Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

THIỀN SƯ TRUNG HOA II-5

THIỀN SƯ TRUNG HOA

TẬP HAI

H.T THÍCH THANH TỪ

ĐỜI THỨ SÁU SAU LỤC TỔ (tt)

15. HƯNG HÓA TỒN TƯƠNG THIỀN SƯ

(?-924)

Sư làm thị giả Lâm Tế, Lạc Phổ đến tham vấn. Lâm Tế hỏi: Ở đâu đến? Lạc Phổ thưa: Ở Loan Thành đến. Lâm Tế bảo: Có việc đem hỏi được chăng? Lạc Phổ thưa: Mới thọ giới chẳng hội. Lâm Tế bảo: Đập tan nước Đại Đường tìm cái người chẳng hội cũng không, đến nhà tham thiền đi. Sư đi theo sau Lâm Tế, thưa: Vị Tăng vừa mới đến là thành phá y hay chẳng thành phá y? Lâm Tế bảo: Ta nào có quản, ngươi thành phá hay chẳng thành phá? Sư thưa: Hòa thượng chỉ giỏi đem con chim sẻ chết để dưới đất bắn, mà chẳng giỏi đem chuyển ngữ che đậy người. Lâm Tế hỏi: Ngươi lại làm sao? Sư thưa: Thỉnh Hòa thượng làm Tăng mới đến. Lâm Tế bèn nói: Mới thọ giới chẳng hội. Sư thưa: Lại là tội lỗi của Lão tăng. Lâm Tế bảo: Lời của ngươi giấu kín mũi nhọn. Sư suy nghĩ, Lâm Tế liền đánh.

Chiều Lâm Tế lại hỏi: Hôm nay ta hỏi Tăng mới đến là đem chim sẻ chết để dưới đất bắn, hay đến trong ổ đập? Đến ngươi thốt được lời, lại hét khởi xong. Nhằm trong mây xanh đập. Sư thưa: Giặc cỏ đại bại. Lâm Tế liền đánh.

*

Ở hội của Tam Thánh Huệ Nhiên, Sư làm Thủ tọa, thường nói:

- Ta nhắm phương nam đi hành khước, một phen gặp được đầu gậy, mà chẳng từng tìm ra một người hội Phật pháp.

Tam Thánh nghe được hỏi:

- Ngươi đủ con mắt gì mà nói thế ấy?

Sư liền hét. Tam Thánh nói: phải là ngươi mới được.

Sau, Đại Giác nghe thuật lại, bèn nói: Làm sao được gió thổi gã đến trong cửa Đại Giác này.

*

Sư đến hội Đại Giác làm Viện chủ. Một hôm, Đại Giác gọi:

- Viện chủ! Ta nghe ông nói: ?nhắm phương nam đi hành khước, một phen gặp được đầu gậy, mà chẳng từng tìm ra một người hội Phật pháp?, ông cứ y vào đạo lý gì mà nói như thế?

Sư liền hét! Đại Giác liền đánh. Sư lại hét! Đại Giác lại đánh.

Hôm sau, Sư đi ngang qua pháp đường, Đại Giác gọi: Viện chủ! Ta vẫn còn nghi hai tiếng hét của ông hôm qua. Sư lại hét! Đại Giác lại đánh. Sư lại hét! Đại Giác lại đánh. Sư nói:

- Tôi ở chỗ Sư huynh Tam Thánh học được câu khách chủ, nay bị Sư huynh bẻ gãy rồi, xin cho tôi pháp môn an lạc.

Đại Giác bảo:

- Cái gã mù, đến trong ấy đã chịu thua, cổi áo nạp ra đánh đòn một trận.

Ngay lời nói này, Sư hiểu được đạo lý Tiên sư Lâm Tế ở chỗ Tổ Hoàng Bá ăn gậy.

*

Sư khai đường, niệm hương:

- Một cây hương này vốn vì Sư huynh Tam Thánh, Tam Thánh đối với ta rất ít oi; vốn vì Sư huynh Đại Giác, Đại Giác đối với ta rất dư dật; chẳng bằng cúng dường Tiên sư Lâm Tế.

*

Tăng hỏi:- Khi bốn phương tám hướng đến làm sao?

Sư bảo:- Đánh khoảng giữa.

Tăng liền lễ bái.

Sư bảo:

- Hôm qua đi phó trai giữa đường gặp một trận gió lớn mưa to, phải đến trong cổ miếu ẩn mình mới qua.

Sư hỏi vị Tăng mới đến:- Ở chỗ nào đến?

Tăng thưa:- Ở chỗ Thiền sư Thôi đến.

- Có đem được cái hét của Thiền sư Thôi chăng?

- Chẳng đem đến được.

- Thế ấy chẳng phải ở chỗ Thiền sư Thôi đến. Tăng liền hét. Sư bèn đánh.

*

Sư dạy chúng:

- Ta chỉ nghe ngoài hành lang hét, ở giá sau cũng hét. Các ông chớ có hét mù, hét loạn, dù cho hét được Hưng Hóa bay đến trụ trong giữa trời, lại phải rơi xuống tắt thở, đợi Hưng Hóa tỉnh lại sẽ bảo ông ?chưa hiện tại?. Vì cớ sao? Ta chưa từng nhằm trong màn lụa đỏ để chân châu, với những người các ông hét loạn trong hư không để làm gì?

*

Vua Đường Trang Tông đi Hà Bắc trở về đến Ngụy Phủ dừng lại Hành Cung, cho sứ mời Sư. Sư đến, Vua hỏi:

- Trẫm thâu Trung Nguyên nhận được hòn ngọc quí, chưa từng có người trả giá.

Sư nói:- Xin Bệ hạ cho xem.

Vua lấy hai tay vuốt từ đầu đến chân.

Sư nói:- Ngọc quí của quân vương ai dám trả giá.

Trang Tông rất vui, ban cho Sư tử y và hiệu, Sư đều từ chối chă?g nhận. Vua bèn tă?g ngựa, Sư nhận.

*

Sư cỡi ngựa, chợt bị ngựa quăng té gãy chân. Sư gọi: Viện chủ! chuốt cho ta một cái chân cây. Viện chủ chuốt xong đem đến cho Sư. Sư cặp vào đi khấp khểnh chung quanh viện, hỏi Tăng chúng:

- Các ngươi biết Lão tăng chăng?

Chúng Tăng đáp:- Làm sao mà không biết Hòa thượng.

Sư bảo:- Pháp sư què nói được đi chẳng được.

Sư đi đến pháp đường sai Duy-na đánh chuông họp chúng. Chúng tụ họp, Sư bảo:

- Lại biết Lão tăng chăng?

Chúng không đáp. Sư ném chân cây, ngồi ngay thẳng thị tịch.

*

16. VIỆN TAM THÁNH - THIỀN SƯ HUỆ NHIÊN

Sau khi được Lâm Tế truyền tâm pháp, Sư dạo khắp các tùng lâm. Đến Ngưỡng Sơn, Ngưỡng Sơn hỏi:- Ngươi tên gì?

Sư thưa:- Huệ Tịch.

Ngưỡng Sơn bảo:- Huệ Tịch là tên của ta.

- Huệ Nhiên.

Ngưỡng Sơn cười to.

*

Nhân có vị quan đến hỏi đạo, Ngưỡng Sơn hỏi: Quan ở vị nào? Quan thưa: Thôi quan. Ngưỡng Sơn dựng đứng phất tử hỏi: Lại Thôi được cái này chăng? Quan không đối được. Ngưỡng Sơn dạy chúng đáp; nhiều người đáp mà không hợp. Sư bệnh nằm tại nhà niết-bàn, Ngưỡng Sơn sai thị giả đến thỉnh Sư đáp. Sư bảo thị giả: Chỉ nói với Hòa thượng ngày nay có việc. Ngưỡng Sơn lại sai thị giả đến hỏi: Chưa biết có việc gì? Sư đáp: Tái phạm chẳng tha.

*

Sư đến Hương Nghiêm, Hương Nghiêm hỏi:- Ở đâu đến?

Sư thưa:- Ở Lâm Tế đến.

- Đem được thanh kiếm của Lâm Tế đến chăng?

Sư lấy tọa cụ che miệng, đánh rồi đi.

*

Đến Đức Sơn, Sư vừa trải tọa cụ, Đức Sơn bảo:

- Chớ trải cái khăn phủi bụi, trong đây không có canh cặn cơm thừa.

Sư thưa:- Dù có cũng không có chỗ đổ.

Đức Sơn liền đánh, Sư chụp gậy đẩy thẳng đến giường thiền. Đức Sơn cười to. Sư khóc nói: trời xanh! rồi xuống nhà tham thiền.

*

Sư ở hội Tuyết Phong, Tuyết Phong nói:

- Mỗi người tự có tấm gương xưa một mặt, con khỉ con vượn cũng có tấm gương xưa một mặt.

Sư ra hỏi:

- Bao nhiêu kiếp không tên, tại sao Hòa thượng lập tên gương xưa?

Tuyết Phong nói:- Bị vết tích.

Sư quở:- Lão Hòa thượng này câu thoại đầu cũng chẳng biết.

Tuyết Phong nói:- Lão tăng tội lỗi, bởi trụ trì nhiều việc.

*

Gặp Hòa thượng Bảo Thọ khai đường (mở hội tham thiền), Sư đẩy một vị Tăng ra trước Bảo Thọ. Bảo Thọ liền đánh vị Tăng ấy. Sư nói: Trưởng lão vì người thế ấy, làm mù mắt hết nhân dân trong thành Trấn Châu.

*

Ở Viện Tam Thánh, Sư thượng đường:

- Ta gặp người liền ra, ra thì chẳng vì người.

Liền xuống tòa.

*

17. HÒA THƯỢNG ĐẠI GIÁC

Lời Sư tham Lâm Tế và tiếp Hưng Hóa đã nói trong hai vị ấy. Khi sắp lâm chung, Sư gọi chúng bảo:

- Ta có một mũi tên cần trao cho ngươi.

Có vị Tăng bước ra thưa:- Con xin mũi tên của Hoà thượng.

Sư hỏi:- Ngươi nói thế nào là mũi tên?

Vị Tăng ấy liền hét! Sư đánh mấy gậy, rồi lui về phương trượng. Sư gọi vị Tăng ấy vào hỏi:- Ngươi hội chăng?

Tăng đáp:- Chẳng hội.

Sư lại đánh mấy gậy xong, ném gậy nói:

- Về sau gặp người sáng mắt thuật lại rõ ràng.

Sư liền từ giã chúng thị tịch.

*

18. THIỀN SƯ VĂN HỶ

(820-899)

Sư họ Chu quê ở Ngữ Khê Gia Hòa, xuất gia hồi bảy tuổi.

Niên hiệu Khai Thành năm thứ hai (837), Sư đến Triệu Quận thọ giới cụ túc, học tập luật Tứ phần. Đến niên hiệu Hội Xương (841-846) phế giáo, Sư trở lại thế gian giấu kín chí xuất trần. Sang niên hiệu Đại Trung (847) sùng tu Tam Bảo, Sư đến chùa Tề Phong ở Diêm Quan tiếp tục tu hành.

Sau, Sư đến yết kiến Thiền sư Tánh Không ở núi Đại Từ. Tánh Không bảo: Ngươi sao không đi tham vấn các nơi?

Sư đi thẳng lên núi Ngũ Đài ở chùa Hoa Nghiêm, sang lễ bái hang Kim Cang, gặp một ông già dắt trâu đi, mời Sư vào chùa. Đến chùa, ông gọi: Quân Đề! Có đồng tử: dạ! ra đón. Ông già thả trâu, dẫn Sư vào trong, Sư nhìn thấy nhà cửa đều hiện sắc vàng. Ông già ngồi trên giường, chỉ cái đôn bảo Sư ngồi. Ông già hỏi:- Vừa ở đâu đến?

Sư thưa:- Ở phương nam đến.

- Phương nam Phật pháp trụ trì thế nào?

- Đời mạt pháp Tỳ-kheo ít giữ giới luật.

- Chúng nhiều ít?

- Hoặc ba trăm, hoặc năm trăm.

Sư hỏi lại:- Ở đây Phật pháp trụ trì thế nào?

- Rắn rồng lẫn lộn, phàm thánh chung ở.

- Chúng nhiều ít?

- Trước ba ba, sau ba ba. (Tiền tam tam, hậu tam tam.)

Đồng tử dâng trà và tô lạc, Sư dùng vào cảm thấy tâm ý sảng khoái.

Ông già đưa chung pha lê lên hỏi Sư:- Phương nam lại có cái này chăng?

Sư thưa:- Không.

- Hằng ngày lấy cái gì uống trà?

Sư không đáp được. Thấy bóng mặt trời xế chiều, Sư hỏi:

- Tôi xin nghỉ lại một đêm ở đây được chăng?

Ông già bảo:- Ông còn chấp tâm chẳng được nghỉ.

- Tôi đâu có chấp tâm.

- Ngươi đã thọ giới chưa?

- Thọ giới đã lâu.

- Ngươi nếu không chấp tâm đâu cần thọ giới.

Sư từ tạ trở xuống. Ông già sai đồng tử tiễn chân.

Sư hỏi đồng tử:- Trước ba ba sau ba ba, là nhiều ít?

Đồng tử gọi: Đại đức! Sư ứng thanh: Dạ! Đồng tử bảo: Ấy nhiều ít?

Sư lại hỏi:- Đây là chỗ gì?

Đồng tử đáp:- Đây là chùa Bát-nhã trong hang Kim Cang.

Sư buồn bã, biết ông già đó là Văn-thù mà không thế nào gặp lại được.

Sư đảnh lễ Đồng tử xin một câu khi từ biệt. Đồng tử nói kệ:

Diện thượng vô sân cúng dường cụ

Khẩu lý vô sân thổ diệ? hương

Tâm lý vô sân thị trân bảo

Vô cấu vô nhiễm thị chân thường.

Dịch:

Trên mặt không sân đồ cúng dường

Trong miệng không sân xuất diệu hương

Trong tâm không sân là trân bảo

Không nhơ không nhiễm là chân thường.

Nói xong, Quân Đề và chùa đều ẩn, chỉ thấy trong mây năm sắc Văn-thù cỡi kim mao sư tử qua lại, chợt có cụm mây trắng từ phương đông bay qua che lấp.

*

Niên hiệu Hàm Thông năm thứ ba (862), Sư đến Hồng Châu lại viện Quan Âm yết kiến Ngưỡng Sơn. Qua câu nói, Sư liền khế ngộ bản tâm. Ngưỡng Sơn cử Sư xung chức Điển tọa.

*

Sư nấu cháo, thường thấy Văn-thù hiện trên nồi cháo. Sư lấy cây giầm quậy cháo đập, nói:- Văn-thù tự Văn-thù, Văn Hỷ tự Văn Hỷ.

Văn-thù nói kệ:

Khổ hồ liên căn khổ

Điềm qua triệt đới điềm

Tu hành tam đại kiếp

Khước bị lão tăng hiềm.

(Dưa đắng gốc vẫn đắng

Dưa ngọt rễ cũng ngon

Tu hành ba đại kiếp

Lại bị lão tăng đòn.)

*

Một hôm, có một vị Tăng lạ đến xin một bữa cơm, Sư bớt phần ăn của mình cúng dường. Ngưỡng Sơn dự biết hỏi:

- Vừa rồi có người đã vào quả vị đến, ngươi có cấp phần ăn chăng?

Sư thưa:- Bớt phần của con cúng dường.

Ngưỡng Sơn bảo:- Ngươi được lợi ích lớn.

*

Niên hiệu Quang Khải năm thứ ba (887), Tiền Vương thỉnh Sư trụ Long Tuyền Giải thự (nay là viện Từ Quang).

Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là tướng Niết-bàn?

Sư đáp:- Chỗ khói hương hết, nghiệm.

- Thế nào là đại ý Phật pháp?

Sư gọi Viện chủ đến! ông thầy này bị bệnh điên.

- Thế nào là tự mình?

Sư lặng thinh.

Vị Tăng ấy mờ mịt, lại hỏi câu trên.

Sư bảo:- Trời trong bụi mù, chẳng nhằm bên mặt trăng bay.

*

Niên hiệu Quang Hóa năm thứ hai (899), Sư có chút bệnh. Đến ngày hai mươi bảy tháng mười vào lúc giờ tý giữa đêm, Sư bảo chúng:

- Tâm tam giới hết tức là Niết-bàn.

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ tám mươi tuổi, sáu mươi tuổi hạ.

*

19. THIỀN SƯ QUANG DŨNG

Ở Nam Tháp

Sư họ Chương quê ở Phong Thành ? Dự Chương. Khi mẹ sanh Sư, có thần quang soi sáng khắp sân, ngựa trong chuồng đều kinh hoảng, nhân đó đặt tên Sư là Quang Dũng. Thuở nhỏ Sư rất thông minh, theo Ngưỡng Sơn xuất gia.

Sư sang miền Bắc yết kiến Lâm Tế, lại trở về hầu Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi:- Ngươi đến làm gì?

Sư thưa:- Đảnh lễ ra mắt Hòa thượng.

- Thấy Hòa thượng chăng?

- Dạ thấy.

- Hòa thượng sao giống in lừa?

- Con thấy Hòa thượng cũng chẳng giống Phật.

- Nếu chẳng giống Phật thì giống cái gì?

- Nếu có chỗ giống thì cùng lừa khác gì?

Ngưỡng Sơn ngạc nhiên nói:

- Phàm thánh cả hai đều quên, tình hết, thể hiện bày, ta lấy đây nghiệm xét người, hai mươi năm không ngờ vực. Con nên gìn giữ đó.

Ngưỡng Sơn thường chỉ Sư bảo với nguời:

- Kẻ này là nhục thân Phật.

*

Sau, Sư kế vị ở Ngưỡng Sơn tháp phía nam. Có vị Tăng hỏi:

- Văn-thù là thầy bảy đức Phật, Văn-thù có thầy chăng?

Sư đáp:- Gặp duyên liền có.

- Thế nào là thầy Văn-thù?

Sư dựng đứng cây phất tử chỉ đó.

Tăng thưa:- Cái ấy là phải sao?

Sư ném cây phất tử khoanh tay.

*

Tăng hỏi:- Thế nào là diệu dụng một câu?

Sư đáp:- Nước đến thành hồ.

- Chân Phật ở tại chỗ nào?

- Nói ra không tướng, cũng chẳng tại nơi khác.

Không rõ Sư tịch lúc nào và ở đâu.

*

20. THIỀN SƯ TOÀN KHOÁT

Ở Nham Đầu - (828-887)

Sư họ Kha quê ở Tuyền Châu. Thuở thiếu thời, Sư theo Nghị Cộng ở Thanh Nguyên xuất gia. Sau Sư đến Trường An ở chùa Bảo Thọ thọ giới cụ túc và học tập các bộ kinh luật.

Sư dạo khắp các thiền uyển, kết bạn cùng Tuyết Phong Nghĩa Tồn, Khâm Sơn Văn Thúy. Từ núi Đại Từ sang Lâm Tế, Lâm Tế đã qui tịch, đến yết kiến Ngưỡng Sơn.

Vừa vào cửa, Sư đưa cao tọa cụ, thưa: Hòa thượng. Ngưỡng Sơn cầm phất tử toan giở lên. Sư thưa: Chẳng ngại tay khéo.

*

Đến tham yết Đức Sơn, Sư cầm tọa cụ lên pháp đường nhìn xem. Đức Sơn hỏi: Làm gì? Sư quát tháo. Đức Sơn hỏi: Lão tăng có lỗi gì? Sư thưa: Lưỡng trùng công án. Sư trở xuống nhà tham thiền. Đức Sơn nói: Cái ông thầy in tuồng người hành khước.

Hôm sau lên thưa hỏi, Đức Sơn hỏi: Xà-lê phải vị Tăng mới đến hôm qua chăng? Sư thưa: Phải. Đức Sơn bảo: Ở đâu học được cái rỗng ấy? Sư thưa: Toàn Khoát trọn chẳng tự dối. Đức Sơn bảo: Về sau chẳng được cô phụ Lão tăng.

Hôm khác đến tham, Sư vào cửa phương trượng đứng nghiêng mình hỏi: Là phàm là thánh? Đức Sơn hét! Sư lễ bái.

Có người đem việc ấy thuật lại cho Động Sơn nghe. Động Sơn nói: Nếu chẳng phải Thượng tọa Khoát rất khó thừa đương. Sư nghe được lời này bèn nói: Ông già Động Sơn chẳng biết tốt xấu lầm buông lời, ta đương thời một tay đưa lên một tay bắt.

*

Tuyết Phong ở Đức Sơn làm phạn đầu (trưởng ban trai phạn). Một hôm cơm trễ, Đức Sơn ôm bát đến pháp đường. Tuyết Phong phơi khăn lau, trông thấy Đức Sơn bèn nói: Ông già này, chuông chưa kêu trống chưa đánh mà ôm bát đi đâu?

Đức Sơn trở về phương trượng. Tuyết Phong thuật việc này cho Sư nghe. Sư bảo: Cả thảy Đức Sơn chẳng hội câu rốt sau.

Đức Sơn nghe, sai thị giả gọi Sư đến phương trượng, hỏi: Ông chẳng chấp nhận Lão tăng sao? Sư thưa nhỏ ý ấy.

Đến hôm sau, Đức Sơn thượng đường có vẻ khác thường. Sư đến trước nhà tăng vỗ tay cười to, nói: Rất mừng! ô?g già Đường đầu hội được câu rốt sau, người trong thiên hạ không bì được ông, tuy nhiên cũng chỉ sống được ba năm (quả nhiên ba năm sau Đức Sơn tịch).

*

Một hôm, Sư cùng Tuyết Phong, Khâm Sơn ba người họp nhau, bỗng dưng Tuyết Phong chỉ một chén nước. Khâm Sơn nói: Nước trong, trăng hiện. Tuyết Phong nói: Nước trong, trăng chẳng hiện. Sư đá chén nước rồi đi.

Từ đó về sau, Khâm Sơn đến Động Sơn.

Sư và Tuyết Phong nối pháp Đức Sơn.

*

Sư cùng Tuyết Phong đến từ Đức Sơn. Đức Sơn hỏi: Đi về đâu? Sư thưa: Tạm từ Hòa thượng hạ sơn. Đức Sơn hỏi: Con về sau làm gì? Sư thưa: Chẳng quên. Đức Sơn hỏi: Con nương vào đâu nói lời này? Sư thưa: Đâu chẳng nghe ?trí vượt hơn thầy mới kham truyền trao, trí ngang bă?g thầy kém thầy nửa đức?. Đức Sơn bảo: Đúng thế! đúng thế! phải khéo hộ trì. Hai vị lễ bái rồi lui.

Tuyết Phong về Mân Xuyên ở gộp Tuyết Phong trên núi Tượng Cốt. Sư cất am ở núi Ngọa Long Động Đình. Đồ chúng tấp nập kéo đến.

*

Tăng hỏi:- Không thầy lại có chỗ xuất thân chăng?

Sư đáp:- Trước tiếng lông xưa nát.

- Kẻ đường đường đến thì sao?

- Đâm lủng con mắt.

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang?

- Dời ngọn núi Lô đi, ta sẽ vì ông nói.

*

Sư cùng La Sơn đi xem nền tháp. Đi giữa đường La Sơn gọi: Hòa thượng! Sư xoay đầu hỏi: Làm gì? La Sơn đưa tay chỉ nói: Trong ấy có miếng đất tốt. Sư quở: Kẻ bán dưa ở Qua Châu. Lại đi khoảng ít dặm, La Sơn lễ bái hỏi: Hòa thượng đâu chẳng phải ở Động Sơn ba mươi năm mà chẳng chấp nhận Động Sơn ư? Sư đáp: Phải. La Sơn lại hỏi: Hòa thượng đâu chẳng phải nối pháp Đức Sơn mà chẳng chấp nhận Đức Sơn chăng? Sư đáp: Phải. La Sơn hỏi tiếp: Chẳng chấp nhận Đức Sơn thì miễn hỏi, còn Động Sơn có khuyết điểm gì? Sư làm thinh giây lâu đáp: Động Sơn là ông Phật đẹp, chỉ là không hào quang.

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến:- Ở đâu đến?

Tăng thưa:- Ở Tây Kinh đến.

- Sau trận giặc Hoàng Sào lại lượm được kiếm chăng?

- Lượm được.

Sư đưa cổ làm thế nhận chặt. Tăng nói: Đầu thầy rơi. Sư cười to.

*

Sư dạy chúng:

- Phàm việc trong đại tổng cương tông phải biết cú. Nếu chẳng biết cú khó hội được câu nói. Cái gì là cú? Khi trăm việc chẳng suy nghĩ, gọi là chánh cú, cũng gọi là cư đảnh (ở trên đảnh), là được trụ, là rõ ràng, là tỉnh tỉnh, là chắc thật, là khi Phật chưa sanh, là đắc địa, là cùng khi ấy sẽ cùng khi ấy v.v? Phá tất cả thị phi mới cùng tiện, chẳng cùng tiện lăn trùng trục dưới đất. Nếu nhìn chẳng thấu liền bị người đâm đui mắt. Chỗ con mắt nhìn lờ mờ in tuồng con dê bị giết mà chưa chết. Cổ nhân nói ?hôn trầm chă?g tốt, cần chuyển được mới nên?. Chạm đến liền chuyển mới cùng tiện, chẳng cùng tiện. Thị cú cũng chặt phi cú cũng chặt, tự nhiên lăn trùng trục, tự nhiên trước mắt hiện rõ ràng, no tràn hông. Chẳng hiểu chối bỏ, chẳng hiểu nhai nát. Đâu chẳng nghe nói ?chối bỏ vật là trên, theo vật là duới?. Vừa khởi tí xíu tình liền rơi xuống đất. Nếu là nhai nát thì heo chó mắt đỏ ngầu.

Nếu có người hỏi thế nào là thiền, nên đáp với y: ?bịt lỗ đít lại, mới có ít phần hơi hám, mới biết cạn sâu lớp lớp??

Huynh đệ! thấy cùng chăng? nói thế hội chăng? Chớ có trọn ngày rầm rĩ, sẽ không có ngày xong. Muốn được dễ hội cần biết ở trước thanh sắc chẳng bị muôn cảnh làm hoặc loạn, tự nhiên hiện rõ ràng, tự nhiên vô sự. Tiến tới trước thanh sắc mà vẫn thản nhiên, in tuồng một đống lửa lớn, chạm đến liền cháy, lại còn có việc gì? Đâu không nghe nói ?chẳng phải trần chẳng xâm phạm ta, mà khi ta vô tâm nó cháy?.

*

Sau này có người hoặc hỏi Phật, hỏi pháp, hỏi đạo, hỏi thiền, Sư đều hư lên một tiếng. Sư thường bảo chúng: Khi Lão già này đi, sẽ rống lên một tiếng rồi đi.

*

Đời Đường sau thời Quang Khải, Trung Nguyên giặc cướp dấy lên, chú?g Tăng đều đi tránh nơi khác. Sư vẫn an nhiên ở đây. Một hôm giặc đến, chúng trách Sư không có gì dâng biếu, bèn đâm Sư. Sư thần sắc không đổi, chỉ rống lên một tiếng rồi chết. Tiếng ấy vang xa đến mười dặm.

Sư tịch nhằm năm Quang Khải thứ ba (887) ngày mùng tám tháng tư.

*

21. THIỀN SƯ NGHĨA TỒN

Ở Tuyết Phong - (822-908)

Sư họ Tằng người Nam An Tuyền Châu. Sư sanh trong gia đình thờ Phật, thuở nhỏ đã không chịu ăn thịt cá. Còn trong nôi mà Sư nghe tiếng chuông, hoặc thấy tràng phan, hoa hương, tượng Phật Bồ-tát liền cười.

Năm mười hai tuổi. Sư theo cha đến chùa Ngọc Gián ở Bồ Điền, thấy Luật sư Khánh Huyền bèn đảnh lễ nói: thầy con! rồi ở lại đây luôn. Đến mười bảy tuổi, Sư được cạo tóc. Sau, Sư đến chùa Bảo Sát ở U Khê thọ giới cụ túc. Sư thường dạo qua các thiền họ?.

*

Tại Động Sơn, Sư làm Phạn đầu (trưởng ban trai phạn) đang đãi gạo. Khâm Sơn hỏi: Đãi cát bỏ gạo hay đãi gạo bỏ cát? Sư đáp: Gạo cát đồng thời bỏ. Khâm Sơn hỏi: Đại chúng lấy gì ăn? Sư bèn lật úp thau đãi gạo. Khâm Sơn nói: Cứ theo nhân duyên này, huynh hợp ở Đức Sơn.

*

Một hôm, Động Sơn hỏi: Làm gì đây? Sư thưa: Đẽo máng. Động Sơn hỏi: Đẽo mấy búa được thành? Sư thưa: Một búa đẽo thành. Động Sơn bảo: Vẫn là việc bên này, việc bên kia thì sao? Sư thưa: Hẳn được không chỗ hạ thủ. Động Sơn bảo: Vẫn là việc bên này, việc bên kia thì sao? Sư im lặng.

*

Sư đến tạm biệt Động Sơn, Động Sơn hỏi: Ngươi đi đâu? Sư thưa: Đi về trong đảnh núi. Động Sơn hỏi: Đương thời từ đường nào ra? Sư thưa: Từ đường vượn bay đảnh núi ra. Động Sơn hỏi: Nay quay lại đường mà đi? Sư thưa: Từ đường vượn bay đảnh núi đi. Động Sơn bảo: Có người chẳng từ đường vượn bay đảnh núi đi, ngươi biết chăng? Sư thưa: Chẳng biết. Động Sơn hỏi: Tại sao chẳng biết? Sư thưa: Y không mặt mày. Động Sơn bảo: Ngươi đã chẳng biết, sao biết không mặt mày? Sư không đáp được.

*

Đến Đứ? Sơn, Sư hỏi: Tông thừa từ trước, con có phần cùng chăng?

Đức Sơn đánh một gậy, bảo: Nói cái gì? Sư thưa: Chẳng hội.

Hôm sau, giờ thưa hỏi, Đức Sơn bảo chúng: Tông của ta không ngữ cú, thật không một pháp cho người. Sư nhân đó có tỉnh.

*

Sư cùng Nham Đầu đi đến Ngao Sơn ở Lễ Châu gặp trở tuyết (tuyết xuống quá nhiều) dừng lại, Nham Đầu mỗi ngày cứ ngủ, Sư một bề ngồi thiền. Một hôm, Sư gọi: Sư huynh! Sư huynh! hãy dậy.

Nham Đầu hỏi:- Làm cái gì?

Sư nói:

- Đời nay chẳng giải quyết xong, lão Văn Thúy đi hành khước đến nơi chốn, bị y chê cười, từ ngày đến đây sao chỉ lo ngủ?

Nham Đầu nạt:

- Ngủ đi! mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa, ngày sau bọn ma quỉ nam nữ vẫn còn.

Sư chỉ trong ngực nói:- Tôi trong ấy còn chưa ổn, không dám tự dối.

- Tôi bảo ông sau này lên trên chót núi cất thảo am xiển dương đại giáo, sẽ nói câu ấy.

- Tôi thật còn chưa ổn.

- Nếu ông thật như thế, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ phải tôi sẽ chứng minh cho ông, chỗ chẳng phải tôi sẽ vì ông đuổi dẹp.

- Khi tôi mới đến Diêm Quan thấy thượng đường nói nghĩa sắc không liền được chỗ vào.

- Từ đây đến ba mươi năm rất kỵ không nên nói đến.

- Tôi thấy bài kệ của Động Sơn qua sông: ?Thiết kỵ tùng tha mít, điều điều dữ ngã sơ, cừ kim chánh thị ngã, ngã kim bất thị cừ.?

- Nếu cùng ấy tự cứu cũng chưa tột.

Sau, hỏi Đức Sơn: việc trong tông thừa từ trước con có phần chăng, Đức Sơn đánh một gậy hỏi: nói cái gì, tôi khi đó giống như thùng lủng đáy.

Nham Đầu nạt:

- Ông chẳng nghe nói ?từ cửa vào chă?g phải của báu trong nhà??

- Về sau làm thế nào mới phải?

- Về sau, nếu muốn xiển dương Đại giáo, mỗi mỗi từ trong hông ngực mình lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi!

Sư nhân câu ấy đại ngộ liền đảnh lễ, đứng dậy kêu luôn: Sư huynh! ngày nay mới là thành đạo ở Ngao Sơn.

*

Tăng hỏi:- Hòa thượng thấy Đức Sơn được cái gì liền thôi?

Sư đáp:- Ta đi tay không, về tay không.

*

Có hai vị Tăng đến, Sư lấy tay chặn cửa am, nhảy vọt ra, nói: Ấy cái gì? Tăng cũng nói: Ấy cái gì? Sư cúi đầu vào am. Tăng từ Sư đi nơi khác. Sư hỏi: Đi nơi nào? Tăng thưa: Hồ nam. Sư bảo: Ta có người bạn đồng hành ở Nham Đầu, gởi ông một lá thơ đưa hộ. Thơ viết: ?Tôi gởi thơ lên Sư huynh, từ ngày tôi thành đạo ở Ngao Sơn về sau cho đến ngày nay vẫn còn no chẳng đói.?

Tăng đến Nham Đầu, Nham Đầu hỏi: Từ nơi nào đến? Tăng thưa: Tuyết Phong đến, có thơ dâng lên Hòa thượng. Nham Đầu tiếp thơ xong hỏi: Có ngôn cú gì khác chăng? Tăng bèn thuật lại lời trước. Nham Đầu hỏi: Ông ấy nói sao? Tăng thưa: Không nói, chỉ cúi đầu vào am. Nham Đầu nói: Ôi! ta hối hận lúc đầu chẳng nói với y câu rốt sau. Nếu nói với y thì người trong thiên hạ không làm gì được lão Tuyết.

*

Tăng ở lại đến cuối hạ mới lên thưa hỏi câu ấy. Nham Đầu bảo: Sao chẳng hỏi sớm? Tăng thưa: Chưa dám dễ dàng. Nham Đầu bảo: Tuyết Phong tuy cùng ta đồng điều sanh, mà chẳng cùng ta đồng điều tử. Cần biết câu rốt sau chỉ là thế.

*

Vị Tăng hỏi Hòa thượng Tây Sơn: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang? Tây Sơn đưa cây phất tử lên chỉ đó. Tăng không chấp nhận.

Sau, vị Tăng ấy đến tham vấn Sư. Sư hỏi: Ở nơi nào đến? Tăng thưa: Ở Chiết Trung đến. Sư hỏi: Hạ năm nay ở tại đâu? Tăng thưa: Ở Tây Sơn Tô Châu. Sư hỏi: Hòa thượng an ổn chăng? Tăng thưa: Khi đến thấy Ngài được muôn phước. Sư hỏi: Sao không ở đó tu học? Tăng thưa: Phật pháp chẳng sáng. Sư hỏi: Có việc gì? Tăng thuật lại việc trước. Sư hỏi: Tại sao ông chẳng chấp nhận Ngài? Tăng thưa: Ấy là cảnh. Sư bảo: Ông thấy kẻ nam nữ ở Tô Châu chăng? Tăng thưa: Thấy. Sư hỏi: Ông thấy cây cối trên đường chăng? Tăng thưa: Thấy. Sư bảo: Phàm thấy nam nữ đất cát suối rừng thảy đều là cảnh, ông chấp nhận những cái ấy chăng? Tăng thưa: Chấp nhận. Sư bảo: Tại sao giở phất tử ông không chấp nhận? Tăng lễ bái thưa: Con chấp bướng nói bừa, xin Hòa thượng từ bi. Sư hỏi: Tột càn khôn là con mắt, ông tìm chỗ nào ngồi xổm. Tăng không đáp được.

*

Có một vị Tăng ở dưới núi cất thảo am, nhiều năm không cạo tóc, dùng một ống cây dài ra bên suối múc nước. Vị Tăng khác thấy hỏi: Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn sang? Am chủ đáp: Suối sâu ống cây dài.

Sư nghe việc này, nói: rất là kỳ quái. Một hôm Sư cùng thị giả đem dao cạo theo đến am. Vừa gặp mặt, Sư dẫn lời nói trước hỏi, phải lời am chủ chăng? Am chủ nói: Phải. Sư bảo: Nếu nói được chẳng cạo tóc ông. Am chủ liền đi gội đầu, quì gối trước Sư, Sư liền cạo tóc cho.

*

Tam Thánh Huệ Nhiên hỏi:- Cá vàng vượt khỏi lưới lấy gì ăn?

Sư bảo:- Đợi ông vượt khỏi lưới sẽ vì ông nói.

Tam Thánh nói:

- Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người, mà câu thoại đầu cũng chẳng biết.

Sư bảo:- Lão tăng trụ trì nhiều việc.

*

Sư hỏi vị Tăng mới đến: Vừa rời chỗ nào đến? Tăng thưa: Phú Thuyền (Thiền sư Hồng Tiến) đến. Sư hỏi: Biển sanh tử chưa qua, vì sao lại Phú Thuyền (úp thuyền)? Tăng không đáp được, bèn trở về thuật lại Phú Thuyền. Phú Thuyền bảo: Sao không nói y không sanh tử. Tăng trở lại nói lời này. Sư bảo: Đây không phải lời của ông. Tăng thưa: Phú Thuyền nói thế ấy. Sư bảo: Ta có hai mươi gậy gởi cho Phú Thuyền, còn ta tự ăn hai mươi gậy, chẳng can hệ gì việc Xà-lê.

*

Huyền Sa Sư Bị thưa:- Hiện nay có đại dụng, Hòa thượng phải làm sao?

Sư đem ba trái cầu gỗ đồng thời ném ra. Huyền Sa ra bộ chẻ bia.

Sư bảo:- Người hiện ở Linh Sơn mới được như vậy.

Huyền Sa thưa:- Cũng là việc nhà mình.

*

Một hôm, Sư ở trong nhà tăng đóng cửa trước cửa sau nổi lửa đốt, lại kêu: Cứu lửa! Cứu lửa! Huyền Sa đem một thanh củi từ cửa sổ ném vào trong. Sư bèn mở cửa.

*

Sư thượng đường:

- Núi Nam có một con rắn mũi to, hết thảy các ông đều phải khéo xem.

Trường Khánh bước ra thưa:

- Hôm nay trong nhà này có người tán thân mất mạng.

Vân Môn lấy cây gậy ném trước Sư rồi ra bộ sợ.

Có người đem việc này thuật lại Huyền Sa. Huyền Sa nói:

- Phải là huynh Lăng mới được. Tuy nhiên như thế, nếu ta thì chẳng vậy.

Tăng hỏi:- Hòa thượng làm thế nào?

Huyền Sa nói:- Dùng núi Nam làm gì.

*

Một hôm, Sư bảo Huệ Lăng (Trường Khánh):

- Ta thấy Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn ?chư thánh đi chỗ nào?, Ngưỡng Sơn đáp: ?hoặc ở trên trời, hoặc ở nhân gian?. Ngươi nói ý Ngưỡng Sơn thế nào?

Huệ Lăng thưa:

- Nếu hỏi chỗ ra vào của chư thánh mà nói thế ấy thì không được.

Sư bảo:

- Ngươi đều không chấp nhận, chợt có người hỏi ngươi đáp thế nào?

- Chỉ nói lầm.

- Là ngươi chẳng lầm.

- Đâu khác với lầm.

*

Sư sắp thị tịch, Sư tự chế tháp và làm bài minh, tựa rằng:

- Phàm từ duyên mà có là trước sau thành hoại, chẳng từ duyên mà được muôn kiếp thường vững; Vững thì hằng còn, hoại thì tổn giảm. Tuy nhiên ly tán chưa đến, ngại gì dự bị sắp đặt? Sở dĩ, chất đá làm nhà, cưa cây đóng hòm, bưng đất đổ đống làm khám. Các việc đã đủ, đầu xây hướng nam, chân về hướng bắc, nằm ngang qua núi.

Chỉ mong đến giờ, đồng đạo chớ trái ý ta. Người biết tâm ta, thì chẳng đổi chí ta, dặn sâu! lại dặn!?

Sư trụ Mân Xuyên hơn bốn mươi năm, học giả mùa Đông mùa Hạ chẳng dưới số một ngàn năm trăm người.

Đời Lương niên hiệu Khai Bình năm thứ hai (908) vào tháng ba, Sư có chút ít bệnh. Mân Soái sai lương y đến xem mạch. Sư bảo: Ta chẳng phải bệnh, trọn chẳng uống thuốc. Sư để kệ và trao pháp xong, ngày mùng hai tháng năm, sáng đi dạo Lam Điền, chiều về tắm rửa, nửa đêm nhập diệt. Sư thọ tám mươi bảy tuổi, năm mươi chín tuổi hạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro