đang thảnh thơi uống trà, đĩa bánh điểm tâm trên bàn còn vơi bớt một nửa. Em liền biết mình đã thua về thời gian nhưng dù sao thua thắng trong kinh doanh luôn ở lợi nhuận vì thế liền đem tiền bán hàng sang so sánh với họ.

Thì ra họ không hề tháo dép cỏ để làm sọt cỏ mà chỉ đơn giản thay đổi giá bán, thay vì mười văn một sọt thì họ bán mười một văn một sọt, dép thì ba văn một đôi, tuy nhiên nếu ai mua cả sọt cả dép thì họ sẽ bán mười hai văn cho cả hai thứ. Chính vì vậy họ bán hết hàng rất nhanh, kiếm được tất cả một trăm tám mươi văn tiền, trừ đi tiền mua hàng, họ lãi một trăm văn.

Trong khi đó, em cũng kiếm được một trăm tám mươi văn tiền trừ đi mười lăm văn tiền thuê cô con gái lại trừ đi tám mươi văn tiền mua hàng ban đầu, em lãi tám mươi lăm văn.

Thế là em thua ván thứ nhất.

Lúc ấy đã gần cuối giờ chiều, bọn em lại đi tiếp một đoạn thì thấy rất nhiều người đang vây quanh một gian cửa hàng nên liền chen vào xem. Thì ra người nhà ấy đang thách cưới con gái, người Chăm Pa không có nhiều gia luật như dân Đại Việt, vì thế ngoài cao đường ngồi giữa nhà, cô con gái cũng có mặt. Là một thiếu nữ rất đẹp.

Người đến hỏi cưới có tổng cộng ba nhóm, nhóm thứ nhất là một nhà buôn gạo giàu có, nhóm thứ hai là nhà trưởng quan trông coi bến tàu cho triều đình, cuối cùng lại chỉ là một anh thợ làm trang sức. Tuy nhiên đôi mắt nàng thiếu nữ thì chỉ nhìn chằm chằm vào anh ta. Đúng lúc này, người đi cùng vị hòa thượng liền ghé về phía em nói.

"Thử thách thứ hai là kết nối người có tình, tiểu thư thấy thế nào?"

Lần này em không chắc thắng, nhưng vì bản tính hiếu thắng nên em liền gật đầu. Em cùng người đàn ông kia cùng đi về phía anh thợ làm trang sức. Lúc ấy em với bản tính tự phụ, nhìn qua cha mẹ cô dâu thì thấy rõ ràng họ cũng là người làm ăn, đang cân đo tính toán thiệt hơn.

Em cũng là người làm ăn nên thừa biết tiền bạc có sức mạnh thế nào, liền ghé vào tai anh ta nói:

"Ngươi có thể nói với họ, Đoàn Điểm đại thương gia của Đại Việt đặt một đơn hàng trị giá mười vạn lượng bạc, nếu hài lòng thì sẽ làm ăn lâu dài." Để đảm bảo lời này, em còn để lộ cho hắn ta thấy xấp ngân phiếu trong vạt áo.

Quả nhiên người thợ làm trang sức vừa nghe như vậy, đôi mắt lộ rõ sự không tự tin, nhưng nhìn về phía nàng tiểu thư kia thì liền hạ quyết tâm đứng dậy.

Đúng lúc ấy, người đi cùng với vị khổ tu liền cũng vỗ vai anh ta nói thì thầm. Người này nói xong, anh thợ kia liền trợn tròn mắt, hai đầu gối run lên lập cập, nhận một tín vật nhỏ của người nọ rồi bước vội về phía gia chủ. Tuy nhiên anh ta không nói lớn mà chỉ thầm thì vào tai hai vị cao đường rồi để cho họ nhìn thấy tín vật của người nọ. Ngay sau đó, hai vị cao đường liền lập tức đồng ý gả con gái cho anh thợ trang sức còn định luôn ngày thành hôn.

Lúc ấy, em thấy mình đã thua hai trên ba lần nhưng không tâm phục khẩu phục, vì thế sau khi ra khỏi đám đông em liền hỏi.

"Tiểu nữ đã thua nhưng không tâm phục khẩu phục, thỉnh hai vị giải thích làm cách nào có thể khiến cha mẹ của vị tiểu thư đó đồng ý nhanh vậy?"

Lúc ấy người đi cùng vị khổ tu kia mới cười phá lên nói.

"Ta bảo hắn, Vương thượng chỉ hôn vị tiểu thư kia cho hắn, ban cho hắn kim bài làm tín vật."

Ta nói tới đây, đến Trần Thuyên cũng giật mình kinh hãi:

"Người em gặp thì ra chính là vương thượng Chế Mân? "

"Anh hẳn cũng đoán ra vị khổ tu đi cùng hắn là ai đúng không? Chính là thượng hoàng." Ta nhìn hắn cười khổ còn hắn sau khoảnh khắc ngạc nhiên thì gật gù.

"Thì ra là thế, khó trách... khó trách..." Ta không để ý lắm lời  của hắn là cái gì khó trách, chỉ tập trung tiếp tục kể.

"Sau khi biết thân phận của vương thượng Chế Mân, em cũng lờ mờ đoán ra thân phận của thượng hoàng nên đương nhiên là tim đập chân run quỳ sụp xuống nhận tội. Thấy em như vậy thượng hoàng lại cười trừ nói.

"Người không biết không có tội, mong sau ngày hôm nay thí chủ đã rút ra được kinh nghiệm bổ ích cho bản thân."

Em đương nhiên là rối rít cảm tạ, lúc ấy Chế Mân mới nói.

"Tuy nhiên chúng ta tỷ thí đường hoàng, thì thắng thua phải rõ ràng. Tiểu thư vẫn phải thực hiện một nguyện vọng của ta. "

Nói tới đây ta ngước mắt nhìn Trần Thuyên, thì thấy hắn cũng nhướn lông mày nhìn lại.

"Hắn muốn bốn phần lợi nhuận của tất cả hoạt động kinh doanh của em ở Chăm Pa. Hàng tháng quyết toán thu chi rõ ràng rồi chuyển thẳng cho quan phủ để xung vào quốc khố."

"Em đồng ý?"

"Lúc ấy thượng hoàng cũng ở đó, ngài ấy còn không có ý kiến gì thì anh nghĩ em có lý do thoái thác không?"

Trần Thuyên vẫn nhìn ta bằng đôi mắt nghi ngờ, nhưng đương nhiên có chết ta cũng không khai ra trước khi đạt được hiệp định này, giữa ta và Chế Mân còn một vòng đàm phán.

"Ta rất thưởng thức nữ nhân thông minh cường đại. Ta muốn nàng trở thành cung phi của ta."

Nghe lời ấy ta đương nhiên là sợ tới vỡ mật, mồ hôi lạnh chảy đầy đầu, vì thế liền bịa chuyện phải về thưa gửi với cha mẹ rồi chạy thẳng.

Lần ấy ta chạy lấy người là chạy một lèo tới bảy tháng không dám quay trở lại thành Đồ Bàn. Trong thời gian ấy, việc kinh doanh của ta ở bến cảng lại ngày càng thuận lợi. Thuận lợi tới mức ta bị tiền làm mù mắt liền mon men quay trở lại thành Đồ Bàn lần thứ hai. Lần ấy ta dám quay trở lại cũng là bởi đã bảy tháng trôi qua mà Chế Mân không hề có động tĩnh gì, ta liền nghĩ có lẽ quanh hắn mỹ nhân vô số, hắn ném ta ra sau đầu rồi cũng nên.

Nhưng ta không ngờ hắn thả cho ta kinh doanh thuận lợi suốt bảy tháng là đang thả dây câu, còn ta lại ngoan ngoãn bơi theo ngoạm lấy. Hôm ấy ta vừa đặt chân tới cửa hàng chính của mình thì đã thấy Chế Mân cùng Thượng hoàng ngồi thảnh thơi uống trà giữa cửa hàng.

Thấy ta, hắn nhăn nhở nói.

"Ái phi đi quá lâu khiến trẫm thật lòng thương nhớ. Chẳng hay cha mẹ nàng đã đồng ý hôn sự này chưa để trẫm lệnh người xem ngày rước nàng vào hậu cung."

Ta đành phải giở mánh cuối cùng để từ chối.

"Thú thật với Vương thượng, mẹ của dân nữ mới qua đời hơn một năm. Dân nữ vẫn đang trong thời gian để tang không dám làm chậm trễ nhã hứng của Vương thượng."

Bọn hắn nghe thấy liền trầm mặc nhìn ta, ta cũng hào phóng để lộ ra miếng vải đen khâu trên tay áo. Sau khi suy nghĩ một lúc, Chế Mân liền chuyển từ khuôn mặt cợt nhả sang dáng vẻ nghiêm túc. Hắn nói đã đoán trước ta không phải loại nữ nhân cam chịu ngồi một chỗ đợi nam nhân truyền tới hầu hạ. Thay vào đó, hắn yêu cầu cộng tác làm ăn, hắn chỉ lấy bốn phần lợi nhuận.

Ta thấy đề nghị này xem ra không tồi, nếu so sánh với cái miệng không đáy của Trần Thuyên thì thậm chí còn tốt hơn vì thế liền gật đầu đồng ý.

"Rất tốt, quả nhiên không hổ danh đại thương gia của Đại Việt. Nếu đã như vậy, từ nay việc quyết toán thu chi với nàng sẽ do con trai trưởng của trẫm đảm nhiệm. Mỗi tháng hắn sẽ tới đây một lần để kiểm tra sổ sách, còn ngân lượng thì nàng có thể cho người chuyển thẳng cho quan phủ."

Chế Mân nói xong, ta mới cay đắng nhận ra đây là kế thứ hai trong liên hoàn kế của hắn. Hắn cử con hắn đến kiểm tra sổ sách thì khác gì đường hoàng học lóm mánh khóe kinh doanh của ta. Ta tuy trong lòng thì dậy sóng nhưng ngoài mặt vẫn phải cười hiền hòa, thương nhân bình thường muốn thành công thì phải trải qua trăm cay nghìn đắng, còn nhóc con kia lại cứ như vậy được học mà chẳng phí giọt mồ hôi nào.

Công bằng ở đâu đây?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro