Q1. Chương 10 - Kế đối kế
Mấy ngày nay số lượng thương nhân Chăm và Xiêm La ra vào cửa hàng của ta không ít khiến ta bận tối mắt. Ấy vậy mà Trần Thiệu Nghĩa thì vẫn kiên trì kè kè bên cạnh, hắn rất thảnh thơi chờ đợi cho ta có thời gian rảnh là lại sán tới xây dựng tình cảm. Sáng sớm gà gáy ta vừa mở mắt sẽ thấy hắn ăn vận chỉnh tề đứng đợi trước cửa phòng cùng ta ăn sáng, đến trưa rảnh hắn sẽ rủ ta đi dạo phố rồi ra bờ biển ngắm hoàng hôn. Tối đến nếu ta có việc phải bày tiệc mời đối tác làm ăn thì hắn cũng sẽ kè kè bên cạnh rót rượu góp vui.
Mấy ngày này chúng ta ở cạnh nhau, hắn lấy được không ít thông tin từ phía ta thì trong lúc ấy ta cũng âm thầm sắp xếp người thăm dò thuộc hạ của hắn. Không phải khoe khoang, ta đây không nuôi người vô dụng, bất cứ thuộc hạ nào dưới trướng ta đều có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng moi móc thông tin thượng thừa. Tên thái giám kia nhờ làm thân với người của ta để moi tin thì ta cũng tương kế tựu kế dùng người của mình để điều tra lại hắn. Tên này tuy làm việc cẩn trọng nhưng lại mắc chứng tự mãn, coi mình là nhất, khinh thường người hầu nên không ít thuộc hạ dưới trướng hắn không phục, người của ta chỉ cần khúm núm với bọn hắn vài bữa, lại chuốc bọn hắn uống say mấy chập. Chẳng mất tới năm ngày Chi thị đã dò ra lai lịch tên thái giám này.
Sáng sớm nay, ta vừa mở mắt thì đã thấy Chi thị đợi sẵn, thừa dịp Trần Thiệu Nghĩa chưa qua quấy rầy, nàng ấy liền nhanh chóng thuật lại cho ta.
"Bẩm tiểu thư, hắn tên Hồ Phúc, vốn xuất thân từ nhà quan lại sa sút, vì thông thạo chữ nghĩa nên từng có thời gian hầu hạ dưới trướng Hưng Nhượng Vương. Sau khi Văn Đức phu nhân chuyển vào Đông cung thì hắn cũng đi theo nàng ta trở thành điểm sự thái giám, càng ngày càng được quan gia trọng dụng. Sau này, khi Văn Đức phu nhân bị đuổi khỏi Đông cung thì hắn cũng vẫn được quan gia giữ lại, vị trí vững chắc không thể lay chuyển."
Ta nghe nàng ấy báo xong, lại nhớ tới những ngày ta vào cung gặp Trần Thuyên cũng biết bên cạnh hắn có ba đại thái giám, Hồ Phúc, Hồ Lộc và Hồ Thọ. Trong ba người này ta đã gặp qua Hồ Lộc và Hồ Thọ, tuy nhiên, vì Hồ Phúc luôn nghe lệnh Trần Thuyên làm các nhiệm vụ bên ngoài cung nên ta chưa gặp qua hắn. Khó trách tại sao Trần Thuyên lại sắp xếp người này theo ta tới Chăm pa. Lại nói, Trần Thiệu Nghĩa vốn là con nuôi của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, vì thế ta không khó khăn gì có thể thấy sự hợp tác ăn ý của hai người bọn hắn. Trần Thiệu Nghĩa tung hỏa mù che mắt ta ngoài sáng, Hồ Phúc kín đáo trong tối ghi chép tất cả sản nghiệp và hành tung thương nghiệp của ta ở Chiêm Thành.
Nói về vị quốc trượng này, tuy ta chưa được diện kiến Hưng Nhượng Vương lần nào, nhưng nghe thiên hạ đồn đoán, ông ta có hiềm khích nghiêm trọng với cha mình là Hưng Đạo Đại Vương, do thời còn trẻ người non dạ đã từng nhỡ miệng xúi lão cáo già giết vua làm phản. Sau này, ngay cả khi đã thành công gả hai người con gái cho Trần Thuyên nhưng quan hệ của ông ta với lão cáo già vẫn không cải thiện là mấy, thậm chí, tuy là người một nhà nhưng trước sau vẫn ngấm ngầm đấu đá nhau.
Tuy nhiên với hiểu biết của ta về lão cáo già, mấy loại tin đồn thất thiệt như thế này chủ yếu là kế sách đánh lạc hướng người ngoài, khiến kẻ địch chủ quan với sự bền chặt của hoàng tộc họ Trần, cũng khiến người có lòng phản dễ dàng hành động sơ hở. Một lời đồn nhảm nhưng đạt mục đích nhất tiễn hạ song điêu. Thử nghĩ mà xem, tạo phản giết vua là suy nghĩ đại nghịch bất đạo, dù chỉ là say rượu nói càn thì cũng đã đủ để bị xử tùng xẻo trăm lần, ngũ mã phanh thây vạn lần không hết tội, làm gì có chuyện ông ta còn có thể đắc ý ở đó mà gả con gái cho vua. Lại nói, sau khi Bảo Từ phu nhân tiến cung, vị thế của Hưng Nhượng Vương trong quan trường lên cao như diều gặp gió, như mặt trời giữa ban trưa, lời ông ta nói ra, đến Trần Thuyên còn phải kiêng nể vài phần.
Dựa trên suy luận này, vậy thì việc đề cử Trần Thiệu Nghĩa bí mật đi tới Chiêm Thành, tới tám phần cũng là gợi ý của Hưng Nhượng Vương, mà thực chất Hưng Nhượng Vương vẫn luân phục tùng mệnh lệnh của lão cáo già cùng Trần Thuyên ...
Nghĩ tới đây, ta chợt nhớ tới lời nói của Chế Mân khiến dù trời nóng vô cùng nhưng sống lưng không khỏi một trận rét lạnh.
Thì ra ... ở nơi ta không biết vẫn luôn có những đôi mắt đang bí mật theo dõi từng hành động của ta. Mà không biết từ lúc nào ông cháu Trần Thuyên đã coi ta trở thành một loại chướng ngại cần phải xóa bỏ. Mục đích thật sự của Trần Thiệu Nghĩa chính là tìm chứng cứ ta ở Chăm Pa có hành động thông đồng bán nước.
Cơn lạnh lẽo như một bàn tay vô hình vuốt dọc theo sống lưng ta tới khắp tứ chi khiến chúng run rẩy. Ta khổ sở bật cười.
"Giữa ta và Trần Thiệu Nghĩa, là ai không may mắn đây ?"
......................
Hôm nay đã là ngày thứ mười lăm chúng ta tới thành Đồ Bàn, nghe nói phía đại nhân Trần Khắc Chung đã thuận lợi đàm phán xong việc đưa công chúa Huyền Trân trở về kinh thành Thăng Long. Vì thân thể của công chúa yếu ớt mỏng manh, ta được lệnh chuẩn bị thuyền lớn để đưa tất cả trở về bằng đường biển.
Khi ta nhận được tin báo là lúc đang phê chuẩn phương án tẩu tán nốt số ngọc ngà châu báu tới từ Đại Việt, còn Trần Thiệu Nghĩa như thường lệ vẫn ngồi bên cạnh ta thưởng trà. Mấy ngày nay tuy ta đã biết tỏng mục đích của hắn nhưng cũng chẳng dại gì mà không tương kế tựu kế diễn một màn kịch thiếu nữ hoài xuân, tình trong như đã mặt ngoài còn e, thi thoảng không có chuyện gì cũng phải len lén một cách lộ liễu nhìn trộm hắn rồi tủm tỉm cười. Có vẻ như kỹ năng diễn xuất của ta quá tốt, Trần Thiệu Nghĩa càng ngày càng hỏi ta nhiều câu hỏi trắng trợn. Giống như hôm nay, vừa nhận được tin đại nhân Trần Khắc Chung yêu cầu chuẩn bị thuyền lớn, hắn liền quay sang ta hỏi.
"Nàng thấy sao về yêu cầu này? Gộp chung đoàn chúng ta, đoàn sứ thần của Trần Khắc Chung đại nhân cùng công chúa và tùy tùng có thể tới một ngàn người đấy. "
Ta tuy bĩu môi trong lòng nhưng bề ngoài vẫn giả vờ nhíu mày suy nghĩ rồi mới nói.
"Sản nghiệp của tiểu nữ ở Chiêm Thành không được như ở Đại Việt nên chuẩn bị những thữ này không phải dễ, chắc cũng phải mất một thời gian. Nhưng tiểu nữ có một thắc mắc. Việc này là công chuyện của triều đình, lẽ ra cần phải do hoàng thất chuẩn bị, tại sao đại nhân Trần Khắc Chung lại có ý giao cho tiểu nữ?"
Ta nói xong khuôn mặt Trần Thiệu Nghĩa hiện rõ vẻ khó xử, sau đó hắn mới nói.
"Nàng cũng biết sau ba lần chiến tranh chống Thát tặc, quốc khố không được dồi dào, thiết nghĩ nàng có được sản nghiệp này cũng là nhờ sự che chở của quan gia, góp chút công sức cho hoàng thất cũng là lẽ thường."
Ta cúi đầu giả vờ suy nghĩ rồi mới quay sang Chi thị dặn dò.
"Chi thị, em cho người đưa đốc tướng quân tới bến thuyền, ngài ấy có yêu cầu gì thì cố gắng dặn dò người làm, không được phép từ chối."
Ta đưa Trần Thiệu Nghĩa tới tận cửa, giả vờ ngập ngừng bịn rịn nhìn hắn lên ngựa như không nỡ cách xa, đợi đoàn người ngựa của hắn đi khuất ta mới kéo Chi thị vào phòng đóng cửa lại.
"Mấy hôm nay nhóm người của hắn làm những gì rồi?"
"Bẩm tiểu thư, mấy hôm nay Hồ Phúc đã đi xem xét tất cả các mối làm ăn của chúng ta ở Chiêm Thành, hắn còn đặc biệt hỏi dò về các mối quan hệ của chúng ta với quan lại địa phương."
"Được rồi, dặn người của chúng ta bọn hắn hỏi gì thì trả lời ấy, muốn xem cái gì thì cho xem cái ấy, sau đó thì ghi chép hết lại."
Ta không bất ngờ với những gì Chi thị báo cáo bởi vì khi ta muốn điều tra các đối tác làm ăn của mình thì cũng đi qua ngần ấy bước. Bước một, lân la làm quen với người làm của đối phương để tìm hiểu xem người nào dễ mua chuộc. Bước hai, lên danh sách sản nghiệp của đối phương để xem nơi nào có vị trí trọng yếu, nơi nào có hoạt động khả nghi. Bước ba, tìm hiểu các mối quan hệ của đối phương để xem mối quan hệ nào có mục đích không rõ ràng.
Đương nhiên, sau đêm nghe lén được cuộc trò chuyện của Hồ Phúc và Trần Thiệu Nghĩa, ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho sản nghiệp của mình ở Chiêm Thành, dù hôm nay đích thân Trần Thiệu Nghĩa đi tới bến tàu để kiểm tra thì chắc chắn cũng không tìm được điểm nào khả nghi. Thật vất vả cho hắn, ở Chiêm Thành này ta thuần túy chỉ có ý buôn bán kiếm tiền, chưa bao giờ mảy may nghĩ tới việc xây dựng thế lực riêng. Tuy nhiên, ta vẫn chưa rõ mục đích cuối cùng của Trần Thuyên, vì thế trong lòng vẫn lo lắng như lửa đốt, ta không biết được chuyến này quay trở lại Thăng Long, đợi ta là thế cục gì, bạn hay thù, rượu mừng hay rượu độc.
Ta ở cửa hàng giải quyết một vài sự vụ râu ria cho tới tối muộn thì Trần Thiệu Nghĩa mới trở về, vừa thấy mặt ta hắn liền cười rạng rỡ như tình nhân lâu ngày không gặp. Hắn bước nhanh tới ngồi vào ghế bên cạnh ta rồi nói.
"Cả ngày hôm nay ta không ở đây, nàng có nhớ ta không?"
Mấy ngày nay hắn lúc nào cũng kè kè bên cạnh ta nên ta cũng thấy được một mặt khác của hắn, khi mặc lên giáp phục thì Trần Thiệu Nghĩa mang bộ mặt lạnh lùng khó ở nhưng mặc thường phục vào rồi thì cũng rất biết cách nói đùa. Nghe hắn nói vậy ta liền phì cười trả lời.
"Đương nhiên là tiểu nữ nhớ tướng quân như cách ba thu rồi. Hôm nay chàng ra bến tàu một chuyến có giải quyết được việc gì không? Người của tiểu nữ có giúp gì được chàng không?"
Hắn liền trả lời ta bằng một nụ cười sang sảng:
"Quả nhiên Đoàn Điểm nhà chúng ta vô cùng tài giỏi, sản nghiệp ở Chiêm Thành vô cùng giàu có, chỉ mất nửa ngày người của nàng đã sắp xếp xong thuyền lớn và vật tư để đưa công chúa trở về kinh thành. Chỉ đợi lệnh của Trần Khắc Chung đại nhân là chúng ta có thể lên đường."
Lời khen này của hắn quả thật ta không dám nhận, nếu được chọn, ta thà ôm tiền vác tội phản quốc còn hơn. Dù sao thì sản nghiệp bí mật của ta đứng tên Linh thị và Chi thị trải khắm ba nước, chạy đi đâu mà chẳng được. Tuy nhiên, ta lại càng muốn biết vì cớ gì Trần Thuyên lại sinh lòng nghi kị với ta? Cứ nghĩ tới thằng nhãi ấy là tim ta lại đau âm ỷ, thật là chơi với vua như cưỡi lưng hổ. Có lẽ thấy ta trầm mặc hồi lâu không trả lời, Trần Thiệu Nghĩa liền cầm lấy bàn tay ta bóp nhẹ.
"Chuyến đi này tổn thất của nàng rất nhiều, ta chắc chắn khi trở về sẽ cầu quan gia khen thưởng nàng xứng đáng."
Thì ra khuôn mặt đau khổ vì tình của ta lại bị hắn hiểu thành khuôn mặt tiếc tiền. Thôi thì chuyện này cũng chẳng đáng để giải thích nên ta liền gật đầu cho qua.
....................................
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro