Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

.

Các Kiểu Cấu Tạo Từ Tiếng Việt
1. Từ đơn: là những từ được cấu tạo bằng một tiếng độc lập.
Ví dụ : Nhà, xe, đi, viết, xanh,đỏ, vàng, tím,…
– Xét về mặt lịch sử, từ đơn là những từ đã có từ lâu đời. Một số từ có nguồn gốc thuần Việt, một số từ vay mượn từ các ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Hán, tiếng Pháp, Anh, Nga,…
– Xét về mặt ý nghĩa , từ đơn biểu thị những khái niệm cơ bản trong sinh hoạt của đời sống hàng ngày của người Việt, biểu thị các hiện tượng thiên nhiên, các quan hệ gia đình, xã hội , các số đếm,…
– Xét về mặt số lượng, tuy không nhiều bằng từ ghép và từ láy nhưng là những từ cơ bản nhất, giữ vai trò quan trọng nhất trong việc biểu thị các khái niệm có liên quan đến đời sống và cấu tạo từ mới cho tiếng Việt.

2. Từ ghép: là những từ có hai hoặc hơn hai tiếng được ghép lại với nhau dựa trên quan hệ ý nghĩa.
Dựa vào quan hệ ngữ pháp giữa các yếu tố, có thể phân từ ghép ra làm 2 loại chính:
a . Từ ghép đẳng lập:
Từ ghép đẳng lập có những đặc trưng chung là:
– Quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố trong từ là quan hệ bình đẳng.
– Xét về mặt quan hệ ý nghĩa giữa các thành tố có thể thấy:
+ Hoặc các thành tố đồng nghĩa nhau, trong đó:
* Có thể có một yếu tố thuần Việt và một yếu tố Hán Việt. Ví dụ: bạn hữu, bụng dạ, máu huyết,…
* Có thể cả hai yếu tố đều là Hán Việt. Ví dụ: tư duy, thổ địa, tiên lợi, cốt nhục,…
* Có thể cả hai yếu tố đều là thuần Việt. Ví dụ: đợi chờ, máu mủ, xinh đẹp,…
* Có thể có một yếu tố toàn dân và một yếu tố vố là từ địa phương. Ví dụ:Chân cẳng, bát đọi, chợ búa,…
+Hoặc các thành tố gần nghĩa nhau. Thí dụ: thương nhớ, nhà cửa, áo quần, ăn uống, đi đứng,…
+ Hoặc các thành tố trái nghĩa nhau. Thí dụ: đầu đuôi, sống chết, già trẻ, gần xa, trong ngoài,…
– Xét về mặt nội dung, từ ghép đẳng lập thường gợi lên những phạm vi sự vật mang ý nghĩa phi cá thể hay tổng hợp ( tức biểu thị sự vật, tính chất hay hành động chung, mang tính chất khái quát ).
. – Tuy có quan hệ bình đẳng về mặt ngữ pháp, nhưng không đưa đến hệ quả là ý nghĩa từ vựng của các thành tố trong từ đều có giá trị ngang nhau trong mọi trường hợp. Như ta sẽ thấy, những trường hợp một trong hai thành tố phai mờ nghĩa xảy ra phổ biến trong từ ghép đẳng lập.
– Căn cứ vào vai trò của các thành tố trong việc tạo nghĩa và phạm vi biểu đạt của từ ghép, có thể phân từ ghép đẳng lập thành ba loại nhỏ là từ ghép đẳng lập gộp nghĩa, từ ghép đẳng lập đơn nghĩa và từ ghép đẳng lập hợp nghĩa.
+ Từ ghép đẳng lập gộp nghĩa:
Bao gồm những từ ghép thuộc mô hình ngữ nghĩa AB = A+B. Tức là loại mà nghĩa của từng thành tố cùng nhau gộp lại để biểu thị ý nghĩa khái quát chung của cả từ ghép, trong ý nghĩa chung đó có ý nghĩa riêng của từng thành tố. Chẳng hạn, từ quần áo chỉ đồ mặc nói chung, trong đó có cả quần lẫn áo.
Một số ví dụ về từ ghép gộp nghĩa: điện nước, xăng dầu, tàu xe, xưa nay, chạy nhảy, học tập, nghe nhìn, thu phát, ăn uống, tốt đẹp, may rủi, hèn mọn,thầy trò, vợ con…
+ Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa:
Bao gồm từ ghép thuộc mô hình ngữ nghĩa AB = A hoặc B. Tức là loại mà nghĩa khái quát chung của cả từ ghép tương ứng với ý nghĩa của một thành tố có mặt trong từ. Ví dụ: núi non, binh lính, thay đổi, tìm kiếm,…
Do nghĩa của cả từ ghép tương đương với nghĩa của một thành tố nên thành tố còn lại có xu hướng bị mờ nghĩa hoặc bị mất nghĩa. Yếu tố này sẽ làm chỗ dựa cho ý nghĩa của cả từ ghép. Có thể nói sự mờ nghĩa của núc (bếp núc), búa ( chợ búa), pheo ( tre pheo) … chính là kết quả cực đoan của mô hình đơn nghĩa này.
Một số ví dụ về từ ghép đẳng lập đơn nghĩa: bếp núc, chợ búa, đường sá, heo cúi, áo xống, ăn mặc, ăn nói, viết lách, …
+ Từ ghép đẳng lập hợp nghĩa:
Bao gồm những từ ghép nằm trong mô hình ngữ nghĩa AB > A+B . Tức là loại mà ở đó nghĩa của cả từ không phải chỉ là phép cộng đơn thuần nghĩa của các thành tố, mà nó là sự tổng hợp nghĩa của các thành tố kèm theo sự trừu tượng hóa dựa trên cơ sở liên tưởng ẩn dụ hay hoán dụ. Do đó nghĩa của cả từ mới hơn so với nghĩa của từng thành tố.
Thí dụ, đất nước không phải chỉ đất và nước nói chung hay chỉ đất hoặc nước, mà hai yếu tố được hợp lại để chỉ lãnh thổ của một quốc gia trong đó có những nét tiêu biểu là đất và nước. Trường hợp non sông, sông núi, sơn hà cũng vậy.
Một ví dụ khác, ruột thịt không phải chỉ ruột hay thịt nói chung mà cả hai hợp lại hợp lại để chỉ quan hệ máu mủ, huyết thống. Hay gan dạ để chỉ sự mạnh mẽ, không lùi bước trước nguy hiểm cũng là một trường hợp tương tự.

Chú ý về trật tự các thành tố trong từ ghép đẳng lập:
Bàn về từ ghép đẳng lập, người ta thường bàn đến khả năng hoán vị giữa các thành tố. Tuy nhiên cần chú ý là khả năng ấy không xảy ra phổ biến đối với toàn bộ lớp từ ghép đẳng lập, và không phải xảy ra vô điều kiện trong mọi trường hợp. Về hiện tượng này có thể nêu mấy nhận xét chung như sau:
+ Có thể hoán vị được đối với một số từ ghép gộp nghĩa trường hợp không có yếu tố Hán – Việt. Thí dụ: quần áo – áo quần, rủi may – may rủi, tươi tốt – tốt tươi,…
+ Khả năng hoán vị ít xảy ra giữa các thành tố trong từ ghép đơn nghĩa, đặc biệt đối với trường hợp từ ghép có yếu tố mờ nghĩa, mất nghĩa.
+ Khả năng hoán vị bị sự khống chế của một số yêu cầu:
* Không được phép làm thay đổi ý nghĩa của từ ghép ban đầu. Ví dụ: đi lại – lại đi ; cơm nước – nước cơm khác nghĩa.
* Không đi ngược lại tập quán cổ truyền của dân tộc. Ví dụ: nam nữ – nữ nam; ông bà – bà ông, anh em – em anh, vua quan – quan vua,… không hoán vị được.
* Không tạo nên những trật tự khó đọc. Chẳng hạn: sửa chữa dễ đọc hơn chữa sửa.
b, Từ ghép chính phụ: Là những từ ghép mà ở đó có ít nhất một thành tố cấu tạo nằm ở vị trí phụ thuộc vào một thành tố cấu tạo khác, tức trong kiểu từ ghép này thường có một yếu tố chính và một yếu tố phụ về mặt ngữ pháp.
Loại này có những đặc điểm sau:
– Xét về mặt ý nghĩa, nếu từ ghép đẳng lập có khuynh hướng gợi lên các sự vật, tính chất có ý nghĩa khái quát, tổng hợp, thì kiểu cấu tạo từ này có khuynh hướng nêu lên các sự vật theo mang ý nghĩa cụ thể.
. – Trong từ ghép chính phụ, yếu tố chính thường giữ vai trò chỉ loại sự vật, đặc trưng hoặc hoạt động lớn, yếu tố phụ tường được dùng để cụ thể hóa loại sự vật, hoạt động hoặc đặc trưng đó.
– Căn cứ vào vai trò của các thành tố trong việc tạo nghĩa, có thể chia từ ghép chính phụ thành hai tiểu loại:
+ Từ ghép chính phụ dị biệt: là từ ghép trong đó yếu tố phụ có tác dụng phân chia loại sự vật, hoạt động, đặc trưng lớn thành những loại sự vật , hoạt động, đặc trưng, cụ thể. Vì vậy có thể nói tác dụng của yếu tố phụ ở hiện tượng này là tác dụng phân loại. Thí dụ :
• máy may, máy bay, máy bơm, máy nổ, máy tiện,…
• làm việc, làm thợ , làm duyên, làm ruộng, làm dâu,…
• vui tính, vui tai, vui mắt, vui miệng,…
+ Từ ghép chính phụ sắc thái hóa: là những từ ghép trong đó thành tố phụ có tác bổ sung một sắc thái ý nghĩa nào đó khiến cho cả từ ghép này khác với thành tố chính khi nó đứng một mình như một từ rời, hoặc khiến cho từ ghép sắc thái hóa này khác với từ ghép sắc thái hóa khác về ý nghĩa.
Thí dụ , so sánh xanh lè với xanh và xanh biếc, …
3. Từ láy: từ láy là những từ gồm nhiều tiếng, giữa các tiếng có quan hệ ngữ âm có tác dụng tạo nghĩa.
a. Ðặc điểm của từ láy:
– Giữa các tiếng trong từ láy có quan hệ với nhau về mặt ngữ âm, biểu hiện ở một trong các dạng sau :
+ Hoặc giống nhau ở phần phụ âm đầu. Thí dụ: vắng vẻ, vui vẻ,…
+ Hoặc giống nhau ở phần vần. Thí dụ: co ro, lác đác, lung túng,…
+ Hoặc giống nhau ở cả phần phụ âm đầu lẫn phần vần. Thí dụ: đo đỏ, hao hao,…
+ Riêng thanh điệu, ở từ láy đôi thường tuân theo quy tắc biến thanh sau:
Cao _ / ?
Thấp \ . ~
– Mối quan hệ về mặt ngữ âm trong từ láy tạo nên sự hòa phối ngữ âm có tác dụng biểu trưng hóa ( Hoàng Văn Hành),( tức là tạo ra một thứ ý nghĩa biểu trưng, ý nghĩa ấn tượng mà người bản ngữ tỏ ra nhạy cảm với nó hơn so với người không phải thuộc bản ngữ) . Ðó là lí do giải thích vì sao trong tiếng Việt tồn tại nhiều từ láy rất khó lòng giải nghĩa, nhưng người bản ngữ nói chung vẫn cảm nhận được cái hay, vẫn dùng đúng và hiểu đúng, nhưng khó có thể giải thích tính đúng, tính hay đó cho người ngoại quốc học tiếng Việt. Chính vì vậy ở những từ ghép có các thành tố còn rõ nghĩa và có hiện tượng lặp âm ngẫu nhiên như tươi tốt, nam nữ, mặt mũi, hầm hố,…nhưng người bản ngữ không hề nghĩ đến chúng như là từ láy. ở đây ý nghĩa của từng thành tố trong từ còn quá rõ, chúng đã cản trở việc tạo ra một thứ ý nghĩa vốn mơ hồ, yếu ớt, mặc dù khá ổn định. Và ngược lại, khi trong từ ghép đẳng lập có xuất hiện yếu tố mờ nghĩa, người ta dễ cảm thụ chúng như là từ láy. Ðó là lí do giải thích tại sao những từ chùa chiền, hỏi han, đất đai, chim chóc, tuổi tác được nhiều người lĩnh hội như là từ láy.
– Từ đó dẫn đến đặc điểm thứ ba, trong từ láy phải có ít nhất một yếu tố không độc (mờ nghĩa hay mất nghĩa). Như vậy, từ láy trong tiếng Việt có thể xảy ra hai trường hợp:
●Từ láy có một yếu tố độc lập ( hay tiếng gốc) và một yếu tố không độc lập ( hay tiếng láy)
●Từ láy có cả hai yếu tố đều không độc lập ( hay từ láy không có tiếng gốc).
b . Phân loại từ láy:
Kết hợp tiêu chí số lượng tiếng với các bộ phận giống nhau trong từ, có thể phân từ láy thành các loại sau:
– Từ láy đôi là từ láy gồm có 2 tiếng. Có các dạng cấu tạo láy đôi sau:
+ Từ láy bộ phận: Từ giống nhau ở phần vần hoặc phụ âm đầu.
* Giống nhau ở phụ âm đầu gọi là từ láy âm => thí dụ: sạch sẽ, dễ dàng, dễ dãi, đông đúc,…).
* Giống nhau ở phần vần gọi là từ láy vần => thí dụ: chói lọi, khéo léo, co ro, lanh chanh, …)
+ Từ láy hoàn toàn: Ngoại trừ những từ láy bộ phận, còn lại là các từ láy hoàn toàn. Cụ thể gồm các dạng sau:

• Giống cả phần vần, phụ âm đầu và thanh điệu.
Thí dụ: đùng đùng, lù lù, vàng vàng,...
• Giống phần vần, phụ âm đầu, khác nhau thanh điệu.
Thí dụ: đu đủ, cỏn con, đo đỏ, tim tím,…
• Giống nhau phụ âm đầu và âm chính, khác nhau ở thanh điệu và phụ âm cuối do sự chi phối của quy luật dị hóa.
Thí dụ: đèm đẹp, bàng bạc,sành sạch, tôn tốt,…
– Từ láy ba và láy tư:
Từ láy ba: chủ yếu dựa trên cơ chế láy hoàn toàn.
Thí dụ: nhũn => nhũn nhùn nhùn; dưng => dửng dừng dưng,
khỏe => khỏe khoè khoe; con => cỏn còn con.
xốp => xốp xồm xộp; sát => sát sàn sạt,
khít => khít khìn khịt; sạch => sạch sành sanh
Từ láy ba dạng láy bộ phận chiếm số lượng rất ít. Ví dụ: tơ lơ mơ, tù lù mù,…
Từ láy tư: Phần lớn từ láy dựa trên cơ sở từ láy đôi, một số ít có phần gốc là từ ghép.
So với từ láy ba, từ láy tư khá đa dạng về kiểu cấu tạo. Sau đây là một số kiểu thường gặp:
+ Láy bộ phận kết hợp với đổi vần -a, -à hay -ơ.
Ví dụ: ấm ớ — ấm a ấm ớ
hì hục — hì hà hì hục
sớn sát — sớn sơ sớn sát
hớn hở — hớn ha hớn hở
+ Láy toàn bộ kết hợp với biến thanh.
Ví dụ: bồi hồi — bổi hổi bồi hồi
lảm nhảm — lảm nhảm làm nhàm
+ Láy bộ phận kết hợp với tách, xen .
Ví dụ: thơ thẩn — lơ thơ lẩn thẩn
nhồm nhoàm — lồm nhồm loàm nhoàm
+ Láy toàn bộ kết hợp với tách, xen
Ví dụ: hăm hở — hăm hăm hở hở
vội vàng — vội vội vàng vàng.
4. Từ ngẫu hợp
Ngoại trừ các trường hợp trên, còn lại là các từ ngẫu hợp. Ðấy là trừơng hợp mà giữa các tiếng không có quan hệ ngữ âm hay ngữ nghĩa.
Thí dụ: cà phê, a xít, a pa tít,…cổ hũ, mè nheo, ba láp, ba hoa, bồ hóng,…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: