Thien Long Bat Bo - Ban moi - Hoi 20
Hồi 20(a)
THIỂU LẬP NHẠN MÔN TUYỆT BÍCH VÔ DƯ TỰ
Nhạn Môn vách đá chênh vênh,
Ngẩn ngơ ngơ ngẩn, một mình ngẩn ngơ.
Còn đâu hàng chữ năm xưa,
Biết đâu thân thế, biết đâu giống giòng.
*
* *
Đ ơn Chính nghe tiếng rống dường như muốn điếc cả tai, đầu óc mê mẩn, chân lảo đảo đứng không vững. Quần hùng bất giác cùng lùi lại mấy bước, Đơn Tiểu Sơn đứng gần bên lập tức xông lên giơ đao đâm tới.
Chỉ thấy mũi đao còn cách ngực Kiều Phong chừng một thước mà ông không hề có ý tránh né, bọn Ngô trưởng lão, Bạch Thế Kính của Cái Bang ai nấy nhắm mắt không nỡ nhìn.
Đột nhiên từ trên không nghe vụt một tiếng, một người đã nhảy xuống tư thế cực kỳ nhanh nhẹn, khéo làm sao đụng ngay vào sống đao của Đơn Tiểu Sơn. Đơn Tiểu Sơn chịu không nổi luồng lực đạo mạnh mẽ đó, cánh tay chùng xuống. Trong tiếng kêu la kinh hoàng của quần hùng, trên không trung lại có một người nữa nhảy xuống nhưng đầu đi trước, chân đi sau, cũng thật là nhanh, nghe bình một tiếng vang dậy, thiên linh cái đụng vào thiên linh cái, trúng ngay Đơn Tiểu Sơn, đầu cả hai liền vỡ nát.
Mọi người nhìn thấy rõ ràng trước sau cả hai người đều là người đứng trên mái ngói canh chừng Kiều Phong đào tẩu nhưng đã bị ai bắt, dùng như ám khí ném xuống. Trong sảnh lập tức đại loạn, tiếng người xôn xao rầm rĩ. Ngay lúc ấy từ trên một góc mái nhà tung xuống một sợi dây thừng, thế mãnh liệt tạt ngang đầu mọi người, ai nấy vội vung binh khí lên đỡ. Chiếc thừng liền vòng trở lại, cuốn luôn vào hông Kiều Phong kéo vụt lên.
Khi đó ba vết thương của Kiều Phong máu chảy như suối, tay trái ôm A Châu không còn chút lực khí nào, vừa bị dây thừng cuốn lấy, A Châu lập tức tuột ra. Mọi người thấy kẻ đứng trên mái nhà đầu bên kia của dây thừng là một đại hán cao to mặc quần áo đen, mặt bịt khăn đen chỉ lộ đôi mắt.
Đại hán kia giơ tay trái kẹp Kiều Phong vào nách, sợi dây lại tung ra cuốn ngay vào cây cột cờ bên ngoài Tụ Hiền Trang. Quần hùng lớn tiếng kêu la, lập tức cương tiêu, tụ tiễn, phi đao, thiết chùy, phi hoàng thạch, súy thủ tiễn các loại ám khí đều nhắm vào đại hán kia và Kiều Phong ném tới. Người áo đen nắm lấy sợi dây thừng nhẹ nhàng bay ra, hạ xuống đỉnh cột cờ. Băng băng, chát chát, cách cách liên tiếp, mấy chục món ám khí đều bắn vào cột cờ. Lại thấy chiếc dây từng tung ra, quấn lấy một cây to cách xa bảy tám trượng, rồi đại hán đó cắp Kiều Phong đu ra, chỉ nháy mắt đã vượt qua cái cây, cách cột cờ đến hơn mười trượng mới rơi xuống. Y lại quăng chiếc dây lần nữa quấn vào một cái cây ở xa xa, cứ thế vài lần đã biến mất một cách vô hình vô ảnh.
Kiều Phong bị thương tuy nặng nhưng thần trí vẫn tỉnh táo, đại hán kia dùng dây thừng cứu được ông, nhất cử nhất động ông đều nhìn thấy rõ ràng nên hết sức cảm kích cái ơn cứu mạng, nghĩ thầm: “Quăng chiếc dây thừng chuẩn xác như thế ta cũng làm được, thế nhưng dùng dây làm binh khí, múa lên đánh dạt cả mấy chục người, chiêu nhuyễn tiên Thiên Nữ Tán Hoa đó, ta chưa thể nào sử dụng đến mức như vậy được”.
Người áo đen để Kiều Phong lên lưng ngựa, hai người cưỡi chung một con chạy thẳng về hướng bắc vừa chạy vừa lấy kim sang đồ lên ba nơi vết thương. Kiều Phong bị mất máu quá nhiều nên thật yếu đuối, mấy lần tưởng như muốn ngất đi nhưng cố hít một hơi dài, nội tức lưu chuyển tinh thần lại phấn chấn trở lại. Người áo đen giục ngựa chạy thẳng về hướng tây bắc, đường càng đi càng hiểm trở đến sau cùng không còn đường lối nào nữa, con ngựa chỉ khấp khểnh trèo qua những khu loạn thạch.
Lại đi thêm hơn nửa giờ nữa, ngựa không còn đi được, đại hán nọ bèn bồng ngang Kiều Phong lên, xuống ngựa trèo lên một ngọn núi. Kiều Phong thân thể nặng nề vậy mà người áo đen bồng ông ta không một chút phí sức, tuy ở nơi cực kỳ cheo leo mà vẫn chạy nhảy như bay. Về sau đến những bức vách đá dựng đứng không có chỗ để chân, đại hán ném giây thừng quấn vào cây bên kia vực mà nhảy qua. Người đó qua tám cái khe núi, rồi mới xuống một cái vực sâu, đứng dưới nhìn lên không thấy trời xanh lúc đó mới dừng chân để Kiều Phong xuống.
Kiều Phong cố gượng đứng lên nói:
- Đại ân không thể dùng lời mà cảm tạ được, chỉ cầu xin ân huynh cho Kiều Phong này được thấy chân diện của Lô sơn .
Đôi mắt sáng quắc của đại hán kia quét qua mặt ông mấy lượt, một lát sau mới nói:
- Trong sơn động có lương khô đủ dùng trong nửa tháng, ngươi ở đó dưỡng thương, địch nhân không thể nào tới được.
Kiều Phong vâng lời, nghĩ thầm: “Nghe giọng người này xem chừng tuổi không còn trẻ nữa”. Người áo đen lại nhìn ông đánh giá một hồi, bỗng nhiên vung tay phải lên nghe bốp một cái đánh Kiều Phong một bạt tai. Y ra tay cực nhanh, Kiều Phong lại không nghĩ rằng y sẽ đả thương mình, hơn nữa chưởng đó đánh ra thật cao minh, thành thử không sao tránh được. Chưởng thứ hai của đại hán lại đánh ra, tuy chỉ cách nhau bằng thời gian một ánh chớp nhưng Kiều Phong đã có chuẩn bị rồi nên làm sao đánh trúng ông được? Thế nhưng ông ta là ân nhân cứu mạng nên Kiều Phong không có ý đối địch, lại cũng không có hơi sức để tránh né, nên lập tức giơ tay trái lên để lên một bên má chĩa ngón tay trỏ vào lòng bàn tay y.
Ngón tay đó chỉ đúng vào huyệt Lao Cung trong lòng bàn tay đại hán, nếu chưởng đó đánh xuống, tay chưa chạm vào mặt Kiều Phong thì huyệt đạo đã bị ngón tay đâm trúng rồi. Bàn tay người nọ còn cách má Kiều Phong chừng độ một thước lập tức biến chiêu thật lẹ lật lại tát trái, Kiều Phong cũng nhanh nhẹn đưa ngón tay hướng vào huyệt Tam Gian trên lưng bàn tay y.
Đại hán cười một tràng dài, tay phải giựt lại, tay trái liền chém tới. Ngón tay bên trái Kiều Phong lập tức ngóc lên chỉ thẳng vào huyệt Hậu Khoát ở cạnh bàn tay. Người áo đen nâng nhẹ tay lên nhưng vẫn tiếp tục đánh tới không suy giảm, Kiều Phong lại di động ngón tay hướng vào huyệt Tiền Cốc. Chỉ trong khoảnh khắc, song chưởng của người kia phi vũ thay đổi đến hơn một chục chiêu thức nhưng Kiều Phong chỉ thủ mà không công, dùng ngón tay chỉ đúng vào những huyệt ở tay y đánh tới.
Đại hán lần đầu xuất kỳ bất ý tát được ông một cái nhưng sau đó không làm sao đánh thêm được nữa. Hai người kẻ đánh hờ, người hư tiếp quả thật thượng thừa võ công đời nay. Đại hán sử dụng được khoảng hai chục chiêu rồi thấy Kiều Phong tuy đã trọng thương nhưng vẫn biến chiêu cực kỳ thần tốc, nhận huyệt thật chuẩn xác, y bèn nhảy lùi về sau nói:
- Ngươi quả là ngu không ai bằng, đáng lẽ ta chẳng nên cứu ngươi làm chi.
Kiều Phong đáp:
- Xin kính cẩn nghe lời giáo huấn của ân công.
Người kia mắng:
- Đồ con lừa thối tha, luyện đến mức võ công vô địch thiên hạ, sao lại chỉ vì một con bé đầu đường xó chợ mà đành bỏ mạng? Cô ta với ngươi vô thân vô cố, chẳng ân chẳng nghĩa, cũng chẳng phải là giai nhân nghiêng nước nghiêng thành, chỉ là một đứa đầy tớ hạ lưu chứ có là gì đâu. Trên đời này sao lại có đứa ngu đến thế?
Kiều Phong thở dài một tiếng nói:
- Ân công dạy như vậy phải lắm. Kiều Phong này lấy tấm thân hữu dụng để làm chuyện vô ích, quả là sai lầm. Chỉ vì nhất thời bực tức, tính dã man hung dữ nổi lên nên không nghĩ ngợi gần xa.
Đại hán kia nói:
- Ha ha! Thì ra là tính dã man hung dữ nổi lên.
Ông ta ngẩng đầu nhìn trời cất tiếng cười một tràng dài. Kiều Phong thấy trong tiếng cười kia chứ đầy đau thương phẫn uất, không khỏi ngạc nhiên. Nào ngờ đại hán đứng phắt dậy, nhảy vụt ra xa, thân hình nhún một cái đã khuất sau một tảng đá lớn. Kiều Phong kêu lên:
- Ân công! Ân công!
Người kia nhảy nhót liên tiếp, vòng qua một eo núi đã đi thật xa. Kiều Phong chạy theo nhưng chỉ được một bước đã thấy người choáng váng muốn ngã, vội đưa tay vịn vào sơn bích.
Ông cố gắng định thần, quay lại quả nhiên sau vách đá có một sơn động. Ông men theo bức tường, chầm chậm đi vào trong hang, thấy dưới đất để đầy thịt chín, gạo rang, táo khô, đậu phộng, cá muối toàn là lương khô, nhưng hay hơn cả là lại có cả một vò rượu lớn. Ông mở nắp ra, mùi rượu xông lên mũi, vội thò tay vào vốc một vốc ra uống vào miệng thật là ngon, quả là loại mỹ tửu thượng đẳng. Kiều Phong trong lòng cảm kích: “Sao vị ân công này chu đáo đến thế, biết ta hay uống, lại dự bị sẵn cả rượu nơi đây. Sơn đạo khó đi là vậy, mang được bình rượu lớn thế này, quả là nhiều công lao!”.
Thuốc của đại hán nọ bôi lên vết thương cho ông thật là công hiệu, lúc này đã cầm máu rồi, chỉ mấy giờ sau cơn đau đã giảm. Ông thân thể tráng kiện, nội công thâm hậu, vết thương chỉ ở ngoài da thịt, tuy nặng thật đấy nhưng chỉ qua bảy tám ngày, đường cắt đã liền da đến non nửa. Trong bảy tám ngày đó, trong đầu ông chỉ nghĩ đến hai việc: “Kẻ thù hại ta là ai? Vị ân nhân cứu ta là ai?”. Cả hai người võ công đều cực kỳ ghê gớm, xem chừng chẳng kém gì mình, trong võ lâm những người thân thủ như thế đếm được trên đầu ngón tay, người nào ông cũng nghĩ tới rồi nhưng nghĩ qua nghĩ lại xem ra không ai giống cả. Kẻ thù chẳng thể nào đoán được thì cũng đành, thế nhưng vị ân nhân này trao đổi với mình đến hơn hai chục chiêu mà cũng không thể nào đoán được gia số môn phái vì chiêu nào thức nấy cũng đều thật là bình thường nhưng trong cái giản phác không hoa mỹ kia chứa đựng một võ công cực kỳ cao siêu, chẳng khác gì mình ở Tụ Hiền Trang sử dụng Thái Tổ trường quyền, trong chiêu thức không hề tiết lộ lai lịch.
Cái vò rượu đó chỉ mới hai ngày Kiều Phong đã uống sạch không còn một giọt, cố đợi đến ngày thứ hai mươi, thấy vết thương mười phần đã khỏi bảy tám, cơn thèm rượu không sao nhịn nổi nghĩ bụng đã có đủ sức nhảy qua khe núi vượt sơn cốc được rồi nên ra khỏi sơn động cất bước trở lại chốn giang hồ.
Ông nghĩ bụng: “A Châu rơi vào tay bọn chúng, nếu chết thì cũng đã chết rồi, còn như sống được thì cũng chẳng cần mình đến lo liệu cho cô ta. Việc trước mắt quan trong nhất là làm sao tra xét cho rõ ta là hạng người nào. Cha mẹ thấy ba người cùng một ngày đã chết cả, thân thế ta càng mơ hồ thêm, đành phải ra ngoài Nhạn Môn Quan xem di văn trên vách đá viết những gì”.
Tính toán xong ông đi về hướng tây bắc, đến thị trấn liền ghé vào uống hai chục bát rượu cho bõ thèm. Chỉ được ba ngày, mấy lạng bạc vụn đã biến thành rượu uống hết sạch.
Thời đó Đại Tống cai trị Trung Thổ, chia thiên hạ ra thành mười lăm lộ, đặt kinh đô ở Đại Lương phủ Khai Phong là Đông Kinh, Lạc Dương ở Hà Nam là Tây Kinh, Tống Châu là Nam Kinh, Đại Danh là Bắc Kinh tổng cộng tứ kinh. Khi đó Kiều Phong đang ở Nhữ Châu, thuộc lộ Kinh Tây, hôm đó đến Lương Huyện tiền bạc hết nhẵn, tối hôm đó bèn lẻn vào huyện đường, ẵm tại công khố vài trăm lượng bạc. Trên đường đi ăn uống phủ phê, gà vịt cá mú, cao lương mỹ tửu đều toàn là tiền của các quan nhà Đại Tống cung phụng cả. Chẳng bao lâu đã đến Đại Châu thuộc lộ Hà Đông.
Nhạn Môn Quan nằm cách ba chục dặm ở phía bắc Đại Châu, trên đường Nhạn Môn. Năm xưa hành hiệp giang hồ, Kiều Phong đã từng đến đây rồi, nhưng hồi đó đang có việc gấp chỉ lật đật đi ngang, chẳng để ý đến. Khi đến Đại Châu thì đã gần trưa, ghé vào thành ăn một bữa cơm, uống hơn chục bát rượu rồi mới ra khỏi thành đi về hướng bắc.
Ông cước trình nhanh nhẹn, ba mươi dặm đi chưa tới nửa giờ. Lên núi rồi thấy đá tảng dựng đứng hai bên, đường ở giữa quanh co gập ghềnh, quả là một nơi cực kỳ hiểm trở nghĩ thầm: “Chim nhạn di cư xuống phương nam rồi trở về phương bắc, làm sao bay qua ngọn núi nổi nên phải bay giữa hai khe núi thành thử mới gọi là Nhạn Môn. Hôm nay ta từ phương nam đi lên, nếu như thạch bích còn hàng chữ ghi rõ ta là người Khất Đan thì Kiều mỗ một khi ra khỏi ải Nhạn Môn này rồi, vĩnh viễn thành người tái bắc, không bao giờ quay lại nữa, thật kém xa giống chim kia, mỗi năm một lần nam lai bắc vãng, tự do tự tại”. Nghĩ đến đó trong lòng không khỏi xót xa.
Nhạn Môn Quan là trọng trấn của nhà Đại Tống ở phương bắc, suốt cõi Sơn Tây hơn bốn chục cửa ải không nơi nào kiên cố hùng vĩ bằng, chỉ ra khỏi cửa này vài mươi dặm là thuộc đất Liêu Quốc rồi. Dưới cửa ải có đặt binh lính thủ ngự, Kiều Phong nghĩ bụng nếu mình theo cửa quan mà đi ra, thể nào cũng bị binh lính tra hỏi nên đi theo ngọn núi cao phía tây mà đi vòng qua.
Lên đến tuyệt đính rồi, ông đưa mắt nhìn chung quanh thấy toàn núi là núi, Ngũ Đài cao vọt lên ở phía đông, phía tây là một dãy Ninh Võ, Chính Dương, Thạch Cổ ở phương nam còn phía bắc thì là Sóc Châu, Mã Ấp. Quả thật là:
Chập chùng núi tiếp chân trời
Mênh mang giá buốt, bùi ngùi ruột gan.
Trường pha tuấn phản
Mang nhiên vô tế
Hàn lâm mạc mạc
Cảnh tượng tiêu tác
Kiều Phong nhớ đến năm xưa qua Nhạn Môn Quan đã từng nghe đồng bạn nói rằng, đại tướng Lý Mục nước Triệu thời Chiến Quốc, đại tướng Chất Đô đời Hán đều từng trấn thủ Nhạn Môn Quan kháng cự với quân Hung Nô xâm nhập. Nếu như quả thực mình cũng là giống Hung Nô, hậu duệ giống Khất Đan thì hóa ra những kẻ cả nghìn năm qua tiến đánh Trung Quốc cũng đều là tổ tiên mình cả.
Ông đưa mắt nhìn về hướng bắc nghĩ thầm: “Ngày đó Uông bang chủ, cùng bọn Triệu Tiền Tôn ở bên ngoài Nhạn Môn Quan phục kích bọn võ sĩ Khất Đan hẳn là sẽ chọn một sườn núi thật thuận lợi chỉ trong khoảng mươi dặm đổ lại. Hình thế tốt thì phải ở phía tây bắc cạnh núi kia. Mười phần thì đến tám chín bọn họ mai phục ở chỗ này”.
Nghĩ thế ông liền chạy xuống dưới đi đến bên cạnh núi, trong lòng đột nhiên không hiểu sao dậy lên một nỗi bi phẫn, thấy bên núi đó có một khối đá lớn, Trí Quang đại sư bảo là quần hùng Trung Nguyên nằm ẩn sau nham thạch này ném ám khí tẩm độc ra bên ngoài, xem chừng chính là chỗ này.
Bên ngoài sơn đạo chừng vài bước là vực sâu, mây mù che phủ không nhìn thấy đáy. Kiều Phong nghĩ thầm: “Nếu lời của Trí Quang đại sư không sai, khi mẹ ta bị họ giết chết rồi, cha ta ở nơi đây nhảy xuống sơn cốc tự tận. Ông ta nhảy vào vực rồi, không nhẫn tâm để ta phải chết chung nên mới vứt ta trở lên, rơi trên mình Uông bang chủ. Ông ấy ... ông ấy viết gì trên thạch bích nhỉ?”.
Ông quay đầu lại nhìn về phía vách đá ở bên trái, thấy đó là một bức tường trời sinh nhẵn thín như gương, nhưng chính giữa một khoảng lớn đầy vết đục, vết búa thật đã rõ ràng có người nào đó cố ý xóa hết những hàng chữ lưu lại rồi.
Kiều Phong đứng ngẩn ngơ trước bức tường đá, đột nhiên nộ hỏa xông lên, chỉ muốn vung đao, giơ chưởng loạn sát một phen. Ông đột nhiên nghĩ lại: “Khi ta rời Cái Bang đã từng bẻ gãy thanh đao của Đơn Chính mà thề rằng: Ta là người Hán cũng vậy, mà là người Khất Đan cũng vậy, quyết không bao giờ hại mạng người Hán đâu. Thế nhưng nơi Tụ Hiền Trang, ta đã ra tay giết bao nhiêu là người? Đến lúc này ta lại muốn giết người nữa có phải là đã vi phạm vào lời thề hay sao? Ôi, sự đến nước ấy, ta không phạm người người sẽ phạm ta, không lẽ bó tay chịu chết, để cho người ta xẻ thịt lóc xương ư, thế thì còn gì là phong độ của nam tử trượng phu nữa?”
Ông nghìn dặm chạy tới cốt để tra xét cho rõ ràng thân thế mình thế nhưng nào có kết quả gì đâu. Trong lòng càng lúc càng thêm bực bội, lớn tiếng gầm lên:
- Ta không phải người Hán, ta không phải người Hán! Ta là Hồ Lỗ Khất Đan, ta là Hồ Lỗ Khất Đan!
Kiều Phong giơ tay lên, đánh liên hồi lên vách đá. Chỉ nghe bốn bề sơn cốc vang dội, từng tiếng từng tiếng vọng về:
- ... không phải người Hán! Không phải người Hán ... Hồ Lỗ Khất Đan, Hồ Lỗ Khất Đan!
Đá vụn trên vách đá bay tứ tung, Kiều Phong trong lòng bao nhiêu uất ức, thịnh nộ không có chỗ phát tiết, cứ hết chưởng này đến chưởng khác đánh tới, tưởng chừng như muốn đem bao nhiêu oan khuất của một tháng qua trút lên thạch bích mãi đến khi bàn tay tươm máu, từng vết dấu tay in vào tảng đá ông vẫn chưa ngừng.
Ngay khi đang đánh, bỗng từ đằng sau giọng một thiếu nữ nhỏ nhẹ cất lên:
- Kiều đại gia, ông còn đánh nữa, chắc ngọn núi này cũng sẽ đổ mất thôi.
Kiều Phong ngạc nhiên, quay đầu nhìn lại, thấy một thiếu nữ mặc áo dài màu hồng đứng tựa vào một cây hoa bên cạnh sườn núi, khóe miệng mỉm cười, chính là A Châu.
Hôm trước ông ra tay cứu nàng chẳng qua chỉ vì cái phẫn khích nhất thời chứ đối với cô tiểu a đầu này đâu có để bụng làm chi, đến sau ngay cả chuyện sinh tử tồn vong của nàng cũng không còn rỗi hơi mà nhớ đến. Ngờ đâu nàng lại xuất hiện ở nơi này, Kiều Phong vừa kinh dị, vừa hoan hỉ mỉm cười tiến đến nói:
- A Châu, cô xem khỏe mạnh nhiều rồi!
Có điều ông đang cơn cuồng nộ, bỗng chuyển sang vui mừng, nụ cười trên môi xem ra có chiều gượng gạo. A Châu nói:
- Kiều đại gia, ông khỏe chứ?
Nàng chăm chú nhìn Kiều Phong một hồi, đột nhiên sà tới ôm chầm lấy ông, khóc nức nở:
- Kiều đại gia, thiếp ... thiếp ở đây chờ đại gia đã năm ngày năm đêm, chỉ sợ ông không đến. Ông ... ông quả nhiên đến rồi, nhờ trời phù hộ nên ông vẫn khỏe mạnh bình thường.
Câu đó nàng nghẹn ngào nói ra tiếng được tiếng mất nhưng giọng đầy vẻ trìu mến thiết tha, Kiều Phong nghe qua biết ngay là nàng hết sức lo lắng cho mình, trong bụng bồi hồi hỏi lại:
- Sao cô lại đợi ta ở đây đến năm ngày năm đêm? Cô ... cô làm sao biết được là ta sẽ đến đây?
A Châu chậm rãi ngửng đầu lên, chợt nghĩ đến mình đang gục vào lòng một người đàn ông, mặt ửng hồng, lùi lại hai bước, nghĩ đến việc mình không dằn nổi lòng ôm chầm lấy chàng, mặt càng đỏ như gấc chín, đột nhiên quay phắt đi chạy núp vào đằng sau gốc cây. Kiều Phong gọi vói theo:
- Này, A Châu, cô làm sao thế?
A Châu không trả lời, chỉ thấy tim đập thình thịch, một lúc lâu sau mới từ sau gốc cây bước ra nhưng vẻ mặt vẫn còn bẽn lẽn, ấp úng không nói nên lời. Kiều Phong thấy nàng thần tình kỳ lạ nói:
- A Châu, nàng có chuyện gì khó ăn khó nói, cứ việc cho ta nghe nào. Chúng ta là hai kẻ hoạn nạn chi giao, đồng sinh cộng tử, có gì còn phải dè chừng nữa đâu?
Mặt A Châu lại đỏ bừng nhỏ nhẹ nói:
- Không có gì cả.
Kiều Phong nhẹ nhàng để tay lên vai cô, xoay nàng cho mặt quay về hướng mặt trời thấy nàng sắc mặt tuy vẫn tiều tụy nhưng trong cái xanh xao có ẩn sắc hồng, không còn vẻ xám xịt thuở bị trọng thương lúc trước, lại giơ tay cầm mạch nàng. Bàn tay A Châu vừa chạm vào tay ông, lập tức nàng giật nảy người, Kiều Phong vội hỏi:
- Gì thế? Cô chưa khỏe hẳn hay sao?
A Châu lại càng thẹn thùng, vội đáp:
- Không đâu, không ... không có gì hết.
Kiều Phong giơ tay bắt mạch thấy mạch nhảy bình thường, đều đặn có sức bèn khen:
- Tiết Thần Y diệu thủ hồi xuân, quả thật danh bất hư truyền.
A Châu nói:
- Cũng nhờ ông bạn tốt Bạch Thế Kính trưởng lão của đại gia bằng lòng truyền cho ông ta bảy chiêu Triền Ti Cầm Nã Thủ, Tiết Thần Y mới chịu trị bệnh cho thiếp. Vả lại quan trọng hơn, bọn họ cũng muốn tra vấn xem tung tích vị tiên sinh áo đen kia ở đâu, nếu như thiếp chết đi bọn họ không còn biết hỏi ai được nữa. Thương thế của thiếp mới hơi đỡ một chút, ngày nào cũng có bảy tám người đến hỏi: “Gã ác tặc Kiều Phong với cô liên hệ thế nào?” “Y chạy đi đâu?” “Người áo đen cứu y là ai?” Những chuyện đó thiếp nào có rành nhưng khi thiếp nói thật là không biết thì bọn họ lại bảo là nói láo, nói sẽ không cho ăn cho uống, dùng cực hình tra khảo để cho thiếp sợ. Thành thử thiếp phải bịa ra một chuyện cho họ nghe, chuyện tiên sinh áo đen hoang đường hơn cả, hôm nay thì bảo là ông ta từ núi Côn Lôn đến, ngày mai lại bảo là học nghề ở biển Đông, nói năng nhăng cuội cho họ nghe thật là thú vị.
Nàng nói tới đây, nghĩ lại những ngày qua thuận mồm phét lác, bịp bợm được rất nhiều anh hùng hào kiệt đã thành danh, trong lòng vẫn còn khoái trá khiến cho gương mặt bừng lên như hoa vừa hé nụ. Kiều Phong mỉm cười nói:
- Thế bọn chúng có tin không?
A Châu đáp:
- Có người thì tin, có kẻ lại không tin, phần lớn bán tín bán nghi. Thiếp đoán chừng chẳng một ai biết lai lịch của tiên sinh áo đen nên không người nào nói được là thiếp sai ở chỗ nào nên càng lúc câu truyện càng ly kỳ quái đản khiến cho bọn họ không biết đường nào mà mò, ai nấy sợ mất vía.
Kiều Phong thở dài:
- Vị tiên sinh áo đen đó lai lịch thế nào, quả thực ta cũng không biết. E rằng nghe cô ba điều bốn chuyện đến ta cũng nửa tin nửa ngờ.
A Châu lạ lùng hỏi:
- Đại gia cũng không biết ông ta là ai ư? Thế sao ông ta lại cam tâm mạo hiểm xông vào đầm rồng hang hổ cứu ông ra? Ồ, những đại hiệp cứu người trong lúc nguy nan, ai mà chẳng vậy.
Kiều Phong thở dài nói:
- Ta thật chẳng biết đi kiếm ai mà báo thù, cũng lại chẳng biết đi kiếm ai mà trả ơn, cũng chẳng biết mình là người Hán, hay là người Hồ, không biết những việc mình làm là đúng hay sai. Kiều Phong hỡi Kiều Phong, ngươi quả thật không đáng làm người!
A Châu thấy ông thần sắc chán chường, đau khổ liền đưa tay ra nắm lấy tay ông, an ủi:
- Kiều đại gia, sao ông phải tự mình làm khổ mình làm gì? Mọi việc rồi cũng có lúc rõ ràng đâu ra đấy. Chỉ cần đại gia nhìn lại không thẹn với lòng mình, hành sự hợp với lẽ trời đất thế là đủ rồi.
Kiều Phong nói:
- Thế nhưng ta tự thẹn với mình, thế mới thật đau lòng. Hôm đó nơi rừng hạnh, ta đã từng búng gãy thanh đao thề rằng sẽ không giết một người Hán nào, ngờ đâu ... ngờ đâu ...
A Châu đáp:
- Nơi Tụ Hiền Trang bọn họ không phân trắng đen, phải trái, vây đánh ông, nếu không trả đòn không lẽ để yên cho họ chặt mình ra thành mười bảy, mười tám miếng hay sao? Trên đời này làm gì có chuyện như thế được?
Kiều Phong đáp:
- Cô nói vậy cũng có lý lắm.
Ông vốn dĩ là một hảo hán tính tình sảng khoái, ít để tâm chuyện gì trong nhất thời đau lòng cảm thán nhưng chỉ một lúc đã gác sang một bên nói:
- Trí Quang đại sư và Triệu Tiền Tôn đều nói rằng trên vách đá này có viết chữ, nhưng không biết kẻ nào đã đục mất rồi.
A Châu đáp:
- Đúng thế! Thiếp cũng đoán là đại gia sẽ ra ngoài Nhạn Môn Quan để xem những hàng chữ còn lưu lại trên thạch bích này nên sau khi thoát hiểm rồi liền đến nơi đây chờ ông đó.
Kiều Phong hỏi:
- Làm sao cô thoát hiểm được? Cũng do Bạch trưởng lão cứu ra ư?
A Châu mỉm cười:
- Cái đó không phải vậy. Ông còn nhớ thiếp giả trang thành nhà sư chùa Thiếu Lâm chứ gì? Đến sư huynh đệ của y còn không nhận ra.
Kiều Phong nói:
- Quả là như thế! Cái trò tinh nghịch của cô quả là tài thật.
A Châu nói:
- Hôm đó khi thương thế của thiếp đã đỡ nhiều, Tiết Thần Y bảo là không cần phải chữa thêm nữa, chỉ cần ghỉ ngơi bảy tám ngày là sẽ hồi phục. Câu chuyện mà thiếp bịa ra càng lúc càng nhiều sơ hở, lại cũng chán như cơm nếp nát, nhất là lo lắng không biết đại gia giờ này ra sao nên đến chiều tối hôm đó thiếp bèn cải trang thành một người.
Kiều Phong hỏi:
- Lại cải trang? Thành ai thế?
A Châu đáp:
- Thiếp giả thành Tiết Thần Y.
Kiều Phong hơi giật mình hỏi:
- Cô hóa trang thành Tiết Thần Y thì làm thế nào cho được?
A Châu đáp:
- Ông ta ngày nào chẳng lại gặp thiếp, nói cũng nhiều, thần thái mô dạng ông ta thiếp quen lắm rồi, lại thường chỉ có một mình ông ta đến mà thôi. Đêm hôm đó thiếp giả vờ ngất đi, ông ta vội vàng bắt mạch, thiếp liền lật tay lại nắm đúng ngay mạch môn khiến lão không còn cục cựa gì được, đành để cho thiếp làm gì thì làm.
Kiều Phong không khỏi bật cười, nghĩ thầm: “Lão Tiết Thần Y kia chỉ lo trị bệnh có biết đâu con nhãi này đánh lừa”. A Châu tiếp:
- Thiếp điểm huyệt lão ta, lột sạch áo giày. Phép điểm huyệt của thiếp chưa được cao minh, sợ ông ta tự mình xung khai huyệt đạo, nên xé chiếc chăn ra trói luôn chân lão ta, đặt lên trên giường đắp mền lại, nếu ai ở ngoài cửa sổ nhìn vào chỉ tưởng thiếp đang chùm chăn nằm ngủ, không nghi ngờ gì. Thiếp mặc áo đi giầy, đóng khăn của ông ta rồi, trên mặt làm thêm mấy nếp nhăn, trông đã hao hao giống đến bảy phần mười chỉ còn thiếu một chòm râu.
Kiều Phong kêu lên:
- Ồ, bộ râu của Tiết Thần Y hoa râm nửa đen nửa trắng, không dễ gì mà giả được.
A Châu nói:
- Râu giả thì khó mà giống, chi bằng dùng râu thật.
Kiều Phong lạ lùng:
- Râu thật?
A Châu đáp:
- Đúng vậy, dùng râu thật. Thiếp lấy trong hộp thuốc của ông ta ra một con dao nhỏ, cạo sạch chòm râu của ông ta, từng sợi từng sợi gắn lên mặt mình, hình dáng màu sắc không có chỗ nào không giống. Tiết Thần Y chắc tức đến chết được nhưng còn làm gì được nữa đây? Ông ta trị thương cho thiếp nào phải là do bản tâm đâu, thiếp có cạo râu ông ta thì cũng không thể nói lấy oán báo ơn được. Huống chi sau khi ông ta cạo sạch râu rồi trông trẻ ra đến hơn chục tuổi, mặt mày trông anh tuấn lắm.
Nói đến đây hai người cùng phá lên cười. A Châu tiếp tục:
- Thiếp giả làm Tiết Thần Y, khệnh khạng ra khỏi Tụ Hiền Trang chẳng một ai dám hỏi han gì. Thiếp sai người chuẩn bị ngựa, lấy tiền bạc rồi ra đi. Rời trang ba chục dặm, thiếp nhổ râu đi, thành ngay một người trai trẻ. Bọn kia chắc phải sáng sớm hôm sau mới phát giác được. Thế nhưng trên đường thiếp liên tiếp cải trang, bọn họ có đuổi theo cũng không tìm ra được.
Kiều Phong vỗ tay reo lên:
- Hay thật, hay thật!
Đột nhiên ông nhớ lại khi ở Bồ Đề Viện nơi chùa Thiếu Lâm thoáng nhìn thấy trong tấm gương đồng hình ảnh sau lưng của mình, lúc đó ông bỗng sững sờ, xem chừng có điều gì khúc mắc, bây giờ lại nghe nàng nói chuyện cải trang thoát hiểm, cái tâm trạng bất an ấy lại nổi lên, còn mạnh hơn cả hôm ở trong chùa. Kiều Phong trầm ngâm rồi nói:
- Cô quay người lại để ta xem nào.
A Châu không hiểu ông muốn gì nhưng cũng nghe lời xoay lưng lại. Kiều Phong chăm chú nhìn, cởi chiếc áo ngoài khoác lên trên người cô gái. A Châu bẽn lẽn, đôi mắt đầy vẻ ôn nhu quay lại đắm đuối nhìn ông, nói:
- Thiếp không lạnh.
Kiều Phong nhìn nàng khoác chiếc ngoại y của mình, trong đầu một ánh sáng lóe lên, lật bàn tay nắm chặt lấy cổ tay cô gái, hậm hực nói:
- Thì ra là mi! Mi do ai sai khiến, mau nói cho ta nghe.
A Châu hoảng hốt, run rẩy nói:
- Kiều đại gia, có chuyện gì thế?
Kiều Phong nói:
- Ngươi đã từng giả làm ta, mạo xưng ta, có phải vậy không?
Thì ra khi đó ông chợt hiểu ra, khi ở Vô Tích đến cứu anh em Cái Bang, trên đường thoáng thấy bóng sau lưng một người, lúc đó không để ý, đến khi nhìn thấy trong tấm gương đồng nơi Bồ Đề Viện cái bóng sau lưng của mình, lúc đó mới thấy người này hình dáng sau lưng trông y hệt mình không sai một mảy, cái dạ canh cánh bất an từ đó mà nảy sinh, có điều mơ mơ hồ hồ không hiểu từ đâu mà ra.
Hôm đó ông chạy tới cứu quần hùng Cái Bang, tới nơi thì mọi người đã thoát hiểm, ai cũng bảo mới đây đã gặp ông rồi. Tuy ông nhất định chối nhưng chẳng một ai tin. Lúc ấy ông chẳng hiểu ra sao, nghĩ bụng trừ phi có người nào đó giả dạng mình ra thì không còn một lẽ nào khác. Thế nhưng muốn giả mạo mình, những người ngày ngày thường gặp như bọn Bạch Thế Kính, Ngô trưởng lão chẳng lẽ lại không nhận ra, việc đó thật không dễ gì! Lúc này nhìn thấy sau lưng A Châu khoác chiếc áo của mình, trước sau càng thêm rõ rệt, lập tức hiểu ra ngay. Mặc dù lúc này A Châu không độn bông, thân hình nhỏ bé ẻo lả của nàng khác hẳn tấm thân cao to của ông, nhưng nếu muốn giả làm mình mà có thể đánh lừa được cả bọn Cái Bang, thiên hạ ngoài cô ta ra thì còn ai vào đây nữa?
A Châu không một chút kinh hoàng cười lên khanh khách nói:
- Thôi được, để thiếp cung khai vậy.
Rồi nàng kể lại chuyện cải trang thình ông, đem thuốc giải đến cứu quần hào Cái Bang như thế nào. Kiều Phong bỏ tay nàng ra gay gắt hỏi:
- Cô giả làm ta đi cứu người là có dụng ý gì?
A Châu hết sức kinh ngạc đáp:
- Thiếp chỉ đùa cho vui. Đại gia cứu thiếp và A Bích từ tay người Tây Hạ, chúng tôi đều rất lấy làm cảm kích. Thiếp cũng tưởng bọn ăn mày đối xử tệ bạc với ông như thế, nếu giả làm ông đến đưa thuốc giải độc khiến cho họ trong lòng hổ thẹn, cũng là việc hay.
Nàng thở dài một tiếng, nói tiếp:
- Có ngờ đâu ở Tụ Hiền Trang, họ lại đối xử với ông tàn nhẫn đến vậy, không còn nhớ chút gì tới ân nghĩa ngày xưa.
Vẻ mặt Kiều Phong càng lúc càng sầm xuống, nghiến răng hỏi:
- Vậy sao cô lại mạo xưng tôi đến giết cha mẹ tôi? Tại sao lại lẻn vào chùa Thiếu Lâm giết cả sư phụ tôi?
A Châu giật nảy người, kêu lên:
- Làm gì có chuyện đó được? Ai bảo thiếp giết cha mẹ của đại gia? Giết sư phụ của đại gia?
Kiều Phong đáp:
- Sư phụ tôi bị người ta đả thương, ông ta vừa thấy mặt tôi, liền bảo là tôi hạ độc thủ, không phải cô thì là ai?
Ông nói tới đây, tay phải hơi giơ lên, mặt đầy sát khí, chỉ nghe nàng nói một câu không thuận tai thì chưởng sẽ đập xuống ngay, dẫu có mười A Châu cũng khó mà sống sót. A Châu thấy mặt ông đằng đằng, đôi mắt như muốn tóe lửa, trong bụng hết sức khiếp sợ, hốt hoảng lùi lại hai bước. Nàng chỉ cần lùi thêm hai bước nữa sẽ rơi tòm ngày xuống vực sâu vạn trượng. Kiều Phong nghiêm giọng quát:
- Đứng đó, không được động đậy.
A Châu sợ đến mức nước mắt nhỏ ròng ròng, run run nói:
- Thiếp không ... thiếp không giết cha mẹ đại gia, cũng chẳng ... chẳng giết sư phụ đại gia. Sư phụ ông tài nghệ ... ghê gớm như thế, làm sao thiếp giết ông ta được?
Hai câu cuối cùng của nàng quả là có lý, Kiều Phong nghe rồi bỗng chột dạ, lập tức hiểu ngay ra mình đã trách lầm nàng, tay trái đưa vụt ra nhanh như ánh chớp, nắm lấy đầu vai nàng, kéo cô gái qua phía vách đá, để nàng khỏi sẩy chân rơi xuống vực nói:
- Quả đúng thế, sư phụ ta không phải do cô giết.
Sư phụ ông Huyền Khổ đại sư là sư huynh đệ với Huyền Từ, Huyền Tịch, Huyền Nạn các vị cao tăng, võ công tài nghệ đã đạt đến mức đệ nhất cao thủ đời nay. Ông qua đời đâu phải do trúng độc, cũng chẳng phải do binh khí ám khí đả thương mà là do chưởng lực cực kỳ lợi hại đánh nát tạng phủ. A Châu tuổi còn nhỏ làm sao có được nội lực thâm hậu đến như thế? Nếu quả như nội lực nàng có thể đánh chết được Huyền Khổ đại sư thì Đại Kim Cương Chưởng của Huyền Từ nhất định không thể nào làm cho nàng thập tử nhất sinh được.
A Châu đang khóc cũng bật cười, đấm nhẹ vào ngực ông nói:
- Đại gia làm thiếp sợ muốn chết, người gì nói năng chẳng đâu vào đâu. Nếu quả thiếp có tài nghệ giết được sư phụ của ông, sao ở Tụ Hiền Trang không giúp một tay giết sạch bọn khốn kiếp kia?
Kiều Phong thấy nàng hờn dỗi, trong lòng nao nao, nói:
- Độ này ta thần thái bất định, nói năng lăng nhăng, xin cô nương đừng trách.
A Châu cười đáp:
- Ai mà lại trách đại gia? Nếu thiếp giận ông, đời nào thiếp còn nói chuyện với ông nữa.
Nàng bỗng trở lại nghiêm trang, nhỏ nhẹ nói:
- Kiều đại gia, dù ông đối với thiếp thế nào chăng nữa, một đời này, thiếp sẽ không bao giờ giận ông đâu.
Kiều Phong lắc đầu, thản nhiên nói:
- Mặc dầu ta cứu mạng cô thật nhưng cô cũng đừng để tâm làm gì.
Ông nhíu mày, ngơ ngẩn xuất thần, đột nhiên hỏi:
- A Châu, cái thuật hóa trang dị dung kia, ai dạy cho cô đó? Sư phụ cô có còn ai là đệ tử nữa không?
A Châu lắc đầu:
- Chẳng ai dạy cả. Thiếp từ nhỏ đã thích ăn mặc giả làm người này người khác cho vui, càng lâu càng thêm giống chứ làm gì có sư phụ nào? Không lẽ trò chơi mà cũng phải tầm sư học đạo hay sao?
Kiều Phong thở hắt ra, nói:
- Thế thì quả là lạ thật, trên đời này không lẽ lại có người giống hệt như ta để đến nỗi sư phụ ta cũng còn nhầm hay sao?
A Châu nói:
- Nếu đã có cái đầu mối đó thì cũng dễ. Mình chỉ cần đi tìm kẻ kia, tra khảo bức bách hỏi cho ra lẽ là xong.
Kiều Phong đáp:
- Phải lắm, có điều trời đất mênh mông, muốn tìm được người này quả thực gian nan lắm thay. Có lẽ y cũng có tài như cô, hóa trang thành người khác thật giống.
Ông bước lại gần vách núi, xem kỹ những vết búa đục, muốn tìm xem những chữ khắc trên thạch bích vốn là những gì thế nhưng nhìn đi nhìn lại một chữ cũng không nhận ra bèn nói:
- Ta phải đi tìm Trí Quang đại sư, hỏi ông ta cho ra lẽ những chữ viết trên vách đá này là những chữ gì? Không tra xét cho xong thì không ăn không ngủ được.
A Châu nói:
- Chỉ sợ ông ta không chịu nói.
Kiều Phong nói:
- Có lẽ ông ta không chịu nói đâu nhưng mình không bức bách thì cũng van nài cho bằng được chứ ta nhất định không bỏ cuộc.
A Châu trầm ngâm nói:
- Trí Quang đại sư xem ra tính tình cứng cỏi không sợ chết, dẫu có bức bách van xin xem ra cũng chẳng đến đâu, chi bằng ...
Kiều Phong gật đầu:
- Cô nương nói phải lắm, chi bằng mình đi hỏi Triệu Tiền Tôn thì hơn. Úy, nhưng gã Triệu Tiền Tôn này cũng thà chết thì thôi, đối phó với y ta nghĩ ra một cách.
Ông nói tới đây, quay sang nhìn xuống vực thẳm nói:
- Ta định xuống dưới này xem.
A Châu giật nảy người, nhìn vào miệng vực thấy giăng mắc đầy vân vụ, vội lùi xa thêm hai bước sợ nhỡ vô ý trượt chân ngã xuống, nói:
- Đừng! Đừng! Muôn lần, vạn lần không nên xuống dưới đó. Xuống đó có gì để coi đâu?
Kiều Phong đáp:
- Ta đích thực là người Hán hay là người Khất Đan, chuyện đó cứ vấn vương quanh quẩn mãi trong đầu, thành thử muốn xuống dưới đó tra xét cho minh bạch, xem cái xác của người Khất Đan đó ra sao.
A Châu nói:
- Người đó rơi xuống vực đã ba chục năm, cùng lắm cũng chỉ còn vài mảnh xương trắng, có gì để mà xem?
Kiều Phong đáp:
- Ta chính muốn xuống xem nắm xương tàn của y. Ta nghĩ rằng nếu quả đó là người cha thân sinh ra ta, thì cũng nên xuống đem lên tẫn liệm, an táng cho tử tế.
A Châu thảng thốt rú lên:
- Không thể như vậy! Không thể như vậy! Đại gia nhân từ hiệp nghĩa, sao lại là hậu duệ của người Khất Đan tàn bạo ác độc được?
Kiều Phong nói:
- Cô ở nơi đậy đợi ta một ngày một đêm, ngày mai giờ này nếu ta chưa lên thì khỏi phải chờ nữa.
A Châu hốt hoảng, khóc òa lên kêu:
- Kiều đại gia, ông đừng xuống.
Kiều Phong tính tình thật cứng cỏi, không động lòng chút nào, mỉm cười nói:
- Ở Tụ Hiền Trang bao nhiêu anh hùng hảo hán còn giết ta chưa được, chẳng lẽ ta lại bỏ mạng nơi cái sơn cốc này hay sao?
A Châu quýnh quáng không biết thế nào mới ngăn ông ta được, đành nói:
- Không chừng dưới đó có rắn độc, trùng độc, hay quái vật hung ác đó.
Kiều Phong cười ha hả vỗ vỗ lên vai cô ta nói:
- Nếu như có quái vật thì tốt quá. Ta sẽ bắt nó lên để cho cô chơi.
Ông xem xét chung quanh bốn bề cốc khẩu tính kiếm chỗ mỏm đá nào có thể đặt chân trèo xuống. Ngay lúc đó, bỗng nghe phía đông bắc có văng vẳng vó ngựa phi về hướng nam, nghe âm thanh phải đến hai chục con. Kiều Phong vội vàng rảo bước đi vòng qua sườn núi, nhìn vọng về phía có tiếng chân ngựa. Ông đứng ở trên cao thấy tất cả hơn hai chục kỵ sĩ đều áo vàng giáp vàng đều là quan binh nhà Đại Tống, xếp thành một dãy đi theo sơn đạo ở sườn núi bên dưới.
Kiều Phong xem rõ tình hình rồi, không coi bọn đó vào đâu, có điều nơi ông và A Châu đang đứng lại là đường độc đạo hiểm yếu từ ngoài biên tái quay về, năm xưa quần hùng Trung Nguyên chọn làm nơi phục kích võ sĩ Khất Đan chính là vì thế. Ông nghĩ bụng nơi đây là biên phòng hiểm địa, quan quân nhà Tống thấy có người ở đây thể nào cũng tra hỏi, chi bằng tránh đi là hơn để khỏi phiền toái.
Kiều Phong quay lại chỗ cũ, kéo A Châu ẩn đằng sau tảng đá nói:
- Quan binh nhà Đại Tống đó!
Chẳng bao lâu, hơn hai chục kỵ binh chạy lên núi. Kiều Phong náu sau sơn thạch thấy người đi đầu là một quân quan, không khỏi cảm thán: “Năm xưa bọn Uông bang chủ, Trí Quang đại sư, Triệu Tiền Tôn chờ người hẳn là mai phục đằng sau những tảng đá này nên mới thấy bọn võ sĩ Khất Đan cưỡi ngựa chạy ngang sơn lãnh. Hôm nay đá núi vẫn còn trơ trơ, còn các võ sĩ Tống Liêu hai bên năm nào, hầu hết đã thành xương trắng cả rồi”.
Ông còn đang xuất thần, bỗng nghe có tiếng hai đứa trẻ khóc, Kiều Phong giật mình kinh hãi tưởng như rơi vào cõi mộng: “Sao lại có tiếng trẻ con?”. Tiếp theo lại nghe thấy tiếng đàn bà kêu rú lên.
Ông thò đầu ra nhìn thấy bọn quan binh nhà Tống trên mỗi con ngựa người nào cũng bắt được một phụ nữ, đàn bà trẻ con đó ăn mặc theo lối du mục Khất Đan. Mấy gã quan binh Đại Tống lại đưa tay sờ mó nắn bóp thân thể họ trông thật thô bỉ, khả ố, người nào chống cự lại lập tức bị bọn quan binh quát mắng đánh đập. Kiều Phong thấy vậy lấy làm lạ, không hiểu nguyên do, chỉ thấy cả bọn vượt ngang qua khối nham thạch đi thẳng về phía Nhạn Môn Quan.
A Châu hỏi:
- Kiều đại gia, bọn họ làm gì thế?
Kiều Phong lắc đầu nghĩ thầm: “Quan quân thủ ngự biên ải sao lại ngang ngược đến thế?”. A Châu liền nói:
- Bọn quan binh này thật chẳng khác gì đạo tặc.
Kế đó lại có thêm một đoàn khoảng ba chục quân quan, dẫn theo một đàn bò cừu đến vài trăm con, bắt thêm hơn chục phụ nữ Khất Đan nữa. Lại nghe một tên quân quan nói:
- Lần này “gặt hái” chẳng được bao nhiêu, chẳng biết đại soái có nổi giận không nữa?
Một tên quan quân khác nói:
- Bò cừu của bọn Liêu cẩu tuy không lấy được nhiều nhưng trong đám đàn bà có mấy đứa mặt mày không đến nỗi tệ, đem về giúp vui cho đại soái thì ngài sẽ bớt giận ngay.
Gã thứ nhất lại nói:
- Ba chục đàn bà thật chẳng tới phần chúng mình, ngày mai ráng chịu khó thêm đi cướp thêm ít nữa đem về.
Một tên binh sĩ cười nói:
- Liêu cẩu nghe tin chắc chạy hết sạch rồi, muốn đi gặt phải chờ vài ba tháng.
Kiều Phong nghe tới đây lửa giận xông lên, nghĩ bụng hành vi của đám quan quân này xem ra còn kém xa bọn đạo tặc hạng bét trên giang hồ. Ngay lúc đó, một hài nhi đang nằm trong lòng một người đàn bà Khất Đan đột nhiên khóc ré lên. Người đàn bà giơ tay gạt một tên quan binh Đại Tống, quay lại nhìn đứa con đang khóc. Gã quan quân nổi giận, cầm đứa trẻ vứt xuống đất, sau đó giục ngựa chạy tới, vó ngựa liền giày lên đứa bé, lập tức lòi ruột vỡ bụng ngay. Người đàn bà Khất Đan sợ đến chết trân, không khóc nổi thành tiếng. Bọn quan binh cất tiếng cười sằng sặc, vẫn tiếp tục rầm rập chạy qua.
Trong đời Kiều Phong đã từng chứng kiến nhiều cảnh tàn bạo hung ác nhưng cái cảnh công nhiên tàn sát trẻ con làm vui, đây là lần đầu mới thấy. Ông cực kỳ phẫn nộ nhưng cố nén giận không để phát tác, muốn xem bọn chúng còn giở trò gì rồi mới tính sau.
Đoàn quan quân đó qua rồi, lại có thêm một đoàn hơn chục tên quan binh hùng hổ đi tới. Những tên lính Đại Tống ngồi trên lưng ngựa, giơ cao trường mâu, đầu ngọn giáo nào cũng có xiên một chiếc đầu người máu me bê bết, sau lưng ngựa lại dắt một sợi dây dài, buộc năm người đàn ông Khất Đan. Kiều Phong nhìn trang phục những người bị trói đều chỉ là những dân chúng chăn nuôi tầm thường, hai người tuổi đã cao, tóc bạc da mồi, còn ba người kia thì chỉ là những đứa trẻ chừng mười lăm mười sáu tuổi. Ông trong bụng bồi hồi, bọn quan binh Đại Tống này đi qua cướp bóc, những kẻ tráng niên trong dân du mục Khất Đan đều chạy thoát, chỉ bắt được toàn đàn bà con trẻ và người già yếu mà thôi.
Chỉ nghe một tên quan quân cười nói:
- Chặt được mười bốn cái thủ cấp, bắt sống được năm con chó Liêu, công lao nói nhiều chẳng nhiều nhưng ít cũng chẳng ít, quan thăng một cấp, một trăm lượng bạc thưởng thì là cái chắc rồi.
Lại một người khác nói:
- Lão Cao, phía tây cách đây năm mươi dặm có một thị trấn Khất Đan, ngươi có dám đến đó mà “gặt lúa” không?
Gã họ Cao kia liền đáp:
- Có đếch gì mà không dám? Ngươi khinh ta ‘lính mới” hay sao? Ông mới đến đang cần lập chút công lao đây.
Bọn chúng còn đang nói chuyện thì đoàn người đã đi đến gần bên tảng đá. Một ông già Khất Đan trông thấy xác đứa trẻ nằm dưới đất, đột nhiên kêu toáng lên, xông tới ôm lấy nó, hôn hít không ngừng, giọng đầy vẻ bi thương. Kiều Phong tuy không hiểu tiếng Khất Đan nhưng nhìn điệu bộ cũng biết đứa bé bị ngựa đạp chết kia hẳn là thân nhân của ông lão. Gã tiểu tốt cầm dây buộc ông già đưa tay giựt liên hồi, kéo ông ta đi. Ông già Khất Đan tức giận như điên như cuồng, nhảy xổ vào y. Tên lính kinh hãi, vung đao chém xuống người ông ta, ông già Khất Đan cố sức giựt một cái, kéo y ngã từ trên lưng ngựa xuống đất rồi há mồm ngoạm luôn vào cổ.
Ngay lúc đó một tên quan binh Đại Tống từ trên ngựa vung đao chém phập vào lưng ông lão, tiếp theo cúi xuống cầm cổ ông già lôi ra, tên lính ngã dưới đất mới vùng dậy được. Tên lính đó tức quá lại vung đao chém liên tiếp mấy nhát vào người ông già, ông già chỉ dãy dụa được mấy cái rồi ngã lăn ra. Bọn quan binh đứa cầm giáo, đứa dùng đao lập tức vây quanh.
Ông lão Khất Đan đột nhiên đứng phắt dậy quay về hướng bắc, cởi phanh áo trên người ra, ưỡn ngực, cất tiếng hú lên, thanh âm thê lương, bi thảm chẳng khác gì tiếng tru của chó sói. Cả bọn quan quân ai nấy tỏ vẻ lo sợ.
Kiều Phong trong lòng thảng thốt, chợt thấy dường như ông lão Khất Đan kia với mình có điều tâm linh tương thông, tiếng hú lên khi sắp chết nghe như tiếng sói tru kia chính mình cũng đã từng làm. Khi ở tại Tụ Hiền Trang bị liên tiếp trúng đao thương, tới lúc Đơn Chính dùng đao đâm tới, biết mình sắp chết, trong lòng bi phẫn không sao nhịn được, ông đã rống lên như mãnh thú.
Bây giờ nghe thấy mấy tiếng tru, trong lòng bỗng nổi lên một tâm tình thân cận, không còn nghĩ ngợi gì thêm, từ đằng sau tảng đá nhảy vọt ra, vươn tay chộp từng đứa quan binh Đại Tống ném xuống vực. Kiều Phong càng đánh càng hăng, ngay cả những con ngựa chúng cỡi cũng mỗi con một chưởng đẩy luôn xuống thâm cốc, tiếng ngựa hí người kêu nổi lên rầm rĩ rồi ngừng bặt.
A Châu và bốn người Khất Đan kia thấy ông thần uy như vậy, ai nấy đứng há hốc mồm. Kiều Phong giết sạch hơn chục tên quan binh rồi, cất tiếng hú lên chấn động cả sơn cốc. Ông thấy ông lão Khất Đan kia vẫn còn đứng sững như trời trồng, trong bụng kính trọng là một hảo hán, chạy đến trước mặt thấy ông ta hướng về phương bắc ngực phanh ra nhưng đã tắt thở chết rồi. Kiều Phong nhìn vào ngực ông già, bỗng hoảng hốt kêu lên một tiếng, lùi lại một bước, thân hình lảo đảo tưởng chừng muốn ngã.
A Châu kinh hãi kêu lên:
- Kiều đại gia, ông ... ông ... ông sao thế?
Chỉ nghe soẹt soẹt mấy tiếng, Kiều Phong đã xé toạc áo mình ra, để lộ bộ ngực đầy lông đen. A Châu nhìn vào thấy trên ngực ông hoa văn xâm hình đầu một con chó sói xanh lè, há miệng nhe nanh, hình dáng thật là hung dữ. Nàng nhìn lại ông già Khất Đan, thấy ngực ông ta cũng có hình đầu một con chó sói, hình dáng thần thái giống hệt như của Kiều Phong. Cả bốn người Khất Đan kia cũng kêu lên xí xố.
Kiều Phong từ thuở mới lên ba có chút hiểu biết đã thấy trên ngực mình có hình đầu con thanh lang, nhưng vì từ bé đã có nên không coi là chuyện lạ. Đến khi lớn lên mới hỏi cha mẹ, vợ chồng Kiều Tam Hòe bảo là hình xâm đẹp quá, khen ngợi một chập nhưng không nói tại sao lại có. Về thời Bắc Tống, xâm hình trên người là chuyện hết sức bình thường4 có người từ đầu chí chân. Nhà Đại Tống thừa kế giang sơn của họ Sài nhà Hậu Chu5. Khai quốc hoàng đế nhà Hậu Chu là Quách Uy, nơi cổ có xâm hình một con chim sẻ, vì thế người đời thường gọi là Quách Tước Nhi. Thời kỳ đó xâm mình cũng là một tập quán, anh em Cái Bang mười người đến chín có thích hoa văn nên chẳng một ai nghi ngờ gì Kiều Phong cả. Thế nhưng khi đó nhìn thấy ông già Khất Đan bị giết trên ngực có hình đầu chó sói xanh, giống y hệt như mình, không khỏi cực kỳ kinh ngạc.
Bốn người Khất Đan kia vây quanh ông, miệng xí xố, tay chỉ vào ngực ông. Kiều Phong không hiểu họ nói gì, còn đang ngơ ngẩn, ông già Khất Đan đột nhiên cởi áo mình ra, để lộ bộ ngực, trên đó cũng có xâm hình đầu chó sói. Ba gã thiếu niên cũng cởi áo, đứa nào cũng có xâm hình thanh lang.
Chỉ trong một thoáng, Kiều Phong biết đích xác rằng mình quả thực là người Khất Đan. Hình đầu chó sói kia chắc hẳn là ký hiệu của bộ tộc, xem ra từ bé ai ai cũng đã xâm rồi. Ông trước nay thống hận thù ghét người Khất Đan, cho rằng họ tàn ác đê tiện, không biết tín nghĩa, thích giết người Hán, không chuyện ác nào không làm bây giờ lại thấy mình chính là giống người không bằng cầm thú kia nên lòng quả thực đau khổ khôn cùng.
Ông đứng chết sững một hồi, đột nhiên kêu rú lên một tiếng, chạy như bay vào phía núi hoang. A Châu gọi vói:
- Kiều đại gia, Kiều đại gia !
Rồi lật đật đuổi theo. Nàng đuổi đến hơn mười dặm mới thấy ông ngồi ôm đầu dưới một gốc cây, mặt mày xanh xao, trên trán nổi những sợi gân xanh cuồn cuộn. A Châu bước lại gần bên ngồi xuống bên cạnh ông.
Kiều Phong rút người lại nhích qua nói:
- Ta là giống Hồ Lỗ Khất Đan không bằng con heo con chó, từ nay trở đi cô đừng gặp ta làm gì.
A Châu cũng như bao nhiêu người Hán khác vốn dĩ thống hận người Khất Đan tận xương tủy, nhưng trong lòng nàng Kiều Phong thật quả không khác gì một thiên thần. Chẳng nói ông chỉ là người Khất Đan mà dù có là ma quỉ mãnh thú, nàng cũng không muốn bỏ ông mà đi, nghĩ bụng: “Chàng lúc này trong lòng thật đau đớn, ta càng phải khuyên giải an ủi nhiều hơn”. Nàng bèn nhỏ nhẹ:
- Người Hán cũng có người xấu người tốt, người Khất Đan dĩ nhiên cũng có kẻ hay người dở. Kiều đại gia, ông đừng để chuyện này trong lòng làm chi. Tính mạng của A Châu do ông cứu, ông là người Hán cũng vậy, mà là người Khất Đan cũng thế đối với thiếp thật chẳng khác gì.
Kiều Phong lạnh lùng đáp:
- Ta không cần cô phải thương hại, trong bụng cô chẳng coi ta vào đâu, không phải giả vờ nói lấy lòng vài câu làm gì. Ta cứu mạng cô nào có phải do bản tâm đâu, chẳng qua chỉ nhất thời sính cường hiếu thắng. Chuyện đó thôi từ nay bỏ qua hết, cô mau mau đi đi.
A Châu trong lòng hoang mang nghĩ thầm: “Chàng biết mình là người Khất Đan Hồ Lỗ, không chừng quay trở lại sa mạc miền bắc, từ nay không bước vào Trung Thổ nữa”. Nàng không biết tính sao, lật đật đứng lên nói:
- Kiều đại gia, nếu chàng bỏ thiếp mà đi, thiếp sẽ nhảy xuống sơn cốc tự tận. A Châu này biết rồi, chàng là anh hùng hảo hán Khất Đan nên không coi đứa a hoàn hạ tiện người Hán vào đâu, chi bằng thiếp đi tìm cái chết cho xong.
Kiều Phong nghe nàng nói cực kỳ thành khẩn, ông vẫn nghĩ mình nếu là Hồ Lỗ thì bao nhiêu người Hán trong thiên hạ đều xa lánh như rắn rết, có ngờ đâu A Châu đối với mình không khác chút nào, trong lòng cảm động, tự nhiên đưa tay ra nắm lấy tay nàng dịu dàng nói:
- A Châu, em là a hoàn của Mộ Dung công tử chứ nào có phải là đầy tớ của ta, ta ... ta nào có dám coi thường em đâu?
A Châu đáp:
- Thiếp cũng chẳng cần chàng thương hại, trong bụng chàng chẳng coi em vào đâu, đừng phải giả vờ nói lấy lòng vài câu làm gì.
Nàng nhái lại mấy câu Kiều Phong vừa nói, ngữ âm thanh điệu giống hệt nhưng trong ánh mắt đầy vẻ nghịch ngợm tinh ranh. Kiều Phong cười ha hả, ông đang thất vọng đến cùng cực, gặp được một cô gái thông minh lanh lợi pha trò an ủi như thế này, bao nhiêu phiền não lập tức tiêu tan. A Châu đột nhiên nghiêm mặt nói:
- Kiều đại gia, thiếp phục thị Mộ Dung công tử nào có phải là bán thân cho người ta đâu. Chỉ vì thiếp từ bé không cha không mẹ, lưu lạc ở bên ngoài, một hôm nọ bị người ta hiếp đáp, gặp Mộ Dung lão gia cứu thiếp đem về. Thiếp cô khổ không nơi nương tựa nên đành làm đứa a hoàn trong nhà ông ta. Kỳ thực Mộ Dung công tử cũng không coi thiếp như một đứa đầy tớ, y còn mua mấy đứa nô tì phục thị thiếp nữa kìa. A Bích muội tử cũng thế, chỉ nhân vì cha cô ta đưa nàng đến nhà Mộ Dung lão gia ở Yến Tử Ổ để tị nạn mà thôi. Năm xưa, Mộ Dung lão gia và phu nhân có nói rằng, ngày nào thiếp và A Bích muốn rời khỏi Yến Tử Ổ, gia đình họ Mộ Dung sẽ vui vẻ để bọn thiếp đi ...
Nàng nói đến đây, khuôn mặt bẽn lẽn. Thì ra khi đó Mộ Dung phu nhân nói rằng: "Ngày nào A Châu, A Bích hai cô về nhà chồng, toàn thể gia trang nhà Mộ Dung sẽ ăn cưới, đem kiệu hoa rong cờ đánh trống đưa ra khỏi cửa, không khác gì gả con gái cho người ta". Nàng ngừng lại một chút rồi nói với Kiều Phong:
- Từ nay trở đi thiếp sẽ hầu hạ chàng, làm một người tì nữ, Mộ Dung công tử không trách cứ gì đâu.
Kiều Phong hai tay xua liên tiếp nói:
- Không! Không được! Ta là một gã người Hồ man di, làm gì mà có a hoàn? Cô từng sống ở gia đình phú quí đất Giang Nam đã quen, theo ta kham khổ đơn bạc, có gì là vui đâu? Cô thử xem ta một gã hán tử thô dã thế này, có đáng để cô phục thị hay không?
A Châu thản nhiên cười đáp:
- Thế thì thôi, cứ coi như thiếp là một đứa nô tì đại gia cướp được, khi nào vui thì ban cho một nụ cười, khi chẳng vui thì đem ra đánh đập sỉ mắng, thế có được không?
Kiều Phong mỉm cười:
- Ta mà đấm một cái e rằng cô chết mất còn gì?
A Châu nói:
- Dĩ nhiên chàng chỉ đánh nhè nhẹ thôi, đừng ra tay quá nặng là được.
Kiều Phong cười ha hả nói:
- Đánh nhè nhẹ thì thà không đánh còn hơn. Thế nhưng ta không muốn có ai làm nô bộc cả.
A Châu đáp:
- Chàng là đại anh hùng Khất Đan, đi bắt vài cô gái người Hán về làm đầy tớ có gì mà không được? Chàng xem mấy quan binh Đại Tống đó, họ đi bắt bao nhiêu là người Khất Đan thì sao?
Kiều Phong lặng thinh không nói, A Châu thấy ông ta đôi lông mày nhíu tít lại, ánh mắt cực kỳ u uẩn lại lo rằng mình nói hớ khiến ông không vui. Mợt hồi sau, Kiều Phong mới chậm rãi nói:
- Ta trước nay chỉ tưởng người Khất Đan hung ác tàn bạo, sát hại người Hán thế nhưng hôm nay chính mắt thấy quan binh Đại Tống cũng tàn nhẫn giết hại những kẻ già cả yếu đuối, đàn bà trẻ con người Khất Đan, ta ... ta ... A Châu ơi, ta là người Khất Đan nhưng từ nay về sau, chẳng còn thấy là người Khất Đan thì đáng hổ thẹn mà cũng chẳng nghĩ rằng làm người Đại Tống mới vinh quang.
A Châu nghe ông nói thế, biết ông đã cởi được cái uất ức trong lòng, thật là hoan hỉ nói:
- Thì thiếp đã nói người Hồ cũng có kẻ tốt người xấu, mà người Hán thì cũng có kẻ hay người dở. Người Hồ không giảo hoạt như người Hán có khi kẻ xấu còn ít hơn là khác.
Kiều Phong nhìn vào vực sâu bên cạnh nhớ lại chuyện năm xưa nói:
- A Châu, cha mẹ ta bị người Hán sát hại, không thể không trả mối thù này.
A Châu gật đầu, trong bụng có điều hoang mang sợ hãi. Nàng biết rằng mấy câu đơn giản “thù này không thể không trả” thực ra bao hàm biết bao trận ác đấu, bao nhiêu máu chảy, bao nhiêu mạng người. Kiều Phong chỉ xuống thâm cốc nói:
- Năm xưa mẹ ta bị bọn họ sát hại, cha ta đau khổ đến không còn muốn sống nên đã nhảy xuống vực cạnh khối đá kia. Trong khi đang ở lưng chừng, vì không muốn ta phải theo ông mà chết, nên đã ném ta trở lên nên Kiều Phong này mới có đến ngày hôm nay. A Châu nàng ơi! Như thế cha ta yêu ta biết là dường nào, có phải vậy chăng?
A Châu nước mắt rưng rưng:
- Chàng nói đúng lắm.
Kiều Phong tiếp:
- Mối huyết hải thâm cừu của cha mẹ ta, không lẽ không báo? Ta trước kia không biết nên nhận địch làm bạn, quả thực thật là bất hiếu, nếu như hôm nay không đi tìm giết hung thủ sát hại cha mẹ ta, Kiều mỗ còn mặt mũi nào sống trong trời đất nữa? Cái kẻ “đàn anh đứng đầu” mà họ nói đến là ai thế? Bức thư viết cho Uông bang chủ có thự danh của y nhưng nhà sư Trí Quang đã xé ra nuốt mất rồi. Gã “đàn anh đứng đầu” này hẳn còn sống, nếu không bọn họ đâu cần phải dấu diếm làm chi?
Ông tự hỏi rồi tự trả lời, suy nghĩ thật lâu, biết rằng A Châu không thể giúp mình trả mối đại cừu nhưng có được một người ở bên cạnh mình nghe mình nói cũng đã giảm được bao nhiêu phiền não. Ông lại tiếp:
- Gã “đàn anh đứng đầu” kia nếu đã tất lãnh được hào kiệt Trung Nguyên thì hẳn phải là một nhân vật võ công cao cường, danh vọng vang dậy. Theo lời lẽ trong thư, giao tình với Uông bang chủ hẳn không phải thường, gọi Uông bang chủ là anh, xem chừng tuổi phải ít hơn Uông bang chủ còn so với ta ắt lớn hơn nhiều. Một nhân vật như thế xem ra tìm được không khó, ôi, xem phong thư kia thì chỉ có nhà sư Trí Quang, Từ trưởng lão và Mã phu nhân của Cái Bang cùng Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính. Còn gã Triệu Tiền Tôn kia cũng biết y là ai. Triệu Tiền Tôn đã nói cho sư muội y là Đàm bà, chắc là Đàm bà cũng không dấu ông chồng đâu. Trí Quang hòa thượng và Triệu Tiền Tôn cũng là đồng lõa trong việc giết hại cha mẹ ta, đương nhiên là ta phải giết, còn cái thằng mả mẹ "đàn anh đứng đầu" kia, hừ, ta ... ta phải giết cả nhà nó, từ già chí trẻ, đến con gà con chó cũng chẳng tha.
A Châu thấy lạnh cả người, đã toan nói: “Chàng giết một mình gã "đàn anh đứng đầu" cũng đủ rồi, tha cho gia đình người ta”. Thế nhưng nàng thấy Kiều Phong thần uy lẫm lẫm không dám cãi lại câu nói vừa ra đến cửa miệng, lại nhịn không dám hở môi.
Kiều Phong lại tiếp:
- Nhà sư Trí Quang vân du bồn bể, Triệu Tiền Tôn cũng phiêu bạt giang hồ đi kiếm hai người này quả không phải dễ. Gã Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính kia tuy không tham dự trận chiến giết hại cha mẹ ta nhưng ta đã giết hai đứa con của lão rồi, đứa con út cũng vì ta mà chết, thôi không đi tìm y làm gì nữa. A Châu, vậy chúng mình đi kiếm Từ trưởng lão của Cái Bang.
A Châu nghe hai chữ “chúng mình”, không khỏi mở cờ trong bụng, có nghĩa là ông đã bằng lòng cho mình đi cùng. Nàng lặng lẽ nở một nụ cười, nghĩ thầm: “Dù phải đi đến chân trời góc biển, thiếp cũng nguyện theo chàng”.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro