THIỀN SƯ NI TRUNG HOA
THIỀN SƯ NI
NHƯ LAI THIỀN TRUNG HOA
Sư Ni TĂNG QUẢ
Ở Quảng Lăng
Sư tục danh Triệu Pháp Hựu, quê ở Tu Võ. Thuở nhỏ, Sư tánh tình thành tín, chất phác, tự nhiên. Tuy nhỏ mà không ăn quá ngọ. Cha mẹ cho là khác thường. Đến khi thành nhơn, Sư quyết tâm tiến bước trên con đường giải thoát. Thế mà, đến năm 27 tuổi mới được xuất gia.
Sư thờ Sư Ni Huệ Thông ở Quảng Lăng làm thầy. Sư tu hành giới luật rất nghiêm minh, thiền quán thanh bạch. Mỗi khi Sư nhập định đến đôi ba ngày mới xuất. Tâm chuyên trong tịnh cảnh, hình tướng như cây khô, những kẻ thô thiển không thể hiểu thấu được.
Niên hiệu Nguyên Gia thứ 6 (430 dl) Nam Tống Văn Đế có thuyền chủ Nan Đề chở một số Ni từ nước Sư Tử (Tích Lan) đến, tạm trú tại chùa Cảnh Phước, kinh đô nhà Tống, chư Ni ấy hỏi sư:
- Nước này từ trước đến nay có Ni ngoại quốc đến chăng?
Sư đáp:
- Chưa có.
Chư Ni hỏi:
- Các vị Ni xứ này trước đây thọ giới làm sao có đủ hai bộ đại Tăng ?
Sư đáp:
- Chỉ theo Sư Tăng thọ giới, không có Sư Ni. Bởi do nhận hiểu Phật, Pháp và tín tâm kính trọng là phương tiện được giới. Như bà Đại Aùi Đạo do pháp Bát Kỉnh mà đắc giới, sau này mới làm Hòa Thượng cho 500 Thích nữ xuất gia thọ giới.
Tuy Sư đáp như thế, nhưng trong lòng vẫn chẳng an, Sư đến hỏi Pháp Sư Tăng Già Bạt Ma (Sanghabhadra) và được giải đáp giống như ý kiến của Sư.
Sư thưa:
- Nếu có đủ hai bộ Đại Tăng, có thọ giới lại được chăng?
Pháp Sư đáp:
- Giới, định, huệ càng sâu càng quý. Thọ lại thêm tốt có hại gì?
Niên hiệu Nguyên gia thứ 10 (434 dl) thuyền chủ Nan Đề lại chở 11 vị Ni từ nước Sư tử, nước Thiết Tát La sang kinh đô Tống. Những vị Ni đến trước đã thông tiếng Trung Hoa nên tổ chức giới đàn tại chùa Nam Lâm, thỉnh Pháp sư Tăng già Bạt Ma làm chủ đàn.
Sư và Ni chúng đồng xin thọ giới, đến trên 300 vị. Niên hiệu Nguyên Gia thứ 18 (442 dl) Sư được 34 tuổi, một hôm tọa thiền quên mất thời gian, trải qua nhiều ngày mà không xuất định. Duy Na thấy thế cố tình xúc chạm đến thân mà không thấy động, kinh hãi chạy đến báo cho ban chức sự trong chùa hay, cả chúng đồng đến xem, thấy thân Sư ngồi như chết, chỉ còn hơi ấm, họ toan khiêng Sư dời sang nơi khác. Do nghe tiếng ồn ào, Sư liền xuất định, cười nói như thường.
Không biết sau này Sư tịch lúc nào và ở đâu.
(H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni TỊNH XUNG
Ở Trúc Lâm
Sư tục danh Lưu Thăng, quê ở Tiêu Lương. Sau khi xuất gia, Sư giới luật tinh nghiêm, trì kinh không biết mỏi mệt. Chùa nằm trên sườn núi, chung quanh rừng rậm thâm u vắng bặt mọi âm ba tạp nhạp thế gian. Sư chuyên tâm tu thiền định, gột sạch trần lao.
Dưới núi, có một người mất trâu, tìm kiếm mãi tới tối mà không được. Trông lên sườn núi, dường như lửa cháy sáng rực một vùng, họ tìm đến nơi lại là chùa Trúc Lâm mà không có lửa cháy. Thường ngày, có con cọp theo hầu Sư, tùy đi đâu nó liền theo bên cạnh, khi Sư ngồi thiền thì nó ngồi một bên. Trong chùa nếu có vị Ni nào phạm tội chưa kịp sám hối, nó gầm thét dữ dội, cho đến khi nào sám hối mới thôi.
Hôm nọ, Sư có việc đi xuống núi. Đi đường bỗng gặp một người nữ ở miền Bắc, tên Cửu Văn Khương, quê ở Bắc Bình, hỏi chuyện nhau thân mật như người bạn cũ. Cô vì hâm mộ Phật Pháp, nghe phương Nam Phật pháp mở rộng, nên trốn tìm sang đây cầu xin xuất gia. Sư cảm mến thâu nhận về chùa cho xuất gia.
Cô cố gắng khổ tu như Sư không kém. Hai vị không cần ăn cơm, chỉ ăn mè bắp mà thôi. Tiếng đồn đến kinh đô nước Lỗ, họ tôn xưng là bậc Thánh nhân, sai người đến rước đón hai vị. Hai vị vì không thích ở biên cảnh, nên tính tìm cách cho họ chán ghét. Khi vua Lỗ thiết trai thịnh soạn cúng dường, hai vị ăn uống coi như thích thú, khiến họ bớt lòng kính trọng. Được cơ hội tốt, hai vị xin lui về chùa cũ.
Đến năm 93 tuổi, Sư không bệnh, ngồi kiết già viên tịch.
(H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni PHÁP BIỆN
Chùa Cảnh Phước
Sư quê ở Đơn Dương, xuất gia lúc còn bé, là đệ tử Sư Ni Huệ chùa Cảnh Phước. Sư tánh tình trung cẩn, nói năng thanh nhã, động tác hợp luật, áo thô cơm hẳm. Danh tiếng Sư đồn đến kinh thành. Thích sử Dương Châu là Lang Nha rất sùng mộ, trọng kính.
Về sau, Sư theo học Thiền quán với Thiền Sư Cương Lương Da Xá (Kalayassa) tu hành đến chỗ tinh mật. Mỗi khi cùng chúng tọa Thiền, Sư nhập định, quên cả động tịnh, mãn giờ, chúng xả đi tứ tán, chỉ riêng Sư ngồi như người chết. Duy Na thấy lạ đi báo tin cho cả chúng hay đến xem.
Đến mấy giờ sau, Sư mới tự động xả thiền. Toàn chúng đều quý kính sự tu hành đắc lực của Sư.
Niên hiệu Đại Ninh thứ 7 (453 dl) nhà Nam Tống. Sư thiï tịch, thọ hơn 60 tuổi.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni HUỆ CHỮ
Chùa Tập Thiện
Sư họ Chu, người quê Cao Bình, thuở nhỏ tính tình khí khái, tiết tháo như nam nhi, 7 tuổi đã biết ăn chay, ý chí dũng mãnh. Năm 18 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Tam Tăng Kinh Châu.
Sư giới luật tinh nghiêm, trong đạo ngoài đời đều khen ngợi. Khi ấy, tại Giang Lăng có vị Ni ở ẩn, người phương Tây, tu hành nổi tiếng, thấy Sư lấy làm kinh dị, bèn cùng nhau kết bạn tu hành. Hai vị cùng an cư nhập hạ, tập tu Ban Chu Tam Muội, thân, tâm tinh tấn, ngày đêm không nghỉ.
Trầm Du làm Thích sử Phổ Sa ra lệnh cho Tăng, Ni hoàn tục. Sư lánh nạn ở Hạ Đô, đến khi họ Trầm bị dẹp, Sư trở lại miền Tây. Vương túc Nghi trấn thủ tại Kinh Thiểm, nghe Sư có đạo hạnh, cho người thỉnh vào nội cung cúng dường tứ sự.
Khi ấy, có thiền sư Huyền Sướng từ đất Thục đến Hạ Kinh, Sư nghe tên đến cầu học pháp Thiền và nghiên cứu chỗ tinh diệu. Huyền Sướng từng khen ngợi Sư đã tu tập nhiều đời. Sư đã giỏi pháp thiền lại trai giới nghiêm mật. Tại Dự Chương, Vương Phi và Nội Cung quyến thuộc đều kính tin và thọ pháp Thiền với Sư.
Mỗi khi thí chủ cúng vật thực, Sư nhận xong liền phân chia, không có ý cất giữ. Sư nuôi dưỡng ý chí cao viễn, không bận tâm đến mưu sanh, sản nghiệp.
Họ Vương trở về Kinh đô, thỉnh Sư cùng đi, gia đình họ Vương lập ngôi chùa ở Phước Điền, ở Độ Đông Điền thỉnh Sư trụ trì, ở đây Sư hành đạo với một số Ni chúng.
Niên hiệu Vĩnh Ninh thứ 9 (492 dl) nhà Bắc Tề, bỗng nhiên Sư tự la: "Gấp, gấp, bệnh khổ". Nhan sắc Sư vẫn bình thường, chỉ không chịu ăn, nên thân thể tiều tụy. Sư một bề đòi trở về chùa cũ. Về đến nơi là bình phục ngay. Song, hơn 10 ngày, Sư lại bị thỉnh trở lại. Về đến chùa Phước Điền, bệnh cũ của sư trở lại như trước. Mọi người không biết lý do gì.
Bỗng nhiên, gia đình họ Vương liên tiếp qua đời. Vua Vũ Đế nhà Tề lấy chùa Phước Điền cho đạo nhơn A Lê người ngoại quốc ở, dời Sư và Ni chúng đến Chùa Tập Thiện. Từ ngày đến chùa Tập Thiện ít khi Sư bước chân đến Độ Đông Điền. Phật Tử vùng này vì kính trọng Ni chúng, hằng thỉnh cầu Sư trở lại đây để họ cúng dường. Trúc phu nhân muốn lập Thiền trai, cho người đến thỉnh Sư, Sư hứa khả, bảo:
- Rất tốt, bần đạo sẽ đến cùng quý phu nhân từ biệt.
Sư đến nơi, thọ trai xong, đòi bút mực viết:
- Người đời lầm không biết,
Bảo ta là bà Chu,
Trai bảy ngày chợt tỉnh,
Thiền trai mãi chẳng thôi.
Viết xong, Sư cười nói như thường, để lời từ biệt:
Hôm nay, ra khỏi chùa là vĩnh biệt. Tuổi già không thể trở lại.
Sau khi về chùa hơn một tháng, Sư cho hay có bệnh, qua mấy ngày liền tịch, thọ 69 tuổi. Nhằm niên hiệu Vĩnh Nguyên năm đầu (499 dl) Tề Đông Đôn Hầu.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni ĐẦM HUY
Ở Chùa Trường Lạc
Sư tục danh Thanh Dương Bạch Ngọc, quê ở Thành đô. Thuở nhỏ, Sư đã mộ đạo tu hành, mà cha mẹ không cho. Niên hiệu Nguyên Gia thứ 9 (433 dl), Thiền Sư Cương Lương Da Xá (Kalayasas) người Thiên Trúc nước Thục hoằng hóa Thiền quán. Khi ấy, Sư được 11 tuổi, xin cha mẹ thỉnh Thiền Sư về nhà để thưa hỏi Pháp thiền. Cha mẹ bằng lòng. Da Xá một phen trông thấy Sư liền khen:
- Người này có phần.
Chỉ dạy tu tập, đồng thời bảo Ni Pháp Dục hằng ngày lui tới dạy bảo. Cha mẹ Sư đã hứa hôn cho người láng giềng rồi.
Một hôm, Sư bỏ nhà trốn đi tu, được Ni Pháp Dục đón về chùa. Sư lập thệ rằng: "Nếu đạo tâm con không toại, còn bị sự bức bách, thề tự thiêu thân".
Thích Sử Chân Pháp Sùng nghe được điều này, sai người rước Sư vào Nha môn. Ông cho mời hết Tăng, Ni, người trí thức cùng Nha lại họp mặt đông đủ. Ông đứng ra hỏi Sư:
- Ngươi xét kỹ, có thể xuất gia trọn đời được chăng?
Sư đáp:
- Tôi phát nguyện đã lâu, xin Ngài thương cứu giúp.
Pháp Sùng khen: "Tốt".
Đồng thời, sai người cho bên nhà chồng đã hứa hôn của Sư hay biết và bảo cho Sư được xuất gia. Bên chồng của Sư nghe dạy không dám cưỡng lý. Năm ấy, Sư mới 13 tuổi, xuất gia với Ni Pháp Dục, cho hiệu là Đầm Huy.
Từ đấy, Sư tu tập Thiền Quán. Vừa hạ thủ công phu, liền được chánh định, trong chánh định, Sư thấy hai luồng hào quang xuất hiện, một sáng như mặt trời, một trong như mặt trăng. Chính trong định, Sư thầm nghĩ: "hào quang sáng là đạo Bồ Tát, hào quang trong là pháp Thanh văn. Nếu quả như vậy thì cho hào quang trong mất, hào quang sáng còn".
Ngay lúc Sư nghĩ, hào quang trong biến mất, hào quang sáng hiện lên. Khi xả Thiền, Sư đem việc này trình cho Pháp Dục nghe, Pháp Dục rất hoan hỷ, khen lành.
Đến khi Sư được 16 tuổi, bên chồng nghi Sư dối gạt, sai người đến uy hiếp, bắt đem về nhà. Bị bắt về nhà chồng, Sư kiên quyết thủ tiết, thà chết không cho xâm phạm. Cuối cùng, bên chồng phải trả Sư về chùa.
Thích Sử Hứa Châu nghe việc này rất khâm phục, đến hỏi Ngài Cương Lương Da Xá, Da Xá đáp:
- Người này thiện căn sâu dày, chớ để trái bản nguyện.
Sau này, ngay trong lúc tọa Thiền, Sư nhận rõ Phật tánh thường trụ nghĩa Đại thừa mà không do Thầy dạy, những bậc danh sư nghe tiếng, đưa nhau đến cực lực vấn nạn, mọi người đều được thỏa mãn. Danh của Sư đồn khắp xa gần, mọi người đương thời đều kính phục.
Năm Sư được 21 tuổi, nhằm niên hiệu Nguyên Gia thứ 19 (443 dl) Vương Lâm Nam mời Sư đến thị trấn Lâm Xuyên. Nam, nữ, đạo tục đưa tiễn có đến 1.000 người. Sau này, mẹ Sư đến thăm và mời về quê hương.
Do đức hạnh cao sâu của Sư nên đề xướng ra việc gì, môn đồ đều hưởng ứng sung mãn. Sư vận động xây dựng cất một ngôi tháp ở phía Bắc Thị Kiều và cất ngôi chùa, mọi việc đều hòan thành một cách thần tốc. Dân chúng đều tán thán do thần lực gia trì, người thường không thể nào làm được.
Niêu hiệu Thiên Giám thứ 3 (505 dl) Sư được 83 tuổi, có chút ít bệnh, ngồi kiết già thị tịch. Quan, dân không cho hay, mà mọi người kéo đến dự lễ rất đông.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Sư Ni TĂNG THUẬT
Chùa Nhàn Cư
Sư họ Hoài, người Bành Thành, cha là Tăng Trần trị ở đất Kiến Khương, khi lên 8 tuổi, Sư đã có chí mộ đạo và ăn chay.
Niêu hiệu Nguyên Gia thứ 24 (448 dl), Sư được 19 tuổi, liền theo Ni Sư Tịnh Tú ở chùa Thiền Lâm xuất gia. Sư tu hành tinh tấn, giới luật không khiếm khuyết, xem khắp các kinh, luật, sau chuyên về văn, nghĩa thập tụng. Sư học Thiền quán với hai Thiền Sư Ấn và Thẩm được các môn Tam Muội.
Hai Thiền Sư này dời về Thiền Lâm, trong giới Thiền học rất quý kính, nên đua nhau học tập khá đông. Bởi người lui tới tấp nập, nên chùa Thiền Lâm trở thành ồn náo. Sư muốn tìm chỗ vắng vẻ ẩn cư. Vương mẫu Trương Quý Trần ở Lâm Xuyên biết ý chí của Sư, muốn cúng ngôi nhà đang ở làm chùa, Sư từ chối không nhận.
Niêu hiệu Nguyên Huy thứ 2 (474 dl) mẹ Nhữ Nam Vương là Ngô Sung Hoa đứng ra xây cất ngôi chùa, gồm cả phòng, nhà hơn 50 gian, thỉnh Sư trụ trì. Sư cùng bạn đồng hành, 20 vị đến đây tu hành, lấy Thìền tịch làm thú vui, nên đặt tên chùa là Nhàn Cư.
Cuối thời Nam Bắc Triều, thế đạo nhiễu nhương, song Sư một bề tu hành thanh tịnh, Thiền định miên mật, phong trần chẳng động. Nhà Tề, vua Văn Đế Văn Tuyên và Đại Tướng Lễ Ngộ tạo một ngôi chùa, mỗi mỗi đều trang nghiêm, đẹp đẽ, thỉnh Sư trụ trì và tứ sự cúng dường viên mãn.
Đến nhà Lương, thiên hạ thái bình, dân chúng mộ đạo, tăng, tục bốn phương đua nhau dâng cúng. Song Sư vẫn không chất chứa của cải riêng, tùy có liền chia, hoặc chẩn tế cho tứ chúng, hoặc làm phước phóng sanh. Đời Sư tạo được 5 pho tượng Phật, chép kinh, Luật hơn 1.000 cuốn.
Niên hiệu Thiên Giám thứ 14 (515 dl) nhà Lương, Sư ngồi kiết già thị tịch, thọ 84 tuổi.
(TSVN do H.T Thanh Từ soạn dịch)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro