tiet 4
(Tiết 4)
- Sự phát triển phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản.
Từ đầu thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của phong trào dân tộc trên lập trường tư sản, phong trào công nhân chống lại sự áp bức bóc lột của tư sản, thực dân cũng diễn ra rất sớm. Trong những năm 1919-1925, phong trào công nhân diễn ra dưới các hình thức đình công, bãi công, tiêu biểu như các cuộc bãi công của công nhân viên chức các sở công thương tư nhân Bắc kỳ, công nhân các lò nhuộm ở Sài Gòn, Chợ Lớn (1922), công nhân các nhà máy dệt, xay xát, nhà máy rượu ở Nam Định, Hải Dương, Hà Nội (1924); trong năm 1925, diễn ra cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân Bason do Tôn Đức Thắng tổ chức, công nhân không chịu sửa chiến hạm Michelet của Pháp (tàu chở quan Pháp đi đàn áp phong trào nổi dậy của nhân dân Trung Quốc) và đòi tăng lương 20%.... và đã buộc bọn chủ phải có những nhượng bộ nhất định. Sau đó, Tôn Đức Thắng đã tổ chức công hội ở Sài Gòn và gây cơ sở ở nhiều xí nghiệp. Nhìn chung, phong trào công nhân những năm 1919-1925 đã có bước phát triển mới so với trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hình thức bãi công đã trở nên phổ biến, diễn ra trên quy mô lớn hơn và thời gian dài hơn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lúc này chưa trở thành lực lượng chính trị độc lập trong phong trào đấu tranh yêu nước.
Trong cuốn sách: 100 năm ngày Quốc tế Lao động ngày 1-5, các tác giả nhận định: “Ngày 30-4-1925, ở Nam Định, 2.500 công nhân nhà máy sợi đã bãi công đòi chủ tư bản phải tăng lương từ 4 xu lên 5 xu, 6 xu một ngày, phải bỏ đánh đập, giãn đuổi thợ…. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên diễn ra trong phạm vi toàn nhà máy…
Vượt khỏi khuôn khổ của sự ngẫu nhiên, cuộc bãi công quy mô lớn của nhà máy sợi Nam Định ngày 30-4-1925 và cuộc đấu tranh, biểu tình ngày 1-5-1925 của công nhân Chợ Lớn, Dĩ An, Đà Nẵng chính là sự kiện sinh động chứng minh mối liên hệ bước đầu giữa vô sản, lao động Việt Nam với vô sản thế giới. Trong lịch sử trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, ngày 1-5-1925 được ghi lại như một cột mốc đánh dấu sự giao tiếp – trong chừng mực nhất định – giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, như là một nút chuyển hóa phong trào công nhân từng bước tự phát lên tự giác”.
Qua giai đoạn 1926-1929, phong trào công nhân Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của các tổ chức như Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Công hội đỏ và các tổ chức cộng sản ra đời từ năm 1929. Các cuộc bãi công của công nhân liên tiếp nổ ra. Tiêu biểu là cuộc bãi công của 1.000 công nhân Nhà máy sợi Nam Định, 500 công nhân đồn điền cao su Cam Tiên, tiếp theo là bãi công của công nhân cao su Phú Riềng (Bình Phước), công nhân cà phê Rayna (Thái Nguyên). Từ năm 1928 đến năm 1929, có khoảng 40 cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra trong toàn quốc, điển hình là bãi công của công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng, Nhà máy sợi Nam Định, Hải Phòng, Nhà máy điện và Nhà máy cưa Bến Thủy (Vinh), Nhà máy Bason (Sài Gòn),…. Theo số liệu thống kê, năm 1927 có 7 cuộc đấu tranh lớn, thì năm 1929 là 24 cuộc, năm 1930 lên tới 98 cuộc (với số người tham gia từ 350 người lên 31.680 người).
Điều đặc biệt, trong thời kỳ này, phong trào công nhân không chỉ diễn ra sôi nổi mà có sự chuyển biến quan trọng. Các cuộc đấu tranh của công nhân Việt Nam mang tính chất chính trị rõ rệt và diễn ra trong phạm vi cả nước. Những cuộc đấu tranh tự phát đã giảm đi và thay vào đó là những cuộc đấu tranh có ý thức, có tổ chức với quy mô ngày càng lớn. Công nhân đấu tranh không chỉ đòi các quyền lợi kinh tế như tăng lương, giảm giờ làm, đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt, mà còn nhằm cả mục đích chính trị: chống lại các chính sách áp bức bóc lột của bọn chủ tư bản và chính quyền thực dân phong kiến. Trong cuộc đấu tranh đã có sự liên kết giữa các nhà máy, các ngành và các địa phương. Phong trào công nhân đã đạt đến trình độ “tự giác”, được đánh giá là thuần thục về chính trị. Bản thân phong trào công nhân có sức lôi cuốn, quyết định chiều hướng phát triển của phong trào dân tộc theo tư tưởng cách mạng vô sản. Chính bọn thực dân đã phải thừa nhận: “Từ đây, hành động tập thể của những người lao động đã thay thế cho những âm mưu của các hội kín”.
Cũng trong thời kỳ này, phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là phong trào nông dân diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước. Năm 1927, nông dân làng Ninh Thanh Lợi (Rạch Giá) đấu tranh chống bọn thực dân và địa chủ chiếm đất quyết liệt đến đổ máu. Nông dân nhiều làng thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh cùng nổi lên đấu tranh chống bọn địa chủ cướp đất, bãi sa bồi, đòi chia ruộng công, chống nhũng nhiễu của bọn cường hào…. Phong trào công nhân và phong trào nông dân đã có tác dụng hỗ trợ cho nhau trong cuộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Nông dân đã quyên tiền ủng hộ công nhân hoặc che chở đùm bọc công nhân khi về thôn quê tạm lánh địch khủng bố. “Điều đặc biệt và quan trọng nhứt trong phong trào cách mạng ở Đông Dương là sự đấu tranh của quần chúng công nông có tánh chất độc lập rất rõ rệt, chớ không phải là chịu ảnh hưởng quốc gia chủ nghĩa như lúc trước nữa”.
Như vậy, đến năm 1929, giai cấp công nhân xuất hiện trên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng chính trị độc lập. Điều đó chứng minh rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã được thâm nhập sâu vào phong trào công nhân.
- Sự ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào công nhân đã phát triển mạnh trên khắp cả nước, mạnh nhất là phong trào công nhân ở Bắc kỳ với hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình…. Có được điều đó là do Kỳ bộ Bắc kỳ của Việt Nam cách mạng thanh niên đông về số lượng hội viên, mạnh về chất lượng và hoạt động thực tiễn. Đến năm 1928, Kỳ bộ Bắc kỳ đã có 700 hội viên chính thức và 1.000 người cảm tình, đã phát triển tổ chức ở khắp 17 tỉnh. Trong đó có hai Thành bộ (Hà Nội, Hải Phòng) và ba tỉnh bộ (Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình). Trên cơ sở bám sát phong trào công nhân, nhạy bén với thời cuộc, những học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu đã tìm cho phong trào công nhân những hình thức thích hợp, tạo điều kiện phát triển. Ở Bắc kỳ, đã sớm nảy sinh phong trào “vô sản hóa”, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Từ tình hình thực tiễn hết sức sôi động, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập Đảng cộng sản thì mới đưa phong trào công nhân tiếp tục phát triển. Ý thức được trách nhiệm ấy, với tinh thần chủ động cách mạng, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ đã giải quyết sáng tạo một số vấn đề tư tưởng và tổ chức để đi tới quyết định thành lập ngay một tổ chức cộng sản. Tháng 3-1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập gồm có bảy đồng chí do đồng chí Trần Văn Cung làm bí thư. Sự ra đời của chi bộ cộng sản chính là sự khởi đầu của quá trình chuyển hóa tổ chức thanh niên hay còn gọi là quá trình Bônsêvích hóa.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản, Đại hội Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc kỳ họp ở Sơn Tây trong các ngày 28, 29-3-1929, đã nhất trí tán thành chủ trương thành lập Đảng cộng sản. Nhưng để đảm bảo cho sự thống nhất của phong trào trong cả nước, Bí thư Trần Văn Cung đã đưa ra đề nghị: “Không nên tổ chức ra Đảng cộng sản, chúng ta phải đợi đến Đại hội Thanh niên có đông đủ đại biểu Trung, Nam, Bắc, có Tổng bộ, ý kiến thống nhất đã, chúng ta sẽ làm, nếu làm ngay sẽ gây chia rẽ Trung, Nam, Bắc giữa Kỳ bộ với Tổng bộ”. Đề nghị này đã được Đại hội chấp nhận và giao trách nhiệm cho Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân đấu tranh để khẳng định xu thế cần thiết phải thành lập Đảng cộng sản tại Đại hội I của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Từ ngày 1 đến ngày 9-5-1929, Đại hội thanh niên đã diễn ra tại Hương Cảng gồm đại biểu đại diện cho các tổ chức thanh niên trong nước và ở nước ngoài (Hồng Kông và Xiêm).
Tại Đại hội, đoàn đại biểu Bắc kỳ đã đánh giá tình hình cách mạng trong nước và chỉ rõ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên không đáp ứng được yêu cầu cách mạng và có nhiều hạn chế trong tổ chức, chính trị và tư tưởng. Đồng thời, chỉ ra các điều kiện chín muồi để thành lập Đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng, tiếp tục đưa phong trào cách mạng đi lên.
Đây là vấn đề hệ trọng và có tầm chiến lược lớn, Đại hội đã tập trung ý kiến phát biểu tranh luận sôi nổi, có lúc đến gay gắt. Các đại biểu đều nhận thức được sự cần thiết phải thành lập Đảng cộng sản nhưng đã xảy ra bất đồng giữa đoàn đại biểu Bắc kỳ về việc thành lập ngay một Đảng cộng sản và giải thể tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, với những đại biểu còn lại “không muốn tổ chức đảng ở giữa Đại hội Thanh niên và cũng không muốn phá Thanh niên trước khi thành lập Đảng”. Đề nghị thành lập Đảng cộng sản không được chấp nhận, đoàn đại biểu Bắc kỳ tuyên bố thoát ly khỏi Đại hội và ra về. Đại hội vẫn tiếp tục họp và thống nhất “thế nào cũng phải tổ chức một Đảng cộng sản, nhưng trong buổi đầu chỉ thành lập một ban là “Ban trù bị thành lập Đảng cộng sản”. Các đồng chí còn quyết định cử đồng chí về nước vận động tổ chức các chi bộ và tiến hành công tác làm sao cho đến cuối năm 1930, tổ chức trở thành một Đảng cộng sản chân chính. Làm như vậy nhằm một mặt tạm thời giữ nguyên Việt Nam cách mạng thanh niên, mặt khác bí mật tổ chức Đảng cộng sản”.
Việc đoàn đại biểu Bắc kỳ bỏ Đại hội ra về đánh dấu sự phân liệt trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Thực chất sự phân liệt đó là một chuyển hóa theo hướng tích cực của cách mạng nước ta, như GS. Trần Văn Giàu đánh giá: “Sự phân liệt trong Thanh niên kỳ thực là một cuộc khủng hoảng của sự trưởng thành của phong trào công nhân và dân tộc ở Việt Nam. Hai Đảng cộng sản sẽ nối nhau ra đời và trong trào lưu cộng sản đó, Tân Việt cũng phải chuyển hóa thành một tổ chức cộng sản thứ ba, để rồi dưới nhu cầu của phong trào cách mạng, dưới uy tín lớn lao của Quốc tế cộng sản và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tất cả các lực lượng cộng sản ấy lại thống nhất với nhau thành một đảng công nhân mạnh mẽ, đội tiên phong anh dũng của giai cấp công nhân Việt Nam”.
Sự ra đời của Đông Dương cộng sản Đảng:
Chỉ hơn một tháng sau, kể từ Đại hội Thanh niên, ngày 17-6-1929, tại Hà Nội, đại biểu các tổ chức cộng sản ở miền Bắc họp Đại hội quyết định thành lập Đông Dương cộng sản Đảng. Tuyên ngôn của Đảng nêu rõ: “Đảng cộng sản Đông Dương là đảng cách mệnh đại biểu cho tất cả các anh em, chị em vô sản giai cấp (tức là thợ thuyền) ở Đông Dương….
Đảng cộng sản Đông Dương tổ chức đại đa số và thực hành công nông liên hiệp mục đích để: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa; đánh đổ tư bản chủ nghĩa; diệt trừ chế độ phong kiến; giải phóng công nông. Lập thành vô sản giai cấp chuyên chính để: Tiêu diệt giai cấp; thực hiện xã hội thực bình đẳng, tự do, bác ái, tức là xã hội cộng sản”.
Ngay từ khi ra đời, Đông Dương cộng sản Đảng đã lao vào hoạt động thực tiễn hết sức khẩn trương. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu lúc đó là xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trên phạm vi cả nước. Và chỉ trong vòng hơn một tháng đến tháng 8-1929, ở Bắc kỳ, các tỉnh đảng bộ lần lượt ra đời. Thực tiễn đó đã phản ánh một thực tế, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc kỳ đã kết thúc vai trò lịch sử, chấm dứt sự tồn tại của nó.
Đông Dương cộng sản Đảng còn cử Ngô Gia Tự và Trần Tư Chính vào Nam kỳ, Trần Văn Cung và Nguyễn Phong Sắc vào Trung kỳ để vận động thành lập Đảng cộng sản. Những việc làm đó đã làm cho quy mô của quá trình chuyển hóa Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lan rộng ra toàn quốc. Cuộc vận động đó đã làm giải thể toàn bộ cơ sở Thanh niên ở Trung kỳ, một phần ở Nam kỳ và còn thu hút được cánh tả của Đảng Tân Việt. Nha mật thám Đông Dương cho biết: “Sự tuyên truyền rất hăng hái của Đảng mới này chẳng những đem lại kết quả là ở Bắc kỳ và Bắc Trung kỳ ảnh hưởng của Thanh niên bị tiêu tan, mà Thanh niên ở Nam kỳ cũng mất nhiều địa bàn. Sự tuyên truyền đó đã làm cho các đảng phái chính trị khác như… Tân Việt ở Trung kỳ thực sự chuyển sang chủ nghĩa cộng sản”.
Sự ra đời của An Nam cộng sản Đảng
Sau khi Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bế mạc, các đồng chí được bầu vào Tổng bộ đã họp bàn việc thành lập Đảng cộng sản, nhưng sau khi bàn bạc có cân nhắc: “Vì hoàn cảnh trong Hội thanh niên phần tử cộng sản chẳng qua số ít người mà cơ bản tổ chức chưa có; nếu tổ chức ngay thành một đảng thì không đúng sự thật của một đảng. Vả chăng người đại biểu đi dự hội mỗi địa phương một người nay tụ mai tán, không có thể tổ chức thành chi bộ được. Vì vậy, nên mới quyết nghị chỉ tổ chức một hội gọi là hội trù bị tổ chức Đảng cộng sản”.
Hội trù bị cũng gồm các đồng chí lãnh đạo Tổng bộ nói trên. Thực hiện chủ trương này, những cộng sản đoàn còn lại trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã hình thành các chi bộ cộng sản. Trong đó, chi bộ cộng sản ở Nam kỳ là một trong bốn chi bộ hình thành lúc đó theo chủ trương của Hội.
Tuy nhiên, thời kỳ này, Đông Dương cộng sản Đảng đã xây dựng cơ bản về tổ chức ở Bắc kỳ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thành lập Đảng cộng sản trong khắp cả nước. Trước tình hình đó, Tổng bộ thanh niên và Kỳ bộ Nam kỳ quyết định thành lập An Nam cộng sản Đảng vào tháng 8-1929 tại Sài Gòn. Điều lệ của An Nam cộng sản Đảng viết: “An Nam cộng sản Đảng là chi bộ của Quốc tế cộng sản nên gọi là An Nam cộng sản Đảng chi bộ Quốc tế cộng sản”. Về điều kiện kết nạp Đảng viên: “Ai tin theo chương trình của Quốc tế cộng sản, hăng hái phấn đấu trong một bộ phận đảng, phục tùng mệnh lệnh đảng và góp nguyệt phí, có thể cho vào đảng được”.
Mặc dù thành lập một tổ chức cộng sản riêng, nhưng An Nam cộng sản Đảng đã xác định ngay từ đầu việc thành lập An Nam cộng sản Đảng là xuất phát từ yêu cầu phải tạo điều kiện để hình thành một Đảng cộng sản thống nhất. Đồng thời, đây là một bước tiến trong đội ngũ cách mạng Việt Nam, đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Sự ra đời của Đông Dương cộng sản liên đoàn
Như trên đã trình bày, trong quá trình Tân Việt cách mạng Đảng tồn tại và hoạt động đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Điều này đã làm cho lập trường chính trị của Tân Việt cách mạng Đảng dần dần thay đổi. Từ khi các đại diện của tổ chức này tiếp cận và tiếp nhận sự giáo dục chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đầu tiên là Lê Duy Điếm sau đến Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Bình và một số người khác, tổ chức này bắt đầu khuynh tả. Quá trình khuynh tả diễn ra mạnh mẽ và xu hướng vô sản dần chiếm ưu thế. Tại Hội nghị trung ương ngày 14-7-1928 họp ở Huế, đã đánh dấu bằng việc lập Tân Việt cách mạng Đảng, ra “Đảng chương” bao gồm chương trình hành động, quy tắc điều lệ, cải tổ tổ chức đều phỏng theo Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Do ảnh hưởng của xu thế chung và việc Tân Việt cách mạng Đảng sử dụng các phương pháp tổ chức huấn luyện đều có những nét tương đồng như Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, do đó, các đảng viên đều tiếp thu được những hiểu biết đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản và đường lối cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc đề xướng. Từ năm 1928, Tân Việt cách mạng Đảng cũng đã cử đảng viên đi vào “vô sản hóa”.
Tân Việt cách mạng Đảng có cơ sở và phát triển mạnh ở ba tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh về mặt chính trị tư tưởng trong Tân Việt cách mạng Đảng cũng diễn ra hết sức phức tạp và không kém phần quyết liệt. Do hình thành từ một nhóm trí thức, tiểu tư sản vốn có trình độ nhận thức chính trị khác nhau, vì vậy trên thực tế chưa bao giờ Tân Việt trở thành một khối thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Hàng ngũ của Tân Việt ngày càng phân hóa, những người ưu tú giác ngộ nhất tiêu biểu như Trần Phú… đã rời khỏi Tân Việt để gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Từ năm 1927-1928, trong số 60 người mới gia nhập Tân Việt đã có 45 người chuyển sang Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Trước tình hình đó, một bộ phận cánh hữu trong Tổng bộ Tân Việt muốn hướng Đảng theo chủ nghĩa quốc gia, chống lại xu hướng chuyển qua chủ nghĩa cộng sản. Trong tình hình đó, những đảng viên tiên tiến chiếm đa số trong Đảng Tân Việt đã tuyên bố ly khai khỏi Đảng, thanh đảng, lựa chọn những người tích cực trong Tân Việt tổ chức ra chi bộ Đông Dương cộng sản liên đoàn.
Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 1-1-1930, đại hội thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn họp tại Hà Tĩnh. Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ và tuyên đạt chính thức thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn, trong đó khẳng định: “Đông Dương cộng sản liên đoàn lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền móng, lấy công, nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mệnh cộng sản trong xứ Đông Dương, làm cho xứ sở của chúng ta hoàn toàn độc lập, xóa bỏ nạn người bóc lột áp bức người, xây dựng chế độ công nông chuyên chính tiến lên cộng sản chủ nghĩa trong toàn xứ Đông Dương”.
Tuyên đạt cũng đã xác định hướng đi tới là, cùng Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng “liên hợp thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hành cách mệnh cộng sản được”.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản. Điều đó đã phản ánh xu thế tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam, đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của lịch sử. Sự ra đời của các tổ chức cộng sản đã thổi một luồng gió mới vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Nhưng mặt khác, sự tồn tại ba đảng biệt lập có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn hết sức nguy hại cho phong trào chung của cách mạng. Trong khi tuyên truyền, xây dựng tổ chức, vận động quần chúng, các đảng đã bỏ ra nhiều thời giờ để công kích lẫn nhau. Đảng nào cũng tự cho mình là Đảng cộng sản chân chính, còn Đảng kia là “hoạt đầu, giả cách mạng”, “xa rời quần chúng công nông”, “chưa thật sự Bônsêvích”…. Tình hình thực tế đã diễn ra mỗi địa phương làm một nơi, mỗi bộ phận chủ trương làm một nẻo… theo nguyên tắc tổ chức mà nói thì hình như có óc đảng phái, óc địa phương”. Thực tế đó sẽ dẫn đến nguy cơ “phân liệt thế lực cách mệnh… gián tiếp làm lợi cho đế quốc chủ nghĩa Pháp”. Rõ ràng, yêu cầu bức thiết và tất yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là phải chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản, thống nhất các tổ chức đó thành một đảng duy nhất trong cả nước.
II. HỘI NGHỊ THÀNH LẬP ĐẢNG VÀ CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRị ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG
1. Hội nghị thành lập Đảng
Sự chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản là một bất lợi lớn đối với cách mạng Việt Nam. Và sự thực, những bất lợi của sự chia rẽ đó cũng đều được các tổ chức cộng sản nhận thức được ngay từ khi mới thành lập. Trong Lời thông cáo giải thích cho các đồng chí vì sao phải tổ chức Đảng cộng sản An Nam của An Nam cộng sản Đảng đã nêu rõ các vấn đề về hợp nhất đảng với Đông Dương cộng sản Đảng, trong đó có đoạn: “Phải biết mình tổ chức ra cốt yếu nhất là để gánh vác công việc cách mạng, còn vấn đề hợp nhất với Đông Dương là một vấn đề thứ hai. Nếu chúng ta yêu cầu Đông Dương một lần, hai lần, ba lần,…, mà Đông Dương không biết nghĩ sâu xa, không thể giác ngộ thì chúng ta sẽ có cách đối phó, yêu cầu hợp nhất là vì cách mạng, nếu không hợp nhất được thì cũng phải vì cách mạng mà làm việc, chứ không thể nào được. Nhưng Đông Dương không phải là không biết giác ngộ, xem bây giờ họ đã hiểu rằng họ phải là một đảng, và họ đã bằng lòng phái đại biểu thương lượng sự hợp nhất. Làm cách mạng là cốt phải lo xa nghĩ rộng, phải tính toán sắp đặt về đường lâu dài, chớ không phải một chút thế lực trước mắt hoặc sợ một sự lợi thời nhất thời mà bỏ mất nguyên tắc và lý luận cách mạng”. Tuyên đạt của Đông Dương cộng sản liên đoàn cũng xác định: cùng Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng “liên hợp thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hành cách mệnh cộng sản được”.
Như vậy, đến cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng cộng sản thống nhất, chấm dứt sự chia rẽ trong phong trào cộng sản ở Việt Nam. Điều này phản ánh quá trình tự ý thức của những người cộng sản Việt Nam về nhu cầu phải thống nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất.
Ngày 27-10-1929, Quốc tế cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương tài liệu Về việc thành lập một Đảng cộng sản ở Đông Dương, yêu cầu những người cộng sản Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một đảng của giai cấp vô sản. Quốc tế cộng sản chỉ rõ phương thức để tiến tới thành lập đảng là phải bắt đầu từ việc xây dựng các chi bộ trong các nhà máy, xí nghiệp; chỉ rõ mối quan hệ giữa Đảng cộng sản Đông Dương với phong trào cộng sản quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc hợp nhất các tổ chức cộng sản là không hề đơn giản. Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Khoảng tháng 5-1929, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội họp Hội nghị toàn quốc. Đại biểu Bắc kỳ đề nghị tổ chức ngay một đảng cộng sản. Các đại biểu khác đề nghị sau này hãy tổ chức. Nhóm Bắc kỳ bỏ Hội nghị ra về và tổ chức một đảng. Một số khác, sau đó đã tổ chức một đảng khác. Đó là mối bất hòa đầu tiên. Nhóm Bắc kỳ tìm hết cách để phá hoại Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội vì họ cho rằng: Hội đó quá đông và cơ hội chủ nghĩa nên nó có thể làm lu mờ ảnh hưởng và công tác của Đảng cộng sản trong quần chúng. Nhóm An Nam ra sức giữ cho Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tiếp tục hoạt động vì họ cho rằng: Hội có thể lợi dụng để tập họp tầng lớp trí thức và giai cấp tiểu tư sản. Đó là mối bất hòa thứ hai. Cả hai đều cố thống nhất nhau lại, nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì càng hiểu lầm nhau bấy nhiêu và hố ngăn cách ngày càng rộng bấy nhiêu”. Nguyễn Đình Đài viết: trên thực tế, “Quan điểm của Đông Dương cộng sản Đảng là đồng ý hợp nhất trên cơ sở giải tán An Nam cộng sản Đảng, sau đó lựa chọn từng người một kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. An Nam cộng sản Đảng không chấp nhận điều kiện đó và kết quả bàn bạc để đi tới hợp nhất không thành”.
Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc thống nhất đó đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn về nhau giữa các tổ chức cộng sản để giải quyết những bất đồng và xác định những điều kiện hợp nhất. Và hơn nữa, phải có một người có đầy đủ uy tín để giải quyết công việc hệ trọng này.
Rõ ràng lịch sử đã đến lúc cần tới vai trò của một cá nhân có khả năng, điều kiện và uy tín, vượt lên trên tất cả những người khác về mọi phương diện để giải quyết vấn đề trọng đại này.
Nhận được tin về sự phân liệt giữa những người cộng sản ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã rời Xiêm về Trung Quốc. Trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản đề ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc viết: Một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam thanh niên cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái,…
Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày 6-1 … Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng lao động Việt Nam, tháng 9-1960, Về ngày thành lập Đảng, viết: “Nay căn cứ theo các văn kiện và tài liệu lịch sử, thì ngày bắt đầu cuộc Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng là ngày 3-2-1930 dương lịch, tức là ngày 5 tháng 1 theo âm lịch” và “quyết nghị từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3-2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”.
Tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất Đảng được tiến hành. Tham dự Hội nghị có 1 đại biểu của Quốc tế cộng sản, 2 đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng, 2 đại biểu của An Nam cộng sản Đảng. Hội nghị thảo luận đề nghị của Nguyễn Ái Quốc với nội dung gồm 5 điểm lớn:
“1. Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương;
2. Định tên Đảng là Đảng cộng sản Việt Nam;
3. Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng;
4. Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước;
5. Cử một Ban Trung ương lâm thời gồm chín người, trong đó có hai đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc ở Đông Dương”.
Để chỉ đạo Hội nghị tiến hành đạt mục tiêu thành lập một Đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình về những thành kiến của các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, những khuyết điểm của mỗi tổ chức cộng sản, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản. Kết quả là Hội nghị đã thống nhất việc thành lập một Đảng cộng sản, nhất trí với Năm điểm lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc và quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản, lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam. Sau này, Nguyễn Ái Quốc viết: “Với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ đã phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng”.
Về tên Đảng được Nguyễn Ái Quốc đưa ra và được Hội nghị hợp nhất ngày 3-2-1930 thông qua là Đảng cộng sản Việt Nam, khác với chỉ thị của Quốc tế cộng sản là lập Đảng cộng sản Đông Dương. Vấn đề này là sự sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc và những người thành lập Đảng. Vì ta thấy rằng, tuy Đông Dương là thuộc địa của thực dân Pháp nhưng vốn có lịch sử là ba đất nước khác nhau: Việt Nam, Lào, Campuchia, có lịch sử quốc gia dân tộc hàng nghìn năm, có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, có phong tục tập quán, nền văn hóa riêng. Phong trào công nhân ở từng quốc gia dân tộc cũng khác nhau và có thể nói, sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam là sự phát triển khách quan của phong trào công nhân Việt Nam. Để hiểu rõ hơn điều này, ta tham khảo Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản đề ngày 18-2-1930 của Nguyễn Ái Quốc, về công tác của Người ở Xiêm và Lào theo sự phân công của Quốc tế cộng sản từ 7-1928 đến 11-1929, có đoạn “Những điều kiện ở Xiêm (đúng hơn là cả ở Lào): dân cư phân tán, hầu hết theo đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên chúa… Kinh tế - không có công nghiệp, nông nghiệp tự nhiên và lạc hậu, điều đó dẫn đến đồng ruộng bị bỏ hoang; người ta có thể sử dụng bao nhiêu đất tùy ý, không hạn chế, không đánh thuế….
Công tác của tôi ở Lào: Do những điều kiện của người An Nam (nông dân tự do, thợ thủ công, tiểu thương), họ chỉ có thể được tổ chức vào “Hội ái hữu” với tư tưởng yêu nước và chống đế quốc…”.
Từ đó, sự ra đời của Đảng ở Việt Nam và lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam là phù hợp với thực tế lịch sử. Hơn thế nữa, đó còn là sự quán triệt và tôn trọng nguyên tắc về quyền dân tộc tự quyết của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là, giai cấp công nhân và đội tiên phong của nó mang bản chất quốc tế nhưng trước hết phải tự quyết về vận mệnh của dân tộc mình: Phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, từ đó, quyết định con đường phát triển của đất nước mình. ( Đó là quyền dân tộc tự quyết trong Cương lĩnh dân tộc của Đảng cộng sản của Lênin; hay C. Mác và Ph. Ăngghen, trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản có đoạn: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã” và “giai cấp vô sản ở mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền; phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc…”).
Tiếp đó, Hội nghị đã thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị quyết định phương châm, kế hoạch thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước, quyết định ra báo, tạp chí của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày 24-2-1930, theo yêu cầu của Đông Dương cộng sản liên đoàn, Ban chấp hành trung ương lâm thời họp và ra Nghị quyết chấp nhận Đông Dương cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó xác định: “Đông Dương cộng sản liên đoàn tuy có nhiều điều khuyết điểm, song vì chỉ căn cứ vào tinh thần cộng sản nên đoàn thể này được gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam”.
Như vậy, đến ngày 24-2-1930, Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn tất việc thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đây là thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng và tổ chức giữa ba tổ chức cộng sản để tiến tới thành lập một Đảng cộng sản chính thức.
Thực tế cho thấy, sự kiện Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và việc Hội nghị nhất trí thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt thể hiện bước phát triển biện chứng quá trình vận động của cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản – sự phát triển về chất từ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến ba tổ chức cộng sản, đến Đảng cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro