Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1 ─ mẩu chuyện đầu tiên;

Trời mưa, tôi với Trân ngồi trong một cái quán ở Tân Phú, chờ phở ra. Quán nhỏ tí hin, nhỏ hơn cả mắt cá. Là mắt muỗi! Anh luôn nhắc thế, còn tôi chỉ cười hềnh hệch. Tôi vẫn hay có cái kiểu so sánh lạ đời như vậy, lậm từ ông chú, mãi rồi không bỏ được.

Trân buồn chán lướt điện thoại, hàng mi dài cong vút rung rung, bả vai chùng xuống, không còn thẳng băng, góc cạnh sắc lẻm như khi tiếp chuyện với người lạ nữa. Sau lưng anh là nồi nước dùng nghi ngút khói, cách mấy cái bàn, bóng đèn treo trên đầu phụ bếp lâu lâu tắt ngúm, rồi lại sáng lên, không hiểu có nhìn thấy gì để mà nấu không. Ti vi treo tường cũ mèm, âm thanh giật giật rè rè như radio, chiếu đi chiếu lại chương trình nhạc Cách Mạng. Quạt vẫn cứ quay đều, khiến Trân liên tục vuốt tóc lại cho thẳng thớm, còn phả vào mặt tôi luồng gió mát lạnh.

"Mưa này ăn đồ nước là nhất nhờ." Trân kẹp chân trái dưới đùi phải, đủ ngắn để đung đưa qua lại dưới bàn.

Tí tách, tôi nghe thấy tiếng nước chảy từng hồi, không đủ nhẹ để đội áo khoác chạy về, nhưng cũng chẳng quá mạnh để khiến mái tôn phát ra thanh âm đinh tai. Anh không ghét trời mưa, tôi thì có, ẩm ướt phiền phức, chỉ tổ phá tan tành dự định. Tuy vậy, những ngày lười biếng như hôm nay, tôi tự cho bản thân cái quyền nới lỏng cà vạt, thở chậm hơn một tẹo, và lết xác ra đường chở anh đi vòng vòng, mắc mưa xong lại kéo nhau về ăn.

Phụ bếp bưng hai tô phở một tái nạm một tái gầu ra, cười nhe răng nhìn bọn tôi.

"Bếp chính đâu?" tôi hỏi.

"Chú tui bữa nay bệnh nghỉ á nên tui phải quản bếp nè."

"Thế thì cực nhỉ?"

"Thì cũng, nhưng trời mưa hoài nên có ai đâu."

Bọn tôi tán gẫu một hồi, Trân lẳng lặng lau đũa với muỗng, đặt ngay ngắn lên tô. Đoạn, anh cào cào mu bàn tay tôi. "Cái quán này là con gián đấy."

"Cái gì cơ?!" tôi kiềm lại tiếng la tốt nhất có thể. Anh nói to đến độ khách bàn bên quay ngoắt lại nhìn, lại còn phụ bếp đứng ngay cạnh nữa chứ. Tôi lấm lét nhìn cậu, chỉ để thấy cậu và Trân liếc nhau, rồi cả hai cùng phá ra cười.

"Chán mày thật sự," anh buông một câu cụt ngủn, rồi quay đầu im lặng ăn phở. Tôi đực mặt ra, còn phụ bếp vẫn chưa thể ngừng cười. Cậu kéo cái ghế xềnh xệch từ bàn bên sang, ngồi phịch xuống chống cằm.

"Tại vì anh không biết đó thôi, chứ nhà chú tui nấu ngon quá nên hay bị lăm le, mấy lần giang hồ đuổi đánh rồi mà vẫn cứ trơ lì ra đó, nên riết người ta gọi chú là con gián, chú cũng chẳng màng luôn, tui thấy nghe vui vui."

Giọng miền Trung phóng khoáng, hình như vòng vòng Quảng Ngãi, tôi nghe câu được câu mất, vắt chanh với bỏ nước tỏi vào tô phở, húp xì xụp. Phở Nam khác phở Bắc nhiều, tôi không chỉ rõ được là khác ở đâu, chỉ biết là không giống như trong trí nhớ. Theo chân ba mẹ vào Sài Gòn từ sớm, chỉ độ mấy tháng tuổi, nói tôi là dân gốc Bắc, lúc nào nghe cũng thấy khó tin. Nhưng tôi đã về quê nhiều lần, đã thăm thú rất nhiều nơi, ăn được rất nhiều món, nên biết được cái có cái không.

Mà đơn thuần chỉ là ghé thăm, vì dù tôi sinh ra ở đấy, thì thành phố đất rộng người đông này, mới chính là nơi đã nuôi tôi lớn lên.

Phụ bếp vẫn huyên thuyên đủ thứ chuyện, vừa nhẩm tiền trả lại cho các vị khách kia vừa nói, không có dấu hiệu dừng lại. Tôi gật gù theo cậu ta, hào sảng át cả tiếng gió giật lá cây bên ngoài. Trân đã ăn xong từ lâu, rót trà-đá-không-có-đá từ cái can với được từ bàn bên sang vào ly nhỏ xíu, uống cạn cứ phải châm thêm. Nhìn tay phải anh lướt điện thoại còn tay trái thoăn thoắt cử động, tôi bỗng thấy lòng mình nhộn nhạo. Cảm giác như kiến bò lổn nhổn ngang dọc trong bụng vậy.

Rốt cuộc, nghe tiếng búng tay theo giai điệu nhạc phát ra từ ti vi, tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mộng, cắm cúi húp hết nước trong tô.

Trà cạn hẳn, phụ bếp bê tô rỗng, nán lại thêm vài ba giây nháy mắt với Trân, người mà từ đầu đến giờ chưa thực sự nói với cậu câu nào, để nhận lại nụ cười mỉm của anh. Một màn diễn trước mặt này khiến mày tôi bất giác chau lại, nhưng cũng không làm được gì. Quen nhau từ trước rồi, hẳn thế. Anh kéo tay áo tôi, thật nhẹ, rồi bước ra khỏi cửa quán, bờ vai Thái Bình dài rộng thênh thang như tháng ngày, và vẫn thân thương như những đêm hè xưa cũ, cuốn lấy tôi trong tuyệt vọng triền miên.

"Dắt xe ra đi để còn về," anh thở hắt, thảy cho tôi chùm chìa khóa.

Air Blade đời cũ, tôi chôm được của ai đó không nhớ nổi nữa. Chậm chạp lết đến song cửa sắt, gạt chân chống xe xuống lòng đường vốn nóng bỏng rẫy giờ đã được màn mưa xoa dịu đi, tôi ngẩng đầu nhìn trời. Quận này không có nhiều chung cư hay cao ốc, vươn lên xé toạc trời xanh, trả lại cho tôi những mảnh mây cô đơn rời rạc. Quận này chỉ có hàng đàn dây điện đen ngòm, quấn quanh cột điện thành một đống, đôi chỗ còn mắc diều ngoắt ngoẻo treo lên, mà so với nhà cao tầng còn chia năm xẻ bảy, cắt dọc cắt ngang bầu trời hơn nữa. Tuy thế tôi vẫn chẳng màng, có lẽ vì nó không đem lại cho tôi cảm giác ngột ngạt, mà tự do hơn, như cái mảnh đất tôi đang sinh sống.

Tôi lúc lắc đầu, nhận ra Trân đã leo lên xe, gục đầu vào vai tôi đầy mệt mỏi, và ôm ngang eo tôi từ lâu, mới nổ máy. Ngang qua Lũy Bán Bích, vòng về Trường Chinh để sang quận 12. Nhà anh ở đó.

Anh ngủ, hình như vậy. Tôi không nghĩ ngợi nổi nữa, chỉ biết phóng đi băng băng, vì bản thân tôi cũng mệt mỏi rồi. Hiếm hoi mới có một ngày nghỉ, quanh đi quẩn lại đã hết. Tôi chỉ lo anh gật đến nỗi văng khỏi xe mà thôi. Đường phố Sài Gòn hôm nay được cái vắng ngắt, một hiện tượng siêu cấp kỳ khôi, vì bình thường đường lớn này phải kẹt xe ngùn ngụt. Nhưng không sao, càng tốt.

Về, tôi đỗ xe dưới tầng hầm chung cư, khéo léo đưa anh lên vai mình để cõng, anh mơ màng một hồi rồi ôm cổ tôi chặt cứng, không buông, miệng lẩm bẩm câu từ gì không rõ. Anh gầy đi nhiều rồi, tôi tự nhủ, so sánh thân thể nhẹ đến phát sợ này với lần gần nhất tôi bế anh lên, đỡ chật vật hơn, cũng đáng lo hơn. Cả quãng đường từ chỗ đậu xe đến thang máy, tôi cứ nghĩ hoài, tức là cũng chỉ có mấy phút.

Mái tóc hoe vàng, gò má xanh xao, đôi cánh tay gầy nhẳng bám víu lấy vai tôi, phản chiếu qua tường gương trong hộp thang máy, cảm giác nhộn nhạo hồi nãy quay lại, khó chịu hơn gấp bội.

Lầu 11, căn 3, là một trong những căn có view đẹp nhất. Tôi không tài nào mở được cửa mà vẫn để anh trên lưng, nên đành thả nhẹ anh xuống, dựa vào tường lan can, lớp bụi mỏng ở dưới đất phủ đầy quần. Trân vẫn nhắm mắt, có vẻ là mệt thật rồi, lần mò trong túi ra chìa khóa dự phòng, đã được anh quăng cho vào một ngày không có cầu vồng, loay hoay mở cửa. Lại thêm một chuỗi hành động, lôi anh vào, đóng cửa, đặt người xuống tấm chiếu giữa phòng, mà anh thường dùng để nằm ngủ trưa.

Tôi ngó ra ngoài cửa sổ, hít một hơi thật sâu những tàn đọng của cơn mưa đầu mùa, liếc sang cửa ban công nhà bên cạnh không khép, rồi nhẹ đóng lại, kéo rèm chỉ để hở một khoảng nhỏ. Đoạn, tôi bước qua người anh, vẫn không có dấu hiệu gì là nhúc nhích từ vị trí nằm xoài, dang rộng chân tay.

Kế cạnh sofa là kệ sách, chứa bao nhiêu là đầu sách kinh điển. Trăm Năm Cô Đơn, Cuốn Theo Chiều Gió, Trà Hoa Nữ, Suối Nguồn, Kiêu Hãnh và Định Kiến. Mỗi lần đến đây tôi đều cảm thán chúng, thề thốt là sẽ mượn sách đọc, anh thì chỉ cười cười, rồi tôi ra về mà không lấy gì cả, lần sau lại tới như thế. Anh đọc hết rồi, đọc đi đọc lại là đằng khác, người nửa chữ tiếng Nga bẻ đôi cũng không hiểu như Trân lại có thể nhàn nhã lật đến trang cuối của Chiến Tranh và Hòa Bình, đến tôi cũng không lý giải nổi.

Tôi xếp bằng trên phần trống còn lại của chiếu, cố gắng hết sức để không khiến anh giật mình, thở ra từng hồi. Bao thuốc lá vẫn cộm lên rõ rệt trong ngực áo, như một loại ám ảnh. Thể theo nguyện vọng, à nhầm, vì Trân ghét thuốc lá, ghét những khi đi bên cạnh nhau hay những cái chạm khẽ bị ám mùi, nên tôi đã ngấm ngầm bỏ hẳn từ thuở nào. Tuy vậy, lâu lâu tôi vẫn không kìm được, chạy ra mua gói Craven, đặt một điếu qua kẽ răng, nhưng không châm lửa. Giống như Gus trong câu chuyện nào đấy, gật gù vài câu ẩn dụ ất ơ. Tỉ như ngay lúc này, rất muốn lôi thuốc ra, chẳng vì lý do gì cả, nhưng có Trân ở đây, nên thôi.

Được một lúc, anh co mình lại, có vẻ khá lạnh. Mang tấm chăn mỏng từ phòng ngủ ra, tôi phát hiện anh đã thức, mắt mở thao láo nhìn trần, thoạt qua rất đáng sợ.

"Anh ngủ đi," tôi đắp chăn lên người anh, vuốt lấy đôi mắt hằn lên tơ máu, nhẹ nhàng khép lại.

"Tuấn," anh kêu, êm đềm hơn cả gió.

"Vâng," tôi đáp, "sao anh?"

"Mở Lê Cát Trọng Lý đi."

Tôi lặng lẽ làm theo, tiếng hát dịu êm tràn ngập căn phòng. Dựa đầu vào ghế sofa, tôi nghe anh ca bằng giọng Bắc ngọt ngây, nghe chị Lý dốc cạn tâm tư, nghe cả tiếng lòng mình hoang hoải.

Hai mươi bảy tuổi, tôi biết tôi thương anh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro