Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2.1

Như cơn gió lốc, tin ghê gớm ập vào thành phố nhỏ này: "Nga hoàng đã bị đánh đổ rồi!"

Thành phố không ai dám tin là thật. Nhưng rồi một hôm, có một chuyến tàu rẽ bão tuyết từ từ vào ga này. Hai sinh viên súng khoác vai áo ca-pốt vội vã từ trên tàu bước xuống, cùng với một đơn vị quân cách mạng, tay áo đeo băng đỏ. Họ bắt lũ sen đầm, lão quan năm già và tên trưởng đồn. Khi ấy hàng phố mới tin là chuyện có thật.

Dân đổ ra đường đen ngòm trên tuyết trắng, hàng nghìn người kéo về phía quảng trường thành phố.

Người ta háo hức lắng nghe những tiếng mới: tự do, bình đẳng, bác ái. Rồi những ngày náo nhiệt, sôi nổi, đầy xúc động và hân hoan qua đi. Lại bắt đầu im lặng, chỉ có khác là ở tòa thị sảnh, nơi bọn men-sê-vích và bọn đảng Bun (Đảng Xã hội Do-thái) đóng trụ sở có treo lá cờ đỏ. Thay đổi chỉ có thế thôi. Còn đâu lại vào đấy như cũ.

Vào cuối đông, một trung đoàn vệ binh kỵ mã đến đóng đồn trong thành phố. Sáng sáng, họ kéo từng trung đội lên ga chộp lính từ mặt trận Tây Nam
đào ngũ trốn về. Bọn vệ binh kỵ mã, đứa nào vóc người cũng béo tốt mặt mày nở nang. Lũ
quan thì phần nhiều là bọn hoàng thân, bá tước, vai đeo ngù kim tuyến, quần có đường viền chỉ bạc, y như thời Nga hoàng, dường như chẳng có cách mạng nào xảy ra.

Đối với Pa-ven, Cơ-lim-ca và Xéc-gây con nhà Bơ- ru-giắc, dường như cũng chẳng có gì là thay đổi cả. Bọn chủ vẫn là bọn chủ cũ. Nhưng đến tháng
Mười Một mưa dầm thì xảy ra chuyện gì khang khác. Có một lớp người mới đến khuấy đảo ngoài nhà ga, những người này phần lớn mới rời bỏ hầm hố
ngoài mặt trận trở về. Họ mang tên là "bôn-sê-vích".

Cái tên nghe chắc nịch và làm tin tưởng. Tên ấy từ đâu mà có? Chẳng ai biết cả.

Bọn vệ binh kỵ mã khó mà cản được binh lính đào ngũ. Các cửa kính ở nhà ga thường bị vỡ luôn vì súng nổ ngày một nhiều. Binh lính bỏ mặt trận từng khối đông nghịt kéo về. Khi vệ binh ra chặn, thác người mặc áo xám này liền
rút lưỡi lê chống cự lại. Sang đầu tháng Chạp thì có đến hàng chuyến tàu lính đảo ngũ lũ lượt đổ về.

Vệ binh vây lấy nhà ga, tưởng đứng chắn đấy mà ngăn được thác người đang đổ về. Nhưng bọn vệ binh đã bị hàng loạt súng máy quạt vào mặt. Những
người từ trên tàu đổ xuống đã từng xông pha quen với cái chết.

Những chiến sĩ mặc áo xám dồn bọn vệ binh vào trong phố, rồi lại trở ra ga, lên xe đi. Từ dạo ấy những đoàn xe từ mặt trận cứ nối tiếp nhau đổ về.

***

Mùa xuân 1918. Ngày hôm ấy, ba người bạn trẻ vừa đánh bài liên hồi kỳ trận ở nhà Xéc-gây chán, rồi tạt vào nhà Pa-ven, ngả lưng trên bãi cỏ. Buồn quá, mọi trò chơi lâu nay đều thấy chán ngấy cả rồi. Đang nghĩ xem làm cách gì hơn cho qua ngày, thì nghe có tiếng vó ngựa lộp cộp gõ trên đường phố. Một người đi ngựa hiện ra. Con ngựa nhảy phắt một cái qua rãnh cạnh đường, sát bờ rào thấp quanh vườn. Người đi ngựa vẫy roi ra hiệu cho Pa-ven và Cơ-lim-ca:

- Này, các cậu bé ơi, lại đây cho tôi nhờ tí !

Pa-ven và Cơ-lim-ca nhảy bổ ra bờ rào. Người đi ngựa mình đầy bụi; bụi đường trường đóng dày trên mũ cát-két đội hất về đằng sau, bụi chen vào kẽ những nếp quân phục. Một khẩu súng ngắn nặng và hai quả lựu đạn Đức đeo ở đây lưng to bản.

- Các cậu làm ơn cho xin hụm nước.

Trong khi Pa-ven chạy về nhà lấy nước, người lạ mặt hỏi Xéc-gây:
- Tỉnh nhà giờ trong tay ai, hở cậu em?

Xéc-gây đang trố mắt chòng chọc nhìn người ấy, nghe hỏi thì vội vàng trả lời ngay, háo hức kể hết tin tức:

- Đã hai tuần nay, chẳng có chính quyền nào ở đây cả. Chính quyền của chúng tôi là dân phố tổ chức tự vệ lấy. Đêm, dân hàng phố thay phiên nhau đi gác, hết đội này đến đội khác. Còn anh là ai thế hở anh? - Đến lượt Xéc-
gây hỏi lại.

Người đi ngựa tủm tỉm trả lời:
- Cậu hỏi làm gì? Còn bé mà đã muốn biết nhiều thế thì chóng già đi đấy,
cậu em ạ!

Vừa lúc ấy, Pa-ven hai tay cầm ca nước từ trong nhà chạy ra.

Người đi ngựa tu ừng ực một hơi hết ca nước, trả ca lại cho Pa-ven, rồi giật cương tế ngựa phi về phía rừng thông.
Pa-ven lấy làm lạ quay hỏi Cơ-lim-ca:

- Người ấy là ai thế ?

Cơ lim-ca nhún vai đáp:
- Tao biết đâu đấy.

Ngay lúc ấy, Xéc-gây, giọng quyết đoán, nói với hai bạn ý kiến của mình về vấn đề chính trị này:

- Chắc lại sẽ có đảo chính nữa. Thảo nào tối qua nhà lão Lê-sinh-ski kéo nhau đi sạch. Mà hễ bọn giàu đã cuốn gói tếch, tức là quân du kích sắp đến rồi...

Xéc-gây kết luận chí lý quá khiến cho cả Pa-ven lẫn Cơ-lim-ca đều cho là
phải ngay.

Ba thiếu niên còn bàn luận chưa xong thì tiếng vó ngựa giòn giã lại vang lên dọc đường phố. Cả ba chạy bổ ra hàng rào.

Từ cánh rừng nhỏ vòng sau nhà người chánh kiểm lâm, người và xe súng đổ ra đường cái. Gần sát lại phía đàng này có chừng mười lăm tay kỵ mã, súng đặt ngang yên ngựa. Hai người đi đầu thì một người đã có tuổi mặc áo va-rơ màu ka-ki, có thắt dây lưng, ngực đeo ống nhòm. Bên cạnh là người đi ngựa mà lũ trẻ gặp ban nãy. Trên áo va-rơ của người đứng tuổi có đính băng đỏ.

Xéc gây lấy khuỷu tay hích Pa-ven, đắc chí:
- Mày bảo tao nói có đúng không? Trông xem cái băng đỏ kia có phải là du kích không nào. Nói sai thì mắt tao nổ con ngươi. Đúng là du kích...

Và Xéc gây thích chí thét lên, nhảy qua hàng rào, nhẹ như chim trong chớp mắt đã ra đến phố.

Hai bạn chạy theo sau. Cả ba đứng trên vỉa hè, nhìn những đoàn người mới đến.

Đoàn người cưỡi ngựa lại gần. Người cưỡi ngựa đi đầu nhận ra ba thiếu niên, gật đầu chào, rồi lấy roi ngựa chỉ tòa nhà của Lê-sinh-ski, cất tiếng hỏi:

- Ai ở nhà đó thế, các em?

- Lão thầy kiện Lê-sinh-ski đấy.

Pa-ven vừa tung tăng chạy theo ngựa vừa kể:
- Lão ta đã chuồn đi hôm qua rồi. Chắc lão ta sợ các anh...

Người có tuổi mỉm cười:
- Em biết chúng ta là ai mới được?

Pa-ven chỉ mẩu băng đỏ đáp:
- Cái gì đây? Anh bảo mắt em không trông thấy cái này hay sao?

Hàng phố tủa ra đường, tò mò nhìn bộ đội đi vào phố. Ba cậu bạn vẫn đứng nguyên ở vỉa hè, mải mê ngắm những người du kích đỏ mệt nhọc, bụi bám
đầy người.

Đến khi khẩu đại bác độc nhất của đơn vị đã kéo qua, lăn ầm ầm trên đường đá, những xe súng máy đã diễu đi hết, lũ trẻ lại chạy theo các anh du kích đến mãi tận trung tâm thành phố, bộ đội bắt đầu đóng quân, cả ba mới chịu
rủ nhau ai về nhà nấy. Bộ tham mưu đơn vị đóng ở biệt thự nhà Lê-sinh- ski. Tối đến, trong phòng khách lớn, bốn người ngồi quanh một chiếc bàn to, chân bàn chạm trổ, họ là ba cán bộ chỉ huy và người thủ trưởng đơn vị, đồng chí Bun-ga-cốp, một
người đã có tuổi, tóc hoa râm. Bun-ga-cốp trải tấm bản đồ vùng này lên bàn, đưa ngón tay chỉ dẫn, vừa lấy móng tay vạch lên các đường sá vừa quay nói với người có gò má cao, răng bàn cuốc ngồi trước mặt:

- Đồng chí Ê-ma-sên-cơ, đồng chí bảo chúng ta nên dàn quân đánh ở đây à?Tôi thì tôi nghĩ rằng sáng mai ta cứ phải rút lui nữa. Đáng lẽ tốt hơn hết là đi ngay đêm nay, song quân ta mệt lắm rồi. Nhiệm vụ của chúng ta là rút được
về tận Ca-da-chin trước khi quân Đức đến. Sức ta thế này đem ra chọi thì là chuyện thật buồn cười... Chỉ vẻn vẹn có một khẩu đại bác với ba mươi viên đạn, hai trăm lưỡi lê, sáu mươi thanh kiếm; đồng chí tưởng là lực lượng ghê
lắm đấy chắc!... Quân Đức tiến, thế mạnh như dòng suối thép trút xuống. Ta chỉ có thể chiến đấu khi nào phối hợp được với những đơn vị đỏ khác cũng đang rút như ta. Với lại, các đồng chí ạ, chúng ta không nên quên rằng ngoài quân Đức ra thì trên đường ta đi còn nhiều bọn phỉ phản cách mạng đang rình nện ta nữa. Ý kiến tôi là rút lui ngay sáng sớm mai và trước khi rút, cho sập cái cầu sau ga. Quân Đức có chữa cũng phải mất hai ba ngày. Thế là mũi tiến quân theo dọc đường sắt của chúng sẽ tạm thời bị cản lại.

Bun-ga-cốp hỏi tất cả những người ngồi dự họp:

- Các đồng chí nghĩ thế nào? Ta quyết định đi thôi.

Stơ-ru-cốp, ngồi bên cạnh Bun-ga-cốp, nhằn nhằn cắn môi, nhìn bản đồ rồi nhìn Bun-ga-cốp, khó khăn lắm mới nói được những tiếng chưa ra khỏi cổ họng đã muốn tắc lại:

- Tôi thì tôi... tán... tán thành ý kiến Bun-ga-cốp...

Người trẻ nhất, mặc áo khoác công nhân, cũng đồng ý:

- Bun-ga-cốp bàn có lý.

Chỉ có Ê-ma-sên-cơ, người đi ngựa mà ban ngày bọn Pa-ven đã gặp, là lắc đầu, phản đối:

- Nếu thế thì tập hợp nên toán quân này làm quái gì? Lập nó ra để mà cứ rút hoài trước bọn Đức, không dám đánh chác gì cả à? Theo tôi, phải choảng nhau với chúng ở đây. Chạy mãi chán lắm rồi. Nếu chỉ một mình tôi, thì tôi
đánh ngay tại đây.

Rồi đẩy ghế đánh sầm một cái, anh đứng phắt dậy và đi đi lại lại trong phòng.

Bun-ga-cốp nhìn anh tỏ vẻ không tán thành.

- Đánh phải đánh cho có mưu, có mẹo. Ê-ma-sên- cơ ạ. Chứ còn ném quân ta vào chỗ nhất định tan tác, bị tiêu diệt thì chúng ta không thể nào làm được. Với lại làm như thế thì là ngốc quá. Địch có cả một sư đoàn có trọng pháo,
thiết giáp đuổi theo sau ta. Chúng ta không phải là con nít, đồng chí Ê-ma- sên-cơ ạ.

Rồi quay nói với những người khác. Bun-ga-cốp kết luận:

- Thế là đã quyết định: sáng mai ta rút.

Bun-ga-cốp lại tiếp tục:
- Vấn đề tiếp theo là vấn đề liên lạc. Vì đơn vị ta rút sau cùng, nên nhiệm vụ ta phải tổ chức công tác ở sau lưng địch. Ở đây có ngã tư đường xe lửa quan trọng, thành phố nhỏ, nhưng có hai ga. Ta cần chọn một đồng chí nào chắc chắn, tin cậy, ở lại đây công tác. Các đồng chí đề cử người đi.

Ê-ma-sên-cơ vừa đi lại gần bàn, vừa nói:

- Theo tôi, đồng chí lính thủy Giu-khơ-rai cần ở lại đây. Thứ nhất, đồng chí
ấy là người địa phương. Thứ hai, đồng chí ấy có nghề thợ nguội và hiểu cơ điện, có thể xin được vào làm máy điện. Giu-khơ-rai lại không đi cùng đơn vị ta vào đây, mãi đêm nay mới đến cho nên không lộ. Một tay thông minh, chín chắn như thế sẽ làm công việc chạy. Theo tôi, đấy là người rất hợp với công tác này.

Bun-ga-cốp gật đầu:

- Đúng lắm, đồng chí Ê-ma-sên-cơ ạ. Tôi đồng ý với đồng chí.

Nói rồi quay lại hỏi những người khác:

- Không ai có ý kiến khác chứ ? Không. Vậy thông qua vấn đề này. Chúng ta
để lại cho đồng chí Giu- khơ-rai đủ tiền và tất cả giấy tờ cần thiết cho công
tác. Sang vấn đề thứ ba là vấn đề cuối cùng. Đó là vấn đề giải quyết kho súng ở thành phố này. Ở đây, có kho súng hai vạn khẩu từ thời chiến tranh Nga hoàng còn lại. Hiện để ở nhà một nông dân, nhưng không ai nhớ là có
kho súng ấy. Chủ nhà đã báo cáo với tôi ông ta muốn đẩy đi. Lẽ tất nhiên không thể để kho súng này vào tay bọn Đức được. Tôi có ý kiến là phải đốt đi. Đốt ngay bây giờ. Sáng là phải xong hết. Song chỉ ngại một điều: kho này
ở mãi tít đầu tỉnh, giữa những khu nhà của nông dân nghèo. Đốt thì lửa có
thể cháy lan sang nhà dân.

Stơ-ru-cốp người sây sát đầy sẹo, râu tua tủa tám ngày chưa cạo, xua tay phản đối:

- Sao... sao... sao lại đốt? Tôi... tôi có ý kiến là đem phát... phát súng cho
dân.

Bun-ga-cốp quay phắt lại:
- Anh nói đem phát cho dân?

Ê-ma-sên-cơ thích chí kêu lên:
- Phải! Hay lắm! Chia súng cho công nhân và tất cả những ai muốn lấy cũng cho. Ý kiến cừ đấy. Chia cho dân để ít ra cũng làm bà con có gì trong tay để cọ nhau với quân Đức, nếu chúng bóp chặt quá. Mà thế nào dân đây cũng bị chúng kẹp rất chặt rồi. Kẹp quá không chịu được, là giở súng ra. Ý kiến Stơ- ru- cốp chia súng cho dân là đúng lắm. Cũng nên chia một phần về nông thôn nữa. Ai chứ nông dân nghèo thì họ sẽ cất kỹ lắm. Nếu bọn Đức định giở
trò trưng thu, bòn vét thóc lúa thì lúc ấy, những "củ" súng này sẽ lợi hại ra
phết.

Bun-ga-cốp bật cười. Đồng chí nói:

- Ừ thì chia súng hay thật, nhưng giặc đến thế nào cũng ra lệnh nộp súng. Thế rồi ai cũng đem nộp cả cho nó.

Ê-ma-sên-cơ phản đối lại:

- Không, không phải ai cũng đem nộp cả đâu ! Có người nộp, nhưng cũng có người giữ lại.

Bun-ga-cốp đưa mắt hỏi mọi người. Anh công nhân trẻ bênh vực ý kiến của Ê-ma-sên- cơ và Stơ-ru-cốp:

- Nên phát súng cho dân. Nên phát.

- Thế thì phát súng. Thông qua, - Bun-ga-cốp gật đầu đồng ý, rồi đứng lên
nói tiếp:

- Thế là mọi vấn đề đều xong. Bây giờ chúng ta có thể nghỉ đến sáng. Khi nào Giu-khơ-rai tới, bảo anh ta đến gặp tôi. Tôi sẽ nói chuyện với anh ta. Còn đồng chí Ê-ma-sên-cơ, đồng chí hãy đi kiểm tra các trạm gác xem.

Mọi người ra về, Bun-ga-cốp cũng đi sang phòng ngủ của nhà chủ ở cạnh phòng khách, trải áo ca-pốt lên nệm giường, rồi ngả lưng xuống.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro