Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

thong tu 134/2008/TT-BTC

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

Số: 134 /2008/TT-BTC

      Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam

Căn cứ các Luật, Pháp lệnh về thuế, phí và lệ phí hiện hành của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh thuế, phí và lệ phí;

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008; Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008; Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định về Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam như sau:

A. PHẠM VI ÁP DỤNG

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Thông tư này áp dụng đối với

Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ đối tượng nêu tại Mục II Phần A Thông tư này):

- Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam.  

- Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thoả thuận, hoặc cam kết giữa họ với Nhà thầu nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.

2. Người nộp thuế

Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm:

2.1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài đảm bảo các điều kiện quy định tại Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư này, kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, kể cả tại các vùng lãnh hải của Việt Nam, các vùng ở ngoài và gắn liền với lãnh hải Việt Nam và phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, Việt Nam có chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khối nước ở trên. Việc kinh doanh được tiến hành trên cơ sở hợp đồng nhà thầu với với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu phụ.

Việc xác định Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú, đối tượng cư trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

2.2. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá, hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ (sau đây gọi chung là Bên Việt Nam) bao gồm:

- Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư) và Luật Hợp tác xã;

- Các tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

- Nhà thầu dầu khí hoạt động theo Luật Dầu khí;

- Chi nhánh của Công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

- Tổ chức nước ngoài hoặc đại diện của tổ chức nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam; 

- Văn phòng bán vé, đại lý tại Việt Nam của Hãng hàng không nước ngoài có quyền vận chuyển đi, đến Việt Nam, trực tiếp vận chuyển hoặc liên danh;

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài; đại lý tại Việt Nam của Hãng giao nhận kho vận, hãng chuyển phát nước ngoài;

- Công ty chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại nơi quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán;

- Các tổ chức khác ở Việt Nam;

- Các cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2.2 Mục I Phần A Thông tư này có trách nhiệm khấu trừ số thuế GTGT, thuế TNDN hướng dẫn tại Mục III Phần B Thông tư này trước khi thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài.

3. Các loại thuế áp dụng

3.1. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3.2. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo pháp luật về thuế TNCN.

3.3. Đối với các loại thuế, phí và lệ phí khác, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo các văn bản pháp luật về thuế, phí và lệ phí khác hiện hành.

II. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ÁP DỤNG

Hướng dẫn tại Thông tư này không áp dụng đối với:

1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt nam theo qui định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật Tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hoá cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:

- Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam.

- Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hoá cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam; người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.

Ví dụ:

Công ty H của Hongkong cung cấp dịch vụ thu xếp hàng hoá tại cảng ở Hongkong cho đội tàu vận tải quốc tế của Công ty A ở Việt Nam. Công ty A phải trả cho Công ty H phí dịch vụ thu xếp hàng hoá tại cảng ở Hongkong.

Trong trường hợp này, dịch vụ thu xếp hàng hoá tại cảng Hongkong là dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng tại Hongkong nên không thuộc đối tượng chịu thuế tại Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:

- Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;

- Quảng cáo, tiếp thị;

- Xúc tiến đầu tư và thương mại;

- Môi giới bán hàng hóa;

- Đào tạo;

- Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế theo quy định của Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam; Dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài.

III. CÁC KHÁI NIỆM SỬ DỤNG TRONG THÔNG TƯ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Hợp đồng nhà thầu" là hợp đồng, thoả thuận hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài và Bên Việt Nam.

2. "Hợp đồng nhà thầu phụ" là hợp đồng, thoả thuận hoặc cam kết giữa Nhà thầu phụ và Nhà thầu nước ngoài.

Nhà thầu phụ gồm Nhà thầu phụ nước ngoài và Nhà thầu phụ Việt Nam.

B. CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

I. ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ GTGT VÀ THU NHẬP CHỊU THUẾ TNDN

1. Đối tượng chịu thuế GTGT

1.1. Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam (trừ dịch vụ quy định tại Mục II Phần A Thông tư này), bao gồm:

- Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp tại Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam;

- Dịch vụ hoặc dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp ngoài Việt Nam và tiêu dùng tại Việt Nam.

1.2. Trường hợp hàng hoá được cung cấp theo hợp đồng dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam (kể cả các vùng lãnh hải Việt Nam, các vùng ở ngoài và gắn liền với lãnh hải Việt Nam mà theo luật pháp Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam có chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khối nước ở trên); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá, kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì giá trị hàng hoá chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư này. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hoá và giá trị dịch vụ đi kèm thì thuế GTGT được tính chung cho cả hợp đồng.

Ví dụ:

Doanh nghiệp A ở Việt Nam ký hợp đồng mua dây chuyền máy móc thiết bị cho Dự án Nhà máy xi măng với Doanh nghiệp B ở nước ngoài. Tổng giá trị Hợp đồng là 100 triệu USD, bao gồm giá trị máy móc thiết bị là 80 triệu USD (trong đó có thiết bị thuộc diện chịu thuế GTGT với thuế suất 10%), giá trị dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng là 20 triệu USD.

Khi nhập khẩu dây chuyền máy móc thiết bị, Doanh nghiệp A là người nhập khẩu thực hiện nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu đối với giá trị thiết bị nhập khẩu thuộc diện chịu thuế GTGT.

Việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT của Công ty B đối với giá trị hợp đồng ký với doanh nghiệp A như sau:

- Thuế GTGT được tính trên giá trị dịch vụ (20 triệu USD), không tính trên giá trị dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu.

- Trường hợp Hợp đồng không tách riêng được giá trị dây chuyền máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì thuế GTGT được tính trên toàn bộ giá trị hợp đồng (100 triệu USD).

2. Thu nhập chịu thuế TNDN

2.1. Thu nhập của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài phát sinh từ hoạt động cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ hàng hoá, dịch vụ quy định tại Mục II Phần A Thông tư này).

2.2. Trường hợp hàng hoá được cung cấp dưới hình thức: điểm giao nhận hàng hoá nằm trong lãnh thổ Việt Nam (kể cả các vùng lãnh hải Việt Nam, các vùng ở ngoài và gắn liền với lãnh hải Việt Nam mà theo luật pháp Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam có chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khối nước ở trên); hoặc việc cung cấp hàng hóa có kèm theo các dịch vụ tiến hành tại Việt Nam như lắp đặt, chạy thử, bảo hành, bảo dưỡng, thay thế, các dịch vụ khác đi kèm với việc cung cấp hàng hoá, kể cả trường hợp việc cung cấp các dịch vụ nêu trên có hoặc không nằm trong giá trị của hợp đồng cung cấp hàng hóa thì thu nhập chịu thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là toàn bộ giá trị hàng hoá, dịch vụ.

Ví dụ:

Công ty A ở Việt Nam ký hợp đồng mua dây chuyền máy móc thiết bị cho Dự án Nhà máy xi măng với Công ty B ở nước ngoài. Tổng giá trị Hợp đồng là 100 triệu USD (không bao gồm thuế GTGT), bao gồm giá trị máy móc thiết bị là 80 triệu USD, giá trị dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng là 20 triệu USD.

Nghĩa vụ thuế TNDN của Công ty B đối với Giá trị hợp đồng được xác định như sau:

- Thuế TNDN được tính riêng đối với giá trị dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu (80 triệu USD) và tính riêng đối với giá trị dịch vụ (20 triệu USD) theo từng tỷ lệ thuế TNDN theo quy định.

- Trường hợp Hợp đồng không tách riêng được giá trị dây chuyền máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ thì tính thuế TNDN trên tổng giá trị hợp đồng (100 triệu USD) với tỷ lệ thuế TNDN theo quy định. 

2.3. Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp cung cấp dịch vụ quy định tại Mục II, phần A Thông tư này), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài, bao gồm:

- Thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.

- Thu nhập từ tiền bản quyền là khoản thu nhập dưới bất kỳ hình thức nào được trả cho quyền sử dụng, chuyển quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (bao gồm: các khoản tiền trả cho quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả và quyền chủ sở hữu tác phẩm; chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; chuyển giao công nghệ).

“Quyền tác giả, quyền chủ sở hữu tác phẩm”, “Quyền sở hữu công nghiệp”, "Chuyển giao công nghệ" qui định tại Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản.

- Thu nhập từ Lãi tiền vay: là thu nhập của Bên cho vay từ các khoản cho vay dưới bất kỳ dạng nào mà khoản vay đó có hay không được đảm bảo bằng thế chấp, người cho vay có hay không được quyền hưởng lợi tức của người đi vay; thu nhập từ lãi tiền gửi (trừ lãi tiền gửi của các cá nhân người nước ngoài và lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản tiền gửi để duy trì hoạt động tại Việt Nam của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam), kể cả các khoản thưởng đi kèm lãi tiền gửi (nếu có); thu nhập từ lãi trả chậm theo qui định của các hợp đồng.

Lãi tiền vay bao gồm cả các khoản phí mà Bên Việt Nam phải trả theo qui định của hợp đồng vay.

- Thu nhập từ đầu tư chứng khoán.

- Tiền phạt, tiền bồi thường thu được từ bên đối tác vi phạm hợp đồng.

- Các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

II. NỘP THUẾ GTGT THEO PHƯƠNG PHÁP KHẤU TRỪ, NỘP THUẾ TNDN TRÊN CƠ SỞ KÊ KHAI DOANH THU, CHI PHÍ ĐỂ XÁC ĐỊNH THU NHẬP CHỊU THUẾ TNDN

1. Đối tượng và điều kiện áp dụng

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo hướng dẫn tại Mục II Phần B Thông tư này nếu đáp ứng các điều kiện:

(i) Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;

(ii) Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;

(iii) Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam.

Bên Việt Nam ký hợp đồng với Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ nước ngoài có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với cơ quan thuế về việc Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập tính thuế TNDN trong phạm vi 20 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng.

2. Thuế giá trị gia tăng

Thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thực hiện theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế theo hướng dẫn tại Mục II Phần B Thông tư này, nếu tiếp tục ký hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ khác tại Việt Nam khi chưa kết thúc hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ cũ thì tiếp tục khai, nộp thuế như hướng dẫn tại Mục II phần B Thông tư này.

Trường hợp việc ký kết, thực hiện hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ mới vào thời điểm hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ cũ đã kết thúc, nếu đáp ứng được điều kiện quy định tại Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư này, Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế cho hợp đồng mới theo hướng dẫn tại Mục II Phần B Thông tư này.

Trường hợp cùng một thời điểm mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nhiều hợp đồng, nếu có một hợp đồng đủ điều kiện để Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo hướng dẫn tại Mục II Phần B Thông tư này thì các hợp đồng khác (kể cả những hợp đồng không đủ điều kiện) cũng phải thực hiện nộp thuế theo hướng dẫn tại Mục II Phần B Thông tư này.

 III. NỘP THUẾ GTGT THEO PHƯƠNG PHÁP TÍNH TRỰC TIẾP TRÊN GTGT, NỘP THUẾ TNDN THEO TỶ LỆ % TÍNH TRÊN DOANH THU

1. Đối tượng và điều kiện áp dụng

Bên Việt Nam nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2, Điểm 3 Mục III Phần B Thông tư này nếu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu tại Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư này.

Bên Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thuế với cơ quan thuế để thực hiện nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài trong phạm vi 20 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng.

2. Thuế giá trị gia tăng

Căn cứ tính thuế là giá trị gia tăng của dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT.

 Số thuế GTGT

 phải nộp

=

Giá trị

gia

tăng

x

Thuế suất thuế

GTGT

2.1. Giá trị gia tăng

Giá trị gia tăng của dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa chịu thuế GTGT được xác định bằng doanh thu tính thuế GTGT nhân tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu.

2.1.1 Doanh thu tính thuế GTGT:

a) Doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu do cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, chưa trừ các khoản thuế phải nộp mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được, kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

b) Xác định doanh thu tính thuế GTGT đối với một số trường hợp cụ thể:

b1) Trường hợp theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ, doanh thu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế GTGT phải nộp thì doanh thu tính thuế GTGT phải được quy đổi thành doanh thu có thuế GTGT và được xác định theo công thức sau:

Doanh thu tính thuế

GTGT

=

Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT

1 -  Tỷ lệ % GTGT trên doanh thu  x  thuế suất thuế GTGT

Ví dụ:

Nhà thầu nước ngoài A cung cấp cho Bên Việt Nam dịch vụ giám sát khối lượng xây dựng nhà máy xi măng Z, giá hợp đồng chưa bao gồm thuế là 300.000 USD. Ngoài ra, Bên Việt Nam thu xếp chỗ ở và làm việc cho nhân viên quản lý của Nhà thầu nước ngoài với giá trị là 40.000 USD. Theo Hợp đồng, Bên Việt Nam chịu trách nhiệm trả thuế GTGT thay cho nhà thầu nước ngoài. Việc xác định doanh thu chịu thuế GTGT nhà thầu nước ngoài như sau:

Xác định doanh thu chịu thuế:

Doanh thu  chịu thuế GTGT

=

300.000 + 40.000

(1- 50% x10%)

=

357.894,73 USD

b2) Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo Mục II Phần B Thông tư này để giao bớt một phần giá trị công việc được quy định tại Hợp đồng nhà thầu ký với Bên Việt Nam thì doanh thu tính thuế GTGT của Nhà thầu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc, giá trị máy móc thiết bị do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.

Nhà thầu phụ Việt Nam, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện khai, nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2, Điểm 3 Mục II Phần B Thông tư này.

Quy định này không áp dụng trong trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ việc thực hiện Hợp đồng nhà thầu.

Ví dụ:

Nhà thầu nước ngoài A ký hợp đồng xây dựng nhà máy xi măng Z với Bên Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng là 10 triệu USD (giá đã bao gồm thuế GTGT), theo hợp đồng Nhà thầu nước ngoài A sẽ giao bớt phần giá trị xây lắp (được quy định tại Hợp đồng nhà thầu ký với Bên Việt Nam) cho Nhà thầu phụ Việt Nam B với giá trị là 01 triệu USD.

Doanh thu tính thuế GTGT của Nhà thầu nước ngoài A trong trường hợp này được xác định như sau:

Doanh thu  tính thuế GTGT

=

10 triệu USD – 1 triệu USD

=

9 triệu USD

b3) Trường hợp Nhà thầu phụ là Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo Mục III Phần B Thông tư này thì doanh thu tính thuế GTGT của Nhà thầu nước ngoài là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được theo hợp đồng ký với Bên Việt Nam. Nhà thầu phụ nước ngoài không phải nộp thuế GTGT trên phần giá trị công việc nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo quy định tại Hợp đồng nhà thầu phụ ký với Nhà thầu nước ngoài.

b4) Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế, doanh thu tính thuế GTGT không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

b5) Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

2.1.2. Tỷ lệ GTGT:

a) Tỷ lệ GTGT tính trên doanh thu tính thuế đối với một số ngành kinh doanh như sau:

STT

Ngành  kinh doanh

Tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh

thu tính thuế

1

Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm

50

2

a) Xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng

b) Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng

30

50

3

Vận tải, sản xuất, kinh doanh khác

30

b) Xác định tỷ lệ giá trị gia tăng tính trên doanh thu tính thuế GTGT đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

b1) Đối với các hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau hoặc một phần giá trị hợp đồng không thuộc diện chịu thuế GTGT, việc áp dụng tỷ lệ giá trị gia tăng tính trên doanh thu tính thuế GTGT khi xác định số thuế GTGT phải nộp căn cứ vào doanh thu tính thuế GTGT đối với từng hoạt động kinh doanh do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo qui định tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ GTGT cao nhất đối với ngành nghề kinh doanh và mức thuế suất cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

b2) Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử, nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ khi xác định số thuế GTGT phải nộp áp dụng tỷ lệ GTGT của từng phần giá trị hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ giá trị gia tăng trên doanh thu tính thuế là 30%.

Ví dụ:

Nhà thầu H của Hàn Quốc không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam thực hiện hợp đồng ký với doanh nghiệp B ở Việt Nam về việc cung cấp dây chuyền máy móc, thiết bị kèm theo dịch vụ lắp đặt, vận hành chạy thử với giá trị là 10.000.000 USD. Tại hợp đồng không tách riêng được phần giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ lắp đặt, vận hành chạy thử thì tỷ lệ thuế GTGT áp dụng là 30%.

b3) Doanh thu tính thuế GTGT đối với trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải là toàn bộ tiền cho thuê. Trường hợp doanh thu cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải bao gồm các chi phí do bên cho thuê trực tiếp chi trả như bảo hiểm phương tiện, bảo dưỡng, chứng nhận đăng kiểm, người điều khiển phương tiện, máy móc và chi phí vận chuyển máy móc thiết bị từ nước ngoài đến Việt Nam thì doanh thu tính thuế GTGT không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh.

2.2. Thuế suất thuế GTGT

Thuế suất thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT là thuế suất quy định tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, như quy định tại Điểm 1 Mục III Phần B Thông tư này, không được khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào để thực hiện hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (bao gồm cả thuế GTGT đối với hợp đồng thầu phụ mà nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện).

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế TNDN và tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế.

Số thuế

 TNDN

phải nộp

=

Doanh thu

tính thuế

TNDN

x

Tỷ lệ thuế TNDN

tính trên doanh thu tính thuế

3.1. Doanh thu tính thuế TNDN:

a) Doanh thu tính thuế TNDN

Doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT, chưa trừ các khoản thuế phải nộp (nếu có) mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

b) Xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với một số trường hợp cụ thể:

b1) Trường hợp, theo thoả thuận tại hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ, doanh thu Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN phải nộp thì doanh thu tính thuế TNDN được xác định theo công thức sau:

Doanh thu tính  thuế

TNDN

=

Doanh thu không bao gồm thuế TNDN 

   1 - Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Ví dụ:

Nhà thầu nước ngoài A cung cấp cho Bên Việt Nam dịch vụ giám sát khối lượng xây dựng nhà máy xi măng Z, giá hợp đồng chưa bao gồm thuế là 300.000 USD. Ngoài ra, Bên Việt Nam thu xếp chỗ ở và làm việc cho nhân viên quản lý của Nhà thầu nước ngoài với giá trị là 23.000 USD. Theo Hợp đồng, Bên Việt Nam chịu trách nhiệm trả thuế TNDN, thuế GTGT thay cho nhà thầu nước ngoài. Việc xác định số thuế TNDN nhà thầu nước ngoài phải nộp như sau:

Xác định doanh thu tính thuế:

Doanh thu  tính thuế TNDN

=

300.000 + 23.000

(1- 0,05)

=

340.000,00 USD

b2) Trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp thuế theo Mục II Phần B Thông tư này để giao bớt một phần giá trị công việc được quy định tại Hợp đồng nhà thầu ký với Bên Việt Nam thì doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc, giá trị máy móc, thiết bị do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.

Nhà thầu phụ Việt Nam, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện khai, nộp thuế theo hướng dẫn tại Điểm 2, Điểm 3 Mục II Phần B Thông tư này.

Quy định này không áp dụng trong trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ việc thực hiện Hợp đồng nhà thầu.

Ví dụ:

Nhà thầu nước ngoài A ký hợp đồng xây dựng nhà máy xi măng Z với Bên Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng (chưa có thuế GTGT) là 10 triệu USD, theo hợp đồng Nhà thầu nước ngoài A sẽ giao bớt phần giá trị xây lắp (được quy định tại Hợp đồng nhà thầu ký với Bên Việt Nam) cho Nhà thầu phụ Việt Nam B với giá trị là 1 triệu USD.

Doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài A trong trường hợp này được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế TNDN

=

10 triệu USD – 1 triệu USD

=

9 triệu USD

b3) Trường hợp Nhà thầu phụ là Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện nộp theo Mục III Phần B Thông tư này thì doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được theo hợp đồng ký với Bên Việt Nam. Nhà thầu phụ nước ngoài không phải nộp thuế TNDN trên phần giá trị công việc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo quy định tại hợp đồng nhà thầu phụ ký với Nhà thầu nước ngoài.

b4) Doanh thu tính thuế TNDN đối với trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải là toàn bộ tiền cho thuê. Trường hợp doanh thu cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải bao gồm các chi phí do bên cho thuê trực tiếp chi trả như bảo hiểm phương tiện, bảo dưỡng, chứng nhận đăng kiểm, người điều khiển phương tiện, máy móc và chi phí vận chuyển máy móc thiết bị từ nước ngoài đến Việt Nam thì doanh thu tính thuế TNDN không bao gồm các khoản chi phí này nếu có chứng từ thực tế chứng minh.

b5) Doanh thu tính thuế TNDN của hãng hàng không nước ngoài là doanh thu bán vé hành khách, vận đơn hàng không và các khoản thu khác (trừ những khoản thu hộ Nhà nước hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật) tại Việt Nam cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa và đối tượng vận chuyển khác được thực hiện trên các chuyến bay của chính hãng hàng không hoặc liên danh.

Ví dụ:

Hãng hàng không nước ngoài A trong quý I năm 2009 phát sinh doanh số là 100.000 USD, trong đó doanh số bán vé hành khách là 85.000 USD, doanh số bán vận đơn hàng hoá là 10.000 USD và doanh số bán MCO (chứng từ có giá) là 5.000 USD; đồng thời phát sinh khoản thu hộ Nhà nước (lệ phí sân bay) 1.000 USD, chi hoàn do khách trả lại vé 2.000 USD.

Doanh thu tính thuế TNDN quý I/2009 của Hãng hàng không nước ngoài A được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế TNDN = 100.000 – (1.000 + 2.000) = 97.000 USD

Văn phòng bán vé, đại lý tại Việt Nam của Hãng hàng không nước ngoài thực hiện khai thuế TNDN theo mẫu Tờ khai ban hành kèm theo Thông tư này và thực hiện nộp số thuế đã khai vào ngân sách Nhà nước.

b6) Doanh thu tính thuế TNDN của hãng vận tải biển nước ngoài là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hoá và các khoản phụ thu khác mà hãng vận tải biển được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hoá đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hoá giữa các cảng Việt Nam.

Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế TNDN không bao gồm tiền cước đã tính thuế TNDN tại cảng Việt Nam đối với chủ tàu nước ngoài và tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt Nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ Cảng Việt Nam đến một cảng trung gian.

Ví dụ:

Công ty A thực hiện làm đại lý cho Hãng vận tải biển X của nước ngoài. Theo hợp đồng đại lý vận tải, Công ty A thay mặt Hãng X nhận hàng vận chuyển ra nước ngoài, phát hành vận đơn, thu tiền cước vận chuyển...

Doanh nghiệp B của Việt Nam thuê Hãng X (qua Công ty A) vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ với số tiền vận chuyển là 100.000 USD.

Công ty A đã thuê tàu biển của doanh nghiệp Việt Nam hoặc tàu biển nước ngoài chở hàng từ Việt Nam sang Singapore với tiền cước vận chuyển là 20.000 USD và từ Singapore hàng sẽ được vận chuyển tiếp sang Mỹ bằng tàu của Hãng X.

Doanh thu chịu thuế TNDN của Hãng vận tải biển X của nước ngoài được xác định như sau:

Doanh thu chịu thuế TNDN = 100.000 – 20.000 = 80.000 USD

b7) Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế, doanh thu tính thuế TNDN không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

b8) Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

b9/ Đối với tái bảo hiểm, doanh thu tính thuế TNDN là số tiền phí nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài.

b10/ Đối với chuyển nhượng chứng khoán, doanh thu tính thuế TNDN được xác định như sau:

+ Đối với chuyển nhượng chứng khoán (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế) là tổng doanh thu bán chứng khoán tại thời điểm chuyển nhượng;

+ Đối với lãi trái phiếu (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế) là tổng doanh thu bán trái phiếu (bao gồm mệnh giá ghi trên trái phiếu và số lãi trái phiếu nhận được) tại thời điểm nhận lãi.

b11/ Lãi tiền vay của hợp đồng vay vốn nước ngoài ký trước ngày 01/01/1999 không thuộc đối tượng chịu thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này.

+ Đối với trường hợp việc gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ không làm thay đổi nội dung về lãi suất, điều kiện thanh toán đã thoả thuận tại Hợp đồng vay vốn và thời gian gia hạn nợ vay ngắn hạn tối đa bằng một chu kỳ sản xuất kinh doanh nhưng không quá 12 tháng, thời gian gia hạn nợ vay trung hạn, dài hạn tối đa bằng ½ thời hạn cho vay đã thoả thuận trong Hợp đồng vay vốn thì lãi tiền vay không thuộc đối tượng chịu thuế TNDN.

+ Đối với trường hợp ký hợp đồng vay vốn mới nhưng tại hợp đồng vay qui định các điều kiện về lãi suất, điều kiện thanh toán thuận lợi hơn so với hợp đồng vay vốn cũ được ký trước 01/01/1999, việc cho vay để thay thế khoản vay cũ, không thay đổi bên cho vay, thời hạn vay và các điều kiện khác của hợp đồng thì lãi tiền vay không thuộc đối tượng chịu thuế TNDN.

+ Đối với trường hợp việc gia hạn nợ hoặc điều chỉnh kỳ hạn nợ không làm thay đổi nội dung về lãi suất, điều kiện thanh toán đã thoả thuận tại Hợp đồng vay vốn nhưng thời gian gia hạn nợ vượt quá thời hạn gia hạn tối đa nêu trên thì khoản lãi tiền vay phát sinh kể từ khi hết thời hạn gia hạn tối đa nêu trên thuộc đối tượng chịu thuế TNDN.

+ Đối với các trường hợp điều chỉnh hợp đồng vay vốn kèm theo sự thay đổi các nội dung chính của hợp đồng như: lãi suất, phương thức cho vay, điều kiện thanh toán, thời hạn cho vay thì các khoản lãi tiền vay phát sinh kể từ khi hết hiệu lực của Hợp đồng vay vốn gốc thuộc diện chịu thuế TNDN.

3.2. Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

a) Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

STT

Ngành  kinh doanh

Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

1

Thương mại: phân phối, cung cấp hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam

1

2

Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm

5

3

Xây dựng

2

4

Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không)

2

5

Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển

2

6

Tái bảo hiểm

2

7

Chuyển nhượng chứng khoán

0,1

8

Lãi tiền vay          

10

9

Thu nhập bản quyền

10

b) Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với một số trường hợp cụ thể:

b1) Đối với các hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ bao gồm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, việc áp dụng tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế khi xác định số thuế TNDN phải nộp căn cứ vào doanh thu chịu thuế TNDN đối với từng hoạt động kinh doanh do Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện theo qui định tại hợp đồng. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN đối với ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ thuế TNDN cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

b2) Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử, nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì tính thuế theo tỷ lệ thuế riêng của từng phần giá trị hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu tính thuế là 2%.

Ví dụ:

Nhà thầu nước ngoài A ký hợp đồng với Bên Việt Nam  để xây dựng một nhà máy điện F với giá trị là 70 triệu USD.  Giá trị hợp đồng bao gồm:

+ Giá trị máy móc, thiết bị cung cấp cho  công trình: 50 triệu USD

+ Giá trị thiết kế dây chuyền công nghệ, thiết kế khác: 5 triệu USD

+ Giá trị nhà xưởng, hệ thống phụ trợ khác, xây dựng, lắp đặt:10,5 triệu USD

+ Giá trị dịch vụ giám sát, hướng dẫn lắp đặt: 3 triệu USD

+ Giá trị dịch vụ đào tạo kỹ thuật, vận hành thử: 1,5 triệu USD.

Trong trường hợp tách riêng được phần giá trị máy móc thiết bị và giá trị dịch vụ này việc áp dụng tỷ lệ thuế TNDN như sau: đối với giá trị máy móc, thiết bị áp dụng tỷ lệ đối với ngành thương mại; đối với giá trị dịch vụ thiết kế, giám sát lắp đặt, đào tạo, vận hành thử áp dụng tỷ lệ đối với ngành dịch vụ; giá trị công việc xây dựng, lắp đặt (10,5 triệu USD) áp dụng tỷ lệ thuế đối với ngành xây dựng.

Trường hợp không tách riêng được thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN là 2% trên toàn bộ giá trị hợp đồng (70 triệu USD).

4. Khai thuế, nộp thuế đối với trường hợp Nhà thầu nước ngoài liên danh nhiều bên, liên danh với các tổ chức kinh tế Việt Nam để tiến hành kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng thầu

- Trường hợp các bên liên danh thành lập ra Ban điều hành liên danh, Ban điều hành thực hiện hạch toán kế toán, có tài khoản tại ngân hàng và chịu trách nhiệm phát hành hóa đơn; hoặc tổ chức kinh tế Việt Nam tham gia liên danh chịu trách nhiệm hạch toán chung và chia lợi nhuận cho các bên thì Ban điều hành liên danh, hoặc tổ chức kinh tế Việt Nam, có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định trên toàn bộ doanh thu thực hiện Hợp đồng nhà thầu.

- Trường hợp các bên tham gia liên danh theo phương thức chia doanh thu, chia sản phẩm, hoặc cùng nhau liên danh nhận thầu công việc nhưng mỗi bên tham gia liên danh thực hiện một phần công việc riêng biệt, các bên tự xác định phần doanh thu thu được của mình thì mỗi bên có thể thực hiện nộp thuế như hướng dẫn tại phần B Thông tư này.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng từ 01/01/2009, thay thế cho Thông tư số 05/2005/TT-BTC ngày 11/01/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, Thông tư số 16/1999/TT-BTC ngày 04/02/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài vào Việt Nam khai thác vận tải.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời./.

Nơi nhận:

- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;

- VP QH, VP Chủ tịch nước;

- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;

- Viện kiểm sát NDTC; Toà án NDTC;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Cơ quan TW của các đoàn thể;

- UBND, Sở TC các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Các đơn vị thuộc Bộ;

- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Công báo;

- Website Chính phủ;

- Website Bộ Tài chính;

- Lưu: VT; TCT (VT, CS). 

              KT. BỘ TRƯỞNG

              THỨ TRƯỞNG

đã ký

                           Đỗ Hoàng Anh Tuấn 

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

TỜ KHAI NỘP THUẾ

 Kỳ kê khai:  Quí  ................năm 200….

(Dùng cho đối tượng nộp thuế là các Hãng hàng không nước ngoài)

Tên Hãng hàng không nước ngoài:

Quốc tịch

Địa chỉ trụ sở chính (tại nước ngoài) :                                       

Địa chỉ trụ sở tại Việt nam (nếu có)                     Quận/huyện:                                          Tỉnh/ Thành phố:

Điện thoại:                                                             Fax:                                                        E-Mail:

 Tài khoản tiền gửi số:

 Mở tại Ngân hàng

PHẦN KÊ KHAI THUẾ

Đơn vị tính: Đồng Việt Nam

STT

Chỉ tiêu

 Số phát sinh quí này

Số luỹ kế năm

I

Tổng doanh thu

[01]=[03]+[04]+[05]

[02]

1

Doanh thu bán vé hành khách

[03]

2

Doanh thu bán vận đơn hàng không

[04]

3

Doanh thu khác

[05]

II

Các khoản giảm trừ doanh thu

[06]=[07]+[08]

1

Các khoản thu hộ

[07]

2

Chi hoàn do khách hàng trả lại vé

[08]

III

Doanh thu chịu thuế TNDN

[09]=[01]-[06]

[10]

IV

Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu chịu thuế

[11]

V

Thuế TNDN phải nộp trong kỳ

[12]=[09]x[11]

[13]

Tôi xin cam đoan số liệu kê khai trên là đúng và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về số liệu đã kê khai./.

                      ………, ngày……..tháng……..năm 200….

NGUỜI NỘP THUẾ hoặc

ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ

Ký tên, đóng dấu (ghi rõ họ tên và chức vụ)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: