2 ─ thiên thần về giời;
Một ngày tháng 6 nóng nực, bầu trời trong vắt không một gợn mây, tiếng mèo kêu chó sủa dội lại từ nhà bên trái, tiếng máy giặt đời cũ kêu ro ro từ nhà bên phải, cả tiếng ai đó dở chứng hát karaoke từ tầng trên; tất cả, đâm thủng tai tôi nhức nhối. Tôi nằm dài trên giường, đầu đau đến muốn nứt ra làm đôi.
Sếp sau khi mắng cho té tát đã miễn cưỡng đồng ý cho tôi nghỉ, trước đó còn đẩy một nùi việc sang, ngụ ý để work from home. Thời tiết thì dở dở ương ương như mấy cô bạn gái cũ hay đỏng đảnh, không hề chiều theo lòng người, đã mở toang cả cửa chính ra rồi mà chẳng có tí thoáng đãng.
Làm việc cái quái gì chứ, tôi nghĩ, chăm chú nhìn vào điện thoại. Vòng bạn bè của tôi chừng mấy trăm, chỉ có người đã quen biết và nói chuyện rồi, tức là toàn bạn học cũ và đồng nghiệp hiện tại. Tình cờ thế nào mà hôm nay, tất cả đều để ảnh đại diện đồng màu, lướt dọc xuống toàn đen xì hết. Hơn nữa, đêm qua còn có cuộc gọi đến, từ một đàn em đại học, qua số điện thoại hẳn hoi, chừng 2-3 giờ sáng. Gọi điện vào cái giờ đó, thì cũng không thể tốt lành gì cho cam. Tôi chẳng để ý lắm vì luôn bật chế độ im lặng vào lúc ngủ, giờ ngẫm lại, có khi...
"Tuấn đấy ạ?" Cô hậu bối nhấc máy sau ba hồi chuông, giọng vẫn trong trẻo như đứa con nít, nhưng đã khoác lên bao nhiêu là mỏi mệt.
"Ừ, tao." Tôi hỏi thăm một hồi, chưa được gì, cô đã bật khóc, qua điện thoại mà tôi còn nghe rõ được tiếng nức nở, khóc thấy mà đau lòng.
"Kỳ đi rồi, ảnh đi rồi anh ơi..."
Chữ Kỳ vừa được thốt ra khỏi môi cô, đầu tôi đã ong ong. Giọng cô bỗng trở nên nhỏ dần, xa xôi như vọng về từ miền cao thẳm.
Đứng chết trân ở đó đến khi tiếng tút kéo dài ra trong tai, mới mù mờ nhận ra cô đã cúp máy. Tôi thở hắt, xoa xoa mi tâm, trong người như bị rút cạn sức lực.
Mẫn Doãn Kỳ là đàn anh khối trên, đã từng dẫn dắt bọn nhóc chúng tôi trầy trật qua bốn năm đại học. Người Hải Dương, nghiêm nghị, ít cười, rất ấm áp, thường xuyên quan tâm hậu bối, châm chước bỏ qua cho lũ giặc nghịch như quỷ, và nói chung là một người tốt. Tôi vào trang cá nhân của anh, chỉ còn duy nhất một bài đăng, là cái bài hôm anh tốt nghiệp. Kỳ đứng dưới nắng hạ cháy gió, cắt da cắt thịt, cắt đi một mảng thanh xuân, khoác lên bộ đồ cử nhân, nở nụ cười rực rỡ như thiên thần. Cảm giác như đã trăm năm.
Mẫn Doãn Kỳ không còn trên cõi đời này nữa, xin cảm ơn những lời chia buồn của mọi người.
Dòng caption bị chỉnh sửa, thay cho câu chúc mừng của chính Kỳ là lời thông báo lạnh lùng sáo rỗng. Dưới nữa là phần bình luận đã khóa, lướt một hồi, tôi chỉ thấy nhiều nhất là dòng tâm sự mỏng về ngày Kỳ còn ở đây, từ những người tôi không quen tên, cũng chẳng biết mặt.
dậy đi anh, dậy còn đi sahara với em nữa chứ!
Của cô bạn gái cũ, người gốc Phi chính cống, luôn luôn kể về quê nhà và kì kèo người yêu đưa về sa mạc.
Đừng ngủ nữa, mặt trời đã lên cao quá đỉnh rồi, ông dậy rồi chúng mình cùng nhận nuôi một chú mèo béo ú nhé.
Của bạn cùng ký túc, yêu động vật, cuồng mèo, đã mấy lần bị bắt quả tang do nuôi trái luật, mà lần nào cũng là Kỳ đứng ra hòa giải.
này cánh hoa năm ấy,
có còn nhớ tôi không?
này người thương năm ấy
có còn ở đây không?
Của đàn chị câu lạc bộ văn học, một nhà văn khá có tiếng tăm, với những tác phẩm bán chạy bậc nhất, luôn miệng bảo rằng nếu không nhờ Kỳ đôn đốc thì còn khuya chị mới đủ can đảm theo đuổi đam mê viết lách.
Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi (Sáng-thế Ký 3:19).
Của một người bạn cùng Giáo Xứ, ngày còn nhỏ Kỳ và cậu ta từng góp mặt trong ca đoàn.
Dòng bình luận cuối là của Trân. Vẫn cái ảnh anh chụp thiếu sáng hồi đi Pháp, không phải đen.
Ngủ yên nhé.
Anh chỉ ghi vậy, cũng đủ khiến nước mắt tôi kiềm từ nãy giờ trào dâng, vượt khỏi khóe mi, nhỏ từng giọt tong tong xuống nệm. Tôi share bài của Kỳ về tường nhà, định thay ảnh đại diện, nhưng nghĩ thế nào lại thôi, cap là rest in piece ngắn ngủi. Bạn bè vào phản ứng gần như ngay lập tức, thằng Hanh hỏi, anh có định đi tang không?
Không bận gì thì có. Tôi đắn đo mãi mới bấm trả lời lại, sau đó khóa bình luận.
Trân nhắn thông tin đám tang qua cho tôi, bảo mặc đồ đen đi, Kỳ muốn tang lễ Tây phương, viết rõ trong giấy là như vậy, như níu kéo chút gì của ngày xưa cũ. Tôi không hỏi giấy gì, cũng không hẳn muốn biết lý do Kỳ mất, chỉ nhắn lại là vâng, em cảm ơn.
Không hiểu nghĩ gì, tôi lại bấm máy gọi cho Trân. Tôi không có số của anh trong danh bạ, nhưng đã thuộc làu dãy số ấy trong đầu từ lâu, thực lòng không đếm được đã bao nhiêu lần nhập vào bàn phím nhưng để đó chẳng gọi đi nữa. Một, hai, ba, bốn, tôi đếm được bốn hồi chuông, rồi anh trả lời. Tôi không nói, anh cũng chẳng hỏi, im lặng đến nỗi nghe rõ cả tiếng thở đều. Bên ngoài, vẫn nháo nhào giọng lũ sinh viên, í ới gọi nhau đi ăn, giống như tuổi trẻ của chúng tôi đã từng.
"Tao sẽ đi." Không biết qua bao lâu, anh buông một câu, rồi cúp.
Nhà trên đã đổi từ nhạc ngoại sang nhạc Trịnh, vang vọng.
bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
;
Đi đi về về, Kỳ được chôn cất ở tận ngoại ô, tôi phóng xe máy chở Trân mấy giờ đồng hồ, đi qua bao nhiêu cánh đồng xanh ngắt và vô số lần suýt lạc, đến khi con đường nhựa thẳng tắp hóa thành đất đá gồ gề, mới nhác thấy bóng cổng nghĩa trang. Nào xe hơi, nào xe máy đậu hàng dài, còn có tầm chục vòng hoa tang, treo dải giấy bay bay trong gió, in hằn tên họ Kỳ. Không hay mặc suit, nên Trân cứ ngọ nguậy không yên, tôi chỉnh mãi anh mới tạm hài lòng. Sau rốt, tôi phải thắt chặt cà vạt anh lại cho thẳng thớm, mới dám đi vào.
Đằng trước chúng tôi có người, đằng sau chúng tôi cũng có người, bước chân lạo rạo trên sỏi đá. Tốc độ tôi đi rất chậm, Trân thì rất nhanh, bộ dáng như thể muốn kết thúc việc này càng sớm càng tốt. Tôi không mang hoa, anh thì có, bó râm bụt trắng tinh khôi không biết kiếm ở đâu ra, được anh siết chặt trong tay không dịch chuyển. Bia mộ trắng toát nằm im lìm, xung quanh đầy cỏ dại, phỏng chừng chôn cất gì đã xong hết. Gió hạ hanh hao thổi bay bụi đường mù mịt, bay vào mắt tôi cay cay.
Ba của Kỳ không có mặt, tôi cũng chẳng hỏi nhiều, đứng lùi sang một bên nhường chỗ cho Trân, lúc này đang nhỏ giọng thì thầm với gia đình Kỳ. Mẹ anh, tôi quen bà từ ngày còn nhỏ, một người phụ nữ hiền hậu, mềm mỏng, thậm chí yếu đuối, lúc nào trông cũng giống như sắp khóc. Giờ đây, hình như bà đã thực sự cạn kiệt nước mắt rồi, bộ mặt vô hồn, xoáy sâu vào dòng tên khắc trên mộ. Chị bạn gái của Kỳ cũng chẳng khá hơn là bao, với mái đầu bóng loáng không một sợi tóc, giấu dưới cái mũ rộng vành, thân hình tiều tụy trong bộ váy đen. Trân ôm lấy chị, động tác nhẹ nhàng, xoa lưng chị vỗ về từng hồi, rồi thôi.
Bài diễn văn rất cảm động, nhưng không một ai khóc cả, sụt sùi chắc chỉ có chị bạn gái.
Đều là những người trẻ, cái chết đối với họ, thì có là gì đâu.
Trong tiềm thức của tôi, luôn dập dờn những cái định luật bất thành văn về người trẻ, về những đứa nhóc mới chân ướt chân ráo bước vào đời, giống như chúng tôi ngày trước. Rằng không hiểu sao, mà ai cũng có thể nhắc tới cái chết với một giọng điệu bỡn cợt quá trớn, khi đáng lẽ ra chúng tôi phải là kẻ khiếp sợ nhất, vì còn bao nhiêu là dự định dang dở, còn bấy nhiêu là hoài bão lớn lao. Và nếu như nằm dưới mười tấc đất rồi, thì ai sẽ thay bọn tôi thực hiện chúng?
Trân từng bảo với tôi, người trẻ thì sợ sống, người già thì sợ chết, hoàn toàn ngược đời. Anh còn nói, vì sống khổ quá, nên nếu được chọn, anh chắc mẩm ai cũng sẽ chọn ra đi. Tôi biết đó chỉ là suy đoán cực đoan nhất thời, trong quãng thời gian u buồn dài đằng đẵng, và đã sớm qua đi. Nhưng tôi vẫn chẳng thể ngăn mình nghĩ về nó, về những người đã đi khuất, về những kẻ sẽ lìa đời, cả về tôi trong suốt tháng ngày đi tìm chính mình.
Dù sao thì tôi cũng giống họ thôi. Không hề sợ cái chết. Theo nghĩa nào đi chăng nữa.
Tôi với Trân đứng ở cuối cùng, sau lưng tất cả mọi người, tay anh ấm áp lồng vào tay tôi thật chặt. Anh im lìm, tôi cũng im, đều đều những lời trích ra từ quyển Kinh Thánh trên tay vị mục sư tóc bạc trắng. Tôi thấy mắt mình cay xè, trong khi mắt anh vẫn ráo hoảnh. Ẩn sâu trong đó là bụi rỗng. Tôi không rõ là anh không cảm thấy gì thật, hay là đã quá đau đớn rồi, nên hiện tại mới lặng câm.
Kỳ là người yêu cũ của Trân.
Quen đến hết cấp ba. Khi tôi thân với anh hơn, có rủ anh đi nhậu nhẹt với đám bạn đại học, Trân và Kỳ gặp lại, nhìn nhau cười giả lả, khách sáo tới phát sợ. Tôi lúc ấy chẳng biết gì, còn nông cạn quá, không để ý thái độ hai người chẳng chút tự nhiên. Sau này Trân say buột miệng thổ lộ trong men rượu, tôi mới cảm thán, Trái Đất này thật tròn. Đi một vòng lớn vậy mà cũng tìm được nhau.
Chuyện này ngoài tôi ra thì không có người ngoài nào biết nữa. Kỳ dấu nhẹm đi với tất cả, Trân cũng chẳng buồn kể cho ai, nếu không phải vì số tôi xui (may?) thì đã chẳng nghe được. Anh còn khẳng định, nhiều năm trôi qua như thế rồi, anh không còn tí tình cảm nào cho cậu ta nữa. Nghe từ ngữ anh nói ra cay nghiệt, trái ngược với âm giọng mềm mại, trái ngược với đồng tử hơi giãn ra, tôi còn có thể làm gì khác ngoài việc cười?
Tôi nghe tiếng xì xào từ mọi phía, cảm nhận được vô số ánh mắt xoáy tròn vào người tôi lẫn Trân, bất giác rụt bàn tay nãy giờ đang đan với tay anh, nhét vào túi áo khoác. Tôi không muốn nghĩ về bản thân như là một thằng hèn, nhưng đối diện với miệng lưỡi thế gian, tôi không cách nào chống chọi nổi. Bàn tay anh lơ lửng giữa không trung, tôi không dám nhìn lại, cũng không thể nhìn lại. Nắng vẫn cứ chiếu, giòn giã xiên qua mái tóc anh, một màu vàng như đồng lúa chín, dịu dàng, và cô độc.
Đám đàn em của tôi lần lượt đặt nhành hoa cúc trắng phau dưới chân bia đá, xếp thành hàng dài, từng đứa nán lại vài giây, thì thầm cái gì không rõ. Hanh vẫy tay với tôi, không có vẻ gì là hào hứng, tôi chào lại nó, không hề có ý định tiến lên. Tôi không mang hoa, cũng chẳng có lời muốn nhắn với Kỳ, người chết rồi thì thay đổi được cái gì chứ? Mặc dù quan hệ giữa tôi và anh cũng không đến nỗi tệ, mẹ tôi cùng mẹ anh còn khá thân, mà thế cũng chẳng đủ. Hanh vẫn đứng đó, bên cạnh nó là đứa bạn thân biết nhau từ thời mẫu giáo, cách nó một khoảng đúng nửa gang tay, không hơn. Hai thằng nhìn chằm chằm vào cái mộ, sau khi những người khác đã lục đục đi hết, biểu cảm đọc không ra.
Dù sao thì, thiên thần, về trời rồi.
Lững thững di chuyển ra đến cổng, tôi nhác thấy bóng ai đó cao cao tựa người vào cột, phía sau là Trân, đã yên vị trên yên xe, đang ngồi vọc điện thoại. Thằng Quốc, bao nhiêu năm rồi vẫn ngổ ngáo như vậy, tóc nhuộm màu cam sáng, đứng dưới nắng còn cháy rực rỡ hơn, không khác gì ngọn lửa. Môi lẫn tai đều tùm lum khuyên, đeo kính râm, cúc áo sơ mi mở bung, cà vạt gọn lỏn trong túi quần trái, tay nhét sâu trong túi quần phải, nhàn nhã châm lửa nhả khói thuốc đầy trời.
Người lớn tụ lại, ngang nhiên nhìn nó mà bàn tán, nhân vật chính thì chẳng quan tâm, hút hết điếu này đến điếu khác, loại đắt tiền hẳn hoi. Tôi thấy nó hút mà cổ họng cồn cào, phải kiên định dữ lắm mới từ chối nổi khi nó đưa tôi.
"Cầm lấy đi ông anh."
"Thôi, tao xin kiếu." Nó không nghe, vẫn dúi vào ngực áo vest.
Hanh giật lấy cái kính nó, gập lại treo trên cổ áo, ném chiếc mũ có tai chuột Mickey không ăn nhập gì với hình tượng ngầu lòi lên đầu Quốc, khoác tay người kia vào trong ô tô ra về. Một thằng bỏ ngang đại học đi đâm thuê chém mướn, một thằng tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ sáng chói, chức cao trọng vọng, tưởng không hợp mà hợp không tưởng. Chuyện tình cảm của tụi nó phi thường hơn tất cả những thước phim chiếu trên màn ảnh rộng, mà mỗi lần nghe kể đều được thêm mắm dặm muối đủ chi tiết hoang đường, cái sau chồng chất lên cái trước.
Tuy nhiên, điểm chung duy nhất của tất cả những câu chuyện đó, là việc hai đứa đã can đảm đến mức nào, vượt qua bao rào cản của xã hội để nắm tay nhau cùng đón ngày mai.
Nhìn theo bóng lưng hai cậu trai trẻ đi ngược chiều mặt trời, răng cắn môi đau đớn, tôi bóp lấy điếu thuốc trong ngực áo đến méo mó, nhưng vẫn không gom góp đủ can đảm để vứt đi. Đợi đến khi mọi người đã về hết và Trân vỗ vai tôi cái bộp, mới chạy xe hướng đến thành phố.
Anh vẫn ôm chặt eo, vẫn gục đầu vào vai, cất giọng nhẹ tênh như không nói.
Anh muốn ăn kem, tôi khó hiểu, ăn uống gì giờ này, nhưng vẫn bấm bụng chở anh đến cái quán tôi hay ghé. Bọn tôi ngồi trên ghế ba chân cao, phóng mắt ra vỉa hè nắng cháy, anh vẫn giữ nguyên thói quen tung tẩy chân, gọi một ly chocolate nhàm chán quen thuộc. Tôi không ăn gì, chỉ ngồi xem tin tức, bài của Kỳ tràn ngập newfeeds. Bạn bè nhắn tin chia buồn với tôi, chia buồn với nhau, từng hồi, tôi không có việc gì làm, kiên nhẫn nhắn lại hết đến khi hội thoại trống.
Điện thoại rung.
Mẹ tôi gọi đến. Ba giây, rồi tôi nhảy xuống khỏi ghế, chạy ra ngoài trong ánh mắt thờ ơ của anh. Lâu lắm rồi tôi không nói chuyện với mẹ, dù hằng tháng vẫn gửi tiền về đều đặn. Giọng mẹ mềm, qua điện thoại chừng như nhỏ đến mức biến mất. Mẹ chia buồn với tôi về vụ anh Kỳ, năm ấy xem anh như đứa con trai thứ hai trong nhà vậy. Sau đó, còn bóng gió về việc muốn tôi về vào tối nay, ăn cơm mẹ nấu. Đầu tôi vẫn đau, deadline vẫn dí sát, nhưng tôi nào có thể làm gì khác ngoài việc ậm ừ đồng ý.
Tôi quay lại, thấy Trân đã ăn xong ly kem. Chúng tôi nhìn nhau, rồi anh đi lướt qua tôi, nói sẽ gọi xe, tôi cứ về nhà với mẹ đi. Tôi không hỏi, hoặc nói đúng hơn là không dám hỏi, vì sao anh biết người bên kia đầu dây là ai. Chỉ có, bóng lưng dài rộng bỗng chốc trở nên nhỏ bé; chỉ có, ngực trái tôi thổn thức lên từng hồi đớn đau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro