Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Mở đầu: Thiên quan tứ phúc

* Thiên quan tứ phúc (Quan trời ban phúc) là một thuật ngữ của Đạo giáo. Đạo giáo thờ ba thần (cũng gọi là tam quan): Thiên (Trời), Địa (Đất), Thuỷ (Nưc), Thiên quan là một trong số đó. Thiên quan có tên là Thượng Nguyên Nhất Phẩm Tứ Phúc Thiên Quan, Tử Vi Đại Đế, mỗi khi đến ngày Mười lăm tháng Giêng sẽ xuống nhân gian, tra xét quyết định tội lỗi và phúc phận của con người, nên gọi là "Thiên quan tứ phúc". Tỉnh thế nhân duyên truyện của Tây Châu Sinh thời Thanh có câu: "Lại đến miếu tam quan dập đầu lạy, cầu xin Thiên quan ban Phúc, Địa quan xá tội, Thuỷ quan giải nạn."

Trong vô số Thần Phật khắp trời đất này, có một vị nổi tiếng là trò cười của tam giới.

Tương truyền tám trăm năm trước, vùng đất Trung Nguyên có một quốc gia cổ xưa tên là Tiên Lạc.

Tiên Lạc đất rộng của nhiều, nếp sống dân gian hoà thuận vui vẻ, Vương quốc có bốn bảo vật: Người đẹp như mây, nhạc hay văn đẹp, vàng bạc châu báu, và một vị thái tử điện hạ tiếng tăm lừng lẫy.

Vị thái tử điện hạ này, nói thế nào nhỉ, là một nam tử hiếm thấy.

Quốc vương và hoàng hậu xem y là hòn ngọc quý trên tay, vô cùng cưng chiều, thường hãnh diện nói rằng: "Sau này con ta ắt sẽ là vị vua sáng suốt, để lại tiếng thơm muôn đời."

Nhưng thái tử hoàn toàn không thích thú với vương quyền phú quý cõi trần.

Theo một câu y hay tự nhủ, thì thứ y có hứng thú chính là: "Ta muốn cứu vớt muôn dân!"

Thuở thiếu thời thái tử một lòng một dạ tu hành, trong quá trình đó, có hai câu chuyện nhỏ được lưu truyền rộng rãi.

Câu chuyện thứ nhất xảy ra khi y mười bảy tuổi.

Năm ấy, nước Tiên Lạc tổ chức một cuộc diễu hành tế trời long trọng vào tết Thượng Nguyên*.

* Tết Thượng Nguyên: Còn gọi là tết Nguyên Tiêu, là ngày Mười lăm tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Theo Đạo giáo, đây là ngày sinh của Thiên quan, vào ngày này Thiên quan sẽ xuống trần ban phúc. Vì vậy dịp tết Thượng Nguyên người ta thường dán câu đối, vế trên là "Cát khánh hữu dư (May mắn có thừa)", vế dưi là "Thiên quan tứ phúc (Quan trời bán phúc)" hoặc "Thụ thiên bách lộc (Nhận trăm lộc trời)"; cũng có tập tục thắp đèn, khung cảnh đêm hội đèn lồng ở nhiều nơi rất lung linh, tráng lệ.

Tuy lễ tế thần theo truyền thống này đã bị bỏ bê mấy trăm năm, nhưng từ những sách cổ còn sót lại cùng lời kể của người xưa, ta vẫn có thể mường tượng đó là một sự kiện trọng đại khắp chốn mừng vui nhường nào.

Tết Thượng Nguyên, trên đường Thần Võ.

Hai bên đường biển người tấp nập. Vương công quý tộc ngồi trên lầu cao cười nói rôm rả; võ sĩ hoàng gia khoác áo giáp, oai phong lẫm liệt mở đường; các thiếu nữ thướt tha nhảy múa, vung cánh tay trắng tựa tuyết rải hoa như mưa khắp bầu trời, cũng không biết người hay hoa kiều diễm hơn; tiếng nhạc du dương vọng ra từ trong cỗ xe dát vàng, bay bổng trên vòm không hoàng thành. Cuối đội nghi trượng*, mười sáu con ngựa trắng đeo hàm thiếc và dây cương vàng cùng kéo một toà đài hoa.

*Nghi trượng: Cờ, lọng, quạt, vũ khí... mà đội hộ vệ cầm theo khi vua quan đi tuần hành thời xưa.

Trên đài hoa cao ngất ấy, chính là Duyệt Thần Võ Giả* thu hút mọi ánh nhìn.

* Duyệy Thần Võ Giả: Người múa võ làm vui lòng thần linh.

Trong lễ diễu hành tế trời, Duyệt Thần Võ Giả sẽ đeo mặt nạ vàng, mặc y phục lộng lẫy, cầm bảo kiếm, sắm vai vị đệ nhất võ thần khiến yêu ma chấp nhận hàng phục suốt hàng ngàn năm qua - Thần Võ Đại Đế Quân Ngô.

Được chọn làm Duyệt Thần Võ Giả là vinh dự tột bậc, do đó, tiêu chuẩn lựa chọn vô cùng nghiêm ngặt. Người được chọn năm ấy chính là thái tử điện hạ. Trên dưới cả nước đều tin tưởng y nhất định sẽ hoàn thành một màn trình diễn xuất sắc nhất từ xưa đến nay.

Nhưng hôm đó lại xảy ra một chuyện ngoài ý muốn.

Khi diễu hành quanh hoàng thành đến vòng thứ ba, đội nghi trượng đi ngang qua một bức tường thành cao mười mấy trượng.

Bấy giờ, võ thần trên đài hoa sắp vung một nhát kiếm chém chết yêu ma.

Đây là màn gây cấn nhất, hai bên đường xôn xao, phía trên tường thành cũng nhốn nháo, mọi người giằng co, xô đẩy, tranh nhau nghển đầu xem.

Đúng lúc này, một đứa bé từ toà lầu trên cổng thành rơi xuống.

Tiếng thét chói tai vang lên không ngớt. Đang lúc mọi người ngỡ rằng máu của đứa bé ấy sắp bắn tung toé trên đường Thần Võ thì thái tử hơi ngẩng đầu, tung người nhảy lên, đỡ lấy nó.

Mọi người chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng trắng như cánh chim lao vút lên trời, thái tử đã ôm đứa bé ấy an toàn đáp xuống đất. Mặt nạ vàng rơi xuống, để lộ ra khuôn mặt trẻ trung tuấn tú.

Dân chúng lập tức hoan hô.

Trăm hon vui mừng phấn khởi, song các quốc sư ở đạo trường hoàng gia thì đau đầu nhức óc.

Dù gì cũng chẳng ai ngờ sẽ xảy ra sai lầm lớn như vậy.

Điềm xấu đấy, xấu lắm luôn!

Mỗi vòng đài hoa diễu hành quanh hoàng thành tượng trưng cho lời cầu nguyện một năm quốc thái dân an, giờ đây bị gián đoạn, ấy chẳng phải là sắp chuốc lấy tai hoạ hay sao?

Các quốc sư lo âu đến mức tóc rụng như mưa, nghĩ tới nghĩ lui, bèn mời thái tử đến, khéo léo ngỏ lời rằng, điện hạ ngài có thể diện bích* một tháng để tỏ lòng hối lỗi không? Không cần diện bích thật đâu, chỉ cần manh tính tượng trưng một chút là được rồi.

* Diện bích: Quay mặt vào tường. Trong Phật giáo, từ "diện bích" chỉ sự thiền định, toạ thiền.

Thái tử mỉm cười đáp: "Thôi khỏi."

Y nói thế này: "Cứu người đâu phải chuyện xấu gì. Sao ông trời lại giáng tội cho ta vì ta đã làm chuyện đúng?"

Ơ... Ngộ nhỡ ông trời cứ giáng tội thì sao?

"Thế thì ông trời sai rồi chứ sao, cớ gì cái đúng phải xin lỗi cái sai chứ?"

Các quốc sư cạn lời.

Vị thái tử điện hạ này chính là người như vậy đấy.

Y chưa bao giờ gặp phải chuyện mình không làm được hya người không yêu quý mình. Y là lẽ phải chốn nhân gian, y là trung tâm của thế giới.

Cho nên, tuy các quốc sư đau khổ tự nhủ "Người thì biết cái quái gì!", nhưng họ không tiện nhiều lời, cũng không dám lắm miệng. Dù sao điện hạ cũng sẽ bỏ ngoài tai.

Câu chuyện thứ hai cũng xảy ra vào năm thái tử mười bảy tuổi.

Người ta đồn rằng, phía Nam sông Hoàng Hà có một cây cầu gọi là cầu Nhất Niệm, có một quỷ hồn quanh quẩn nhiều năm trên cây cầu này.

Quỷ hồn này trông hết sức khủng khiếp: mình mặc giáp rách, chân đạp nghiệp hoả, toàn thân máu me bê bết, đao thương tên nhọn ghim chi chít, hễ đi một bước là để lại dấu chân máu và lửa đằng sau. Cứ cách mấy năm, nó sẽ đột nhiên hiện thân vào ban đêm, lảng vảng ở đầu cầu, chặn người đi đường lại và hỏi ba câu: "Nơi đây là đâu?", "Thân này là ai?", "Có cách gì chứ?"

Nếu trả lời sao thì bị quỷ hồn nuốt chửng. Khổ nỗi không ai biết đáp án chính xác là gì, nên mấy năm qua quỷ hồn đã nuốt vô số người đi đường.

Thái tử nghe kể chuyện này trên đường vân du, liền tìm đến cầu Nhất Niệm, đêm đêm canh ở đầu cầu, cuối cùng đã gặp được quỷ hồn quấy phá vào một đêm nọ.

Quỷ hồn kia hiện thân, quả nhiên âm u đáng sợ như trong lời đồn. Nó mở miệng hỏi thái tử câu hỏi đầu tiên, thái tử cười đáp: "Nơi đây là nhân gian."

Quỷ hồn lại nói: "Nơi đây là vô gián*."

* Địa ngục Vô gián, cũng gọi là địa ngục A tỳ, là địa ngục thứ tám trong tám địa ngục nóng. Vì những tội nhân chịu hành hình trong ngục ấy không có một phút giây nào được tạm gián đoạn, nên gọi là Vô gián.

Mở hàng hên quá, ngay câu hỏi đầu tiên đã đáp sai rồi.

Thái tử nghĩ bụng, dù sao cũng sẽ trả lời sai cả ba câu, cần gì phải chờ ngươi hỏi cho xong? Thế là y rút binh khí ra quyết đấu.

Trận đánh này khiến trời đất u ám. Thái tử võ nghệ cao cường, quỷ hồn kia cũng dũng mãnh ghê gớm. Một người một quỷ chiến đấu ác liệt trên cầu đến mức gần như trời trăng đảo lộn, cuối cùng quỷ hồn bại trận.

Sau khi quỷ hồn biến mất, thái tử trồng một cây hoa ở đầu cầu. Bấy giờ, một đạo nhân đi ngang qua, đúng lúc nhìn thấy y rải một nắm đất vàng để tiễn đưa quỷ hồn, bèn hỏi: "Ngươi đang làm gì vậy?"

Thái tử liền đáp tám chữ nổi tiếng: "Thân ở vô gián, tâm ở đào nguyên*."

* Đào nguyên: Một điển tích văn học bắt nguồn từ Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm. Đào nguyên có thể hiểu là suối hoa đào hay động đào, sau dùng để chỉ chốn yên vui, nơi tiên cảnh.

Đạo nhân nghe xong mỉm cười, hoá thành một vị thần tướng mặc giáp trắng, đạp mây lành, dắt gió lọng, cưỡi ánh mặt trời mà đi. Lúc ấy thái tử mới biết mình khéo sao lại gặp được Thần Võ Đại Đế đích thân xuống trần để thu phục yêu ma.

Chu thiên tiên thần đã chú ý đến vị Duyệt Thần Võ Giả vô cùng xuất sắc này từ lúc y nhảy lên cứu người trong buổi diễu hành tế trời tết Thượng Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ ở đầu cầu Nhất Niệm này, có tiên gia hỏi Đế quân: "Ngài thấy vị thái tử điện hạ này thế nào?"

Đế quân cũng trả lời tám chữ: "Tương lai người này không thể đo lường."

Đêm đó, phía trên hoàng cung xảy ra hiện tượng kỳ lạ, mưa to gió lớn.

Giữa sấm rền chớp giật, thái tử điện hạ phi thăng.

Hễ có người phi thăng, Thiên giới đều sẽ chấn động một thoáng. Vị thái tử điện hạ này vừa phi thăng, đã làm cho cả Thiên giới rung chuyển ba lần liền.

Tu thành chính quả, khó ơi là khó.

Phải hội đủ thiên phú, tu luyện lẫn cơ duyên. Thông thường phải trải qua chặng đường trăm năm dài dằng dặc, một vị thần mới được ra đời.

Không phải không có những bậc con cưng của trời vũ hoá đăng tiên* từ thời niên thiếu; cũng có khối kẻ dốc hết cả đời khổ tu trăm năm mà không chờ được một đạo thiên kiếp; cho dù chờ được, không qua nổi cửa ải này cũng phải chết, không chết cũng tàn phế; còn nhiều vô kể, lại là đám người phàm mù mờ suốt đời tầm thường, không tìm thấy con đường của mình.

* Theo Đạo giáo, những người tu hành đắc đạo sẽ được vũ hoá đăng tiên, tức là trở nên có cánh như chim và nay lên thành tiên.

Riêng vị thái tử điện hạ này chắc chắn là con cưng của ông trời. Thứ y muốn có, chẳng có gì không có được; việc y muốn làm, chẳng có gì không làm được; y muốn phi thăng thành thần, thì quả thật phi thăng thành thần vào năm mười bảy tuổi.

Y vốn được lòng dân, hơn nữa quốc vương và hoàng hậu thương nhớ con trai cưng, bèn lệnh cho các địa phương ra sức xây dựng miếu thờ, đục hang tạc tượng cho y, để muôn dân thờ cúng. Tín đồ càng lắm miếu thờ càng nhiều, tuổi thọ càng dài pháp lực càng mạnh. Thế nên trong vòng vài năm ngắn ngủi điện Thái Tử ở cung Tiên Lạc náo nhiệt có một không hai, hưng thịnh một thời, đạt đến đỉnh cao.

Mãi đến ba năm sau, nước Tiên Lạc đại loạn.

Nguyên nhân gây ra đại loạn là quốc chủ chuyên quyền bạo ngược, quân phản loạn phất cờ khởi nghĩa. Có điều, dù nhân gian đã lửa dậy tứ bề, các thần quan trên Thiên giới cũng không thể tuỳ ý nhúng tay. Trừ phi là yêu ma quỷ quái vượt rào xâm phạm, bằng không nên thế nào thì thế nấy. Thử nghĩ xem, nhân gian chốn chốn phân tranh, người người đều thấy bản thân có lý, nếu ai cũng nhào lên chen một chân vào, hôm nay ngươi chống lưng cho nước cũ của ngươi, ngày mai y trả thù giúp con cháu của y, há chẳng phải động một tí là thần tiên đánh nhau, trời trăng ảm đạm? Loại tình huống giống như thái tử điện hạ thì càng phải tránh hiềm nghi.

Nhưng y mặc kệ. Y thưa với Đế quân: "Ta muốn cứu vớt muôn dân."

Đế quân có thần lực ngàn năm mà còn không dám suốt ngày mở miệng ra là nói mấy chữ này, nghe y bảo vậy, nghĩ sơ cũng biết tâm trạng ngài ra sao. Song ngài cũng bó tay với y, bèn nói: "Ngươi không thể cứu được tất cả mọi người đâu."

Thái tử đáp: "Ta có thể."

Thế là y quả quyết xuống trần.

Đương nhiên dân chúng Tiên Lạc hân hoan chào mừng. Nhưng câu chuyện dân gian xưa nay đã ra sức trình bày với mọi người một chân lý: Thần tiên tự ý xuống nhân gian, tuyệt đối không có kết quả tốt.

Ngọn lửa chiến tranh không những không được dập tắt, mà ngược lại còn rực cháy điên cuồng hơn.

Cũng không phải chê thái tử điện hạ không cố gắng, song thà y không cố gắng còn hơn. Y càng cố gắng, tình hình chiến sự càng bung bét, người Tiên Lạc bị đánh cho vỡ đầu chảy máu, thương vong nặng nề, cuối cùng một cơn bệnh dịch càn quét cả toà hoàng thành, quân phản loạn đánh vào vương cung, chiên tranh loạn lạc kết thúc.

Nếu nói Tiên Lạc vốn còn đang thoi thóp hơi tàn, thế thì thái tử điện hạ đã khiến nó tắt thở luôn.

Sau khi quốc gia bị diệt vong, rốt cuộc người ta bỗng nhiên nhận ra một chuyện:

Hoá ra, vị thái tử mà họ tôn thờ là vị thần không hề hoàn mỹ và hùnh mạnh như họ tưởng.

Nói khó nghe một chút, chẳng phải y chính là phường ăn hại được việc thì ít mà hỏng việc thì nhiều hay sao?!

Nỗi khổ mất quê nhà và người thân chẳng biết trút vào đâu, dân chúng đau thương phẫn nộ tràn vào điện Thái Tử, lật đổ tượng thần, đốt cháy điện thần.

Tám ngàn miếu thờ cháy suốt bảy ngày bảy đêm, cháy sạch sành sanh.

Từ đó về sau, một vị võ thần bảo vệ bình an biến mất, mà một vị ôn thần chuyên gây tai hoạ ra đời.

Bàn dân thiên hạ nói ngươi là thần thì ngươi là thần, nói ngươi là phân thì ngươi là phân, nói ngươi là thứ gì thì ngươi phải là thứ nấy. Vốn dĩ là thế.

Bất kể ra sao, thái tử điện hạ cũng không thể chấp nhận sự thực này. Y càng không thể chấp nhận sự trừng phạt mà mình phải chịu: Giáng chức.

Phong bế pháp lực, đánh xuống trần gian.

Từ bé y đã lớn lên giữa muôn vàn nuông chiều, chưa từng chịu nỗi khổ nhân gian. Mà sự trừng phạt này khiến y từ trên mây rơi xuống bùn lầy. Giữa bãi bùn nhão ấy, lần đầu tiên y biết được mùi vị đói khát, nghèo khó, bẩn thỉu. Cũng là lần đầu tiên y làm những chuyện mà kiếp này y chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm: ăn cắp, đánh cướp, ngoác mồm chửi bới, tự sa ngã. Thể diện mất hết, lòng tự trọng không còn, muốn nhục nhã bao nhiêu có nhục nhã bấy nhiêu, ngay cả người hầu trung thành nhất cũng không chấp nhận nổi sự thay đổi này của y nên quyết định bỏ đi.

Tám chữ "Thân ở vô gián, tâm ở đào nguyên" được khắc nhan nhản trên đủ thứ bia đá biển hiệu ở Tiên Lạc, nếu không phải gần như đều bị đốt sạch sau chiến tranh loạn lạc, để thái tử điện hạ nhìn thấy nữa, đoán chừng y sẽ xông lên đập đầu tiên.

Người nói câu này đã đích thân chứng minh, khi chính y thân ở vô gián, cũng không thể nào tâm ở đào nguyên.

Y lên trời nhanh, xuống đất còn nhanh hơn. Một thoáng kinh hồng trên đường Thần Võ, gặp ma gặp tiên trên cầu Nhất Niệm, dường như vẫn là chuyện hôm qua, nhưng Thiên giới thổn thức một hồi xong, chuyện đã qua thì cũng trôi qua rồi.

Cho đến nhiều năm sau, một hôm, bầu trời nổ vang một tiếng. Vị thái tử điện hạ này phi thăng lần thứ hai.

Tự cổ chí kim, thần quan bị giáng chức không phải ngã một cái hết gượng dậy nổi thì cũng rơi vào Quỷ giới, chẳng có mấy vị bị đánh xuống trần rồi còn có ngày vùng lên. Lần thứ hai phi thăng, hoàn toàn xứng đáng với bốn chữ: vô cùng oanh liệt.

Oanh liệt hơn là, sau khi phi thăng, y xông một mạch vào Thiên giới, tay đấm chân đá, sát phạt khắp nơi. Vì thế, y chỉ phi thăng được một nén nhang rồi lại bị đánh xuống trần.

Một nén nhang. Có thể nói đây là lần phi thăng nhanh chóng mãnh liệt nhất mà cũng ngắn ngủi nhất trong lịch sử.

Nếu nói lần phi thăng thứ nhất là một giai thoại, thì lần phi thăng thứ hai chính là một trò hề.

Qua hai lần ấy, Thiên giới tràn đầy ghét bỏ đối với vị thái tử này. Ngoài ghét bỏ, học còn có vài phần cảnh giác. Suy cho cùng, bị giáng chức một lần đã đòi chết đòi sống, bị giáng chứ hai lần há chẳng phải sẽ mang tâm ma trỗi dậy trả thù chúng sinh?

Ai dè, sau lần bị giáng chức này, y lại không nhập ma, mà rất hiền lành ngoan ngoãn làm quen với cuộc sống dưới trần. Chẳng có vấn đề gì cả, vấn đề duy nhất chính là... hơi bị nghiêm túc quá.

Có lúc, y mãi nghệ trên phố, thổi sáo kéo đàn ca hát món nào cũng thạo, kể cả đập đá trên ngực cũng dễ như bỡn, tuy sớm nghe nói vị thái tử điện hạ này hát hay múa dẻo, đa tài đa nghệ, nhưng được mở mang tầm mắt bằng cách này đúng là khiến người ta vui buồn lẫn lộn. Thỉnh thoảng, y còn cần cù nhặt đồng nát.

Chư thiên tiên thần kinh ngạc.

Chuyện đến nước này, khó bề tưởng tượng. Đến nỗi giờ đây nếu nói với ai đó "Ngươi sinh được đứa con trai giống thái tử Tiên Lạc", thì còn ác độc hơn cả chửi rủa người đó đoạn tử tuyệt tôn.

Tốt xấu gì cũng từng là vị thái tử điện hạ cành vàng lá ngọc, thần quan được liệt vào hàng tiên, mà bết bát ra nông nổi này, cũng chẳng còn ai nữa. Cái gọi là trò cười của tam giới, chính là chuyện này.

Cười xong, có lẽ người giàu tình cảm còn than thở: Vị con cưng của trời vời vợi trên cao năm xưa đã hoàn toàn biến mất thật rồi.

Tượng thần sụp đổ, cố quốc diệt vong, chẳng còn sót lại một tín đồ nào, thái tử Tiên Lạc dần dần bị người đời quên lãng, chẳng ai biết y lưu lạc đến đâu.

Bị giáng chức một lần đã là nỗi nhục to lớn. Bị giáng chức hai lần, không một ai có thể trèo lên lại nữa.

Lại nhiều năm trôi qua, bỗng dưng có một hôm, bầu trời lại nổ vang một tiếng.

Trời long đất lở, đất núi rung chuyển.

Đèn trường minh*chao đảo, ánh lửa nhảy nhót điên cuồng, các thần quan đều giật mình tỉnh giấc, chạy ra khỏi điện vàng nhà mình, nháo nhác hỏi nhau: Là người mới nào phi thăng vậy? Hoành tráng thật đấy!

* Đèn trường minh: Một loại đèn được thắp sáng liên tục, chủ yếu dùng cho việc thờ cúng.

Nào ngờ, vừa khen quá đỉnh quá đỉnh xong, liếc mắt nhìn, Thần Phật khắp trời đều như bị sét đánh.

Đủ rồi đấy! Ngươi có thôi đi không!

Đoá hoa lạ nức tiếng, trò cười của tam giới, vị thái tử điện hạ trong truyền thuyết kia, y y y, mẹ kiếp, lại phi thăng rồi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: