Chương 1
Không thể hiểu nổi vì sao bên đài tiếng nói vẫn duy trì cái chương trình chết tiệt này vậy?
Xin lỗi mọi người vì đã bắt đầu câu chuyện bằng cảm xúc không mấy tiêu cực. Nhưng tôi thật sự đang rất bất mãn.
Chuyện là, tôi là một biên tập viên kiêm luôn phát thanh viên của một đài tiếng nói nhỏ nơi địa phương. Nhưng bởi vì đài tiếng nói đó quá vô danh tiểu tốt, nên dù được tính là một bô lão trong nghề rồi nhưng tôi vẫn chưa có chỗ đứng rõ ràng, nói trắng ra là cực kì thất bại.
Bản thân đài tiếng nói biết mình rất flop nhưng chẳng bao giờ chịu thay đổi, đội ngũ nhân viên đã rời đi gần hết, nhưng phía giám đốc vẫn cố gắng hùn tiền để sản xuất những chương trình chẳng ai thèm nghe. Trong đó có một chương trình mà tôi ghét cay ghét đắng vì nó quá nhàm, không phù hợp - chính là cái chương trình khỉ gió mà tôi đã đề cập bên trên ấy!
- Sao mà nhà của nhân chứng lại khỉ ho cò gáy quá vậy? Thật sự có người ở à?
Về cơ bản thì format chương trình của chúng tôi là tìm kiếm những câu chuyện “chưa kể”, chính là những mảnh đời sống một cuộc đời rất ý nghĩa nhưng lại luôn bị lãng quên. Chúng tôi - với vai trò là người thu thập thông tin, sẽ đi khắp nơi tìm những nhân chứng sống nhằm ghi chép lại và mang lên chương trình cho thính giả cùng theo dõi. Nhưng do mấy năm gần đây nhân viên cũng nghỉ tương đối rồi, khả năng tìm kiếm thông tin một cách chủ động có hạn, mấy năm gần đây bên chương trình phải đi phát tờ rơi để kêu gọi mọi người chia sẻ câu chuyện.
Nghe cũng tương đối cũ kĩ đúng không, nhất là trong thời đại người ta chuộng nghe những thông tin giật gân, hay nghe nhạc,... thì mấy chuyện tử tế rồi ý nghĩa này kia người ta hay ngó lơ lắm. Tất nhiên là chương trình này là một trong những kênh flop nhất của đài phát thanh luôn. Ban giám đốc dù có thừa tiền đến mấy thì cũng chẳng đủ để tiếp tục chạy nó.
Cho đến một ngày, chúng tôi nhận được một lá thư, trong đó bày tỏ mong muốn được gặp mặt và chia sẻ trực tiếp một câu chuyện mà trong thư nói là “không đáng bị lãng quên”.
Và thế là tôi đang ở giữa trốn rừng rậm, một thân một mình, đi tìm chiếc nhân chứng bí ẩn đó.
.
.
.
Sau một khoảng thời gian tìm kiếm, cuối cùng tôi dừng chân trước một căn nhà gỗ nằm sát dòng sông. Nước sông chảy rất xiết và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, nhưng chẳng hiểu vì sao chủ nhà vẫn kiên trì mà không chịu rời đi.
Thế kỷ 21 rồi, thật khó để thấy một căn nhà như thế này xuất hiện nơi trốn thành thị phồn hoa, còn có người ở thật nữa. Tôi không khỏi bàng hoàng trước một cảnh tượng như vậy, tay không kiềm được cầm máy ảnh lên chụp vài tấm.
Tiếng cửa nhà bật mở bỗng làm tôi giật hết cả mình, tôi vội giấu cái điện thoại tàn mới trả góp vào túi quần, lấm la lấm lét như thể vừa làm cái gì sai trái lắm.
Đúng như dự đoán, chủ nhà là một bà cụ tóc bạc phơ, dáng người bà nhỏ kèm theo đó là tấm lưng còng khiến cho bà trông có đôi phần khắc khổ, nhưng trên khuôn mặt phúc hậu của bà là một đôi mắt sáng rõ và một nụ cười hiền từ, không khỏi làm tôi nhớ đến bà mình.
- Cháu chào bà, cháu đến từ bên đài tiếng nói địa phương, cho hỏi bà là “người gác sông” ạ?
Tôi buột miệng hỏi một câu hơi lạ, nhưng vì đường vào nhà bà tương đối khó đi, nên trong suốt hành trình tôi đã hỏi khá nhiều người, và họ đều bảo đấy là nhà của “người gác sông”. Dù không hiểu rõ lý do lắm nhưng tôi thấy đó vẫn là một biệt danh rất đặc biệt.
Trước câu hỏi của tôi, đôi mắt bà cụ thoáng bất ngờ, sau đó lại hiền từ nhìn tôi:
- “Người gác sông” gì chứ? Ta cũng chỉ là một bà lão bán nước thôi. Chào cháu, ta là người đã gửi bức thư đó, vào đi…
Bà mời tôi vào nhà, trong nhà đã pha sẵn 2 tách trà vẫn còn nóng nguyên, như thể bà đã lường trước được rằng tôi sẽ đến vào thời điểm này vậy.
Như một thói quen làm nghề, tôi không câu nệ gì mà ngồi ngay vào chiếc ghế nhỏ đối diện bà rồi lấy giấy bút ra, chuẩn bị tác nghiệp. Khi bà nâng tách trà lên hớp một ngụm nhỏ, rồi thả cho ánh mắt của mình trôi về vùng xa xăm, tôi biết mình sắp sửa được nghe một câu chuyện mà bản thân sẽ không bao giờ quên…
—
Ngày xưa, cái thời mà đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, nơi này từng là ranh giới giữa hậu phương và chiến trường. Những người lính muốn tham gia chiến đấu đều phải băng qua dòng sông sau nhà ta, và bởi vì hiểu được điều này, ta đã mở một trạm dừng chân nhỏ cho họ, để trước khi lao vào “địa ngục trần gian”, họ có cơ hội được nghỉ ngơi đôi chút.
Trong suốt quãng thời gian mở quán nước, ta đã được nghe vô số những câu chuyện được kể từ những người lính. Có người ra đi vẫn còn một mối tình sau lưng, có người mới được 2 hôm đã nhớ gia đình muốn khóc, có người lên chiến trường là vì muốn tìm người thân… Ta không bắt họ kể, nhưng giữa một thời kì chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, có lẽ họ cũng mong muốn ai đó có thể lưu giữ lại trên thế gian này những kí ức của họ, vì vậy mà họ chọn kể cho ta - người cuối cùng mà họ gặp trước khi ra chiến trường - một bà hàng nước đứng tuổi cô đơn, lẻ loi.
Dù tuổi bây giờ đã cao nhưng trí óc ta vẫn còn minh mẫn lắm, nếu muốn ta luôn sẵn sàng kể cho cháu nghe nếu có thời gian, nhưng trước tiên ta muốn cháu nghe câu chuyện này trước. Câu chuyện về hai chàng lính rất đỗi đặc biệt, dù chẳng phải ruột thịt nhưng ta luôn xem hai đứa nó như con vậy.
Ta gặp hai đứa vào một ngày bình thường như bao ngày, cũng như bao đoàn quân khác, tiểu đoàn của chúng hành quân ra chiến trường, lúc ra đến bờ sông thì trời đã muộn, nên cả đoàn quyết định tá túc tại quán nước của ta qua đêm, sáng sớm hôm sau mới khởi hành.
Hai đứa là bạn thân, một đứa tóc đen tên Trình Tiểu Thời, đứa còn lại tóc trắng tên Lục Quang. Lần đầu ta gặp chúng, ta đã rất bất ngờ với mái tóc đặc biệt như vậy. Chỉ nghe Trình Tiểu Thời nói từ hồi xưa gặp thì tóc Lục Quang đã có màu như vậy rồi, chắc hẳn là bẩm sinh. Nhưng chẳng phải mái tóc như thế quá dễ bị địch phát hiện hay sao? Sao không nhuộm đi?
Lúc ấy ta chỉ là một bà hàng nước, dù rất muốn hỏi thêm nhưng ta sẽ chỉ làm tròn nghĩa vụ của mình. Ở chỗ ta ai cũng có câu chuyện riêng, nếu họ không muốn nói thì không niên miễn cưỡng.
Trò chuyện một hồi thì ta biết hóa ra hai đứa đều không có người thân, nương tựa vào nhau mà sống. Thấy đất nước đang lâm nguy, hai đứa liền gác hết sách bút trên trường rồi kéo nhau đi tòng quân với lý do hết sức buồn cười:
“Dù gì thì mình cũng không có ai chờ đợi, không có gánh nặng, vậy thì càng phải đi!”.
Nói vậy thôi chứ thời ấy sinh viên ra trận nhiều lắm, bởi họ đều ý thức được nếu không đi thì còn chi Tổ quốc, họ hiểu rằng tự do là lối thoát duy nhất cho dân tộc, mà muốn dành tự do chỉ có một con đường duy nhất. Nghe thì cũng nuối tiếc thật, nhưng chiến tranh mà, không tránh được.
Sáng hôm sau, tiểu đoàn nọ rời đi, ta cứ nghĩ đó sẽ là lần cuối cùng ta gặp hai cậu nhóc đặc biệt ấy, dẫu sao thì cuộc đời ta cũng đã gặp quá nhiều chia ly từ biệt rồi.
Nhưng rồi vào một đợt thắng lợi, ta lại gặp lại hai đứa nó, Lục Quang đã nhuộm tóc đen, nhưng vẫn lộ khá nhiều khoảng trắng, hẳn là nhuộm không có kĩ thuật, còn trên khuôn mặt Trình Tiểu Thời có thêm vài vết xước, nhưng nhìn chung là không có vấn đề gì, mặt mày vẫn sáng sủa lắm.
Chúng kể đợt thắng vừa rồi cho chúng một kì nghỉ nho nhỏ, mà hai đứa lại không có gia đình, nên không hẹn mà cùng quay về chỗ ta.
Về sau, tần suất hai đứa quay lại càng ngày càng nhiều, lúc nào về cũng mang bao nhiêu là sản vật, cùng với đó là những câu chuyện nho nhỏ nơi chiến trường.
- Cô biết không, máy bay địch to lắm, nhưng mà Lục Quang đã bắn rơi những hai chiếc đó, còn con bắn rơi tận ba ha ha!
- Ở trên đó tối đến là mấy anh em không được ngủ, phải thức trực, thế là có nguyên một hội đánh bài ra đời đó cô ạ!
Cảm giác giống như nghe con mình kể chuyện trên trường vậy. Chồng con ta ra trận rồi cũng không thấy trở về đã để lại trong lòng ta một nỗi đau quá lớn. Sự xuất hiện của hai đứa nó hệt như một phép màu mà ông trời trao đến cho ta. Có lẽ ta ngày đó, phần nào đã coi chúng như là con trai mình rồi.
Một ngày nọ, bên binh đoàn có lệnh triệu tập khẩn cấp, hai đứa trẻ con chưa kịp uống miếng nước đã vội vã khoác súng lên vai, không cả kịp chào ta lấy một câu. Dù cuối cùng chiến dịch vẫn rất thành công, bên mình tuy bị đánh lén nhưng đã kịp thời ứng chiến, trực giác của ta nói rằng mọi thứ chỉ mới là khởi đầu.
---
Mùa xuân năm ấy, các chiến sĩ được cho phép về bên gia đình nghỉ lễ trong ba ngày, hai đứa nhỏ - đúng như dự đoán, lại cùng nhau trở về chỗ quán nước xập xệ của ta.
Lâu ngày không gặp, bọn chúng có nhiều điều muốn kể ta nghe lắm, thế là ngay hôm đầu dù rất mệt, cả ba người đã nói chuyện với nhau đến tận sáng hôm sau vẫn chưa hết. Nói vậy chứ đa phần là cái máy hát Trình Tiểu Thời nói chuyện, chứ Lục Quang chỉ có im lặng ngồi nghe, thi thoảng chêm thêm vài câu chửi vào cho mọi người biết cậu nhóc vẫn đang tồn tại.
Nhiều khi ta nghĩ, hai cậu đấy mỗi người một tính, chẳng hiểu sao lại gặp mà chơi được với nhau hay thế. Duyên phận đúng là một điều gì đó rất khó lý giải.
—
Tiếng chuông đồng hồ bất chợt rung lên khe khẽ, phá hủy bầu không khí xung quanh bà và tôi.
Bà thở dài, rồi điềm nhiên cầm tách trà lên nhấp một ngụm. Sau đó, bà nhìn tôi mỉm cười:
- Câu chuyện hôm nay tạm thời tới đây đã, ngày mai cháu lại quay lại nhé!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro