Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Cánh diều bay trên bầu trời chiều muộn

Tôi tin rằng trên đời có một kiểu tình yêu như thế.

Tôi từng nghĩ rất nhiều, rằng liệu tình yêu có bao nhiêu hình dáng?

Là những mối tình có hình dáng méo mó vặn vẹo, khi con người ta lao vào nhau như thiêu thân lao mình vào đám lửa rồi làm nhau đau. Là những mối tình dịu dàng mềm xốp như một áng mây bay trên trời, người ta đến với nhau như gió vờn qua mây mát mẻ nhẹ nhàng rồi bên nhau hạnh phúc như trong cổ tích. Là những mối tình lúc ban đầu thì nồng nàn thắm thiết, rồi về sau cũng chỉ còn là những mảnh vụn vỡ không dám quay đầu.

Nhiều. Tình yêu muôn hình vạn trạng, cho dù bạn có sống lâu tới nhường nào, trải đời tới bao nhiêu, bạn cũng đếm không xuể được dáng hình của tình yêu trên thế giới này.

Và, đã từng có một tình yêu như thế. Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã định sẵn cho mối tình này một ngày kết thúc. Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi đã đếm rõ được những tổn thương để lại sau chia tay, nhưng chúng tôi càng rõ hơn mình đã bắt được bao nhiêu hạnh phúc khi đang yêu. Chúng tôi đặt ra trước một hạn định thời gian cho nó, giống như một chiếc đồng hồ hẹn giờ, khi nó kêu lên, ấy là lúc chúng tôi chia tay nhau, mỉm cười quay lưng đi về hai phía trên con đường nọ. Giống như một hồi còi tàu hỏa vang vọng, tiếng loa phát thanh rè rè cất lên trên sân ga, giờ khắc ngửi thấy mùi dầu máy nồng nàn bốc lên, ấy là khi tôi biết, chúng tôi sẽ chính thức xa nhau.

Chúng tôi rồi sẽ gặp lại, nhưng mãi mãi sẽ không thể cùng nhau viết nên một thiên truyện mà cái kết của nó ngọt ngào như trong cổ tích, rằng: thế rồi họ sống bên nhau mãi mãi về sau.

Nhưng chúng tôi biết rõ, bản thân mình đã, đang và sẽ say đắm ra sao, cũng yên bình thế nào khi chuyện tình ấy bắt đầu, và lòng tôi rất đỗi dịu êm trong khoảnh khắc tạm biệt mà biết rõ rằng bản thân mình và người kia sẽ tiếp tục sống tốt.

Sống rất tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với tiếp tục sống hạnh phúc.

1.

Duy Thuận gặp Huỳnh Sơn lần đầu tiên khi sân trường ngập trong màu nắng vàng của mùa hạ, khi sân trường tập nập những bóng áo trắng học trò qua lại, khi tiếng loa đài của trường cấp ba có chất lượng âm thanh không tốt lắm, cứ kêu lên lè rè mặc kệ người nói có cố gắng nói rõ ràng rành mạch đến thế nào. Tiết trời trong ngày tựu trường không được đẹp cho lắm, nắng đổ xuống sân trường gay gắt từ sáng sớm, chói chang.

Bầu trời trên cao xanh ngắt không có lấy một gợn mây.

Khối lớp 10 bị lùa xuống sân trường xếp hàng nhận lớp và nghe nội quy, mồ hôi đứa nào đứa nấy túa ra như tắm, mấy cái ô che nắng của hội con gái giơ lên như những cây nấm đủ loại màu sắc và họa tiết khiến cho sân trường trông nhốn nháo và lộn xộn vô cùng.

"Chẳng có tí quy củ nào cả!" Thầy giám thị có hơi đậm người, đứng thở phì phò bực bội dưới cái nắng, bất lực vì đám chim ri ở dưới nói chuyện như pháo rang mặc cho thầy có la hét thế nào.

Duy Thuận đứng bên cạnh khẽ liếc nhìn thầy, đồng phục chẳng nghiêm chỉnh gì cho cam, tóc tai cắt ngắn dựng ngược lởm chởm trên đầu, trên bắp tay còn buộc một cái khăn có màu cam rực rỡ in logo của đội bóng rổ trường trông rất bắt mắt.

