Chương 1
Xưa thật là xưa, không biết từ độ nào, người ta truyền tai nhau về một câu chuyện tình nọ.
Chuyện kể về một đôi vợ chồng trẻ, rất yêu thương nhau. Người chồng có khiếu thổi sáo rất hay, tiếng sáo của chàng hay đến nỗi cỏ cây phải xiêu lòng, muôn loài phải say đắm. Có con rắn lục cũng đem lòng yêu mến tiếng sáo của chàng, bèn biến hình, giả làm người vợ. Và vì quá đỗi giống nhau, khó phân thật giả, chàng bèn nhờ đến các bô lão. Các bô lão đến và đưa ra thử thách, ở thử thách cuối, các bô lão yêu cầu hai người vợ tìm xem đâu mới là chồng mình.
Và câu chuyện dân gian này cũng có kết truyện đẹp như bao câu chuyện dân gian khác, người vợ thật tìm thấy được chồng mình, con rắn lục bị dân làng đánh trở về nguyên hình, họ sống hạnh phúc với nhau mãi về sau.
Lê - một cô bé 17 tuổi bình thường như bao cô bé 17 tuổi bình thường khác, lúc này đang tựa lưng vào thành giường, hai mắt chớp chậm dần, rồi nhắm hẵn.
Lê chưa bao giờ cảm giác mình hợp với trẻ con nhưng nếu nói về kỹ năng chăm trẻ, thì cô vô cùng tự hào mà tự đề cử chính mình, bé nhỏ đang quấy khóc ầm ĩ cách đây mười phút, dưới sự kể chuyện bé nghe của cô nay đã ngoan ngoan nằm đó, ngủ say.
Công tác chăm trẻ hôm nay vẫn thành công vang dội nhưng hình như cái sự kể truyện bé nghe hôm nay phát huy vượt quá kỳ vọng.
Cô không chỉ ru bé ngủ, cô ru ngủ luôn cả chính mình.
Trong mơ, Lê thấy mình vẫn đang miệt mài kể tiếp câu chuyện.
"Bỗng một hôm nọ, có chú chim bay đến, thả cạnh bên chân người vợ một đóa hoa lạ, hoa nở thành chùm, màu vàng nhạt, hương thơm thoang thoảng. Người ta bèn đặt cho nó cái tên là Thiên Lý - ngụ ý là ngàn dặm, lấy ý từ câu nói của người vợ, dù có cách xa ngàn dặm, ta rồi cũng sẽ nhận ra người."
Giấc mơ vẫn tiếp nối, trong mơ, đóa thiên lý được thả bên chân người vợ hóa thành một dây leo dài, len lẻn từ sau song cửa, tràn vào phòng, nở hoa khắp lối.
*****
Một giấc mơ đẹp luôn là một món quà quý giá.
Với Lê mà nói, giấc mơ hôm qua đúng thật là một giấc mơ đẹp. Trong giấc mơ là từng đóa, từng đóa bông vàng nhạt, len lỏi giữa những cành lá xanh biếc, Lê thấy mình nằm giữa một chiếc hộp lớn, hai bên thành hộp dây leo quấn lên cao vút, Lê muốn đưa tay chạm vào bông hoa nhỏ trước mặt nhưng không thể. Nên cô cứ nằm đó, như lẫn vào đám dây leo, hương hoa thoang thoảng như lẻn vào vạt áo ngủ.
Lê cứ ngồi ngẩn ngơ mãi cho tới khi thấy mẹ mình từ phía nhà bếp tiến lại.
Mẹ Lê thuộc típ người không khó, không dễ, tất cả là vạn sự tùy tâm trạng. Lúc mẹ vui muốn lên trời cũng được, lúc mẹ buồn lên lầu thôi cũng bị chửi.
Và theo kinh nghiệm mười bảy năm ăn cơm mẹ nấu của mình, thì Lê có thể khẳng định là hôm nay có vẻ không hợp để lên trời và cô ngồi ăn đã quá lâu rồi.
Cô lập tức ngồi thẳng lưng, ăn vội bữa sáng còn dang dở. Nhưng nhiêu đó thôi là chưa đủ, cô chưa kịp ăn nốt miếng bún cuối thì tiếng mẹ đã vang lên:
"Thời xưa mà ăn cơm kiểu như này thì người ta ra đồng cày được nửa ruộng rồi con vẫn còn đang ăn".
"Biết đâu lúc trước con phận làm con nhà phú ông, ăn cơm phải ăn chậm vậy mới ra được cái nét phú quý." Lê lẩm bẩm
Mẹ Lê khẽ cười, tiến đến lấy chiếc áo khoác treo trên giá lên, mặc vào, mẹ Lê vừa mặc áo vừa nói:
"Ăn nhanh đi rồi còn đi học, trễ rồi".
****
Trường cấp 3 của Lê không xa lắm, chỉ cách nhà tầm 5km, tuy không phải trường trọng điểm của thành phố nhưng ở vùng ngoại ô này thì trường lấy điểm cao nhất so với các trường xung quanh. Khuôn viên trường hơi khép kín với bốn dãy nhà quay mặt vào nhau, tạo thành một hình chữ nhật với phần ruột trồng đầy phượng vĩ.
Cô vừa bước chân vào cửa lớp 12A2, chuông trường đã kịp reo inh ỏi. Bước nhanh về phía chỗ ngồi của mình, vừa đặt cặp đen xuống Lê đã nghe tiếng của Tiên từ bàn trước quay xuống:
"Buồn ngủ quá, có gì ăn không?".
"..."
"Nghe nói lên 12 là phải chọn ban ấy, mày định chọn ban nào?".
Không chờ Lê trả lời, Tiên đã nói tiếp:
"Mà điểm văn mày cao vậy chắc sẽ học xã hội, cô văn, cô sử yêu vậy mà không theo xã hội thì có lỗi với tạo hóa quá".
"Chọn xã hội thôi, nền văn minh có được tao là nền văn minh vắng bóng hóa mà". Lê vừa cười vừa nói.
Cô chẳng bao giờ đặc biệt suy nghĩ về việc chọn ban xã hội hay tự nhiên nhưng nghĩ đến phải tách lớp để đến lớp mới, bạn mới, Lê chợt cảm thấy khá chán chường.
Ở lâu trong cái khổ Lê quen khổ rồi, giờ bắt chuyển sang cái khổ mới (dù là cái khổ này vắng bóng hóa) thì cũng không khiến Lê vui vẻ hơn được.
Sau mười lăm phút tự học, Cô Xuân - cô chủ nhiệm tạm thời của lớp đã đến.
Cô Xuân sở hữu cho mình cái vẻ ngoài không được hiền dịu cho lắm nhưng bù lại, giọng nói của cô lại rất khảng khái, nghe rất hùng hồn. Vừa ổn định lớp xong, cô liền nói:
"Đây là năm cuối cấp, cũng là năm quan trọng nhất nên tôi mong các anh chị xác định được rõ cái nào quan trọng, cái nào không, nghiêm túc một chút, chuyên tâm một chút. Phía trường cũng nhờ giáo viên thông báo đến các anh chị về việc phân ban, các lớp từ 12A1 đến 12A9 sẽ là các lớp tự nhiên, 12A10 đến 12A18 sẽ là các lớp xã hội. Riêng lớp 12A1 sẽ là lớp chọn tự nhiên, A10 sẽ là lớp chọn xã hội. Sau giờ ra chơi, lớp trưởng sẽ phát cho các anh chị phiếu xác nhận, các anh chị về kham khảo ý kiến phụ huynh, đánh đấu chọn ban rồi nộp lại cho lớp trưởng, hạn chót là trưa thứ sáu sau lễ khai giảng."
Vừa dứt lời, lớp học đã rộ lên tiếng thảo luận:
"Phận trai mười hai bến nước, biết bến nào đục trong"
"Chọn vậy không khác gì hỏi tao ghét sử hơn hay ghét lý hơn".
"Chắc tao vẫn học tự nhiên, lớp mình chắc đa số sẽ học tự nhiên, tao không muốn phải tách lớp".
"Tao cái nào cũng tàm tạm, sao cũng được".
"Mẹ tao muốn tao học tự nhiên hơn".
"..."
Hòa chung bầu không khí đó, Lê cũng đá nhẹ chân ghế Tiên, hỏi cô bé:
"Mày cũng giống tao giỏi xã hội hơn mà, nắm tay nhau tiến tới nền văn minh vắng bóng hóa ha".
Tiên không trả lời ngay, cô bé cắn cắn môi dưới rồi mới nói nhỏ:
"Tao, chắc tao hỏi Văn Khánh đã, xem Văn Khánh học tự nhiên hay xã hội".
Lê quên mất cuộc tình bạn của cô còn tồn tại tên tiểu tam tên Văn Khánh. Tiên thích Khánh từ đầu năm lớp 10, thuật theo lời của Tiên thì chưa bao giờ Tiên thích một ai nhiều đến như vậy. Có thể với Văn Khánh, Lê là một người lạ không quen biết, nhưng với Lê, Khánh không khác gì thằng cu cuối xóm. Lê biết Khánh học giỏi môn gì, dở môn gì. Biết Khánh thích đá banh, hay đá banh ở sân sau trường mỗi chiều thứ năm sau giờ học.
Lê biết nhiều lắm, nhưng cũng không phải biết do chủ động.
Kiến thức về Văn Khánh được truyền vô đầu Lê một cách thụ động thông qua kênh Tiên nhỏ. Tiên nhắc Khánh ở mọi nơi, mọi lúc.
Lê thì khá là hâm mộ cái tình cảm mãnh liệt đó của cô bạn mình nhưng mà chọn ban để học mà lại chọn theo người ta chứ không theo sở trường của mình thì hình như hơi dại.
Lê vẫn nghĩ, nếu cô thích một ai đó, thích tới đâu đi chăng nữa, cô cũng sẽ chọn đi đúng con đường mà mình nên đi. Vì thích nên là đồng hành, là cùng nhau trở nên tốt đẹp hơn chứ không nên là một người dìm đi ánh sáng của chính mình để chạy theo ánh sáng của một người khác.
Nếu vậy thì chữ thích này nó trở nên một chiều quá. Lê thầm nghĩ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro