3 ─ chờ đến mùa gió;
Nhà cũ tôi ở ngoại ô, khuất sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, quẹo trái rẽ phải chục lần mới đến. Chú Năm ngồi phè phỡn làm điếu thuốc lào ở quán nước đầu đường, hồi xưa hay phụ mẹ đơn thân của tôi cái này cái kia, thấy tôi thì khoe hàm răng cỏ lộn xộn, nhéo tai hỏi chừng nào cưới vợ, tôi lúc lắc đầu, cười không nói.
Con Bi già cỗi nằm ngủ thẳng cẳng trước sân nhà, lông đen tuyền mà mép bạc trắng cả ra, tôi đến cũng chẳng phản ứng gì. Sân nhỏ vẫn vậy, phía Đông là tường đá, điện tắt nên nước không chảy, bên kia là chỗ trống để xe, chật kín, nên xe tôi đành lấn đường bên ngoài, may ngõ không đến nỗi bé, cũng không sợ mất. Nhà cũ xì, xây từ sau giải phóng, đến giờ vẫn giữ nền gạch cam, tường vàng khè, trong khi hàng xóm đã ốp gỗ hết. Mẹ tôi bảo ba mày thích cái kiểu như thế, mà thay thì mất thì giờ lắm, nên thôi.
Em gái tôi vừa tốt nghiệp cao đẳng năm kia năm kìa, nhởn nhơ work from home, cả năm trời không gặp, lần trước còn thấy nó chạy đôn chạy đáo chạy việc cho cấp trên, giờ đã thành sếp, đúng là tuổi trẻ tài cao. Em nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên, nhìn đến mức tôi chột dạ. Rồi vỗ bộp bộp lên chỗ trống bên cạnh, trên cái ghế gỗ chạm khắc. Tôi ngồi xuống, em cúi đầu gõ như bay trên bàn phím, vừa mở miệng nói liến thoắng.
"Anh gầy đi nhiều rồi, uổng công em chăm cho béo lên. Trời ơi mùa hè nào em cũng gửi mấy thứ thuốc bổ, rồi sâm các kiểu mà chắc chẳng xài đâu đúng không?"
"Tại tao bận." Tôi vướn lấy lọ tăm trên bàn, đổ một cái ra ngậm cho đỡ buồn mồm.
"Hứ! Lý do lý trấu."
Chúng tôi nhỏ giọng tám nhảm thêm vài phút, che khuyết bầu không khí khó xử giữa những kẻ lâu ngày không gặp, và giấu đi chủ đề mà không ai muốn nhắc tới. Quan hệ của em gái với Kỳ cũng kém thân, cỡ nhỉnh hơn tôi một chút, lưng chừng giữa bạn xã giao và em gái kết nghĩa. Cuối cùng, em xong việc, gập lap lại cái rụp, nhìn thẳng vào tôi.
"Anh Kỳ rất tốt, em xin lỗi."
"Ừ," tôi chỉ trả lời được đến thế.
Con bé thở dài, chộp lấy điều khiển mở ti vi đến kênh thể thao, bảo đợi mẹ về. Mặt trời đổ bóng nghiêng qua cánh cửa chưa khép, rọi lên sàn nhà bị che khuất bởi tán lá thành những đốm sáng tròn nhỏ, rọi lên đôi má đã bớt bầu bĩnh của em gái. Tôi thả lỏng người, trượt dài, dựa đầu mình vào vai em. Tiếng bình luận viên vẫn văng vẳng bên tai, hít hà thật sâu mùi của căn nhà cũ kỹ, tôi nhắm mắt.
Mẹ nấu sườn xào chua ngọt, đậu hủ nhồi thịt và canh rau muống sấu. Ngon nức mũi, em gái cắm cúi ăn, bị mẹ mắng yêu, bảo con gái con đứa vậy sao lấy chồng được. Mẹ cười, lấp ló vết chân chim sau khóe mắt, nếp nhăn thoắt ẩn thoắt hiện cạnh môi, lòng tôi chùng xuống một mảng, động tác gắp đồ ăn cũng chậm đi.
Thương mẹ chứ, nhớ nhà chứ, nhưng chim đã sải cánh bay rộng, đã hưởng gió ngàn năm, đã hưởng mây nắng ngọt trên bầu trời cao vút, đương nhiên nếu về tổ, sẽ cảm thấy gượng gạo. Gạt đi ý nghĩ xoay vòng, tôi cười theo, kể đủ thứ chuyện trên đời, căn nhà tràn ngập vị gia đình ấm cúng.
Tôi rửa bát, em gái bưng ấm trà ra rồi ngồi bóp vai cho mẹ. Xong xuôi tất cả, mẹ đưa cho hai anh em gói nhang. "Lên gặp ba mày đi."
Em gái gật đầu lia lịa, chuyển thời sự mẹ xem rồi đẩy tôi lên lầu. Ba tôi mất trước khi em tôi sinh ra, nên em không có cơ hội được ở bên ba. Dù vậy tình cảm vẫn sâu đậm lắm, so với đứa sống với cả ba lẫn mẹ gần nửa thập kỷ mà chẳng lưu luyến gì như tôi, thì vẫn hơn nhiều. Tôi yêu ba chứ, nhưng không đặc biệt bằng cách em tôi dành tình thương cho một người chưa từng gặp mặt. Di ảnh thờ không bám chút bụi, còn có trái cây, vẹn nguyên như cái ngày tôi kéo va li rời khỏi. Em gái cúi đầu đứng yên, hai bàn tay chạm vào nhau, miệng lầm bầm cái gì không rõ, loáng thoáng cả tên tôi.
Em thắp ba nén nhang đàng hoàng, tôi đã định chỉ thắp một, nhưng không hiểu nghĩ gì, rút cái nữa ra, châm lửa, năm cây nhang xếp gần, sương khói mù mịt.
Tôi đấm lưng cho mẹ, mở nhạc Frank Sinatra nhè nhẹ khắp phòng. Em gái lại ngồi gõ lap lạch cạch chạy deadline, đeo headphones không dây, lâu lâu phóng ra ngoài cửa hét ầm lên chửi sinh viên thực tập, cứ làm như mấy năm trước nó không là sinh viên không bằng, xong lại ngồi gác đầu lên cằm, miệng nhai khô bò chóp chép. Ti vi mở một bộ phim Việt dài tập, nữ chính ôm nam chính khóc sướt mướt. Trời ngả về khuya, tôi rảnh rỗi không có gì làm, nằm gối đầu lên đùi mẹ. Qua khung cửa sổ nhỏ, tôi thấy mặt trăng khuyết dưới mảng mây xám, tỏa ánh bàng bạc xuống mi, gió vẫn thổi dịu êm, mơn trớn gò má tôi mát rượi. Mắt lim dim.
Trong khoảng tối tăm phía sau viền mắt, tôi thấy ký ức của mình nén lại thành vô số hình lập phương, trôi dạt trong khoảng không bất tận, nhập nhòe màu sắc.
Ngôi nhà cũ, ba mẹ tôi mua khi mới vào Nam lập nghiệp, cũng là ngay sau khi kết hôn. Thời ấy khó khăn hơn giờ rất nhiều, nên mua được nhà này là nhờ nỗ lực mồ hôi xương máu từ cả hai, như một lời hứa sẽ xây dựng tổ ấm hạnh phúc nhất có thể, cho tất cả. Tôi không biết ba mẹ đã thề hẹn với nhau những gì, chỉ biết cái ngày định mệnh năm tôi vừa tròn bốn tuổi, mọi hy vọng cho tương lai đều bị dập tắt không thương tiếc, như ngọn lửa tàn trong đêm trắng lạnh lẽo, theo mảnh kính chiếu hậu sắc lẻm của xe bán tải, vụn vỡ dưới cơ thể.
Nếu hỏi tôi có nhớ gì của những năm ấy không, nói có chắc chắn là nói dối. Kỷ niệm mờ nhạt như hơi sương đọng trên cửa sổ, động tay nhẹ một khúc là bay biến, có cố gắng thế nào cũng không thể lấy lại. Nên tôi không ép mình phải khôi phục đoạn trí nhớ ấy làm gì, cho dù đó có là bằng chứng xác thực nhất cho sự tồn tại của ba trong tôi.
Sau này lớn hơn thì khác, tôi không hẳn là kẻ dễ quên, nên từ lúc ý thức được mọi chuyện, tức là sau khi đi học, từng thứ tôi gặp qua nếu quan trọng sẽ tự mình khắc cốt ghi tâm, chẳng cần ai nhắc.
Khu xóm này đối với tôi vốn dĩ hết sức quen thuộc, vui buồn gì cũng chỉ gói gọn trong ngõ hẻm đường tắt. Những ngày đi theo đàn anh đàn chị, phá làng phá xóm, trèo rào vào nhà giàu để trộm ổi xoài mít, bị chó rượt chạy muốn bể phổi, đến khi cắt đuôi được thì nằm vật ra đất bẩn, lấy áo chùi đại trái đã cướp mà ăn lấy ăn để. Làm tốt sẽ được xoa đầu, và lần sau cho bám đuôi tiếp.
Những tháng hạ oi nồng trốn học thêm đi tập tành banh bóng, đùn đẩy nhau vị trí thủ môn, đứng dưới cái nắng chang chang mà làm vẻ oai hùng đá pen, trúng làm vua trật làm kẻ tội đồ, thắng một trận được đội kia bao nước mía. Tối về lại thức đêm mò xuống phòng khách, bật ti vi nhỏ nhất có thể tránh đánh thức mẹ và em gái, cũng chăm chú xem World Cup như ai mặc dù chẳng hiểu gì, từ ủng hộ chơi chơi đến yêu thích thực sự một đội nào đó, che miệng át tiếng reo hò khi bóng bay vào lưới.
Những ngày cà kê quán xá ven đường, mới tí tuổi đầu đã bày đặt gọi đen đá, để chủ quán mang ra ly bạc xỉu rồi cốc đầu rõ đau, nói con nít con nôi biết gì mà cà phê với chả cà pháo. Vài lần tận mắt chứng kiến đánh nhau tranh giành địa bàn của các "băng đảng" quanh phố, nép thân thể nhỏ bé sau lưng đám đông, chỉ hò hét hùa theo và che mắt khi thấy quá ghê rợn.
Ngày đầu tiên đến trường háo hức đầy mình, cho đến lúc chán đến tận cổ nhưng vẫn phải dậy sớm hằng ngày vác xác tới lớp, nhẩm mấy bài tính trên đầu ngón tay mũm mĩm, ê a đọc văn bản trong sách giáo khoa dính mực, ra về ôm vai bá cổ hàng xóm thân thiết, rủ rê nhau đi chỗ này chỗ kia. Lớn hơn một chút, chính thức trở thành đại ca khi các anh chị đã rời trường hết, và đàn em nhỏ thì còn ngơ ngác chưa hiểu mô tê gì.
Cấp một, rồi cấp hai, rồi dậy thì, nhổ giò, giọng khàn khàn ba chìm bảy nổi. Mối tình đầu tiên chớm nở năm mười ba tuổi, cái độ tuổi dở dở ương ương, lần mò nắm chặt bàn tay mướt mồ hôi của bạn gái lớp bên, ngoài mặt không nhịn được đỏ bừng lên, đáy lòng lại phẳng lặng như nước hồ.
Ngày bé, chúng tôi có nhiều mơ ước, cùng nhau nằm dài trên bãi cỏ trống, để xanh rì cọ vào da mặt ngưa ngứa, nhìn trời ngắm mây, chia sẻ với người kia kỳ vọng của bản thân.
Đứa mong được làm tỷ phú, đến lúc đó sẽ có khả năng mua mọi thứ trên đời, và không bao giờ phải cân nhắc khi xì tiền ra vì một món đồ chơi nữa. Đứa thì ước được trí tuệ vô hạn, giải bài tập trong chớp mắt mà không cần suy nghĩ, dùng tài năng của mình cứu giúp thế giới. Đứa thì cầu một cái bụng không đáy, ăn bao nhiêu cũng rỗng ruột chẳng đầy, để nhai nuốt hết mọi loại đồ ăn trên trần gian, không cần lo tăng cân hay no quá mà chết.
Tôi ấy hả, cũng đã từng như thế.
Mơ được trở thành loài chim nhạn, bay vút lên không trung cao kia, tự do tự tại, sải cánh đến mọi phương trời xa vời nhất. Qua đôi mắt của đứa trẻ chưa dậy thì, thành phố này là bao la lắm rồi, lớn hơn cả tôi rất nhiều. Màu xanh vương trên đỉnh đầu kia, đối với chúng tôi, vật đổi sao dời cũng vĩnh viễn yên vị.
Sau này trèo ra khỏi giếng, mới biết Sài Gòn cũng chẳng rộng đến vậy, chỉ có người đông thôi. Màu xanh ấy cũng méo mó hẳn đi, quệt thêm nhiều mảng xám, mảng đỏ. Những mơ mộng viển vông đó, chúng tôi cũng đành chọn chôn vùi, và để dành điều ước cho những mục đích lớn lao hơn.
Họa sĩ bầu trời cất đi cây cọ, tấm vải loang lổ màu và giá vẽ, lôi ra máy tính, quyển vở cùng cây bút, bắt đầu đổi thay.
Cứ thế, gốc cây đa già cỗi bên vệ đường chứng kiến quá trình trưởng thành của tôi, năm tháng trôi nhanh hơn cả chó chạy ngoài đồng, thằng nhóc vắt mũi chưa sạch ngày nào đã vụt biến thành người đàn ông mạnh mẽ, dám đương đầu với bão táp phong ba. Tôi nhớ rất rõ, rõ đến mức trong mơ cũng y nguyên, lúc tôi tốt nghiệp phổ thông, mặc bộ đồ cử nhân nguyên xi như vậy về nhà, thấy được vẻ mừng rỡ của em gái và mẹ dưới tán lá cây xanh, đẹp hơn cả tranh vẽ.
Quay lại đây, chiếc hộp ký ức như cạy mở, ùa về cùng một lúc, cơn bão cảm xúc cuốn lấy tôi ngay cả trong giấc ngủ không yên.
Không biết qua bao lâu, tôi cảm nhận được ai đó giật tóc, bật người ngồi dậy. Mẹ khẽ đẩy đầu tôi thẳng lên, rút khăn giấy ướt lau mặt cho, sau đó chỉ chỉ em gái. Con bé ngủ rồi, tóc dài đen thẳng vướng vào môi, trông phát thương. Mẹ đem laptop cất đi, tôi bế bổng em lên theo kiểu công chúa, hàng mi vẫn nhắm nghiền, nương theo bước chân tôi rung rung.
Phòng ngủ chung của bọn tôi có chiếc giường tầng, tôi nằm dưới, chật vật mãi mới đặt em ngay ngắn bên trên được. Ngắm góc mặt nghiêng của em gái say giấc tròn trong tối, leo lắt ánh đèn tường hành lang hắt vào, tôi thấy lòng bình yên lạ. Em gái, dù có lớn đến mức nào đi chăng nữa, dù có đi làm kiếm ra tiền, hay lên xe hoa về nhà chồng vào một ngày không xa, thì vẫn mãi là đứa em nhỏ của tôi. Luôn lạc quan, luôn tươi cười, tinh tế, thấu hiểu, và yêu thương tôi hết mực.
Mệt nhoài, tôi nằm dài lên cái giường vốn đã quá ngắn so với thể hình hiện tại, kéo lấy chăn đưa lên mũi hít hà, bao nhiêu năm rồi vẫn luôn dùng đúng một loại nước xả vải. Mẹ ngồi xuống mép giường, khiến tôi bất giác dịch vào. Phòng ngủ tối om, mắt tôi quen dần với bóng tối, nhìn rõ được cả sợi bạc trên mái đầu mẹ.
"Mẹ rất tiếc."
"Không sao cả ạ, anh Kỳ đã sống trọn đời mình rồi," tôi cắn răng trả lời.
"Không đâu," giọng mẹ nghiêm lại, khiến tôi chột dạ không biết mình đã nói gì sai.
Một lúc lâu, rồi mẹ lại cất tiếng.
"Mẹ chỉ muốn con mẹ được hạnh phúc, đủ đầy nhất có thể, và ba cũng thế, con hiểu ý mẹ mà, đúng không?"
Hiểu không ấy à, nếu nói có thì chắc chắn là nói dối, chỉ có chuyện mẹ hiểu tôi chứ làm gì có chuyện tôi hiểu được mẹ. Tuy vậy, tôi vẫn ậm ừ cho qua chuyện, giọng giả tạo thấy rõ. Mẹ thở dài, cái thở dài dội mạnh một cú vào tim tôi, đau đến mức không thở được. Nói đoạn, mẹ đứng dậy, biểu cảm đọc không ra dưới ánh đèn cam dịu, khép cửa phòng.
Và rồi tất cả rơi vào lặng câm.
Tôi biết, mẹ tôi không phải là một người cổ hủ. Thậm chí, lúc em gái dè dặt nói với mẹ về sự tồn tại của những tình yêu khác với nam nữ, tôi nép sau cầu thang nghe lén, mẹ đã yên lặng tiếp thu mà không phản ứng gì nhiều. Tôi biết, mẹ tôi cái gì không biết chứ sự thay đổi trong tâm tư đứa con mình thì đương nhiên rất rõ. Và tôi cũng biết, với cương vị là con cả cũng như thằng con trai duy nhất, tôi không có quyền làm mẹ thất vọng.
Kể từ khi còn bé xíu, sau khi tiếp thu được cái chết nghiệt ngã của ba, sau khi thấy ánh mắt vô cảm của mẹ ở đám tang, sau khi ôm lấy em gái nhỏ xíu trong vòng tay; tôi đã tự đặt cho mình rất nhiều quy tắc, tự cấm bản thân rất nhiều điều, tự ép mình vào quy củ, vì trong nhà chỉ còn mình tôi. Tôi không bao giờ khóc trước mặt mẹ, dù khá mau nước mắt, luôn luôn nghe lời mẹ, dù trong lòng bất mãn, cũng chính vì thế.
Tôi có thể không hiểu được người, nhưng không khờ dại đến nỗi không hiểu được lời người nói; tôi biết người chỉ mong tôi được hạnh phúc. Nhưng cái đủ đầy trong nguyện ước của người, là những cái rất khó khăn với tôi. Một người vợ thảo, những đứa con ngoan, một ngôi nhà ấm cúng với bữa cơm gia đình mỗi xế chiều. Tất cả những cái đấy thật sự hoàn hảo bậc nhất đối với một gã đàn ông. Là điều mà đa phần mọi người đều hằng mong ước, vì hạnh phúc chỉ giản đơn vậy thôi.
Chỉ có vậy thôi, mà tôi vẫn không làm được.
Nước mắt tự chảy ra lúc nào không hay, chạy vòng quanh gò má ướt đẫm. Mệt mỏi bủa vây, tôi thiếp đi, vẫn mắc kẹt giữa những mảnh thanh xuân vụn nát.
;
Sáng hôm sau, xe của em gái chắn giữa phòng khách vì nhường chỗ cho xe tôi, buộc tôi phải đi vòng qua. Mẹ đã rời nhà từ sớm, dặn dò em đủ điều, giờ em đứng trước mặt tôi với khuôn mặt trang điểm đậm, trong bộ váy công sở ủi thẳng thớm, nghiêm nghị truyền lại lời mẹ nói. Cả em lẫn mẹ đều để vào cốp xe tôi đủ thứ mang về, nhiều kinh khủng, con Bi cuốn lấy chân tôi không rời, tôi vừa xoa đầu nó vừa xếp đồ vào ba lô.
"Nửa năm mới vác xác về một lần, lại còn gầy đi trông thấy, lần sau anh nhớ mang người yêu về, không thì em không cho vào nhà đâu!" Em gái càu nhàu.
Tôi cười, ôm lấy em thật chặt, em phụng phịu ôm lại. Nói đoạn, em thầm thì vào tai tôi, anh nhớ phải sống thật hạnh phúc nhé. Sau đó nhanh chóng buông ra.
Trên đường về nội thành, tôi cảm thấy mình đã không còn nước mắt để khóc nữa.
Hai mươi tám tuổi, tôi đánh rơi tuổi trẻ mất rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro