Thuyết minh về vấn đề Bạo lực học đường
Thuyết minh về vấn đề Bạo lực học đường
Từ xưa đến nay dân tộc ta vốn có truyền thống ham học hỏi, và tới trường là một cách hữu hiệu và phổ biến nhất để con người ta học tập, mở mang tri thức và cả tu dưỡng đạo đức. Đã là học trò thì phải biết chăm chỉ học hành, kính trọng thầy cô, chan hòa với bạn bè. Tuy nhiên, đi cùng với thời ki hội nhập của đất nước, cũng nảy sinh không ít những tiêu cực, một trong số đó là vấn nạn bạo lực học đường. Chúng không chỉ đơn giản chỉ là những cuộc ẩu đả trong nội bộ mà dần dần càng trở nên nghiêm trọng, gây hậu quả lớn và đang có xu hướng gia tăng.
Trước đây nhiều người còn có những tâm lí chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề xa xôi, không xảy ra phổ biến, nên khi hiện tượng này gia tăng, chúng ta lại càng không hiểu không ý thức được sâu sắc về tầm ảnh hưởng, tác động, hậu quả nghiêm trọng của nó. Thứ nhất ta phải hiểu bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí, đạo đức, xúc phạm người khác gây nên những tổn thương cho họ diễn ra trong phạm vi trường học. Hiện nay vấn đề này chủ yếu thông qua hai hình thức : bạo lực tinh thần – xúc phạm, xỉ nhục, lăng mạ làm ảnh hưởng đến tinh thần, danh dự và bạo lực thể xác - đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người. Không đánh nhau trong trường thì đánh ngoài trường, bản thân không đánh được thì nhờ đàn anh, đàn chị đánh, thậm chí người bị đánh còn không biết lý do vì sao bị đánh và bị ai đánh. Lại đáng buồn hơn khi giờ đây, nhắc tới nạn bạo lực trong học đường thì mọi người không chỉ dừng cái nhìn về phía con trai mà sự thiếu thiện cảm về con gái đang dần được hình thành. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên Google, sẽ có hàng dài những danh sách : nữ sinh đánh nhau, học sinh dùng “vũ khí lạnh” đâm nhau ngay tại sân trường, giáo viên xúc phạm nhân phẩm học sinh,….
Tuy nhiên, nhìn vào những lí do gây nên hiện tượng này, người ta đều không khỏi giật mình, vì những thứ rất không đâu như : nhìn đểu, nói móc, “ngứa mắt”, tranh dành người yêu, …. Nhưng muốn thực sự hiểu để đi sâu vào thực hiện những biện pháp ngăn chặn nó, ta phải tìm hiểu từ những nguyên nhân thực sự của vấn đề.
Thứ nhất, ta phải khẳng định nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính bản thân mỗi học sinh, do sự phát triển thiếu tòan diện, thiếu hụt về nhân cách và khả năng ứng xử của bản thân. Tự chính bản thân không ý thức được những việc mình đang làm là đúng hay sai, chỉ hành động theo những suy nghĩ bộc phát nhất thời, mà không nghĩ tới những hậu quả sau này. Ví dụ như vụ “đánh hội đồng” tại THPT Trần nhân tông gây xôn xao dư luận suốt nửa đầu năm 2010, chỉ vì một cái …dẫm chân mà gây nên một vụ đánh nhau, mà kết quả tất yếu là kẻ gây ra phải chịu hình phạt là đuổi học”.
Thứ hai, nhưng cũng vô cùng quan trọng chính là giáo dục của gia đình và nhà trường. Cha mẹ thường quá bận rộn được xem là lý do nổi trội khiến con cái có những hành vi bạo lực, theo một thống kê có tới 45,7% học sinh bộc bạch rằng chúng không hề có được những cụộc đối thọai với cha mẹ, không biết làm cách nào để nhận được sự quan tâm, cách thức giải quyết mâu thuẫn trong lứa tuổi này,…. Thế là đánh nhau, gây hấn, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Hơn nữa, môi trường gia đình cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lí học sinh. Nếu con người ta được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc đầm ấm, thì sẽ có những điều kiện phát triển tốt nhất. Nhưng ngược lại, thử hỏi nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình không có hạnh phúc, luôn phải chịu những trận cãi vã, mà đôi khi là cả bạo lực từ cha mẹ liệu chúng có thể có sự phát triển tốt nhất? Ảnh hưởng từ gia đình, khiến những đứa trẻ này bị ám ảnh về bạo lực trong quá trình phát triển nhận thức con người, khiến chúng cho rằng bạo lực không có gì là quá nghiêm trọng. Ngòai gia đình thì nhà trường – nơi trực tiếp giáo dục học sinh cũng có một vai trò không hề nhỏ, thường quá chú tâm tới việc dạy văn hóa mà đôi khi quên mất việc dạy đạo đức con người. Người xưa nói “ Tiên học lễ hậu học văn” – nghĩa là phải học đạp đức trước rồi mới tới văn hóa. Ta có thể dễ dàng nhận thấy với một chương trình học buồn tẻ, nhồi nhét, học sinh buộc phải học những gì mà các em không thấy hứng thú, cứ vi phạm là ghi vào sổ kỷ luật, sổ đầu bài… và bị đánh, phạt quỳ, đứng hàng giờ… Chính những tổn thương được tích lâu ngày đã gây cảm giác chán nản, mệt mỏi vì thường xuyên chịu áp lực từ thầy cô giáo. Càng chán nản, lại càng muốn tử khẳng định bản thân, chỉ cần một chút “kích” thôi cũng có thể dẫn tới gây gổ.
Thứ ba, đó là ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực: phim, ảnh, sách, báo, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng...). Những sản phẩm này khiến học sinh gián tiếp dễ dàng tiếp xúc với bạo lực . Hơn nữa, nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet, chỉ cần một đọan phim quay bằng điện thọai, đăng lên Youtube, chỉ sau vài giờ đã có hàng chục lời bình luận, và không thiếu trong những lời bình luận đó là những lời lé khá vô cảm như “ Chỉ có vậy thôi à..” hay “vui quá !” . Thực đáng buồn khi thấy được hình ảnh một cô bạn bị đánh mà xung quanh chỉ là một đám đông … đứng xem, chỉ trỏ, lấy máy điện thọai ra quay,…mà không hề có bất cứ một hành động nào ngăn cản, dù những con người đó cùng mang trên mình một chiếc áo đồng phục.
Từ những nguyên nhân trên, bạo lực học đường đã làm ảnh hưởng không hề nhỏ tới sự phát triển của học sinh, liệu với những tổn thương về thể xác và tinh thần như vậy, các em có thể phát triển một cách tòan diện? Những “mầm mống tội ác” từ khi chỉ mới trên ghế nhà trường liệu sau này có gây nguy hại cho xã hội? Chúng ta cần phải thực sự tìm những lời giải đáp để ngăn chặn nạn bạo lực học đường đang ngày càng gia tăng như hiện nay. Đầu tiên, như đã nói ở trên, đó là ý thức mỗi con người : hãy tự yêu thương chính bản thân mình, mở rộng tấm lòng với bạn bè và gia đình. Bởi nơi lạnh nhất không phải là bắc cực mà là nơi không có tình thương, tình cảm được xây dựng là một liều thuốc hữu hiệu nhất cho căn bệnh này, hãy sống chan hòa với bạn bè, học cách yêu thương từ những thứ nhỏ bé nhất quanh mình. Luôn ý thức được những hành động, tự chủ bản thân, chỉ cần một chút kiềm chế sẽ gíup ta có những hành vi đúng đắn. Tiếp theo Xã hội cần có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ giáo dục con người trong gia đình, nhà trường, trong toàn xã hội; coi trọng dạy kĩ năng sống. Hãy cùng nhau góp sức xây dựng một gia đình đầm ấm, một nhà trường thân thiện. Hãy lắng nghe những điều các em muốn bày tỏ, xây dựng một môi trường tốt thì sẽ tạo ra những hạt giống tốt. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là thả lỏng, vừa mềm mỏng lại phải vừa cương quyết phê phán răn đe, giáo dục cải tạo, mới có thể thực sự ngăn chặn bạo lực học đường. Đặc biệt cần phải ngăn chặn những sản phẩm văn hóa bạo lực ảnh hưởng tới tâm sinh lí của hs. Làm được những điều đó, một phần nào đó chúng ta đã cùng nhau đẩy lui được nạn bạo lực học đường, mang về cho tuổi trẻ một môi trường trong sang và lành mạnh.
Kết lại, có thể khẳng định bạo lực học đường xuất phát từ nhiều phía của xã hội và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của giới trẻ, mặc dù đang gia tăng và có chiều hướng xấu, nhưng chỉ cần chúng ta hiểu rõ được nguyên nhân thì không phải là không thể ngăn chặn được. Tự mỗi con người phải rút ra bài học cho riêng mình, hãy sống thật ý nghĩa, giải quyết mọi việc bằng cách nói chụyện đàm phán chứ không phải là nắm đấm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro