Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tiếp xúc văn hoá và ngôn ngữ thực hiện theo những cách thức nào

Tiếp xúc văn hoá và ngôn ngữ thực hiện theo những cách thức nào?

Tiếp xúc văn hoá là hiện tượng hai hay nhiều nền văn hoá dân tộc/ sắc tộc cọ sát với nhau thông qua các cư dân của mình trong thực tiễn cộng cư và hành động (sản xuất, buôn bán sản phẩm, giao lưu, chiếm đóng) trên cùng một khu vực địa lí ở những giai đoạn lịch sử nhất định, dẫn đến những biến đổi ( đào thải hoặc củng cố) các yếu tố văn hoá vốn có của mình và hình thành những cấu trúc, nội dung và đặc điểm mới mang đặc trưng của nền văn hoá ngoại lai. Do đó có thể nói tiếp xúc văn hoá và tiếp biến văn hoá là những khâu kế tiếp nhau tất yếu.

Động cơ nảy sinh tiếp xúc văn hoá khá đa dạng:

- Động cơ kinh tế: Trao đổi hàng hoá nhằm cải thiện đời sống; khai thác các nguồn nguyên liệu mà mình không có (khoáng sản, lâm thổ sản, vật liệu xây dựng); tăng cường lực lượng lao động bằng cách thuê công nhân nước ngoài, hoặc để tăng dân số; khắc phục tình trạng nguy cấp do thiên tai, địch hoạ, biến đổi thời tiết.

- Động cơ chính trị: Gìn giữ hoà bình; tìm kiếm uy quyền; bành trướng thế lực và can thiệp bằng các cuộc xâm chiếm lãnh thổ; Cấu kết với các thế lực bên ngoài nhằm thay đổi cán cân trong tranh giành quyền lực.

- Động cơ tôn giáo và hệ tư tưởng: Du nhập tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo mới; hoặc học tập các hệ tư tưởng cách mạng hay cải cách, hoặc các trào lưu chính trị thời thượng.

- Động cơ cá nhân, hiểu biết và nhu cầu tâm lí-xã hội: do hôn nhân, hiếu kì, cô đơn, nhu cầu cảm thông và chia sẻ (ví dụ trao đổi các trang blog nhật kí cá nhân trên Internet ngày nay), học tập nâng cao tri thức (vd. y dược học, toán học, địa lí học).

- Do lãnh thổ liền kề nhau.

Quá trình tiếp xúc cũng bộc lộ đặc điểm của các tương tác giữa hai hay nhiều (khối cư dân của các) dân tộc với nhau. Chúng ta có thể phân loại về quan hệ tiếp xúc giữa hai dân tộc như sau :

Các loại quan hệ tiếp xúc giữa các dân tộc

Tình huống tương tác Tương quan quyền lực

Bình đẳng Không bình đẳng

Các nhóm cư dân tiếp xúc trực tiếp Cân bằng Phân chia tầng bậc

Cấc nhóm cư dân biệt lập với nhau Đứt đoạn Gián tiếp

Biểu hiện dễ thấy nhất về kết quả tiếp xúc văn hoá là trên lĩnh vực ngôn ngữ (ví dụ từ/ thuật ngữ ngoại lai, từ/ thuật ngữ vay mượn), trang phục, tín ngưỡng - tôn giáo, cho đến những khía cạnh biến đổi chậm hơn nhưng sâu sắc hơn, như hệ tư tưởng, văn chương, mỹ thuật, trí tuệ khoa học, mô hình chính trị nhà nước, v.v... Quá trình tiếp xúc thường diễn ra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, đến chính trị, văn hoá, tôn giáo, và những tiếp xúc đa dạng đó liên quan chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau. Tuỳ theo tình huống và tác động của các cá nhân tiếp xúc mà việc tiếp xúc có thể làm nảy sinh những cấu trúc hoàn toàn mới trong văn hoá và ngôn ngữ của các cộng đồng. Nhưng chúng cũng có thể đào thải hay củng cố thêm các xu thế truyền thống, những sự bền vững có ý thức hoặc các thiết chế đời sống bảo thủ.

Thông qua khảo cứu thực tiễn lịch sử tiếp biến văn hoá của khu vực Bắc Phi - Tây Á trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu liên ngành lớn thuộc Đại học J. Gutenberg - Mainz (CHLB Đức) từ năm 1998 trở lại đây, các nhà khoa học đã đưa ra một loạt mô hình mô hình tiếp xúc có giá trị lý thuyết cao.

Mô hình tiếp xúc của W. Bisang:

A B

C D

Chú thích: A, B, C, D: chủ thể tiếp xúc

F: Chức năng (Function)

Trong mô hình tiếp xúc này, tình huống có thể được hiện thực hoá bằng các chức năng từ F(A) đến F(D). Bởi vì mỗi chủ thể tiếp xúc đều dựa trên những vốn liếng văn hoá và động cơ riêng của mình, nên chức năng của công cụ tiếp xúc cũng rất khác nhau. Nếu như một biểu tượng nào đó đóng vai trò công cụ tiếp xúc, thì rất có thể biểu tượng đó được hiểu khác nhau, ngay cả khi giữa các chủ thể có quan hệ tương đối chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ hệ giữa các chủ thể A, B, C, D càng chặt chẽ bao nhiêu, thì sự bất đồng chức năng giữa F(A) cho đến F(D) về công cụ tiếp xúc càng giảm thiểu bấy nhiêu.

- Mô hình phụ thuộc giữa các loại hình tiếp xúc của Jeorjios Martin Beyer/ Theodor Kissel như sau (bảng 13):

Mô hình tiếp xúc của T. KIssel

Lĩnh vực tiếp xúc Kiểu tiếp xúc Chủ thể tiếp xúc

1. Tiếp xúc ngôn ngữ

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp cơ bản của con người và là một hiện tượng xã hội như văn hoá vậy. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng F. De Saussure đã định nghĩa ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu và hệ thống đó - theo cách hiểu kí hiệu học - là hệ thống khép kín thuần tuý ngôn ngữ học, chứ không mang tính mở áp dụng cho các hệ thống văn hoá hay hệ thống chính trị. Điều này đã dấy lên trong ngôn ngữ học những tranh luận sôi nổi không dứt. Một câu hỏi được đặt ra là yếu tố văn hoá tác động đến những khâu nào trong hệ thống ngôn ngữ và quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ, và ngược lại, ngôn ngữ đã tác động thế nào đến quá trình tiếp xúc văn hoá.

Ngôn ngữ học hiện đại đã khẳng định 3 loại yếu tố hình thức làm thành cơ sở của hệ thống biểu đạt của giao tiếp ngôn ngữ là ngữ âm (Phonology), hình thái (Morphonogy), cú pháp (Syntax). Trong so sánh với mức độ tham dự của các yếu tố hình thức.Còn các yếu tố ngữ pháp phổ quát (Universal Grammatics) can dự ít nhất vào quá trình này.

Các kiểu tiếp xúc của ngôn ngữ và chủ thể tiếp xúc ngôn ngữ cũng như động cơ tiếp xúc đều giống như ở tiếp xúc văn hoá. Tiếp xúc ngôn ngữ là sự cọ sát của hai hay nhiều nhóm người nói các ngôn ngữ khác nhau, thuộc về các văn hoá khác nhau nảy sinh trong quá trình giao lưu về kinh tế, văn hoá, chính trị diễn ra trong lịch sử. Hình thái đầu tiên của tiếp xúc ngôn ngữ chính là việc gọi tên các đồ vật/ sản vật hay hành vi bằng một tên gọi khác của một ngôn ngữ khác. Như vậy về bản chất thì khái niệm/ ý nghĩa biểu niệm/ ý nghĩa biểu vật được đồng thời biểu thị bằng (ít nhất) 2 hình thức biểu đạt/ hai từ thuộc hai hệ thống ngôn ngữ khác nhau.

Mức độ tiếp xúc càng rộng rãi và mạnh mẽ bao nhiêu thì kết qủa tiếp xúc càng sâu sắc bấy nhiêu trên lĩnh vực ngôn ngữ: đó là việc hình thành các vốn từ vay mượn/ từ ngoại lai, các hiện tượng hình thái học mới, các kết cấu cú pháp mới, các mô hình liên kết văn bản mới. Việc trong tiếng Việt hiện đại tồn tại hàng vạn từ Hán Việt là minh chứng cho lịch sử tiếp xúc mạnh mẽ, sâu rộng và trường kỳ hàng ngàn năm của tiếng Việt với tiếng Hán phương Bắc. Có một đặc điểm đáng lưu ý là, trong số hàng vạn từ Hán Việt hiện đại ngày nay, có hàng nghìn từ vốn do nguời Nhật Bản cấu tạo nên trên cơ sở các yếu tố Hán Nhật để dịch các khái niệm hay thuật ngữ mới vay mượn từ các ngôn ngữ Âu-Mỹ, như các tên gọi các ngành khoa học như triết học, kinh tế học, vật lí học, hoá học, sinh vật học v.v... Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong quá trình xây dựng từ điển khoa học (danh từ khoa học) đầu tiên của tiếng Việt vào những năm 40 của thế kỷ 20 đã sử dụng tuyệt vời vốn từ Hán Nhật này. Vậy là ta có thể hình dung mối quan hệ tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Việt tiếng Hán, tiếng Nhật như sau:

Mô hình tiếp xúc giữa ba ngôn ngữ Việt, Hán, Nhật:

(Mũi tên biểu thị hướng ảnh hưởng chủ yếu:

Tiếng Hán và tiếng Nhật ảnh hưởng qua lại mạnh mẽ,

còn tiếng Việt chịu ảnh hưởng chủ yếu là một chiều

từ tiếng Hán và tiếng Nhật)

Kết quả tiếp xúc giữa các ngôn ngữ cùng khu vực có thể sinh ra một vốn từ ngữ chung, ví dụ hệ thống yếu tố gốc Hán trong các ngôn ngữ Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản,Việt Nam) chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa thông qua tiếp xúc ngôn ngữ: ở Việt Nam gọi là yếu tố Hán Việt, ở Triều Tiên gọi là yếu tố Hán Triều, ở Nhật Bản gọi là yếu tố Hán Nhật. Những yếu tố này có cách phát âm và ý nghĩa khá gần nhau, dựa trên nền tảng chung là hệ thống ngữ âm đời Đuờng (thế kỉ 7-10). Đây là cơ sở khoa học để tiến hành nghiên cứu và khôi phục hệ thống ngữ âm lịch sử của tiếng Hán trung cổ.

Xét về qui mô, cách thức và mức độ sâu rộng của tiếp xúc của các khối cư dân tiếp xúc, có thể chia ra làm một số kiểu nhau:

Bảng 15: Loại hình tiếp xúc văn hoá và ngôn ngữ

Qui mô tiếp xúc Kết quả tiếp xúc

Vay mượn hệ thống Vay mượn lẻ lẻ

rộng lớn, hệ thống

- trực tiếp + -

- gián tiếp + +

lẻ tẻ, không hệ thống - -/+

Như vậy, mỗi qui mô và tính chất tiếp xúc ngôn ngữ đều có thể mang lại nhiều kết quả khác nhau. Một tiếp xúc trực tiếp qui mô lớn và lâu dài chắc chắn phải mang lại một kết quả vay mượn to tớn, mang tính hệ thống. Nhưng một tiếp xúc gián tiếp (chẳng hạn qua thư tịch) thông qua một số cư dân đặc biệt (ví dụ trí thức, người song ngữ, thương gia, phiên dịch v.v...) vẫn có thể dẫn đến những vay mượn mang tính hệ thống. Tiếng Nhật là một dẫn chứng cho sự vay mượn hệ thống vốn từ Hán Nhật chỉ thông qua tiếp xúc của một số ít đại diện của họ với tiếng Hán cổ điển, vì chưa có khi nào cư dân Trung Quốc ồ ạt tiếp xúc với cư dân Nhật (ví dụ qua đội quân xâm lược như ở Việt Nam thời Bắc thuộc). Việc tiếp thu vốn từ ngoại lai khổng lồ từ châu Âu (được phiên âm bằng hệ chữ Katakana) của họ cũng là thông qua các trí thức và doanh nhân của Nhật Bản, chứ không phải thông qua cọ sát của hai khối cư dân trên lãnh thổ Nhật Bản. Vốn từ Hán Việt hiện đại cũng là kết qủa vay mượn từ tiếp xúc gián tiếp thông qua trí thức, nhân sĩ trong quá trình tiếp thu văn hoá Phương Tây bằng sách báo tiếng Hán hiện đại từ đầu thế kỉ 20.

Tuy nhiên, kết quả tiếp xúc về mặt ngôn ngữ học thường là không đồng đều nhau ở các ngôn ngữ tiếp xúc: Những ngôn ngữ của các nền văn hoá/quốc gia yếu hơn sẽ tiếp thu mạnh mẽ hơn các yếu tố ngôn ngữ của nền văn hoá/ quốc gia mạnh. Nói một cách khác, ngôn ngữ của dân tộc yếu, kém phát triển phải học tập nền văn hoá mạnh qua vốn từ ngữ của các dân tộc phát triển hơn. Do đó người ta thấy trong khi tiếng Việt có hàng vạn từ Hán Việt cấu tạo trên cơ sở 3-5000 yếu tố Hán du nhập vào tiếng Việt, thì người ta chỉ thấy lác đác vài ba từ trong tiếng Hán tạm được coi là tiếp thu từ các ngôn ngữ Phương Nam như đạo (gạo), giang (sông), nỗ (nỏ) v.v...

Do nhiều điều kiện lịch sử, kết quả của tiếp xúc ngôn ngữ có thể dẫn đến những trạng thái hết sức khác nhau: có ngôn ngữ tiếp tục tồn tại và phát triển sau khi đã được làm giàu thêm bằng vốn từ ngữ vay mượn qua tiếp xúc; có ngôn ngữ biến đổi mạnh mẽ không chỉ về vốn từ ngữ, mà còn cả cấu trúc hình thái và cú pháp, để trở thành một ngôn ngữ pha trộn; có ngôn ngữ thậm chí bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ để lại một vốn liếng ít ỏi làm thành cơ tầng của ngôn ngữ pha trộn mới nảy sinh trên cơ sở ngôn ngữ ngoại lai và vốn liếng ít ỏi của ngôn ngữ gốc. Hiện nay trong bối cảnh giao lưu quốc tế và tự do hoá, toàn cầu hoá mạnh mẽ, không những bản sắc văn hoá của các dân tộc đang biến đổi nhanh chóng, mà còn xuất hiện tình trạng biến mất nhanh chóng của hàng nghìn ngôn ngữ các bộ tộc châu Phi, châu Á. Hiện tượng đó đang đặt ra vấn đề cấp bách giữ gìn di sản văn hoá và đa dạng văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc trong phát triển cùng tiến trình toàn cầu hoá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: