BÁC HỒ
Sức mạnh to lớn của nhân dân chỉ phát huy khi được tập hợp, đoàn kết và được lãnh đạo bởi một tổ chức chính trị, Người khẳng định: "Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi"(4). Người chỉ rõ cách mạng Việt Nam phải có đảng lãnh đạo, có chủ nghĩa Mác-Lênin làm nòng cốt. Năm 1930, Người chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập ra một Đảng Cộng sản thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc dự thảo, các văn kiện này trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Bản Cương lĩnh chính trị thể hiện rõ sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết mối quan hệ giai cấp-dân tộc- quốc tế về đường lối cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam bước vào cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do cùng các dân tộc bị áp bức, đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, góp phần giải phóng loài người khỏi bóc lột và bất công. Người đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh chính trị đúng đắn đã chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, phương pháp và tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở đầu cho một thời kỳ mới trong lịch sử của dân tộc. Tuy Đảng vừa mới ra đời nhưng đã trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Người kêu gọi một số tổ chức quốc tế, các đảng anh em có những hình thức phối hợp đấu tranh nhằm động viên, giúp đỡ phong trào về vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, Người còn thẳng thắn góp ý phê bình Đảng còn kém đường bí mật công tác, nhắc nhở Đảng phải tìm cách bảo vệ cán bộ, không để kẻ thù tìm cách bắt giữ hết cán bộ của ta. Người không chỉ kêu gọi sự giúp đỡ phong trào mà còn ngăn chặn sự đàn áp đẫm máu của bọn đế quốc, nhờ đó mà Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ca ngợi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đánh giá cao công lao to lớn của Người.
Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng đã họp và ra nghị quyết: Hội nghị hiệp nhất Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì là phạm sai lầm, chỉ lo đến việc phản đế mà quên lợi ích giai cấp đấu tranh, việc phân chia thành trung, tiểu, đại địa chủ trong sách lược của Đảng là không đúng nên Hội nghị đã bỏ tên "Đảng Cộng sản Việt Nam" mà lấy tên là "Đảng Cộng sản Đông Dương" hoạt động theo như chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Bên cạnh đó, Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Ma Cao vẫn cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức của Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Điều đó chứng tỏ quan điểm và uy tín của Người trong Đảng vẫn rất lớn.
Tháng 10/1934, Người được vào học Trường Quốc tế Lênin, Người học đầy đủ các môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và những phương pháp học tự nghiên cứu kết hợp với thực tế. Cuối năm 1936, Người trúng tuyển vào lớp nghiên cứu sinh, ngành lịch sử của Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Năm 1937, Người dự kỳ thi học kỳ I của lớp nghiên cứu sinh đạt kết quả tất cả các môn học. Do chiến tranh ngày một ác liệt, Người không thể yên tâm ngồi học mà nóng lòng muốn trở về nước hoạt động. Năm 1938, Người đã gửi thư cho Quốc tế Cộng sản bày tỏ nguyện vọng được về nước.
Trước khi về nước, trong thời gian khi còn hoạt động ở nước ngoài, dù đã từng bị tù đầy trong lao tù đế quốc vượt qua bao khó khăn gian khổ nhưng Người vẫn kiên định thực hiện con đường đã chọn là giải phóng dân tộc. Người vẫn luôn theo dõi tình hình trong nước, kịp thời chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, vào ngày 28-01-1941, Người trở về Việt Nam sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài.
Tháng 05/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp tại Pác Bó (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của Người. Hội nghị đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Người khẳng định: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng"(5). Để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù. Hội nghị quyết định thành lập "Việt Nam độc lập đồng minh", gọi tắt là Mặt trận Việt Minh vào ngày 19/05/1941. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 18/08/1945, Người viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Người viết: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"(6). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lật đổ chế độ phong kiến, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và giành lại độc lập dân tộc từ tay phát xít Nhật. Đây là thắng lợi to lớn của dân tộc vừa là sự kế thừa truyền thống của cha ông ta trong lịch sử, vừa là sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" (7). Bản tuyên ngôn khẳng định quyền tự do, độc lập của các dân tộc và nói lên ý chí của toàn dân quyết đem tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"(8). Bản Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, trong đó độc lập, tự do gắn với phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chính trị cốt lõi vốn đã được Người phác thảo lần đầu trong Cương lĩnh của Đảng năm 1930, nay đã trở thành hiện thực cách mạng đồng thời trở thành chân lý của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới của dân tộc Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1969
Mới giành được chính quyền chưa được bao lâu thì thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam. Quân Pháp núp sau quân đội Anh, đã nổ súng ở Nam Bộ. Ở miền Bắc thì hơn 20 vạn quân Tưởng kéo vào hòng thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vận mệnh dân tộc lúc đó như "ngàn cân treo sợi tóc" trước tình thế đó, Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Người cùng Trung ương Đảng một mặt lãnh đạo đồng bào Nam Bộ kháng chiến, mặt khác chăm lo xây dựng Đảng, củng cố chính quyền non trẻ, đầy lùi giặc đói, giặc dốt, khắc phục nạn tài chính thiếu hụt. Về đối ngoại, Người vận dụng sách lược mềm dẻo, khôn khéo, thêm bạn, bớt thù, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", với những nhân nhượng cần thiết để tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng đi vào cuộc kháng chiến lâu dài. Nhờ vậy mà tháng 12-1946, chính quyền cách mạng trong cả nước được giữ vững với tư thế sẵn sàng và lòng tin sắt đá vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!"(9). Người đề ra đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh đồng thời Người lãnh đạo, tổ chức, chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và kiên quyết chiến đấu bảo vệ tổ quốc với ý chí "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(10)
Năm 1951, Người cùng Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đưa Đảng ra công khai với tên là Đảng Lao động Việt Nam và bầu Người làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trong Thư gửi Đại hội trù bị, Người viết: "Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam"(11). Đại hội đã thông qua Cương lĩnh mới, Điều lệ mới của Đảng đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp nhằm động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đẩy mạnh kháng chiến đưa đến thắng lợi ở Điện Biên Phủ lịch sử (năm 1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Người chỉ đạo, động viên cán bộ chiến sĩ trên mặt trận và truyền thêm sức mạnh, ý chí quyết chiến quyết thắng, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ giành thắng lợi. Trong Thư gửi Mặt trận Điện Biên Phủ, Người viết: "Thu Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén"(12). Tháng 7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc Việt Nam được giải phóng, nhưng miền Nam vẫn bị đế quốc Mỹ xâm lược. Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Năm 1960, Đại hội lần thứ III của Đảng, Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Người nêu ra hai nhiệm vụ chiến lược: "Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà"(13). Cả hai nhiệm vụ đều nhằm mục tiêu chung là củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ. Người còn nêu rõ miền Bắc là hậu phương lớn, có vai trò quyết định đối với cách mạng cả nước, miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đối với hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Để đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, Người nhấn mạnh trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ công đoàn: "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa"(14). Con người mới xã hội chủ nghĩa là những người có đạo đức và tri thức, là những người vừa "hồng" vừa "chuyên" và có ý thức làm chủ, xây dựng nước nhà. Người lãnh đạo nhân dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, đồng thời ra sức hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam. Người cũng luôn tin tưởng và khẳng định sự tất thắng của cách mạng miền Nam. Sau Hiệp định Giơnevơ, Người nêu rõ: "Để giành lấy thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí"(15). Người còn viết Thư gửi đồng bào cả nước vạch trần những âm mưu trong nước và thế giới về những hành động sai trái của đế quốc Mỹ, Người khẳng định: "Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"(16). Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, đòi hỏi toàn thể đồng bào phải quyết tâm kháng chiến.
Năm 1965, trước thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ đã chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ". Chúng dùng mọi thủ đoạn, mọi phương tiện hiện đại đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng hải quân, không quân kể cả máy bay chiến lược B.52. Trước những hành động leo thang xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ, Người khẳng định: "dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn"(17) Người đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Người nói: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!"(18). Người khẳng định nhân dân Việt Nam chẳng những không sợ mà còn còn quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, đồng bào và chiến sĩ từ hậu phương đến tuyền tuyến đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với tinh thần dũng cảm đã đoàn kết chiến đấu lần lượt đánh thắng mọi chiến lược của kẻ thù và giành được thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Ngày 02/09/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời, Người để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc thiêng liêng. Di chúc là những lời căn dặn cuối cùng đầy tâm huyết, nói lên tình sâu nghĩa nặng của Người với nước, với dân; nói lên niềm tin tất thắng ở sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu: "Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"(19). Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Người đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Người đã vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người luôn là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập và noi theo. Mỗi chúng ta cần cố gắng, nỗ lực hết mình để chăm lo hạnh phúc của nhân dân, ra sức phấn đấu, rèn luyện, noi gương tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực sự là những người cán bộ, đảng viên chân chính hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"(20). Việc nghiên cứu, tuyên truyền, học tập tấm gương Hồ Chí Minh góp phần thiết thực vào việc làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một bộ phận cấu thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội Việt Nam hiện đại.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro