Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2.2

Sớm hôm sau, Pa-ven ở nhà máy điện ra về. Đã một năm rồi, cậu làm phụ chân đất lò ở nhà máy này.

Vừa ra khỏi nhà máy Pa-ven thấy ngay hàng phố nhộn nhịp lạ thường, người gặp mỗi lúc một nhiều, mỗi người đều vác một, hai hoặc đến ba khẩu súng.

Pa-ven không hiểu ra làm sao cả, rảo bước về nhà. Đến gần biệt thự Lê-sinh-ski, Pa-ven thấy những người kỵ binh đỏ anh quen hôm qua đang lên ngựa.

Pa-ven nhảy bổ vào nhà, rửa mặt mũi qua loa, hỏi mẹ, biết A-rơ-chom không có nhà, liền nhảy tót ra cửa, ba chân bốn cảng, tất tưởi chạy sang đầu đằng kia thành phố đến nhà Xéc-gây là con người phụ thợ máy xe lửa. Bố cậu ta có một căn nhà nhỏ và mấu đất con. Xéc-gây không ở nhà. Bà mẹ mặt đầy và trắng, người đẫy đà, nhìn Pa-ven lộ vẻ không bằng lòng:

- Chỉ có ma quỉ biết nó đi đằng nào. Bảnh mắt ra đã chạy rồi, thật như thằng bị động, bị dại. Hình như là người ta phát súng gì đấy. Chắc là nó đang ở đó. Cả lũ chúng mày đều đáng đánh đòn tất, đồ còn thò lò mũi mà đã thích trò đánh nhau. Chúng bay lêu lổng quá chừng rồi. Cấm sao bảo được. Một tí tuổi đầu, chưa cao hơn cái vại nước mà đã chực mó vào chuyện súng với ống. Mày gặp thằng hại cơm ấy thì bảo nó cho tao: nó mà mang một viên đạn về cái nhà này thì tao chém đầu đi. Nó nhặt đủ thứ về để tội vạ chúng tao chịu. Còn mày nữa, mày cũng định chạy đến đấy phải không?

Nhưng Pa-ven không còn nghe những lời đay nghiến của mẹ Xéc-gây nữa, mà đã cắm đầu chạy xa rồi.

Dọc đường, gặp một người đàn ông, mang hai vai hai khẩu súng, Pa-ven sán đến hỏi ngay:

- Bác lấy súng ở đâu đấy, bảo cháu với?

- Ở trên phố Véc-khô-vi-na kia. Họ đang phát.

Pa-ven ba chân bốn cẳng, cắm cổ chạy như bay. Vừa chạy qua hai phố thì đụng ngay vào một thằng bé con đang è cổ vác một khẩu súng trường nặng
trịch có lắp lưỡi lê. Pa-ven hỏi nó:

- Mày vớ được ở đâu đấy?

- Anh bộ đội phát ở trước cửa trường học ấy. Nhưng giờ thì chẳng còn gì đâu, người ta lấy hết rồi. Phát suốt đêm rồi còn gì. Giờ đến chỉ còn hòm không.

Và nó vênh mặt khoe:
- Tao lấy chiếc này là chiếc thứ hai.

Tin ấy làm cho Pa-ven nghe đến rụng rời: "Mình thật khỉ, đáng lẽ chạy thẳng đến đó ngay lại còn rẽ về nhà. Thế là nhỡ tàu rồi".

Bỗng chợt nghĩ ra điều gì, Pa-ven quay phắt trở lại nhảy ba bước đuổi theo thằng bé kia, ra sức giằng lấy súng ở tay nó và nói giọng rất trịch thượng:

- Mày đã có một khẩu, đủ rồi. Khẩu này để tao.

Ban ngày ban mặt mà bị cướp trên tay, thằng bé hầm hầm xông vào Pa-ven, nhưng Pa-ven đã lùi lại rất nhanh, chĩa lưỡi lê ra, thét lên:

- Lùi lại, không ông đâm ngay!

Thằng bé kia ức quá phát khóc và vừa bỏ chạy, vừa chửi cho hả giận. Còn Pa-ven thì thỏa chí quá, rồi phi một mạch về nhà. Cậu nhảy qua rào, chạy
thẳng xuống nhà dưới, giấu khẩu súng cướp được lên mái nhà, rồi bước lên nhà trên, vừa đi vừa vui vẻ huýt sáo.

*

Những buổi tối mùa hè vùng U-cơ-ren, ở những thị trấn nhỏ như Sê-pê-tốp-ca này thật là đẹp. Trung tâm là phố xá nhỏ và ngay ngoại ô đã là thôn quê rồi.

Những buổi tối mùa hè êm đềm này, tất cả thanh niên ở đây đều kéo ra đường chơi. Con trai con gái túm năm tụm ba hay từng đôi, ngồi trên thềm
nhà, trong vườn, đứng ở giậu cây, hay ngồi ngoài đường, trên những thanh gỗ xếp đống sắp làm nhà. Tiếng cười tiếng hát vang lên khắp nơi. Khí trời ban đêm run rẩy, ngào ngạt mùi hoa thơm. Trên vòm trời cao thăm thẳm, sao lấp lánh trông y như những con đom đóm. Vào những lúc như thế này, tiếng nói, tiếng hát vọng đi xa lắm...

Pa-ven mê đàn gió (ác-coóc đê ông). Cậu trìu mến bế chiếc đàn vào lòng tỳ lên gối, ngón tay nhẹ nhàng lướt trên hàng phím, lên xuống nhanh thoăn
thoắt; tiếng đàn gấp đổ hồi. Những tiếng trầm ngân dài và đàn cất lên một khúc nhạc say sưa chan chứa nhiệt tình và huyết khí.

Hộp đàn mở ra rồi kéo vào, uốn khúc như sóng lượn. Nghe tiếng nhạc, chân không thể không cuốn vào bước nhảy. Không chịu được, chân ai ai cũng giậm giật, cựa quậy. Tiếng đàn rộn lên hơi thở nóng hổi: sống trên đời mới
thú làm sao!

Tối nay càng vui hơn mọi tối. Đám thanh niên thích cười đùa đã tụ tập nhau trên đống gỗ xếp gần nhà Pa-ven. Tiếng Ga-lốt-sơ-ca, cô gái nhà hàng xóm, nói to nhất. Giọng cô rất ấm, rất trầm và mượt như nhung. Người con gái ông thợ làm đá ấy vốn thích nhảy, thích hát với những gã con trai.

Pa-ven thì hơi kiềng cô ta. Vì cô bạo mồm bạo miệng lắm. Cô đang ngồi ngay cạnh Pa-ven, cùng trên một tấm gỗ, tay ôm lấy ngang lưng Pa-ven, khít chặt vào lòng và cười sằng sặc:

- Hãy nghe tôi nói, tay đàn cừ khôi của tôi ơi! Thật đen đủi cho tôi là cậu còn măng sữa quá. Không thì cậu đã thành người chồng xinh xinh của tôi rồi. Tôi rất cảm những tay chơi nhạc. Gặp con nhà nhạc là lòng tôi say mê mềm nhũn ra.

Pa-ven thẹn đỏ chín mặt; may mà trời tối, không ai thấy mình xấu hổ. Pa-ven muốn lủi xa cô gái tinh nghịch, song Ga-lốt-sơ-ca ghì khỏe, giữ chặt lại.

Cô ta cười nhí nhảnh:
- Mình đừng chạy, mình yêu mình quý của em. Rõ chồng gì chồng lạ thế này!

Pa-ven cảm thấy vai mình ép vào cặp vú xinh rắn chắc của Ga-lốt-sơ-ca, cậu thấy ngài ngại và trong người rạo rực thế nào ấy. Chung quanh là tiếng cười ngặt nghẽo vang động cả phố xá vốn im lìm.

Pa-ven lấy tay đẩy vai Ga-lốt-sơ-ca để gỡ ra, miệng nói:
- Chị xê ra chứ chị! Làm người ta không kéo đàn được nữa.

Và mọi người lại cười ầm lên, nói đùa, nói giỡn, chọc Pa-ven. Ma-ru-xi-a chêm vào:

- Pa-ven chơi cho chúng mình một bài nào thật buồn, thật não nuột tâm hồn.

Và từ từ chiếc đàn lại kéo giãn ra, ngón tay nhẹ nhàng lướt trên phím. Đàn chơi khúc nhạc quen thuộc mà ai cũng thích. Nhạc vừa cất lên, Ga-lốt-sơ-ca hát trước. Ma-ru-xi-a và tất cả mọi người cùng hát theo:

Đoàn người kéo ghe
Về chốn quê nhà,
Thú vị làm sao
Êm ái làm sao
Được ca lên tiếng thở than...

Tiếng hát của tuổi trẻ cất vang lên, vọng đi xa đến tận khu rừng.

Bỗng có tiếng gọi: "Páp-ca!".
Đấy là tiếng A-rơ-chom.

Pa-ven gấp đàn gió lại, gài dây vào:
- Có người gọi, tôi phải về đây!

Ma-ru-xi-a khẩn khoản nài Pa-ven rốn lại:

- Ngồi lại chơi một tí nữa, rồi hãy về cũng còn kịp chán.

Nhưng Pa-ven đang vội.
- Thôi, để đến mai. Bây giờ phải về, anh tôi gọi.

Pa-ven vụt qua phố chạy về nhà. Mở cửa bước vào, Pa-ven thấy ngồi ở bàn với anh A-rơ-chom có bác Rô-man cùng làm một chỗ với anh và một người thứ ba nữa mà Pa-ven không quen, Pa-ven hỏi anh:

"Anh gọi em?"

A-rơ-chom hất hàm về phía Pa-ven và nói với người lạ mặt:
- Thằng em tôi đấy?

Người lạ mặt chìa bàn tay gân guốc ra bắt tay Pa-ven.
A-rơ-chom nói với em:

- Pa-ven này, mày nói ở sở là mày làm người thợ máy bị ốm có phải không? Mai mày thử hỏi xem sở nó có lấy người biết máy vào thay chân không nhé. Nếu họ cần người thì chạy về nhà bảo tao.

Người lạ mặt ngắt lời:
- Thôi, để ngày mai tôi cùng đi với cậu em. Tôi sẽ tự nói thẳng với chủ.

Pa-ven bây giờ đã hiểu ra tại sao anh gọi mình về:

- Nhà máy nó đang cần thợ lắp máy điện thật, các anh ạ. Vì bác Stăng-cô-vích vẫn làm bị ốm, phải nghỉ, cho nên hôm nay cái máy không chạy được.
Bác ta bị thương hàn. Chính chủ phải xuống đứng máy hai lần. Họ đang tìm người thay mà chưa có. Có một mình người đốt lò thôi, họ không dám cho
máy chạy.

Người lạ mặt nói: "Nếu vậy thì việc chu rồi" và anh quay lại phía Pa-ven:

- Mai anh sẽ đến đón em cùng đi đến sở nhé.

- Vâng

Pa-ven bắt gặp cặp mắt bác ta: cặp mắt màu tro, bình tĩnh, nhìn thẳng vào Pa-ven không chớp, khiến cậu hơi chùn. Chiếc áo bác ta màu xám, cúc cài suốt, kéo căng bó lấy cái lưng rộng, chắc nịch, chiếc áo trông chật cứng. Bác ta vai và đầu khít nhau, cổ như cổ trâu, thân hình vạm vỡ, sức khỏe có dư
như một cây gỗ sến cổ thụ rắn rỏi và bám chắc rễ. Khi tiễn chân bác ta, A-rơ-chom nói:

- Anh Giu-khơ-rai, việc thế là tạm ổn, anh nhỉ. Mai mời anh lại đi với em nó đến sở và lo việc ấy cho xong.

*

Bộ đội đỏ đi được ba hôm thì quân Đức kéo vào thành phố.

Lúc chúng đến, một hồi còi xe lửa rú lên ở nhà ga mấy hôm nay vốn bỏ trống. Tin lan khắp tỉnh: Quân Đức đến!

Phố xá rối lên như một tổ kiến bị động, tuy từ lâu dân phố đã biết thế nào bọn Đức cũng kéo đến. Biết vậy nhưng sao cũng chẳng ai muốn tin cả. Thế mà bọn giặc Đức đáng ghê sợ ấy hôm nay chẳng còn đâu xa nữa, chúng đã ở ngay trong phố rồi.

Dân phố nem nép sau hàng rào nhà mình đứng nhìn, không dám bước chân ra đường.

Bọn Đức hành quân làm hai hàng dọc, cứ men theo rìa đường mà đi để mặt phố vắng không người. Chúng mặc quần áo xanh sẫm, tay lăm lăm chĩa súng ra đằng trước, lưỡi lê to bản như dao, cắm vào đầu súng, mũ sắt nặng trịch úp sụp lấy đầu, ba-lô đi trận nặng trĩu vai. Chúng đi từ ga vào phố, hàng quân dài liên miên, mắt chúng gờm gờm có vẻ sẵn sàng dập tắt mọi sức kháng cự, tuy chẳng ai nghĩ đến kháng cự chúng cả.

Hai tên sĩ quan đi đầu, súng ngắn kiểu Mô-de trong tay. Giữa đường phố là tên trùm hội tề đội mũ lông, mặc quần áo U-cơ-ren màu xanh, đi theo chúng làm phiên dịch.

Lính Đức xếp hàng thành đội hình vuông vắn trong quảng trường trung tâm thành phố. Tiếng trống nổi lên. Một đám nhỏ dân phố đã hơi hoàn hồn, tụ tập nhau lại. Đứng trên bậc cửa một hiệu bào chế, tên trùm hội tề đọc to bản mệnh lệnh của tên quan tư Coóc-phơ, tư lệnh quân quản thành phố.

BỐ CÁO DN CHÚNG
Điều thứ nhất.
- Bản chức ra lệnh cho toàn thể dân phố trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ phải đem nộp hết vũ khí, cả súng lẫn kiếm và dao găm. Ai trái lệnh sẽ bị xử bắn.

Điều thứ hai.
- Nay hạ lệnh giới nghiêm thành phố. Từ tám giờ tối trở đi, cấm ngặt không được đi lại ngoài đường.

Tư lệnh quân quản thành phố
Ký tên: thiếu tá COÓC-PHƠ

Bộ tư lệnh giặc Đức chiếm tòa thị sảnh vốn trước là trụ sở của Xô-viết công nhân lúc mới khởi nghĩa. Ngoài cửa có tên lính gác không đội mũ sắt mà đội mũ lưỡi trai có phù hiệu con điều hâu to tướng. Sân gần nhà thì lấy làm nơi chứa vũ khí dân đem nộp.

Suốt ngày, có những người vì sợ tội tử hình nên đem súng nộp. Người lớn không ló mặt ra, thiếu niên và con trẻ mang súng đến nộp. Bọn Đức không bắt giữ ai lại.

Ai không muốn đến kho nộp súng thì thừa lúc đêm tối, vứt phứa ra đường cái. Sáng hôm sau, lính Đức đi tuần nhặt đưa lên xe chở về bộ tư lệnh.

Đến một giờ trưa hết hạn nộp súng, bọn lính Đức kiểm kê số súng đã thu được là một vạn bốn nghìn khẩu. Thế là thiếu đâu sáu nghìn khẩu không nộp
cho bọn Đức. Chúng liền tức tốc đi khám xét hàng loạt nhà dân, nhưng kết quả chẳng có mấy.

Tang tảng sáng hôm sau, có hai người thợ xe lửa bị chúng bắn chết gần nghĩa địa Do-thái ở ngoài thành phố. Chúng đã khám thấy súng trong nhà các anh.

Nghe đọc bản bố cáo xong, A-rơ-chom cấp tốc trở về nhà. Gặp Pa-ven ngoài sân, anh liền nắm lấy vai em, khẽ hỏi gặng:

- Mày có rước khẩu nào ở kho súng về nhà không?
Pa-ven chực không nói ra, song không bụng nào nói dối anh được, bèn thú thật hết cả.

Hai anh em đi xuống nhà dưới. A-rơ-chom với lấy khẩu súng giấu trên xà nhà, tháo quy-lát và lưỡi lê ra, rồi nắm chắc nòng súng giáng mạnh vào cột rào. Báng súng gẫy tan, A-rơ-chom ném ra ngoài bãi hoang, còn quy-lát và
lưỡi lê thì quẳng vào chuồng xí.

Làm xong đâu đấy, A-rơ-chom quay lại bảo em:

- Mày không còn bé bỏng gì nữa, Pa-ven ạ. Mày phải hiểu là không đùa với súng được đâu. Tao nói thật cho mày biết: chớ có mang gì về nhà.
Mang về thì có thể mất mạng đấy. Đừng làm gì che mắt tao, không rồi cứ mang về, nhỡ nó khám thấy ở nhà này thì nó bắn tao trước tiên. Chứ mày là lỏi con, nó chẳng thèm đụng đến đâu. Thời buổi này là thời buổi chó má, mày hiểu
chưa?

Pa-ven hứa không dám mang gì về nhà nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro