Chương 2: Làm dâu
Bốn giờ chiều, chuyến xe về Sài Thành lặng lẽ đỗ bánh. Trời đã ngấp nghé mưa gió, gió tạt ầm ầm trước mặt, dưới làn mưa nặng hạt quét qua người nghe bỏng rát ghê lắm. Xuân buớc chơn xuống xe, nhòm cái lộng lẫy của chốn xa hoa mà nghe tiếng lòng mình xao xuyến. Sài Thành ngó sao lại đẹp quá chừng, những vì thời ấy có cô hàng may áo dài miệng cười nhiễu duyên, ba bốn khu chợ rôm rả tôm cá. Ấy vậy mà, trong thâm tâm của nàng dâu trẻ vẫn đọng lại chút gì ai oán. Phận làm dâu xa xứ người, tránh tiếng mẹ chồng cũng đâu khỏi điều thương nhớ quê hương. Bao nhiêu năm trời ăn ở với cha già, dầu là không cùng dứt máu mủ, cũng còn cái tiếng thương. Chớ thấy vậy, lòng nàng đau tiếc xiết bao.
Nàng theo chồng đi xe kéo chừng mươi phút thì tới dinh thự Thanh gia. Cái dòng họ này chẳng biết là phúc nhiều đến đâu, mà suốt đời mặc gấm ăn sang quá. Cả dinh thự ước chừng đã lợp bằng mười căn nhà của người ta. Bà Thanh Nương chống hông, nương cái mông đít ngoe ngoẻ đi trước cho đám gia nhân lon ton chạy theo gót bà hầu chực sẵn miếng trầu với trà xanh. Nàng cũng theo chơn chồng đi vô sau cùng.
Thanh gia rộng lớn bề uy, ấy thế mà ngót nghét chỉ có năm người ở. Cái thói kiêu của bọn máu mặt nó là như thế. Này là phu nhân, sau đến anh cả trong nhà là Thanh Đức Sang, đến chồng và nàng, cuối là em chồng Thanh Uyên. Trong nhà chỉ duy có Đức Trọng là mới cưới, anh em còn lại, nếu nói cho trắng ra thì đều rặt một lũ lăng nhăng. Tiêu biểu phải kể đến anh chồng, cô xanh cô đỏ rước về nhà là chuyện thường tình. Thanh Uyên thì khiêm tốn hơn, quen mãi hai ba người rồi thì chán, nhưng tột cùng cũng không dám đi xa hơn, bởi vì có bà mẹ quản rất gắt, bà là bà cưng con út nhất trên đời, hễ ai nói nặng nhẹ gì bà đều thét lác lên cho xem.
Ngày đầu tiên về làm dâu, nàng vô cùng khép nép kín đáo, đặng tránh được tiếng tai tiếng mắng. Quanh bàn gỗ, nàng và chồng ngồi một bên phải bàn thờ, còn Đức Sang và Thanh Uyên ngồi bên đối diện, bà Thanh Nương ngồi chánh giữa. Thanh Uyên bề ngoài tỏ rất trí thức, áo quần rất sẽ sàng, đầu tóc vấn gọn gàng, gấm lụa thơm phức. Đức Sang bộ dạng chỉnh tề, ngay ngắn, bởi cái đào hoa không cho phép thiếu gia luộm thuộm. Nhìn vào cái hào nhoáng của Thanh gia đã biết, cả cái thị trấn Luyên Mai đều một tay nhà này coi trách hết thảy.
Xuân kéo ghế ngồi với chồng. Đoạn, Thanh Đức Sang ngó qua bóng dáng liễu đào của em dâu thì trong lòng liền gợi ý duyên tình. Khốn cả, con đàn bà này lại của Đức Trọng. Có ngỡ đâu thiếu gia phải rước em dâu sắc mày mặn mà như thế đâu. Nàng đẹp một cách trong ngoài trọn vẹn, sắc môi tươi ngọt và ánh đoan thục làm say lòng đàn ông biết là bao. Vẻ nuột nà của con gái mười tám, bầu vú căng tròn của mẹ đẻ, sự tháo vát của vẻ da ngâm đen giòn, tất cả thu lại về ánh mắt của thiếu gia. Thanh Đức Sang không biết có là thiệt tình thiệt dạ hay không, mà xem chừng hắn đã say đắm nàng thơ rỗi duyên.
"E hèm." Bà Thanh Nương ho khan một tiếng, ý nhắc nhở đứa con trai đầu. Rồi bà tiếp lời uy nghị:
"Hôm nay, là ngày ra mắt của vợ thằng Trọng. Nó là Xuân. Vợ thằng Trọng, con biết mọi người trong nhà rồi phải không?"
"Dạ, con biết. Anh Trọng có lần kể cho con nghe." Nàng lễ độ cúi đầu xuống, bàn tay giấu dưới vành áo sờn nâu.
"Mai này ăn ở trong Thanh gia, phải biết phép tắc, lễ nghi. Gà chưa gáy phải dậy sắp xếp bếp núc. Công việc nhà chớ có ngớt tay, tôi cho cô bước chơn vô cái nhà này đã là phúc phần, dâu út phải biết thân phận, nhà không môn đăng hộ đối phải biết vị trí. Nghe chửa?"
Bà hắng giọng nhất là hai, ba câu cuối, ngụ ý nhiếc lại cái cục tức không trôi khi mà con bà ngỏ lời muốn bà đích thân sang nhà dặm hỏi, lại còn ở đâu, ở ngay cái con mặt dạng nắng lưng đối trời, nhà cửa túng thế đến chừng phải đi làm con ở. Rồi thì cái gì, nó cũng nghểnh ngang lết lên được cái ghế "mợ Ba". Để bà xem, mày trèo cao thì cũng có lúc té đau. Bà Hội đồng này xem, còn vững được bao lâu, chừng có tỏ thiện, tỏ hiền, thì bà đây cũng ghét cho bằng.
Nàng thấy mình tủi thân ghê lắm. Cực khổ thế nào nàng cũng cam, nghèo đói đến đâu thân nàng cũng chịu. Vậy mà đổi có sự khinh thường thì nàng nhục. Vì cái đức nghèo nó ăn sâu bám rễ vào máu mủ của nàng, ờ, là cái dòng máu hèn hạ của những con đi ở.
"Dạ, má dạy con làm sao, thì con nghe theo đó." Nàng đon đả trả lời. Sau đó, nàng định mở miệng hỏi chuyện rằng:
"Dạ thưa má, từng hồi trước con nghe người ta nói rằng sau tuần lễ ăn ở nhà chồng, thì vợ chồng cùng thu xếp về quê ở nhà vợ. Con chỉ xin má trót thương con hai ngày ở quê, để con phụng sự cha già, để con nghe mùi đất mặn lần cuối."
"Mày nói chuyện cho chó nó nghe à! Lại có chuyện về thăm nhà đấy, mày những tưởng được cái danh mợ Ba rồi làm càn phải không!" Bà Thanh Nương phùng má mím môi đỏ lựng, tay bà đập xuống mâm trà đổ tứ tung. Thanh Uyên ở bên cạnh lại gần vuốt lưng bà đỡ giận, còn Đức Sang thở dài thườn thượt.
"Má, má làm dữ với vợ con quá, chớ vợ con có rằng rẽ sai trái gì cho cam!" Đức Trọng ôm nàng lại, đưa tay vuốt tóc để nàng trấn an phần nào.
"Cô thiệt tình muốn xin hai ngày về phải không? Vậy khi nào có giấy báo lên đây cha cô chết thì nhà nầy cho cô hai ngày về dưới lo ma chay đám cúng. Từ trước đến giờ, Thanh gia luôn có lệ, gái gả chồng phải theo chồng. Ở đâu ra cái ngữ về thăm nhà? Chuyện trên đây cô nhắm đã một tay thâu trọn hết chưa đã?"
Nàng chực trào giọt lụy trên mi, từng câu chữ đó xuyên thẳng vào tấm lòng người con gái. Trời ơi, phải chăng tôi làm gì sai trái, làm gì lỗi phải với trời đất, mà sao ông trời đày tôi đến cái nước chơn này, để rồi tôi phải tự bó chân xiềng tay ở cái chốn này? Hỡi ơi, rồi tía, rồi tía tôi thì làm sao? Chẳng nhẽ tôi bỏ tất để có được cái ngày bước chơn vào làm chính cậu Trọng đó sao? Thế tình đã biết, tôi đã quyết không dứt gót theo chồng phứt cho rồi, còn cái gì lấy làm cuộc đời tôi? Nàng vặn vẹo bản thân mãi thế, trong lòng đớn đau vô ngần.
Thanh Đức Trọng dỗ tay nàng rồi thì thầm:
"Thôi em đừng buồn. Má nói đúng, nhập gia thì tuỳ tục, biết kêu ai cho đặng hả em? Mỗi tuần cứ gửi thư về cho tía, lâu lâu thì gửi ít tiền, tía có bà con hàng xóm lo, em bận tâm chi cho cực cái thân mình hả em?"
Nghe chồng thủ thỉ, lòng nàng còn buồn rầu gấp mấy bận. Ngó qua lại cũng chỉ vậy, vợ phải theo chồng, dâu phải theo mẹ chồng. Chớ làm được cái gì? Dầu có sấp ngửa khóc lóc, họ cũng chẳng buồn động tâm đến mình.
"Dạ...má nói sao, thì con nghe vậy."
Bà cũng không buồn nói nữa, nhả miếng trầu vào dĩa, vừa chửi đổng vào thúc bọn bếp mang chén thuốc ra. Bà húp òng ọc một hớp, rồi dong dỏng tiếp lời:
"Thôi, bây ai về phòng nấy. Má sắp xếp xuôi thuận hết rồi, vợ chồng thằng Trọng ở phòng lớn bên sân sau". Rồi bà quay sang Hà Xuân. "Hôm nay nghỉ sớm đi, ngày mơi còn dậy sớm."
Buổi ra mắt kết thúc, tất thảy đều đứng dậy rồi đi khuất. Quay tấm lưng âu sầu, giọt buồn lặng lẽ lăn xuống, nàng tủi nhục cho chính cái phận nghèo của mình. Hỡi đâu nàng có muốn thân mình như thế đâu? Vì cái đức nghèo mà ông trời trót đeo vào người nàng, rồi nàng phải chịu muôn lời khinh rẻ, miệt thị.
Trong vô thức, nàng nhớ đến gương mặt khắc khoải của cha nuôi. Nhớ đến tấm lưng gầy còm và đôi bờ vai trĩu gánh nặng nề của ông, ông thương Xuân lắm. Chao ôi, bao ngày tháng nàng nép mình trong mái lá đơn sơ, cùng cười, cùng khóc với ông Hai, sao mà đẹp quá! Thế mà đoạn ký ức ấy tức thì dập tắt, khi mà cái câu nói của bà Thanh vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí nàng.
Làm dâu xa nhà, cũng là lẽ thường tình.
*********
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro