Chương 02. Mẹ
Mỹ An và Kiều Vy là bạn từ thuở nhỏ, với hai tính cách trái ngược nhau, nhưng lại trở nên thân thiết một cách kỳ diệu. Cả hai đã trải qua những kỷ nghiệm đáng nhớ, cùng nhau đối mặt với vô vàn thử thách và niềm vui.
Ngồi phía sau xe, Mỹ An đang tận hưởng không khí chiều tà. Bầu trời vẫn còn ánh dương cuối ngày, tô điểm những đám mây mảnh mai, hoá thành gam màu ấp áp. Dọc theo con đường, những cửa hàng và quán cà phê mở cửa, thu hút những người qua đường, ghé qua.
Những toà nhà cao tầng bên cạnh đèn đường bắt đầu toả sáng, ánh đèn lung linh của thành phố về đêm. Nàng cảm giác như bản thân đang hoà mình vào cuộc sống đô thị, tấp nập người qua lại.
Kiều Vy tiếp tục cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, chia sẻ những sự kiện diễn ra trong ngày, "Bữa nay bên phòng mày sao rồi, ổn không?" Cô bạn rẽ vào một con hẻm nhỏ, chiếc xe gắn máy vẫn lăn bánh chầm chậm trên đường, "Bên tao thì mọi người vui tính lắm, việc làm không hết."
"Người phụ trách của tao không có đi làm." Mỹ An ngồi nhích lại gần, dùng âm thanh vừa đủ nghe, nói vào tai cô bạn.
"Sao vậy? Đi công tác hả?" Kiều Vy nhìn nàng qua gương chiếu hậu. Khuôn mặt của nàng trông có vẻ mệt mỏi nhưng vẫn giữ được sự thanh thoát và quyến rũ. Đôi mắt nàng trong veo và tĩnh lặng, đôi gò má nhẹ nhàng.
Mỹ An lắc đầu, giọng nói ỉu xìu, "Không phải! Tao nghe mọi người trong văn phòng nói loáng thoáng là người đó về quê có việc gia đình."
Kiều Vy 'à' một cái, không nói gì thêm. Cả hai vẫn duy trì sự im lặng cho đến khi tới phòng trọ. Kiều Vy dắt xe vào trong, sực nhớ điều gì đó, quay ngoắc lại nhìn Mỹ An, hí ha hí hứng nói, "À mà nè. Chị Thùy phụ trách của tao nói, kế bên công ty có mấy quán ăn ngon rẻ lắm. Mai mình đi thử nha."
Nàng có một cô bạn với tâm hồn ăn uống mãnh liệt, như một nhà nghiên cứu nhiệt huyết của thế giới ẩm thực. Bất kỳ chủ đề nào liên quan đến đồ ăn đều khiến Kiều Vy phấn khích và bàn luận. Cô ấy không chỉ là người thưởng thức món ăn, mà còn là người đam mê khám phá những ngóc ngách ẩm thực mới.
"Có khi nào tiền lương không đủ trả tiền ăn." Mỹ An đặt balo xuống ghế, ngồi bệt dưới đất tháo giày.
Nhớ hồi năm nhất, cả hai cũng xin đi làm thêm, quay qua quay lại tới cuối tháng nhận lương, chưa ấm túi đã phải chi trả toàn bộ tiền nợ nào là tiền thuê trọ, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt cá nhân, tiền rác, tiền wifi, tiền ăn, tiền uống, vân vân. Hết sạch sành sanh không còn xu dính túi, phải chạy về xin gia đình.
Kiều Vy bịt tai đi vào phòng tắm như muốn chạy trốn đi hiện thực. Mỹ An chỉ biết bật cười cho qua, cầm bình nước ra tưới hoa ở ban công. Bỗng chốc, Mỹ An nhớ tới mấy chậu cây sắp héo khô ở chỗ làm, định bụng ngày mai sẽ tưới nước giúp người phụ trách kia. Nếu đó là bàn làm việc của nàng thì tốt biết mấy. Nhất định, nàng sẽ đem thêm mấy chậu hoa ở đây lên văn phòng, trang trí cho góc nhỏ của mình.
Tắm rửa xong thì Kiều Vy nhận được cuộc gọi từ bạn bè, rủ đi ăn. Cô có hỏi qua ý kiến của Mỹ An, nhưng Mỹ An ngại nên từ chối. Hiểu tính đứa bạn thân của mình, Kiều Vy đành đi mình ênh, hứa sẽ mua về ít đồ ăn cho nàng.
Ngồi ngắm cảnh đêm ở ban công, Mỹ An cầm một tô mỳ nóng hổi trong tay, hương vị phảng phất lan toả. Nàng nhấm nháp từng sợi mỳ, cảm nhận mùi vị.
Dưới phố là tiếng xe cộ, nhưng ở đây, trên ban công là một không gian yên tĩnh và thư giãn.
Tiếng điện thoại đột ngột vang lên, phá tan sự yên tĩnh đáng có. Nàng ngó mắt nhìn lên màn hình, hiển thị cuộc gọi từ - Mẹ. Người phụ nữ luôn bận rộn với công việc đến mức, lễ trưởng thành của con gái cũng không đến dự. Dĩ nhiên, nàng chưa bao giờ oán trách mẹ vì sự hờ hợt với gia đình.
Nàng đặt tô mỳ sang một bên, nhấc máy, "Dạ mẹ."
"Ngày đầu thực tập thế nào?" Giọng một người phụ nữ lớn tuổi vang lên bên tai. Cách nhau một cái màn hình, nàng vẫn cảm nhận được sự bận rộn qua tiếng gõ phím lạch cạch.
"Dạ ổn ạ."
Hai người im lặng mất mấy giây, mẹ nàng mới lên tiếng, "Nếu có bất cứ vấn đề gì thì cứ nói với mẹ. Việc gì mẹ cũng sẽ giúp đỡ."
Mỹ An cảm thấy một chút ấm áp tràn ngập trong lòng, như là ánh đèn dịu dàng chiếu sáng, nàng cong khoé môi, lộ ra nụ cười không quá rõ ràng, "Con cảm ơn mẹ, mọi thứ đều suôn sẻ. Dạo này mẹ vẫn khoẻ ạ?"
Mẹ Mỹ An ngừng tay, nhấp ngụm trà, đôi mắt âu yếm, "Khoẻ. Công việc cuối năm luôn gấp gáp, nhưng mẹ vẫn kiểm soát được. Con ăn uống có đúng giờ không đấy? Đừng có ăn mấy cái đồ ăn nhanh kia nữa, không tốt cho sức khoẻ đâu. Hết tiền thì cứ nói, mẹ chuyển cho một ít để xài."
Người lớn vẫn luôn như vậy, càm ràm những câu lo lắng mà khi bạn còn trẻ, bạn sẽ thấy điều đó thật phiền phức. Nhưng khi trưởng thành một chút, bạn càng khao khát được nghe mẹ càm ràm bên tai những yêu thương vô hình kia.
Cảm thấy có chút chột dạ, nàng liếc nhìn tô mỳ đã nguội lạnh kia, gãi gãi đầu, Mỹ An cười, "Dạ, con sẽ ăn uống đầy đủ và giữ gìn sức khỏe. Mẹ đừng lo lắng."
Mẹ Mỹ An nhìn con gái qua bức ảnh gia đình đặt ở bàn làm việc với ánh mắt đầy tình yêu thương, "Con làm việc chăm chỉ, mẹ tự tin con sẽ thành công. Hãy giữ tinh thần lạc quan và luôn nỗ lực. Mẹ yêu con."
Đôi mắt nàng đỏ hoe, dường như có chút nhớ mẹ, "Con cũng yêu mẹ nhiều lắm. Mẹ giữ gìn sức khỏe nhé, đừng làm việc quá sức."
Cuộc gọi kết thúc, Mỹ An nhìn vào đèn phố nhấp nhô. Mặt trời đã lặn hoàn toàn, để lại bức tranh đêm dần buông xuống, ánh đèn thành phố trở nên ấm áp và lấp lánh. Mỹ An mím môi, cố ngăn dòng cảm xúc của mình lại, cố nuốt hết phần mỳ còn lại.
oOo
"Chừng nào thì con về lại trong nam, Linh?" Mẹ Nhật Linh đang ẫm cháu trên tay lắc lư, liếc nhìn qua đứa con gái lớn già cái đầu còn đang muốn tranh đồ chơi với con nít, thái độ bất mãn.
"Chủ Nhật á mẹ. Mới nghỉ mấy hôm mà trưởng phòng đã gọi tới tấp rồi." Nhật Linh ngồi bệt dưới đất, dùng món đồ chơi vừa giành được, chơi đùa cùng chú chó con mà mẹ cô mới nhận nuôi từ nhà hàng xóm.
Chú chó tên Pi, nó có bộ lông mượt mà màu trắng len lỏi vài đóm đen ở tai. Đặc biệt, mặt nó có một cái hình mặt trăng ngay giữa hai mắt, trông rất buồn cười mà cũng đáng yêu.
Mẹ cô vốn là người miền nam nhưng sau khi ly hôn thì mang theo hai đứa con bay ra Hà Nội để làm ăn rồi chọn đây làm nơi dừng chân cuối cùng. Nhật Linh chỉ sống cùng bà cho đến khi thi vào đại học, cô mới trở lại trong nam, lên kế hoạch sống tự lập. Mỗi năm cô chỉ về thăm mẹ vào dịp lễ Tết hoặc có việc gì đó quan trọng. Giống như lần này, về thăm chị hai vừa mới sinh con.
Mấy năm gần đây, Ngọc Liên giới thiệu cho cô vào làm ở T&T, cùng với năng lực của bản thân, công việc ngày càng nhiều khiến Nhật Linh chẳng có thời gian để gọi điện cho mẹ. Chỉ toàn là bà chủ động liên lạc với cô.
Áp lực công việc là thế, Nhật Linh vẫn chưa từng có ý định sẽ thay đổi chỗ làm khác. Bởi vì, tiền lương ở đó khá cao, tương lai có tiềm năng phát triển, thăng chức.
Vốn dĩ, cô được sinh ra trong một gia đình không được trọn vẹn. Cha là kỹ sư xây dựng, ngày đêm ở công trường, mẹ thì ở nhà nội trợ. Mọi gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai cha Nhật Linh, vì vậy mà mỗi khi say sỉn trở về nhà, ông ấy đều trút hết mệt mỏi, tức giận lên đầu vợ con mình.
Đến một ngày, mẹ Nhật Linh gần như không thể chịu đựng được nữa mà quyết định vứt áo ra đi. Từ đó, cô cũng học được cách sống tự lập từ việc đi học cho đến tiền tiêu vặt. Không bao giờ để mẹ phải lo lắng về mình.
Một vài năm trước, sau khi trải qua mối tình đầu đầy vụn vỡ, đối phương chọn cách chia tay cô bằng những lời lẽ như dao cứa vào tim. Tệ hơn, họ lấy hết số tiền tích góp của cô đi đầu tư chứng khoán rồi mất trắng khiến Nhật Linh phải gánh một số nợ khổng lồ. Cô hạ cái tôi xuống đi vay mượn khắp nơi để trả nợ. Mất thời gian dài để tìm lại chính mình, vượt qua giai đoạn đau khổ đó.
Hiện tại thì cô khá ổn hơn rồi, nợ cũng đã trả xong, còn mua được chiếc xe hơi bằng cách thức trả góp. Vẫn ở nhà chung cư nhưng trong tương lai, cô đã có dự định sẽ tự thưởng cho mình một mái ấm nho nhỏ, đón mẹ đến ở cùng.
Ở cái tuổi đã qua ba mươi, Nhật Linh vẫn thường nghe họ hàng nhắc về chuyện kết hôn. Song, lần nào cũng như lần nấy, cô đều mỉm cười cho qua, hoặc đáp trả lại bằng lý lẽ chế giễu hôn nhân, "Hôn nhân như một ván bài. Được ăn cả, ngã về không. Thay vì đặt cược vào hôn nhân, con thà đặt cược vào chính mình." Cô nói với sự độc lập và tự chủ.
Nhật Linh là người phụ nữ hiện đại, sở hữu tinh thần tự lập và lòng độc đáo. Cô theo đuổi sự nghiệp của mình, đánh giá cao tự do và không muốn bị ràng buộc bởi những quy định truyền thống. Đối với cô, hôn nhân không phải là ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù xung quanh có áp lực và kì vọng về việc lập gia đình, Nhật Linh vẫn kiên trì theo đuổi đam mê cá nhân và sự độc lập. Cô tin rằng cuộc sống không chỉ định hình bởi hôn nhân, mà còn có nhiều hạnh phúc và ý nghĩa khác ngoài con đường truyền thống.
"Con phải lập gia đình, sinh con. Sau này già đi còn có con cái ở cạnh chăm sóc như mẹ bây giờ có hai chị em con đó." Mẹ Nhật Linh gõ nhẹ lên đầu cô, đứa con gái bướng bỉnh.
Nhật Linh ôm trán giả vờ rên rỉ, bĩu môi, cúi xuống hôn lên đầu con Pi, thản nhiên nói, "Khi nào già, con sẽ nuôi thật nhiều cún, bầu bạn cùng chúng nó."
Mẹ Nhật Linh chỉ biết lắc đầu nhìn con gái mình, ngày càng cố chấp với khái niệm độc thân.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro