Thượng Đế Tật Nguyền(cuc cuc hay...)
Tac gia : SONPRO99
Lop Trung 41B - DHSP Thai Nguyen
PHẦN I - Chương 1
Tôi là đứa con thứ hai, cũng là đứa nhỏ tuổi nhất trong gia đình có bốn thành viên. Trên tôi còn có người anh tên Khương. Anh Khương lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi ra đời ngoài ý muốn của ba tôi. Mẹ tôi muốn có thêm đứa con gái cho đủ nếp đủ tẻ, trong khi ba tôi đã bằng lòng với những gì đã có sẵn và không muốn có sự xáo trộn nào nữa. Dạo ấy kinh tế gia đình rất khó khăn, ba mẹ tôi là công nhân viên chức lương mỗi tháng ba cọc ba đồng, chỉ riêng việc mua sữa cho anh tôi đã là gánh nặng. Một lần, mẹ tôi nói bóng gió muốn có một cô con gái, ba tôi lập tức gạt phắc đi. Ba tôi tính toán chi li, nếu có thêm một đứa con mẹ tôi phải nghỉ việc, ở nhà chăm sóc trẻ như thế vừa mất hết một khoản thu nhập, rồi lại phải tốn thêm một khoản tiền để chăm lo con cái, trong khi mọi khoản chi tiêu trong nhà đã đâu vào đấy cả rồi. Mẹ tôi vớt vát, trời sinh voi sinh cỏ lo gì. Ba tôi gắt, con người không phải con vật chỉ cần có cái ăn là đủ, còn phải chăm lo cho chúng ăn học thành người. Tạo ra những sinh linh tật nguyền là tội ác. Mẹ tôi thở dài và giấu nỗi khát khao cháy bỏng vào trong. Năm anh Khương học lớp mầm, một hôm, ba tôi hỏi mẹ đã khám vòng tránh thai theo định kỳ không, mẹ lắc đầu bảo không có thời gian. Hôm sau, ba đạp xe chở mẹ đến bệnh viên phụ sản. Trong khi mẹ vào bên trong khám, ba tôi ngồi bên ngoài hút thuốc lá. Khoảng một tiếng sau, mẹ tôi bước ra. Ba tôi hỏi, mọi việc như thế nào, mẹ gật đầu bảo tất cả đều ổn. Đã đặt vòng mới chưa. Mẹ lại gật đầu, xong xuôi cả rồi.
Tháng sau, mẹ tôi bị tắt kinh. Ba tôi lấy làm ngạc nhiên vì kinh nguyệt của mẹ tôi bao giờ cũng ổn định. Sinh nghi, ba tôi gạn hỏi mãi, mẹ mới khai thật là đã tháo vòng và không lắp vòng mới vào. Ba tôi giận dữ, kết tội mẹ tôi là lừa đảo và buộc mẹ phải đi điều hòa kinh nguyệt. Ba còn dọa sẽ ly dị nếu mẹ tôi vẫn khăng khăng giữ cái bào thai trong bụng. Mẹ tôi khóc, bảo thèm một đứa con gái. Không gái trai gì hết, đã bảo nạo là nạo. Ba hằm hằm bỏ lên gác nằm hút thuốc, đến bữa ăn cũng chẳng thèm xuống. Không khí trong nhà trở nên nặng nề, u ám. Suốt cả tuần cả hai không trao đổi với nhau câu nào. Thấy ba tôi quá quyết liệt, mẹ bèn cầu cứu đến nội. Nội tôi ở Long An sống với hai người cô. Cô Thảo ba mươi sáu tuổi, dáng người mảnh khảnh, gương mặt có nhiều nốt tàn nhang. Cô Sương ba mươi bốn, người đẫy đà phốp pháp, có giọng nói ồ ồ như ngỗng đực. Phụ nữ ở vào tuổi này mà chưa chồng coi như ế. Nghe tin dữ, nội tôi cùng hai cô lập tức lên thành phố. Bà nội xộc thẳng vào cơ quan ba tôi đang làm việc kéo về nhà để giải quyết chuyện gia đình. Cuộc họp căng thẳng kéo dài cả buổi chiều.
Nội tôi giận dữ đưa tay đập mạnh xuống bàn:
- Thằng Út, giải thích tại sao không cho vợ mày sanh con, mày nói làm sao tao nghe thuận cái lỗ tai thì thôi.
Ba tôi nhìn mọi người như tên tội phạm đứng trước hội đồng xét xử. Mẹ tôi từ đầu chỉ biết khóc và khóc. Những giọt nước mắt của mẹ đã đánh vào lòng trắc ẩn ba người phụ nữ còn lại. Ba tôi không ngờ mẹ lại dùng đến cách này.
- Con nghĩ, hai vợ chồng chỉ nên có một đứa con là đủ rồi. Cảnh nhà đang thiếu trước hụt sau, đẻ thêm con lấy gì nuôi chúng, tội nghiệp.
Cô Thảo xen vào:
- Cậu nói thế là không đúng. Nhà ta có đến năm chị em mà đứa nào cũng được nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Chẳng phải cậu cũng là kỹ sư đó sao.
Ba tôi đang lúng túng chưa tìm ra lời giải thích hợp lý thì cô Sương lập tức tiếp lời:
- Nếu gia đình cậu khó khăn thì sau khi sinh con hãy để cho chị nuôi. Chị tuy không giàu có nhưng chắc chắn lo cho nó cơm ngày hai bữa, đến tuổi được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác.
Nội tôi xuống nước nhỏ:
- Giết một đứa con dẫu còn đang trong bụng cũng là tội ác không thể tha thứ. Con không nên làm như vậy, dù sao cũng là giọt máu của mình. Người dưng nước lã còn thương nhau không hết huống chi là máu mủ tình thâm.
Ba tôi đuối lý chỉ biết cúi đầu im lặng. Kết thúc buổi họp, nội tôi đe:
- Chuyện đến đây kể như xong. Nếu thằng Út vẫn ép con Thương nạo thai thì từ nay không còn mẹ con gì nữa. Coi như tao không có đứa con này. Sao mà ác nhơn dữ vậy. Ba mày chưa biết chuyện đấy. Mày biết tính ổng rồi còn gì. Ổng mà hay tin này thế nào cũng nổi trận lôi đình, tao không cứu nổi mày đâu.
Ông nội tôi vốn là bộ đội trong thời kỳ chống Pháp. Ông về hưu với hàm đại tá. Một người đàn ông nghiêm khắc và có phần độc đoán.
Nhắc đến ông nội là ba tôi hãi. Hai người cô của tôi về trong ngày hôm ấy. Riêng bà nội ở lại chơi thêm vài ngày. Hôm tiễn nội ra bến xe, bà nội nắm lấy tay mẹ dặn đi dặn lại:
- Má về đây. Con cố giữ gìn cái thai trong bụng. Nếu chồng con còn tiếp tục ép con nạo thai thì hãy đến gặp má, má sẽ lóc thịt nó như Na Tra. Khi nào sinh con thì báo cho má biết để má sắp xếp công việc lên chăm sóc con. Má dưới quê cũng chẳng có việc gì làm để giết thời gian. Vả lại má cũng muốn là người đầu tiên nhìn thấy mặt đứa cháu nội.
Mẹ tôi bị ốm nghén, thức ăn đưa vào mồm lại nôn ra, chỉ trong vòng một tháng mẹ sụt mấy kí lô, người xanh xao gầy rộc. Ba tôi mua thuốc nam về nấu cho mẹ uống. Uống được chục thang thì khỏi bệnh. Chưa kịp vui thì mẹ lại bị sỉa, chân sưng phù lên như chân voi, đưa tay ấn vào thì có vết lõm. Đi khám, bác sỹ cho thuốc uống và trấn an mẹ đừng quá lo lắng. Sức khỏe của mẹ ngày càng xấu đi khiến ba tôi đứng ngồi không yên.
Đến tháng thứ năm thì chứng phù chân hoàn toàn biến mất, mẹ ăn được, ngủ được. Lúc này, ba tôi đã chấp nhận và, thôi, không trách cứ mẹ nữa. Để chuẩn bị cho tôi chào đời, ba tôi phải đi làm thêm vào buổi tối. Ông nhận thêm chân khuân vác ở chợ rau quả, có khi, đến nửa đêm mới về đến nhà, mệt lả. Mẹ tôi chuẩn bị sẵn cốc nước chanh cho ba giải khát. Đêm, ba đưa tay sờ lên bụng mẹ, con chưa chào đời mà ba đã vất vả như thế này đây. Đứa con bất hiếu!
Mẹ tôi vẫn đến công ty đều đặn. Mẹ làm nhân viên kế toán tổng hợp, công việc tương đối nhàn nhã. Mẹ tôi có thai đến tháng thứ sáu, thì ba tôi được cơ quan cho đi học cao học trong thời gian hai năm. Ba tôi đã từ chối cơ hội tiến thân bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nếu không có tôi, có lẽ, ba tôi đã tiến rất xa trong bước đường công danh của mình.
Mang thai đến tháng thứ bảy, một lần trong lúc làm việc mẹ tôi vô ý bị ngã, máu từ chỗ kín chảy ra ướt đẫm. Mọi người lập tức đưa mẹ vào bệnh viện. Và kết quả là mẹ phải sinh non. Ba tôi hay tin, tứctốc chạy vào. Vừa nhìn thấy tôi nằm loe ngoe trong tấm tả lót, ba thốt lên, bé như thế này làm sao nuôi được.
Tôi được đưa vô lồng ấp. Mẹ tôi khóc hết nước mắt. Bà nội hay tin lập tức vào bệnh viện. Bà bế tôi vào lòng, con bé này xinh lắm, lớn lên thế nào cũng trở thành hoa hậu. Trái với lo lắng của ba mẹ, bà nội luôn tỏ ra lạc quan. Cô Sương, ngày trước cũng sinh non.
Tôi lớn nhanh như thổi. Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò. Và tháng thứ mười đã bắt đầu đi chập chững. Càng lớn, tôi càng giống ba như tạc. Ba thường đặt tôi lên vai đi vòng quanh khắp xóm. Gặp ai ba cũng nói, con gái của tôi đấy, xinh không? Những lúc như thế, mẹ tôi lại có dịp trả đũa, nếu ngày trước em nghe lời anh bỏ nó đi thì bây giờ anh đâu có đứa để bế bồng, hôn hít. Ba lại cười vang, chuyện cũ mà nhắc lại mãi!
Mẹ tôi bảo tôi là đứa trẻ vô địch háo ăn, lúc nào cũng khóc vang đòi bú. Một lần ba chở mẹ và tôi đi khám bệnh. Giữa đường tôi đòi bú, khóc thét lên như lệnh vỡ, mẹ tôi phải vạch áo, ấn đầu vú vào mồm tôi ngay trên xe đạp. Nhiều năm sau đó, khi đã ý thức được thế giới xung quanh tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh ngộ nghĩnh đó và cười một mình.
Một tuổi, mẹ cho tôi cai sữa và gửi tôi vào nhà trẻ. Nhà trẻ bên cạnh cơ quan mẹ làm việc. Tôi thường đứng bên cửa nhìn ra, nhác thấy bóng mẹ là khóc thét lên đòi bế. Dạo ấy ba tôi lên chức trưởng phòng thu nhập khấm khá, ông không phải đi làm thêm nữa. Cơ quan cho ông đi học lớp cao học buổi tối. Và mẹ tôi phải nghỉ việc để chăm sóc gia đình. Tôi chỉ ở nhà trẻ có vài tháng.
Ba tuổi tôi đi mẫu giáo. Trường mẫu giáo nằm đối diện với trạm xăng, cả ngày khói xe đen kịt. Thật bất ngờ, người đầu tiên đưa tôi đến trường lại là ba chứ không phải mẹ. Hôm ấy ba chở tôi bằng xe gắn máy. Bộ quần áo mới và chiếc khăn mặt bỏ vào chiếc cặp có dây đeo treo lủng lẳng trước xe. Ba gửi xe vào bãi rồi dẫn tôi vào sân trường mẫu giáo. Sân trường có cầu tuột, ghế xích đu, tòa lâu đài nhựa và nhiều trò chơi khác. Tôi thích quá lao vào chơi cùng những người bạn mới. Thừa lúc tôi mải mê, ba lẻn bỏ về. Đến khi tất cả vào lớp học tôi mới giật mình và ngơ ngác tìm ba. Cả ngày hôm ấy, tôi chỉ khóc và khóc, cô bảo mẫu dỗ dành mãi nhưng không thể làm tôi nín khóc.
Sang ngày hôm sau, ba lại đưa tôi đến trường. Ba vừa dừng xe, tôi lập tức níu chặt người ba và giãy nãy lên nhất định không chịu cho ba bế vào trong.
- Xem kia, con gái, các bạn đang chơi xích đu vui quá.
Đoạn ba bước đến ngồi vào chiếc ghế xích đu trống đung đưa mấy cái. Bị cuốn hút bởi những trò chơi tôi thôi không khóc nữa và lao vào cuộc chơi. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi lại để mắt đến ba, tôi sợ ba sẽ bỏ tôi mà đi như hôm trước. Nhưng rồi, những trò chơi hấp dẫn tôi quên ba lúc nào không hay. Và rốt cuộc là tôi lại khóc sướt mướt tìm ba.
Mãi một tuần sau, tôi mới làm quen với lớp học mẫu giáo. Tôi không khóc nữa và có thể tự ăn một mình. Cô bảo mẫu luôn mồm khen, bé Vy ngoan lắm, không khóc nhè, lại có thể ăn một mình. Các bạn hãy vỗ tay hoan hô bé Vy nhé.
Mỗi buổi tối sau khi cơm nước xong, cả nhà quây quần bên phòng khách. Ba tôi đưa nắm tay lên gần miệng, giả làm cái micrô, và cất giọng khôi hài:
- Kính thưa quý vị, ca sỹ Thảo Vy sẽ gửi đến quý vị nhạc phẩm Cháu lên ba. Mời quý vị cho một tràng pháo tay. Nào, xin mời ca sỹ Thảo Vy!
Tôi mặc chiếc váy liền thân từ lòng mẹ bước ra rồi vừa hát vừa xòe tay ra múa:
- Cháu lên ba.
Cháu ra mẫu giáo.
Cô thương cháu, vì cháu không khóc nhè..
Chương 2
Tôi vào lớp một cũng là lúc anh Khương học đến lớp năm, anh là học sinh giỏi toán nhất trường. Được đại diện trường đi thi học sinh giỏi cấp quận nhưng lần nào cũng trượt. Mẹ tôi không vì thế mà phiền lòng. Bà không muốn gây áp lực việc học nặng nề xuống đôi vai đứa con trai mười tuổi. Không học lu bù như những đứa trẻ khác, anh Khương có thời gian để vui chơi và đọc sách. Việc học đối với anh thật thoải mái như lúc chơi đùa.
Sinh nhật lần thứ bảy của tôi, anh Khương mua tặng tôi bộ đồ chơi xếp hình. Tôi loay hoay cả buổi chiều vẫn không sao ráp được hình. Khó quá. Anh Khương bèn giằng lấy và múa tay thoăn thoắt. Chỉ trong chớp mắt anh đã xếp xong hình siêu nhân có chiếc áo choàng màu đỏ. Tôi phục anh Khương sát đất và nhìn anh bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
Năm tôi học lớp tám, thì ba tôi xây nhà mới. Ngôi nhà chúng tôi đang ở đã xuống cấp thê thảm, mái tôn mục nát, tường thấm nước bong ra từng mảng lớn. Tháng mưa, bên trong bị dột như ngoài sân. Ba mẹ tôi định chịu trận đến kỳ nghỉ hè sẽ xây mới nhưng không thể nán đến ngày ấy. Nhiều đêm cả nhà phải ngồi dồn vào một góc tránh nước mưa từ trên rơi xuống. Sau mấy ngày bàn đi tính lại, ba mẹ tôi quyết định làm nhà.
- Chúng ta sẽ ở đâu trong thời gian xây nhà?
Ba tôi nói:
- Anh đã bàn với chú Trọng rồi. Cả nhà ta sẽ dọn đến chỗ chú ấy đến khi căn nhà hoàn tất.
- Liệu có phiền anh ấy không? Những bốn người, ấy là chưa kể đến cơ man là thứ.
- Em không phải lo lắng về điều này. Anh với Trọng còn thân thiết hơn tình cảm anh em ruột thịt. Trọng nhường cho chúng ta tầng trệt, chú ấy dọn lên gác.
- Em thấy ngại quá. Hay là mình mướn chỗ khác vậy. Vả lại chỗ ấy cũng hơi chật.
- Chẳng có gì phải ngại cả. Chú ấy đã mở lời và anh cũng đã đồng ý, bây giờ thay đổi quyết định, anh biết nói làm sao với Trọng. Ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu, mỗi người chịu khó một chút rồi cũng qua thôi.
- Tùy anh, anh giải quyết như thế nào cho vẹn vẽ đôi đường. Em bao giờ cũng không muốn làm phiền người khác.
Ba suy nghĩ một lúc rồi quyết định:
- Chủ nhật này chúng ta sẽ dọn nhà. Cơ quan đã đồng ý cho mượn kiếc xe tải để di chuyển đồ đạc chỉ phải trả tiền xăng thôi, coi như đỡ một khoản chi phí.
Từ khi nhận thức được thế giới xung quanh, chú Trọng đã hiện diện trong tôi. Chú Trọng kém ba hai tuổi, bằng tuổi mẹ, là một người đàn ông cao dong dỏng, có mái tóc bồng nom rất nghệ sỹ. Gương mặt chú rất hài hòa nhưng đôi mắt thì rất buồn. Tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt buồn đến thế.
Chú thường đến nhà tôi chơi, có khi còn dùng cơm với mọi người. Chú thường làm ngựa cho tôi cưỡi. Tôi treo lên lưng chú, hai tay nắm lấy hai vành tai đỏ hồng của chú rồi ra lệnh, ngựa phi nhanh lên. Chú bò quanh nhà, thỉnh thoảng chồm lên hí một tràng dài như ngựa. Rồi hai chú cháu cười như nắc nẻ. Chú bò quanh vài chục vòng rồi nằm lăn ra thở dốc.
- Hãy lấy nước cho ngựa uống, nhanh lên!
Tôi lấy nước trong tủ lạnh đưa cho chú. Chú cầm ca nước tu ừng ực rồi nói:
- Ngựa đói rồi, hãy lấy cỏ cho ngựa ăn.
Thỉnh thoảng chú dẫn tôi và anh Khương đi ăn kem. Quán kem là ngôi nhà xập xệ nằm nép mình dưới chân cầu, bên cạnh trường tiểu học. Bao giờ chú cháu chúng tôi cũng ngồi bên cạnh cửa sổ nhìn ra vườn hoa dại bên hông nhà. Anh Khương thích ăn kem sầu riêng. Còn tôi chỉ thích kem vani. Chú Trọng không thích các món ngọt. Trong lúc, anh em tôi ăn kem chú hút thuốc lá hết điếu này sang điếu khác và âm thầm quan sát chúng tôi. Lần nào cũng vậy, hễ tôi ăn xong cốc kem chú lại hỏi:
- Có ăn nữa không, nhóc con?
Tôi không thích chú gọi tôi là nhóc, tôi bèn cong cặp môi mỏng dánh lý sự với chú:
- Cháu không phải là nhóc con, cháu là người lớn.
Chú phì cười, cặp mắt hấp háy nhìn tôi một cách tinh nghịch:
- Vậy thì người lớn có ăn kem nữa không?
Anh Khương ăn hết kem nhưng vẫn còn thòm thèm, tuy nhiên anh lại ngồi im, hai tay đặt lên bàn nghiêm túc như cậu học trò chăm chỉ.
- Cu Khương có ăn kem nữa không?
- Cám ơn chú, cháu ăn chán rồi.
Chú Trọng gọi tôi là nhóc, gọi anh Khương là cu Khương. Cũng như tôi anh Khương không thích cách gọi như vậy nhưng anh không phản ứng như tôi mà chỉ cười trừ. Rồi thừa lúc chú day mặt sang nơi khác, anh Khương bèn giằng lấy chiếc thìa từ tay tôi và múc kem cho vào mồm lia lịa. Chú thấy tất cả nhưng tảng lờ vờ như không thấy rồi nhoẻn miệng cười một mình.
- Ăn kem rồi, bây giờ chú cháu ta đi đâu? - chú thanh toán tiền và nắm tay chúng tôi bước ra khỏi quán:- Đi ngả nào đây? Bên phải hướng ra công viên, bên trái về nhà sách, chọn hướng nào?
Anh tôi muốn chơi công viên nhưng tôi chỉ thích đọc sách, anh em tôi bao giờ cũng có những ý muốn trái ngược nhau. Thật tình cũng có những lần tôi có cũng sở thích giống anh Khương nhưng tôi cố tình làm khác đi để có cảm giác là người chiến thắng, bao giờ chú cũng chiều tôi.
- Anh phải nhường em. Chú quyết định chúng ta sẽ đi nhà sách.
Anh tôi xị mặt tỏ vẻ không vui:
- Tại sao lần nào chú cũng chiều bé Vy thế?
- Bởi vì Vy là em. Trẻ em phải được ưu tiên số một. Lúc còn nhỏ như bé Vy cháu chẳng được cưng chiều như thế là gì.
Chú bế tôi đặt lên xe. Tôi ngồi phía trước, anh Khương ngồi sau. Mái tóc của tôi che khuất tầm nhìn, chú phải rướn cổ lên mới quan sát được đường:
- Bé Vy chóng lớn quá. Năm tới, cháu phải ngồi phía sau xe rồi.
Đến nơi, chú dắt xe vào bãi làm thủ tục gửi xe thì hai anh em tôi chạy vội vào quầy sách thiếu nhi. Quầy sách thiếu nhi nằm bên cạnh khu bán hàng lưu niệm cách nhau bởi một lối đi nội bộ có lắp nhiều đèn ống. Quầy truyện tranh nằm ở dãy cuối cùng, đối diện với gian để sách tin học, phía trên có đặt tấm bảng " Xin vui lòng không đọc truyện tranh. ". Tôi hỏi, anh Khương, tại sao người ta chỉ cấm đọc truyện tranh vậy, anh Hai, anh Khương cốc nhẹ lên đầu tôi, truyện tranh đọc rồi thì ai thèm mua. Có vậy mà không hiểu.
Hóa ra không chỉ có trẻ con như bọn tôi mới thích đọc truyện tranh, có rất nhiều anh chị sinh viên cũng đến đây đọc ké. Có chị vừa đọc vừa cười khanh khách. Tôi và anh Khương mỗi người chọn một quyển rồi rúc vào một xó đọc ngấu nghiến. Tôi thích đọc truyện cổ tích, truyện thần thoại Hy Lạp. Anh Khương chỉ đọc truyện siêu nhân, người dơi, hiệp sỹ đầu sừng.
Chú Trọng gửi xe xong, bước vào bên trong mắt dáo dác tìm hai đứa chúng tôi. Vừa trông thấy chú, tôi kêu lên khe khẽ:
- Chú Trọng, cháu ở đây nè.
Chú nhìn tôi gật đầu:
- Đừng chạy lăng quăng kẻo lạc đường nhé. Chú sang quầy Văn học nước ngoài nhé, cần gì thì cứ đến đấy tìm chú.
Đoạn chú xoay người bước đi. Đọc xong quyển truyện, tôi đem trả lại chỗ cũ rồi vơ lấy quyển khác. Đang đọc say sưa thì chú nhân viên nhà sách xuất hiện. Chú bước đến vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Trả lại sách vào chỗ cũ đi bé. Cháu không thấy bản cấm đọc truyện tranh à?
Tôi tiu nghỉu đặt sách vào chỗ cũ rồi đi tìm chú. Tôi cố tạo ra gương mặt thật thảm não làm chú phải rối rít lên:
- Có chuyện gì à? Sao không ở đấy đọc sách? Tìm chú có chuyện gì?
- Chú bảo vệ lấy sách lại rồi. Cháu còn muốn đọc.
Chú nhét quyển sách vào giá rồi nắm tay tôi dắt đi:
- Chú sẽ giúp cháu. Đi với chú.
- Cháu không dám lấy đâu. Chú lấy cho cháu nhé. - tôi đề nghị.
Chú gật đầu, giả vờ bước rón rén đến quầy truyện tranh như tên trộm rồi chú chộp lấy một quyển nhét vào người và mang đến cho tôi.
- Phải quyển này không?
Tôi gật đầu. Chú lại đi tìm một chỗ kín đáo rồi bảo tôi nấp vào đấy:
- Chỗ này an toàn, cháu tha hồ đọc mà không phải sợ mấy chú bảo vệ.
Hầu như tuần nào chú Trọng cũng dắt tôi đi nhà sách. Có lúc có anh Khương đi cùng, cũng có lúc chỉ có hai chú cháu. Mẹ tôi do bận việc nhà, chẳng bao giờ dắt tôi đi đâu. Ba tôi thì lười kinh khủng, ông chỉ đi ra ngoài khi có việc cần kíp mà thôi. Hồi còn học ở trường mẫu giáo thỉnh thoảng chú có đến đón tôi. Và lần nào cũng vậy, chú không bao giờ đưa tôi về nhà ngay mà ghé quán kem nào đó cho tôi ăn đến chán thì thôi. Chính vì thế, tôi bao giờ cũng thích chú Trọng đến đón tôi hơn ba mẹ.
Năm tôi học lớp lá. Một lần, đến đón tôi chú phát hiện tôi bị sốt, chú vội vã đưa tôi đến bệnh viện. Ở nhà chờ hoài không thấy bèn tức tốc đi tìm. Gần nửa đêm, ba mẹ tôi mới tìm thấy hai chú cháu trong bệnh viện.
Chương 3
Ngày dọn nhà cũng đã đến. Rốt cuộc, mẹ tôi cũng đồng ý dọn về nhà chú Trọng. Trước đó, mẹ cũng đã đi xem vài nơi và chẳng nơi nào mẹ vừa ý. Sáng Chủ nhật, ba tôi dặn mẹ đi chợ mua vài món ngon để đãi những người trong công ty đến giúp việc. Tám giờ sáng, chiếc xe tải chở mười người đổ xịt trước ngôi nhà. Ba tôi gọi điểm tâm và cà phê sáng. Ăn uống xong, mọi người bắt tay vào thu dọn đồ đạc chất lên xe. Anh Khương cũng giúp ba tôi thu dọn các thứ linh tinh. Tôi xuống bếp giúp mẹ làm bếp, đang rửa rau sực nhớ môt chuyện, tôi bèn tất tả chạy lên:
- Anh Hai có thấy con búp bê của em không?
- Cho lên xe rồi. - anh Khương trả lời cộc lốc: Lớn rồi mà còn thích chơi búp bê à?
Tôi đuổi theo nhưng không kịp. Con búp bê này là quà tặng sinh nhật của mẹ tặng tôi năm ngoái. Ngoài giờ đến lớp, tôi đều giữ nó bên người. Tôi lo mọi người sẽ đánh mất, hoặc làm bẩn nó.
Đến hai giờ chiều việc dọn nhà cơ bản đã xong, chỉ còn lại vài thứ có thể mang theo người. Ba tôi bày cơm mời khách và có uống vài chai bia. Đến chiều, bốn người chúng tôi đến nhà chú Trọng.
Nhà chú Trọng nằm trong con hẻm yên tĩnh. Trước nhà có treo vài chậu lan chẳng bao giờ ra hoa. Bản số nhà tiệp với màu sơn bức tường nên phải nhìn kỹ mới nhận ra. Tôi không hiểu tại sao chú lại chọn màu sơn tối thế làm cho ngôi nhà trở nên âm u. Chú đứng đợi chúng tôi trước cổng nhà với bộ quần áo nhàu nát, cáu bẩn, khắp người từ trên xuống dưới bê bết bùn đất:
- Tất cả đã được sắp đặt tương đối gọn gàng. Nhà hơi chật, anh chị và hai cháu chịu khó ở tạm.
Chú giật lấy chiếc túi từ tay mẹ và xoay người đi vào phía trong. Bên trong nhà chú khá rộng, đồ đạc sơ sài. Nhìn các thứ được xếp đặt gọn ghẽ, ngăn nắp tôi mới biết, chú là người vất vả nhất.
- Chú có thấy con búp bê của cháu?
Chú dắt tôi lên gác. Căn gác gỗ ọp ẹp run lên bần bật, chú bảo đang để dành tiền, năm sau sẽ làm nhà mới. Chú đẩy nhẹ cánh cửa phòng rồi đưa tay ấn công tắc điện, chiếc đèn né - on phụt phụt mấy cái rồi vụt sáng. Tôi nhìn thấy con búp bê của tôi đang nằm trên giường, trên mình nó được phủ bằng tấm chăn mỏng.
- Suỵt - chú đưa ngón tay lên miệng ra hiệu tôi không được làm ồn:- Khe khẽ nhé, em bé đang ngủ.
Tôi bước rón rén đến bên con búp bê và nằm xuống bên cạnh, rủ rỉ trò chuyện với nó rồi ngủ quên lúc nào không hay. Đến sáng tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm bên cạnh mẹ.
Chương 4
Tôi nhanh chóng thích nghi với những thay đổi mới. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi sống trong nhà chú Trọng. Thật tình cũng có những bất tiện nhỏ nhưng tôi đã nhanh chóng làm quen. Anh Khương lại khác, anh thích nghi rất chậm. Mấy đêm đầu do lạ chỗ anh không ngủ được cứ trằn trọc mãi. Những lúc không có việc gì làm, anh chỉ ngồi yên một chỗ không chạy nhảy nghịch ngợm như lúc còn ở nhà. Nhà vệ sinh của chú Trọng không lắp ổ khóa, mỗi lần đi vệ sinh tôi cứ sợ ai đó sẽ nhìn thấy. Chú Trọng bèn mua ổ khóa mới lắp vào. Trường của anh Khương cùng hướng đến cơ quan của ba. Trường của tôi cùng hướng với công ty chú Trọng. Mỗi buổi sáng hai người đàn ông có nhiệm vụ đưa hai anh em tôi đến trường. Chiều tan sở thì tạt qua rước chúng tôi về. Cũng có khi ba hoặc chú Trọng bị bận mẹ phải đi đón chúng tôi. Mỗi buổi sáng hai chú cháu rời nhà rất sớm. Chú đưa tôi đi ăn sáng trước khi đến lớp. Lần nào cũng vậy, hễ tôi vừa thót lên xe là chú luôn bắt đầu bằng câu nói:
- Sáng nay chú cháu ta ăn gì, cô sinh viên?
Chú gọi tôi là sinh viên. Và tôi thích cách gọi như thế:
- Ăn phở đi, chú.
- Ăn mãi một món không chán à? Chú cháu mình ăn cơm tấm nhé? Chú biết một quán cơm ngon mà rất rẻ.
Tôi gật đầu. Chú cho xe đi chầm chậm vượt qua những dãy phố ngoằn ngoèo rồi dừng lại trước quán cơm nằm cạnh bờ sông.
- Quán cơm này mở cửa từ sáng đến đêm, những lúc lười chui vào bếp chú thường đến đây giải quyết sự cố cái dạ dày.
Chú chọn một chiếc bàn trống kê sát vỉa hè rồi uống một cốc nước trà đá. Nhân viên phục vụ quán bước đến hỏi chúng tôi ăn gì. Chú nhìn tôi nói:
- Cháu ăn gì?
Tôi còn đang suy nghĩ thì chú liền gợi ý:
- Cơm sườn nhé.
Tôi gật đầu. Chú day mặt về phía người phục vụ:
- Cho hai đĩa cơm sườn.
Phải công nhận cơm ở đây rất ngon. Sườn nướng rất thơm. Chú cháu tôi vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
- Hôm nay cháu học những môn gì?
- Toán, Anh văn và tự nhiên xã hội.
- Cháu học giỏi môn nào nhất?
- Tất nhiên là toán. Cháu luôn được điểm mười môn toán.
- Còn môn văn thì sao?
- Cháu học không giỏi môn này. Và thường viết sai chính tả.
- Vậy cháu phải chăm đọc sách vào.
Tôi ngơ ngác:
- Đọc sách thì có dính dáng gì đến chuyện học của cháu?
- Có chứ, - chú ngừng nhai:- Đọc sách thường xuyên sẽ giúp cháu học tốt môn chính tả và những bài tập làm văn. Chú sẽ mua cho cháu vài quyển sách.
- Cháu không thích đọc sách, chỉ thích đọc truyện tranh thôi.
Bao giờ chú cũng ăn xong trước tôi. Trong khi tôi cố ăn nốt phần cơm còn lại thì chú ngồi uống nước trà đá trong chiếc ca nhựa và hút một điếu thuốc.
- Hãy còn sớm. Ăn chậm thôi kẻo bị nghẹn. Lần sau chúng ta sẽ ăn cơm chả. Món chả ở đây rất ngon. Ở nhà chú, cháu có thấy thoải mái không?
Tôi gật đầu. Và đột nhiên hỏi chú:
- Chú làm công ty gì vậy?
- Chú làm việc ở nhà máy bia.
- Chú làm công nhân hay cán bộ?
Chú nhìn tôi bằng ánh mắt khôi hài:
- Sao điều tra lý lịch chú kỹ thế? Chú là trưởng phòng tổ chức.
Tôi lại hỏi:
- Vậy chức của chú có lớn hơn chức ba cháu không?
- Ba cháu làm phó giám đốc. Tất nhiên chức vụ cao hơn chú. Ăn xong rồi thì uống nước đi không thôi vào lớp bị khát nước.
Chú rót cốc nước đưa cho tôi rồi thanh toán tiền cơm. Tôi trèo lên xe. Chú cho xe vọt đi. Đường phố vào giờ này đông như mắc cửi. Tiếng động cơ ầm ầm hòa lẫn cùng mùi khói khét lẹt đến ngạt mũi.
- Chú với ba cháu quen nhau từ khi nào vậy?
Chú lách xe, vượt qua chiếc xe tải rồi ngoảnh mặt về phía sau, nói:
- Sao hỏi nhiều vậy? Chú và ba cháu quen nhau từ khi còn học chung một trường đại học. Ba cháu học trên chú hai khóa. Trả lời như thế được chưa, cô sinh viên bé bỏng?
Chú dừng xe trước cổng trường. Tôi bước xuống xe và khoác chiếc cặp lên vai.
- Cháu có tiền ăn quà vặt chưa?
- Có rồi ạ, sáng nay mẹ cháu đã đưa cho cháu.
Chú đưa cho tôi vài tờ tiền lẻ:
- Cháu cầm thêm một ít tiêu vặt.
Tôi lắc đầu từ chối. Chú nhét tiền vào túi áo của tôi:
- Thôi chú đi đây. Hôm nay phải mang về cho chú điểm mười nhé.
Buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm. Mẹ tôi bao giờ cũng chuẩn bị vài món để hai người đàn ông nhấm rượu. Chú có vẻ rất vui. Cả ba tôi cũng thế, ông cười nói luôn miệng trong suốt bữa ăn.
- Nhờ có chị Thương mà tôi đã chữa khỏi chứng suy dinh dưỡng mãn tính - chú vừa nói vừa gắp thức ăn cho mọi người:
- Chị biết rồi đó, đàn ông độc thân rất lười chui vào bếp. Vả lại tôi cũng chẳng biết nấu món gì ngoài món trứng rán và rau luộc.
- Sống mãi như thế này không phải là cách hay. Sao anh không chịu lập gia đình. Người phụ nữ là bếp lửa trong ngôi nhà, không có những người đàn bà chúng tôi ngôi nhà trở nên hiu quạnh.
Chú nhấp một ngụm rượu rồi mân mê chiếc cốc rỗng trong lòng bàn tay. Chú bao giờ cũng biết điều độ, mỗi bữa cơm chỉ uống vài chung nhỏ:
- Trên đầu gần có hai thứ tóc rồi , lấy ai được nữa hả, chị?
- Đàn ông lấy vợ chẳng bao giờ muộn cả. Có học thức, có nhà riêng, thu nhập ổn định, muốn lấy ai mà chả được. Chỉ cần anh hét lên một tiếng là các cô rồng rắn đến đây ngay.
Ba tôi nheo mắt nhìn chú cười cười:
- Để anh giới thiệu một cô cho chú. Công ty của anh có vài cô chưa chồng tốt nghiệp đại học hẳn hoi và hình thức cũng dễ nhìn.
- Anh có cần người giới thiệu không? Tôi sẽ giúp anh. - mẹ tiếp lời.
Chú lắc đầu xua tay lia lịa:
- Sống như thế này đã quen rồi. Tôi không muốn thay đổi.
Mẹ nhìn chú thở dài:
- Có ai quen được với cô đơn đâu. Anh là người đàn ông lập dị nhất mà tôi từng biết đến.
Ba đưa mắt nhìn chú. Cái nhìn đầy ẩn ý. Rồi mọi người cùng im lặng đến cuối bữa cơm.
Buổi tối. Mẹ tôi loay hoay với việc dọn dẹp, giặt giũ, tôi và anh Khương dán mắt vào chiếc ti vi, thì ba tôi và chú Trọng tót lên gác tán gẫu. Chẳng biết hai người đàn ông đã nói những gì mà thỉnh thoảng ba tôi lại cười ré lên có vẻ thích thú lắm. Ba tôi tỏ vẻ vui và yêu đời hơn lúc còn ở nhà cũ.
Do tầng trệt hơi chật, mẹ tôi định để anh Khương ngủ với chú Trọng. Nhưng anh không chịu, vin cớ là không quen nằm với người lạ.
- Để anh ngủ với chú ấy.
Thế là từ đêm hôm ấy, ba lên gác ngủ với chú Trọng. Còn lại ba người chúng tôi nằm ở dưới nhà. Có đêm tôi chợt thức giấc thấy đèn trên gác còn sáng, ba từ trên bước xuống đi thẳng vào nhà vệ sinh. Lát sau đến lượt chú Trọng.
Dạo ấy ba mẹ tôi bị quay tít như đèn cù. Ba tôi ngoài giờ làm việc ở cơ quan còn phải tranh thủ đảo qua ngôi nhà đang xây xem xét như thế nào. Mặc dù bên thầu nhận khoán toàn bộ nhưng cũng cần phải kiểm tra cẩn thận lơ tơ mơ là họ qua mặt dễ như bỡn, chỉ cần đổi mác xi măng và đường kính của thép là đã thiệt hại khối tiền. Mẹ tôi ngoài việc cơm nước, giặt giũ cũng phải có mặt tận nơi để giải quyết công việc khi cần thiết. Do quá vất vả và lo lắng nên chỉ chưa đầy một tháng mà cả hai đã sụt cân thấy rõ. Nhất là mẹ, gương mặt hốc hác, đôi lưỡng quyền nhô cao trông mẹ già đi mấy tuổi.
Buổi chiều ba tôi đang làm việc ở cơ quan thì có điện thoại của ông Quyền chủ thầu. Giọng ông hơ hải trong ống nghe:
- Anh Lập đó hả? Anh về ngay đi, xảy ra sự cố rồi!
- Chuyện gì thế? Tôi đang bận họp. Chốc nữa nhé?
- Họp hành gì nữa. Việc gấp lắm, anh phải về ngay. Lão Sáu Khoan, chủ nhà bên cạnh gây khó dễ không cho chúng tôi tiếp tục thi công. Họ đông và rất dữ tợn, và còn đe sẽ phá sập ngôi nhà. Tình hình như thế này tôi cũng đành bó tay thôi.
Ba tôi tức tốc chạy về nhà. Lúc này mẹ tôi và chú Trọng cũng đã có mặt. Ba tôi lách khỏi đám đông bước vào. Lão Sáu Khoan cởi trần, mặc quần xà lỏn đang hò hét chỉ huy đám con cháu khiêng đống dụng cụ thợ nề vất ra phía ngoài.
- Dừng tay! Chuyện đâu còn có đó, các người không được làm như vậy.
Đoạn ba day mặt về phía lão Sáu Khoan, nói bằng giọng từ tốn:
- Nhà tôi cất có giấy phép, không vi phạm thiết kế trong bản vẽ tại sao chú lại cản trở công việc của chúng tôi.
- Nhà này xây lấn phần đất của tao, vì thế, tao không cho xây, thế thôi.
Ba tôi lấy bản vẽ đưa cho lão:
- Chú xem đi. Chúng tôi xây cất hoàn toàn trên phần đất của mình, chẳng vi phạm ranh giới của ai cả. Đây là phần đất của chúng tôi, trước kia tôi không sử dụng đến nên làm hàng rào, bây giờ tôi đưa phần đất đó vào sử dụng. Tất cả đều thể hiện trong bản vẽ hồ sơ nhà.
- Tao không xem. Đứa nào léng phéng tao chém!
Đám con cháu của lão cũng hùa vào. Một người nói ngang ba làng cãi không lại, đàng này có đến cả chục người chẳng phải ít. Ba tôi nhìn chú Trọng thở dài bất lực. Mẹ tôi bèn xuống nước nhỏ:
- Chú Sáu à, chúng ta cùng là chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau..
Lão Sáu Khoan nóng nảy cướp lời:
- Tôi chẳng xóm giềng gì với các người. Tôi nghèo trớt, còn các người giàu nứt vách làm sao là xóm giềng với nhau.
Chẳng qua, con gà ghét nhau bởi tiếng gáy. Lời qua tiếng lại, rốt cuộc xảy ra xô xát. Người con trai út của lão bỗng xông vào xô ba ngã ngược về phía sau. Thấy vậy, chú Trọng bèn xông vào can ngăn lập tức bị một cú gậy vụt ngay đầu, chú té úp mặt xuống đất và xỉu ngay tại chỗ. Đám đông lập tức tản ra. Ba vội đưa chú Trọng vào bệnh viện.
Rất may, kết quả chụp cắt lớp chú không bị chấn thương sọ não, tuy nhiên cũng phải điều trị vài ngày. Ba tôi xin nghỉ không lương để chăm sóc chú. Việc cất nhà bị hoãn lại. Sau khi xảy ra sự cố, lão Sáu Khoan có đến bệnh viện xin lỗi và xin chịu toàn bộ chi phí điều trị:
- Tôi thật hồ đồ. Thành thật xin lỗi chú. Bây giờ xảy ra sự việc đáng tiếc này, tôi xin chịu hoàn toàn chi phí điều trị, chỉ xin chú bãi nại để thằng út, con tôi được thả, tội nghiệp, nó còn vợ con nheo nhóc.
Tôi theo anh Khương vào bệnh viện thăm chú. Lúc ấy ba đang cho chú ăn cháo. Thỉnh thoảng ba ngừng đút, lấy khăn lau miệng cho chú. Nhìn ánh mắt lo lắng của cha, nhìn thấy cảnh ba chăm sóc chú như người anh đang chăm sóc cho đứa em ruột thịt của mình, tôi thật sự xúc động, tình cảm của hai người đã vượt qua ranh giới tình bạn đơn thuần. Cho chú ăn xong bát cháo, ba đỡ chú nằm xuống rồi lấy tờ báo cạnh đấy đọc cho chú nghe. Vừa trông thấy chúng tôi, ba có vẻ lúng túng:
- Hai đứa vào đây làm gì?
- Chúng con đi thăm chú Trọng - tôi đáp liền.
Nghe tiếng tôi chú lật đật gượng dậy, gương mặt bừng sáng:
- Cháu Vy đấy hả? Lại đây ngồi với chú. Lại đây!
Giọng chú giàu cảm xúc. Tôi ngồi xuống mép giường bên cạnh. Đầu chú quấn băng trắng toát. Nét mặt xanh xao, mỏi mệt:
- Chú có đau lắm không? Chừng nào chú ra viện?
Chú cười phô hàm răng trắng bóng:
- Bớt đau rồi. Hôm đầu tiên đau đến không ngủ được, bây giờ chỉ đau âm ỉ thôi. Có lẽ, vài hôm nữa chú sẽ xuất viện, nằm mãi trên giường chán lắm.
Anh Khương từ đầu chỉ ngồi im theo dõi câu chuyện cũng xen vào:
- Chú chóng khỏe để còn đưa chúng cháu đi nhà sách nữa chứ. Bé Vy cứ nhắc chú hoài.
- Không có chú thì hai anh em tự đi cũng được chứ sao.
Tôi lắc đầu:
- Không có chú buồn lắm, đọc chẳng vào. Chú chóng lành bệnh nhé. Mấy hôm rồi cháu phải đi học bằng xe ôm. - Nhìn thấy mấy quả táo để trên bàn, tôi nói:- Chú ăn táo không để cháu gọt cho nhé.
Chú quan sát tôi gọt táo bằng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc. Tôi cắt quả táo ra làm bốn. Chú bảo anh Khương đưa cho mỗi người một miếng. Ba cầm lấy, không hiểu sao lại đặt vào đĩa:
- Mẹ con đâu?
- Mẹ đang nấu cháo cho chú Trọng, chốc nữa sẽ vào sau. - anh Khương đáp.
- Cháu kể chuyện ở trường cho chú nghe đi. - chú đề nghị.
Tôi hắng giọng chưa kịp nói gì thì mẹ từ ngoài bước vào. Một tay mẹ xách cặp lồng đựng thức ăn, tay kia xách chiếc túi đựng quần áo và các thứ linh tinh. Mẹ hỏi chú Trọng đã ăn uống gì chưa, chú bảo vừa mới ăn xong. Mẹ đưa cặp lồng thức ăn cho ba và dặn:
- Trước khi ăn, anh nên đem đi hâm lại cho nóng, cháo cá lóc để nguội tanh lắm.
Chú nhìn mẹ vừa cảm động vừa ngại ngùng:
- Cám ơn chị. Tôi làm phiền chị nhiều quá.
- Vợ chồng chúng tôi mang ơn anh mới phải. Cũng vì chuyện nhà cửa của chúng tôi mà anh bị nạn. - Đoạn mẹ hướng ánh mắt về phía ba:- Để anh Lập chăm sóc anh tôi không yên tâm chút nào, anh ấy rất vụng.
Chú phì cười:
- Chị đừng lo lắng thái quá. Anh Lập "đảm đang" lắm. Không có anh ấy tôi không chóng khỏe như thế này.
Mẹ lại nhắc chuyện chú nên lấy vợ:
- Lúc này anh mới thấy sự có mặt người phụ nữ bên cạnh là cần thiết như thế nào rồi chứ? Lần này ra viện, nhất định tôi sẽ giới thiệu cho anh một người. Anh không được từ chối đâu nhé, đấy là lệnh.
Ba đột nhiên nổi giận:
- Đã bảo chú ấy không thích mà cứ ép mãi. Đàn bà sao mà lắm chuyện thế nhỉ?
Mẹ nhìn ba ngơ ngác:
- Ô hay, sao bỗng dưng anh lại nổi giận với em? Chẳng có chuyện gì quan trọng bằng chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái cả. Không lẽ, anh thích nhìn người bạn thân của mình sống trong tuổi già hiu quạnh hay sao.
- Chú ấy biết mình phải làm gì không cần em phải có sự can thiệp thô bạo của em. Nói tóm lại từ nay em không nên nói chuyện này trước mặt anh lần nào nữa. Anh không muốn nghe.
Đoạn ba đứng dậy hậm hực bước ra ngoài, trước những ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người.
Tuần sau chú xuất viện. Và việc xây nhà lại tiếp tục. Lão Sáu Khoan sau lần nhận được đơn bãi nại của chú Trọng, bỗng thay đổi hẳn. Lão trở nên chân tình cởi mở một cách giả tạo. Dù sao thì mọi việc đang có chiều hướng tốt.
Sáng hôm sau, mặc dù chưa hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chú vẫn chở tôi đi học. Chú đưa tôi vào quán phở vẫn thường ăn và gọi hai tô phở tái.
- Phở ăn ngon là nhờ rau. Cháu không ăn rau làm sao thưởng thức hết vị ngon của phở?
Tôi bắt chước chú lặt mấy cọng ngò gai, rau om, húng cây và quế, rồi ăn thử vài gắp.
- Cháu thấy thế nào?
Tôi thành thật:
- Cháu chẳng thấy ngon gì cả, cứ như bò nhai cỏ!
Chú cười vang. Ăn xong bát phở, chú đưa tôi đến trường:
- Chiều nay chú sẽ đón cháu. Chú sẽ khao cháu một chầu kem Ý, sau đó chúng ta sẽ vào nhà sách.
Quán kem Ý nằm đối diện với rạp chiếu phim rất yên tĩnh và lịch sự. Khách đến ăn kem đều là những cặp tình nhân trẻ tuổi, họ vừa ăn kem vừa nhìn nhau âu yếm. Hai chú cháu tôi trở nên lạc lỏng.
- Chúng ta cũng là tình nhân chú, hén!
Chú cười vang. Và gọi hai cốc kem. Lần đầu tiên tôi thấy chú ăn kem. Tôi đã ăn kem nhiều nơi nhưng chẳng nơi nào kem ngon như ở đây. Lúc tính tiền tôi mới giật mình, những hai chục nghìn một cốc.
Sau đó chúng tôi đi nhà sách đến gần bảy giờ tối mới về đến nhà. Vừa nhìn thấy chúng tôi mẹ đã lăng xăng:
- Trời đất, hai chú cháu đi đâu không nói khiến mọi người ở nhà lo sốt vó. Thảo Vy đã ăn gì chưa?
Tôi giúp mẹ dọn cơm. Khác với không khí sôi nổi thường ngày, ba có vẻ lo lắng, không vui.
- Có chuyện gì vậy, anh Lập? - chú nhìn ba lo lắng.
Ba thở ra một cái thật mạnh như muốn trút bỏ những lo lắng trong lòng:
- Nói thật với chú, việc xây nhà lại gặp trục trặc, thử hỏi làm sao tôi nuốt trôi miếng cơm cho được.
- Lão Sáu Khoan lại kiếm chuyện nữa à?
Ba lắc đầu:
- Sau vụ xô xát, lão im như thóc. Tôi đang đau đầu về chuyện khác.
- Chuyện gì?
Mẹ tiếp lời ba bằng giọng buồn não ruột:
- Kinh phí xây nhà dự trù bấy nhiêu đến giờ chót bỗng phát sinh đủ thứ. Bây giờ chẳng biết đào đâu ra tiền.
Chú nói ngay:
- Tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy có gì là to tát. Tôi có khoản tiền tiết kiệm dành để xây nhà nhưng nghe tin sắp giải tỏa nên gác lại, anh chị có thể lấy mà xoay xở, khi nào có tiền thì hoàn lại.
- Thôi, ngại lắm. - mẹ tôi nói:- Đã ăn nhờ ở đậu nhà anh lại còn mượn tiền nữa, tôi không dám nhận thêm lòng tốt của anh đâu.
- Cùng là người nhà với nhau cả nói chuyện khách khí làm gì. Thật sự tôi chưa cần đến khoản tiền đó, gửi ngân hàng lãi suất không được bao nhiêu. Để sáng mai tôi ra ngân hàng rút hết số tiền gửi đưa cho anh chị. Nhất trí như thế nhé.
- Trăm sự nhờ chú - ba tôi nói:- coi như kiếp này vợ chồng tôi mắc nợ chú vậy.
Chú cười sang sảng. Tiếng cười vô tư, phóng khoáng:
- Thôi, chúng ta ăn cơm thôi. Mấy đứa trẻ đói lắm rồi.
Bữa cơm hôm ấy thật vui, đầy ắp tiếng cười. Hai người đàn ông còn uống rượu hết ly này sang ly khác. Mẹ cũng uống vài chung. Mặt đỏ bừng.
Cơm nước xong, tôi đi tắm rồi lấy bài ra học. Lúc này anh Khương đang nằm trên chiếu, mắt nhắm lại như say ngủ nhưng khi tôi bật ti vi thì anh lập tức ngỏm dậy như chiếc lò xo. Mẹ tôi rửa bát xong cũng mang quần áo đi tắm. Ba tôi có lẽ đã thấm mệt, lên gác ngủ sớm hơn mọi khi. Chú Trọng ngồi nói chuyện với mẹ một chút rồi cũng lên gác đi nằm.
Sáng hôm sau chú Trọng cùng ba đến ngân hàng rút tiền. Sau đó chú Trọng đến thẳng công ty, nơi chú làm việc, còn ba tôi quay trở về đưa tiền cho mẹ:
- Đây là tiền của chú Trọng, hơn trăm triệu. Em đưa một nửa cho tay thầu, phần còn lại cứ giữ lấy để xoay xở lúc cần. Thôi, anh đi làm đây.
- Vợ chồng mình mắc nợ chú ấy nhiều quá biết chừng nào mới trả xong. Chúng ta may mắn có được người bạn tốt.
Việc xây nhà đang trong giai đoạn nước rút. Phần xây dựng cơ bản đã hoàn tất, tuy nhiên khâu trang trí nội thất cũng chiếm không ít thời gian. Lão chủ thầu bảo khoảng một tháng nữa sẽ hoàn chỉnh. Mẹ tỏ vẻ sốt ruột, thấp thỏm như người ngồi trên đống lửa, trong khi ba tôi chẳng lấy gì làm vội. Ông bảo, xây nhà là một việc hệ trọng, làm một lần ở một đời, không nên vội vả. Và ông phản đối việc cho thêm chất phụ gia vào bê tông để chóng đông cứng, vì làm như thế sau này bê tông dễ bị nứt, mặc dù tay chủ thầu cam đoan nếu cho một lượng phụ gia vừa phải sẽ không xảy ra sự cố gì. Và tất cả các công trình xây dựng đều làm như thế. Vì không cho thêm phụ gia vào bê tông mà việc xây dựng bị kéo dài thêm một thời gian. Không phải chỉ mỗi mình mẹ mà cả tôi và anh Khương cũng nóng lòng muốn về nhà mới. Vì chuyện này giữa mẹ và ba đã xảy ra to tiếng.
- Anh không phải là dân xây dựng can thiệp vào chuyên môn của họ làm gì?
Ba cãi lại:
- Nhưng, đây là tài sản mà vợ chồng chúng ta ky cóp cả đời mới có được. Anh không muốn chỉ vì muốn chóng vài hôm mà xảy ra những sự cố đáng tiếc. Đã từng xảy ra những vụ sập nhà, báo chí đăng ầm lên đó chẳng lẽ em không biết.
- Đấy là vấn đề khác. Người ta rút ruột công trình, bớt xén xi măng. Anh nghĩ thử xem, nếu chất phụ gia gây nên sập nhà thì người ta sản xuất làm gì. Chẳng lẽ, anh không cảm thấy áy náy cứ làm phiền anh Trọng mãi hay sao.
- Cứ nghe anh đi, cẩn tắc vô áy náy!
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, chẳng ai nhịn ai. Anh Khương ủng hộ quan điểm của mẹ, còn tôi lại thấy ba có phần đúng.
Chương 5
Một đêm, tôi giật mình thức giấc bỗng nhìn thấy mẹ ngồi khóc bên cửa sổ. Nhìn đôi mắt sưng húp của mẹ, tôi đoán, mẹ đã khóc rất lâu. Mẹ khóc không thành tiếng nhưng nước mắt cứ tuôn ra như xối. Tôi không biết mẹ buồn chuyện gì, tại sao mẹ lại khóc giữa đêm khuya thanh vắng như thế này. Chắc là mẹ buồn vì ba. Vì chuyện xây nhà mà mẹ với ba luôn xảy ra hục hặc. Nhưng, nếu chỉ có vậy thì tội tình gì mẹ lại khóc? Ba với mẹ thỉnh thoảng vẫn xảy ra lục đục. Tôi muốn hỏi mẹ nhưng không dám, chỉ biết im lặng nhìn mẹ. Trong đầu rộn lên bao suynghĩ.
Những ngày tiếp theo mẹ như hóa đá. Mẹ chẳng nói chẳng cười, gương mặt hiển hiện nỗi đau khôn tả. Ba tôi lấy làm lạ, mấy lần gạn hỏi nhưng lần nào mẹ cũng bảo không có gì, chẳng qua trong người không được khỏe. Tôi biết, mẹ đang cố giấu điều gì trong lòng không tiện nói ra.
Chú Trọng cũng nhận ra những thay đổi của mẹ. Chú tỏ vẻ quan tâm:
- Chị Thương bị mất ngủ hả? Tôi thấy mắt chị có quầng thâm. Chị có điều gì phiền muộn phải không?
Mẹ lắc đầu, day mặt nhìn sang nơi khác:
- Chẳng có gì đâu, anh Trọng. Phụ nữ cứ như thời tiết thay đổi thất thường. Anh không phải bận tâm đến tôi làm gì.
- Hay là chị buồn phiền gì về tôi?
- Không, anh rất tốt. Tôi biết ơn anh còn không hết nữa là...
- Chị cứ như thế này khiến tôi khó xử quá. Có chuyện gì chị có thể thẳng thắn với tôi được không?
- Đã bảo đừng bận tâm đến tôi. Chẳng có gì cả.
Rồi mẹ đi đâu cả ngày. Đến chiều mẹ về mang theo con vịt quay mấy ổ bánh mỳ và vài lon bia, nước ngọt. Trông mẹ có vẻ tươi tỉnh hơn. Ba nhìn mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Hôm nay có sự kiện gì mà em tổ chức liên hoan như vậy?
Mẹ im lặng bày thức ăn ra bàn. Tôi giúp mẹ thái dưa chuột, cắt bánh mỳ bày ra đĩa. Anh Khương có vẻ muốn ăn cứ nhìn đĩa thịt mà nuốt nước bọt ừng ực.
- Chờ chú Trọng về cả nhà ăn luôn thể.
Mười phút sau, chú Trọng về nhà. Nhìn thấy bữa ăn thịnh soạn bày sẵn chú xoa hai tay vào nhau cười vui vẻ:
- Chà, hôm nay có chuyện gì mà linh đình thế nhỉ? - Đoạn chú hướng cái nhìn về phía ba và cất giọng khôi hài:- À, tôi hiểu rồi, mừng ngày kết thúc chiến tranh lạnh phải không? Phải rồi, vợ chồng với nhau phải hòa thuận chứ.
Mọi người bắt đầu ăn uống vui vẻ. Mẹ rót đầy cốc bia rồi hướng ánh mắt về phía chú Trọng, nói:
- Tôi uống ly bia này xin chân thành cám ơn anh đã tận tình giúp đỡ vợ chồng chúng tôi trong thời gian qua. Thật sự, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự cưu mang của anh chúng tôi không biết bám víu vào đâu. Ơn nghĩa này chúng tôi không thể nào quên..
Ba sốt ruột xen vào:
- Ô hay, sao hôm nay em nói những lời khó hiểu thế nhỉ? Có cần phải khách sáo như vậy không? Trọng luôn xem chúng ta như người một nhà..
Mẹ nhìn ba tỏ vẻ không hài lòng:
- Đừng ngắt lời em! - Đoạn mẹ uống cạn ly bia rồi tiếp tục rót đầy cốc. Tất cả mọi người gần như nín thở quan sát mọi cử động của mẹ.
- Trong thời gian qua nếu chúng tôi có sơ suất điều gì mong anh bỏ qua cho. Chúng tôi thấy làm phiền anh như thế là đủ lắm rồi. Vì thế, ngay ngày mai chúng tôi sẽ chuyển đến nơi khác...
Tất cả cùng " ồ " lên ngạc nhiên. Chú Trọng giật mình suýt nữa đánh rơi chiếc cốc trên tay:
- Sao lại như vậy, chị Thương? Phải chăng tôi đã làm điều gì khiến chị buồn, chị hãy nói thật đi.
Ba hết ngơ ngác nhìn chú Trọng rồi quay sang nhìn mẹ:
- Chuyện gì thế? Anh chẳng hiểu gì cả. Tại sao em đột ngột thay đổi quyết định mà không bàn bạc với anh?
Tôi đưa mắt nhìn anh Khương. Anh lén lén nhìn mẹ rồi nháy mắt với tôi. Cũng như mọi người, tôi chẳng hiểu chuyện gì cả.
Chú Trọng nói:
- Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là nhà sẽ xây xong. Tôi hy vọng chị sẽ thay đổi quyết định. Bây giờ mà chuyển nhà thì quả là bất tiện vô cùng. Thật sự, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống cùng mọi người.
Ba tiếp lời:
- Đúng đấy, em ạ, anh không hiểu tại sao em lại có những quyết định kỳ lạ như vậy. Em khiến anh ngỡ ngàng quá.
Mẹ nhìn ba có ý trách rồi tiếp tục câu chuyện:
- Cám ơn anh, nhưng tôi đã quyết định rồi. Tôi đã tìm được chỗ thuê gần nhà và đã đưa tiền trước cho họ. Sáng mai sẽ có người đến dọn giúp.
Ba đùng đùng nỗi giận:
- Em có thói hành xử qua mặt chồng như thế từ khi nào vậy? Anh cảm thấy mình ngớ ngẩn như một con lừa!
- Anh Lập! - mẹ ném cái nhìn nghiêm khắc về phía ba:- Đừng lớn tiếng với em như thế. Hãy tin em làm như thế là để tốt cho tất cả mà thôi.
Chú Trọng nhìn ba rồi buông tiếng thở dài bất lực. Ba cầm lon bia tu ừng ực rồi bóp nát vỏ lon trong lòng bàn tay. Không khí bữa ăn trở nên nặng nề, u ám. Tôi cảm thấy no ngang chẳng muốn ăn nữa.
Mẹ rút ra một xấp tiền đưa cho chú Trọng:
- Tôi xin gửi lại anh số tiền vay hôm nọ. Cám ơn anh rất nhiều. Tất cả là một trăm, hai mươi bảy triệu, tôi đã kiểm tra rồi.
Ba tôi lại một phen giật mình:
- Em tìm đâu ra số tiền lớn như thế này?
Chú Trọng nhìn mẹ rồi thở dài buồn bả:
- Tôi hoàn toàn không hiểu mình đã làm điều gì sai để chị phải đối xử như thế. Thật sự tôi chưa cần đến số tiền này. Chị hãy giữ lấy để mua sắm vât dụng trong nhà. Khi nào thư thả thì gửi lại sau cũng được.
- Tôi không muốn mình biến thành con nợ dai dẳng, xin anh hiểu cho. Anh đừng ngại, tôi không vay nóng bên ngoài đâu nhé. Tiền này, tôi vay của ba chồng. Mượn của người trong gia đình dù sao vẫn tốt hơn. Tôi gửi lại anh, khi nào cần thì vay lại.
Chương 6
Sáng hôm sau, chú Trọng chở tôi đi học buổi cuối cùng. Chú có vẻ buồn. Tôi cũng thế. Thế giới của người lớn quá phức tạp, tôi không sao hiểu được. Chú đưa tôi đến quán cơm. Không như mọi khi, chỉ có mỗi mình tôi ăn còn chú thì hút thuốc lá.
- Sao chú không ăn với cháu? Ăn một mình buồn quá.
Chú thở dài:
- Chú không thấy đói. Cháu cứ ăn đi. Còn sớm lắm cứ thong thả.
- Chú Trọng ơi, tại sao mẹ cháu lại quyết định chuyển nhà trong lúc này?
- Đấy cũng là câu hỏi mà chú đang vắt óc suy nghĩ cả đêm và không sao tìm ra lời đáp. Chú hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mẹ cháu.
- Cháu chỉ thích ở với chú thôi. Cháu không muốn ở nơi khác. Cháu ghét mẹ quá hà.
- Cháu không nên nói như thế. Và hãy tin rằng quyết định của mẹ cháu là đúng. Mẹ cháu có lý lẽ riêng của mình.
- Nhưng lý lẽ mẹ đưa ra hoàn toàn không thuyết phục. Chú sẽ đến chơi với cháu chứ?
- Nhất định là như thế. Chúng ta là đôi tình nhân mà lại. - chú cố buông ra một câu bông đùa rồi nhoẻn miệng cười méo xệch.
- Chú vẫn đưa cháu đi ăn kem và đến nhà sách chứ?
Chú gật đầu:
- Tất nhiên rồi. Này, chú có biết một nhà sách vừa mới khai trương có rất nhiều truyện tranh.
Tôi vỗ tay reo lên:
- Thích quá! Chủ nhật chú cháu mình đến đó nhé?
- Được rồi. Chủ nhật. Nhưng cháu phải xin phép mẹ nhé. Mẹ cháu đồng ý thì chú mới dám đưa cháu đi.
Chú ném mẫu đầu lọc thuốc lá ra vũng nước:
- Những ngày gần đây cháu có thấy mẹ có gì đỗi khác không?
Tôi gật đầu đáp liền:
- Có, cháu đã từng thấy mẹ khóc suốt đêm.
Chú giật mình thốt lên:
- Có chuyện đó nữa à?
- Vâng, chính mắt cháu trông thấy. Mẹ cháu khóc không thành tiếng nhưng nước mắt cứ chảy hoài.
Chương 6
Sáng hôm sau, chú Trọng chở tôi đi học buổi cuối cùng. Chú có vẻ buồn. Tôi cũng thế. Thế giới của người lớn quá phức tạp, tôi không sao hiểu được. Chú đưa tôi đến quán cơm. Không như mọi khi, chỉ có mỗi mình tôi ăn còn chú thì hút thuốc lá.
- Sao chú không ăn với cháu? Ăn một mình buồn quá.
Chú thở dài:
- Chú không thấy đói. Cháu cứ ăn đi. Còn sớm lắm cứ thong thả.
- Chú Trọng ơi, tại sao mẹ cháu lại quyết định chuyển nhà trong lúc này?
- Đấy cũng là câu hỏi mà chú đang vắt óc suy nghĩ cả đêm và không sao tìm ra lời đáp. Chú hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mẹ cháu.
- Cháu chỉ thích ở với chú thôi. Cháu không muốn ở nơi khác. Cháu ghét mẹ quá hà.
- Cháu không nên nói như thế. Và hãy tin rằng quyết định của mẹ cháu là đúng. Mẹ cháu có lý lẽ riêng của mình.
- Nhưng lý lẽ mẹ đưa ra hoàn toàn không thuyết phục. Chú sẽ đến chơi với cháu chứ?
- Nhất định là như thế. Chúng ta là đôi tình nhân mà lại. - chú cố buông ra một câu bông đùa rồi nhoẻn miệng cười méo xệch.
- Chú vẫn đưa cháu đi ăn kem và đến nhà sách chứ?
Chú gật đầu:
- Tất nhiên rồi. Này, chú có biết một nhà sách vừa mới khai trương có rất nhiều truyện tranh.
Tôi vỗ tay reo lên:
- Thích quá! Chủ nhật chú cháu mình đến đó nhé?
- Được rồi. Chủ nhật. Nhưng cháu phải xin phép mẹ nhé. Mẹ cháu đồng ý thì chú mới dám đưa cháu đi.
Chú ném mẫu đầu lọc thuốc lá ra vũng nước:
- Những ngày gần đây cháu có thấy mẹ có gì đỗi khác không?
Tôi gật đầu đáp liền:
- Có, cháu đã từng thấy mẹ khóc suốt đêm.
Chú giật mình thốt lên:
- Có chuyện đó nữa à?
- Vâng, chính mắt cháu trông thấy. Mẹ cháu khóc không thành tiếng nhưng nước mắt cứ chảy hoài.
Chương 7
Buổi chiều, người đón tôi trước cổng trường là mẹ chứ không phải chú Trọng. Mẹ không đưa tôi về ngay chỗ ở mới mà ghét tạt vào quán cơm bình dân:
- Nhà mới dọn về nấu nướng bất tiện. Hôm nay mẹ con ta sẽ ăn cơm bụi. Ngày mai mẹ sẽ nấu ăn tử tế, mẹ hứa với con đấy.
- Tại sao mẹ lại chuyển nhà? - tôi nung nẩy.
Mẹ vẫn nhẹ nhàng:
- Con còn nhỏ không hiểu chuyện người lớn. Con ăn cơm gì để mẹ gọi.
- Con không muốn ăn! Con giận mẹ!
Mẹ phải dỗ dành mãi tôi mới chịu cầm thìa. Ăn xong, mẹ đưa tôi về chỗ ở mới. Đấy là ngôi nhà nhỏ ẩm thấp và bẩn thỉu. Những người nhập cư đã từng ở trước đây.
- Con không thích chỗ này. Con thích ở nhà chú Trọng.
Mẹ bỗng giận dữ:
- Lúc nào cũng chú Trọng! Từ nay mẹ cấm con không được nhắc đến chú ấy trước mặt mẹ nữa, nghe chưa?
Tôi giậm chân làm mình làm mẩy, mẹ vơ lấy chiếc roi gần đó quất vào mông tôi mấy phát đau điếng. Tôi bỏ vào bên trong, ngồi thụp xuống nền nhà và khóc tức tưởi.
Anh Khương cũng không thích chỗ ở mới. Tuy nhiên, anh không phản đối ra mặt mà chỉ biết im lặng. Trong nhà có rất nhiều chuột, chúng rượt đuổi nhau khắp nơi. Thật là khó chịu khi nghe tiếng kêu của chúng. Tôi ghét mẹ và ghét cả lũ chuột hôi hám.
Nửa đêm, ba tôi chân nam đá chân chiêu về đến nhà là ông nôn thốc nôn tháo ra giữa nhà. Mẹ tôi cứ bỏ mặc chẳng thèm dậy dọn dẹp như mọi khi. Có vẻ hai người đang còn giận nhau. Mùi nôn xộc vào mũi gây cho tôi cảm giác khó chịu, tôi không sao ngủ được. Ba tôi nói lảm nhảm một hồi lâu toàn là những lời khó hiểu, rồi lăn ra ngáy như sấm trên đống nôn mửa.
Gần sáng tôi có một giấc mơ kỳ lạ. Tôi mơ thấy chú Trọng không phải đàn ông mà là phụ nữ. Chú mặc chiếc váy liền thân ngắn để lộ cặp chân dài và thon như người mẫu. Chú còn đeo rất nhiều vòng vàng, đồ trang sức trên người. Mái tóc chú được uốn quăn và nhuộm màu hạt dẻ theo mốt thời thượng. Chú Trọng trong giấc mơ là người phụ nữ tuyệt đẹp. Đẹp hơn tất cả những người phụ nữ mà tôi từng nhìn thấy. Chú nắm tay tôi bước đi trên dãy phố đông đúc. Những ánh mắt ngưỡng mộ của cánh đàn ông luôn hướng về phía chúng tôi...
Chương 8
Rất may, chúng tôi chỉ ở tại ngôi nhà lắm chuột và đầy phân chó đó chỉ đúng hai tuần thì chuyển sang nhà mới. Ba mẹ tôi vốn không có đầu óc mê tín nên khi chủ thầu giao nhà hôm trước thì hôm sau ba mẹ tôi đã dọn đến ở. Ngôi nhà mới gồm một trệt, hai lầu, có ba phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi. Tầng trệt ba mẹ tôi dành để tiếp khách, sinh hoạt, nhà ăn, nhà bếp. Tầng một là nơi làm việc, phòng đọc sách và phòng ngủ của ba mẹ tôi. Tầng hai được ngăn làm hai phòng, tôi và anh Khương mỗi người một phòng. Tôi được ưu tiên chọn phòng nằm phía bên ngoài có ban công thoáng mát. Phòng anh Khương có vẻ nóng bức và chật chội hơn. Ba tôi mua cho tôi một chiếc bàn học, một giá đựng sách và một chiếc đèn ngủ. Chiếc đèn ngủ hình nấm phát ra thứ ánh sáng xanh dịu tạo cảm giác dễ chịu. Tôi đi nhà sách mua thêm vài bức tranh và gấu bông bày la liệt khắp nơi. Buổi tối, trong khi tôi đang ngắm nghía những thành tựu của mình thì nghe tiếng gọi cửa của ba tôi.
- Con có thích căn phòng của mình không?
- Thích lắm, ba ạ.
Ba nhìn quanh quất và tỏ vẻ hài lòng với cách sắp xếp của tôi:
- Xem ra con cũng có óc thẩm mỹ đấy chứ, tuy nhiên nhiều tranh treo tường quá có vẻ hơi rối. Theo cha, con nên gỡ xuống bức treo bên cạnh cửa sổ, trông không được thẩm mỹ. Tháng tới ba sẽ mua cho con chiếc ti vi, con chịu không?
- Chịu! - tôi đáp liền:- tất nhiên rồi. Con thích xem phim hoạt hình của Wall Dysney.
- Đã là cô học trò cấp hai mà vẫn thích ăn kem, đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình. Ba đồng ý mua ti vi cho con, nhưng con phải hứa với ba là không được thức quá khuya, không xem ti vi khi chưa làm bài xong nhé. Và, nếu con vi phạm, ba sẽ tịch thu cái ti vi sung vào công quỹ, con có đồng ý không?
- Vâng, con hứa. Con chỉ xem đến mười giờ là tắt đèn đi ngủ.
Ba ngồi xuống chiếc ghế trống duy nhất trong phòng rồi đưa tay vuốt tóc tôi. Tôi rất thích được ba âu yếm như vậy.
- Ba với mẹ đã giảng hòa với nhau chưa?
Ba im lặng, mặt có vẻ buồn. Hồi lâu ba lên tiếng:
- Ba với mẹ từ trước đến nay vẫn thế, cãi nhau đó rồi làm lành ngay thôi, vả lại, chuyện chẳng có gì mà phải ầm ĩ cả lên.
Rõ ràng ba đã cố tình giấu tôi. Quả thật thỉnh thoảng hai người có xảy ra lục đục nhưng chỉ thoáng qua như cơn mưa bóng mây ào một cái rồi tạnh, nhưng lần này không phải như thế, có vẻ trầm trọng và phức tạp hơn nhiều.
- Nhiều lúc, ba không hiểu mẹ con như thế nào nữa. Mẹ con càng lúc quá phức tạp và khó hiểu..
- Ba có gặp chú Trọng không? - tôi lái câu chuyện sang hướng khác.
Ba lắc đầu:
- Từ hôm chuyển chỗ ở ba không gặp chú ấy. Con đừng lo chú ấy biết cách chăm sóc mình.
Thật ra, điều khiến tôi băn khoăn lại là chuyện khác. Chuyện không hay xảy ra giữa chú với mẹ.
- Mẹ con nhiều khi hành động hết sức nông nổi. Chắc chú ấy buồn lắm.
Ba ngồi nói chuyện một lúc rồi về phòng của mình. Tôi làm bài tập, đọc xong quyển truyện tranh thì tắt đèn đi ngủ. Anh tôi ở phòng bên cạnh hãy còn thức học bài. Tiếng anh lầm rầm như đọc kinh vẳng sang phòng tôi.
Nửa đêm tôi thức giấc và thấy khát khô cổ họng. Tôi bước xuống tầng trệt, nơi đặt chiếc tủ lạnh để lấy nước uống. Khi đi ngang qua phòng ba mẹ, tôi thấy bên trong vẫn còn sáng đèn, rồi tôi nghe tiếng khóc sụt sùi của mẹ. Mẹ tôi nói những gì tôi nghe không rõ, bởi những âm thanh bị biến dạng và dính chặt vào nhau. Tôi không nghe tiếng của ba. Trong tưởng tượng của tôi, có lẽ, ông đang gục đầu trên cánh tay với gương mặt con chiên sám hối.
Tôi thở dài chán nản và trở lại phòng mình, quên cả cơn khát.
84 Phiếu
Đã xem 340683 lần.
Tiểu Thuyết
Thượng Đế Tật Nguyền
Chương 9
Những ngày sau đó không khí trong nhà trở nên nặng nề như có đám tang. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi đều thấy mắt mẹ sưng húp, thần sắc như người ốm dậy. Ba tôi thì thê thảm hơn, ông bạc nhược, dật dờ như hồn ma bóng quế. Dường như cả ngày hai người chẳng nói với nhau câu nào. Tôi và anh Khương cũng hóa câm. Sau giờ học không ai bảo ai vội vào phòng riêng, khóa cửa lại, thu mình vào thế giới riêng tư của mình. Ngôi nhà bỗng hóa thành lữ quán, và mỗi người đóng vai một lữ khách xa lạ..
Tuy nhiên dù muốn dù không, chúng tôi mỗi ngày phải họp mặt ít nhất một lần vào bữa ăn tối. Bao giờ cũng vậy, mẹ ngồi cạnh nồi cơm, tôi ngồi bên trái mẹ, anh Khương ngồi bên phải mẹ. Và ba ngồi đối diện mẹ. Chúng tôi ăn trong im lặng thậm chí nghe chỉ có tiếng hàm răng nghiến thức ăn là vang lên một cách nhẫn nại. Ăn hết bát cơm, ba đưa bát cho mẹ, mẹ đón lấy, xới cơm và đưa bát lại cho ba, tất cả diễn ra trong im lặng. Cả tôi và anh Khương mẹ cũng làm như thế.
- Sao nhà mình lạ thế? Không ai nói chuyện với ai cả. - tôi là người đầu tiên lên tiếng trước.
Mẹ lừ mắt nhìn tôi rồi lấy đũa gõ mạnh lên mâm:
- Ăn đi. Nói hoài không biết mỏi miệng à.
Tôi đặt bát xuống mâm hết nhìn mẹ rồi quay sang nhìn ba, mắt ngân ngấn nước. Tôi cố kiềm nén không bật lên tiếng khóc nhưng không thể, nước mắt cứ tuôn trào một cách vô thức:
- Con ghét ba, con ghét mẹ.
Tôi đẩy ghế đứng dậy và chạy vội về phòng, áp mặt vào gối khóc nức nở. Chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà này, tôi miên man tự hỏi. Anh tôi cũng bỏ dở bữa ăn rúc vào thế giới cô đơn của mình.
Trời tối rất nhanh. Căn phòng thiếu ánh đèn tối tăm như hũ nút, tôi cứ thế nằm dài trên giường, trò chuyện với bóng đêm. Bỗng cánh cửa mở toang. Ánh đèn né - on chớp chớp mấy cái rồi phát sáng. Mẹ đang đứng trước tôi:
- Giận mẹ hả, con gái?
Mẹ ngồi xuống bên cạnh, đưa tay chạm nhẹ vào người tôi. Tôi ró người lại, mặt quay vào vách cố tình làm mình làm mẩy.
- Mẹ xin lỗi con. Mẹ đã không đúng.
Bao nhiêu ấm ức trong lòng bỗng vỡ òa ra như cơn đại hồng thủy. Tôi không nhớ mình đã khóc, đã kể lể những gì. Nhưng tôi đọc được sự ăn năn trên gương mặt mẹ:
- Tại sao vậy hả, mẹ? Nhà ta từng sống rất vui vẻ. Con không hiểu giữa ba mẹ đã xảy ra chuyện gì? Nhưng dù có xảy ra chuyện gì to tát đến đâu nữa chẳng lẽ mọi người không thể tha thứ được cho nhau. Tại sao ba mẹ không thể sống vui vẻ với nhau như trước kia?
Mẹ khóc. Những giọt nước mắt lăn tròn trên gương mặt mệt mỏi, lo lắng và tuyệt vọng. Tự nhiên tôi thấy thương mẹ quá. Bao nhiêu giận hờn bỗng chốc bay vào không khí. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc muồi mẫn như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc.
Đêm đó, tôi có được giấc ngủ ngon lành. Sáng dậy, tôi thấy ba ngồi úp mặt ngủ vùi trên bàn làm việc bên cạnh máy vi tính. Có lẽ, ba đã thức suốt đêm.
Chương 10
Ba mẹ tôi bắt đầu nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ gượng ép, sơn phết bằng nước sơn giả tạo cốt để đánh lừa con cái. Tôi đọc được những điều này trong ánh mắt. Chẳng qua, ba mẹ muốn chúng tôi vui vẻ mà thôi. Tôi buồn, buồn khủng khiếp và băn khoăn tự nhủ, hạnh phúc dối lừa ấy sẽ kéo dài được bao lâu. Một tuần hay một tháng. Họ có thể lừa dối con cái suốt đời được không. Buổi tối, anh Khương gõ cửa phòng tôi:
- Anh có chuyện muốn nói với em.
Tôi rời mắt khỏi trang sách rồi đứng dây nhường ghế cho anh, còn tôi ngồi trên giường. Anh ngồi gục mặt, tóc rũ xuống trán cong như dấu chấm hỏi:
- Chán quá em à. Ba mẹ cứ như thế này, chắc anh bỏ nhà đi mất.
Anh Khương đang học năm cuối cấp và sẽ thi đại học. Anh là niềm kỳ vọng của mọi người. Ba luôn mong muốn anh trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Việc anh bỏ nhà ra đi cũng đồng nghĩa việc học bị gián đoạn.
Chán quá. Hai anh em nhìn nhau và liên tục thở dài. Tôi chẳng thể khuyên anh điều gì cả, bởi tôi cũng muốn rời khỏi ngôi nhà này như anh Khương. Nhưng tôi chỉ là một cô học trò lớp tám, tôi chỉ mới mười ba tuổi, tôi chưa biết cách tự chăm sóc cho mình. Tôi chỉ là loài lan sống ký sinh vào thân gỗ mục. Tôi cảm thấy căm ghét bản thân mình ghê gớm:
- Anh Hai định đi đâu? Và làm gì để sống?
- Anh sẽ đến ở nhà người bạn. Anh sẽ đi dạy kèm.
- Chẳng ai chấp nhận một học sinh làm gia sư cả. Người ta chỉ nhận sinh viên thôi.
- Anh sẽ nhận mình là sinh viên. Anh có một mét, bảy mươi tư. Gương mặt già trước tuổi, nhận mình là sinh viên chắc người ta cũng tin.
- Anh vẫn tiếp tục việc học chứ?
Anh nhìn tôi thở dài:
- Hiện tại, anh chưa nghĩ đến chuyện đó. Mà học để làm gì hả, em?
- Anh ra đi, em không phản đối. Nhưng anh phải tiếp tục việc học. Anh nghỉ học, em sẽ giận anh suốt đời!
Tôi nung nẩy làm mặt giận. Anh nắm lấy tay tôi bóp mạnh mấy cái:
- Được rồi, anh hứa với em sẽ tiếp tục đến trường. Nhưng anh sẽ không học ở trường cũ, vì như thế ba mẹ sẽ tìm ra anh.
Tôi reo lên:
- Anh hứa với em rồi đấy nhé.
Anh cất giọng buồn buồn:
- Anh sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin theo ước vọng của ba mẹ, mặc dù anh không thích công việc này. Anh muốn trở thành giáo viên dạy toán.
Đoạn anh im lặng một lúc. Anh mắt nhìn tôi thiết tha trìu mến. Anh tình cảm hơn tôi nghĩ.
- Tại sao người ta không thể sống theo ý mình, em nhỉ? Chán quá, em à. Dạo này, việc học hành của em ra sao rồi?
Tôi thiệt thà thú nhận:
- Em bị điểm kém môn toán. Cả môn ngoại ngữ cũng thế. Giáo viên chủ nhiệm đã đưa thư mời phụ huynh họp vào cuối tuần này. Nhưng em đã vứt nó đi rồi. Ba mẹ đang bận giận nhau thì làm sao có thời giờ để quan tâm đến chuyện khác, hả anh.
Anh giật mình thốt lên:
- Anh không đồng ý với cách ứng xử của em chút nào cả. Em trở nên khó bảo từ khi nào vậy?
Tôi nhìn anh như người biết lỗi. Ngừng một lúc, anh nói:
- Ba mẹ giận nhau là chuyện của người lớn. Bổn phận của em là phải học hành thật giỏi. Chúng ta không vì thế mà chểnh mảng việc học. Em làm sao thế, từ một học sinh giỏi toán nhất trường lại trở thành học sinh yếu kém. Anh rất thất vọng về em.
- Em không thể nào tập trung được việc gì cả. - Tôi lái sang chuyện khác:- chừng nào anh đi?
- Đợi thi xong học kỳ anh sẽ rời khỏi nhà. Tuần này thi. Có lẽ, đầu tuần sau anh sẽ..
Anh đột ngột im lặng kéo dài những dấu chấm lửng. Mắt nhìn lên trần nhà.
- Nếu ba mẹ trở lại như trước kia, anh sẽ trở về chứ?
Anh gật đầu:
- Tất nhiên rồi. Hy vọng là như vậy. Em đừng để lộ chuyện này với ai nhé.
- Anh sẽ liên lạc với em chứ?
- Được rồi, anh sẽ gọi điện cho em. Thôi, em đi ngủ đi. Anh về phòng mình đây.
Anh đứng dậy xiêu vẹo bước ra ngoài như người say nắng. Tôi tắt đèn và nằm khóc một mình. Gia đình tôi, ngôi nhà thân yêu của tôi sắp phải tan đàn xẻ nghé đến nơi rồi.
Chương 11
Ba tôi hình như muốn tránh mặt tất cả mọi người. Ông hạn chế những cuộc chạm mặt. Khi nói chuyện, mắt ông thường nhìn xuống, hoặc day mặt sang hướng khác. Thỉnh thoảng tôi thấy ba len lét nhìn mọi người bằng ánh mắt của tên trộm bị bắt quả tang rồi buông tiếng thở dài. Tôi nhiều lần muốn nói chuyện với ba, nhưng ông luôn tìm cách tránh mặt. Những lúc buộc phải nói chuyện thì ba chỉ nói nhát gừng cho qua chuyện. Có vẻ như, đấy là một cực hình đối với ông. Ông thường ngồi lì bên máy vi tính hút thuốc từ điếu này sang điếu khác. Có đêm tôi thấy ông ngủ trên xa lông phòng khách với tấm chăn mỏng.
- Con thấy ba lạ lắm. Tại sao ba lại như thế hả, mẹ?
Mẹ tôi đáp vu vơ:
- Có lẽ, ba con gặp phiền toái trong công việc, thế thôi, con đừng bận tâm đến chuyện người lớn làm gì.
- Không phải thế, - tôi lắc đầu:- Phải chăng ba đã làm điều gì có lỗi với mẹ?
- Con đừng suy viễn lung tung! - mẹ gắt:- Ba con đang gặp chuyện phiền muộn, con đừng hỏi đon hỏi ren nữa.
Tôi thở dài chán nản. Muốn nói chuyện với cha, thì ba lẩn mặt. Nói với mẹ, thì mẹ gạt đi. Tôi phải nói chuyện với ai đây trong thế giới cô đơn này?
Có một chuyện khiến tôi rất ngạc nhiên, từ khi dọn về nhà mới, chú Trọng chưa một lần ghé qua. Chẳng bù trước đây, tuần nào chú cũng ghé. Tôi nhớ chú và nhiều lần băn khoăn tự hỏi, chuyện gì đã xảy ra với chú.
- Ba ơi, tại sao chú Trọng không đến thăm nhà mình? - tôi nói chuyện này trong bữa cơm tối.
Ba bỗng rùng mình như bị điện giật, mặt tái lại. Ba hết nhìn tôi rồi quay sang nhìn mẹ.
- Chú ấy bận nhiều việc không đến chơi nhà ta được. - mẹ vừa xới cơm cho anh Khương, vừa nói.
- Chủ nhật đâu có làm việc, sao chú ấy vẫn không đến?
Mẹ xẵng giọng:
- Chuyện ấy làm sao mẹ biết được. Con đi mà hỏi chú ấy. - Rồi mẹ liếc về phía ba:- Không đến có khi lại hay hơn, đỡ phải phiền phức.
- Tại sao lại phiền phức? Chú ấy rất tốt với con.
Mẹ bỗng giận dữ, mặt đỏ bừng. Ba ghé vào tai tôi nói khẽ:
- Ăn cơm đi. Đừng nhắc tới chú Trọng nữa, mẹ con đang nổi giận đấy.
Tại sao mẹ lại nổi giận khi tôi nhắc đến chú Trọng? Phải chăng đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng giữa những người lớn với nhau? Chuyện gì chứ? Người tốt như chú ấy chẳng lẽ lại phạm phải lỗi lầm? Tôi không tin. Và tự nhủ phải tìm hiểu cho ra lẽ.
Tôi bước đến chỗ để điện thoại, nhấc lấy ống nghe và bấm dãy phím số.
- Con gọi cho ai thế? - mẹ hỏi.
- Chú Trọng! - tôi đáp:- Con muốn biết chuyện gì đã xảy ra.
Mẹ lập tức bước tới giằng lấy ống nghe và dập mạnh xuống. Trong lúc tôi còn đang ngơ ngác đã phải nhận liên tiếp hai cái tát đau điếng:
- Không gọi cho ai hết. Đi lên phòng!
Tôi nhìn mẹ bằng ánh mắt ngỡ ngàng xa lạ. Rõ ràng trước mặt tôi không phải là mẹ mà là mụ đàn bà hung dữ, độc ác:
- Con ghét mẹ!
Tôi gào lên và chạy về phòng mình khóc nức nở. Anh Khương đẩy nhẹ cánh cửa và bước đến ngồi bên tôi:
- Nín đi em. Mẹ đã hành động không đúng.
Tôi ngả đầu lên vai anh khóc thảm thiết. Anh cứ thế ngồi im.
- Tại sao mỗi lần em nhắc đến chú Trọng là mẹ lại nổi giận? Tại sao mẹ lại đánh em?
Cũng như tôi, anh Khương hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thế giới của người lớn quá rối rắm và khó hiểu.
- Sáng mai anh sẽ đi.
Tôi giật mình, nín khóc:
- Anh đi thiệt sao?
Anh gật đầu:
- Thật. Trước đó anh đã suy nghĩ rất nhiều và có lúc anh định từ bỏ ý định này, nhưng những cái tát của mẹ vừa rồi như giọt nước đã làm tràn ly. Anh không thể ở lại ngôi nhà này thêm ngày nào nữa.
- Anh đi có lâu không? Em nhớ anh Hai!
- Chưa biết. Có lẽ là lâu, rất lâu. Tình hình mỗi lúc càng tồi tệ, ba mẹ khó mà hàn gắn trong một sớm một chiều.
Tôi nói trong nước mắt:
- Anh Hai cho em đi theo với.
- Em phải ở nhà. Em còn quá nhỏ để làm cuộc phiêu lưu như anh. Anh đã tìm được chỗ dạy kèm. Tuần tới anh sẽ bắt đầu công việc. - Đoạn anh cười nhẹ:- Từ trước đến nay, anh chỉ biết đi học và đi học, bây giờ bỗng nhiên làm thầy giáo, anh thấy ngượng vô cùng.
- Mấy giờ anh đi?
Anh đáp:
- Bốn giờ sáng, trước khi ba thức dậy tập thể dục. Em cho anh mượn chiếc đồng hồ báo thức nhé. Anh lo sẽ ngủ quên làm hỏng kế hoạch.
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Em sẽ tiễn anh một đoạn.
- Không cần phải làm như thế đâu. Mọi người biết được thì hỏng việc.
- Nhất định em phải đi, vì em là em của anh Hai. Anh không được phép từ chối.
Cuối cùng thì anh cũng đành nhượng bộ:
- Thôi được, anh đồng ý. Em ngủ sớm đi. Sáng anh gọi em dậy. Nhưng anh nói trước, anh chỉ gọi em một lần thôi đấy.
Tôi không thể nào ngủ được. Mấy cái tát của mẹ và cuộc trò chuyện với anh Khương cứ ám ảnh tôi mãi. Vả lại, tôi sợ mình sẽ ngủ quên, không đưa tiễn anh Hai được. Anh Khương vừa về phòng mình được một chốc thì mẹ đến gọi cửa.
- Thảo Vy mở cửa cho mẹ vào!
Tôi nằm im. Những giọt nước mắt tức tưởi cứ trào ra. Chưa bao giờ tôi giận mẹ như lúc này. Tôi nằm im không động đậy. Mẹ từ ngoài nói vọng vào:
- Mẹ xin lỗi vì đã tát con. Mẹ biết con còn giận mẹ. Thôi, con ngủ đi. Mai mẹ con ta nói chuyện.
Tiếng bước chân mẹ xa dần, tôi bèn ngồi dậy bật chiếc đèn học. Tôi kéo cần đèn thấp xuống để ánh sáng hội tụ một chỗ rồi lấy sách ra đọc. Đọc đến nửa đêm thì mắt tôi díp lại, tôi chống lại cơn buồn ngủ bằng mấy động tác thể dục vẫn tập ở trường học. Đọc xong quyển truyện tranh, tôi bèn đọc lại một lần nữa. Từ ngoài, tiếng chó sủa vọng vào, tiếng xe đạp cọc cạch của người đấm bóp dạo, tiếng trẻ con khóc nhếu nháo tạo thành bản hợp xướng buồn thảm.
Đúng bốn giờ sáng tiếng chuông đồng hồ reo vang. Mãi gần một phút sau, anh Khương mới tỉnh dậy. Anh bật đèn, thu xếp quần áo cho vào chiếc túi du lịch. Rồi cho sách vở và những thứ linh tinh vào chiếc túi khác. Tôi đứng bên ngoài khẽ gõ nhẹ lên cánh cửa:
- Anh Hai mở cửa đi, em nè.
Anh Khương mở cửa, tôi lách vội vào bên trong. Anh nhanh chóng đóng cửa lại rồi nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Em không ngủ à? Anh định thu xếp xong đồ đạc sẽ thức em dậy. Thế nào, sáng mai vào lớp em cũng ngủ gật cho xem.
Tôi giúp anh thu xếp các thứ. Chuẩn bị xong xuôi, hai anh em rón rén bước ra, bỗng sực nhớ một việc anh lại quay trở vào.
- Anh để quên thứ gì à?
- Không, anh để lại vài chữ cho ba mẹ.
Đoạn anh xé trang vỡ học sinh viết vội vài dòng rồi đưa cho tôi:
- Em thấy anh viết như vậy có được không?
Tôi đọc lướt qua rồi gật đầu:
- Được rồi. Ta đi thôi. Ba sắp dậy tập thể dục rồi.
Tôi đi trước dò đường. Đi đến phòng khách, tôi thấy ba đang nằm ngủ trên ghế. Tôi quay người lại ra hiệu anh Khương cẩn thận rồi nhón gót bước qua. Anh Khương cũng làm như tôi. Chúng tôi ra đến ngoài mà không gặp trở ngại nào.
Tôi tiễn anh Khương ra đến đường cái thì dừng lại. Hai anh em chuyện trò một lúc thì phát hiện một chiếc xe ôm từ xa đi tới. Anh bước lên xe. Và dặn tôi phải học hành chăm chỉ.
Tôi đã khóc suốt đoạn đường về nhà.
Chương 12
Buổi sáng.
Ba tôi chờ mãi không thấy anh Khương xuống nhà để đi học như mọi khi bèn giục tôi đi tìm. Tôi giả vờ lên gọi cửa, giả vờ phát hiện lá thư và giả vờ hơ hải chạy xuống đưa cho mẹ:
- Anh Hai bỏ nhà đi rồi. Anh ấy có để lại bức thư này!
Mẹ tôi đọc thư rồi " ối " lên một tiếng và khuỵu xuống nền nhà. Mục kích cảnh đó, ba tôi từ ngoài chạy đến đỡ mẹ lên ghế và thúc tôi tìm chai dầu xanh. Tôi hoàn toàn bất ngờ và không hình dung kịch bản tiếp theo lại xảy ra như vậy. Ba tôi xức dầu, giật tóc mai hồi lâu, mẹ tôi tỉnh dậy:
- Thằng Khương bỏ nhà đi rồi. Ôi, con tôi bỏ tôi đi rồi. Tất cả là tại anh! Tại anh!.
Mẹ lao vào đấm ba thùm thụp. Ba cứ thế đứng im như tượng. Tôi thật sự thất vọng, thay vì cuống cuồng đi tìm con thì hai người lại đứng đó đôi co và đổ lỗi cho nhau.
- Bé Vy có biết anh Hai đi đâu không? - mẹ vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt tôi.
- Con không biết, - tôi lắc đầu và trốn chạy cái nhìn như tra xét.
- Con biết! - mẹ tôi nói như quát:- Nhìn vào mắt, mẹ biết con nói dối. Anh Hai con đi đâu?
Sợ quá, tôi chực khóc. Mẹ tôi bèn xuống nước nhỏ:
- Anh con từ bé đến giờ chưa một lần rời khỏi nhà, chưa từng biết chăm sóc cho bản thân làm sao nó có thể sống được ở bên ngoài? Nếu con thương ba mẹ, thương anh thì hãy nói thật đi.
Cha tôi xen vào:
- Anh con đang học năm cuối cấp, nếu để lỡ dở, anh còn sẽ phải học lại một năm nữa. Con phải hiểu rằng đây là một việc rất hệ trọng chứ không phải chuyện đùa. Ba biết là con đã tiếp tay cho anh con làm chuyện sai trái này. Anh con ra ngoài nhưng chốt bên trong vẫn đóng. Chẳng phải con đã làm việc đó là gì.
Tôi bật khóc:
- Tất cả là tại ba mẹ! Tại ba mẹ mà anh Hai mới bỏ nhà ra đi. Con cũng không muốn ở trong ngôi nhà này nữa. Con không muốn nhìn thấy ba mẹ cư xử nhau bằng những cử chỉ giả tạo. Con không biết giữa cha mẹ đã xảy ra chuyện gì. Nhưng tại sao mọi người không thể tha thứ cho nhau?
Mẹ tôi khóc. Ba tôi cũng rướm nước mắt. Cả ba chúng tôi cùng khóc như ri.
Sau đó, ba chở mẹ vào trường học gặp Ban giám hiệu, gặp giáo viên chủ nhiệm và những người bạn thân của anh Khương. Mãi hai hôm sau ba mẹ tôi mới lần được chỗ ở của anh và đưa anh về.
- Anh Hai! - tôi lao đến ôm chầm lấy anh khi anh vừa bước vào nhà. Mới có hai hôm mà trông anh gầy ra. Hai anh em ôm nhau một lúc lâu rồi anh đẩy nhẹ tôi ra và đi thẳng lên phòng. Suốt ba hôm liền anh không bước ra ngoài. Thậm chí anh cũng không mở cửa cho tôi vào.
Chuyện anh Khương chưa kịp lắng xuống thì chuyện của tôi lại xảy đến. Tối hôm đó nghe tiếng ba mẹ nói chuyện với ai đó trong phòng khách, tôi bèn mò xuống nghe ngóng. Khách chẳng ai khác mà là cô Thảo - giáo viên chủ nhiệm của tôi!
- Tôi đến đây để trao đổi với anh chị về chuyện học của em Thảo Vy...
Mẹ nhìn cô lo lắng:
- Chuyện gì vậy, cô? Chẳng lẽ cháu đã vi phạm kỷ luật nhà trường?
Cô Thảo lắc đầu:
- Không, cháu rất ngoan. Điều tôi muốn nói là việc học của cháu bỗng nhiên sa sút một cách tệ hại. Anh chị đã biết chuyện này chưa?
Mẹ đưa mắt nhìn ba rồi nhìn cô. Cả hai cùng lắc đầu.
- Có chuyện đó nữa à? - ba thốt lên ngỡ ngàng:- Chúng tôi cứ đinh ninh cháu vẫn học giỏi. Mỗi ngày chúng tôi vẫn thấy cháu chăm chỉ học bài nên..
Mẹ xen vào:
- Thật sự, chúng tôi vẫn đinh ninh cháu học tốt. Mỗi lần tôi có hỏi đến bài vở của cháu thì cháu luôn miệng trả lời mọi việc vẫn tốt. Chúng tôi có lỗi là đã thiếu kiểm tra, nhắc nhỡ. Xin cô cho biết tình trạng học hành của cháu..
Cô thở dài rồi nhìn ba mẹ có ý trách:
- Thảo Vy đã bị loại ra khỏi lớp tuyển của trường. Tệ hại hơn, kỳ kiểm tra vừa rồi, môn toán em chỉ đạt được điểm 5, và môn Anh văn phải thi lại. Đây là điều hết sức bất ngờ không chỉ mỗi giáo viên chủ nhiệm mà cả ban giám hiệu nhà trường. Em Vy là một học sinh giỏi toàn diện, đang được chúng tôi chú tâm rèn luyện, bồi dưỡng để thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố. Thật tiếc, khi phải loại em ra khỏi danh sách những học sinh xuất sắc. Chuyện gì đã xảy ra với em. Tôi đã gửi thư mời phụ huynh nhưng không thấy anh chị đến theo thư hẹn. Vì thế hôm nay tôi phải tìm đến đây.
Mẹ tôi than:
- Chết thật, cháu chẳng nói với chúng tôi một lời nào cả. Nếu nhận được thư mời, nhất định chúng tôi đã đến.
Cô Thảo nói:
- Em không trốn học, không giao du với bạn xấu, tuy nhiên trong giờ học em thường không tập trung, thậm chí vài lần còn bị phạt vì tội ngủ gật trong lớp. Giờ ra chơi, em không ra sân chơi đùa với các bạn mà ngồi im một chỗ, suy nghĩ mông lung. Có lẽ, phía gia đình từng người nên xem xét lại hành vi của mình. Tôi thật sự lo lắng cho em Thảo Vy.
Cô và ba mẹ nói chuyện về việc học của tôi suốt cả buổi tối. Đến mười giờ đêm cô Thảo mới cáo từ ra về.
Sau khi cô chủ nhiệm đi khỏi, tôi chắc mẩm sẽ bị một trận đòn nên thân. Nhưng tôi chờ mãi không thấy ba mẹ gọi xuống hỏi tội. Anh Khương cũng tỏ vẻ lo lắng cho tôi. Anh khuyên tôi nên nhanh chóng nhận lỗi và hứa khắc phục, có thể, thoát được đòn phạt cũng nên. Và anh hứa, nếu tôi bị phạt, anh sẽ năn nỉ ba mẹ xin tội cho tôi.
Đêm đó ba mẹ tôi không ngủ. Căn phòng ngủ của ba mẹ luôn sáng đèn. Tôi nghe tiếng tranh luận lúc to lúc nhỏ từ bên trong vọng ra.
Tiếp theo là tiếng khóc của mẹ, tiếng hỉ mũi rồn rột vào chiếc khăn mùi soa.
Chương 13
Đang ngủ tôi bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng gọi của ba:
- Thảo Vy, dậy đi con. Sáng rồi.
Tôi hé mắt nhìn đồng hồ rồi nói vọng ra:
- Còn sớm mà, ba, chưa tới sáu giờ sáng.
- Dậy đi. Cả nhà sẽ đi ăn phở. Anh Hai và mẹ con đều đã dậy cả rồi.
Tôi ngồi bật dậy, gấp chăn lại rồi đi vào toa lét chải răng, rữa mặt. Hôm nay quả là sự kiện trọng đại, lâu lắm rồi cả nhà mới đi ăn cùng nhau. Tôi thay bộ đồng phục học sinh rồi mang cặp bước xuống tầng trệt. Mọi người đang đợi tôi.
Nhanh lên con gái! - cha tôi nổ máy xe. Tiếng động nổ giòn thả ra những chùm khói trắng đục. Anh Khương có vẻ tươi tỉnh. Anh nhìn tôi bằng ánh mắt vui vẻ rồi bước lên ngồi phía sau xe của mẹ. Tôi cũng leo lên ngồi lên xe ba. Hai chiếc xe chạy song song rẽ ra đường chính.
- Chúng ta sẽ ăn quán nào? - mẹ giảm ga và day mắt về phía ba hỏi ý kiến.
- Quán Hai chị em chúng ta vẫn thường ăn, nằm đối diện với ủy ban phường đấy. Em quên rồi à?
Quán Hai chị em là do ba tôi tự đặt tên chứ thật ra quán hoàn toàn không có biển hiệu. Quán này do hai chị em thay phiên nhau bán. Người chị tên Quỳnh, có chồng và đã ra ở riêng, nhà cũng gần đấy. Người em tên Anh, vài năm sau cũng lập gia đình. Chồng chị là dân nhập cư, gia đình bắt rể. Đây là quán phở gia truyền, có hương vị rất đặc biệt ăn một lần là nhớ mãi, tuy nhiên giá hơi đắt hơn những quán khác.
Ba mẹ tôi có vẻ rất vui vẻ, hai người cười nói luôn miệng. Ba tôi day về phía sau nói với tôi:
- Đố con hôm nay ai đứng bán, người chị hay người em?
Tôi thích người em hơn, bởi người em luôn vui vẻ niềm nở, còn người chị thì gương mặt lúc nào cũng đóng băng, nói năng cộc lốc rất mất cảm tình:
- Con thích người em!
Tôi đoán không sai, hôm nay người em đứng bán. Chị đang rửa rau thơm bên vòi nước, nhận ra khách quen liền tất tả bước ra đón khách:
- Chào cả nhà. Lâu quá mới thấy anh chị đến quán em.
Chúng tôi chọn chiếc bàn trống nhìn ra phía ngoài. Ba tôi gọi ba tô tái, riêng tôi ăn phở bờ vò viên. Trong khi chờ đợi chị Anh trụn phở, mẹ tôi nói:
- Những ngày vừa qua ba mẹ đã khiến các con buồn phiền nhiều. Ba mẹ có lỗi với các con...- mẹ tôi lúng túng tìm lời diễn đạt:- Bắt đầu từ hôm nay chúng ta sẽ sống vui vẻ như trước. Các con đồng ý không?
Ba tôi xen vào bằng giọng rè rè:
- Đúng vậy, ba mẹ thật là đáng trách. Thôi, chuyện đã qua rồi. Kể từ hôm nay chúng ta sẽ làm lại từ đầu...
Cha đột ngột im lặng. Gương mặt mang nhiều cảm xúc. Chúng tôi vừa ăn phở vừa trò chuyện vui vẻ. Đây là bữa ăn ngon nhất trong đời tôi.
Ăn xong ba đưa tôi đến trường. Hai cha con im lặng suốt đường đi. Đến nơi, ba dừng xe. Tôi bước xuống vòng tay trước ngực:
- Thưa ba con đi học!
Ba đưa tay vỗ nhẹ lên đầu tôi:
- Hôm nay con phải mang điểm mười về cho ba nhé!
Chương 14
Chúng tôi bắt đầu sống vui vẻ như xưa. Tôi được gọi trở lại lớp tuyển. Anh Khương vẫn tiếp tục là học sinh giỏi nhất khối. Ba mẹ tôi đã hòa thuận trở lại, tuy nhiên tôi vẫn thấy những cử chỉ gượng ép, giả tạo. Thỉnh thoảng, tôi thấy ba ngồi trầm ngâm hàng giờ bên cửa sổ. Nét mặt đau khổ như người mắc bệnh tương tư. Có lúc, tôi thấy mẹ âm thầm nhìn ba rồi nén tiếng thở dài.
Vào những ngày tháng Chạp, ông nội tôi từ dưới quê lên chơi. Ông nội tôi tuy đã ngoài bảy mươi nhưng gân cốt hãy còn săn chắc, da vẻ hồng hào. Nội nguyên là cán bộ quân đội về hưu, đã từng đánh đông, dẹp bắc, và bị thương không dưới mươi lần, thậm chí có lần bà nội tôi đã nhận giấy báo tử. Nội tôi là người nghiêm khắc đến nghiệt ngã. Ông giáo huấn con cái theo kỷ luật nhà binh. Và tất cả mọi thành viên trong gia đình phải răm rắp tuân theo như người lính phục tùng theo mệnh lệnh chỉ huy.
Nội có thói quen dùng từ quân đội thay cho những từ ngữ thông thường nghe rất lạ tai, mỗi khi nhớ lại tôi cứ cười thầm. Những từ " khẩn trương " , " mệnh lệnh " , " chấp hành " , " đối tượng " , " mục tiêu " , " điều lệnh " , " quán triệt ", " tư tưởng " , " tiến bộ ", " tổ chức "..., nội vẫn quen sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
- Khẩn trương lên cháu!
- Cháu đã quán triệt được vấn đề này chưa?
- Đấy là đối tượng xấu, cháu không nên quan hệ.
Mặc dù về hưu đã lâu nhưng nội tôi vẫn giữ nếp sinh hoạt như người lính. Ông ăn cơm bằng đũa hai đầu. Ăn xong ông tự mang bát mình đi rửa. Chăn màn của ông luôn được sắp xếp thẳng thớm, ngay ngắn. Ông không hút thuốc lá, không uống rượu, không uống cà phê.
Bà nội tôi kể rằng cô Thảo trước kia đã từng có người yêu. Người yêu của cô tên Thái. Chú Thái trước giải phóng từng đi lính bảo an một thời gian. Hai người tình cờ quen nhau trên chuyến xe khách. Hai người yêu nhau gần một năm thì ông nội tôi biết chuyện . Ông lập tức gọi cô tôi đến:
- Ba cấm con không được quan hệ với thành phần ngụy quyền!
- Chúng con yêu nhau thật lòng. Anh ấy là người đàn ông tốt.
Nội tôi nóng nảy cắt ngang:
- Lính ngụy thì không thể là người tốt. Đó chẳng qua là hình thức mị dân, lừa phỉnh thiên hạ mà thôi.
Theo nội, tất cả những ai tham gia vào chế độ cũ đều là kẻ xấu và chú Thái cũng không là ngoại lệ, mặc dù chú hiền như cục đất.
- Ba hãy gặp anh ấy một lần. Con tin ba sẽ có cách nhìn khác..
- Cộng sản không đàm phán với thành phần phản động!
Không thuyết phục được nội, cô Thảo thất tình trong một thời gian dài, thậm chí có lần, cô còn có ý định tự tử nhưng tất cả không sao lay chuyển được lòng dạ sắt đá của nội. Rốt cuộc, cô phải chịu sống trong cảnh vò võ cô đơn. Còn chú Thái, sau đó đã lập gia đình và sống hạnh phúc bên người đàn bà mới. Thỉnh thoảng bà nội nhắc lại chuyện cũ và tỏ ý tiếc rẻ. Ông nội vẫn cho rằng quyết định của mình là hoàn toàn đúng.
Nội đến nhà vào lúc sáng sớm mang theo rất nhiều bánh trái, trong khi mọi người chuẩn bị rời khỏi nhà. Ba tôi muốn xin nghỉ một buổi để tiếp nội, nhưng ông gạt đi. Đến chiều ba tôi đưa cả nhà đi ăn nhà hàng vừa mới khai trương. Nội thích món heo sữa quay.
- Ba có mấy người bạn chiến đấu đang làm cán bộ lãnh đạo thành phố.
Rồi nội huyên thuyên kể tên từng người với những kỷ niệm và những trận đánh đáng nhớ. Thật tình, tôi không thích nghe những chuyện chiến tranh, súng ống, đổ máu và chết chóc. Tuy nhiên phải thừa nhận nội có trí nhớ rất tốt và có lối kể chuyện rất hấp dẫn.
- Sáng mai ba sẽ đi thăm mấy người bạn..
- Ba lấy xe của con mà đi cho tiện - ba tôi nói.
Nội xua tay lia lịa:
- Thôi, không cần đâu. Đường sá thành phố đông như mắc cửi, ba đi xe ôm là tiện nhất.
Sáng hôm sau, nội rời nhà cùng với chúng tôi. Nội bảo sẽ về trước bữa cơm tối. Mọi người đợi mãi vẫn không thấy nội về. Trong lúc mọi người đang lo âu thấp thỏm thì nội gọi điện thoại từ nhà người bạn bảo có công việc sẽ về muộn và dặn mọi người nên ăn cơm trước.
Mười giờ đêm nội về đến nhà. Trông nội có vẻ mệt. Nội giục tôi và anh Khương đi ngủ:
- Thằng Lập với con Thương ở lại ba có chuyện muốn nói.
Ba tôi nhìn nội lo lắng, nói:
- Có chuyện gì vậy, ba?
- Chuyện của hai đứa chúng bây. - nội vừa nói vừa ném về phía ba cái nhìn nghiêm khắc.
Sau này tôi mới biết, trước đó, mẹ tôi đã gọi điện thoại về quê cho nội. Và chuyến lên thành phố của ông là nhằm giải quyết chuyện riêng của ba mẹ tôi.
Tôi không biết ba người đã trao đổi với nhau những gì. Nhưng thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng quát tháo giận dữ của nội, tiếng đập tay xuống bàn và tiếng sụt sùi của mẹ. Tôi hoàn toàn không nghe tiếng của ba. Những từ " tha hóa " , " đồi trụy " , " bệnh hoạn " , " tật nguyền " len vào giấc ngủ của tôi.
Nội ở chơi hai hôm nữa thì về quê. Ba tôi muốn chở nội ra bến xe nhưng ông không chịu vì không muốn làm phiền mọi người. Mẹ tôi mua ít quà. Nói mãi nội mói chịu nhận.
- Hè này cháu về quê thăm nội nhé. Nội sẽ dẫn cháu đi thăm vườn. Vườn của nội đã trồng thêm rất nhiều cây, tha hồ mà hái - Đoạn nội kéo tôi vào lòng và đưa bàn tay thôi ráp bẹo má tôi.
Chương 15
Nội đi rồi, gia đình trở lại sinh hoạt bình thường. Ba tôi mỗi sáng vẫn đến cơ quan, hai anh em tôi tiếp tục đến lớp và mẹ thì vẫn bận rộn với việc nội trợ trong nhà. Ba đã mua cho anh Khương chiếc xe đạp hiệu Martin. Anh có vẻ thích chiếc xe màu xanh nước biển này. Anh Khương biết đi xe từ hồi còn là cậu học sinh cấp một. Nhiều lần anh đề nghị ba mẹ mua cho anh một chiếc nhưng ba mẹ tôi lo sợ anh bị tai nạn nên không chiều ý. Mãi sau có sự can thiệp của nội, anh tôi mới được toại nguyện. Bây giờ anh đến trường bằng chiếc xe đạp ấy, ba tôi không phải mất thời gian đưa rước.
Những lúc rảnh rỗi, anh Khương thường lấy giẻ lau xe. Anh làm công việc đó rất cẩn thận. Sau khi chắc chắn đã sạch anh mới cất giẻ, rửa tay và đừng từ xa ngắm nghía nó như một báu vật:
- Bé Vy có đi chơi không?
Tôi gât đầu:
- Đi!
- Leo lên anh chở.
Anh đạp xe chạy lòng vòng khắp phố đến khi mỏi chân thì ghé vào quán nước mía bên vệ đường. Hai anh em vừa uống nước mía vừa trò chuyện vui vẻ:
- Em thích đạp xe không?
- Thích!
- Chủ nhật này anh sẽ tập cho em đi xe nhé. Nhưng em không được nói cho mẹ biết. Xe cao, em chống chân không tới dễ bị ngã lắm.
Uống xong cốc nước, anh lại tiếp tục chở tôi lòng vòng. Đi ngang nhà sách, tôi đề nghị anh ghé vào đọc truyện tranh. Anh đồng ý.
- Em chỉ xem một quyển thôi nhé. Muộn rồi.
Tôi lấy một quyển chui vào một xó. Nhưng tôi không thể nào tập trung đọc sách. Tôi nhớ chú Trọng, nhớ khủng khiếp.
- Mình về nhà thôi, anh Hai.
Anh Khương nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Em chưa đọc trang nào mà. Sao lại đòi về?
Tôi im lặng không nói gì. Anh ra bãi lấy xe. Suốt đoạn đường về nhà hai anh em không nói với nhau lời nào.
Từ sau lần ông nội ghé thăm, ba tôi có vẻ biến thành người khác, mặc dù trước mặt chúng tôi ông vẫn cười nói vui vẻ, thỉnh thoảng ông vẫn buông ra những câu bông đùa khiến anh em tôi cười ngặt nghẽo. Nhưng tôi cảm thấy đàng sau những tiếng cười đó dường như chất chứa một nỗi buồn u ẩn. Ông thường rời nhà từ lúc sớm và trở về rất muộn, có khi, đến tận nửa đêm. Chúng tôi bắt đầu quen dần bữa tối chỉ có ba người.
- Mẹ ạ, dạo này con thấy ba kỳ lắm.
Mẹ gắp thức ăn cho anh Khương vừa ngước mắt nhìn tôi:
- Con thấy như vậy sao?
Tôi gật đầu:
- Vâng, dường như ba có chuyện phiền toái trong lòng..
Mẹ nạt ngang:
- Con chỉ khéo duy diễn lung tung. Dạo này cơ quan nhiều việc ba phải tranh thủ làm thêm buổi tối.
- Nhưng, chẳng lẽ ngày nào cũng vậy? Nhiều lần con ngửi thấy ba thở ra toàn mùi rượu.
- Ba con phải tiếp khách. Cuối năm khách khứa liên miên. Khách uống rượu thì ba con cũng phải uống chứ. Quy tắc xã giao đó con phải biết chứ.
Tôi không thể bắt bẻ những lý lẽ của mẹ. Nhưng rõ ràng có điều gì bất ổn bên trong, mà mẹ cũng cố tình giấu tôi.
Ăn cơm xong, chúng tôi tản ra mỗi người một hướng. Tôi về phòng mình lấy bài vở ra học. Trong tất cả các môn học tôi ghét nhất môn địa lý, bởi môn này rất khó học thuộc. Tôi cứ lẫn lộn giữa kinh tuyến với vĩ tuyến, thời gian chênh lệch giữa hai cực trái đất. Tôi cũng không sao nhớ được những ký hiệu, màu sắc biểu tượng rối rắm. Tôi thầm ước ao, giá như không có môn học này lũ học sinh chúng tôi sẽ hạnh phúc biết bao.
Học bài xong, tôi xuống phòng khách xem ti vi. Lúc này ti vi đang phát bộ phim hài của Mỹ. Mẹ tôi cũng đang có mặt ở đấy. Tôi bước đến ngồi xuống bên cạnh mẹ. Mẹ vừa dán mắt vào màn hình vừa nói chuyện với tôi:
- Đã thuộc bài chưa mà xuống đây?
- Thuộc rồi. - tôi đáp liều, thật ra môn địa lý tôi chưa thuộc lắm, có vài chỗ bị vấp:- Phim chiếu lâu chưa mẹ?
- Mới chiếu được khoảng mười phút. Con đã đánh răng tối chưa?
- Rồi, - tôi đáp:- Ăn cơm xong là con đánh răng liền.
- Anh Hai con đang học bài hay đã ngủ?
Tôi lắc đầu:
- Con không biết. Con thấy phòng anh Hai không mở đèn.
- Có lẽ, anh con mệt quá đi ngủ sớm rồi. Đêm qua, anh con hầu như thức trắng cả đêm để học bài.
- Sao anh Hai học nhiều vây, mẹ?
Mẹ giải thích:
- Năm cuối cấp bài vở nhiều lắm. Thấy anh con học hành vất vả quá, mẹ thương đứt ruột. Vượt qua kỳ thi này mẹ sẽ cho cả nhà đi du lịch một chuyến xả hơi. Con cũng đi nghỉ sớm đi, trẻ con không được thức khuya.
Tôi nũng nịu:
- Lúc nào mẹ cùng xem con là trẻ con! Xem xong bộ phim con ngủ.
- Mười ba tuổi không phải trẻ con là gì. Con nhỏ này giỏi lý sự ghê nhỉ! - mẹ đưa ngón trỏ day day lên trán tôi.
Tôi cười vang. Chúng tôi vừa xem phim vừa cắn hạt dưa. Mẹ tôi chốc chốc lại xem đồng hồ và có vẻ sốt ruột.
- Ba về muộn quá, mẹ nhỉ?
Mẹ im lặng, gương mặt thoáng buồn. Trên ti vi đang diễn ra tình huống gây cười nhưng cả tôi và mẹ đều im lặng. Chuông đồng hồ gõ nhịp mười tiếng đều đặn. Mẹ nói lẩm bẩm, mười giờ rồi.
Tôi ngáp vặt mấy cái. Mẹ giục tôi đi ngủ nhưng tôi muốn xem nốt bộ phim:
- Phim, sắp hết rồi mà, mẹ.
Mẹ nhìn tôi trách yêu:
- Ngủ trễ thế nào sáng nay cũng dậy muộn cho mà xem. Con gái lớn đầu, khó dạy quá không biết.
Tôi cười cười:
- Tại con giống mẹ đấy!
Mẹ phì cười:
- Cô chẳng giống tôi điểm nào cả. Cô giống lão Lập nhà này.
- Con giống ba, mẹ không thích sao?
- Thích cái nổi gì! Chỉ mỗi mình ba con mẹ đã rầu sẩu mình rồi. Hết phim rồi đi ngủ đi.
Tôi đứng dậy chưa kịp bước đi thì bên ngoài có tiếng gọi cửa, lại là âm thanh kéo nhựa của ba tôi:
- Mở cửa! Mở cửa! Làm gì mà lâu thế?
Mẹ tôi bực mình đứng dậy, bước ra mở cửa. Ba tôi đã say quá, ông không thể dắt nổi chiếc xe vào nhà.
Mẹ tôi giúp ba đẩy xe vào. Ông đi thẳng vào phòng khách rồi gieo người nặng nề xuống bộ ghế xa lông. Ba hướng ánh mắt đờ đẫn về phía tôi.
- Sao giờ nay con chưa ngủ? Lấy cho ba cốc nước, khát quá.
Tôi lại tủ lạnh lấy nước cho ba. Ba cầm lên, lại đặt xuống rồi ôm mặt khóc rưng rức. Mẹ tôi cằn nhằn:
- Mỗi lúc anh càng trở nên bệ rạc. Ngày nào cũng nốc đầy bụng rượu rồi khóc lóc như trẻ con. Tôi cũng chán lắm rồi.
Mẹ tỏ vẻ mệt mỏi. Tôi đưa mắt nhìn ba. Dạo này, ba khác nhiều quá, ba gầy hơn và có vẻ buồn nhiều.
- Bé Vy đi ngủ, - mẹ tôi ra lệnh. Đoạn mẹ day mặt về phía ba:- Nếu anh cảm thấy rượu có thể giải quyết được tất cả thì cứ việc uống, uống đến chừng nào chết thì thôi.
- Mặc xác tôi! - ba gào lên:- Tôi không muốn ai quan tâm đến tôi cả. Nếu chán tôi, cô cứ việc đi ra khỏi nhà này!
- Anh không phải đuổi. Tôi cũng chẳng muốn nấn ná trong ngôi nhà này nữa, nếu không có lũ trẻ tôi đã ra đi từ lâu rồi. Chồng với con!
Thế là xảy ra cãi vã. Tôi chán nản trở về phòng mình. Lát sau tôi nghe tiếng khóc của mẹ. Mẹ tôi vốn là người mau nước mắt. Tự nhiên tôi nhớ đến chuyện anh Khương bỏ nhà ra đi. Giá như tôi đừng nói ra, có lẽ, bây giờ ba mẹ tôi đang sốt vó đi tìm và chẳng có thời gian để cãi nhau, tôi nhủ thầm rồi chìm dần vào giấc ngủ.
Tỉnh dậy, ba tôi có vẻ biết lỗi, ông tìm cách bắt chuyện với mẹ nhưng mẹ tôi chẳng thèm đả động đến, bà im lặng thực hiện phận sự của mình với gương mặt vô cảm. Thỉnh thoảng mẹ ném về phía ba những cái nhìn khinh bỉ.
Anh Khương thường rời nhà sớm hơn mọi người, đơn giản là anh đi bằng xe đạp. Mẹ tôi cho tiền mỗi ngày chỉ đủ ăn sáng và gửi xe. Mỗi tuần, ba tôi lén cho anh một ít tiền để tiêu vặt. Tất nhiên mẹ không biết chuyện này. Thỉnh thoảng tôi cũng xin tiền anh Khương và bao giờ anh cũng cho tiền một cách vui vẻ.
- Bao nhiêu đây đủ không, nhóc?
- Anh lớn hơn em bao nhiêu mà gọi em là nhóc? Em giận rồi, chẳng cần tiền của anh nữa.
Anh phì cười:
- Thôi mà, nhóc, tại anh quen miệng rồi, để từ từ anh sửa.
Lời hứa của anh như cá trê chui ống. Anh vẫn gọi tôi là nhóc. Đồ nhóc con. Tôi ghét cay ghét đắng cách gọi này. Bỗng dưng tôi nhớ đến chú Trọng. Chú vẫn thường gọi tôi là nhóc.
Ba đưa tôi đi học. Hôm nào có thời gian, ba đưa tôi đi ăn sáng. Ba thích ăn món mỳ hoành thánh. Tôi không món ấy. Tôi thích món hủ tíu Nam Vang.
- Chú Trọng cũng rất thích món mỳ hoành thánh - ba nói.
- Sao lâu quá không thấy chú Trọng đến nhà mình vậy, ba? Con nhớ chú ấy quá hà!
Ba im lặng, mắt nhìn mông lung, nén tiếng thở dài rồi lãng sang chuyện khác:
- Ăn nhanh đi con kẻo trễ giờ vào lớp.
Không khí bữa ăn bỗng trở nên nặng nề kém vui. Tôi muốn biết thêm nhiều điều về chú Trọng, nhưng thấy ba buồn nên không tiện nói.
- Sao ba uống rượu hoài vậy?
- Tại ba buồn.
- Ba buồn chuyện gì? Có phải ba buồn mẹ không? Tại sao ba lại buồn mẹ? Con thấy mẹ chẳng có lỗi gì cả. Thỉnh thoảng con thấy mẹ ngồi khóc một mình. Tất cả là tại ba đấy. Con thấy anh Hai cũng buồn.
Ba thốt lên ngạc nhiên:
- Có chuyện đó nữa à? Ba sai rồi. - ba đưa tay ôm lấy mặt rồi thở hắt ra một cái:- Ba hứa từ nay sẽ giảm bớt rượu chè.
Tôi nói như reo:
- Ba hứa với con rồi đấy nhé. Người lớn là không được nuốt lời đâu.
.......CON NUA......SONPRO99
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro