Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 4: SOMETIMES EVER SOMETIMES NEVER



1.

Con người sống là vì điều gì, chết đi sẽ đi đâu? Tôi đã từng nghiền ngẫm đáp án của hai vấn đề này.

Sống vì đủ kiểu kết quả, nhưng tôi lại thử từ bỏ khát khao đối với những kết quả ấy. Gió xuân ghé đến ngõ Yến Tử, tôi khát khao mọi chuyện sẽ tốt lên, bố sẽ xuất hiện ở đầu ngõ, tay chân mẹ vẫn còn linh hoạt đang khom lưng nhặt hành, cả bầu trời trong xanh bao la đón con tỉnh giấc.

Hồi nhỏ tôi làm bài tập đến nửa đêm vì khát khao thi cuối kỳ vào được top 3, tôi giúp trực nhật lau bảng vì khát khao bạn bè trong lớp sẽ đón nhận mình.

Lớn lên tôi ngồi trên phòng tự học đến giờ tắt đèn vì khát khao thấy được bóng dáng quen thuộc bước vào dưới ánh đèn, tôi gọi một cuộc gọi không ai nghe máy vì khát khao nhận được lời đáp dịu dàng.

Lúc lau người cho mẹ, tôi khát khao mẹ có thể nói rõ từng từ. Mỗi ngày dậy lúc bốn giờ sáng, tôi khát khao mái ấm này mãi mãi không sụp đổ.

Những khát khao này cứ lớn dần theo ngày đêm rồi lại dần dần trở nên cằn cỗi, như thảo nguyên mất đi sức sống, như bóng đêm dâng lên từ trong khe nứt, đưa tay ra chẳng thấy rõ năm ngón, dấu chân và vết tuyết tan biến, mây đen sà xuống sát mặt đất.

Mẹ nói sau khi một người chết đi thì người thân chết trước sẽ đợi bạn ở một thế giới khác.

Thi thoảng tôi nghĩ, liệu đây có phải là thế giới khác đó hay không.

Giây phút đèn đỏ vụt tắt, tôi thấy khát khao trong mắt Tiểu Tụ cũng tắt theo. Tôi nghĩ đưa con bé đi một chuyến cũng được. Sớm muộn gì cũng chết, tôi sẽ không thay đổi dự định, thế giới này sẽ không biến đổi. Con bé nói cũng có lý, cả đời này tôi chẳng làm nên chuyện gì, vậy giúp đỡ một cô bé ở thời khắc cuối đời thế này xem như tích đức cho kiếp sau vậy.

2.

Tôi vừa lái xe vừa hỏi Tiểu Tụ đang ôm chặt balo ngồi trên ghế phụ lái:

- Địa chỉ cụ thể ở đâu? Mà thôi, con đưa vé cho chú xem nào.

Con bé đưa cho tôi một tờ vé nhăn nhúm, tôi hơi ngạc nhiên:

- Con mua vé thật đấy à?

Tiểu Tụ cười hi hi:

- Nói ra chắc chú không tin, đây là vé bạn cùng phòng bệnh cho con trước khi xuất viện đấy, cậu ấy bảo chắc chắn con sẽ có cơ hội được đi xem.

Tôi cầm vé ngó thử, thoáng giật mình:

- Trần Nham? Concert của Trần Nham? Đây đây đây... cô ấy là bạn đại học của chú đấy!

Tiểu Tụ trố mắt:

- Chú bốc phét chứ gì?

Tôi nhìn địa chỉ rồi trả vé lại cho con bé:

- Nói ra chắc con không tin, bạn chú thật đấy.

Chiếc xe chao đảo lắc lư, từ kính chiếu hậu có thể thấy một một làn khói đen phảng phất, chắc là bốc lên từ đuôi xe. Tiểu Tụ không ngớt miệng:

- Chú cho con xin wechat của chị ấy được không ạ?

Tôi nói:

- Cho con cũng vô ích, người ta không add con đâu.

Tiểu Tụ nói:

- Đây là vấn đề con tự giải quyết, chú không cần quan tâm.

Tôi lười nói qua nói lại với con bé, ai ngờ vừa đưa wechat xong con bé lại bắt đầu giày vò tôi một đợt mới, trực tiếp hỏi tôi một cách không có tí lịch sự nào:

- Chú ơi chú vô dụng đến thế thật ạ?

Tôi nói:

- Cũng tạm.

Tiểu Tụ nói:

- Chú ơi, xe chú vừa xấu vừa nát thế bảo sao bị vợ bỏ.

Tôi đạp chân phanh:

- Ngồi ra sau đi được không, đừng có làm phiền chú.

Con bé làm thinh chỉ vào bức ảnh dán trên tấm chắn nắng.

- Đây là ảnh cưới của chú ạ?

Tôi giật phắt xuống ném vào hộp tay vịn ô tô, không buồn để ý đến con bé, nhóc con này vẫn không tha:

- Từng này tuổi rồi mà sao còn dễ nổi nóng thế nhờ.

Tôi chống trả yếu ớt:

- Con mà cứ như thế nữa là chú không đưa con đi đâu nhé.

Tôi đã từng trải qua nhiều kiểu cãi vã om sòm, trong lòng cũng nảy sinh nhiều kiểu ghét bỏ, cuối cùng rồi cũng giống như con cá chết bị ném vào thùng rác, mặc kệ cho lá rau thối rữa phủ lên người, dù sao cũng đều bị vứt đi như nhau thôi. Nhưng sự ồn ào của đứa trẻ này khiến tôi có cảm giác rõ ràng nằm trong phạm vi mình có thể ngăn cản được lại không biết phải xuống tay từ đâu.

Vừa hay chiếc xe đột ngột vang lên tiếng khực khực, tôi thả chân ga nhanh chóng tấp vào lề đường, quả nhiên xe chết máy luôn. Tôi thở dài nói với Tiểu Tụ:

- Không phải chú không đưa con đi, tại xe hư rồi.

Tiểu Tụ nhìn thẳng về phía trước, mặt không biểu cảm nói:

- Vợ chú nói chẳng sai tí nào, đúng là chẳng làm nên chuyện nào ra hồn.

Thái dương tôi đau nhức:

- Thế xe hư rồi thì chú cũng biết sao được.

Tiểu Tụ nói:

- Hư thì sửa.

Màn hình cây ATM bên đường hiện số dư 2864 tệ, tôi kéo Tiểu Tụ lại cho con bé nhìn. Tiểu Tụ sửng sốt nhìn lại tôi:

- Quái lạ, chú cho con xem làm gì, con cũng có tiền đâu.

Tôi nói:

- Về thôi.

Tiểu Tụ nói:

- Vợ chú nói chẳng sai tí nào, cả đời này của chú...

Tôi nhanh chóng nhập mật khẩu, rút hết số tiền có thể rút:

- Sửa, sửa, sửa, chú sửa.

Tiểu Tụ mở balo lấy ra mấy tờ 10 tệ rồi đưa ra như dâng của quý.

- Nè.

3.

Tiền xe kéo hết hai trăm tệ, các khoản còn lại phải đợi kiểm tra xong mới biết. Tôi từ chối hết tất cả sửa chữa liên quan đến hình thức bên ngoài, mục tiêu vô cùng rõ ràng: đi được là được.

Bác thợ sửa xe ngậm điếu thuốc nằm xuống gầm xe, nói:

- Vừa mất công vừa ít tiền, đúng là không muốn nhận sửa cho cậu chút nào.

Tiểu Tụ ôm balo yên lặng ngủ trên ghế mây. Tôi sang quán tạp hoá bên cạnh mua vài chai nước, hai cái bánh bông lan, một gói xúc xích dùng làm đồ ăn đi đường.

Mưa rả rích phủ một lớp sương mù trắng xoá vô tận, tôi xách túi đồ đi qua con ngõ nhỏ, một bóng đen chui ra từ đóng gạch vụn sát tường. Tôi dừng bước, bóng đen đó chỉ là một con chó đen ướt nhẹp, nó sợ sệt đi đến cạnh tôi, ngồi xuống rồi dè dặt cọ đầu vào bàn chân tôi.

Tôi ngồi xổm xuống để nhìn kỹ nó, nó bị mất một nửa tai, trên mũi có vết sẹo dài, khóe mắt còn có vết máu, bụng to gần chạm đất, chắc là đang mang thai.

Xoa đầu nó nó cũng không tránh, chỉ nức nở kêu vài tiếng khe khẽ.

Nước mưa chảy thành một lối nhỏ dưới chân, cuốn theo vài đầu lọc thuốc lá bẩn thỉu và mấy tờ rơi quảng cáo. Tiếng nước chảy liên miên ấy như thể có người đang thở dài thườn thượt.

Tôi mở túi bóng bóc vài chiếc xúc xích rồi đặt cạnh miệng con chó. Đôi mắt nó đen sẫm, toàn thân ướt sũng nước, vẫn khe khẽ kêu rên.

Tôi vỗ về:

- Mày cũng không ai thèm cần à.

4.

Lái xe từ Nam Kinh đến Vũ Hán mất bảy tám tiếng.

Trên radio có người đàn ông đang trầm lắng kể lại câu chuyện tình yêu của mình, cuối cùng đưa ra một kết luận: "Vì sao người nghiêm túc với chuyện tình cảm thì không được hồi đáp, còn kẻ chơi đùa cho vui thì lại thuận lợi như cá gặp nước? Vì một khi bạn nghiêm túc xác định sẽ bên nhau trọn đời thì tất cả hy sinh bạn đều muốn được báo đáp, tất cả cho đi đều muốn được đáp lại, tất cả đợi chờ và quan tâm của bạn một khi không có phản hồi đều sẽ biến thành tự dày vò bản thân. Còn những người đùa cợt cho vui, họ không có được cũng chẳng làm sao, họ mất sáu tiếng đồng hồ để xoa dịu trái tim, họ đi cả chục cây số chỉ để đưa một bữa sáng, họ xếp một xe đầy hoa hồng chẳng màng đến ánh mắt những người xung quanh, không hề vì muốn người khác gửi gắm cuộc đời mình cho họ. Vì vậy, khi đối phương không cho họ một hồi đáp bình đẳng họ cũng sẽ không buồn. Người nghiêm túc với chuyện cả đời không được hồi đáp vì họ quá mong chờ. Người chơi đùa cho vui như cá gặp nước vì họ không chân thành..."

Nghe đến đây thì mất tín hiệu, xe đưa tôi và Tiểu Tụ vào địa phận An Huy.

Chúng tôi đi qua hàng loạt biển chỉ đường, mưa rơi rả rích, gió thổi vù vù qua khe hở cửa sổ. Tiếng chuông điện thoại vang lên, Tiểu Tụ trực tiếp vuốt tắt.

- Haizz con phải khoá máy thôi, mẹ con phát hiện ra rồi, chắc là đang tìm con.

Tôi nói:

- Mau nói với mẹ con một tiếng đi, chắc mẹ lo lắm đấy.

Con bé cầm điện thoại gửi tin nhắn thoại:

- Con ổn lắm không sao đâu mẹ, mẹ cho con đi xem đi được không ạ, con không muốn nằm trong phòng bệnh chờ chết.

Tôi nói:

- Kiểu gì mẹ con cũng báo cảnh sát.

Tiểu Tụ nói:

- Không liên luỵ đến chú đâu ạ, xem concert xong con về liền... Ôi mẹ con lại gọi nữa...

Con bé hơi do dự rồi khóa máy luôn.

Tôi nói:

- Chú xem thường nhất là kiểu trẻ con như vậy, đụng tí là khoá máy, không có tinh thần trách nhiệm gì cả.

Còn chưa dứt lời thì điện thoại của tôi vang lên, liếc nhìn tên hiển thị trên màn hình, Lâm Nghệ.

Tôi không nói nhiều lời, khoá máy.

Tiểu Tụ tròn mắt:

- Con xem thường nhất là người lớn như vậy, đụng tí là khoá máy, không có tinh thần trách nhiệm gì cả.

Chiều tối thì chúng tôi gần đến Vũ Hán, bên đường có hộ nông dân đang lợp màng nhà kính. Một bác gái khoác áo khoác ngồi sau sập hàng thô sơ rao hàng:

- Mua dâu tây không?

Tôi lái xe vào lề, nói:

- Có.

Bác gái không dám tin, tay trái cầm mã QR, tay phải đưa cho tôi một giỏ đầy dâu tây.

- Cậu mua thật à? Tôi không ngờ giờ này rồi còn có người mua đấy.

Tôi quét mã thanh toán.

- Thế sao bác còn ra đây?

Bác gái cười nói:

- Thì vì cậu đến đấy, ai biết sẽ đụng phải ai, kiểu gì cũng sẽ gặp được chút bất ngờ mà.

Dâu tây ở đây trăng trắng phớt hồng, không ngọt cũng chẳng thơm. Tiểu Tụ rửa qua bằng nước khoáng, sau khi đưa lên miệng tôi thấy tôi lắc đầu thì thích thú tự ăn hết quả này đến quả khác.

- Ngon quá.

Con bé khen dâu tây ngon, còn nói vì quá đắt nên mẹ rất ít mua:

- Con nằm mơ cũng nghĩ mình mà được ăn dâu tây no bụng thì tốt quá rồi.

Cô bé con lẩm bẩm rồi ngủ thiếp đi.

5.

Lái đến nhà thi đấu lộ thiên, đoàn người tập trung đông đúc trên bậc thềm rộng lớn trước cửa, bên ngoài treo poster Trần Nham cỡ lớn. Tôi lay Tiểu Tụ dậy, con bé dụi đôi mắt còn lim dim, hỏi:

- Đến rồi ạ?

Tôi đưa con bé đến lối vào.

- Con tự đi một mình được không?

Con bé gật đầu chắc nịch.

- Con đi được, chú ơi, xem xong làm sao con tìm chú được ạ?

Tôi thở dài, ừ nhỉ, còn phải đưa con bé về Nam Kinh.

- Đợi đến lúc con xem xong thì muộn lắm, chú đi tìm khách sạn trước rồi gửi địa chỉ vào điện thoại con, bao giờ con xem xong thì gọi cho chú. Ngày mai chúng ta mới về, hôm nay chú không lái xe nổi nữa rồi.

Tôi mở điện thoại Tiểu Tụ ra rồi gọi vào số của mình, lúc này mới phát hiện Tiểu Tụ không đáp lời, chỉ nhìn chằm chằm vào dòng người.

Chắc con bé chưa từng thấy cảnh tượng thế này bao giờ. Hầu như ở đây đều là người trẻ, tiếng nói cười như sóng triều cuộn trào trên bậc thềm, mấy người bán vé lậu ôm hai chồng vé đi qua đi lại như thoi đưa. Hút mắt nhất vẫn là những người bán rong đồ lưu niệm, dù là bác gái hay ông cụ, ai ai cũng đeo vòng và bờm cài tóc phát sáng trên đầu, trên người đeo đầy bảng chữ phát sáng như tủ đèn hình người di động vậy. Từng chút ánh sáng xanh đỏ phát ra từ người họ rồi dần dần điểm xuyết lên khán giả xung quanh.

- Này!

Tôi gọi một người bán rong lại, cầm tờ 10 tệ:

- Bán cho tôi một cái tai mèo phát sáng.

Người bán rong nói:

- 20 tệ.

- Cướp tiền hay gì?

Tôi còn đang suy nghĩ thì Tiểu Tụ tức giận kéo tay tôi, nói:

- Chú ơi, con không cần đâu.

Tôi kệ con bé, lặng lẽ rút ra 20 tệ mua chiếc tai mèo rồi cài lên đầu nó.

- Đừng chen vào giữa đám đông, con nhỏ xíu thế này họ không nhìn thấy con, dễ bị đụng ngã lắm.

Tai mèo nhấp nháy chiếu sáng nụ cười phấn khích của cô bé. Tiếng nhạc bên trong vang dội, khán giả bắt đầu đi vào. Tiểu Tụ gật đầu định bước vào thì lại đột nhiên dừng bước, nghiêm túc hỏi tôi:

- Chú ơi, chú phải đưa con về đấy nhé. Chắc chú sẽ không lén... lén chạy luôn đấy chứ?

Không biết có phải do ảo giác của tôi không, mưa ở Vũ Hán dường như to hơn, chân trời lập loè ánh đèn lờ mờ.

Tôi nói:

- Chắc chắn sẽ đưa con về.

Tiểu Tụ quay người, chiếc balo trên lưng cũng nhảy lên theo bước chân con bé. Cô bé nhanh chóng biến mất giữa đám người.

Tôi lên mạng tìm được một khách sạn ba sao, tên khách sạn cũng có phong thái phết, tên là "Biệt Thự Ven Sông". Vừa bước vào sảnh đã thấy không khí vắng vẻ bao trùm, thảm trải sàn mòn cũ, giấy dán tường mốc meo, quầy lễ tân còn nứt một vệt lớn.

Tôi nhìn liếc bảng giá, nói:

- Điều kiện này của các anh mà cũng đòi 200 một đêm, không rẻ tí nào nhỉ.

Lễ tân cười rạng rỡ:

- Vâng anh, anh có thể ở khách sạn khác ạ.

Tôi nói:

- Thôi bỏ đi, ở tạm vậy.

Lễ tân nói:

- Đặt cọc 300 ạ.

Tôi đưa tiền mặt, lễ tân vừa cất tiền vào ngăn kéo thì có điện thoại, anh ta điềm đạm nghe máy.

- Chào quý khách, đây là quầy lễ tân ạ.

Giọng nói trong điện thoại vang to:

- Sao lại có chuột! Phòng tôi có chuột! Cậu đổi cho tôi phòng khác đi!

Lễ tân điềm đạm nói:

- Thưa anh, đổi phòng khác có thể vẫn có chuột, anh có chắc chắn muốn đổi không?

Vị khách đầu dây bên kia dường như đang sốc, im lặng một lúc mới nói:

- Thế cậu đuổi chuột ở phòng này đi cho tôi.

Lễ tân điềm đạm nói:

- Thưa anh, khách sạn không cung cấp dịch vụ diệt chuột.

Nói xong anh ta cúp máy luôn, không một chút do dự. Tôi lập tức lại gần:

- Không được đâu người anh em ơi, tôi còn mang theo trẻ con nữa, đứa trẻ lại đang bị bệnh. Điều kiện vệ sinh ở chỗ cậu không ổn đâu.

Lễ tân liếc mắt nhìn tôi:

- Trẻ con bị bệnh mà còn ở chỗ này, anh không sợ bệnh càng thêm bệnh à?

Tôi nói:

- Thế tôi huỷ phòng có được không?

Lễ tân điềm đạm nói:

- Thưa anh, khách sạn không cho huỷ phòng.

Tôi chán nản quay người định đi, lễ tân bỗng gọi tôi lại, ném cho tôi một chiếc thẻ phòng:

- Phòng này tôi dọn dẹp sạch sẽ rồi, tầng ba, bình thường tôi cũng hay ở trên đó, nhường anh đấy.

Tôi vào phòng nhìn xung quanh, quả thực cũng xem như sạch sẽ. Tôi rút điện thoại ra gửi địa chỉ cho Tiểu Tụ. Mở cửa sổ hút một điếu thuốc, ngoài đường người qua kẻ lại tấp nập, có bản tình ca không biết từ đâu truyền đến, mưa càng lúc càng nặng hạt, mặt đường lênh láng nước, ánh đèn neon nhấp nháy lấp lánh.

Lâm Nghệ đã gọi nhỡ hai cuộc, có lẽ vì đến bệnh viện nhưng không tìm thấy tôi. Cô ấy là người duy nhất tìm tôi trên thế giới này, nguyên nhân lại là vì muốn hoàn toàn rời xa tôi.

Cô đơn chưa bao giờ đến từ những người xa lạ, những con người không quen biết nhau giữa thành phố này như đeo bịt mắt đường ai nấy đi, mưa phủ trắng trời cũng chẳng thấu đến tâm can. Cô đơn luôn đến từ những người quan trọng trong cuộc đời chúng ta, bóng dáng họ in sâu trong quá khứ, nụ cười chẳng biết đi về nơi đâu.

Đầu óc tôi lặng đi, tim quặn thắt từng đợt, hai cơ quan tạo nên tất cả cảm giác này dường như cắt đứt mọi liên hệ với nhau.

Tôi ra khỏi khách sạn, đi mãi đi mãi không có mục đích. Đi đến một con phố toàn quán ăn ven đường, tôi bước vào một quán cơm rang vắng khách trong góc phố, không đói bụng nên chỉ gọi một chai rượu trắng.

Uống được vài ngụm lồng ngực đã như thiêu như đốt, nước mắt bắt đầu vô cớ tuôn trào.

Lâm Nghệ lại gọi đến lần nữa, tôi bắt máy.

Tôi hơi chếnh choáng, nói:

- Xin chào, mời nói.

Lâm Nghệ im lặng một lát, nói:

- Tống Nhất Lý, chúng ta bắt buộc phải ly hôn.

Tôi nói:

- Anh không đồng ý, em ra toà đi, nói với thẩm phán rằng em ngoại tình, em có lỗi với anh. Sau đó anh sẽ nói với thẩm phán, không sao cả, anh tha thứ cho em.

Câu nói này vừa trôi chảy lại vừa lạnh nhạt, vừa hèn mọn lại vừa vô cảm, như thể đang tự thuyết phục chính mình. Chặn mọi nẻo đường đến mức độ này đúng là tôi đã phát huy hơn cả bình thường.

Lâm Nghệ nói:

- Tôi có thai rồi.

Tiếng mưa lộp bộp rơi xuống mái che trên đỉnh đầu, tôi nghe rõ được tiếng từng hạt mưa nhỏ xuống mặt vải bạt. Xa xa có chai rượu bị đập vỡ, cô gái ngồi bàn bên cạnh nói cười gọi thịt nướng, một chiếc taxi chạy vụt qua đường, bắn toé nước lên cao ngang nửa người.

Ngọn đèn trên tầng ba phía đối diện im hơi lặng tiếng tắt rụp, khung cửa sổ đó chìm vào bóng đêm.

Tim tôi không đau nữa, mà mất luôn rồi, cứ sống sờ sờ thế mà biến mất.

Người ta nói nguyên liệu của nước mắt là máu, vậy nên đừng khóc. Tôi không khóc nổi, tim tôi biến mất, máu biến mất, nước mắt cũng không còn nữa.

Bóng người xung quanh lắc lư lay động, tôi ngờ nghệch nhìn màn hình điện thoại đã ngắt cuộc gọi, nghĩ bụng, sao tôi vẫn chưa chết.

Trước mặt bỗng xuất hiện một bát cơm rang, tôi ngẩng đầu, ông chủ vỗ vỗ vai tôi:

- Tôi mời cậu ăn, ăn chút đi rồi hãy uống rượu.

Ông lau tay vào tạp dề:

- Đàn ông khóc đến như vậy, tôi không biết cậu gặp phải chuyện gì, cũng không nên hỏi. Mời cậu ăn bát cơm rang đấy, gắng chịu đựng lên nhé.

Tôi ngấu nghiến ăn cơm rang, gắng sức nhai rồi lại gắng sức nuốt, không nuốt được thì uống ngụm rượu để nuốt trôi, không muốn nghĩ thêm bất cứ điều gì nữa.

Mưa như trút nước, một bàn thanh niên ngồi sát lề đường vừa gõ cốc chén vừa hát, còn ném cả chai rượu xuống lòng đường khiến người đi đường phải liên tục né tránh. Chủ tiệm mang cơm rang ra, khuyên nhủ:

- Tôi phải dọn hàng nên tặng mọi người một suất cơm rang, xem như kết thêm bạn.

Một tên đầu trọc câng câng hất cằm:

- Định đuổi bọn tao đi hả?

Tôi nâng chai rượu thấy đã rỗng không, bèn đặt xuống chân rồi loạng choạng đứng dậy, không hiểu sao lại nhìn chằm chằm vào bàn bên cạnh.

Ông chủ cười xòa:

- Tôi không có ý đó, chỉ sợ người trên tầng họ báo cảnh sát thì...

Tên đầu trọc đẩy ngã ông, chiếc mũ ông đang đội rơi xuống rồi nhanh chóng bị gió cuốn đi. Tên đầu trọc nói:

- Hôm nay bọn tao đang uống vui, đừng hòng ai đi được cả, lấy rượu!

Ông chủ đứng dậy, nói:

- Chàng trai à, cho tôi chút mặt mũi...

Đầu trọc túm cổ áo ông:

- Mày là cái thá gì mà đòi tao giữ mặt mũi?

Ông chủ cố gắng bỏ tay hắn ta ra:

- Tôi không là gì cả, cậu đừng so đo với tôi, thế này đi, tôi giảm 20% cho các cậu nhé?

Tên đầu trọc nâng cả người ông lên:

- Thái độ này của mày mà còn muốn lấy tiền hả?

- Bỏ tay ra.

Tôi đứng lên.

- Cái gì? Mày nói lại lần nữa xem nào?

Tên đầu trọc nhìn thôi, bạn bè sau lưng hắn ta cũng đứng dậy.

Tôi nhổ một bãi nước bọt ra đất, bỗng nhiên trượt chân suýt thì không đứng vững. Tôi lập tức vịn vào bàn, chỉ bọn họ, nói:

- Mẹ nó chứ điếc hả, tôi bảo cậu bỏ tay ra.

Dưới góc nhìn của tôi, chuyện tiếp theo xảy ra chính là tất cả đồ đạc đều đang lăn lóc. Bầu trời đêm mưa, mái che xanh thẫm, chai rượu bay qua bay lại, khuôn mặt hoang mang sợ hãi, khung cảnh như những vòng xoáy trong tranh của Picasso, tất cả đều méo mó, xoay vòng và vỡ vụn.

Bàn ghế đều bị xô đẩy hết, tôi ôm tên đầu trọc lăn một đoạn dài.

Những cái đấm cú đá của mấy cậu thanh niên giáng hết xuống người tôi, nhưng lạ thay, tôi chẳng thấy đau chút nào. Tay chân tôi mất khả năng khống chế, chỉ biết dùng hết mọi cách túm thật chặt đầu tên đầu trọc, không túm được thì dùng đầu đánh, đánh váng đầu thì lấy chân đá.

Chúng tôi cứ vật lộn trên đất như thế, gần như lăn ra đến lề đường. Ông chủ hoảng sợ la lên đừng đánh nữa, nhưng tôi hoàn toàn không muốn dừng tay. Đánh đi, tôi còn chưa đánh ai bao giờ. Lúc bố mất tôi không biết đánh ai, lúc mẹ nhảy lầu tôi cũng không biết đánh ai. Người ta nói chính vì tôi mà cái nhà này mới tan nát như thế. Vậy thì cứ đánh chết tôi đi.

Có người cầm ghế nhựa đập vào lưng tôi. Đánh chết tôi đi, có giỏi thì đánh cho tôi chết luôn đi, dù sao tôi cũng không muốn sống nữa.

Đột nhiên bọn họ đều dừng tay lại, bao gồm cả tên đầu trọc. Trên mặt họ toàn là vẻ sợ sệt và bất ngờ.

Tôi thở hồng hộc, giờ mới nhận ra mình vừa nói hết tiếng lòng, gào thét thành lời hết những suy nghĩ điên cuồng. Tôi lau vết máu trên miệng, vừa đứng lên bước hai bước thì đám thanh niên đều đồng loạt lùi lại.

Tôi đang định túm cổ áo tên đầu trọc, nhưng vừa nâng tay lên thì cả người đã bị nhấn gập xuống.

- Ngồi xuống, cảnh sát đây, tất cả ngồi xuống!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro