Phần 1
1. Thuyết minh về nón lá:
Ai đã từng đi qua miền Trung nắng lửa mà không hề biết đến bài thơ xứ Huế? Chiếc nón lá trong bài thơ ấy đã trở thành biểu tượng văn hoá của một vùng đất nhiều truyền thống. Và cũng từ rất lâu, chiếc nón lá trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam cùng với chiếc nón lá nhẹ nhàng và tà áo dài thướt tha đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ trong biết bao thế hệ.
Chiếc nón lá có lịch sử rất lâu đời. Hình ảnh tiền thân của chiếc nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lữ, thạp đồng Đào Thịch vào khoảng 2500 - 3000 năm trước Công nguyên. Từ xa xưa, nón lá đã hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam. Trong các cuộc chiến đấu giữ nước, qua bao nhiêu câu chuyện kể và tiểu thuyết. Trải qua biết bao năm tháng chiến tranh ác liệt và tàn khốc, nghề chằm nón vẫn được duy trì và tồn tại đến ngày nay. Ở Huế hiện nay có một số làng nghề chằm nón truyền thống và nổi tiếng như làng Đồng Di (Phú Vang), Dạ Lê (Hương Thuỷ) đặc biệt là làng nón Phú Cam (Huế),... Những làng nghề này đã tạo ra các sản phẩm công phu và cũng là một trong những địa điểm lí tưởng thu hút khách du lịch.
Để làm được một chiếc nón lá đẹp, người làm nón phải tỉ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá, chọn chỉ đến độ tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ. Lá có thể dùng là lá dừa hoặc lá cọ. Lá dừa thì chọn khá công phu nhưng đến khi làm thì cũng không tinh xảo và đẹp bằng lá cọ. Làm nón bằng lá cọ phải công phu hơn, lá phải non vừa độ, gân lá phải xanh, màu lá phải trắng xanh. Nếu lá trắng và gân lá cũng trắng thì lá đã già và làm nón không đẹp. Một chiếc nón đạt tiêu chuẩn phải có màu trắng xanh với những gân lá vẫn còn màu xanh nhẹ, mặt lá phải bóng, khi nón đan lên phải nổi những gân lá màu xanh đẹp mắt. Để đạt được những tiêu chuẩn ấy thì phải tuân thủ đúng quy trình. Sấy khô đúng kĩ thuật, sấy trên bếp than (không được phơi ngoài nắng). Sau đó lại phải phơi sương tiếp từ 2 đến 4 giờ cho lá mềm rồi dùng một búi vải và một miếng gang đặt trên bếp than có độ nóng vừa phải để ủi sao cho từng chiếc lá được phẳng. Mỗi chiếc lá đều được chọn lựa kĩ càng và cắt với cùng độ dài là 50cm.
Với cây mác sắt, người thợ làm nón (thường là đàn ông ở khâu này) chuốt từng nan tre sao cho tròn đều và có đường kính rất nhỏ, thường thì chỉ nhỉnh hơn que tăm một chút. Sau đó uốn những nan tre này thành những vòng tròn thật đều và bóng bẩy từ nhỏ cho đến lớn. Mỗi cái nón sẽ cần 16 nan tre uốn thành vòng tròn này đặt từ nhỏ đến lớn vào một cái khung bằng gỗ có hình chóp. Sau đó người thợ sẽ xếp lá lên khung, người xếp lá phải khéo và đều tay không để các phiến lá chồng lên nhau hay xô lệch. Khi kể về quá trình làm nón mà không nói đến nón bài thơ xứ Huế là một thiếu sót. Đặc biệt, nón bài thơ xứ Huế rất mỏng vì chỉ có hai lớp: lớp lá trong gồm 20 lá, lớp lá ngoài cùng gồm 30 lá và lớp bài thơ được đặt ở giữa. Khi xây lá lợp lá, người thợ phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp hay xô lệch để nón đạt được sự thanh và mỏng. Khi soi lên ánh nắng, ta đọc được bài thơ, nhìn thấy rõ hình cầu Tràng Tiền hay chùa Thiên Mụ. Đó chính là nét đặc trưng cho nón bài thơ xứ Huế.
Sau khi xếp lá cho đều và ngay ngắn lên vành, người ta bắt đầu chằm nón. Nón được chằm bằng sợi nilon dẻo, dai, săn chắc và phải có màu trắng trong suốt. Các lá nón không được xộc xệch, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp. Khi nón đã chằm hoàn tất người ta đính thêm vào chóp nón một cái "xoài" được làm bằng chỉ bóng loáng để làm duyên cho chiếc nón. Sau đó mới phủ lên nón một lớp dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền. Ở vòng tròn lớn bằng nan tre dưới đáy hình chóp, khoảng nan thứ ba và thứ tư, người thợ sẽ dùng chỉ kết đối xứng hai bên để buộc quai. Quai nón thường được làm bằng lụa, the, nhung,... Với màu sắc tươi tắn như tím, hồng đào, xanh thiên lí,...càng làm tăng thêm nét duyên cho người đội nón. Chiếc nón đẹp không chỉ ở đường kim mũi chỉ mà còn ở dáng nón. Chiếc nón đẹp bởi đây là sản phẩm đặc trưng mang nét văn hoá truyền thống được tạo nên bởi đôi tay khéo léo của những người thợ ở các làng nghề.
Từ làng Chuông ở Tây Hồ đến Ba Đồn, những chiếc nón lá trải đi khắp các nẻo đường và đã trở nên thiết thân trong đời sống thường nhật của người phụ nữ. Nó không những quen thuộc, người bạn thuỷ chung với người lao động dùng để đội đầu che mưa, che nắng khi ra đồng, đi chợ, là chiếc quạt xua đi những giọt mồ hôi dưới nắng hè gay gắt mà còn là vật làm duyên, tăng nét nữ tính của người phụ nữ. Buổi tan trường, hình ảnh những cô nữ sinh với tà áo trắng tinh khôi, nghiêng nghiêng dưới vành nón lá là lúm đồng tiền đã làm say lòng, là nguồn cảm hứng nghệ thuật của bao văn nhân, nghệ sĩ,... Trong nghệ thuật, tiết mục muá nón của các cô gái với chiếc áo dài duyên dáng thể hiện nét dịu dàng, mềm mại, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam đã nhiều lần xuất hiện và đều nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.
Muốn nón lá được bền lâu chỉ nên đội khi trời nắng, tránh đi mưa. Sau khi dùng nên cất vào chỗ có bóng râm, không phơi ngoài nắng sẽ làm cong vành, lá nón giòn và ố vàng làm mất tính thẩm mĩ và giảm tuổi thọ của nón.
Nón lá là hình ảnh bình dị, thân quen gắn liền với tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Từ xưa đến nay, nhắc đến Việt Nam du khách nước ngoài vẫn thường trầm trồ khen ngợi hình ảnh chiếc nón lá - tượng trưng cho sự thanh tao của người phụ nữ Việt. Nón lá đã đi vào ca dao, dân ca và làm nên văn hoá tinh thần lâu đời của Việt Nam.
--
Cái này mình toàn chép, chỉ thêm vài chữ vô thôi :)
Gửi bạn: Kaori0409
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro