thu ting gui 1 nguoi-trinh cong son-part5
Thư tình gửi một người - Kỳ 6
TTO - Hôm nay TTO trích đăng lá thư với những suy nghĩ của Trịnh Công Sơn về tình yêu: Trong tình yêu bao giờ người ta cũng có quyền chăm sóc cho nhau dù trông ra có vẻ lẩm cà lẩm cẩm. Tình yêu cũng cần được săn sóc, chăm bón như một loại hoa quí...
12/1/1967
Ánh thân yêu,
4 giờ sáng anh ngồi dậy đốt nến để nói với Ánh một vài chuyện nhảm nhí.
Nhắc lại một ý đã cũ: yêu nhau là đã có một compromis (1) nào đó với nhau rồi. Phải không? Anh cũng nhắc lại một câu đã nói với Ánh đêm Giáng sinh: Yêu nhau là đã có một hẹn ước dài hạn với nhau. Vì thế phải có bổn phận để hiểu là không thể có một hẹn ước (rendez-vous) nào đáng giá hơn.
Lâu nay anh vẫn đã cố gắng tôn trọng mọi tự do giao tế của Ánh. Đôi lúc còn khuyến khích Ánh tham dự vào những cuộc họp mặt đông đúc để Ánh vui. Để Ánh quên bớt những khoảng trống, những phút ưu tư vô ích, hay nhớ nhà v.v... Nhưng rồi bỗng cơn lo âu chợt đến. Anh cảm thấy e ngại khi nghĩ rằng dấn thân vào quá nhiều cuộc vui thì mình bỗng biến thành một thứ snobe, vulgaire, mondain (2) v.v... và mình không còn thì giờ để nghĩ đến mình nữa, không còn thì giờ để quay về với cái vẻ ấm cúng, nồng nàn của thế giới mình đã trót hẹn. Vọng ngoại quá nhiều chỉ làm hư hao, thiệt thòi mình thêm mà thôi. Ở trên lý do đó anh đã luôn luôn cố gắng tách rời đám đông, co mình về với mình - với Ánh. Ánh đã phải phải nhận ra điều đó từ lâu rồi phải không.
Trên phương diện tình cảm anh là một kẻ thủ cựu, ích kỷ không ai bằng. Điều này có thể làm phiền Ánh nhưng anh cũng không thể không lo lắng, bảo bọc cho tình yêu của anh.
Sau những lần hát hỏng, khi anh nói chuyện với một người con gái là anh nói với một - người - con - gái - ở - đám - đông - của - đám - đông. Nhưng khi Ánh nói chuyện với một người con trai nào, ngoài anh, là Ánh chỉ nói với riêng một mình người đó.
Anh không thích điều đó ở Ánh. Đừng bao giờ tự ái trên những cấm đoán này. Anh chỉ làm công việc của người bảo vệ những gì mình đang nâng niu trong tay.
Hãy dứt khoát với những gì ở ngoài mình. Anh chỉ khuyên như thế thôi.
Và để bắt đầu Ánh sẽ không dự vào buổi lễ gì.
Anh đã có đó để chọn những nơi mà Ánh sẽ đến cùng anh hay nếu không cũng đã có bạn bè của anh lo lắng cho Ánh. Cả Diễm cũng thế, Diễm cũng chẳng có quyền gì để buộc Ánh phải góp mặt vào những nới mà Ánh có quyền thoái thác.
Bao giờ Ánh hết yêu anh hẵng hay. Trong tình yêu bao giờ người ta cũng có quyền chăm sóc cho nhau dù trông ra có vẻ lẩm cà lẩm cẩm. Tình yêu cũng cần được săn sóc, chăm bón như một loại hoa quí. Nếu một hôm nào đó nó không còn được vẻ tươi mát bình thường thì cũng chỉ vì một bất hạnh quá lớn ngoài dự ước mà thôi.
Ánh đã 19 tuổi rồi đó. Tuổi mở ngõ vào cho những tình cảm chín muồi và những dự tính hoàn tất hơn cũ. Hãy nghĩ đến anh như anh đã nghĩ quá nhiều đến Ánh.
T' embrasse,
TRỊNH CÔNG SƠN
(1) Ước hẹn
(2) Kẻ thích ăn chơi, đua đòi, kẻ tầm thường
Hôm nay TTO trích đăng 2 lá thư của mùa đông ở Huế: "Mùa Đông như ru ngủ từ một hòn sỏi, một nóc nhà. Cái gì cũng có vẻ co mình, thiu ngủ. Nên càng thấy buồn, càng thấy nhớ Ánh hơn. Anh có cảm tưởng là Ánh cũng đang rét trong cái rét của mùa Đông ở đây".
Cuối bài là ca khúc Rồi như đá ngây ngô.
11-1966
Huế, 17/11/1966
Ánh thân yêu,
Buổi sáng đầu tiên ở thành phố anh trở về có trời lành lạnh của mùa đông và những gốc cây đen bám đầy rêu xanh thật mượt.
Đã đưa tất cả những gói đồ Ánh gửi.
Ý và Cường gặp anh mừng rỡ thật cảm động. Anh được hoãn như cũ.
Trời buổi sáng mây mù nhưng không mưa. Dòng sông nước đục ngầu, màu nước ngày lụt lội.
Buổi sáng anh dậy sớm và thấy mình như lẫn hẳn vào trong cái im lặng của thành phố. Những tiếng động ì ầm của Sài Gòn giờ như đã chìm hẳn thật xa xăm,
Thành phố vẫn chưa có gì thay đổi. Buổi sáng, anh đứng ở balcon nhìn mấy cô bé đi học mà tưởng như cũng có Ánh đang từ phía bên kia cầu đi sang. Cái áo nâu ngày đó chắc bây giờ Ánh phải mặc cao đến gối. Như thế mà cũng đã nhiều năm rồi đó. Anh đã nhìn Ánh lớn lên từ balcon nhà anh. Cho đến một hôm nào thì thấy đã không thể nhìn bàng quan nữa được.
Sáng nay Ý và Cường sẽ lên đây đi ăn sáng với anh. Anh dậy từ lúc 6g30. Ngồi ở thềm balcon hút thuốc và bàn tay thì lạnh như đã có lần Ánh thấy lạnh như thế.
Đã có một ít nắng nằm trên đọt cây cao đằng xa. Trời đẹp lạ lùng đó Ánh.
Buổi tối ở nhà. Trên trời có một vành trăng nhỏ.
Con đường trước mặt vắng và buồn.
Anh bỗng thấy thiếu Ánh kỳ lạ.
Lúc sáng đi ngang nhà Ánh thấy cửa đóng kín mít. Không còn một khóm dạ lan nào phía trước. Anh như đoán thấy vẻ hoang vắng bên trong. Trong mỗi căn nhà đã có những chỗ đứng, chỗ ngồi, chỗ nằm của từng đứa con. Tiếng nói tiếng cười như cũng vướng mắc đâu đó. Nên anh thường vẫn khó quên nơi mình đã lớn lên đã sống đã ở. Mùa xuân én sẽ về, lá sẽ xanh và những người thân mình cũng sẽ nhớ mình hơn bao giờ cả. Giữa những ồ ạt kéo về vui như hội của Tết, sự vắng mặt của mình là cả một điều tủi lòng.
Trăng đã xóa tan trên trời và mưa cũng đã rì rào trên hàng lá.
Mùa đông ở Huế kể cũng buồn lạ.
Giờ này chắc Ánh đang sửa soạn đi ngủ. Ngủ để khởi đầu cho một đời sống riêng tư của mình. Ngủ cũng để quên bớt một ít buồn phiền của ngày.
********************************
Huế, 18/11/1966
Trời Huế buổi sáng mà sương như trời Đà Lạt.
Sương la đà dưới vòm cây, trên cùng khắp. Anh mặc áo quần đi bộ xuống anh Ý. Gặp Trang giữa đường đang đi học. Trang nhờ anh gửi hộ thư cho Ánh.
Anh Ý và anh lang thang ở phố suốt ngày vì trời im thật đẹp và mát.
Nước sông vẫn còn đục ngầu, dâng lên cao hơn bình thường. Có mưa nhưng từng cơn mưa thật ngắn. Trời chuẩn bị cho người ta đi chơi với nhau và uống cà phê thật nóng.
Có lẽ Ánh giờ này đang nghe nhạc chủ đề. Sài Gòn mấy hôm nay có mưa không. Nhớ cẩn thận kẻo những buổi đi về bị cảm lạnh. Nếu bị cúm thì nhớ uống thuốc như thế này: Aspirine + Teramycine + Nivakine + Vitamine C. Uống chung với nhau một ngày ba lần. Toa thuốc để trừ dịch cúm hiện đang lan cùng mọi nơi đến đấy.
Về đây có bạn bè cũng vẫn thấy buồn buồn. Anh sẽ cố gắng vào thật sớm để đi chơi với Ánh.
Về Huế lần này anh thấy có một cái gì hơi thiếu thiếu, có lẽ là sự vắng mặt của Ánh ở đây. Anh vẫn như mong một điều gì mỗi ngày do một thói quen cũ của những ngày còn đợi Ánh sang thăm.
Anh Ý đang viết một vở kịch mới. Anh Cường đang tiếp tục vẽ tranh mới chuẩn bị cho kỳ triển lãm sắp tới ở Đà Nẵng. Cường mấy hôm nay bận rộn không ngừng mua nôi, sắm áo quần cho đứa con. Thấy cũng vui.
Đã nhiều năm anh chưa hề sống mùa Đông nào ở Huế. Kể cũng dễ có đến sáu bảy năm gì đó rồi. Chung chung vẫn cảm thấy buồn, một thứ buồn thật ảm đạm, hiu hắt.
Thấy nhớ Ánh kỳ lạ. Nhớ đến nản lòng. Buổi sáng con đường Lê Lợi cây xanh non và lạnh. Trang đi một mình trên con đường đó. Học giờ sau nên thấy đường vắng và Trang thật nhỏ như một chấm trắng trong cái màu xám lạnh của con đường, của trời thành phố.
Anh Kha đã về Sài Gòn có đánh điện tín về nhà. Tiếc là không có anh ở trong đó để chúng mình đi chơi với Kha mà nghe Kha kể về cái đảo nhỏ đó.
Mùa Đông như ru ngủ từ một hòn sỏi, một nóc nhà. Cái gì cũng có vẻ co mình, thiu ngủ. Nên càng thấy buồn, càng thấy nhớ Ánh hơn. Anh có cảm tưởng là Ánh cũng đang rét trong cái rét của mùa Đông ở đây.
Nhớ đừng ham chơi quá mà quên mất anh.
Đêm nhạc cổ điển thật hay. Cái hoa tournesol Ánh uốn theo sợi dây đèn vẫn còn buộc trên chóp cái tháp Eiffel nhỏ để trên chồng sách trước mặt anh. Những cái nhỏ nhặt đó thường đưa mình về lại cả một khoảng rợp mát mênh mông của những ngày tháng đã qua. Bao giờ cũng khơi dậy trong mình một vẻ mong manh của muộn phiền khi nghĩ đến những không may thường vẫn có của đời sống.
Ánh ơi, anh nhớ ghê lắm rồi đó nghe.
Thôi hãy ngủ yên đi nghe em.
Anh thăm Diễm và chị Dung
Yêu dấu,
TRỊNH CÔNG SƠN
12/1/1967
Ánh thân yêu,
4 giờ sáng anh ngồi dậy đốt nến để nói với Ánh một vài chuyện nhảm nhí.
Nhắc lại một ý đã cũ: yêu nhau là đã có một compromis (1) nào đó với nhau rồi. Phải không? Anh cũng nhắc lại một câu đã nói với Ánh đêm Giáng sinh: Yêu nhau là đã có một hẹn ước dài hạn với nhau. Vì thế phải có bổn phận để hiểu là không thể có một hẹn ước (rendez-vous) nào đáng giá hơn.
Lâu nay anh vẫn đã cố gắng tôn trọng mọi tự do giao tế của Ánh. Đôi lúc còn khuyến khích Ánh tham dự vào những cuộc họp mặt đông đúc để Ánh vui. Để Ánh quên bớt những khoảng trống, những phút ưu tư vô ích, hay nhớ nhà v.v... Nhưng rồi bỗng cơn lo âu chợt đến. Anh cảm thấy e ngại khi nghĩ rằng dấn thân vào quá nhiều cuộc vui thì mình bỗng biến thành một thứ snobe, vulgaire, mondain (2) v.v... và mình không còn thì giờ để nghĩ đến mình nữa, không còn thì giờ để quay về với cái vẻ ấm cúng, nồng nàn của thế giới mình đã trót hẹn. Vọng ngoại quá nhiều chỉ làm hư hao, thiệt thòi mình thêm mà thôi. Ở trên lý do đó anh đã luôn luôn cố gắng tách rời đám đông, co mình về với mình - với Ánh. Ánh đã phải phải nhận ra điều đó từ lâu rồi phải không.
Trên phương diện tình cảm anh là một kẻ thủ cựu, ích kỷ không ai bằng. Điều này có thể làm phiền Ánh nhưng anh cũng không thể không lo lắng, bảo bọc cho tình yêu của anh.
Sau những lần hát hỏng, khi anh nói chuyện với một người con gái là anh nói với một - người - con - gái - ở - đám - đông - của - đám - đông. Nhưng khi Ánh nói chuyện với một người con trai nào, ngoài anh, là Ánh chỉ nói với riêng một mình người đó.
Anh không thích điều đó ở Ánh. Đừng bao giờ tự ái trên những cấm đoán này. Anh chỉ làm công việc của người bảo vệ những gì mình đang nâng niu trong tay.
Hãy dứt khoát với những gì ở ngoài mình. Anh chỉ khuyên như thế thôi.
Và để bắt đầu Ánh sẽ không dự vào buổi lễ gì.
Anh đã có đó để chọn những nơi mà Ánh sẽ đến cùng anh hay nếu không cũng đã có bạn bè của anh lo lắng cho Ánh. Cả Diễm cũng thế, Diễm cũng chẳng có quyền gì để buộc Ánh phải góp mặt vào những nới mà Ánh có quyền thoái thác.
Bao giờ Ánh hết yêu anh hẵng hay. Trong tình yêu bao giờ người ta cũng có quyền chăm sóc cho nhau dù trông ra có vẻ lẩm cà lẩm cẩm. Tình yêu cũng cần được săn sóc, chăm bón như một loại hoa quí. Nếu một hôm nào đó nó không còn được vẻ tươi mát bình thường thì cũng chỉ vì một bất hạnh quá lớn ngoài dự ước mà thôi.
Ánh đã 19 tuổi rồi đó. Tuổi mở ngõ vào cho những tình cảm chín muồi và những dự tính hoàn tất hơn cũ. Hãy nghĩ đến anh như anh đã nghĩ quá nhiều đến Ánh.
T' embrasse,
TRỊNH CÔNG SƠN
(1) Ước hẹn
(2) Kẻ thích ăn chơi, đua đòi, kẻ tầm thường
******************************************
Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lối ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả...
Huế, 25/3/1967
Ánh yêu dấu,
Anh sang Trang vì nghe anh Cường bảo Ánh có gửi thư về đó. Nghe Trang kể lại những điều Ánh viết trong thư anh vừa thất vọng vừa buồn.
Bây giờ đã quá khuya. Chương trình chủ đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho cả Ánh lẫn anh, một quyết định thật khó khăn mà chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành làm kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố đóng cho trọn vai của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.
“Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây”. Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả. Và bên sau quyết định này là một lối ngõ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả.
Tất cả đã rõ như một khoảng trắng.
Cũng đành vậy thôi.
Anh đang nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thủy triều. Quyết định như không thuộc về anh.
Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cám ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.
Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.
Anh đã bất lực không cứu vãn được gì nữa cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.
Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.
Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.
Thân yêu,
Anh,
TRỊNH CÔNG SƠN
*****************************
Trích đăng lá thư với một chút nuối tiếc về một tình yêu đã qua với Dao Ánh. Một tình yêu đã xa. "Anh chép gửi cho Ánh bài nhạc anh vừa viết xong. Mong có dịp nào đó sẽ hát cho Ánh nghe". Đó là ca khúc nổi tiếng Tình xa
Huế, 3/4/1969
Dao Ánh,
Trưa hôm qua bác gái thăm nhà anh. Cùng đi có cả cô chị bà con của Ánh.
Anh đã gửi vào Ánh hai cái thư, nghe nói địa chỉ khó đến, hay có thể đến mà vì một lý do nào đó Ánh không viết cho anh.
Nghe Ánh sắp thi ra mãn khóa hàng không. Anh cũng mừng vì Ánh đã có một công việc để làm tương đối lý thú.
Cũng trong dịp này anh được biết bây giờ nhà Ánh đã vui nhộn hơn vì có đến hai ông rể ở lại trong nhà. Nghe tin này anh bàng hoàng và thấy khó tin. Nhưng rồi phải tin vì nhân ghi địa chỉ của anh trong cuốn carnet anh đọc thấy tên V.K.
Khỏi phải ghi lại dông dài nơi đây những gì anh đã nghĩ suốt đêm qua. Anh chỉ muốn nói với Ánh một lần cuối điều thầm kín anh đã giữ lại trong anh bấy lâu. Đó là mơ ước anh được có Ánh bên cạnh để cùng đi với nhau dài lâu trên đời sống này. Bây giờ mọi điều đã lỡ. Ước mơ chỉ còn lại trong anh như một ngọn đèn không được đốt lên.
Sao Ánh không báo tin đó cho anh,
Anh cũng không còn lý do gì để trách Ánh. Và thời của những giận hờn cũng đã qua rồi. Anh chỉ thấy buồn vì sao điều hệ trọng đó mình không có quyền đề nghị. Có thể Ánh không bao giờ nghĩ rằng những nỗ lực bấy lâu của anh một phần cũng vì Ánh.
Mọi việc đến quá nhanh. Việc chuẩn bị cho tương lai của anh thì quá chậm. Đêm hôm qua anh đứng hằng giờ nhìn tu viện trước mặt. Sau tu viện âm u đó là hình ảnh khắc khổ của nhà tu. Anh bỗng có chút yên tâm nghĩ rằng mọi sự đã được an bài. Con người chưa đánh đổi được số phần mình. Trước đây anh tưởng mình sẽ làm được tất cả nhưng bây giờ thì vô vọng. Những gì anh đã dự đoán, đã lo ngại bây giờ bày biện ra đó cả và anh chỉ biết đứng im nhìn.
Người ta chỉ có một lần để thử thách về một điều gì đó. Qua rồi thì mất luôn. Đã sáu năm hay hơn sáu năm cũng đủ làm một kỷ niệm quí báu và dài lâu nhất cho một đời người. Một người có thể có nhiều kỷ niệm nhưng những kỷ niệm đó không thể đánh đổi được với nhau.
Bây giờ, nghĩa là từ buổi chiều nay hay là sớm mai này anh phải tập cho anh vào một lề lối mới. Tập cho anh biết rằng từ đây anh không bao giờ còn có Ánh được nữa. Tâm hồn anh lâu nay vẫn ỷ lại về lòng tin luôn luôn có sẵn một cái gì êm thắm để trở về. Bây giờ thì thôi.
Anh rất mừng vì đủ bình tâm để viết thật rõ ràng bức thư này cho Ánh. Anh còn muốn nói nhiều nói dài nữa như anh đã viết những ngày xưa nhưng thôi anh xin để dành một ít cho mình, cho anh, để nuôi lòng tự phụ.
Chúc Ánh cũng hạnh phúc như Diễm.
Thân ái,
Trịnh Công Sơn
Anh chép gửi cho Ánh bài nhạc anh vừa viết xong. Mong có dịp nào đó sẽ hát cho Ánh nghe.
TRỊNH CÔNG SƠN
Thư tình gửi một người - Kỳ 9
TTO - Sau năm 1975, Ngô Vũ Dao Ánh đi định cư ở Canada, sau đó chuyển sang Mỹ. Những lá thư của Trịnh Công Sơn vơi dần. Thỉnh thoảng có những cú điện thoại gọi về thăm Trịnh Công Sơn.
Sau những thăng trầm, Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh những dòng thư "Chúng mình nói chung đã bỏ lỡ, đã đánh mất nhiều những giấc mộng mà bây giờ nghĩ lại có khi cũng cảm thấy đôi chút ngậm ngùi...".
Một lần, Ngô Vũ Dao Ánh về thăm quê. Và Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc Xin trả nợ người: "Em phụ tôi một đời bé dại. Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi. Thơ dại ra đi quên hết tình tôi...". Nhưng thật ra nào có "quên hết tình tôi".
Mời bạn bấm vào nghe bài hát và theo dõi lá thư tiếp theo.
Sài Gòn, 11/10/1991
Dao Ánh thân mến,
Anh nhận được thư Ánh, Trúc Giang mang về. Những thư gửi poste của Ánh anh không nhận được, chẳng hiểu vì sao. Hay Ánh viết xong để quên đâu đó không mang đi gửi mà vẫn cứ in trí là đã gửi rồi. Những trous de memoire (1) như thế anh cũng vẫn thường có.
Năm nay anh được mời đi Pháp bao nhiêu lần mà không được cấp visa de sortie (2). Mỗi lần có trục trặc gì đó về chính trị thì văn nghệ sĩ bị thiệt thòi nhất. Anh đã nộp đơn xin đi thăm mấy em ở Canada nhưng chưa có tin tức vì phải được ký duyệt tại Hà Nội (Trung ương). Nếu sang đấy vào mùa thu đông này anh sẽ phone cho Ánh biết để tìm cách sang chơi và gặp nhau.
Ở đây bọn anh sống nhàn nhã lắm. Buổi sáng anh đến cơ quan là Hội Âm nhạc, ngồi uống cà phê hay trà với bạn bè rồi chiều thì ở nhà làm việc riêng hoặc đọc sách. Giờ nhàn rỗi thì viết một vài bài cho báo, hoặc vẽ, hoặc làm bìa sách, hoặc viết nhạc. Thỉnh thoảng tiếp một vài đoàn báo chí hoặc TV của nước ngoài.
Ánh có liên lạc được với Đinh Cường ở Virginia không? Vừa rồi anh Cường mới triển lãm ở Canada, nghe Thúy điện về bảo là thành công lắm. Tuần nào các em anh ở Canada cũng gọi điện thẳng về nhà hỏi thăm nên anh có cảm giác là tất cả vẫn còn ở loanh quanh đâu đây. Thỉnh thoảng cũng có bạn bè gọi thăm từ Mỹ, Pháp, Canada. Qua điện thoại thấy thế giới như nhỏ lại và sự cách biết gần như không còn nữa.
Sài Gòn dạo này thay đổi nhiều, nhất là về việc xây dựng nhà cửa. Có những con đường ở các quận trung tâm chỉ cần một vài tháng không đi qua khi tình cờ trở lại đã không thể nhận ra đâu là căn nhà quen cũ của mình. Người ta xây cất nhà hoặc sửa mới lại để cho thuê hoặc làm mini hotel. Quán xá cũng mọc lên ào ạt.
Gần như chiều nào bạn bè cũng họp tại nhà anh để nhậu lai rai. Cũng không còn bao nhiều người. Và một, hai người này chắc Ánh cũng chưa quen. Ở Huế thì chỉ còn một mình anh Bửu Ý là bạn cũ ngày xưa còn bám trụ vì lười di chuyển.
Với anh và một vài người bạn, không còn nơi nào dễ sống hơn ở đây nữa. Đã quen với từng centimet của đời sống này và có một bầu không khí riêng để thở và đã có đủ niềm vui nho nhỏ từng ngày mà không cần mơ ước gì thêm. Thảng hoặc nếu được đi đây đi đó một chút thì cũng chỉ để thay đổi cái nhìn, để thăm viếng bạn bè cũ ngoài ra chẳng phải vì khao khát hoặc ước muốn gì cả.
Cách đây ít lâu có nghe ai đó nói rằng Ánh dự định về thăm nhà trong năm nay. Anh thấy vui vui vì nghĩ rằng Ánh về sẽ có dịp bắt gặp lại đâu đó một vài hình ảnh cũ, một vài điều tưởng đã quên đi ngờ đâu vẫn còn đó. Cũng vì cứ sống mãi với những điều lặt vặt, nhỏ nhắn như thế mà rốt cùng rồi chẳng muốn đi đâu.
Mưa lúc 18g15.
Ánh ơi,
Những ngày tháng bây giờ hình như không thuộc về anh nữa. Có nhiều lúc ngồi nghĩ lại anh thấy mình đã đánh mất quá nhiều dịp tốt để thực hiện một vài giấc mơ của mình. Chúng mình nói chung đã bỏ lỡ, đã đánh mất nhiều những giấc mộng mà bây giờ nghĩ lại có khi cũng cảm thấy đôi chút ngậm ngùi.
Đang mưa ngoài trời, mưa nặng, nhiều và có sấm sét. Anh đang ngồi uống rượu sake với người bạn ở Nhật về, cùng Tôn Thất Văn (họa sĩ), Lữ Quỳnh ở vườn treo nhà anh.
Cuối cùng cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ tiếc là không bao giờ nói được hết những gì mình nghĩ với người mình yêu thương và đời sống đã mang đi hết những câu kinh trinh bạch mà không phải lúc nào, giờ nào, thời nào cũng thổ lộ cùng nhau được.
Có một thời rất ngu si, mê muội. Có một thời rực rỡ trí tuệ tinh anh. Đã nhìn và thấy hết cuộc đời nhưng khi giác ngộ thì không còn cơ hội để lặp lại những ngôn ngữ chân thực, tinh tuyền của mình nữa. Anh không nuối tiếc cuộc đời mà chỉ vì yêu thương nó mà phải nói lại những lời đáng ra phải lãng quên.
Anh sẽ viết thư cho Ánh khi nhận được thư và cho đến bây giờ thú thực, anh chưa quên cái nhìn quay lại ở Paris ở bouche metro rue Monge quận 5 Paris một ngày tháng 6/1989.
Anh chúc Ánh bình an và dĩ nhiên chưa bao giờ không nhớ Ánh.
Thân ái,
Trịnh Công Sơn
Ánh nhớ ghi lại địa chỉ mới nhất.
TRỊNH CÔNG SƠN
*********************
(1) Lỗ hổng ký ức
(2) Visa xuất cảnh
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro