Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

tieu chu thien

LUYỆN VÒNG TIỂU CHU THIÊN

1.- DẪN NHẬP

Vòng Tiểu Chu Thiên vừa là một tư thức luyện khí công độc lập, vừa là một đoạn khởi đầu để luyện các thức khí công khác. Luyện độc lập, cũng có nhiều hiệu năng trong khoa trị bệnh và tăng cường chân khí, nội lực. Còn dùng làm khởi đầu cho các thức khác, nó có công dụng điều hòa khí huyết, khiến cho cơ thể thăng bằng, khi luyện công khí huyết mới không nghịch loạn, gây phản ứng tai hại.

Cho đến nay, khoa khí công ra đời có trên hai nghìn năm, lưu truyền trong các quốc gia Châu Á rất rộng rãi. Mỗi gia, mỗi phái đều thủ đắc sở trường, sở đoản cùng mục đích riêng, nhưng có một điểm gần như thống nhất là họ đều luyện vòng Tiểu Chu Thiên. Lấy vòng Tiểu Chu Thiên làm căn bản để luyện các tư thức khác. Phép luyện vòng Tiểu Chu Thiên tuy các gia, các phái đó đôi khi có chi tiết khác nhau, nhưng đều giống nhau ở những điểm sau đây:

1. Luyện nội lực trong võ học.

2. Luyện thể lực trợ giúp các môn thể dục, thể thao.

3 Làm căn bản cho sự vận khí từ trong ra ngoài (lý ra biểu) và từ ngoài vào trong (biểu vào lý).

4. Luân lưu chân khí từ trên xuống dưới (do thượng giáng hạ) và từ dưới lên trên (do hạ hướng thượng).

5. Điều hòa chân khí từ phải sang trái (do hữu lai tả) và từ trái sang phải (do tả hồi hữu).

6. Chữa trị khí huyết nghịch loạn khi bị ngã, bị đánh đập, bị tai nạn, hoặc luyện Thiền, Yoga sai gây ra (tiểu thuyết gọi là tẩu hỏa nhập ma). Nhất là trị di chứng não xuất huyết đưa đến bán thân bất toại.

7. Cân bằng âm dương, khí huyết, giúp cho khoa trị bệnh.

Chúng tôi sưu tầm tất cả phương pháp của các gia, các phái, rồi thử nghiệm lại trong hai mươi năm. Những chi tiết rườm rà vô ích, cũng như có hại đã được tước bỏ. Sau đây là phương pháp được giữ lại.

Vòng Tiểu Chu Thiên là một thức khí công thuộc loại cao cấp. Người mới tập, tự luyện, với thời lượng mỗi ngày một giờ, thì ít ra phải trên sáu tháng mới đả thông được kinh mạch. Sau đó luyện thêm một tháng mới có kết quả. Tuy nhiên những loại người sau đây, tùy theo ngộ tính cao hay thấp, chỉ cần một ngày hay mười ngày là thành công ngay:

1. Những người đã luyện khí công, thiền, yoga từ một năm trở đi.

2. Những người đã tập võ Thiếu Lâm Quyền, Thái Cực Quyền, Đường Lang Quyền , Aikido, Karate, Kiếm thuật, Nhu thuật,….. từ một năm trở đi.

3. Những nhà thể thao chuyên nghiệp.

4. Các thầy thuốc châm cứu.

5. Các vũ công,

6. Các huấn luyện viên thể dục, thể thao,

7. Nhưng người làm việc bằng chân tay: nông dân, thợ sơn, thợ nề, thợ mộc v.v.

2.- ĐỊNH NGHĨA

Theo quan niệm y học phương Đông, thì một cơ thể là một thái cực, một vũ trụ. Cơ thể có mười hai chính kinh, và kỳ kinh bát mạch. Khi chân khí khởi hành từ bất cứ huyệt nào, kinh nào, tạng nào, phủ nào, chiều nào, sau khi luân lưu hết mười hai kinh, qua ngũ tạng, lục phủ, rồi trở về điểm khởi hành thì gọi là đại tuần du nghĩa là đi hết một vòng Đại Chu Thiên. Khi chân khí khởi hành từ bất cứ , tạng nào, phủ nào, thông ra Nhâm mạch, Đốc mạch, hoặc bất cứ huyệt nào trên Nhâm mạch, Đốc mạch, sau khi luân lưu một vòng theo Nhâm mạch, Đốc mạch rồi trở về điểm khởi hành thì gọi là tiểu tuần du, nghĩa là đi hết một vòng Tiểu Chu Thiên.

Vòng Tiểu Chu Thiên là đường dẫn khí khởi từ điểm nào đó đi một vòng:

– Từ Nhâm mạch sang Đốc mạch.

– Hoặc từ Đốc mạch sang Nhâm mạch.

– Rồi trở điểm khởi hành.

3.- HỆ THỐNG KINH-LẠC

Vậy vòng Tiểu Chu Thiên là gì? Tiểu là nhỏ, chu là một vòng, thiên là trời. Tiểu Chu Thiên có nghĩa là vận chân khí đi một phần nhỏ, nhưng khắp cơ thể. Còn vòng Đại Chu Thiên là vận chân khí đi hết toàn cơ thể.

Vòng Tiểu Chu Thiên bao gồm Nhâm mạch và Đốc mạch cùng một số lạc mạch của chúng. Trước hết, hãy khảo về hai mạch này.

3.1. Nhâm Mạch

Nhâm mạch là một trong Kỳ kinh bát mạch. Tất cả các kinh âm đều rót về Nhâm mạch như các sông ngòi đổ vào một cái hồ. Cho nên trong phép luyện khí công, không thể không dùng đến mạch này.

3.11. Đường di chuyển kinh mạch

Có hai tuyến rõ ràng:

– Khởi từ huyệt Trung Cực (VC3) ở bụng dưới, đi theo trung tuyến của bụng, ngực; qua rốn, lên ngực, tới cổ, hầu, cằm, vòng quanh mép, rồi trực thượng nhập vào hai mắt.

– Từ bụng dưới (nữ là bào cung tức ultérus, nam là trung điểm tuyến nối rốn với huyệt Mệnh Môn) nhập vào đầu xương sống, đi giữa xương sống lên, tỏa ra lưng. 

3.12. Các huyệt trực thuộc

VÙNG DƯỚI RỐN 

Hội Âm (VC1), Khúc Cốt (VC2), Trung Cực (VC3), Quan Nguyên (VC3), Thạch Môn (VC5), Khí Hải (VC6), Âm Giao (VC7), Thần Khuyết (VC8), Thủy Phân (VC9),

VÙNG TRÊN RỐN

Hạ Uyển (VC10), Kiên Lý (VC11), Trung Uyển (VC12), Thượng Uyển (VC13), Cự Khuyết (VC14),

VÙNG NGỰC

Cữu Vỹ (VC15), Trung Đình (VC16), Đản Trung (VC17), Ngọc Đường (VC18), Tử Cung (VC19), Hoa Cái (VC20), Thi Cơ (VC21),

VÙNG CỔ, MẶT

Thiên Đột (VC22), Liêm Tuyền (VC 23), Thừa Tương (VC 24).

3.13. Giao hội huyệt

– Giao Hội với túc dương minh vị kinh tại huyệt Thừa Khấp (E1)

– Giao hội với Đốc mạch tại huyệt Ngân Giao (VG 27).

3.2. Đốc Mạch

Đốc mạch là nơi tổng hội các kinh dương. Các kinh dương dù đi theo chiều nào, rồi cũng phải thông với Đốc mạch. Cho nên phàm trong phép luyện khí công không thể không sử dụng đến mạch này.

3.21. Đường di chuyển của kinh mạch

Đường di chuyển của Đốc mạch có bốn lạc tuyến:

– Khởi từ bụng dưới, tới huyêt Hội Âm (VC1), chạy theo xương sống, tới ót, tại huyệt Phong Phủ (VG16), nhập vào não, lên đỉnh đầu, rồi chuyển xuống sống mũi.

– Khởi từ bụng dưới, tới bộ phận sinh dục, đến huyệt Hội Âm (VC1), qua xương cụt, phân phối vào mông, đi giữa hai tuyến bên trong của túc thiếu âm thận kinh, rồi chạy trở lên gặp túc thái dương bàng quang kinh, lại nhập vào giữa xương sống, tới thận.

– Cùng với Túc thái dương bàng quang kinh, khởi từ khóe trong mắt, lên trán, giao hội với đoạn ở đỉnh đầu, một lạc mạch vào não, xuyên ra hai u đầu, xuống cần cổ, đi hai bên xương sống, tới vùng thận, thì nhập thận.

– Từ hai bên bụng dưới trực thượng, qua vùng rốn, hướng thượng lên tâm, lên hầu, qua hai cằm, rồi nhập hai đồng tử.

3.22. Các huyệt trực thuộc

VÙNG MÔNG, THẮT LƯNG

Trường Cường (VG1), Yêu Du (VG2), Dương Quan (VG3), Mệnh Môn (VG4), Huyền Xu hay khu (VG5), Tích Trung (VG6),

VÙNG LƯNG, LỒNG NGỰC

Trung Xu hay khu (VG7), Tiết Túc (VG8), Chí Dương (VG9), Linh Đài (VG10), Thần Đạo (VG11), Thân Trụ (VG12), Đào Đạo (VG13), Đại Trùy (VG14),

VÙNG ĐẦU, CỔ

Á Môn (VG15), Phong Phủ (VG16), Não Hậu (VG17), Cường Gian (VG18), Hậu Đỉnh (VG19), Bách Hội (VG20), Tiền Đỉnh (VG21), Thông Hội (VG 22), Thượng Tinh (VG23), Thần Đình (VG24), Tố Liêu (VG25), Thủy Cấu (VG26), Đoài Đoan (VG27), Ngân Giao (VG28).

3.23. Giao hội huyệt

– Giao hội với túc thái dương bàng quang kinh tại huyệt Phong Phủ (VG16).

– Giao hội với Nhâm Mạch tại huyệt Hội Âm (VC1).

3.3. Khảo sát

Thuật ngữ của khoa khí công gọi:

–  Xương cụt (huyệt Trường Cường VG1),

–   Xương sống,

–  Ngọc chẩm (huyệt Phong Phủ VG16), là tam quan, tức ba cái cửa để dẫn khí nhập cơ thể.

Vòng Tiểu Chu Thiên chạy qua tam quan và tam điền :

–          Thượng điền tức huyệt Ấn Đường, 

–          Trung điền tức Tỳ Vị,

–          Hạ điền tức huyệt Khí Hải (VC6).

Vòng Tiểu Chu Thiên tuy dễ luyện, nhưng vì có nhiều sai lầm do tam sao thất bản, nên nhiều người chỉ biết những gì do sư phụ truyền dạy, rồi khăng khăng cho rằng cái của mình học mới đúng. Chúng tôi trình bày rõ điểm bất đồng này.

3.31. Sự khác biệt nhau 

Độc giả thấy đường di chuyển của Nhâm, Đốc mạch trên đây có rất nhiều chi tiết, khác hẳn với một số sách y khoa thuộc loại “viết cho có viết”. Tại sao lại có hiện tượng đó? Xét về nguyên do ta thấy có ba vấn đề sau:

– Một là, đa số các châm cứu gia chỉ học tính chất huyệt đạo thực mau để trị bệnh, mà không để ý đến chi tiết đường di chuyển kinh mạch, nên họ lướt qua Nhâm, Đốc. Có rất nhiều sách y khoa không khảo sát tường tận. Dĩ chí, khi học khí công, điều căn bản phải thông thạo kinh mạch, lạc mạch, người học tìm hiểu Nhâm,Đốc trong y thư, thì y thư không đủ.

– Hai là, những sách viết về y khoa, đa số dịch từ loại sách giản yếu của Trung Quốc, mà trong những sách này cũng chỉ lướt qua Nhâm, Đốc mà thôi. Khi đã thuộc loại lướt qua, thì sao đầy đủ mọi lạc mạch, phân lạc?

– Ba là, giai đoạn 1949-1980, khoa khí công tại Trung Quốc gần như không được giảng dạy, vì vậy các gia, các phái tuy biết rất rõ, mà lại phải dấu kín, vì sợ tai vạ. Từ sau 1981, khoa khí công được trọng dụng, các khí công gia mới đem mật quyết của gia phái mình ra giảng dạy, căn cứ vào trí nhớ, nên không tránh khỏi tam sao, thất bản.

Gần đây, trong bộ Châm cứu học của Trung y học viện Thượng Hải (1979), phần kinh lạc, mới biên chép đầy đủ. Rồi từ đó, một số thư tịch khí công mới trình bầy hết những gì cổ nhân đã luyện tập.

3.32. Vận khí theo vòng Tiểu Chu Thiên 

Xét đường di chuyển của Nhâm, Đốc mạch, ta thấy hai mạch này thông với nhau:

–                    Ở khu mặt: mũi, mắt, môi trên.

–                    Ở khu bụng dưới, hậu môn, bộ phận sinh dục, xương sống.

Vì vậy những người được đả thông kinh mạch, có thể vận khí chu lưu suốt vòng Tiểu Chu Thiên nghĩa là từ Nhâm mạch sang Đốc mạch và ngược lại.

Đốc mạch là nơi tất cả kinh dương tụ hội về. Nhâm mạch là nơi tất cả các kinh âm hội hợp. Nhâm, Đốc lại thông với tất cả các mạch âm kiêu, dương kiêu, âm duy, dương duy, xung mạch, đới mạch. Cho nên chỉ cần vận khí một vòng Tiểu Chu Thiên là coi như đã tuần lưu qua khắp cơ thể, vì vậy mới có tên “một vòng nhỏ vũ trụ”.

4. CÔNG DỤNG

Vòng Tiểu Chu Thiên là một trong những thức khí công căn bản, cũng như thu công. Luyện khí công mà không qua vòng Tiểu Chu Thiên thì không thể gọi là khí công. Có thể nói vòng Tiểu Chu Thiên như ngưỡng cửa để bước vào ngôi nhà khí công, hoặc như chìa khóa, mở cửa vào nhà. Công dụng của vòng Tiểu Chu Thiên rất rộng.

Không nên lầm lẫn vòng Tiểu Chu Thiên với một thức động công Tiểu Chu Thiên sẽ trình bày ở chương sau. Vòng Tiểu Chu Thiên chỉ là đường di chuyển của kinh mạch để luyện khí công. Còn Tiểu Chu Thiên công là một thức động công dùng để luyện lực, điều trị bệnh khí hư, bồi bổ sức khoẻ cho người già, chứng kiến bò trong bắp thịt (Fourmiement), spasmophilie, tăng cường hiệu năng thực vật thần kinh và trị di chứng não xuất huyết (bán thân bất toại).

Công dụng của vòng Tiểu Chu Thiên rất nhiều:

4.1. Hiệu năng

– Điều hòa khí huyết cơ thể: trên, dưới; phải, trái; trong, ngoài.

– An thần, dưỡng trí.

–        Trợ giúp tiêu hóa.

–        Gia tăng vệ khí, chân khí.

–        Tăng cường hiệu năng tạng phủ, bộ máy tiêu hóa và bộ máy sinh dục.

–        Làm căn bản cho các thức khí công.

– Tạo thần lực trợ ngoại công trong võ học.

4. 2. Chủ trị

– Chóng mặt do khí hư, huyết hư hay khí huyết đều hư.

–        Trí nhớ giảm thiểu do khí hư hay khí huyết hư.

– Cảm mạo.

– Biểu hư dễ bị cảm.

– Dương hư, người mề mệt, luôn cảm thấy lạnh.

– Chân tay lạnh.

– Tỳ, vị dương hư, đưa đến ợ hơi, nấc cục, khó tiêu, tiện bí.

– Tim đập chậm hay mau quá.

– Huyết áp cao (can dương thăng làm chóng mặt.)

– Điều hòa khí huyết: thượng nhiệt hạ hàn; thượng thực hạ hư; bán thân hàn

nhiệt (nửa người nóng, nửa người lạnh).

– Kiến bò (fourmiement).

– Spasmophilie.

– Đề phòng luyện võ bị hỗn loạn chân khí.

5. VẬN KHÍ THEO VÒNG TIỂU CHU THIÊN

Nguyên tắc vận khí theo vòng Tiểu Chu Thiên có ba điều phải ghi nhớ:

- Khởi hành từ bất cứ tạng nào, phủ nào, bất cứ huyệt nào trên Nhâm mạch, Đốc mạch.

- Đi bất cứ theo chiều nào; từ trên xuống dưới; từ dưới lên trên; từ trong ra ngoài; từ ngoài vào trong.

- Dùng bất cứ loại thổ nạp nào, nếu thấy thuận tiện, dễ dàng.

5. 1. Những khởi điểm

Khởi tại bất cứ huyệt nào, khu nào cũng được. Nhưng lịch đại mấy nghìn năm, cổ nhân đã di truyền lại một số khởi điểm sau đây, đem lại kết quả rất mau, đó là Lưỡng thần, Ngũ âm, Ngũ dương, Cửu lộ.

5. 11. Lưỡng thần

Nguyên gốc tên là Lưỡng đoan thần diệu, nghĩa là hai đầu mối thần diệu. Sau gọi tắt là Lưỡng thần.

Đây là phương pháp tối cổ, dễ luyện tập nhất, có nhiều hiệu năng nhất. Phương pháp này tương truyền có từ thế kỷ thứ nhất do một đại y sư kiêm đại võ sư Trần Đại Sinh sáng chế ra, rồi các đời sau rút kinh nghiệm, bồi bổ thêm. Từ đầu thế kỷ thứ hai mươi đến nay vẫn giữ nguyên.

5.111. Lưỡng thần dương

5.111.A. Vận khí

Khởi từ huyệt Ngân Giao (VG28), theo Đốc mạch xuống huyệt Trường Cường (VG1), rồi sang huyệt Hội Âm (VC1), theo Nhâm mạch ngược lên bụng, ngực, hầu, miệng, rồi trở lại Đốc mạch.

Đây là cách đem thiên khí vào cơ thể, dẫn khí đi theo Đốc mạch, nơi tự hội các kinh dương, khiến chư dương khí chuyển từ Đốc mạch vào Nhâm mạch. Các tạng phủ do đó được tăng cường dương khí, làm nóng lên.

5.111.B. Hiệu năng

- Tăng cường dương khí có tạng phủ.

- Tăng hiệu năng cho bộ phận sinh dục.

- Ngoại nhiệt, nội hàn.

- Dương hư.

Hai phạm vi ngoại nhiệt nội hàn và dương hư rất rộng, thường dễ lẫn lộn với nhau. Thường dương hư ở một vài tạng phủ, dễ đưa đến tình trạng ngoại nhiệt nội hàn. Tỷ như tỳ vị dương hư, đưa đến vùng uyển lạnh. Trong khi đó tâm, thận bình thường, vẫn làm nóng cơ thể, đưa đến ngoại nhiệt, nội hàn. Ngoài ra cũng cần phải kể đến trường hợp cơ thể dương hư, nhưng ở nơi có nhiệt độ cao như vùng nhiệt đới, như phơi nắng mùa hè.

Còn dương hư là một hoặc nhiều tạng dương hư, rồi kéo theo toàn cơ thể dương hư.

Cả hai trường hợp đều dùng Lưỡng thần dương được cả.

5.111.C. Chủ trị

- Cơ thể lạnh.

- Bàn tay, bàn chân lạnh.

- Chân tay bị kiến bò.

- Spasmophilie.

- Đầu nặng, nhức đầu do hàn.

- Tâm dương hư đưa đến: tim đập chậm (dưới 70 lần một phút), huyết áp thấp.

- Tỳ, vị dương hư, đưa đến: ợ hơi, nấc cục, chóng mặt, ăn khó tiêu, ăn xong buồn ngủ, tiện bí, tiêu chảy, bụng nước.

- Thận dương đưa đến: Tiểu vặt, vãi đái, mệt mỏi; nam bất lực, bần tinh (oligospermie), tinh nhược (asthénospermie), nữ lãnh cảm, không thụ thai (infertilité).

- Di chứng não xuất huyết.

5.112. Biến thức một

5.112.A. Vận khí

Khởi đầu như Lưỡng thần dương, nhưng khi dẫn khí đến huyệt Mệnh môn (VC4), đưa khí vào thận, rồi từ thận giáng xuống bộ phận sinh dục, sau đó theo Nhâm mạch chạy ngược lên.

5.112.B. Hiệu năng, chủ trị

Như Lưỡng thần dương, nhưng đặc biệt dành cho thận hư, tiểu vặt, vãi đái, mệt mỏi; nam bất lực, bần tinh (oligospermie), tinh nhược (asthénospermie), nữ lãnh cảm, không thụ thai (infertillité).

5.113. Biến thức hai

5.113.A. Vận khí

Khởi đầu như Lưỡng thần dương, nhưng khi dẫn khí đến huyệt Mệnh môn (VG4), nhập thận, rồi theo hạ tiêu lên trung tiêu, thượng tiêu, tới cổ, theo Nhâm mạch lên mặt, trở lại đốc mạch.

5.113.B. Hiệu năng, chủ trị

Như Lưỡng thần dương, nhưng đặc biệt dành cho tỳ vị dương hư, tâm dương hư, đưa đến tim đập chậm, huyết áp thấp. Tỳ vị dương hư đưa đến ăn không tiêu, ợ chua, nấc cục, ăn xong buồn ngủ, tiêu chảy, tiện bí, chóng mặt, chân tay kiến bò (fourmiement), spasmophilie. Di chứng não xuất huyết.

5.114. Biến thức ba

5.114.A. Vận khí

Khởi từ huyệt Hội Âm (VC1) lên xương cụt, theo Đốc mạch tới Ngọc Chẩm (huyệt Phong phủ VG16), lên huyệt Bách Hội (VG20), tỏa ra hai u đầu, tuôn xuống mắt, miệng, lưỡi, hầu, theo Nhâm mạch qua tam tiêu, xuống tới huyệt Hội Âm (VC1).

5.114.B. Hiệu năng chủ trị

Giống như Lưỡng thần dương.

5.115. Lưỡng thần âm

5.115.A. Vận khí

Khởi từ huyệt Thừa Tương (VC24) theo Nhâm mạch xuống ngực, bụng, tới huyệt Hội Âm (VC1) chuyển sang Đốc mạch bằng huyệt Trường Cường, trực thượng theo Đốc mạch tới cổ, đầu, trán, rồi trở về Nhâm mạch.

Biến thức một: đến huyệt Trung Uyển (VC13), rồi theo trung tiêu xuống hạ tiêu, sau đó tới huyệt Hội Âm (VC1), rồi sang Đốc mạch lên cổ, đầu, trở lại Nhâm mạch.

Biến thức hai: đến huyệt Quan Nguyên (VC6), nhập thận, rồi xuất ra huyệt Mệnh Môn (VG4), tiếp tục theo Đốc mạch lên đầu, trở lại Nhâm mạch.

Biến thức ba: khởi từ huyệt Hội Âm (VC1) đi ngược theo Nhâm mạch và hạ tiêu, trung tiêu, thượng tiêu, lên cổ, nhập não, ra hai u đầu, theo cổ xuống ngọc chẩm, tuần đốc mạch tới xương cụt vào huyệt Hội Âm (VC1).

5. 115.B. Hiệu năng, chủ trị

- Đem khí tạng phủ từ trong ra ngoài, tăng cường vệ khí để chống bệnh.

- Điều hòa khí huyết: thượng nhiệt hạ hàn, bán thân hàn nhiệt, nội nhiệt, ngoại hàn.

- Khí hư, huyết hư hoặc khí huyết hư chóng mặt, nhức đầu.

- Cảm mạo.

- Thân thể nặng nề.

- Biểu hàn dễ bị cảm.

- Biến thức một trị đái đường, tỳ vị hư nhược, ăn không tiêu, ợ chua.

- Biến thức hai để tăng cường công năng thận, tử cung, nang hoàn. Trị bệnh phụ nữ huyết trắng, kinh nguyệt bất điệu; lãnh cảm, sinh lý yếu (cúi đầu e thẹn), tiểu vặt, dạ tiểu.

- Di chứng não xuất huyết (bán thân bất toại).

5.12. Ngũ âm, ngũ dương

Những người luyện khí công kinh nghiệm, thường ít khi khởi vận bằng những vị trí trên nhâm, Đốc mạch, mà khởi từ Ngũ âm, hay Ngũ dương.

5.121. Ngũ âm

5.121.A. Vận khí

Ngũ âm là khởi từ mặt âm của hai bàn tay, mặt âm của hai bàn chân, và Nhâm mạch. Hai bàn tay gồm các kinh thủ thái âm, thủ thiếu âm, thủ khuyết âm; hai bàn chân gồm các kinh túc thái âm, túc thiếu âm, túc khuyết âm. Vận khí khởi một lúc năm vị trí là hai bàn tay, hai bàn chân, môi dưới đưa về Nhâm mạch, bao gồm ba bước:

- Bước thứ nhất: dẫn khí thủ tam âm tới cùi chỏ; túc tam âm tới đầu gối; Nhâm mạch tới huyệt Thiên Đột (VC22).

- Bước thứ nhì: dẫn khí thủ tam âm vào phế, tâm, tâm bào; túc tam âm tới can, tỳ, thân; Nhâm mạch tới Trung đan điền.

- Bước thứ ba: dẫn khí của ngũ tạng, Nhâm mạch giáng thẳng xuống hạ tiêu, rồi bộ phận sinh dục. Bấy giờ tùy ý dẫn theo Lưỡng thần âm hay dương tùy ý.

5.121.B. Hiệu năng, chủ trị

Như Lưỡng thần âm, nhưng kết quả rất mau, rất mạnh. Nếu luyện cùng một thời lượng như nhau, kết quả của Ngũ âm mạnh, mau gấp ba lần kết quả của Lưỡng thần âm.

5.122. Ngũ dương

5.122.A. Vận khí

Ngũ dương là khởi từ mặt dương của hai bàn tay, mặt dương của hai bàn chân và Đốc mạch. Hai bàn tay gồm các kinh thủ thái dương tiểu trường kinh, thủ thiếu dương tam tiêu kinh, thủ dương minh đại trường kinh; hai bàn chân gồm túc thái dương bàng quang kinh, túc thiếu dương đởm kinh, túc dương minh vị kinh. Vận khí khởi một lúc năm vị trí dương là hai bàn tay, hai bàn chân và môi trên, rồi đưa về đốc mạch, bao gồm ba bước.

- Bước thứ nhất: dẫn khí từ thủ tam dương tới cùi chỏ; túc tam dương tới đầu gối; đốc mạch qua huyệt Bách Hội, Đại Trùy.

- Bước thứ nhì: dẫn khí thủ tam dương, túc tam dương, Đốc mạch tới huyệt Đại Trùy.

- Bước thứ ba: từ huyệt Đại Trùy dẫn theo Đốc mạch tới huyệt Trường Cường. Bấy giờ tùy ý dẫn theo Lưỡng thần âm hay dương tùy ý.

5.122.B. Hiệu năng, chủ trị

Như Lưỡng thần dương, nhưng kết quả rất mau, rất mạnh. Nếu luyện trong cùng một thời lượng, kết quả đến mau, mạnh gấp ba lần.

5.122.C. Loạn khí (tẩu hỏa nhập ma)

Khi mới luyện, kinh mạch chưa thông thông, dẫn khí chưa thành thạo, chẳng nên khởi từ Ngũ âm, Ngũ dương, e chân khí chạy loạn, hoặc không đều, dễ đưa đến nguy hại cho cơ thể. Nếu chẳng may khi luyện, chia trí, dẫn khí sai, mà bị phản ứng như sau:

-   Khí xung đỉnh đầu, gây ra nhức đầu, chóng mặt, đầu căng thẳng.

-   Mặt đỏ, tai đỏ.

- Thần chí u mê, suy nghĩ hỗn loạn.

Thì đừng sợ hãi gì cã, bình tĩnh ngồi, hoặc nằm xuống, rồi vận khí thu công, chân khí tập trung về trung đơn điền, sau đó tự phân phối khắp cơ thể.

5.13. Cửu-lộ

Tức chín con đường. Đây là lối khởi đầu đem lại kết quả rất mau, đa số những người luyện võ lâu ngày đều dùng lồi này. Nhưng những người mới tập, chẳng nên khởi từ lối này, e kinh khí hỗn loạn, đôi khi bị phản ứng nguy hại cho sức khỏe. Những phản ứng thường thấy là: đầu căng, mặt đỏ, chóng mặt, người mệt mỏi, chân tay co giật, run rẩy.

5.131. Vận khí

Cửu lộ là chín con đường: mặt âm dương của hai bàn tay, mặt âm dương của hai bàn chân và huyệt Bách Hội (VG20). Lối khởi này gồm có ba bước:

- Bước thứ nhất: dẫn khí sáu kinh tay tới cùi chỏ; sáu kinh chân tới đầu gối. Đốc mạch chia hai, một xuống huyệt Phong Phủ (VG16), một xuống huyệt Ngân Giao (VG28), rồi Thừa Tương (VC24), Thiên Đột (VC22).

- Bước thứ nhì: dẫn khí từ ba kinh dương tay ở cùi chỏ, ba kinh dương chân ở đầu gối, Đốc mạch ở huyệt Phong Phủ (VG16) về huyệt Đại Trùy (VG14); ba kinh âm tay, ba kinh âm chân vào ngũ tạng; từ huyệt Thiên Đột (VC22) đến huyệt Trung Uyển (VC13) nhập vị, vào tỳ.

- Bước thứ ba: dẫn khí từ huyệt Đại Trùy (VG14) xuống huyệt Mệnh Môn (VG4), vào hạ tiêu; từ thượng tiêu xuống trung tiêu, hạ tiêu, rồi tới huyệt Hội Âm (VC1). Bây giờ tùy ý dẫn khí theo Lưỡng thần âm hay dương.

5.132. Hiệu năng

Đây là một khởi vận rất khó, nhưng hiệu năng lại rộng. Bao gồm toàn thể hiệu năng của Lưỡng thần âm, Lưỡng thần dương, Ngũ âm, Ngũ dương. Ngoài ra còn có thêm hiệu năng nữa:

- Thăng bằng cơ thể.

- Khi không phân biệt được tình trạng cơ thể hàn, nhiệt; thực hư; biểu, lý; âm dương... Cứ dùng lối này, đều có kết quả.   

- Trị thần kinh suy nhược (Neurasthenie)

- Điên giản.

- Di chứng não xuất huyết.

6. THỔ NẠP

Tất cả các phương pháp thổ nạp đều dùng được. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh thuận tiện mà dùng. Sau đây là những kinh nghiệm, mà người xưa đã áp dụng, để đi đến kết quả:

6.1. Phương pháp thông thường

Dùng cho người mới luyện. Tuy nhiên lúc đầu dùng nhu hòa. Sau ít lâu, quan rồi, có thể đổi sang quân bình, hoãn viên, thâm trường ngay. Như khi đang luyện với nhu hòa, có thể biến ngay sang thâm trường liền.

6.2. Phương pháp ý khí hợp nhất

Phương pháp này rất thông dụng, kết quả mau hơn hết. Nhưng nó có khuyết điểm là hay bị chia trí, nên dễ bị dẫn khí sai kinh lạc.

6.3. Phương pháp Đạo gia ảo hô hấp

Không nên dùng trong trường hợp này.

7. TƯ THỨC

Vòng Tiểu Chu Thiên vừa là một thức khí công, vừa là một đường dẫn dẫn khí. Nó được xử dụng cả trong động công lẫn tĩnh công. Dùng tư thứ này, hay tư thức khác là do thức khí công luyện tập chỉ định. Như thế có nghĩa nó thích hợp với tất cả các tư thức đứng, nằm, ngồi, di chuyển, hoạt động.

8. TỔNG LUẬN

Vòng Tiểu Chu Thiên là một thức khí công cao cấp, nhưng rất quan trọng trong khoa trị bệnh, trong việc luyện nội công. Những người mới luyện, e khó có thể tự tập. Như đã trình bầy ở phần dẫn nhập, những người luyện khí công, mà có sư phụ chỉ điểm, nhanh thì mười giờ, chậm thì hai mươi giờ thì có thể đả thông kinh mạch. Tuy nhiên nếu không có thầy, thì nhờ châm cứu gia đả thông kinh mạch cho. Phương pháp như sau:

8.1. Bước thứ nhất

Châm huyệt Nhân Trung (VG26), Bách Hội (VG20), Đại Trùy (VG14), Mệnh Môn (VG4), Trương Cường (VG1), Thận Du (V23).

Sau đó tự vận khí, hấp khí dẫn khí từ huyệt Nhân Trung, lên Bách Hội, đưa xuống Đại Trùy, Mệnh Môn, Trương Cường. Thổ khí, dẫn khí đi ngược trở lại. Cứ như thế mỗi ngày một giờ, trong 7 ngày liền.

8.2. Bước thứ nhì

Châm huyệt Thừa Tương (VC24), Thi Cơ (VC21), Đản Trung (VC17), Trung Uyển (VC12), Khí Hải (VC6), Quan Nguyên (VC3), Hội Âm (VC1).

Sau đó đùng ý dẫn khí, hấp khí, dẫn khí từ huyệt Thừa Tương theo Nhâm mạch xuống huyệt Thi Cơ, Đản Trung, Trung Uyển, Khí Hải, Quan Nguyên, Hội âm. Thổ khí, dẫn khí đi ngược trở lên theo Nhâm mạch. Cứ như thế luyện mỗi ngày một giờ, luyện liền trong bẩy ngày.

8.3. Bước thứ ba

Luyện toàn vòng Tiểu Chu Thiên, khởi đầu bằng Lưỡng thần. Khi luyện tàn bộ, cảm giác khoan khoái kỳ lạ, đến đây, người luyện trở thành say mê. Sau khi luyện hơn tháng, có thể luyện sang các thức khí công cao hơn.

HẾT

Nguồn: vothuat.net.vn

Thực hien ebook: Metquathantanay

Thuvien-ebook.com

Hanoi, 24/12/2007

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #hungcoi