Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Thanh xuân là cơn mưa dầm

Tôi vẫn thường nghe người ta nói: "Thanh xuân giống như cơn mưa rào, hối hả, mạnh mẽ và cũng qua thật mau". Thế nhưng, với tôi, thanh xuân tựa như cơn mưa dầm lay lắt, lê thê và thật tẻ ngắt.

Không biết các bạn bắt đầu biết những rung động đầu đời từ khi nào nhỉ? Trẻ con bây giờ thường yêu sớm. Còn với tôi và lũ bạn của tôi. Những rung động đầu tiên đến từ năm lớp 6. Chắc có lẽ cũng là sớm nhỉ?

Tôi không gọi đó là yêu, vì đó chỉ là chút rung rinh tuổi mới lớn, là những thứ tình cảm thuần khiết, nhưng e ấp, bồi hồi khi lỡ chạm tay nhau. Khi ấy tôi cũng là 1 cô lớp trưởng năng động và thích thể hiện bản thân mình.

Những năm tháng cấp 2 trôi qua thật trong trẻo và đẹp đẽ. Có lẽ đó là những năm tháng rực rỡ nhất của tôi. Và tôi cũng may mắn được trải qua đôi ba lần rung động, tất cả đều dừng lại ở những cái nắm tay vụng trộm. Những cái ôm bẽn lẽn khi ngồi sau xe đạp của ai đó. Và táo bạo nhất có lẽ chỉ là 1 cái chạm môi phớt qua.

Tôi mang theo tất cả những điều đẹp đẽ rực rỡ nhất đó lên cấp 3, tự hào vì mình là đứa có điểm thi tốt nghiệp cao nhất lớp khi ấy. Lên cấp 3 rồi với bảng thành tích từ trước, tôi lại bắt đầu với nhiệm vụ thân quen. Lớp trưởng của 10CB3. Thế nhưng, niềm hân hoan đó chẳng tồn tại được lâu bởi vì sau 1 tháng học hè tôi chợt nhận ra tôi thật nhỏ bé và lẻ loi trong môi trường mới. Và thật ra, tôi chẳng tài giỏi như những gì tôi vẫn tưởng.

Tại đây, tôi mơ hồ cảm nhận 1 sự phân hóa mà ở những năm tháng cấp 2 tôi chưa bao giờ biết đến. Sự phân hóa giàu nghèo.

Ngày trước khi còn ở cấp 2, trong 1 lớp dĩ nhiên cũng có đứa nhà giàu, đứa nhà nghèo. Nhưng chúng tôi chơi với nhau bằng những hồn nhiên của tuổi mới lớn. Những giờ ra chơi quà vặt mua ở cổng trường vào cả lũ bâu xâu loáng cái là hết veo. Cũng chả quan tâm là tiền của đứa nào. Ai có thì cứ mua, đứa nào thích thì cứ ăn thôi.

Lên cấp 3, mọi thứ thật khó mà được như cũ, những câu chuyện, những buổi đi chơi khi được về sớm, những giờ ra chơi nhóm bạn tụ tập nơi căng tin trường. Tất cả với tôi quá xa lạ rồi.

Ngày trước vào những buổi meeting trường lũ chúng tôi sẽ xin bố mẹ cho đi chơi sau đó. Địa điểm thường là Gò Đống Đa, công viên Thủ Lệ, công viên Thống nhất,... đi chơi cả buổi cũng chỉ mất 1k gửi xe đạp, 2k vé vào cổng, đi dạo 1 hồi, buôn chuyện trên trời dưới đất, lâu lâu khát nước góp tiền vào mua 1 2 túi nước mía hoặc nếu không thì cốc nước nhân trần. Thế là có 1 buổi đi chơi hết ý trần đời. Có những khi cả lũ hết tiền, cả lũ 10 đứa góp đc 7 - 8k đi mua 1 âu nhân trần 5k còn lại mua cá chi chi rồi chui xuống khu vui chơi cạnh nghĩa trang Kim Giang chơi cả buổi rồi về. Có lần, có đứa giấu cặp sách của tôi vào trong nghĩa trang. Tôi mải chơi quá đến sát giờ thì cuống cuồng chạy về. Đến tối học bài mới bắt đầu tá hỏa tam tinh vì không thấy cặp đâu. Lúc đó vừa sợ bố mẹ mắng vì mất cặp, vừa sợ lộ vụ buổi chiều được về sớm mà không về nhà ngay. Tôi vội vàng đạp xe xuống khu vui chơi tìm không thấy, lại sang nhà mấy đứa con gái hỏi xem chúng có đứa nào cầm nhầm về. Tá hỏa cả buổi tối hỏi đến nhà đứa thứ 9 là đối tượng cảm nắng của tôi lúc bấy giờ mới biết, tụi con trai giấu cặp tôi vào nghĩa trang để tôi đi tìm. Ai ngờ tôi vô tư chẳng phát hiện ra, đến lúc về chúng nó cũng quên mất luôn. Tôi ức đến phát khóc, cuối cùng cả lũ lại kéo nhau xuống nghĩa trang đó để tìm. Loay hoay mất nguyên 1 buổi tối. Đến lúc về nhà tôi cũng bị bố mẹ phát hiện ra, đánh cho 1 trận nên thân. Từ đó mối tình đầu của tôi cũng chấm rứt.

Lại nói đến những ngày đầu cấp 3, thời điểm đó chúng tôi chọn các trường theo hộ khẩu. Nhà ai không có hộ khẩu Hà Nội buộc phải thi bán công hoặc học dân lập. Còn có hộ khẩu thì căn cứ theo quận để chia khu vực chọn trường. Tôi thấy đó là 1 sự phân biệt đối xử rất lớn và bất công. Học sinh thì chỉ nên phân biệt học giỏi hay không thôi chứ? Tại sao lại phân biệt hộ khẩu thành thị hay nông thôn?

Bởi thế trong nhóm bạn 10 đứa cấp 2 của tôi, có 4 đứa nghiễm nhiên không được thi trường quốc lập, 5 đứa còn lại thi chung trường Quang Trung vì vừa tầm điểm. 1 mình tôi thi Lê Quý Đôn Đống Đa, điểm chuẩn cách lũ bạn cả 3 4 điểm. Thật ra, tôi cũng rất muốn được học cùng bạn cũ nhưng kỳ vọng gia đình, tự phụ của bản thân. Tôi cắm đầu cắm cổ học 1 mình 1 trường. Vừa trải qua sự bỡ ngỡ về việc không quen bất kỳ ai trong ngôi trường mới. Tôi lại được trải nghiệm câu núi cao có núi cao hơn. Tuy ở cấp 2 lúc nào tôi cũng đứng top 3 của lớp nhưng lên cấp 3 thực sự là không đáng để so sánh chút nào. Cuối cùng là khoảng cách của kinh tế gia đình, tôi đã được trải nghiệm sâu sắc thế nào là 2 từ "lạc lõng".

Gia đình tôi không hề giàu, tuy không đến mức nghèo rớt mùng tơi nhưng để đủ lo cho chị em tôi ăn học thì bố mẹ tôi đã phải vất vả đi làm rồi lại chắt chiu từng đồng. Bố tôi là công nhân nhà máy cao su sao vàng. Mẹ tôi vốn là công nhân xưởng in của tạp chí Cộng sản. Tuy nhiên, với đồng lương bập bõm của công nhân, mẹ tôi đã bỏ ra ngoài đi chợ, sáng đi bán rau, chiều làm giúp việc theo giờ. 1 thời gian sau đó nữa thì xin được làm quản lý 1 xưởng in tư nhân. Cuộc sống thực sự là tằn tiện mới đủ tiêu.

Tôi lên cấp 3 vì thành tích tốt nên tôi được bố mẹ tặng cho chiếc xe đạp mới, loại cào cào 1 dóng to của Đài Loan màu xanh da trời mà tôi hằng ao ước. Tôi rất hãnh diện với chiếc xe mới của mình nhưng thật ra, lúc ấy ở trường tôi có bạn đã được đi xe máy (tất nhiên là gửi ngoài cổng trường) còn lại đa phần là xe đạp điện, hoặc nếu có xe đạp thì cũng là chiếc xe đời mới bằng inox hoặc thiết kế vô cùng thời trang. Chung quy thì tôi vẫn chỉ là gà trong bầy hạc.

Về xe thì cũng thôi đi, dù sao chúng cũng chỉ là phương tiện di chuyển, xấu hay đẹp thì vẫn là phải dùng chân đạp mà thôi. Nhưng lúc đó ở lớp chúng tôi các bạn đều dùng điện thoại. Đứa nào cùi cùi thì 1200 cục gạch còn đứa nào có điều kiện thì đã là điện thoại màu, có đứa còn dùng cái nắp trượt của nokia có thể nghe nhạc. Thực sự, đó là cả 1 thế giới mới với tôi, bởi khi đó đến ở nhà tôi cái điện thoại bàn còn bị khóa chiều gọi di động, lúc nào cần kíp lắm mẹ tôi mới mở khóa để dùng, tháng nào nhận hóa đơn tiền điện thoại là cũng phải mở bảng kê cước ra nhìn 1 hồi xem có cuộc nào gọi quá lâu không mà hết ngần ấy tiền. Hay có số nào lạ không, là do có người gọi nhờ hay do tôi táy máy linh tinh. Vì thế tôi tuyệt nhiên không động vào cái điện thoại. Mà điện thoại di động mẹ tôi còn chưa dùng thì nhãi con như tôi lấy đâu ra.

Đến lớp thấy các bạn ai cũng có di động để nhắn tin, tôi vừa thèm muốn vừa chột dạ không dám đụng vào sợ lộ việc mình không biết dùng di động. Ai hỏi gì tôi đều cười trừ nói bố mẹ nghiêm lắm không cho dùng sợ ảnh hưởng việc học tập.

Và cũng vì các bạn có điện thoại nên ngoài trường lớp, về nhà dĩ nhiên là càng có nhiều thời gian trao đổi với nhau, khi đến lớp tôi không theo kịp những câu chuyện phiếm của lũ bạn. Vì thế chẳng thể thân với ai cả. Vì tôi là lớp trưởng nên bạn nào tôi cũng chơi 1 ít nhưng lại chả có ai thân. Lũ bạn cấp 2 vì không cùng trường, không cùng lịch học, không có chung giáo viên và càng không có chung lũ bạn mới mà vì thế so với cả nhóm tôi lại càng xa cách dần. Lúc đó tôi thực sự ân hận vì đã chọn ngôi trường này.

Sau thời gian học hè, vào năm học chính lớp chúng tôi cuối cùng cũng tổ chức 1 buổi đi chơi cho thân thiết hơn. Tôi cũng rất mong chờ vào buổi đi chơi này bởi dù sao tôi cũng phải học ở đây 3 năm cấp 3 mà. Thế nhưng ấn tượng về những buổi đi chơi thời học sinh cấp 2 của tôi đã hoàn toàn được thay đổi.

Theo kế hoạch thì ngày khai giảng chúng tôi sẽ đi liên hoan sau khi meeting buổi sáng. Lịch trình là sẽ đi ra trường Ams (Núi Trúc) ăn chè, thấy mọi người bảo ở đó có bobochacha ngon lắm. Thực ra tôi thì cũng chưa ăn bao giờ. Món chè mà tôi biết thì chỉ có 2 loại. 1 là những lúc bình thường chúng tôi hay ăn là gánh chè rong ở ngã tư sở giá 1k 1 cốc. Còn khi nào giàu thì lũ chúng tôi sẽ ăn chè Sài gòn giá 2k quán chè nằm gần trường mần non Khương Trung. Nên tôi nghĩ chè ở Núi Trúc gì đó chắc cũng như chè Sài Gòn. Sau khi chơi ở Núi Trúc sẽ đạp xe lên Hồ Tây uống nước mía chân châu và ăn bánh tôm hoặc bún ốc. Ăn trưa xong sẽ đi về.

Nhìn qua thì đã thấy là lịch trình ăn uống toàn món xa lạ với tôi. Đường đi thì dĩ nhiên tôi không biết vì toàn những địa danh xa lạ. Nhưng tôi là lớp trưởng, lần đầu đi với lớp thực sự là không thể không đi. Hơn nữa bản thân tôi cũng muốn đi. Nhẩm tính lại thì tôi vẫn còn 50k. Là tiền ăn sáng tôi tích cóp được trong thời gian hè. Mỗi ngày đi học bố mẹ sẽ cho tôi 10k ăn sáng, tôi thường ăn bánh mì hoặc xôi hết 7k, còn 3k để phòng trường hợp xe hết hơi hay là mệt khát nước quá thì uống. Tiết kiệm suốt 1 tháng học hè cũng chỉ dành ra được 50k vì tuần trước có đi gặp lũ bạn cấp 2 tiêu mất 16k rồi. Tôi chắc ngẩm số tiền này là thừa đủ rồi thế nhưng không, hiện thực phũ phàng đã làm tôi tỉnh ngộ.

Khi lên đến Ams, cả lũ kéo nhau vào hàng chè, gọi mỗi đứa 1 cốc bobochacha lại mỗi bàn nào khoai tây chiên và nem chua rán. Tôi nhìn thực đơn mà giật cả mình, chè thì toàn 10k 1 cốc, không hiểu làm từ thứ nguyên liệu gì. Tôi cứ nghĩ chè Sài Gòn 2k là đắt rồi. Nem chua cũng không phải loại nem 1k 1 cái ngoài cổng trường chúng tôi vẫn ăn mà hẳn 3k 1 cái. Tôi nuốt nước bọt nghĩ thầm thế này cũng mất 1 nửa số tiền mình có rồi. Vậy tiết mục đằng sau còn đắt đỏ đến thế nào? Chẳng lẽ ăn chè xong lại đi về? Nhưng tôi cũng không có điện thoại cũng không thể lấy lý do có việc đột xuất hay bố mẹ gọi về gì đó để chuồn được. Hơn nữa tôi còn không biết đường. Loanh quanh, loanh quanh như gà mắc tóc cuối cùng tôi cũng phải bấm bụng là cố ở lại cho đến hết chương trình. Cùng lắm thì mình không uống nước mía nữa chỉ ăn trưa thôi chắc 1 bát bún cũng chỉ như ở khu nhà mình, 15 - 20k thôi.

Sau tiết mục ở Núi Trúc cả lũ lại lục đục lôi nhau lên Hồ Tây, giữa trưa mùa thu nắng nóng, 4 chục đứa học sinh mặc đồng phục nối đuôi nhau rồng rắn lên mây đạp xe lên đến đường Thanh Niên. Lần đầu tiên tôi được đi trên những con đường rợp bóng cây đẹp đến thế. Trên đường đứa nào đi xe đạp điện thì chầm chậm đi đằng trước dẫn đường đợi mấy đứa đạp xe ì ạch đằng sau, tiếng nói cười không ngớt.

Lên đến Hồ Tây, cả lũ hưng phấn đạp xe dọc đường Thanh Niên 2 vòng rồi lại lượn lờ ra Lăng Bác ngắm ngía chán chê cho tiêu hết chỗ chè mới ăn trước đó rồi mới vòng về mua nước mía chân châu. Tôi đã thành công từ chối nhẹ nhàng rằng vẫn no để tiết kiệm vụ nước mía. Vì trong túi lúc này tôi chỉ còn có 25k mà thôi. Cứ cầu trời khấn phật là đủ tiền ăn bún mà cuối cùng vẫn thiếu. Sau khi cả lũ chiến đấu xong bát bún ốc nổi tiếng Hồ Tây và ngắm hồ giữa buổi trưa chang chang nắng thì cái giá mà bà chủ quản đưa ra làm tôi thực sự nổi da gà toát mồ hôi lạnh. 30k cho 1 bát và tôi thiếu 5k. Ngay lúc cầm 25k trong tay loay hoay không biết làm thế nào. Phải mở lời nói mình thiếu hay sao thì cậu bạn ngồi đối diện tôi nãy giờ đưa tay dựt lấy tiền trong tay tôi đưa cho cái Hà đang chạy lăng xăng thu tiền của mấy đứa.

- Này, của tao với Trưởng (bọn ở lớp gọi tôi là Trưởng - gọi tắt của lớp trưởng)

Tôi ngu ngơ nhìn lên cậu bạn ấy, cậu ta đã cất số tiền thiếu của tôi vào túi quần và đưa số tiền đủ cho Hà cầm đi. Tôi còn nhìn thấy rõ lớp mồ hôi tay vẫn ướt trên tờ tiền của mình làm 2 tờ dính cả vào nhau. Cậu ấy nhìn tôi cười cười nháy mắt bảo.

- Để tôi bù cho.

Tôi ngại ngùng lí nhí nói cảm ơn. Lúc này tôi mới nhớ ra cậu ấy là Thanh ngồi bàn thứ 2 từ trên xuống dãy thứ 3 từ cửa lớp vào. Cạnh cậu ấy là Tiệp, người khởi xướng buổi đi chơi hôm nay. Cô bạn Hà lăng xăng thu tiền là bạn gái nổi bật nhất lớp tôi, cao và trắng, có mái tóc dài, thẳng mượt và nhuộm màu nâu trầm rất thời trang. Cô bạn đó và Tiệp rất thân nhau trên lớp. Nếu tôi không nhầm thì là có tình ý với nhau.

Đến lúc ra về tôi mới để ý rằng Thanh không đi xe đạp mà nhờ bạn cùng lớp đèo. Vì cảm kích chuyện lúc nãy cậu ấy giúp tôi bù tiền nên tôi lại gần bắt chuyện với cậu ấy mới biết là cậu ấy không đi xe đạp mà đi bus đi học. Tôi đề nghị cậu ấy đi cùng với tôi và cậu ấy đồng ý ngay. Theo thói quen tôi đưa xe cho cậu ấy (vì bọn con trai hay có câu "chó cắn không đau bằng ngồi sau bạn nữ") nhưng Thanh cười bảo cậu ấy không biết đi xe đạp. Tôi rất ngạc nhiên nhưng vẫn nói nếu cậu ấy không ngại thì để tôi đèo. Vậy mà cậu ấy không nói gì chỉ cười cười ngồi xuống yên sau.

Trên đường về tôi và Thanh cũng buôn chuyện vài câu. Đại khái biết trước kia cậu ý học cấp 1 và cấp 2 tận Cầu Giấy, hàng ngày đều đi xe bus nên không có thời gian tập xe đạp. Nhà lại ở rất gần nhà tôi. Nghĩa là cách trường khoảng 6km. Mỗi ngày cậu ấy đều phải dậy từ 5h30 để bắt xe bus đi học mới không bị tắc đường và kịp ăn sáng. Tôi nói với cậu ấy rằng tôi thấy rất lạ khi 1 người lớn ngần này rồi còn chưa biết đi xe đạp. Thanh chỉ cười cười không nói. Tôi lại bảo thấy bản thân cậu ý cũng rất khó hiểu.

Thanh hỏi tôi tại sao lại nghĩ vậy? Tôi cũng không rõ vì sao. Chỉ bảo là cảm giác như thế, thấy bình thường trên lớp cậu rất lạnh lùng, xa cách, lúc nào cũng lơ đễnh không quan tâm gì nhưng như lúc nãy thì thấy cậu ấy rất hay quan sát xung quanh và khá tế nhị, ấm áp. Thanh cười tôi nghĩ quá nhiều bảo rằng cậu ấy chẳng có gì khó hiểu cả, cứ chơi thân thì sẽ thấy bình thường. Tôi vui vẻ đáp vậy thì từ mai tôi sẽ cho cậu ấy đi cùng xe để xem thân rồi có thấy cậu ấy không khó hiểu hay không vì từ nhà tôi muốn đi đến trường sẽ phải đi qua nhà cậu ấy. Chúng tôi hẹn giờ tôi qua đón Thanh rồi cùng đi học.

Hôm sau, lúc tôi đến đón đã thấy cậu ấy đứng ở cổng chờ. Thấy tôi đến Thanh ôm balo nhảy lên yên sau xe tôi, chúng tôi vui vẻ đến trường. Khoảng 1 tuần đi chung với nhau như vậy, Thanh đề nghị tôi chỉ cậu ấy đi xe. Cậu ấy cũng không muốn cứ để tôi phải đèo mãi như vậy. Thế nên, từ hôm ấy chúng tôi có thêm 1 khoảng thời gian là sau giờ học chúng tôi sẽ nán lại trường để tập xe 30' sau đó mới về. Tôi và Thanh cũng thân hơn từ đó.

Lại nói về sự khác biệt của lớp cấp 3. Thực sự tôi cũng rất có lòng để tham gia các buổi đi chơi cho hòa đồng với lớp nhưng thực sự là điều kiện kinh tế không cho phép. Thế nên cố gắng lắm cũng chỉ đi được khoảng 2/10 buổi. Sự xa cách vẫn chẳng cải thiện hơn chút nào. Thậm chí, mỗi lần muốn đi chơi tôi sẽ phải nhịn ăn sáng khoảng 1 tuần - 10 ngày.

Bây giờ, ngoài Thanh ra tôi cũng chỉ thân thiết hơn với 5 cô bạn ngồi gần tôi nhất là Trang ngồi cùng bàn, Hương - thư ký lớp - bàn dưới, Bình - cùng bàn với Hương, Trần Hà bàn dưới nữa và quỳnh Anh cùng bàn với Hà. Trong nhóm thì có cô bạn cùng bàn tôi là có suy nghĩ chín chắn nhất, thường xuyên giảng giải cho lũ chúng tôi dự thính những lớp răn dạy của Trang. Vì thế chúng tôi cũng vui vẻ gọi Trang là Thầy Trang. Hằng ngày đến trường, góc nhỏ cùng 5 đứa bạn này và Thanh là niềm vui duy nhất của tôi. Và thanh xuân của tôi chính là lặng lẽ bắt đầu như thế....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro