Hoàng Nhân Tuấn của tôi
1.
Có vài chuyện trong quá khứ, khi nhìn lại chỉ còn là mấy mảnh kí ức rời rạc, nhưng những chuyện liên quan đến Nhân Tuấn thì tôi đều nhớ rất rõ.
Đại diện cho học sinh tiêu biểu toàn trường phát biểu cảm nghĩ, Nhân Tuấn làm tôi miên man nghĩ ngợi, hoá ra giọng nói của một đứa con trai có thể trong trẻo như thế.
Nhưng trái ngược với kiểu làm bộ làm tịch trước mặt mọi người, cũng cùng một cái giọng đó cộc cằn mắng tôi ngu ngốc, phương trình bậc ba còn không biết làm.
Rồi lại cặm cụi giảng giải cho tôi từng chút một.
2.
Cơ duyên quen nhau của chúng tôi cũng hơi kì cục.
Hôm ấy thấy tên đầu gấu khét tiếng của trường cứ níu lấy tay Nhân Tuấn, tính tôi bao đồng, tưởng anh bị làm phiền nên chẳng nghĩ gì mà xông thẳng đến giải vây.
Hoá ra người ta đang tỏ tình, tôi đến khua chiêng múa trống cho cả thế giới biết làm người trong cuộc bẽ mặt.
Vẫn nhớ như in câu chửi đầu tiên của Nhân Tuấn dành cho tôi cùng với ánh lườm khinh bỉ, "Tay nhanh hơn não."
3.
Hiểu lầm lần đó làm tôi bị tên đầu gấu để mắt đến, nhưng nhờ Nhân Tuấn mà mọi chuyện không đi quá xa.
Áy náy xen lẫn cảm kích làm tôi cứ lẽo đẽo theo đuôi anh từ lúc nào không hay. Càng lúc càng khiến anh khó chịu đến mức gặp là mắng.
Mà không gặp cũng mắng.
4.
Tôi đích thị là cái loại đầu óc ngu si, tứ chi phát triển. Nhưng Nhân Tuấn không phải kiểu người chỉ biết học. Anh thích chạy bộ, leo núi, thỉnh thoảng còn vẽ tranh phong cảnh, là mẫu hình toàn diện lí tưởng của tụi con gái mới lớn.
Nhìn những người có chung sở thích lần lượt tiếp cận anh, tôi chạnh lòng cất đi chiếc ván trượt mới mua, hay đột nhiên mất hứng khoe khoang về chiến thắng của đội bóng đá mà tôi tham gia.
Có lẽ do vô tình thôi, riêng tôi vẫn nghĩ rằng Nhân Tuấn nhìn thấu lòng mình. Bao nhiêu chuyện cần anh phải lo, vậy mà anh vẫn tìm đến tôi nói vài câu, đại khái là ván trượt mới bao nhiêu tiền, gãy tay gãy chân mãi mà không khôn ra, hoặc là trận đấu thế nào, có phải lại thua không đồ ngốc.
Tôi kể với bạn bè, ai cũng nói tôi bịa chuyện, người hoà nhã lịch thiệp như Nhân Tuấn sao có thể nói mấy lời đó.
Chỉ mỗi tôi bị (sau này là được) đối xử như thế.
5.
Số người tỏ tình với Nhân Tuấn còn nhiều hơn số trang sách tôi từng học.
Nghe nói, Nhân Tuấn khéo léo trong chuyện tình cảm. Anh không gieo hi vọng, nhưng cũng không thẳng tay đạp đổ. Từ từ làm đối phương hiểu ra vấn đề, sau đó vẫn giữ được mối quan hệ xã giao không lạnh không ngọt.
Vậy mà nghe có người thổ lộ với tôi, anh nhíu mày tặc lưỡi rõ to, bảo tôi dứt khoát từ chối.
"Tại sao?"
"Khổ đời con gái người ta."
Tôi bất mãn lắm, nhưng vẫn làm theo. Vì tôi cũng không thích đối phương thật.
Nhấn mạnh lại, tôi không yêu người ta, chứ không phải vì sợ bị Nhân Tuấn lườm cháy mặt.
6.
Tình cảm xảy đến nhẹ nhàng như làn mây trắng lững lờ trôi giữa trời hạ.
Tôi gác đầu lên đùi Nhân Tuấn chơi game, thỉnh thoảng lại lén nhìn dáng vẻ anh chăm chú đọc sách.
Dáng vẻ tinh khôi của thiếu niên tri thức, khoảnh khắc yên lặng bên nhau từ lúc trời sáng đến khi chuyển đỏ, những phút giây bình dị quý giá hơn cả vàng.
Trong khoảnh khắc yên tĩnh mà tôi cũng suýt mơ màng thiếp đi, Nhân Tuấn nói với tôi, "Học đi. Tao giúp mày học. Rồi thi vào trường tao."
Vì một câu này, tôi không tiếc rẻ thời gian và công sức, chỉ mong bản thân có thể trở thành niềm tự hào của anh.
7.
Cuối học kì một năm lớp 12, mẹ tôi mắc bệnh phổi, không thể tiếp tục sinh sống ở nơi phố thị ô nhiễm khói bụi. Bố tôi mất sớm, trong nhà không có ai, tôi còn lỡ dở việc học, thế là mẹ tôi lủi thủi xách đồ về quê ngoại ở ngoài đảo.
Có mấy đêm cô đơn và buồn tủi, nhớ mẹ nơi xa bệnh tật một mình, tôi tìm gặp Nhân Tuấn để gục mặt vào vai anh, không mong anh nói lời gì, chỉ ước thời gian có thể ngưng đọng, mong rằng mọi chuyện sẽ ổn mặc cho hiện thực như cú tát vào mặt.
Thành tích của tôi chỉ ở mức khá, tiền dành dụm cả đời của mẹ cũng theo hoá đơn viện phí mà vơi đi gần hết, vốn dĩ tôi định đã định đi làm sau khi tốt nghiệp rồi, cố gắng tới giờ cũng chỉ vì lời hứa với anh.
Không như tôi, Nhân Tuấn được sinh ra trong một gia đình khá giả, có bố mẹ, có chị gái, được tạo điều kiện sinh sống và phát triển một cách tốt nhất. Có chăng là cách giáo dục của bố mẹ anh mang hơi hướng kiểm soát thái quá, dẫn đến việc anh phải học cách che giấu mọi cảm xúc tiêu cực trước mặt người khác.
Nhân Tuấn có vấn đề của riêng mình, làm sao tôi có thể bận lòng anh thêm được nữa.
Nên tôi giấu kín chuyện của mình, cũng kiên quyết để trống ô điền nguyện vọng đại học.
8.
Không biết sao chuyện ấy đến tai anh nhanh như thế.
Giữa cái đêm không trăng không sao của một ngày giữa tuần, Nhân Tuấn bắt chuyến tàu cuối cùng, xuất phát từ kí túc xá trường đại học đi gần 30km đến công viên nhỏ gần nhà tôi.
Đi quãng đường xa như thế, chỉ để hỏi tôi một câu lạnh căm, "Mày không học được, hay không muốn học với tao?"
Đừng nói là học, bất cứ chuyện gì, từ mấy thứ lông gà vỏ tỏi hay cả những điều to lớn hơn, tôi đều muốn cùng anh gánh vác.
Nhưng mẹ tôi không còn nhiều thời gian nữa. Mười năm sau thi đại học vẫn chưa muộn, chứ chỉ cần ngẩn ngơ trong giây lát, biết đâu tôi lại chẳng thể nói lời cuối cùng với mẹ.
Tương lai của anh rộng mở, không nên vì tôi mà chậm trễ.
Mộng vỡ, tình cũng tan.
Cho đến cuối cùng, tôi vẫn tỏ ra vui vẻ như từ trước đến giờ, thật tâm không muốn anh thấy chút xíu tan nát nào. Anh thích sự vui vẻ vô tư của tôi, tôi cũng muốn những gì cuối cùng trong anh về tôi vẫn sẽ vẹn nguyên như vậy.
"Anh ơi, anh sẽ tìm được một người yêu anh, cả những khi dịu dàng hay cáu gắt, vì anh mà dũng cảm tiến lên."
9.
Món quà cuối cùng Nhân Tuấn tặng tôi trước khi chính thức chia tay là cú đá thẳng vào cẳng chân cùng câu chửi nhẹ như gió chẳng chút uy hiếp nào, "Cút mẹ mày đi!"
Nhìn bóng lưng anh mất hút trong bóng tối, tôi ngồi thẫn thờ trên ghế đá rất lâu. Đau đớn chẳng nói nên lời, ngay cả nước mắt cũng không thể rơi xuống.
Tôi không xứng để khóc.
Tôi cũng không mong anh sẽ khóc.
Nhưng con người Nhân Tuấn ấy mà, nói cho cùng cũng chỉ được cái miệng cứng rắn.
Chỉ có tôi mới đủ can đảm chọc thủng cái bước tường kiên cố ấy, cũng chính tôi làm tổn thương lòng kiêu hãnh ngất trời của anh.
Tự tôi bắt đầu, cũng tự mình kết thúc.
Đời có nhân có quả, tôi cũng sắp nhận được hình phạt lớn nhất đời mình rồi.
10.
Tốt nghiệp cấp ba, tôi nắm tay mẹ chụp hình, bảo mình sẽ cùng mẹ về đảo lập nghiệp.
Những vết chân chim trên mặt mẹ ngày càng rõ, mẹ nhăn mặt bảo ở đó thì làm ăn được gì.
Tôi nói đằng nào tôi cũng không học được, trai tráng sức dài vai rộng, có lao động chân tay nhiều mới nên người.
Ở đảo, hai mẹ con tôi sống những ngày bình lặng mà vui vẻ. Mẹ được hít thở trong bầu không khí trong lành, tôi đi theo các bác trong vùng đánh bắt cá, trải nghiệm cuộc đời theo một cách dân dã mộc mạc nhất.
Rời xa nơi đô thị ồn ã, tôi cứ nghĩ mình sẽ khó sống lắm. Vì nhớ thành phố là ít, vì nhớ một người là nhiều.
Nhưng mỗi ngày đều bận rộn chân tay, nhìn mẹ không còn ho nhiều, tâm hồn tôi được vỗ về không ít.
Rồi tôi cũng quen. Mới đầu chật vật lắm, nhưng đâu lại vào đấy. Như thể đây mới là cuộc sống vốn dĩ của tôi.
Cuộc sống không có Hoàng Nhân Tuấn.
11.
Chưa được hai năm thì mẹ tôi mất.
Bác sĩ cũng từng dự đoán trước rồi, mẹ tôi đi trong thanh thản nên tôi cũng không buồn nhiều. Trái lại, nhìn di ảnh mẹ được đặt bên di ảnh bố, sống mũi tôi hơi cay cay, xúc động làm ướt khoé mi, "Bố không còn cô đơn nữa rồi."
Hai mươi tuổi, vì dầm mưa dãi nắng ngoài biển mà nhìn tôi già dặn trông thấy. Hàng xóm vẫn khuyên tôi nếu có cơ hội thì nên học đại học, người chăm chỉ như tôi phải lấy được một tấm vợ tốt, gầy dựng một gia đình hạnh phúc.
Tôi chỉ cười cười không đáp, nhưng bắt đầu nhen nhóm trong lòng những suy nghĩ liên quan đến chuyện quay về.
Tiền tiết kiệm hai năm qua có lẽ giúp tôi trụ được năm đầu tiên ở thành phố, hàng xóm trên đảo có thể ghé qua trông nom nhà cửa, tôi cũng an tâm mà khăn gói trở lại nơi tôi từng rời bỏ.
Trái đất rộng lớn như thế, đi một quãng xa như thế, vậy mà người đầu tiên tôi chạm mặt sau khi rảo bước trên con đường ở trung tâm thành phố vẫn là anh.
Anh nhìn tôi, thoáng chút ngạc nhiên mong manh nơi ánh mắt, đuôi mày khẽ nhếch, rồi anh nhanh chóng quay đầu bước đi. Có lẽ do tôi đã thay đổi ít nhiều, có lẽ tôi không đáng để bận tâm nữa.
Còn tôi chẳng thể nhầm được, người đi theo tôi vào từng cơn mơ giấc ngủ, người mà tôi đã nhớ đến độ có thể khắc hoạ rõ nét chân dung trong đầu.
May thật.
Anh vẫn sống tốt như tôi hằng mong.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro