Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

thu chi deu vuot du toan

Thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2009 đều vượt dự toán

Cập nhật lúc : 2:45 PM, 30/11/2009

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp báo cáo tinh hình thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2009 tại Hội nghị. Ảnh: Chí Thanh.

(eFinance Online) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính vừa công bố sáng nay, 30/11/2009, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm 2009 đạt 390.650 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ đồng); và chi NSNN ước đạt 533.000 tỷ đồng, tăng 8,5% (41.705 tỷ đồng) so với dự toán.

Tăng thu

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết tổng thu NSNN cả năm 2009 đạt 390.650 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ đồng), đạt tỷ lệ động viên 23,3%GDP, trong đó, từ thuế và phí đạt 21,5%GDP. Thu nội địa đạt 102,9% dự toán (vượt 6.650 tỷ đồng); Thu từ dầu thô ước đạt 91,1% dự toán (giảm 5.700 tỷ đồng); Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,6% dự toán (giảm 1.200 tỷ đồng); Thu viện trợ ước đạt 6.000 tỷ đồng (tăng 1.000 tỷ đồng so với dự toán).

Tuy tổng thu NSNN vượt dự toán nhưng theo phân cấp thì ngân sách Trung ương vẫn hụt do giá dầu giảm (dự toán là 70USD/thùng nhưng 9 tháng đầu năm, giá thực tế chỉ 53USD/thùng, hiện đang ở mức hơn 70USD/thùng, dự kiến cả năm chỉ đạt 60USD/thùng, hụt 10USD/thùng), cộng thêm nhiệm vụ phải thực hiện chính sách hỗ trợ các địa phương hụt thu và giảm thu khi thực hiện chính sách miễn, giảm thuế.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp: "Tổng thu NSNN cả năm 2009 đạt 390.650 tỷ đồng". Ảnh: Chí Thanh.

Một điểm đáng lưu ý là thu ngân sách địa phương phân bố không đều, nhiều địa phương đạt và vượt dự toán, nhưng vẫn có không ít địa phương không hoàn thành dự toán được giao. Do không điều hoà được số tăng thu ngân sách địa phương từ địa phương có số thu cao sang địa phương có số thu thấp nên những địa phương hụt thu so với dự toán sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo dự toán chi.

"Để khuyến khích các địa phương đã phấn đấu tăng thu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội cho xử lý theo hướng: ngân sách Trung ương hỗ trợ chung cho các địa phương một phần (khoảng 25%) số giảm thu do thực hiện miễn, giảm thuế. Với những địa phương sau khi đã được hỗ trợ chung như vậy mà vẫn hụt thu thì yêu cầu địa phương sử dụng một phần các nguồn tài chính hợp pháp (quỹ dự trữ tài chính, nguồn tiền lương còn dư), trường hợp còn tiếp tục hụt thu thì sẽ được bù đủ để đảm bảo dự toán chi. Theo đó, số dự kiến bù giảm thu cho các địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng", Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp cho biết.

Tăng chi

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN ước đạt 533.000 tỷ đồng, tăng 8,5% (41.705 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 20,1% (22.700 tỷ đồng) so với dự toán, chiếm 25,4% tổng chi NSNN và bằng 8,1%GDP; Chi trả nợ và viện trợ tăng 10,2% (6.000 tỷ đồng) so với dự toán; Chi thường xuyên (bao gồm cả bổ sung chi điều chỉnh tiền lương trong năm 2009) ước thực hiện cả năm đạt 332.605 tỷ đồng, đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ chi theo tiến độ và dự toán được duyệt, thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Số bội chi NSNN năm 2009 là 115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP, tăng 28.600 tỷ đồng so với dự toán. Với mức bội chi trên thì đến 31/12/2009, dư nợ Chính phủ (bao gồm cả nợ trái phiếu Chính phủ) khoảng 40% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 30,5% GDP. Những con số này vẫn nằm trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Trong điều hành, nhìn chung các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chi trong phạm vi dự toán được giao, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán. Số tăng chi ngoài dự toán chủ yếu là kinh phí phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chi bù lỗ kinh doanh đầu năm 2008 chưa xử lý hết, chi hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho các địa phương để bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế và thực hiện chế độ khuyến khích cho các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu theo quy định của Luật NSNN.

"Dẫu sao thì trong điều kiện khó khăn, công tác điều hành chi NSNN vẫn đảm bảo dự toán được giao, tập trung nguồn lực để tăng chi đầu tư phát triển (22.700 tỷ đồng), tăng kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh (26.705 tỷ đồng); góp phần quan trọng ngăn chặn suy giảm kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng trong năm 2010), Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp phấn khởi chia sẻ.

Và bất cập trong điều hành, thực hiện dự toán NSNN

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2010 diễn ra sáng nay, 30/11/2009, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp Công thẳng thắn cho biết: Công tác điều hành, thực hiện dự toán NSNN thời gian qua vẫn còn một số hạn chế.

Chẳng hạn, việc triển khai dự toán NSNN năm 2009 còn chậm, cả chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi chương trình mục tiêu. Đến thời điểm này vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc phân khai kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 vẫn thấp. Cụ thể, về vốn xây dựng cơ bản tập trung: Bộ Xây dựng mới giải ngân được 10%, Bộ Thông tin & Truyền thông - 25%, Bộ Kế hoạch & Đầu tư - 22%, Tuyên Quang - 33%, Trà Vinh - 40%...; Vốn trái phiếu Chính phủ: Bộ Quốc phòng - 10%, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - 28%, Vĩnh Phúc - 1%, Nghệ An - 8%, Bình Định - 10%...).

Hoặc tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu NSNN tuy đã có kết quả tích cực song vẫn thấp so với tiềm năng và yêu cầu. Tình trạng lãng phí trong một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai vẫn chậm được khắc phục (thậm chí có trường hợp do động cơ tham nhũng dẫn đến các vi phạm về quản lý, kéo theo hậu quả lãng phí); trong đó đặc biệt là những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch, kế hoạch (bao gồm cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất...).

Hoặc chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong chi tiêu ngân sách bước đầu đã có sự hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, nhưng ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, do đó chưa mang lại hiệu quả cao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #khanh#van