GẠO NÀNG THƠM+ Ý NGHĨA CÁI RĂNG
SỰ TÍCH GẠO NÀNG THƠM CHỢ ĐÀO
Không biết gạo nàng Thơm có hương thơm từ khi nào, và không ai giải thích nổi tại sao chỉ duy nhất trồng ở vùng đất Chợ Đào mới ra được thứ gạo nàng Thơm thơm lừng, dẻo ngọt và có hạt lựu làm cho hạt cơm thêm đượm, thêm bùi. Nhưng từ lâu trong dân gian lưu truyền câu chuyện đậm chất huyền sử kể lại rằng, ngày xưa lúc vùng đất Nam Bộ còn hoang sơ ở một ngôi làng nọ có Nàng Thơm rất xinh đẹp, từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, nàng sống và lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của xóm làng. Nàng Thơm sở hữu một mái tóc dài đen óng, bóng mượt, dù không ướp gội bất cứ một thứ hương hoa nào nhưng nó vẫn luôn tỏa ta hương thơm ngào ngạt, thanh thoát, nhẹ nhàng. Lớn lên, được sự thương yêu, dạy bảo của dân làng nên nàng vừa giỏi thêu thùa, may vá vừa nết na hiền dịu, lại giỏi cả việc đồng án.
Ở làng bên có Chàng Lúa gia cảnh cũng mồ côi như nàng Thơm, chàng có sức khỏe phi thường, mạnh gấp hai ba người thường, chàng thường hay giúp đỡ, bảo vệ dân làng nên ai cũng yêu quý, thương mến chàng. Đặc biệt chàng còn có biệt tài ca hát rất hay, tiếng hát của chàng trầm ấm làm mê mẩn cả lòng người, làm cho nhiều cô gái đẹp thầm thương trộm nhớ, tuy nhiên chàng chưa để lòng thương mến ai. Trong một lần hội làng chàng vô tình đã gặp nàng Thơm, người mà chàng đã nghe tiếng nết na, xinh đẹp hiền thục từ lâu, nay gặp được mặt quả không sai, từ đó chàng đem lòng thương mến và nhờ mai mối hỏi cưới nàng Thơm.
Về phía nàng Thơm, từ khi dần bước sang tuổi cập kê đã có biết bao mối mai của những nhà quyền quý đến dân dã đến ngỏ ý hỏi cưới nhưng nàng đều từ chối vì chưa tìm thấy người đồng cảm làm cho lòng nàng thương mến, khi gặp được chàng Lúa người mà nàng cũng nghe qua qua lời kể của mọi người, biết tính tình chàng là người thật thà, ngay thẳng, hay giúp đỡ mọi người nên khi có mối mai của chàng Lúa đến hỏi nàng đã gật đầu đồng ý. Hai làng rất vui mừng dự định sang năm sau mùa gặt lúa sẽ cùng nhau tổ chức đám cưới cho hai đứa con chung của hai làng.
Tuy nhiên, đứa con độc nhất của bá hộ Dần tên là Hai Cải, tướng người xấu xí, lòng dạ độc ác hay ức hiếp dân lành, người mà gia đình nàng Thơm còn thiếu nợ, nhiều lần muốn bắt nàng Thơm về làm thiếp để trừ nợ nhưng đều bị nàng khước từ, trước sự bảo vệ, đùm bọc của dân làng nên Hai Cải chưa làm gì được, nhưng trong lòng hắn quyết tâm lập mưu phải bắt cho kỳ được nàng Thơm. Khi không bắt được nàng Thơm do dân làng quyết tâm bảo vệ nàng và hứa sẽ cùng nhau góp tiền để trả nợ cho nàng khi xong mùa lúa, không bắt được nàng Thơm chúng rất tức tối dùng mưu để bắt chàng Lúa dụ dỗ, ép buộc, đánh đập chàng lúa đến thân tàn ma dại, chúng dùng mủ cây xương rồng nhỏ vào làm cho mù mắt để chàng không còn nhìn thấy sắc đẹp của nàng Thơm mà từ bỏ ý định hỏi cưới. Dù bị đánh đập dã man, nhưng chàng Lúa chỉ một lòng một dạ, kiên quyết không từ bỏ nàng Thơm. Dân làng mấy lần bao vây nhà bá Hộ dần đòi thả chàng Lúa trước sự hung hăng của nhà bá hộ Dần, cuối cùng biết không thể lung lay được trái tim của chàng lúa, thấy không làm gì được chúng đành thả chàng ra với đôi chân không còn đứng vững, mặt mày đầy thẹo xấu xí, đôi mắt mù lòa trắng đục.
Được sự thương mến chăm sóc của dân làng và của nàng Thơm sức khỏe của chàng dần hồi phục, nhưng đôi mắt thì không còn nhìn thấy gì nữa. Tuy nhiên, mê mẩn trước sắc đẹp và hương thơm kỳ dịu của nàng Thơm, Hai Cải không từ bỏ quyết tâm chia ly, hãm hại nàng Thơm. Trong một buổi nàng đi làm đồng, Hai Cải cùng đám gia nhân đã theo dõi lén lút, bao vây bắt nàng Thơm, nàng chống cự quyết liệt, quyết một lòng một dạ chung tình với chàng Lúa, đến bước cuối cùng nàng phải chọn giải pháp quyên sinh để giữ vẹn tình cảm, tiết trinh với chàng Lúa không để cho bọn người lòng dạ độc ác hãm hại mình. Hoảng sợ trước sự quyết liệt, mạnh mẽ của nàng Thơm bọn người Hai Cải đã bỏ chạy, sau khi dân làng hay tin đã tìm lấy xác nàng về chôn cất tuy nhiên khi mọi người đi đến thì nhìn thấy thân thể của nàng tỏa sáng, tỏa ra làn hương thơm ngào ngạt, lan tỏa, thấm đẫm phảng phất ướp vào thân lúa trên đồng. Ở nơi nàng hóa tiên hương hòa vào cây lúa nổi lên một gò đất nhô lên như là một nấm mộ nhỏ.
Về phần chàng Lúa khi không thấy nàng Thơm đến thăm cứ luôn hỏi nàng Thơm đâu ban đầu dân làng còn dấu chàng, nhưng biết dấu mãi cũng không được đành phải nói thật cho chàng biết là nàng Thơm đã chết, chàng Lúa đau lòng ngã quỵ xuống, nhưng chàng vẫn chưa tin nàng Thơm đã chết, sao nàng lại nỡ bỏ chàng mà đi khi tuổi đời còn son trẻ, sao nàng lại nỡ bỏ chàng đi chàng phải chịu bao sóng gió gắng gượng giữ lại mạng sống để về với nàng, sao lại chết đi khi đám cưới hai đứa còn đang chờ phía trước. Chàng quyết tìm gặp cho được nàng Thơm, với đôi chân đã tàn phế, đôi mắt mù lòa chàng vẫn lết la, chống nạn ra đến chỗ nàng Thơm, lần mò theo mùi hương phảng phất trên khắp cánh đồng để tìm nàng. Với đôi mắt không còn nhìn thấy sự vật chàng đau đớn lê từng bước chân, nức nở thét gọi kiếm tìm nàng Thơm dù cho dân làng ngăn cản, khuyên nhủ nhưng chàng vẫn quyết đi tìm, từng bước chân lết la, chàng cứ lần theo theo dấu mùi hương nàng Thơm lan tỏa trên khắp cánh đồng, miệng cứ luôn gọi: "Thơm ơi! Thơm ơi em ở đâu!" khiến cho đất rời cũng phải mủi lòng thương cảm, chàng cất lên tiếng hát bi thương, ai oán trong đêm mưa tầm tã, những bài hát mà chàng hát khi gặp nàng Thơm, nước mắt mờ đục của chàng nhỏ từng giọt, từng giọt theo từng bước chân khốn khổ của chàng trên khắp cánh đồng. Sau ba ngày đêm không ăn uống, cuối cùng chàng gục ngã chết ngay chính bên cạnh gò đất của nàng Thơm khi sức tàn lực kiệt.
Thương cảm cho mối tình chung thủy chàng Lúa – nàng Thơm dân làng đã chôn cất xác chàng bên cạnh gò đất nhỏ nàng Thơm hóa tiên hương. Sau mùa vụ thu hoạch lúa ấy thì từ những hạt gạo quanh nơi nàng Thơm mất khi nấu ra thì hạt cơm thơm dẻo, cứ tỏa hương thơm ngào ngạt dịu kỳ. Khi nhìn vào hạt gạo người ta thấy ở đầu hạt gạo có hình trắng đục mọi người thường quen gọi là hạt lựu, có người cho rằng chính nước mắt của chàng lúa đã ướp vào hạt lúa tạo nên hạt lựu màu trắng đục ấy, những hạt gạo có màu trắng đục hạt cơm mới thơm bùi, dẻo ngọt, thấm đẫm hương thơm như chính mối tình của hai người trao tặng dân làng.
Kể từ vụ mùa năm ấy, một giạ lúa thơm dân làng đổi được bốn năm giạ lúa thường, vì thế dần dần cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, giàu có đã chuộc lại ruộng về cho chính mình, dưới bàn tay vun trồng chăm sóc thương yêu của người dân như yêu thương chính nàng Thơm, chàng Lúa đã tạo ra những hạt lúa thơm dẻo dịu kỳ mà không bất cứ vùng đất nào có được. Mọi người cho rằng nơi trung tâm của vùng lúa thơm chính là nơi nàng Thơm, chàng Lúa đã chết, chỉ những nơi nào có bước chân của chàng Lúa lang thang tìm xác nàng Thơm cùng với những giọt nước mắt trên khắp cánh đồng của chàng mới tạo ra được những hạt lựu cho những hạt gạo, càng đi xa vùng trung tâm ấy thì hạt gạo không còn thơm dẻo và có hạt lựu như thế được.
Khi đong trả nợ lúa cho bá hộ Dần người dân quyết không đong bằng giống lúa thơm ấy mà đổi ra giống lúa thường. Lúa thơm bá hộ Dần mua về ăn thì khi nấu lên lại hóa ra những hạt cơm cứng, không có mùi thơm, ăn vào cứ như nhai rơm rạ. Nhà bá hộ Dần tức tối tự tay mình lấy ruộng trồng lấy thì mùa màng thất bát, lúa mọc lên èo uột, chỉ ra những hạt lúa lép xẹp, gạo nấu ra cứng ngắt không có mùi thơm mà chỉ có vị đăng đắng, đến nổi phải tán gia bại sản nghèo khổ, phải rời bỏ làng đi chết không chốn dung thân, không người nối dõi.
Để tưởng nhớ đến giống lúa kỳ dịu thơm tho người dân đặt tên cho giống lúa ấy là lúa Nàng Thơm. Con kênh do nhân dân đào vào dẫn nước tưới mát cho những cánh đồng Mỹ Lệ, bên cạnh dòng kênh có ngôi chợ mọc lên bên con kênh đào đó người ta đặt cho cái tên Chợ Rạch Đào đần dần chỉ còn hai tiếng Chợ Đào đã gắn liền với cây lúa Nàng Thơm. Không phải tự dưng mà vùng đất Chợ Đào lại có tên làng Mỹ Lệ, mà vì người đời thương xót muốn ghi dấu về một thiên tình sử bi thương, vùng đất có người con gái sắc đẹp mỹ miều, diễm lệ đã sớm lìa đời để giữ gìn vẹn vẽ tiết trinh.
Ngày tháng dần trôi, xóa mờ ký ức nhưng cứ đến những ngày mưa tháng bảy những đêm mưa dầm rả rích liên tục người ta còn như nghe thấy văng vẳng tiếng của chàng Lúa hát gọi nàng Thơm với những tiếng nức nở bi thương, ai oán, nghẹn ngào, trong ánh chớp của cơn mưa thấy như có bóng dáng ai đó đau khổ, lom khom, lần dò trên những cánh đồng kiếm tìm hình bóng nàng Thơm. Ngày mất của chàng Lúa, nàng Thơm không ai còn nhớ rõ chỉ biết là họ đã chết vào những ngày mưa rả rích, lớn nhất vào những ngày của tháng 7 âm lịch. Vì thế, vào những ngày tháng bảy mưa đêm rả rích, một số người lớn tuổi còn nhớ tích xưa không ăn cơm chiều như thường lệ mà làm một mâm cơm bằng gạo Nàng Thơm với những món ăn dân dã, thường lệ như để cúng giỗ nàng Thơm, chàng Lúa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, sau đó lại quây quần đầm ấm bên nhau bên mâm cơm, ly rượu của đồng quê, cất lên lời ca, tiếng hát ngọt ngào ca ngợi những mối tình sắt son chung thủy, ca ngợi đất trời quê hương giàu đẹp, tình xóm làng đùm bọc thương yêu.
Mọi người xưng tụng "Đất Cần Đước tốt tươi, giàu đẹp; Người Cần Đước nghĩa hiệp, hào hoa" có lẽ có phần nào sự đóng góp của chuyện tình của nàng Thơm, chàng Lúa, của tấm lòng của người dân Mỹ Lệ chất phác, siêng năng, cần cù với cây lúa trên đồng nhưng cũng nhiều lãng mạn, tài hoa .
Ý NGHĨA TỪ CÁI TRONG CÁI RĂNG
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong ĐiềnAnh thương em thì cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê!
Câu hát giới thiệu một chuỗi địa danh ở Cần Thơ mà dẫn đầu là Cái Răng.
Cái Răng là nơi đất tốt, đông dân cư, được lập làng từ thời Minh Mạng. Khoảng 1889 – 1890 người Pháp cho đào tại đây một con kinh, lúc đầu chưa có tên sau đó đặt là kinh/rạch Cái Răng. Về mặt quản lý hành chính, tiên khởi Tòa Bố tỉnh Cần Thơ đặt tại Trà Ôn (làng Thiện Mỹ, tổng Bình Lễ), nhưng chỉ được một năm thì dời về đặt ở Cái Răng (làng Thường Thạnh, tổng Định Bảo). Sau, do Nghị định của Soái phủ Nam Kỳ ngày 23-2-1876 vùng Phong Phú lập thành tỉnh Cần Thơ, tỉnh lỵ đặt tại đây. Từ đó Trà Ôn và Cái Răng trở thành quận.Thời khẩn hoang, sinh hoạt đời sống người nông dân còn lẩn quẩn theo phương thức tự cung tự cấp, "ông Táo" lúc ấy chỉ là 3 cục đất, hoặc đá kê chụm lại, bắc nồi trách lên, đem nấu bằng củi đòn, củi chẻ. Phải một thời gian khá dài, cả trăm năm sau, khi mà cuộc sống người nông dân Nam bộ dần đi vào ổn định thì người ta mới thấy có chiếc cà ràng được làm bằng đất xuất hiện, thay thế cho ông Táo thô sơ trước đó. Tất nhiên lúc đầu kiểu dáng chưa mấy khéo, đẹp, có thể rất thô vụng và mau hư bể vì chất đất nguyên liệu có sẵn tại mỗi địa phương không chịu nổi sức nóng của lửa khi chụm. Về sau, do công năng độc đáo của nó, chiếc cà ràng trở thành một loại phương tiện nấu nướng, nó không chỉ hiện diện tại bếp ăn mỗi nhà mà còn theo chân người nông dân vào tận những vùng sâu, vùng xa trong những tháng gắn với mùa vụ. Chưa hết, nó còn là bạn đồng hành với những người nghèo chuyên sống nghề câu lưới, cũng là người bạn thân thiết của giới thương hồ quanh năm lênh đênh trên sông nước.Nhưng từ đâu mà có chiếc cà ràng với kiểu dáng đáng yêu và trở thành vật dụng gắn bó thân thiết cuộc sống con người như vậy?Có thuyết cho rằng chiếc cà ràng trước hết người Xiêm sáng tạo, đem bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia), các lái rỗi người Việt – nói chung là dân thương hồ – làm ăn ở Nam Vang mua dùng, thấy tiện ích nên trong những chuyến về lại quê nhà, lấy đất sét sẵn có ở địa phương, phỏng theo kiểu mẫu mà nặn đắp ra để xài. Song do đặc điểm của loại đất nguyên liệu này không chịu được lửa trong điều kiện nung đất tự do, tức không kiểm soát được nhiệt độ phù hợp nhất định, nên cà ràng làm bằng các loại đất ở đồng bằng đều mau hư, dễ bể. Riêng về đất sét tự nhiên, ngoài ưu điểm mềm dẻo, cũng có những nhược điểm nhất định nếu dùng nó để tạo hình làm gốm thô, nhất là đối với những vật thể mỏng mảnh, vì khi đem nung đốt chúng sẽ dễ bị nứt, nên bị xem là "đất xấu".Cho nên chiếc cà ràng chỉ được làm bằng loại đất đặc biệt ở miền núi, tốt nhất là đất lấy ở chân núi Nam Vi, miệt Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) vì nó có tính năng kết dính rất tốt, nên xài bền, có khi vài năm cũng chưa bể, gãy. Chính vì thế nên bà con vùng Xà Tón có điều kiện sản xuất hàng loạt, sỉ cho các ghe thương hồ đem bán tại các chợ lớn, chợ nhỏ, hoặc bán lẻ tận những vùng sâu, vùng xa khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Lộ trình thuận tiện nhất của các ghe này là xuôi theo dòng Hậu Giang, thả xuống "miệt vườn", "miệt dưới"... mà Cái Răng được xem là "tổng đại lý" mặt hàng này. Cái Răng, cách tỉnh lỵ Cần Thơ 6 km về phía Tây Nam, trên Quốc lộ 1, từ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đi Sóc Trăng. Do thuận lợi việc giao thông thủy, bộ nên sớm trở thành nơi đô hội.Năm 1897, toàn Cần Thơ có 10 chợ thì Cái Răng là một trong 10 chợ ấy. Vì bán đủ các mặt hàng nông lâm thủy sản nên được xem là chợ chánh, sầm uất hơn cả chợ Cần Thơ, lỵ sở huyện Phong Phú (lúc bấy giờ thuộc làng Tân An, tổng Định Bảo). Sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, 1909) mô tả:Chợ Cái Răng xứ hào hoaPhố lầu hai dãy xinh đà quá xinhCó trường hát cất rộng thinhĐể khi hứng cảnh thích tình xướng caTừ lâu, trong dân gian còn có câu hát huê tình:Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà NoCó thương em, anh mua cho một chiếc đòĐể em lên xuống thăm dò ý anh!Thời Pháp, Cái Răng từng là nơi sản xuất lúa gạo nổi tiếng nhất trong khu vực. Nhờ có đường bộ rộng rãi, đường sông lưu thông dễ dàng nên hoạt động kinh thương nơi đây phát triển mạnh, vì vậy ở Cái Răng đã sớm có chành lúa, và nhà máy xay xát quy mô, đủ khả năng tiếp nhận lúa toàn cả miền Hậu Giang để chế biến chuyển về Chợ Lớn xuất khẩu. Cần Thơ sớm trở thành xứ "cả cơm lớn tiền"!Câu hát cũ ghi lại dấu ấn tình hình lúa gạo hàng hóa nơi đây rất nhiều, nhiều đến mức không ít người địa phương đã xem đó là "chuyện thường":Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong ĐiềnAnh có thương em thì cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chêChợ Cái Răng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền nên các ghe cà ràng ở "miệt trên" không thể không đến đây chọn bến cắm sào. Trước ít sau nhiều, nhiều mãi đến mức cà ràng trở thành mặt hàng "ngoại nhập" được người tiêu dùng ưa thích, chiếm tỉ trọng áp đảo, nên bến chợ này được bà con đặt gọi chợ "Cà Ràng" (âm từ tiếng kran hay karan), sau nói trại ra là "Cái Răng".Cụ Vương Hồng Sển có ghi trong sách Tự vị tiếng Việt miền Nam (Nhà xuất bản Văn hóa, 1993) ở mục từ "Cái Răng", trang 98: "Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi". Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: "Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn".Trong tự điển J.B.Bernard, ghi rõ rằng, địa danh rạch Cái Răng là: krêk karan (hay kran), là cà ràng.Chăng kran, Choeung kran: fourneau portatif Khmer: Cà ràng Miên.Choeung kran Xiêm: Cà ràng của người Xiêm đem bán chợ Nam Vang.Thật ra chiếc cà ràng đã từng có mặt trên vùng đất này khoảng 1.500 – 2.000 năm (thế kỷ I đến thế kỷ VI). Chủ nhân của nó là cư dân thuộc nền văn hóa cổ nào đó ở Đồng bằng sông Cửu Long, bởi qua khai quật những di chỉ khảo cổ ở nhiều nơi trong vùng, thí dụ như kết quả khai quật khảo cổ học tại Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) năm 2000 vừa qua, người ta đã bắt gặp hàng vạn hiện vật, đa phần là những mảnh gốm bể, trong đó nhiều nhất là mảnh bể cà ràng, vòi ấm (siêu), nồi, tô chén, chum vại, lu hũ... Theo các nhà khảo cổ thì cà ràng và vòi ấm (siêu) là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo. Điều đó giúp chúng ta kết luận, cư dân của tầng văn hóa này là các bộ tộc thuộc vương quốc Phù Nam.Vậy thì, chiếc cà ràng đã là vật dụng thân thiết trong sinh hoạt đời sống con người từ hàng ngàn năm trước. Và ngày nay, như chúng ta đều biết, để phù hợp với những loại chất đốt phế liệu/phế phẩm có sẵn rất nhiều tại từng địa phương, chiếc cà ràng đã dần dần biến mất.Theo đó, Cái Răng không phải là cái răng trong miệng, mà Cái Răng là cà ràng
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro