CHƯƠNG II: QUY TRÌNH THIẾT KẾ ỨNG DỤNG BRAND YOUR MIND
Cảm xúc là thứ căn bản nhất của con người, là thứ khơi gợi lên những tiền đề cho sự sáng tạo. Trớ trêu thay, thứ ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất lại là những cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, em đã chọn cách đào sâu vào những trải nghiệm không mấy tốt đẹp của bản thân để bắt đầu quá trình thấu cảm: Sự chệch nhịp trong kế hoạch vì không hiểu thông tin mình đang đọc.
Khoảng cách từ những ngày đầu háo hức cho đời sống sinh viên đến những phút giây mất cân bằng của em chỉ vỏn vẹn đúng một tháng: Khi mà em bắt đầu phải làm các bài tập nhóm và bị "lạc trong mê cung giáo trình". Có quá nhiều kiến thức mà em không thể hiểu, quá nhiều thuật ngữ mà em chưa biết. Tra cứu các trang uy tín trên Google, hỏi A.I, hay đọc lại giáo trình và vở ghi càng khiến em hoảng loạn hơn vì lượng thông tin quá đồ sộ. Những lúc này, em nhận ra mình cần phải tìm đến sự trợ giúp từ những người đi trước. "Nhưng liệu họ có thể giúp mình vào lúc này?" - Đó là thứ khiến em trăn trở khi nghĩ đến việc quỹ thời gian của mỗi người đều có hạn nên dù có muốn thì họ cũng không thể nào hỗ trợ em vượt qua tất cả những thách thức này. Rồi em tìm đến các hội nhóm, diễn đàn của sinh viên SIS nhưng kết quả nhận được cũng chỉ là những thứ chung chung giống với các kênh thông tin khác. Những thông tin ấy rất hữu ích, nhưng vậy là chưa đủ, chưa phù hợp với chương trình học của một ngành khá mới mẻ: Quản trị thương hiệu. Thậm chí, kể cả thư viện VNU-LIC và các sách tham khảo của VNU cũng không giúp em tìm ra định hướng phù hợp cho mình. Lúc này, khi đã quá bế tắc, em mới có đủ dũng khí để tìm sự giúp đỡ từ phía các bạn cùng lớp, và không nằm ngoài dự đoán của em, ai cũng gặp vấn đề trong đời sống học tập. Vì vậy, em đã chọn chủ đề này cho bài tiểu luận và tiến hành khảo sát bằng Google Forms và phân tích phản hồi từ khoảng 100 người tham gia khảo sát để tìm ra hai vấn đề chung lớn nhất: Không hiểu các thuật ngữ chuyên ngành và không biết cách tìm tài liệu phù hợp.
Khi tìm hiểu thông qua những buổi trò chuyện trực tiếp với một số hội nhóm, em nhận thấy sự mâu thuẫn giữa các phương pháp học tập hiện có và nhu cầu cũng như khả năng của sinh viên trong việc học tập tại Hòa Lạc. Các ứng dụng thư viện số như VNU-LIC hay Studocu vẫn chưa đủ thân thiện và dễ dùng vì nguồn dữ liệu quá đồ sộ so với khả năng chắt lọc thông tin và định vị kiến thức cần thiết của những người mới làm quen với đại học. Vì vậy, nhiều sinh viên tiếp cận A.I để tìm hướng đi mới cho mình. Ấy vậy, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì nó không giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề mà chỉ khiến người dùng ngày càng bị dựa dẫm vào công nghệ và sinh ra sự lười biếng. Thậm chí, việc "sử dụng A.I để chắt lọc thông tin" đã trở thành lý do để nhiều người lạm dụng chất xám của người khác và dần quên đi toàn bộ những kiến thức mình học, hoặc hiểu thông tin theo hướng sai lầm vì thiếu kiến thức nền tảng. Từ đây, vấn đề mà hẳn ai cũng từng phải trăn trở đã lộ diện: "Làm thế nào để sinh viên có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin mà không làm mất đi cái chất riêng, sự sáng tạo và ham muốn học tập của mình hay lệ thuộc và trí tuệ nhân tạo A.I?"
Trước câu hỏi đó, em đã nghĩ đến việc tạo ra một ứng dụng học tập miễn phí với những cải tiến so với các ứng dụng phổ biến đối với sinh viên nói chung và sinh viên VNU tại Hòa Lạc nói riêng. Ứng dụng này sẽ hoạt động như một bộ lọc để giúp người dùng tìm ra những thông tin phù hợp nhất với lộ trình của bản thân hoặc đưa ra gợi ý để sinh viên tự tìm ra một con đường cho riêng mình. Bên cạnh việc sử dụng các nguồn dữ liệu uy tín như VNU-LIC hay các diễn đàn thông tin chính thống của các tổ chức lớn, ứng dụng cũng sẽ bao gồm các tài liệu được chính những sinh viên khóa trước đề xuất. Đặc điểm này của ứng dụng chính là sự kết hợp giữa các trang học tập và các sàn thương mại điện tử, nơi mà chúng ta có thể đưa ra quyết định chi tiêu dựa trên đánh giá và trải nghiệm của những người dùng khác. Không dừng lại ở đó, em muốn ứng dụng này phải thỏa mãn nhu cầu được thấu hiểu, giúp đỡ của người dùng, từ đó khơi gợi cảm hứng học tập. Điều này sẽ giúp cho "bộ lọc" này trở thành công cụ hữu ích để các sinh viên khai thác lượng tri thức vô hạn của nhân loại một cách khoa học, có chọn lọc mà lại không bị quá phụ thuộc vào A.I.
Sau khoảng một tuần lên ý tưởng và nhìn nhận lại quá trình tích lũy kiến thức ngành Quản trị thương hiệu của mình tại SIS, em đã quyết định đặt tên cho ứng dụng của mình là Brand Your Mind (viết tắt là BYM) để thể hiện tính cần thiết của học phần "Quản trị học" đối với mọi hoạt động trong đời sống cũng như tăng tính độc đáo, độ nhận diện của ứng dụng khi coi mỗi lĩnh vực, chủ đề là một thương hiệu cần được phân loại, đặt tên. Qua đó, sự sáng tạo của người dùng sẽ được kích thích và các lộ trình họ tạo ra bằng tính năng của BYM sẽ mang tính liên kết đặc trưng của khoa học liên ngành.
Để giải quyết các vấn đề đã được xác định, BYM sẽ bao gồm các tính năng chính:
- Từ điển thuật ngữ chuyên ngành:
+ Cung cấp định nghĩa chi tiết, rõ ràng cho từng thuật ngữ.
+ Có chức năng tìm kiếm nhanh chóng và chính xác.
+ Cho phép người dùng lưu lại các thuật ngữ quan trọng để dễ dàng xem lại.
- Kho tài liệu học tập:
+ Tổng hợp các tài liệu học tập như sách, bài giảng, bài báo khoa học,...
+ Phân loại tài liệu theo ngành học, học phần, chủ đề.
+ Cho phép người dùng tải về hoặc đọc trực tuyến.
- Tạo cộng đồng học tập:
+ Cho phép người dùng tạo lập các nhóm học tập, thảo luận về các vấn đề chuyên môn hay tìm bạn học có chung định hướng.
+ Cho phép sinh viên tương tác trực tiếp với giảng viên để đặt câu hỏi, nhận phản hồi hay các bài ôn tập, kiểm tra trực tuyến từ giảng viên và hệ thống (phần mềm sẽ chấm điểm bài làm của sinh viên và đưa ra đánh giá dựa trên đáp án của giảng viên).
+ Tổ chức các cuộc thi, sự kiện để kích thích tinh thần học tập giống như các trò chơi tính điểm thưởng. Điểm thưởng tích lũy được có thể quy ra các phần thưởng thiết thực như vé tham dự các tọa đàm với sự tham gia của diễn giả có chuyên môn cao.
- Cá nhân hóa trải nghiệm học tập:
+ Lập kế hoạch học tập cá nhân và theo dõi tiến độ học tập của người dùng.
+ Đề xuất các tài liệu học tập phù hợp với sở thích và tiến độ của từng người.
+ Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ. Giao diện thân thiện, dễ sử dụng và có trợ lý ảo A.I.
+ Tích hợp với các công cụ học tập/làm việc khác của Google, Microsoft,...
+ Tạo danh sách nhạc phát trong nền giúp tăng cảm hứng học tập và độ tập trung.
Dựa vào những ý tưởng về các tính năng, em đã tạo ra một trang mô phỏng các trải nghiệm khi sử dụng ứng dụng BYM để kiểm chứng sự hiệu quả và tính khả thi của dự án này. Sau khi thu thập ý kiến phản hồi từ những người dùng thử và trao đổi trực tiếp đối với một số cá nhân đã truy cập vào trang web này, em đúc kết được các yếu tố sẽ trở thành những ưu điểm, lợi thế của BYM khi đưa vào thực tiễn:
- Tiết kiệm thời gian: Người dùng không cần mất quá nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin trên nhiều nguồn khác nhau.
- Tăng hiệu quả học tập, làm việc: Tài liệu được sắp xếp khoa học, dễ tìm kiếm giúp sinh viên tập trung vào việc học và làm việc tại Hòa Lạc.
- Tạo môi trường học tập năng động: Cộng đồng học tập giúp sinh viên trao đổi kiến thức, giải đáp thắc mắc một cách trực quan với những ví dụ thiết thực.
- Cá nhân hóa quá trình học tập: Mỗi người dùng sẽ có một lộ trình học tập phù hợp với bản thân.
Bên cạnh đó, BYM cũng cần phải vượt qua một số thách thức:
- Yêu cầu về nội dung: Nội dung của ứng dụng cần được kiểm duyệt kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác và hữu dụng.
- Bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng.
- Giao diện của ứng dụng cần trực quan, dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng.
Hướng giải quyết phù hợp nhất cho các về đề này là: tìm nhà đầu tư/nhà tài trợ, các chuyên gia về vấn đề bản quyền và đội ngũ lập trình viên chuyên nghiệp. Các tổ chức/cá nhân này sẽ có thể giúp BYM có quyền truy cập và sử dụng tài liệu cũng như các tính năng có liên quan đến vấn đề bản quyền của những nền tảng tri thức, kho dữ liệu uy tín. Ngoài ra, BYM cũng cần phải có những đại sứ truyền thông là sinh viên, người trẻ tuổi có thành tích học tập tốt để xây dựng hình ảnh đẹp, tăng độ uy tín trước công chúng.
Cuối cùng, khi đã nhìn nhận lại tổng thể dự án này, em có thể khẳng định rằng: BYM sẽ là một công cụ hữu ích giúp sinh viên tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả học tập và tạo ra một cộng đồng học tập sôi động nếu thành công giải quyết được ba vấn đề đã kể trên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro