Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Thuốc bắc

Tháng tư, Hà Nội hôm nay mưa phùn. Đã lâu lắm rồi tôi chưa về lại Hà Nội, thế mà Hà Nội lại đón tôi bằng một cơn mưa và bầu trời xám xịt não nề.

Bức tường nhà đối diện loang lổ rêu xanh thập thò qua khung cửa sổ bằng sắt từ phòng trọ của tôi, loại khung chống trộm kiểu cũ có hoa văn đèn lồng. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, ngẩn người nhìn xuống phố.

Cái radio cũ rè rè không rõ chữ đặt trên bàn, có lẽ đang phát một hai chương trình tâm sự giãi bày gì đó. Cạnh đó là một bể cá tròn, hai con cá chép bơi tung tăng trong đấy mới được tôi mua trên đường từ sân bay về đến chỗ thuê trọ. Nếu không để ý thì sẽ không thấy một tờ hóa đơn gấp tư kẹp dưới bể cá đó. Cái hóa đơn lặng lẽ nằm im, không vô hình nhưng cũng chẳng rõ bóng.

Thật tình, tôi chẳng thích về lại Hà Nội là mấy. Về lại Hà Nội có nghĩa là đời tôi đang có vấn đề, ai lại đi thích cuộc đời mình có vấn đề chứ. Tôi gọi đùa đó là điểm vấp cuộc đời.

Cơ thể tôi luôn có cách nhắc tôi về điểm vấp đó mỗi khi tôi về lại đây. Vài vết thương đã cũ và liền sẹo trên da sẽ luôn nhói lên đôi chút mỗi bước chân tôi quanh quẩn đường phố thủ đô. À, đó là hồi tôi mới đi năm đầu. Về sau tôi chỉ thấy mình không thuộc về nơi này.

Kể đến lúc ngồi trên Grab chạy bon bon về một góc Hà Nội tôi vừa giành cho mình, tôi vẫn cảm thấy lạc lõng. Thật ra thì sự lạc lõng đó đã quen thuộc với tôi từ lâu. Vậy nên tôi không buồn, tôi vui nhiều hơn.

Tôi vui vẻ rời xa Hà Nội, chu du đến những vùng đất mới, những đất nước xa, những thành phố lạ. Mỗi nơi tôi để lại một ít cuộc đời mình, trộm lấy một ít cuộc đời người khác. Phần đời tôi còn lại để đâu thì tôi cũng chưa biết, nhưng tôi không muốn để ở Hà Nội đâu. Tôi hay uống cho xỉn rồi nói thế.

Cổ tích thời hiện đại đời tôi là: ông trời ngó xuống nghe tôi nói nhảm, rồi cười haha vứt tôi về lại Hà Nội.

*

Đời tôi lại gặp vấn đề. Tôi đáp máy bay xuống Hà Nội sau sự tái phát đột ngột căn bệnh đau lưng và một đống các cuộc nói chuyện điện thoại ép tôi về Hà Nội của mẹ. Mẹ tôi bảo bà quen một thầy đông y rất hay và quả quyết rằng ông ấy trị hết cho tôi được. Vậy là tôi chỉ có thể lặng lẽ thở dài từ chối hết các ánh nhìn mời gọi của y học hiện đại mà bay về lại Hà Nội.

Cái hiệu thuốc Đông y mà mẹ tôi nói khá lớn, nằm ở đầu một con ngõ quận Thanh Xuân. Còn hiệu thuốc hay ông thầy thuốc tên gì thì tôi không nhớ. Mẹ tôi là người quen nên mẹ con tôi được đón tiếp đon đả nhiệt tình hẳn, ông bác sĩ chính chạy từ tuốt buồng trong ra khám cho tôi.

Tôi không nhớ rõ đoạn sau khi khám xong làm thế nào mà ông ta đuổi khéo tôi ra ngoài để mẹ tôi và ông ta nói chuyện riêng. Tôi chỉ nhớ đến lúc quanh quẩn ở quầy bốc thuốc tôi nhìn thấy một cậu trai trẻ.

Cậu ấy cỡ trạc tuổi tôi, hơi gầy, tóc nhuộm màu rêu lấm tấm một ít mảng nâu nhạt, mặc áo blouse trắng. Tôi không thấy rõ bảng tên. Cậu ấy xinh lắm, mắt tròn. Cậu ấy cười suốt, với hay pha trò với mọi người xung quanh. Hình như tôi nhìn chằm chằm rõ quá, nên tự dưng cậu ấy quay lại nhìn thằng tôi đang đứng ngắc ngứ một góc. Tôi căng cứng cả người, dính nguyên một chỗ không dám cử động lúc cậu ấy bước tới.

"Chào bạn, không biết bạn tới khám lần đầu hay tái khám hay lấy thuốc theo kì?"

Giọng cậu ấy dễ nghe cực kì. Tôi nhìn cậu ấy, chớp chớp mắt một lúc rồi mới nhận ra cậu ấy vừa hỏi mình.

"À, mình vừa khám xong, bác sĩ- ơ bác tên gì ý nhỉ kêu cần trao đổi với người nhà mình nên mình ra đây chờ."

Cậu ấy nhướng một bên lông mày lên.

"Bạn chờ mình một chút nha", cậu ấy nói với tôi ngọt xớt rồi quay về phía phòng khám mà hét, "Bác Hưng! Bác trao đổi xong chưa đưa đơn thuốc đây cháu còn kê cho bệnh nhân!"

Tôi có hơi giật mình đôi chút nhưng nhìn phản ứng của mọi người xung quanh thì có vẻ đã quen rồi. Cậu ấy hình như là người quen của ông bác sĩ, vì chỉ đôi ba giây sau cửa phòng khám mở ra với ông bác sĩ cười hề hề cầu hòa.

"Mày lại lớn tiếng với bác", bác sĩ Hưng đưa cho cậu ấy một tờ giấy chi chít chữ, rồi quay sang tôi vỗ vai bộp bộp. "Cháu yên tâm, chỗ bác với bác Nhung là người quen biết. Bác đảm bảo trị hết cho cháu."

Mấy ông bác sĩ trước cũng nói sẽ chữa hết cho tôi đấy, tôi nghĩ thầm trong lòng. Mà tự nhiên ông bác sĩ này nhắc đến mẹ tôi làm tôi thấy là lạ. Tôi quay đằng sau nhìn mẹ tôi đã ra khỏi phòng khám từ lúc nào mà đứng đó. Mẹ tôi cười với tôi một cái. Đột nhiên tôi thấy hình ảnh mẹ tầm mười năm trước. Vui vẻ, tươi tắn, đầy sức sống.

Tôi quay lại với ông bác sĩ tên Hưng trông đã ngoài năm mươi này, mỉm cười, "Dạ vâng, cháu cám ơn bác ạ."

Cậu trai trẻ đứng đối diện tôi, mắt ánh lên cái nhìn thấu hiểu. Cậu ấy tằng hắng một cái, rồi quay sang nhìn ông "bác".

"Bác muốn trao đổi gì tiếp với người nhà bệnh nhân thì trao đổi đi, cháu đi bốc thuốc."

Tôi, rất biết điều, tỏ vẻ tò mò và theo sau cậu ấy đến quầy. Tôi nhìn cậu ấy thành thục tìm những vị thuốc được kê, cân đo đong đếm, chia phần, gói theo thang. Đang thả hồn mình trôi lơ lửng theo từng nhịp tay đều đặn của cậu ấy thì cậu ấy cất tiếng, mặt vẫn không ngẩng lên khỏi đống thuốc.

"Cậu tên gì nhỉ?"

"Mình tên Minh", tôi đáp. Hình như không khí giữa tôi với cậu ấy hơi ngượng ngùng, mà tôi thì chẳng thích như thế bao giờ nên tôi thả lại câu hỏi vào không trung. "Còn cậu tên gì?"

Lần này cậu ấy ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt tôi và cười một cái thật tươi.

"Mình tên Hách. Minh bao nhiêu tuổi thế? Nhìn Minh có vẻ trạc tuổi mình."

Tên cậu ấy thật lạ, mà cũng thật hợp với cậu ấy. Một thanh trắc vui tươi, sôi nổi cho cuộc đời.

"Năm nay mình 23."

"Ôi trùng hợp thế, chúng mình cùng tuổi này."

Cậu ấy lại cười một lần nữa. Tim tôi vừa đánh thót. Tôi nghĩ mình nên vào cho bác sĩ Hưng khám lại.

"Cậu chắc cũng biết rồi, bác sĩ Hưng là bác mình. Ông bác mình, bác sĩ Hưng ấy, tốt lắm. Hơn năm mươi tuổi đầu rồi mà tâm hồn phơi phới. Ông ấy thích đi đánh cờ tướng với mấy ông bạn quen trên group Facebook, thích mặc áo sơ-mi đóng thùng rồi đi con xe đạp vòng vòng khu phố để hỏi thăm hàng xóm láng giềng, bác ấy cũng hay mặc lời lỗ mà khám miễn phí cho mấy đứa nhỏ khó khăn nữa. Ông ấy còn biết nấu ăn, biết sửa điện, còn là bác sĩ có tiếng. Hồi nhỏ mình cũng hay suy nghĩ sao bác mình vậy mà không ai ưng nhưng mỗi lần hỏi thì ông ấy toàn vỗ đầu mình chê mình con nít."

Cậu ấy bĩu môi, dừng lại trong giây lát để tìm tập hóa đơn và cây bút, "Họ tên cậu là gì? Sau này mình mới biết, không phải người ta không ưng bác ấy. Hồi trẻ chắc mấy cô muốn cưới bác mình xếp hàng dài cả cái ngõ này được ý. Nhưng bác mình thì có người tình trong mộng rồi, mà dở cái là ông ấy không dám nói."

Tôi chợt thấy cái tình tiết tiếp theo dễ đoán lắm, giống mấy bộ phim hay phát trên VTV3. Cậu ấy xé cái hóa đơn, kẹp vào giữa hai vòng dây gói xung quanh gói thuốc. Tôi cười cười lúc cậu ấy nhìn thẳng vào tôi một lần nữa.

"Cậu kể tiếp đi."

"Cái cô người tình trong mộng ấy của bác mình, tên Nhung."

Ồ, tôi cười thêm lần nữa, không ngạc nhiên gì cho cam.

"Giống tên mẹ mình nhỉ."

"Ừ, giống tên mẹ cậu", cậu ấy cũng cười.

Cậu ấy biết rằng tôi đã hiểu, nên cũng không dông dài gì thêm nữa về câu chuyện "bác mình rất tốt". Quả nhiên là một người cháu ngoan, cũng là một người con trai thông minh.

Cậu ấy đưa cho tôi chỗ thuốc và hóa đơn thanh toán rồi (dường như) thuận tay bốc mấy viên kẹo gừng trên quầy bỏ vào tay tôi.

"Đến hết thuốc đợt này cậu cứ tới đây tìm thẳng mình nha, mình nhớ đơn thuốc của cậu rồi", rồi thật tự nhiên, cậu ấy chống cằm nhìn về phía mẹ tôi và bác sĩ Hưng đang đứng nói chuyện mê mệt, nửa đùa nửa thật mà bảo, "Ông bác mình ở giá cả nửa đời người rồi, mình cũng mong ông ấy tìm được người để còn tâm tình tuổi già."

Tôi đùa lại, "Có cháu trai đây rồi mà sợ neo người sao?"

Cậu ấy cười, "Đâu có neo người, neo tình đấy chứ."

Mẹ tôi dường như bây giờ mới phát hiện ra con trai cưng của mẹ, là tôi, đã xong xuôi hết cả và đang đứng chờ bà. Bà tạm biệt bác sĩ Hưng với một nụ cười thật đẹp và một cái vẫy tay nhè nhẹ. Bà khoác lấy tay tôi, tôi nắm lấy cổ tay bà, miết nhẹ.

"Hẹn gặp Minh lần sau nha. Ôi gặp bác Nhung sau ạ."

Hách tạm biệt tôi và mẹ tôi ở cửa hiệu thuốc bằng những câu từ có cánh về món mứt gừng và trà hoa lài của bà. Tôi bàng hoàng, một cách tích cực, nhận ra cả bài ca Hách vừa rót vào tai tôi lúc nãy chỉ là để chắc chắn cái bánh xe tình yêu của ông bác cậu ấy tiếp tục lăn đều. Chứ nó đã chạy chưa thì chắc chắn là rồi, vì mẹ tôi đã tới lui nhiều đến mức đem hai món tủ của bà đến cho. Tôi thấy hơi buồn cười.

Mẹ tôi, mẹ tôi vẫn là thiếu nữ năm nào mà thôi.

*

Tôi đèo mẹ về công ty bà trên chiếc Vespa cổ rất gì và này nọ của bà. Sau khi nhà cũ tôi bán, mẹ tôi dọn về ở hẳn khu văn phòng ở công ty, tôi thì mọc cánh bay đi năm châu bốn bể. Hồi tôi cũng hay kì kèo mẹ mua nhà ở ngoài cho thong thả nhưng bà lại thích ở khu văn phòng hơn. Vì ở đấy bà có sự bầu bạn, bà nói vậy.

Đôi khi tôi cũng chạnh lòng đôi chút, nghĩ vẩn vơ rằng liệu mình có phải là một đứa con trai tồi. Nhưng rồi mẹ tôi chỉ cười với tôi qua màn hình điện thoại mỗi lần tôi hỏi bà rằng tôi về ở với bà nhé.

"Minh à, mỗi người đều có vết thương riêng của mình, mỗi người cũng cần có cách chữa lành riêng của mình. Mẹ đang chữa lành cho bản thân thì sao mẹ lại ngăn con chữa lành chính con chứ?" Bà ngưng một chút rồi gõ nhẹ vào màn hình như cách bà sẽ cốc đầu tôi mỗi khi không nghe lời lúc bé, "Nên là, lúc anh đang còn trẻ thì anh lo bay đi đâu thì bay. Lúc bà già này già rồi sợ anh lại không muốn về mà chăm đấy."

Tôi nhớ tôi cười, nói thêm dăm ba câu rồi tắt video call với mẹ đi. Tối đó trong lúc nằm vật ra cái giường kingsize lành lạnh mùi xả vải ở một góc khỉ ho cò gáy nào đó của quả đất này, tôi rút điếu thuốc đầu tiên sau một năm bỏ thuốc ra hút. Hút xong điếu thuốc rồi tôi lại thành một thằng tôi bàng quan như trước giờ, nhắm mắt ngủ vùi. Quên đi Hà Nội, quên đi những vết thương đã liền sẹo nằm mãi trên da.

Thằng tôi ấy vội quên hơi sớm nhỉ, tôi chậc lưỡi lúc đang chỉnh vài thông số cuối cho mấy tấm ảnh. Tôi cập nhật blog của mình bằng một tấm hình hồ Gươm lờ mờ trong buổi sớm qua cửa sổ xe taxi, viết dăm ba dòng báo rằng mình đã về Hà Nội rồi tắt thông báo đi.

Tôi là một blogger du lịch có tí tiếng tăm. Tí tiếng tăm đó là có vài trăm nghìn lượt theo dõi, vài nghìn lượt tương tác ổn định, cũng có người theo dõi lâu năm. Thật ra viết bài ba hoa chích chòe về những chuyến đi của bản thân cũng không phải đam mê của tôi, nhưng những ngày đầu ngơ ngác xứ lạ đã làm tôi muốn viết lại cho mình vài dòng.

Cho tôi của sau bao nhiêu năm đó nữa, một tôi đã hết muộn phiền và hết hèn nhát trốn chạy.

Tôi đặt điện thoại xuống bàn, mắt lơ đãng nhìn về phía bể cá tròn vừa được tôi thay nước. Tôi cũng không biết lúc kêu xe dừng để xuống mua cái bể cá này về là tôi bị làm sao. Chắc là lâu ngày tôi mới đi ngang cái cửa hàng bán cá cảnh quen hồi nhỏ nên tôi nổi cơn xúc động.

Hai con cá chép bơi tung tăng trông đến là vui vẻ. Chúng lượn vòng quanh nhau, ngoi lên rồi lặn xuống trong cái không gian bé nhỏ của cái bể cá. Tự nhiên tôi nhớ cái cách mà mẹ tôi cười vài câu chuyện mà bác sĩ Hưng kể hôm nọ, cũng chợt buồn cười theo.

Tình yêu có khác gì đôi cá chép đâu? Bị nhốt cạnh nhau trong cái bể hôn nhân, rồi cũng có lúc một con chết, hai con chết, tình yêu cũng chết. Tôi mong mẹ tôi bắt được một loài cá biển, cá sông. Loài cá tự do bơi thẳng, thích thì dừng không thích thì lại bơi, không để một ai làm chết, không để bất kì điều gì cầm chân lại.

Đang nghĩ bâng quơ thì tôi nghe chuông điện thoại đổ, tôi biết ngay là mẹ. Từ ngày về Hà Nội chỉ có mẹ gọi điện cho tôi. Bà nhờ tôi sang đón rồi chở sang hiệu thuốc, hôm nay bà có hẹn với bác sĩ Hưng và vài người bạn quen đi uống nước. Tôi nhìn bể cá một cái, rồi lại nhìn xuống cái hóa đơn kẹp ở dưới.

Hôm nay cậu Hách gì kia có đi làm không nhỉ? Chắc là có đi...

*

Tôi bắt Grab sang công ty của mẹ rồi dùng chiếc Vespa chở bà sang hiệu thuốc. Đi trên đường tôi nghe mẹ tôi ngồi đằng sau ngâm nga hát, bỗng nhiên thấy lòng cũng vui lây.

Tôi dừng xe trước hiệu thuốc đúng lúc bác sĩ Hưng và Hách bước ra. Bác sĩ Hưng ăn mặc thoải mái hơn thường ngày, nhưng tôi để ý thấy hình như ông ấy đánh lại xi giày. Hách thì mặc đồ khác hẳn hôm đầu tôi gặp cậu ấy. Một cái áo thun tie-dye tối màu, skinny jeans rách và dép lê. Tóc cậu ấy lấp sau cái bucket hat cũng tối màu nốt, phủ qua mắt.

Không còn bóng dáng hình ảnh cậu bác sĩ (Hay y tá nhỉ? Tôi không biết) trẻ trong áo blouse trắng nghiêm túc bốc thuốc hay thân thiện cười đùa với mọi người hôm nọ nữa. Tự nhiên đầu tôi bật ra một suy nghĩ, cậu chàng này emo quá nhỉ, rồi tự cười phủ nhận khi nhớ đến nụ cười tươi tắn và đôi ba chiếc kẹo gừng Hách bỏ vào tay tôi cùng với mấy thang thuốc.

Tôi chào bác sĩ Hưng rồi quay sang chào Hách. Cậu ấy có vẻ hơi ngạc nhiên một chút rồi cũng cười cười chào tôi. Bốn người bọn tôi đứng nói chuyện một lúc đến khi mẹ tôi nhìn đồng hồ rồi vỗ nhẹ vào tay bác sĩ Hưng để nhắc ông giờ hẹn.

Tôi đứng nghe mẹ dặn dò chuyện đón đưa, gật gật đầu rồi chào tạm biệt bà lúc bà ngồi lên yên sau xe bác sĩ Hưng, phóng đi mất hút. Nhìn theo bóng con xe đã đi càng ngày càng xa, tôi chớp mắt một cái rồi nhận ra cái não cá vàng của bản thân đã quên béng mất địa chỉ nhà hàng mẹ vừa dặn.

Tôi cứ đứng tần ngần ở đó một lúc, Hách đứng bên cạnh đụng nhẹ khuỷu tay tôi một cái.

"Bác mình với bác Nhung đi chơi thế này cũng... lâu rồi, mà nói chuyện cũng hợp nhau lắm. Cậu đừng có lo."

Hả?

Tôi lại ngu người thêm một lần nữa. Tôi có lo cái gì đâu? Rồi tôi thấy sự lo lắng bồn chồn và tư thế như sẵn sàng nhảy ra cản tôi lại của Hách, chợt hiểu ra. Cậu ấy sợ tôi phóng theo làm kỳ đà cản mũi buổi đi chơi của bác cậu ấy với mẹ tôi đây mà. Hình như do ánh mắt nhìn theo con xe ga của ông bác sĩ Hưng hồi nãy của tôi hơi tâm trạng.

Tôi buồn cười.

Chắc Hách không biết tôi có khi còn mừng vì chuyện này còn hơn cậu ấy. Mẹ tôi chưa nói rõ với tôi về chuyện bác sĩ Hưng là gì của bà, hẳn là bà ngại, nhưng tôi lại chẳng đoán được mười mươi.

Tôi phải mừng chứ, vì cuối cùng tôi cũng biết mẹ đã tìm ra được phương pháp chữa lành cho bà. Tôi nhẹ nhõm biết bao. Những buồn đau quá khứ đâu chỉ ban cho da thịt tôi những vết sẹo, chúng còn để lại cho mẹ tôi những vết rạn trên da, trên đuôi khóe mắt, chân mày, trong tim, trong phổi.

Mẹ tôi thế nhưng vẫn còn trẻ. Tôi những mong bà có được những đẹp đẽ mà bà xứng đáng được có trong đời.

"Cậu... ờ... đi uống gì với mình không?" Tự nhiên Hách cất tiếng. "Mình nghe bác Nhung bảo là cậu lâu rồi mới về Hà Nội nhỉ? Để mình dẫn cậu đi thử mấy quán nước ngon ngon nhé?"

Tôi im lặng lâu quá nên Hách tưởng tôi có ý định chạy theo hai người đó thật đấy à? Cậu ấy trông có vẻ thấp thỏm như sợ chớp mắt một cái là tôi trèo lên xe rồi phóng theo bác cậu ấy ngay vậy. Tôi phải nén cười, rồi gật đầu với cậu ấy. Dễ gì có buổi đi chơi với một cậu chàng vừa xinh xắn vừa ngoan ngoãn thế này.

Tôi mà từ chối thì tôi không tên Minh nữa.

Thế là tôi đèo Hách đi uống sinh tố ở một quán cậu ấy quen. Tôi cũng bắt được một thông tin quan trọng là Hách đi xe đạp. Không phải loại xe đạp đầm, cũng không phải xe đạp leo núi. Tôi không biết diễn tả thế nào con xe đạp ấy nhưng tôi nghĩ nó trông rất ngầu lúc cậu ấy chỉ cho tôi con "dế sắt" yêu dấu của cậu ấy.

Hách cười rõ tươi lúc tôi khen nó, rồi chạy vào hiệu thuốc để lấy mũ bảo hiểm. Chỉ là một cái mũ bảo hiểm chuyên dụng cho xe đạp thôi, nhưng mà mũ bảo hiểm của cậu ấy có cái chong chóng tre màu vàng gắn ở trên.

Tôi vừa khởi động xe vừa ghi lại trong lòng: cộng mười điểm vì đi xe đạp rất cool, trừ hai mươi điểm vì quá dễ thương tôi nghĩ tôi cần đi khám bệnh tim. Cộng trừ điểm gì thì tôi chưa biết, cứ để đó cái đã.

Lúc ngồi xuống cái ghế nhựa lành lạnh ở một ngõ nhỏ tấp nập, bỗng nhiên tôi thấy mình cũng hơi điên. Không đâu chạy đi kiếm chuyện đi chơi riêng với Hách làm gì? Tôi với Hách cũng đâu có quen thân với nhau đâu. Đấy là chưa kể chúng tôi chỉ mới gặp mặt nhau được ba bốn lần gì đấy tính cả lần đầu tôi đưa mẹ đến hiệu thuốc.

Thế là một tên vốn dùng món nghề đi đây đi đó, nói chuyện tầm phào với người này người kia để kiếm sống như tôi lại bất chợt ngậm miệng không biết phải nói gì.

Hách ngồi đối diện tôi, hình như cũng mất tự nhiên không kém, chỉ cắm cúi uống ly nước ép cà chua của mình. Tôi cũng uống nước ép cà chua. Thú thật thì tôi không thích nước trái cây lắm nên không thường uống, chỉ chọn theo Hách cho lẹ.

"Trái cây ở đây tươi với sạch lắm, cô chủ quán cũng dễ thương nữa nên tớ hay đến đây", Hách nói.

Tôi cười, "Ừ, nước ngon thật."

Nhìn mấy quả cà chua căng bóng nằm trong thùng bên cạnh xe nước ép, tôi chợt nhớ về một lần lạc đường ở miền Nam nước Ý.

Lần ấy lạc thế nào mà chó ngáp phải ruồi được một nhà gần đó cho ở nhờ hai ba hôm. Gia đình nọ có một nông trại cà chua chuyên cung cấp cho các xưởng sốt pasta tư nhân nhỏ lẻ xung quanh; đằng sau ngôi nhà kiểu cũ là trăm mẫu đất trồng cà chua xanh đỏ trông đến là thích mắt. Thế là tôi cũng vui mồm kể với Hách về lần lạc đường ấy.

Hách cười, cậu nửa thật nửa giả đùa với tôi về cái tật não cá vàng của tôi. Hách, như vài câu mẹ tôi từng kể, là một cậu chàng khéo miệng khéo mồm. Cho cậu ấy một chủ đề là cậu ấy có thể biến cuộc chuyện trò giữa hai tên không biết gì về nhau thành cuộc tâm tình của hai người bạn thân lâu ngày không gặp.

Mà tôi cũng không phải một kẻ hay ngượng ngùng gì, nên cứ thế kể hết vốn liếng mấy cuộc đi "phượt" khắp năm châu bốn bể của mình. Nghe thật giống tôi đang hỉnh mũi mà già mồm bốc phét, nhưng rốt cuộc thì Hách trông có vẻ vui vẻ và nhẹ nhõm vì chúng tôi đã nói chuyện được với nhau, hoặc vì tôi đã không còn có vẻ muốn theo đuôi bác cậu ấy nữa, nên tôi cũng không ngại mà tiếp tục kể lung tung về hàng trăm giờ bay của đời mình.

"Thế Minh làm gì? Travel blogger à? Có kênh Youtube không?" Hách cười, mắt Hách cong cong.

Rõ ràng là tôi uống nước ép cà chua, mà như vừa uống nước ép lúa mạch.

Tôi lâng lâng trong nụ cười của Hách, mấp máy trả lời.

"Ừ, nhưng mà tớ viết blog là chủ yếu, ít khi quay lắm."

Dưới sự kì kèo của Hách, tôi đành phải giao địa chỉ blog của tôi ra. Tôi giấu nhẹm kênh Youtube của bản thân đi. Cái kênh đạt nửa triệu lượt theo dõi chỉ với vỏn vẹn 5 cái vlog. Mấy cái vlog ấy ít nhiều dính cái bản mặt tôi hồi mới thôi phận sinh viên, rõ là quê một cục nên tôi không muốn để Hách biết. Nhưng cũng nhờ cái bản mặt đó mới tới tận nửa triệu con người chịu nhấn nút đăng ký cái kênh bỏ hoang từ hồi nào của tôi.

Chúng tôi lại ngồi nói về cái nghề của tôi. Từ chuyện thu nhập đến chuyện danh tiếng, cả chuyện yêu đương nhăng nhít ven đường. Mọi thứ vẫn sẽ bình thường thôi cho đến khi chúng tôi nói đến nghề của Hách, rồi lại bàn tiếp những tiền tài tình ái đó. Đến lúc đó thì tôi thấy hôm nay như ngày đi xem mắt của tôi và Hách vậy.

Tìm hiểu về nghề nghiệp nhau xong rồi bước tiếp theo là gì nữa? Cậu định bao giờ cưới à? Nhà cậu muốn con rể như thế nào à?

Thật may vì mẹ tôi, người mẹ yêu dấu tuyệt vời của tôi, đã cứu tôi khỏi đống suy nghĩ hoang tưởng của bản thân. Bà gọi tới, bảo tôi không cần đến tận nhà hàng, cứ quay lại hiệu thuốc đón bà. Thế là chúng tôi đứng dậy ra về.

Nói thế thôi chứ tôi cũng tiếc nuối ghê lắm. Trên đường về tôi chạy chậm hơn thường ngày, bảo với Hách là muốn hóng mát một buổi đêm Hà Nội lâu lắm mới có. Cũng không xem lại mình đã về Hà Nội đương tới nửa tháng rồi, thiếu gì mấy "đêm Hà Nội" đâu.

Lúc tôi chạy đến trước cửa hiệu thuốc, vừa gạt chân chống xe trông lên thì tôi thấy bác sĩ Hưng nhìn tôi là lạ. Tôi hơi chột dạ, cũng không biết chột dạ cái gì, bèn cười với ông một cái. Trông ông có vẻ bất ngờ lắm. Chắc ông không nghĩ tôi dễ chịu với ông thế, nên ông mừng ra mặt.

"Con với Hách đi chơi với nhau à?" Mẹ tôi nhìn tôi tủm tỉm.

"Dạ, tụi con đi uống nước."

Bác sĩ Hưng nhìn Hách. Hách trước mặt tôi với mẹ tôi có thể ngượng ngùng đôi chút, chứ trước mặt bác mình thì cậu ấy là mình đồng da sắt, ông ấy nhìn thế nào cũng không làm cậu mảy may. Bác sĩ Hưng tấn công cháu mình bằng ánh mắt không được, bèn quay đi lẩm bẩm.

"Thảo nào bác thấy xe mày xích lại trong đấy, hóa ra là có người chở đi chơi."

Trên đường tôi đèo mẹ về bà bấu vai tôi một cái. Tôi la lên oai oái.

"Anh để ý thằng cu Hách đúng không? Lại còn đi uống nước cơ đấy. Thảo nào mấy hôm trước anh hỏi tôi về thằng bé."

Tôi bảo mẹ là tôi chẳng có ý gì với con người ta cả mà mẹ tôi nhất quyết không tin. Thế là tôi mặc kệ mẹ tôi luôn.

Tôi về đến nhà, tắm xong là lăn luôn ra giường. Tôi tính đi ngủ nhưng nằm mãi mà đầu óc vẫn cứ tỉnh táo quá nên tôi quyết định chạy đi làm việc.

Tôi pha một gói cà phê hòa tan, mở máy tính, xem qua lượt tương tác trên blog một chút rồi mở phần mềm ra chỉnh lại mấy thứ chưa xong. Tôi chăm chú làm đến khi căng cả người không để ý xung quanh nữa thì tự nhiên điện thoại "ting" một cái.

Tôi nhìn lướt qua màn hình, chợt cằm muốn rớt xuống.

"_6600h đã thích ảnh của bạn"

Ảnh đại diện rõ ràng là Hách.

Tôi lúng ta lúng túng tóm lấy cái điện thoại.

Còn bài viết là từ hồi hai năm trước.

Gì đây?

Tôi vừa tải lại trang một cái thì thông báo biến mất.

"..."

Này là... cậu ấy trượt tay ấn thích à?

Tôi ngẩn ra một chút, rồi cười lớn. Tôi tìm lại tài khoản của cậu ấy, rồi dùng tài khoản cá nhân của mình nhắn tin.

"hình tớ chụp trông đẹp không?"

Tôi thấy cậu ấy đã đọc tin nhắn của tôi rồi im bặt. Thẹn quá hóa giận đây mà. Tôi thấy đáng yêu mới chết bỏ.

Một lát sau cậu ấy mới đồng ý yêu cầu theo dõi của tôi rồi trả lời tin nhắn.

"ừ đẹp đó"

Ngực tôi rộn ràng khôn xiết. Bài viết cậu ấy trượt tay ấn thích là một trong những tấm ảnh hiếm hoi có tôi trong đó. Một bóng lưng ngược sáng trước một tấm kính lớn nhìn xuống kinh đô ánh sáng bên dưới. Chưa kịp hí ha hí hửng thì Hách đã nhắn tiếp.

"thấy blog của cậu hay hay nên kéo xuống đọc tiếp thôi"

"tớ không có làm gì đâu"

Tôi nhếch môi. Không có làm gì đâu mà lướt tới tận hai năm trước cơ à? Tôi cập nhật blog khá thường xuyên, gần như là mỗi ngày nếu có thể. Từ hôm nay đến hai năm trước biết bao nhiêu là bài viết, một cái "hay hay" của cậu ấy cũng lướt xuống lâu quá rồi.

Tôi trả lời cậu ấy.

"thì tớ có nói gì đâu"

*

Sau hôm đó tôi với Hách cũng bắt đầu nhắn tin cho nhau. Mặc dù có một buổi ngồi nói chuyện vui vẻ ở quán sinh tố và một sự cố nho nhỏ xảy ra, tin nhắn giữa hai bọn tôi cũng không có vẻ gì là thân thiết. Thì cũng tại bọn tôi đã thân đâu. Nội dung tin nhắn chủ yếu là chuyện mẹ tôi với bác cậu ấy, thỉnh thoảng thì là chuyện bệnh tình cái lưng của tôi.

Lưng tôi đã bớt những đợt nhói lên gai người nhưng vẫn còn đau lúc này lúc kia. Hách bảo là điều trị thêm vài bước nữa thì ổn thôi. Có thể không hết hoàn toàn, nhưng cũng sẽ không tái phát nữa. Tôi nghe cũng yên tâm. May mà công việc của tôi không yêu cầu thể lực gì. Có điều tôi phải bỏ tập nâng tạ các thứ ở gym, cái này thì tôi hơi tiếc.

Tôi cũng vài lần hẹn Hách đi uống cà phê, nhưng phòng khám lắm việc quá, cậu ấy cứ bận mãi.

Tôi không đi gym thường xuyên nữa thì thời gian rảnh càng nhiều hơn, thế là bắt đầu nhận chụp ảnh với quay phim này kia. Hôm nọ đang chụp choẹt ở Hồ Tây thì tôi thấy một đôi bạn mặc đồ thể thao đi xe đạp. Đạp xe cũng là một cách tập thể dục tốt. Đúng lúc tôi cần một phương pháp rèn luyện thân thể khác để không phải trở thành con ma ốm yếu què quặt. Hồi ở Hàn nửa năm, tôi cũng hay đi đạp xe với tên bạn thân bên đó. Tôi chợt nhớ ra Hách đi xe đạp, thế là định bụng hôm nào hẹn cậu ấy đi đạp xe cùng.

Định thế thôi chứ tôi cũng chưa kịp mở lời. Trùng hợp là tới cuối tháng thì tôi hết thuốc. Con Vespa mẹ đã quăng quách cho tôi. Dù sao mẹ tôi cũng lớn tuổi, đi chơi chủ yếu là đi với bác sĩ Hưng, còn công ty thì bước mấy bước là tới nên mẹ chính thức được bác sĩ Hưng đưa đón tận nơi. Tôi bèn không bảo mẹ mà tự động chạy đến hiệu thuốc một mình tìm Hách. Dù sao cũng là chính miệng cậu ấy bảo tôi cứ đến tìm cậu ấy mà.

Tôi đỗ con xe trước hiệu thuốc, chưa kịp tháo mũ bảo hiểm xuống đã thấy một đám già có trẻ có hùng hùng hổ hổ xông vào hiệu thuốc hò hét. Tôi chẳng hiểu mô tê gì liền chạy vọt vào.

"Đứa nào kê thuốc cho con tao?" Tôi nghe một ông bác nhìn có vẻ hùng hổ nhất gào lên vào mặt cô y tá gần cửa ra vào.

"Dạ anh cứ bình tĩnh, có gì thì từ từ nói chúng em sẽ giải quyết ạ", cô ý tá đưa hai tay ra cản ông bác ấy lại, cố gắng tươi cười.

Nhưng tất nhiên người đã dẫn cả nhà tới để làm loạn như thế sẽ không chịu ngồi xuống ngon ngọt rồi. Ông bác già đẩy cô y tá ra một bên.

"Gọi thằng bác sĩ ra đây ngay cho tao. Bốc thuốc kiểu đéo gì mà con tao từ ngựa lành thành ngựa què hả?"

Cả đoàn người như theo thế ông bác già, vừa chạy vừa lật tung hiệu thuốc. Đúng lúc đó, Hách chạy từ buồng trong ra.

"Dạ, cháu chào bác", cậu ấy vừa nói vừa bắt lấy tay ông bác đang định chạy vào kho, "Bác có vấn đề gì có thể nói với cháu, cháu là trợ lí của bác sĩ Hưng ạ."

Ông bác "á à" một cái, "Thì ra thằng bác sĩ tên Hưng hả? Mày gọi thằng đấy ra đây cho tao."

"Dạ bác sĩ Hưng đi công việc rồi ạ", Hách hít một hơi, dịu giọng, "Có gì bác có thể nói với chá-"

"Tao đếch cần biết, gọi thằng bác sĩ giẻ rách đấy ra cho tao!"

Tôi chưa kịp chạy đến thì đã thấy tay Hách chuyển động một cái thật nhanh. Và rồi một cú đấm đáp ngay trên mũi ông bác già vừa la lối. Cả hiệu thuốc như dừng cả lại nhìn về phía Hách.

Tôi thấy cậu ấy hất mặt lên với ông già đầy thách thức, bỗng nhiên không kiềm được mà phì cười. Lúc này đây thì cả hiệu thuốc quay lại nhìn tôi.

Hách nhìn tôi trân trân. Tôi thấy được quá trình cơn giận trong mắt cậu hóa thành sự ngạc nhiên rồi biến thành nỗi xấu hổ. Má cậu ấy hồng lên nhàn nhạt.

Hách mấp máy môi với tôi, sao Minh tới đây?

Tôi nhún vai, cũng mấp máy môi đáp lại cậu ấy, nhớ cậu nên tới đó.

Tôi chưa kịp biết cậu ấy có đọc ra khẩu hình miệng của tôi hay không thì đột nhiên, một lực kéo cổ áo tôi mạnh về đằng sau.

"Mày cười cái đéo gì hả thằng chó này?"

Thú thật, tôi rất đồng cảm với người bạn nào mới kéo giật và hét vào tai tôi. Tôi và người bạn này đều gặp xui. Tôi đến hiệu thuốc không được tâm tình với Hách. Người bạn mới kéo tôi đây thì không lành lặn được bao lâu nữa. Thế là tôi lại cười, một nụ cười đầy sự đồng cảm chân thành.

"Cười vào mặt mày chứ còn gì nữa?"

Tôi thúc cùi chỏ vào bụng người bạn ấy, rồi khi người bạn ấy phải thả vòng tay đang kẹp cổ tôi ra để ôm bụng vì quá đau thì tôi quay người lại, lên gối vào mặt người bạn đó thêm một phát nữa. Thế là người bạn nọ ngã ngửa ra sau.

Tất nhiên là sau đó gia đình nọ không thể nào để cho cái thằng tôi này yên khi người tôi vừa đánh ngã ngửa là cháu đích tôn của nhà họ. Nhưng đấy là sau khi tôi đã đấm vào mặt thêm mấy tên trẻ người non dạ nhào tới muốn sống chết với tôi và bác của Hách báo công an đến dẹp loạn thì tôi mới biết.

Bác Hưng, cùng mẹ tôi, về đến hiệu thuốc vừa lúc tôi đang đánh đấm rất hăng say.

Các anh công an chạy vào hiệu thuốc mà không phá ra cười thì tôi nghĩ chắc là năng lực nghiệp vụ của các anh cao lắm. Trong hiệu thuốc là hình ảnh người già của dòng họ nọ nép hết vào một góc mà hò la cổ vũ cho những người con, người cháu của mình, tôi xin trích dẫn nguyên văn, "cho thằng nhóc con đó biết lễ độ".

("Thằng nhóc con" đó là tôi, tất nhiên).

Công an hốt cả gia đình nọ lên phường hết, còn tôi thì được tha vì bác của Hách xin giúp. Lúc các anh công an chạy vào tôi cũng bị một anh xô ngã lăn ra đất vì tưởng tôi là một trong mấy tên gây rối. Thế là khuôn mặt vốn chỉ hơi rách khóe môi của tôi lát thêm một tí ở trên má.

Tôi ngồi một góc xuýt xoa mấy cái vết thương trên mặt. Một tà váy voan trắng phủ lên chiếc ghế mây cạnh tôi. Mẹ tôi ngồi xuống, cùng với oxy già và băng keo cá nhân trên tay.

"Trông anh xem, lớn cái đầu rồi vẫn học đòi đánh nhau cơ à?" Mẹ tôi dùng ngón trỏ đẩy đầu tôi một cái, rồi cười một nụ cười dịu dàng. "Nhưng thôi tôi không trách anh, ít ra thằng cu Hách không bị ra làm sao."

Tôi nhướng mày, "Hách không làm sao thì liên quan gì? Sao mẹ không lo cho con trai mẹ nà- á đau!"

Mẹ tôi cười cười, tay vẫn ấn miếng bông tẩm oxy già vào vết cắt trên má tôi, "Thế bây giờ tôi đang lo cho chó à?"

Tôi mở miệng chưa kịp cãi lại mẹ thì thấy một bóng hình từ xa đi tới. Ngay lập tức, tôi ngậm miệng, ngồi thẳng lưng, không than vãn thêm về việc mẹ tôi rửa vết thương cho tôi như thế nào nữa. (Dù mẹ tôi cứ ấn tiếp mãi. Chắc chắn là mẹ tôi cố tình).

Hách đi đến cạnh mẹ tôi, "Cô cứ để cháu lo cho Minh cho ạ. Cô mới đi về mệt mà chúng cháu lại làm phiền cô quá, cô vào ngồi với bác cháu cho mát."

Mẹ tôi đồng ý ngay lắp tự. Bà đưa đồ y tế cho Hách rồi lướt đi như một cơn gió, không thèm nhìn lại cậu con trai quý giá của mình.

Hách ngồi xuống cạnh tôi, không nói tiếng nào mà bắt đầu nhẹ nhàng rửa vết thương cho tôi bằng oxy già. Tôi nín cả thở. Mặt Hách cách mặt tôi rất gần, vừa đủ cho một cái nghiêng người và chạm môi.

Tôi đưa mắt rời khỏi gương mặt Hách. Nhìn thêm nữa tôi chắc chắn sẽ đau tim mà chết. Tôi nhìn khắp hiệu thuốc giờ đã bị xới tung không ít, chợt mắt dừng lại ở một cây chổi nằm chỏng chơ.

Lúc đang tống dở mấy cú đấm vào mặt một tên nhãi trông chỉ như mới vừa vào cấp ba thì tôi thấy qua khóe mắt hình ảnh Hách cầm cây chổi quét nhà quật túi bụi vào một tên già cứ nhào tới muốn xới tung quầy thuốc lên. Nếu không phải đang đánh nhau tơi bời thì tôi đã ngã ra mà cười vì Hách trông dễ thương hết sức.

"Minh cười cái gì thế? Mặt mình dính gì à?"

Tôi nhún vai. Tôi không thể để bản thân phun ra bất kì một câu nói đáng xấu hổ nào, rằng thì mà là, thấy cậu dễ thương quá nên cười đó. Thay vào đó, tôi hỏi cậu ấy vấn đề tôi thắc mắc bao lâu nay.

"Dạo này cậu bận lắm hả?"

"Hửm, thì cũng tương đối thôi. Giao mùa mà, ai lại chẳng hay bị đau."

"Tương đối là lúc nào mình hẹn đi chơi cũng bận chứ gì?"

Hách ngưng tay đang bôi thuốc cho tôi lại. Tôi biết cậu ấy đang bối rối lắm. Câu hỏi của tôi chặn họng người ta quá mà.

Kể cũng lạ. Bình thường tôi lúc nào cũng chừa đường lui cho người khác hết, tôi vốn chẳng phải là một kẻ thích tranh xem thiệt hơn. Nhưng mà nhìn mặt Hách tôi lại muốn ghẹo vài câu mới chết.

Mặt Hách có vẻ suy nghĩ lung lắm, thì tại thằng tôi đây vừa ăn đấm của khách nhà cậu ấy xong chứ đâu. Tôi vừa định cười bảo mình đùa thôi thì Hách lên tiếng.

"Cuối tuần này mình rảnh này, vậy hẹn cuối tuần này nha?"

*

Tôi với Hách bắt đầu đi chơi với nhau. Tôi thích dùng "đi hẹn hò" với nhau hơn, nhưng mà tôi đã là gì của con người ta đâu, nên thôi không dám dùng.

Chúng tôi "đi chơi" cùng khắp những ngóc ngách Hà Nội. Trong tâm lí học có một liệu pháp gọi là "exposure", tôi nghĩ những cuộc đi chơi với Hách là một phương pháp giúp cho cái chướng ngại tâm lí của tôi với Hà Nội giảm bớt. Ít nhất là khi có Hách ở cạnh bên, tôi không còn quá ghét bỏ Hà Nội như trước.

Vì tôi không còn quá quen thuộc với Hà Nội, nên những nơi chúng tôi đi đa số đều là Hách gợi ý. Từ những nhà hàng Âu, Á, Trung Đông ngon đến ngạc nhiên đến những quán cà phê trông rất cũ mà có lẽ kí ức của tôi vẫn còn vài hình ảnh mờ nhạt. Mà nhờ thế tôi mới biết Hách là một người rất sành ăn.

Lần nọ chúng tôi tới một nhà hàng nằm trong một ngõ nhỏ rất hay ho. Nhà hàng đó bán thực đơn theo ngày, là bất kì một thực đơn nào mà đầu bếp, cũng là chủ nhà hàng, muốn nấu vào ngày hôm đó. Hách, thật ra cũng không ngạc nhiên lắm, là khách quen của nhà hàng. Cậu ấy chẳng cần đặt trước gì cả, chỉ cần gọi cho ông chủ một tiếng là có ngay một bàn nho nhỏ ngoài vườn cây trồng rất nhiều thược dược.

Hôm đó tôi được ăn ba món Ý ngon nhất do một người không phải người Ý nấu. Mà phải biết là một tên travel blogger như tôi thì có cái mồm khó tính với đồ ăn như thế nào cơ chứ. Tôi thì cứ vừa ăn gnocchi vừa gật gù mãi không thôi còn Hách thì cười một cách rất kiêu.

Rõ ràng mà, đây là một chiến thắng của cậu ấy. Chiến thắng trái tim tôi.

Một hôm hiếm hoi, chúng tôi đi ăn trưa. Giữa đĩa cơm nóng, li trà đá mát lạnh, và những câu chuyện vô tình, Hách kể cho tôi nghe về bố mẹ của Hách.

Bố mẹ của Hách ở Hà Tây, từ hồi học cấp 2 là cậu ấy đã lên Thủ đô để học. Hách mê Hà Nội, mê tà áo blouse trắng, cũng mê luôn những vị thuốc bắc ở nhà người bác mình ở. Vậy là Hách nộp hồ sơ vào ngành y học cổ truyền.

Thật lạ lùng, đa số sinh viên học y sẽ muốn học y đa khoa, hoặc là dược, hoặc là răng - hàm - mặt. Tôi ít gặp ai còn trẻ mà mê cái ngành nghe qua liền thấy sự già nua của thời gian này. Nhưng Hách, với tư cách cá nhân, đã là một cá nhân lạ, thì sao tôi lại lấy làm lạ khi điều lạ ở Hách đã trở thành một điều rất đương nhiên.

Một lần khác tôi đèo Hách tới một quán cà phê cũ tôi biết mà vừa hay cậu ấy cũng quen. Quán trú trong một căn hộ tầng trệt của một chung cư cũng cũ chẳng kém, phía trước là một sân vợt mà người trong khu hay chơi.

Tôi đỗ xe trước quán trong sự ngạc nhiên là quán vẫn còn mở cửa sau bao nhiêu năm tôi không về lại Hà Nội. Playlist nhạc vẫn là mấy bài hát từ hồi mới giải phóng, đến cả ly tách xếp trên kệ vẫn là những cái ly bi hơi mẻ miệng quen thuộc.

Hách nhìn thằng tôi đứng sững ra giữa cái không gian chỉ có ba mấy mét vuông ngập ánh đèn vàng của quán, rồi chẳng nói chẳng rằng nắm lấy tay tôi. Tôi giật mình nhìn sang cậu ấy.

Hách cười với tôi. Một nụ cười rất nhẹ thôi, chỉ nhẹ như một chiếc lá bàng đỏ sậm đáp đất sân vợt vào một ngày đầu xuân nào đó trong kí ức. Mắt tôi bỗng đỏ hoe. Tôi quay đi, rất vội.

Đây chỉ là những lần "đi chơi" vô thưởng vô phạt, tôi không thể để cho Hách thấy những vết sẹo mà tôi đã giấu rất kĩ kia được. Thế nên là tôi dụi mắt đôi lần, rồi nắm lấy bàn tay Hách vốn đã nằm gọn trong bàn tay tôi, kéo đến quầy gọi nước.

Đèn ngoài sân vợt tuy lúc tỏ lúc không, nhưng những câu chuyện Hách kể với tôi cùng những ngón tay đan chặt không buông làm cho tôi thấy mình đã cảm nhận được sự dịu dàng lớn thứ hai trong đời sau vòng tay của mẹ.

Tiếng mẹ cười qua điện thoại tối hôm đó sau khi nghe tôi kể lại không hiểu sao chẳng hề làm tôi thấy xấu hổ. Tôi cười đáp lại mẹ, nói thêm vài câu vớ vẩn và ca cẩm rằng mình nhớ mẹ biết bao nhiêu.

"Thôi đi ông tướng ơi", mẹ tôi thở dài một tiếng rất kịch, "Ông đừng có đánh trống lảng."

"Con có đánh trống lảng cái gì đâu?"

"Vừa kể chuyện đi chơi với thằng cu Hách xong không cho tôi hỏi tiếng nào đã quay sang nói nhớ mẹ cơ à, là tôi đẻ ra anh đấy."

Tôi cười phì. Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tôi có lớn cỡ nào thì về đến nơi thì mẹ vẫn trị được tôi thôi.

"Dạ thưa mẫu hậu đại nhân, mẫu hậu đại nhân muốn hỏi cái gì ạ?"

"Hỏi cái gì à? Hỏi cái gì nữa? Hỏi xem là rốt cuộc anh có thích thằng bé không chứ gì nữa?"

"Thích thú gì hả mẹ, mới tí tuổi đầu," tôi mơ màng nhìn bể cá để trên bàn, nằm đè trên mấy đơn thuốc đậm màu do Hách viết được tôi giữ lại.

"Thôi mày nín đi, mẹ lớn tuổi rồi không có thời gian đùa đâu nhé," giọng mẹ tôi bắt đầu nâng lên một tông mới mang tên "nói chuyện biết điều đi". "Mày thích thì cứ bảo là thích, hồi giờ mẹ có ý kiến gì mày bao giờ."

"Dạ thì thích," tôi lăn từ ghế xuống cái nệm còn hơi lành lạnh, "Nhưng mà thích thì cũng có được cái gì đâu. Cậu ấy trông có vẻ chỉ xem con là bạn thôi."

"Mày ngu lắm con ạ."

Mẹ tôi bắt đầu một tiếng đồng hồ giáo dục tư tưởng cho tôi về việc vì sao Hách rõ ràng là cũng thích tôi. Sao dạo này mẹ nói chuyện tình yêu sành sõi thế nhỉ? Tôi vừa vắt tay lên trán nghe mẹ nói vừa nghĩ. Mẹ tôi phân tích từ cách Hách nói chuyện với tôi, tới cách Hách cười với tôi, rồi trời ơi, cách Hách hỏi mẹ về tôi và hằng hà sa số các thứ khác mà bà thấy được.

"Nói chung là thằng bé bật đèn xanh đấy, anh cứ liệu mà đối xử với nó cho tốt", mẹ tôi chốt một câu xanh rờn.

"Con mới là con trai của mẹ đó mẹ yêu dấu của con ơi," tôi vừa cười vừa nói.

"Thế nên mẹ mới chỉ cho mày thấy đấy", mẹ tôi cười khẩy, "Gặp trúng đứa nào khác thì tôi giấu thằng bé ngay rồi nhé."

Tôi thực sự nghĩ đến chuyện mẹ tôi đã nhận Hách làm con nuôi trong thời gian tôi bay lượn khắp nơi. Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, mẹ tôi còn cưng cậu ấy thì cái thằng được mẹ đẻ ra và nuôi cho lớn từng ấy năm làm sao mà không thích cậu ấy cho được. Nhỉ?

*

Rằng mà là thì, tôi vẫn chẳng có chút tự tin nào là cậu ấy thích mình. Người trẻ ấy mà, vài buổi đi chơi, vài dòng tin nhắn, vài cái nắm tay cũng chẳng nói lên được điều gì.

Biết đâu cậu ấy chỉ đi chơi với tôi vì tôi giúp hiệu nhà cậu ấy đuổi đám điên khùng kia thì sao? Biết đâu cậu ấy chỉ đi chơi với tôi vì không muốn tôi cản trở bác cậu ấy với mẹ tôi thì sao? Ôi rồi biết đâu tôi với cậu ấy không hợp tính nhau? Biết đâu cái này, và biết đâu cái kia.

Từng cái "biết đâu" bay lòng vòng trong đầu tôi mỗi khi tôi nhìn gương mặt Hách đang ngồi sau yên xe tôi qua kính chiếu hậu. Vậy là biết bao từ ngữ định nói thành câu đều nghẹn lại trong lòng.

Thế nên là, dù tôi vốn là cung sư tử mà trang 12 cung hoàng đạo vẫn hay bảo rằng rất hợp với người cung song tử như Hách; thì tôi vẫn lặng im không đả động gì về vấn đề tôi cảm thấy thế nào hay là cậu ấy cảm thấy thế nào.

*

Một ngày đầu tháng tám, Hách nhắn tin vòi tôi đèo đi ăn ốc.

Tháng tám là một tháng lí tưởng để ăn ốc, Hách bảo tôi vậy khi tôi vừa sang tới hiệu thuốc. Tầm này, những đợt nhiệt kinh người ở Hà Nội đã dịu bớt, tôi nghĩ cuối tháng hẳn là thời tiết sẽ bắt đầu se se lạnh thôi. Mà thế tức là đầu tháng người ta ăn ốc có thể uống bia hơi ướp lạnh, cuối tháng thì ăn ốc uống rượu hâm nóng cũng được luôn. Tôi cười đồng ý.

"Này, mũ mới của cậu này", tôi đưa cho Hách cái mũ bảo hiểm giống hệt cái tôi đang đội, điều khác biệt duy nhất là nó mới toanh và có thêm một chiếc chong chóng tre màu vàng.

Hách quyết định mua một cái mũ bảo hiểm để ngồi xe máy cho dễ chứ đội mãi cái mũ bảo hiểm xe đạp thì kì quá. Nói trắng ra thì, chỉ đi chơi với mỗi tôi là Hách ngồi xe máy thôi, chứ bình thường Hách vẫn đi con xe đạp ngầu ngầu kia. Nên là tôi ok ngay, cả lúc Hách bảo tôi giữ mũ cậu ấy đi cho tiện.

"Minh đội cho mình đi", Hách vừa cười vừa nhìn tôi.

Bố tổ, học cái trò này ở đâu ra thế?

Tôi đội mũ cho cậu ấy, miệng thì ca cẩm lung tung (dù tôi chẳng biết tôi đang nói gì) mà tim đã dội trống đùng đùng trong ngực. Dại trai đến thế là cùng Minh ạ.

Quán ốc cậu ấy chỉ nằm ở một con phố trông thẳng ra mặt Hồ Giám. Quán một ngày giữa tuần không đông lắm, tôi với Hách ngồi một bàn ngoài vỉa hè cho thoáng. Ốc ở đây bán theo chảo, Hách gọi tận bốn chảo ốc các loại. Ban đầu tôi còn thấy không có gì, nhưng khi phục vụ bàn bưng bốn chảo ốc to tướng ra thì tôi liền nhướng mày. Hách thấy thế thì cười.

"Ăn hết đấy mà, đừng có lo", Hách lau sạch hai cây nĩa nhỏ rồi đưa cho tôi một cái.

Đúng là nói trước bước không qua.

Đêm về phố hơi lành lạnh, tôi vừa uống cốc bia pha loãng của mình vừa nhìn Hách ngồi đối diện mình mà nấc cụt. Mấy chảo ốc trên cái bàn nhựa đỏ tính ra vẫn còn đầy ắp nhưng cả hai chẳng ai đụng tới. Vì không hiểu làm sao mà hôm nay cả tôi lẫn Hách có vẻ đều khát bia hơn là thèm ốc.

Chúng tôi kêu cả một két bia. Tôi phải lái xe, nên chỉ uống mấy cốc đầu cho vui, còn về sau chủ yếu là Hách uống. Khác hẳn vẻ mặt ghét bỏ với loại đồ uống có cồn này thường ngày, hôm nay cậu ấy uống liên tục hết cốc này đến cốc khác. Uống đến độ tôi hơi hốt hoảng.

Tôi chắc mẩm hoặc là hiệu thuốc có chuyện, hoặc là cậu ấy lại vừa cãi nhau với tên bạn thân chí cốt. Dù là cái gì đi nữa, thì tôi cũng tự tin là mình có kinh nghiệm nghe cậu ấy than ngắn thở dài đủ nhiều.

"Uống nhiều thế, hôm nay có tâm sự à?" Tôi mở lời, đặt vài con ốc vào chén cậu ấy. "Uống nhiều mà dạ dày rỗng không là sẽ bị đau đấy ông tướng ơi."

Tôi hoàn toàn không ngờ được hành động của mình sẽ dẫn đến một hậu quả vô cùng to lớn.

"Sao Minh lo cho tôi quá vậy?" Một cái nấc cụt. "Tôi có là gì của minh đâu?"

Cảm giác lâng lâng của mấy cốc bia vô thưởng vô phạt nãy giờ tự nhiên biến đi đâu mất. Gió từ mặt hồ thổi vào người làm tôi tỉnh hẳn trước câu hỏi của Hách.

"Thì", tôi hơi ngắc ngứ, "Chúng mình là bạn mà?"

"Chỉ là bạn thôi à?"

Tôi nhìn đôi má đỏ hây hây của Hách, mông lung không biết phải nói gì.

Giữa tôi và Hách không chỉ là một cái bàn nhựa đỏ, cũng không phải là mấy chảo ốc còn đầy. Mà kẹt ở giữa chúng tôi là một khoảng lặng rất dài, chất chứa rất nhiều những lời thú nhận chưa nói, rất nhiều cảm xúc không dám đặt tên và một sự nối kết lạ kì.

Hách nhìn tôi chăm chăm mà tôi vẫn không nói được câu nào. Hách thở dài. Tiếng thở dài của Hách làm tim tôi đập lệch một nhịp.

Cậu ấy né cánh tay tôi với sang cản cậu ấy rót thêm bia ra cốc. Tôi bối rối chẳng biết phải làm sao, chỉ có thể sượng trân nhìn cậu ấy một hơi uống hết cốc bia hơi che được hơn nửa khuôn mặt của cậu ấy.

Cốc bia bị đặt cái cạch xuống bàn.

"Sao Minh lại ghét Hà Nội thế?"

Hả?

Như là đọc được cái từ cảm thán rất thật đó trong ánh mắt của tôi, Hách hỏi lại, bằng một giọng nhấn chữ rất kịch.

"Tôi hỏi là tại sao Minh lại ghét Hà Nội thế?"

"À", tôi gãi đầu, "Thì có vài chuyện gia đình ý mà..."

"Chắc chắn là nói điêu!" Tự nhiên Hách nấc lên thành tiếng, nước mắt bắt đầu chảy ra hai bên đôi gò má hồng vì men rượu.

Tôi hoảng hồn, dợm đứng dậy sang dỗ cậu ấy thì bị cậu ấy quát cho một tiếng.

"Ngồi im đó!" Hách tay quệt nước mắt tay chỉ vào tôi. "Không có đi đâu hết á! Ngồi im nghe tôi nói cho hết rồi muốn cút đi đâu thì cút!"

"Nhưng mình có định cút đâ-"

"Im!"

Tôi đành ngậm bồ hòn ngồi xuống. Hách chưa từng say xỉn trước mặt tôi bao giờ nên tôi chẳng biết cậu ấy sẽ cộc cằn đến thế lúc men rượu lên đến não. Thôi thì cứ làm theo lời cậu ấy bảo trước đã.

"Chắc chắn-", cậu ấy lại uống một hớp bia, "Chắc chắn là anh yêu ai rồi chia tay ở Hà Nội nên anh mới- hic- anh mới ghét Hà Nội như vậy!"

Tôi nhíu mày. Cái lí luận khỉ gió gì vậy?

"Tôi biết đám đàn ông như anh quá mà!" Cậu thì không phải đàn ông chắc. "Anh chắc chắn là chưa quên được người ta!"

"Làm gì có người-"

"Thôi anh không phải chối!" Cậu ấy khóc dữ hơn. "Tôi đã hỏi bác Nhung rồi!"

Hỏi mẹ tôi cái gì cơ? Đầu tôi hiện đầy dấu chấm hỏi.

"Bác Nhung bảo hồi trước anh quen bạn nữ nào lâu lắm, chia tay bạn nữ đó là anh đi biệt tăm không về Hà Nội luôn!"

Tôi thật sự cần nói chuyện lại với mẹ. Chính tôi còn không biết tôi có người yêu cũ hồi nào nữa. Đã thế lại còn là bạn nữ. Có người bạn là nữ nào của tôi thích đàn ông đâu?

"Mẹ mình bịa đó, mình đã có người yêu bao giờ?" Tôi vò đầu bứt tóc.

"Bịa cái gì, bác Nhung còn cho tôi xem hình anh chụp với bạn ấy đấy nhé! Tôi sẽ mách bác Nhung là anh nói bác bịa chuyện!!!" Hách vừa hít mũi vừa lục tìm điện thoại.

Tất nhiên là khi say đến mức làm càn như thế thì tay chân cũng chẳng thể ngoan ngoãn nghe theo lời chủ nhân của nó rồi. Hách đang quờ quạng tìm từ túi áo khoác tới túi áo khoác khác thì cái điện thoại vốn đã nứt màn hình của cậu ấy rơi xuống đất.

Cậu ấy sững lại, nhìn chăm chăm cái điện thoại hình như đã nứt thêm mấy đường to tướng, mắt bắt đầu óng ánh nước. Đến lúc này thì tôi không thể mặc kệ được nữa. Tôi đứng dậy, cúi xuống nhặt điện thoại cho Hách, rồi nhanh chóng thanh toán trước khi Hách bắt đầu trận xả lũ lần hai.

Tôi kéo Hách lên xe, đội mũ bảo hiểm, cầm hai tay cậu ấy vòng qua hông mình, bắt cậu ấy ôm thật chặt rồi khởi động xe. Tất cả đều được thực hiện trong một sự nỗ lực mà đời sau tôi cần ghi nhớ.

Gió đêm Hà Nội thổi vào mặt. Nước mắt của Hách thì ươn ướt một bên vai áo. Tiếng Hách lẩm bẩm những câu chửi vô nghĩa, mà đối tượng hướng đến chính là thằng tôi đây, văng vẳng cùng với tiếng xe cộ trên đường về. Tôi tự nhiên thấy buồn cười.

Cậu ấy cáu đến mức đó cơ à? Tôi cũng không biết vì sao cậu ấy cáu với tôi, nạt nộ tôi mà tôi lại thấy buồn cười nữa. Chắc là vì tôi biết cậu ấy cũng thích tôi rồi đi.

Vậy là người dân Thủ đô được chứng kiến hình ảnh một chiếc Vespa chở hai thằng con trai, một thì cười toe toét đến là sợ, một thì dựa vào tên đằng trước mà khóc rấm rứt. Ôi một buổi tối bình thường của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

*

Một buổi tối bình thường của Thủ đô nghìn năm văn hiến của tôi lại tiếp tục bằng một sự việc không bình thường là mấy.

Đi được nửa đường về tới hiệu thuốc thì tôi chợt nhận ra Hách đâu thể đạp xe về nhà như mọi hôm được. Mà cái khó là tôi không biết nhà cậu ấy.

Ừ, tôi đèo cậu ấy đi chơi hơn một tháng, điểm mốc luôn là hiệu thuốc bắc nhà cậu ấy. Cậu ấy chưa bao giờ bảo tôi sang nhà đón, cũng chưa bao giờ bắt tôi đưa về tận nhà.

Tôi dừng xe lại, quay người nhìn Hách. Hách vẫn đang nhắm nghiền đôi mắt sưng vù vì khóc quá nhiều, tay vẫn đan chặt quanh hông tôi, đầu vẫn dựa vào một bên vai tôi.

"Hách ơi", tôi đưa tay chọt chọt hai má của Hách, "Nhà cậu ở đâu để mình còn đèo về."

Đáp lại tôi là: "Biết nhà tôi làm gì- hic- tôi với anh là bạn bè mà- biết nhà tôi- làm gì..."

Tôi thật sự là không biết nói gì hơn.

Tôi nghĩ đến việc gọi điện cho mẹ nhờ gọi cho bác Hưng để hỏi địa chỉ nhà Hách nhưng rồi liếc qua cái đồng hồ đã chỉ đến mười hai giờ kém tôi lại thấy nên thôi. Đứng đực ra giữa đường được năm phút thì tôi nghĩ, thôi, chơi liều ăn nhiều.

Thế là tôi đưa Hách về trọ của tôi.

Bật đèn phòng trọ với Hách đeo theo một bên người thế này làm tôi không quen lắm, nhưng đành chịu thôi. Tôi thích cậu ấy thì tôi đành chịu.

Tôi tháo hết giày, tất và áo khoác rồi để Hách nằm lên cái nệm mét tư yêu dấu của tôi. Hách lăn một vòng sang phía bên kia tấm nệm rồi co người lại ngủ thiếp đi. Trông đáng yêu hết sức, tôi phải lấy điện thoại ra chụp lại một tấm làm của riêng.

Cái phòng trọ tôi thuê chỉ có một phòng ngủ. Và vì một mục đích rất trong sáng là đưa Hách về nghỉ, tôi quyết định tối nay mình sẽ trải chiếu ngủ ngoài phòng khách. Tránh trường hợp ngày mai cậu ấy tỉnh dậy lại đánh tôi, dù tôi chắc là không đâu.

Đáng lẽ tôi đã nên học được bài học là tất cả những hành động tôi làm đều sẽ dẫn tới một hậu quả vô cùng to lớn từ lúc ngồi ở quán ốc chứ. Nhưng không.

Tôi vào phòng để kiểm tra xem cậu ấy ổn không sau khi thay sang bộ áo ba lỗ - quần xà lỏn ở nhà.

Trên tấm nệm bọc ga màu xám đậm, Hách vẫn nằm cuộn người. Tôi thấy đôi vai gầy lấp sau cái áo phông trắng của cậu ấy có hơi run rẩy vì lạnh. Tôi tiến lại định đắp chăn cho cậu ấy. Để lấy đà, tôi chống một tay bên cạnh cậu ấy, với sang để kéo tấm chăn, cố hết sức để không đụng phải cậu ấy.

Rồi tôi thấy cậu ấy mở mắt.

Tôi chửi thề một tiếng cùng lúc tôi bị kéo xuống.

Hách kéo tôi đổ ập xuống bên cạnh cậu ấy xong thì bắt đầu co chân gác ngang người tôi, tay cũng quờ quạng sao đó rồi yên vị trên bụng tôi. Tôi, đang mặc áo ba lỗ - quần xà lỏn, thì chỉ biết cứng đờ người nằm đó. Thở cũng không dám thở.

Mắt Hách lại nhắm nghiền trở lại. Tôi cứ nhìn trân trối lên cái trần nhà đã hơi mốc, không biết có nên giãy ra hay không.

Nhỡ làm Hách thức giấc thì sao hả thằng tôi ngu ngốc ơi?

Vậy là, tôi thở dài, mặc cho chiếc chiếu đã trải ngoài phòng khách, mặc kệ đèn phòng còn chưa tắt, mặc luôn khả năng sáng mai Hách dậy có đấm tôi hay không, tôi quyết định cứ nằm yên đó trong cái ôm của Hách.

Cái ôm của Hách rất ấm, rất mềm, cũng rất Hà Nội. Tôi không hiểu sao mình lại dùng từ rất Hà Nội để miêu tả vòng ôm của Hách, nhưng mà, ừ thì, đúng thật.

Hách là Hà Nội.

Hách thơm mùi thảo mộc, mùi của những vị thuốc bắc ở hiệu thuốc nằm trên con ngõ quận Thanh Xuân.

Hách dịu dàng, không phải cái dịu dàng của mùa thu, mà là cái dịu dàng một bình minh ngày hè thúc ép con người ta phải chiều chuộng mình với vài cây kem Tràng Tiền.

Hách ấm áp, ấm vừa vặn những tách trà châm sớm ấp trong tay lúc ngồi một quán cà phê đầu phố Hàng Đậu.

Hách cười rất đẹp, đẹp như những bông phượng đỏ rực che một nửa bầu trời chiều thơ thẩn ở Hồ Tây với hai bóng người đan xen đổ dài.

Hách hát rất hay, hay hơn rất nhiều ca sĩ tôi từng nghe trên đài, hay nhất là lúc tựa cằm lên vai tôi mà hát linh tinh mỗi buổi tối tôi đèo Hách về hiệu thuốc.

(Tôi luôn chọn đi đường vòng, vì đêm Hà Nội bỗng đẹp thật lạ, và tôi thấy thật vui).

Hách là Hà Nội của tôi.

Hách với mái tóc nâu lấm tấm mấy mảng xanh rêu, Hách với áo thun rộng hơn một cỡ, Hách với chiếc xe đạp tôi không biết gọi tên.

Tôi hít vào một hơi hương thơm thảo mộc từ mái tóc bông mềm của Hách. Không biết từ lúc nào mà tư thế của chúng tôi đã đổi thành: lưng Hách áp vào ngực tôi, tay tôi ôm ngang eo Hách, tay Hách nắm lấy tay tôi. Chắc chắn là một cái thế lực kì quái nào đấy làm chứ nào phải tôi.

Đèn phòng vẫn sáng. Tôi vẫn không biết liệu mai Hách có đấm tôi không. Nhưng ai quan tâm chứ, Hách vẫn ngủ ngon và ngủ ngoan trong vòng tay tôi. Thế là được rồi.

*

Ừ thì, Hách không đấm tôi. Nhưng Hách tỉnh dậy nhìn thấy tôi rồi không thèm nhìn mặt tôi nữa.

"Xấu hổ cái gì?" Tôi vừa cười vừa lay Hách, "Xỉn thôi mà, có gì đâu mà xấu hổ?"

Hách giữ chặt cái chăn không cho tôi thấy mặt cậu ấy.

"Đi đánh răng rồi ra ăn sáng ông tướng ơi, trốn mãi trong chăn cũng chẳng làm được gì đâu", tôi vỗ mông Hách bộp bộp rồi đi ra phòng khách.

Trên bàn phòng khách đã bày sẵn hai phần bánh cuốn nóng tôi vừa chạy bộ mua về. Chỗ hồi tôi hay ăn lúc ở đây không còn bán nữa, thế là tôi phải tra google để tìm ra một hàng cách đó tận 2 con đường. Tôi cầm hai phần bánh cuốn về mà lòng ngổn ngang trăm mối.

Năm phút sau thì Hách mon men bước ra phòng khách, dù cậu ấy vẫn tránh ánh mắt tôi như tránh tà. Tôi đẩy một phần bánh cuốn sang cho Hách, thúc cậu ấy ăn nhanh kẻo nguội thì mất ngon. Hách ậm ừ rồi cũng cầm đũa.

"Cậu nhớ hôm qua cậu làm gì không?"

Hách giật thót một cái, rồi vờ như bình tĩnh lắm, nhỏ giọng trả lời tôi.

"Nhớ."

Tôi hỏi thế thôi chứ tôi biết cậu ấy nhớ chứ. Chỉ cần nhìn cách mắt cậu ấy nhìn tôi lúc vừa tỉnh chuyển từ ngạc nhiên đến đờ đẫn rồi xấu hổ là tôi biết cậu ấy nhớ hết.

Tôi mỉm cười, buông đũa.

"Mình không biết hình mình chụp chung với người yêu mẹ mình đưa cậu là cái hình nào-"

"Mình bịa đó", Hách ngắt lời tôi, mặt cậu ấy hơi ửng hồng, "Bác Nhung bảo mình bịa thế."

Trời đất hỡi ơi người mẹ yêu dấu của tôi ơi. Thế là tôi gật đầu, hỏi tiếp.

"Cậu muốn biết tại sao mình không thích Hà Nội không?"

Hách ngẩng đầu nhìn tôi, lần thứ hai trong cả buổi sáng.

"Lúc nãy đi mua đồ ăn sáng, mình định mua cho cậu ăn thử bánh cuốn nóng chỗ mình quen từ nhỏ, ngon lắm, nhưng mình đi đến ngã tư đó rồi lại không thấy cô đâu. Hình như cô chuyển hàng đi đâu đó, hoặc là cô đã nghỉ bán từ lâu", tôi hơi ngưng lại, "Dù là cái nào thì, mình cũng nhận ra bây giờ mình đã hoàn toàn không quen gì Hà Nội nữa."

Hà Nội thay đổi nhanh lắm, dù cho nhìn như chẳng có gì thay đổi cả. Cách những vết sẹo im lìm cho tôi biết điều đó.

Tôi bảo Hách là, tôi không hề ghét Hà Nội.

"Đừng hiểu lầm", tôi nói, "Mình yêu Hà Nội lắm."

Tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Hà Nội. Tôi biết đọc, biết viết, biết vui, biết yêu, biết buồn, biết giận hờn hay đau đớn đều ở Hà Nội.

Tôi từng là thằng nhóc tóc đen một tay cầm li nước sấu đạp xe qua mấy dãy phố để hít hà mùi Hà Nội suốt cả thời cấp hai. Tôi cũng từng là kẻ cầm cái máy ảnh du lịch gia đình chụp lại mọi ngõ ngách mà tôi yêu ở Hà Nội những năm cấp ba. Thế rồi lên đại học, tôi vẫn yêu Hà Nội.

Nhưng Hà Nội lại chẳng còn dành cho tôi nữa.

"Tại sao?" Hách từ lúc nào đã đến ngồi cạnh tôi. "Tại sao Hà Nội lại không dành cho Minh nữa?"

Tôi chợt nhận ra mình đang khóc, và bàn tay thì đang siết lấy thành ghế đến căng cứng. Hách nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra để đặt vào lòng bàn tay cậu ấy.

Tôi kể cho Hách nghe về một cuộc hôn nhân đổ vỡ và một gia đình chỉ để lại cho nhau những vết sẹo trên da.

Mẹ tôi cưới bố tôi vì ông bà ngoại bắt ép. Ở cái tuổi mười tám đôi mươi đẹp nhất của một người con gái, mẹ tôi phải gạt đi tình yêu mới chớm nở, gạt đi tự do và khát vọng tuổi trẻ, gạt đi những niềm vui tầm thường mà to lớn, để gả cho một người mình chỉ mới gặp hai lần.

Nhưng rồi mẹ tôi có tôi và bố tôi lúc đấy vẫn còn là một người đàn ông rất tốt, nên mẹ tôi nghĩ, cuộc đời mẹ vẫn còn hạnh phúc xiết bao.

Hạnh phúc, những ngày lễ, bố tôi dành tặng mẹ những bông hoa ly còn e ấp chưa nở. Hạnh phúc, những ngày chủ nhật, gia đình ba người sẽ dạo quanh công viên. Hạnh phúc, những bữa tối, bố sẽ kể về ngày của bố và mẹ sẽ cười nhìn đôi mắt tôi ánh lên theo từng câu chuyện bố kể.

Hạnh phúc đó mong manh quá đỗi.

Tôi, mười tuổi, vẫn còn ngóng chờ hình bóng bố đi làm về và vỗ đầu tôi. Tôi, mười một tuổi, nằm im không nhúc nhích nổi khi nghe tiếng bố mẹ cãi nhau và đồ đạc rơi vỡ. Tôi mười ba tuổi, đạp xe sau đuôi xe bố đến nhà người mà bố yêu. Tôi, mười lăm tuổi, lần đầu tiên dám phản kháng lại bố.

Tôi nhớ hình ảnh mẹ tôi ngồi khóc, và tôi, ngày cuối cùng của tuổi mười sáu, nói với tòa rằng tôi muốn ở với mẹ.

"Vụ li dị kéo dài hơn một năm, dù có bằng chứng ông ta ngoại tình và bạo lực gia đình", tôi thầm thì vào hõm vai của Hách, mắt ráo hoảnh.

Tôi nhớ hình ảnh một tên sinh viên mặc áo sơ mi chưa kịp ủi, ăn bữa cơm ngoài đầu tiên trong mười tám năm cuộc đời. Đôi lúc tôi cười vì ngày xưa sao trái tim tôi mong manh quá, ăn có bữa cơm thôi mà giàn dụa cả nước mắt. Rồi giờ tôi có ăn bữa cơm nhà nào nữa đâu, đấy là sự phát triển nhân vật đấy.

"Rồi tại sao cậu lại đi?" Hách vuốt tóc tôi, hỏi khẽ.

"Thì không dành cho mình nữa, nên mình đi thôi", tôi cười.

Ba năm tôi đi mà Hà Nội đã khác. Khác không nhiều nhưng đủ làm tôi hốt hoảng giữa những tấm áp phích và hàng quán lạ. Rõ là người làm nghề như tôi mà lại lạc lối ở Hà Nội thì chẳng bõ cái tiếng tăm. Thế mà tôi thấy mình lạc thật. Từ hồi nào lâu lắm.

Tôi nhìn quanh quất Hà Nội mà mơ hồ chẳng thấy vết tích của một thời tuổi trẻ của mình nữa, thế là những khích bác của Hà Nội đối với mấy vết thương của tôi cũng bỏ đi mất dạng.

Như là, gần Hồ Tây không còn cái hàng trà đá tôi hay ngồi. Rồi cái quán nhậu tôi đi suốt hồi năm hai cũng đã dẹp. Còn nhà cũ của tôi đã đập đi xây lại, sang cả mấy đời chủ.

"Nên là hàng bánh cuốn nóng tự dưng biến mất, mình đã không còn ngạc nhiên nữa, mình chỉ nhận ra vài điều, thế thôi."

*

Chúng tôi nằm dài trên ghế cả buổi sáng. Cả hai chúng tôi đều lặng yên không nói gì, nhưng đó là một sự yên lặng dễ chịu với bàn tay Hách nắm lấy bàn tay tôi và tôi gối đầu lên đùi Hách.

Cuối giờ chiều, tôi đèo Hách về nhà, nhà của cậu ấy.

Phố phường Hà Nội đông đúc trong một ngày mát mẻ. Trên chiếc Vespa, Hách vòng tay ôm tôi như đã rất quen.

Đường về nhà Hách ngắn ngủi quá. Nhà của cậu ấy là một căn chung cư cũ ở cách phòng trọ của tôi chưa tới bốn cây số, đi mấy phút là tới nơi. Tôi tiếc rẻ lắm chừng, tiếc nhất là vòng tay Hách vẫn đang ôm lấy tôi.

Đi gần tới nơi, bỗng nhiên Hách cất lời.

"Minh này."

"Hửm, làm sao?"

Hách yên lặng một lúc.

"Minh có muốn hết, ừm, không thích Hà Nội không?"

Tôi mỉm cười, tôi vốn đã hết - không - thích Hà Nội từ một ngày nào đó của tháng tư rồi.

"Làm sao để hết không thích Hà Nội nhỉ?"

Tự nhiên tôi thấy một bên khẩu trang mình bị tháo ra, và rồi khi tôi chưa kịp thốt lên lời nào, Hách hôn lên một bên má tôi.

Tay lái tôi loạng choạng suýt nữa đã đâm vào xe bên cạnh.

Sau khi nhận phải câu chửi từ người ta, cùng với tiếng cười giòn tan của Hách bên tai, tôi mới vững tay lái lại được. Tôi ngơ ngác sờ lên má mình, cách một lớp khẩu trang mà Hách đã mang lại cho tôi, vẫn không nói nên lời.

Hách cười khúc khích sau lưng tôi.

Tôi dừng xe lại trước sân chung cư nhà Hách. Trong một khoảng im lặng, hai chúng tôi cứ ngồi trên xe như thế.

Rồi tôi hít một hơi, xuống xe.

Hách, vẫn ngồi trên yên chiếc Vespa của tôi, vẫn đội cái mũ bảo hiểm giống hệt tôi, vẫn đang mặc bộ đồ đi hẹn hò với tôi tối qua, nhìn tôi bằng một đôi mắt rất vô tội.

Tôi cầm lấy tay cậu ấy.

"Như nãy là sao?"

"Sao là sao?" Mắt Hách cong cong nét cười, rất rõ là đang ghẹo tôi.

"Sao-", tôi cứ ngắc ngứ không nên câu, "Sao lúc nãy- lúc nãy cậu hôn mình?"

"Cậu biết cách nhanh nhất để thích một nơi là gì không Minh?" Hách xuống xe, tay vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay tôi.

"Là gì?" Tôi đần ra trước khoảng cách thật gần giữa tôi và Hách.

"Là thích một người ở nơi đó đó. Vậy nên", Hách nghiêng cầu, cười, "Minh thích mình đi."

Tôi nhìn Hách. Hách nhìn tôi. Mặt trời hạ xuống sau những tòa nhà cao thấp của Hà Nội. Hà Nội. Hà Nội không của tôi. Hà Nội của tôi.

Hà Nội không của tôi hay Hà Nội của tôi, đều vì nụ cười của một người mà thôi.

Thế nên tôi nghiêng người, hôn Hách.

*

("Hồi đó chuyện mẹ cậu với bác tớ to như cái cột đình ở đấy, làm sao mà dám đi chơi với cậu."

"Giờ hết to rồi hả?"

"Ừ, bác Nhung bảo là chẳng to tát gì, cứ cứu lấy cuộc đời chán chường của thằng con bác giúp bác."

"Nhưng mà cậu có thích mình mà phải không?"

Hách nhìn tôi như thể tôi là một tên ngốc.

"Cậu nói điiiiiiiii", tôi dài giọng.

"Tất nhiên là tôi thích anh rồi anh Minh của tôi ơi.")

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #nahyuck