Thầy giáo hình như bắt được ánh mắt của Thuận, thầy quay lại, ngón tay run run chỉ thẳng vào mặt anh:

"Còn cậu nữa! Hôm qua gặp tôi đã dặn rồi, ai cho cậu vuốt tóc? Ai cho cậu cạo lông mày thế kia?"

Duy Thuận đưa tay gãi đuôi lông mày, một đường cắt ngọt xớt nối từ lông mày cho tới một bên tóc cạo trắng, không cãi nửa lời, Thuận chỉ nhoẻn miệng cười với ông thầy giáo đang tức đến nỗi gần như là xì khói.

Ông thầy bắt anh tháo cái khăn buộc trên cánh tay ra, Thuận tháo ra rồi lại tiện tay dắt nó vào đỉa quần.

Hết nói nổi, thầy giáo quay ra nói vào mic:

"Các anh chị mà còn ồn nữa là tôi cho đứng đến trưa!"

Lúc này sân trường mới thôi nhốn nháo, thầy quét mắt một lượt rồi chỉ vào Duy Thuận đang đứng bên cột cờ, nói:

"Các bạn mới vào nhìn tấm gương này cho tôi, con trai tuyệt đối không được để tóc dài, cắt ngắn gọn gàng hết cho tôi, cắt ngắn rồi tuyệt đối không được vuốt dựng ngược lên như thế này, nhìn có khác gì quả chôm chôm không?"

Duy Thuận lụng bụng trong miệng:

"Em ghét chôm chôm, thà rằng thầy bảo em là con nhím."

Thầy giáo tức đến mặt đỏ tía tai:

"Anh im ngay cho tôi! Tiếp, các anh không được cạo lông mày, không được kẻ vạch trên tóc như anh này, nghe rõ chưa? Tôi mà bắt được thì tôi đuổi về ngay. Không đeo khuyên tai, đồng phục phải cho áo trong quần, anh Thuận anh sơ vin vào ngay cho tôi! Tháo ngay cái khuyên tai kia ra!"

Thầy giáo quát tháo ầm ầm trên sân khấu, cái loa tội nghiệp thi thoảng lại í éo mấy tiếng rít chói tai, mấy đứa lớp 10 có máu nghịch ngợm trong người cứ chốc chốc lại cười ồ lên khi nhìn thấy biểu cảm chống đối của Thuận đi kèm với sự tức tối của thầy giám thị.

Thuận ngoan ngoãn tháo khuyên tai rồi sơ vin áo quần chỉnh tề hơn được một chút, thế nhưng cái khăn cam rực rỡ dắt ở thắt lưng cùng với mái đầu dựng ngược vẫn rất gợn mắt. Sau cùng Thuận đứng trên sân khấu mà quét mắt xuống đám chim ri khối 10 vừa mới nhập học, dáng vẻ anh không có vẻ gì là đang bị đứng phạt mà giống như được cho một cơ hội vàng để tăm tia học sinh mới hơn.

Bỗng, ánh mắt Thuận quét qua một dáng đứng nghiêm chỉnh nơi đầu hàng.

10A1.

Dáng người phía sau biển lớp 10A1 lưng thẳng tắp, đầu ngẩng cao, tóc tai cắt ngắn gọn gàng, quần áo đồng phục thẳng thớm trắng phau, và kèm với đó là một khuôn mặt rất đỗi điển trai, chỉ cần liếc qua thì sẽ gây dấu ấn rất đậm. Sân trường nắng đổ vàng hoe, nắng tưới lên làn da trắng ngần của người ở dưới, phủ lên vai áo trắng một quầng sáng rất mỏng tựa ánh hào quang.

Sân trường ngày hè không có gió, chỉ có nắng vàng, phượng đỏ và ve kêu râm ran khắp chốn. Người ở dưới đứng thẳng nghiêm trang như không hề để ý đến mọi chuyện xung quanh, cũng chẳng thèm nhíu mày lấy một cái vì ánh nắng chói chang, cậu chỉ đơn giản là đứng đó, cũng không biết là có nghe lọt tai một lời nào của thầy giám thị trên này không. Mặc cho bạn bè xung quanh cười đùa ồn ã, cậu bạn này vẫn chỉ đứng yên ở một chỗ, không gì lay động được, thi thoảng chỉ gật đầu rất khẽ khi có ai đó khều vai áo để nói chuyện riêng.

Sao mà làm màu quá.

Đó là suy nghĩ đầu tiên của Duy Thuận về người này.

Nhưng mà đẹp trai.

Đó là suy nghĩ thứ hai.

Dáng người khá ổn, không biết có chơi thể thao không. Nếu có thể kéo vào đội bóng rổ thì thật là tốt.

Đó là suy nghĩ thứ ba.

Thầy giáo đứng trên sân khấu nói thêm một hồi, tới lúc chính thầy cũng bắt đầu mệt thì mới thả cho đám học sinh về lớp.

Mấy đứa nghe được thả thì ùa đi như chim vỡ tổ, có đứa còn chạy thẳng một mạch về phía căn tin đề mua nước uống bù cho số mồ hôi đã đổ.

Phạm Duy Thuận đứng dưới cờ, vai xuôi xuống, chầm chậm bẻ cái cổ nhức mỏi, duỗi chân duỗi tay chán chê rồi mới bắt đầu dợm bước về lớp, cũng không quên nở nụ cười cầu hòa với thầy giáo. Thầy giám thị cũng là thầy giáo thể chất, Duy Thuận lại là đội trưởng đội bóng rổ, cũng coi như là dẫn dắt đội bóng của trường đi chinh chiến khắp nơi, hai năm học trước rinh về không ít cúp vàng cúp bạc, thầy giáo có không vừa ý tác phong của anh thì cũng không thể ghét anh nổi. Có thể gọi là cảm giác vừa yêu vừa ghét, miệng thầy thì quát, mắt thầy thì lườm nhưng lòng thầy thì vẫn thương.

Đi giữa sân trường ngập trong sắc đỏ của phượng vỹ, của băng rôn khẩu hiệu đón chào năm học mới và của ồn ào tiếng ve kêu, Thuận chỉ muốn rảo bước thật nhanh để về lớp ngồi điều hòa.

Bỗng có ai đó níu vai anh lại. Phạm Duy Thuận là một thanh niên nóng tính điển hình của mấy nhóc choai choai đã chơi thể thao mà lại còn hay giành chiến thắng, phản ứng đầu tiên của anh là khóe môi khẽ giật và những từ ngữ vi phạm tiêu chuẩn chốn học đường chuẩn bị được phun ra trước cả khi anh kịp nhìn xem ai là người đang giật mình lại.

"Cái đ... Ồ..."

Cái người làm màu khi nãy đặt một tay lên vai anh, tay kia cầm chiếc khăn lụa mà khi nãy rõ ràng anh đã dắt vào đỉa quần giơ lên.

"Khăn của anh."

Mắt to thật, sao mắt có thể to được đến như vậy nhỉ?

Da cũng trắng nữa, so trên da anh chắc phải lệch tới hai hoặc hai tông rưỡi.

"Ồ, cảm ơn em bé nha." Duy Thuận quen thói thả thính lung tung xưa giờ rồi, anh cầm lấy cái khăn rồi nhoẻn miệng cười, câu nói cảm ơn cùng từ "em bé" bật ra thật sự là bản năng – cái sự cợt nhả đã ngấm vào trong máu anh rồi. Duy Thuận thề anh không có ý gì khác,... hoặc là có, ừ thì!

Em bé quắc mắt nhíu mày, không đáp lời rồi quay lưng bỏ đi luôn.

Vai em bé rất rộng, người dong dỏng cao, lực tay cũng khá ổn. Phải tìm cách mời em bé vào đội bóng rổ của trường thôi.

2.

Lần thứ hai Phạm Duy Thuận gặp Nguyễn Huỳnh Sơn là khi cùng kề vai nhau trong đội diễu hành chuẩn bị cho ngày khai giảng của trường.

Cả hai được xếp đứng đầu đoàn diễu hành, áo trắng quần đen chỉnh tề, trên tay là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ.

Khi đó, hai người chỉ đứng cách nhau duy nhất một cái vươn tay, những lúc nghỉ giải lao giữa giờ tập, đứng nghiêng ngả một chút thôi thì vai áo sẽ chạm vào nhau rất khẽ. Trên đầu vẫn là trời cao trong xanh không một gợn mây, nắng mùa hè gay gắt từ sáng sớm, đội diễu hành đứng dưới tán cây phượng chẳng che được bao nhiêu nắng, đau khổ cảm nhận cái nắng khiến cho làn da từ từ nóng rát đỏ ửng lên.

Nguyễn Huỳnh Sơn, Thuận biết cậu tên Sơn sau khi nghe thiên hạ đồn thổi một vòng. Huỳnh Sơn thi đầu vào của trường đứng thủ khoa, số điểm của cậu thậm chí còn hơn điểm thi của anh hồi đó một chút.

Huỳnh Sơn khẽ thở dài dưới cái nắng, có lẽ vì đã bắt đầu mệt sau mấy vòng tập diễu hành. Sơn cúi người phủi qua loa lớp bụi trên phiến đá bao chung quanh bồn cây rồi ngồi ghé ngay xuống đó nghỉ mệt, lá cờ đỏ đặt ngả về vai phải, màu cờ hòa lẫn với màu áo trắng đồng phục và màu tóc đen mềm mại, không hiểu sao lại khiến cho Duy Thuận muốn chạm vào.

Thuận vẫn đứng ngay bên cạnh Huỳnh Sơn, lúc này cậu ngồi xuống, trông lại giống như anh đang cầm lá cờ giúp cậu chắn ánh nắng mặc dù hai người cũng chả ai nói với ai câu nào kể từ lúc bắt đầu đứng cạnh nhau tới giờ.

Có vẻ như một lần lầm lỡ gọi em là "em bé" của Thuận khiến cho Sơn né anh như né tà mất rồi. Cậu thậm chí còn chẳng thèm nhìn anh lấy một cái dù đội diễu hành đã bắt đầu phải tập duyệt khoảng hai ngày rồi.

Một cô bé chạy từ đầu tới đưa cho Thuận một chai nước mát lạnh. Má cô bé khẽ ửng hồng khi đưa nước cho anh bằng cả hai tay không biết do nắng hay do ngại, cô bé ngượng ngùng cúi đầu cười duyên.

Duy Thuận trước nay chưa từng nhận đồ của bất cứ ai, dù số lượng thư tình và bánh trái quà cáp mà anh nhận được từ đàn anh đàn em lẫn bạn học chung khối đều chẳng hề ít. Quà tặng nhân dịp ngày lễ tình nhân, thư tình ngày nào cũng xếp trong hộc bàn, bánh trái em nướng vì em hâm mộ anh, tất tần tật đều được trả lại cho chủ nhận của nó.

Thuận nhìn chai nước trước mặt rồi khẽ đánh mắt sang con người đang ngồi nghịch điện thoại ở dưới gốc cây kia, mấy tia nắng nhảy múa trên mái đầu em. Thuận nhìn thấy Huỳnh Sơn đưa mu bàn tay lên gạt đi một giọt mồ hôi vừa kịp chảy xuống thái dương.

Duy Thuận mỉm cười đón lấy chai nước từ cô bé, sau đó rất vô duyên mà dúi vào tay cô bé một tờ hai mươi nghìn xanh mướt vừa mới rút vội ra từ túi quần đồng phục.

"Cảm ơn em nhiều nha."

Thuận lắc lắc chai nước rồi thản nhiên mở ra uống.

Cô bé run run cầm tờ pô-li-me trên tay rồi lại nhìn Thuận cùng chai nước suối giá tám nghìn mua dưới căn tin, đôi mắt long lanh phức tạp chất chứa không biết bao nhiêu cảm xúc trong đó. Duy Thuận khá chắc là giữa những bối rối, tổn thương, thất vọng hay cảm xúc vụn vỡ gì đó đại loại thế, cô bé hẳn là sẽ ghét anh cho tới khi nào trưởng thành thì thôi.

Nhìn theo bóng dáng liêu xiêu chạy trốn của cô bé, Thuận chìa chai nước đã bị uống hết non nửa ra trước mặt Huỳnh Sơn.

Sơn ngừng tay bấm điện thoại, ngước mắt lên nhìn anh.

Thuận hất mặt lên hỏi:

"Uống không?"

Sơn nhìn anh rồi lại nhìn xuống chai nước, nghĩ ngợi mất một lúc rồi mới cầm lấy cái chai, vặn nắp rồi uống mấy ngụm, toàn bộ quá trình uống nước đều không chạm môi vào miệng chai.

Thuận cảm thấy thú vị không thôi, anh hỏi trong lúc khóe môi cứ không tự chủ được mà kéo dài ra tới tận mang tai:

"Em có muốn vào đội bóng rổ của tụi anh không? Tụi anh..."

Chưa kịp lôi những chiến công hiển hách ra để khè người mới, Huỳnh Sơn đã buông chai nước xuống, vặn nắp gọn gàng rồi đưa trả lại cho Duy Thuận, đáp lại rất đỗi nhẹ nhàng:

"Không anh ơi, em vào đội bóng đá."

Nụ cười trên môi ai đó đông cứng lại, loáng thoáng còn hình như nghe thấy tiếng một trái tim vụn vỡ rơi loảng xoảng dưới chân.

Để mà kể về mối thâm thù giữa đội bóng đá và đội bóng rổ thì...

3.

Duy Thuận thích chạy trên sân bóng rổ, nghe tiếng giày thể thao nghiến ken két trên nền của nhà thi đấu, nghe tiếng bóng đập xuống sàn không theo bất cứ quy tắc nào, nghe tiếng đồng đội chốc chốc lại la ó bên này bên kia gọi bóng, nghe mồ hôi chảy, nghe máu đi rần rần trong người, trong đầu và trong tim mỗi khi ghi bàn rồi lại chờ đợi khoảnh khắc hồi hộp tới mức não muốn căng ra trước những giây phút cuối cùng của một trận đấu và cùng đồng đội giành lấy được chiến thắng sau cùng.

Những chiếc cúp cứ thế chất đầy dần lên trong phòng truyền thống của nhà trường. Huấn luyện viên kiêm thầy dạy thể dục vui tới nỗi ngày nào cũng phải ghé qua phòng truyền thống vài bận chỉ để ngắm nghía lau chùi mấy cái cúp, thi thoảng lại đăng ảnh đội bóng lên facebook cá nhân rồi tag tá lả học trò vào. Duy Thuận là đối tượng số một bị thầy ghi sổ ở trường, nhưng cũng lại là cái tên đầu tiên thầy gửi lời thương yêu trên facebook.

Sân bóng đá nằm ngay trước nhà thể chất, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ không thiếu thứ gì. Mấy bóng đèn cao áp cứ sẩm tối là lại được thắp sáng trưng, có hẳn vài băng ghế sạch đẹp cho cổ động viên lẫn khán giả ngồi xem thi đấu. Sân bóng rổ lại nằm ở một góc sân phía bên hông nhà thể chất, dù được trang bị đầy đủ thì cũng không thể sánh được với đội bóng đá bên kia. Khán giả của đội bóng rổ cũng chả được mấy mống, đa số là anh em chung team hoặc chừng đâu dăm bảy cô cậu lớp dưới crush anh nào đó trong đội bóng nên đến xem cổ vũ rồi đưa khăn đưa nước.

Mấy lúc như thế, một vài thành viên ngứa đòn bên đội bóng đá vẫn cứ hay chĩa sang cười khẩy khi thấy số lượng khán giả hai bên rõ ràng là chênh lệch quá lớn.

Nhà thể chất lúc nào cũng được trưng dụng làm nơi dạy học, thành thử ra hai đội bóng của trường luôn phải tập luyện dưới cái nắng nóng gắt gao những ngày hè. Thiếu niên tim nóng đầu cũng nóng, cộng thêm thời tiết chẳng mấy dễ chịu gì cho cam, thành thử ra các cậu nhóc choai choai lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng nhảy bổ vào nhau. Chỉ cần huấn luyện viên lơ là thì một trong hai bên bắt đầu châm ngòi cà khịa nhau ngay tắp lự.

Nhiều lý do gộp lại khiến cho hai đội bóng lúc nào cũng hằm hè hục hặc với nhau, mà đa phần là do tuổi mới lớn háo thắng hơn thua, chúng tôi không hơn thua nhưng nhắm thấy sắp sửa thua thì chúng tôi không chịu được. Đội này khè có nhiều khán giả, là môn thể thao vua, đội kia thì lại lôi số cúp vàng cất trên phòng truyền thống ra mà đếm rồi hỏi "thể thao vua" đã có bao nhiêu cái cúp rồi. Lẽ di nhiên là không bên nào chịu nhường bên nào. Xuất phát điểm luôn là đấu võ mồm qua lại, lúc kết thúc thì kiểu gì cũng lại là một cái kèo hẹn nhau cổng trường tỉ thí chân tay.

Hảo hán không cúi đầu không trốn chạy, chưa từng có một cuộc xô xát nào thiếu thủ lĩnh đội bóng rổ Phạm Duy Thuận, gương mặt đại diện của đội bóng đá Nguyễn Huỳnh Sơn cũng chưa bao giờ vắng mặt.

Đám học sinh chăm chơi thể thao đứa nào đứa nấy cao to chắc nịch, hẹn nhau ở một đoạn đường vắng gần trường học, sách vở xe cộ vứt dạt hết sang một bên, gần hai mươi mạng hằm hè nhìn nhau.

Phạm Duy Thuận dẫn đầu, quét mắt qua cũng đã nhìn thấy Huỳnh Sơn đứng ở hàng thứ hai. Cánh tay chìa ra khỏi ống tay áo đồng phục không hiểu sao vẫn trắng dù đội bóng đá phải tập dưới nắng rất nhiều.

Phạm Duy Thuận tự bật cười với suy nghĩ hay là giờ anh khuyên gương mặt đại diện của đội bóng đá nên về trước kẻo bị đánh cho hỏng mặt tiền thì lấy ai chường mặt lên các bài truyền thông của đội nữa?

Chuyện hai đội bóng ghét nhau đã là chuyện từ đời nào, trải qua bao đời học sinh, cái sự ghét bỏ rồi thi thoảng lại kéo nhau đi đánh đấm thế này đã chẳng còn lạ. Huấn luyện viên hai bên đau đầu nghĩ trăm phương ngàn kế, cuối cùng vẫn đấu không lại độ trẻ trâu xốc nổi của đám thiếu niên mới lớn này.

"Đánh thế nào, anh?" Một cậu em trong đội ghé tai Duy Thuận hỏi nhỏ.

Thuận nheo mắt nhìn đám người trước mắt, nhếch mép cười:

"Chừa cái mặt ra, còn lại đánh tất cho tao."

Đứa nào đấy hô lên một tiếng vang trời, mặt trời xuống núi, bầu trời bắt đầu ngả sang màu hồng hồng tím tím của buổi hoàng hôn, đám thiếu niên đương tuổi bẻ gãy sừng trâu lao vào nhau như đàn bò tót bị nhốt lâu ngày, hùng hổ đánh đấm xen lẫn những tiếng chửi bới.

Giữa cơn đánh nhau, có đứa hô lên một câu kì cục:

"Nhớ chừa cái mặt ra để còn dễ chối tội!"

Một đứa khác rống lên:

"Kệ mẹ chúng màyyyyyyy!"

Đang lúc hăng máu, đám thiếu niên nghe đâu ra được một tiếng còi tuýt dài rõ ràng là rất giống tiếng còi của huấn luyện viên, có đứa nhanh nhạy hô to:

"Chết mẹ rồi, thầy đến."

Một câu thầy đến vừa vang lên thì trận đánh đã ngay lập tức ngừng lại.

Mấy đứa này sợ huấn luyện viên một phép. Hai ông thầy có cái kế là nếu phạt sẽ tăng cường tập luyện nhưng lại không cho lên sân thi đấu, đám choai choai đang tuổi chứng tỏ bản thân mà lại không được vào sân để sống còn với anh em thì còn gì là cuộc sống nữa. Nên cho dù có đánh nhau thật thì cả bọn cũng thề với nhau là sẽ không bao giờ để bị bắt hay khai bất cứ đứa nào khác ra. Chính vì thế, khoảnh khắc nghe thấy tiếng còi từ đằng xa vọng lại, cả lũ ngay lập tức bỏ chạy tán loạn không phân quân địch hay quân ta, có đứa còn ngã dúi dụi trước khi vơ được cái balo để leo lên xe đạp rồi vọt đi.

Phạm Duy Thuận nghe hai tiếng "thầy đến" thì giật mình thon thót, thân làm đội trưởng mà để bị bắt được là kẻ cầm đầu vụ ẩu đả nào thì hạnh kiểm tháng của anh cũng sẽ rơi xuống đáy, kèm theo đó là cấm thi đấu liền một học kỳ. Thuận chỉ kịp thốt lên một tiếng "chết mẹ" rồi tình cờ vớ được bàn tay của một ai đó. Tay phải nắm tay một người, tay trái nhặt vội cái balo nằm lăn lóc trên nền cát, vắt vội cái áo khoác đồng phục vắt vẻo trên vai rồi cứ thế kéo nhau chạy bán sống bán chết.

Gà bay chó chạy tán loạn một phen, Duy Thuận chạy mãi, thẳng cho tới lúc hai bên đường chỉ còn là đồng lúa chín vàng đã bắt đầu nặng trĩu bông, bầu trời đỏ rực trong cảnh hoàng hôn thì anh mới chịu dừng lại để nhìn xem người mà mình kéo chạy bán sống bán chết là ai.

Ồ...

Huỳnh Sơn cúi gập người thở dốc, mái tóc đã dài hơn những ngày đầu một chút bết mồ hôi dính trên trán. Một tay cậu ôm bụng, tay kia chống trên đầu gối, mãi một lúc lâu sau cũng không nói được gì.

"Anh là con trâu hay con bò hả ? Chạy không biết mệt à?"

Thuận nhoẻn miệng cười, vứt áo khoác đồng phục xuống ngay bên vệ đường rồi ngồi xuống.

Đoạn đường này mới được xây dựng thêm trong dự án đường vành đai của thành phố, cả một con đường rộng thênh thang chẳng có mấy người qua lại, hai bên đường chỉ có đồng lúa chín vàng và ánh hoàng hôn rực rỡ, phóng tầm mắt ra mãi xa mới nhìn thấy những mái nhà cao tầng của ngôi làng bên cạnh.

Thuận trải áo khoác làm chiếu, ngồi xuống một góc rồi vỗ vỗ vào phần áo còn thừa cho Huỳnh Sơn ngồi. Sơn cũng không khách sáo, cậu ngồi ngay xuống phần áo đó, khoảng cách giữa hai người gần nhau tới nỗi hai đầu vai cứ chốc chốc lại chạm vào nhau, luẩn quẩn trong khoang mũi là mùi hương của người ngồi cạnh.

Duy Thuận giơ ra một chai nước, Sơn chẳng nghĩ nhiều mà đón lấy rồi tu một hơi. Ráng chiều buông xuống khiến cảnh vật có vẻ buồn đi vài phần. Duy Thuận bắt chước Huỳnh Sơn khẽ ngả người ra sau, hai tay đỡ lấy thân người mình, một ngón tay trỏ của anh chạm vào ngón tay của Sơn rất khẽ.

"Thỉnh thoảng hay nhìn em ở sân bóng phía bên kia, chơi cừ lắm."

Huỳnh Sơn khẽ hỉnh mũi cười.

Đây là lời thật lòng trăm phần trăm.

Mối thù truyền kiếp của hai đội bóng là thật, nhưng Duy Thuận thỉnh thoảng lại không kìm được lòng mà ngắm nhìn Huỳnh Sơn cũng là thật. Chỉ là Thuận ấn tượng với cậu mà thôi. Điển trai, học lực tốt, hạnh kiểm tốt, đối với người lớn luôn chừng mực lễ phép, những ngày lễ tri ân lớn nhỏ trong trường, sân khấu lớn luôn dành một phần cho Sơn tỏa sáng. Huỳnh Sơn bất kể là trên sân cỏ, bất kể là bước đi giữa sân trường hay đứng trước toàn trường đọc những bài diễn văn phát biểu nhàm chán thì vẫn luôn tự tin, trên môi lúc nào cũng thường trực một nụ cười xán lạn chói chang mà ít ai ở tầm tuổi này có thể có được.

Ai đó có thể cho rằng Huỳnh Sơn kiêu ngạo, Thuận lại thấy đó chỉ đơn giản là đặc quyền của tuổi trẻ mà thôi, cả anh, cả cậu, và tất cả những ai đang ở cái độ xốc nổi máu liều nhiều hơn máu não này.

Huỳnh Sơn ngọ nguậy ngón tay trỏ rồi đè lên ngón trỏ của Duy Thuận, Thuận cũng nhúc nhích mấy ngón tay mình, cả hai cứ thế chơi đùa mãi với những ngón tay của nhau mà chẳng hề biết chán.

Ngửa đầu lên đón những đợt gió mát hiếm hoi lúc xế chiều, khẽ nhắm mắt hít hà hương lúa chín dưới cánh đồng bao la thẳng cánh cò bay, Thuận ước cho khoảnh khắc này dừng lại mãi.

"Dự định sau này của anh là gì?" Huỳnh Sơn bỗng mở lời sau những khoảng im lặng kéo dài.

Thuận khẽ quay sang nhìn cậu, thấy hơi buồn cười:

"Sao bỗng dưng lại hỏi sâu thế? Mình thân thiết tới mức đó rồi hả?"

Sơn nhún vai, không để ý đến câu châm chọc của anh mà chỉ nói:

"Anh chơi bóng rổ đỉnh mà, số cúp vàng kể từ ngày anh bắt đầu tham gia đội bóng chẳng phải là nhiều hơn so với ngày trước à? Thầy giám thị còn khen anh suốt. Mà học lực anh cũng đâu có kém, thi đại học dễ như trở bàn tay. Sau này anh có định tiếp tục chơi bóng rổ không? Hay cũng sắp đến lúc gác lại bóng bánh để tập trung cho tương lai sau này rồi?"

Duy Thuận nhìn lên bầu trời, đằng xa kia có một lũ nhóc đang chơi thả diều, những con diều bay lượn uốn éo mãi trên bầu trời.

Thuận chưa từng thực sự nghĩ tới tương lai sau này anh sẽ làm gì, sẽ tiếp tục chơi bóng rổ hay tập trung thi vào một trường đại học top đầu nào đó cho yên lòng mẹ cha. Anh vẫn lên lớp hàng ngày, vẫn hoàn thành xuất sắc bài vở và là tấm gương sáng trong đội bóng rổ, thế nhưng anh không thực sự nghĩ về tương lai.

"Ừ thì chắc là... tới đâu thì tới thôi."

Anh ậm ừ đáp.

Huỳnh Sơn cũng chẳng hỏi thêm gì, cậu học anh phóng tầm mắt ra xa rất xa, cũng chẳng rõ nhìn gì mà chăm chú đến thế.

"Còn em thì sao?" Duy Thuận bỗng nhiên lại tò mò.

Huỳnh Sơn vẫn nhìn đất nhìn trời nhìn ruộng lúa gì đó, khóe môi cậu hơi trễ xuống rất khẽ, mãi một lúc sau Sơn mới đáp:

"Hết năm này em sẽ sang Anh."

Thuận "hả" một tiếng, anh quay sang nhìn Sơn, bỗng dưng cảm thấy giống như lòng mình vừa bị ai đó cào mấy nhát, vừa mất mát vừa khó chịu tột cùng mà chính anh cũng chẳng cắt nghĩa nổi.

"Đột ngột vậy hả?"

Sơn lắc đầu:

"Kế hoạch này gia đình em đã vạch ra từ lâu lắm rồi. Hoàn thành cấp ba rồi học lên đại học ở nước ngoài, một năm ở lại này là vì em bị lỡ dở chuyện làm giấy tờ thôi, tới khi đủ lông đủ cánh rồi có thể chọn quay về làm cho nhà hoặc ở lại nước ngoài định cư luôn."

Thuận vẫn biết gia đình nhà Huỳnh Sơn rất giàu, nhưng anh chưa từng nghĩ về việc nhà cậu giàu đến thế nào.

"Đội bóng đá có biết chưa?" Anh nhẹ giọng hỏi, cố gắng để giọng mình không run.

Huỳnh Sơn lắc đầu:

"Chắc em sẽ tìm cơ hội nào đó để nói. Giờ thì chưa nói được, phải để tinh thần cho mọi người còn thi đấu hẵng."

Huỳnh Sơn chỉ chọn bừa một trường cấp ba trong khu vực để thi vào vì suy nghĩ dẫu sao cũng sẽ chẳng ở lại lâu. Ấy thế mà giờ tình cảm với anh em đồng đội, những kỷ niệm chẳng giống ai mà mái trường này cho cậu chỉ trong vài tháng ngắn ngủi khiến cho Sơn hơi chùn chân khi nghĩ tới chuyện bước đi.

Duy Thuận đứng dậy, thu dọn lại đồ đạc rồi khoác balo lên vai, sau đó hai người sóng bước bên nhau trong ráng chiều đỏ rực, suy nghĩ lẫn tình cảm trong lòng anh rối lên như đám tơ vò, chỉ muốn nói gì đó nhưng nửa chữ cũng không bật ra nổi.

-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro