Chương 9
Tôi đã không liên lạc với Tú trong khoảng một tuần. Lần sau cùng tôi gọi điện thoại cho cậu ta là vào Buổi-Tối-Đập-Phá-Cúp, theo lệ thường thì đến lượt Tú gọi cho tôi. Nhưng cậu chẳng gọi. Và tôi cũng không phải kiểu con gái suốt ngày ôm khư khư điện thoại trong bàn tay ướt đẫm mồ hôi, mắt nhìn chăm chăm vào đèn báo hiệu có cuộc gọi đến trong khi diện chiếc Đầm Vàng Đặc Biệt, kiên nhẫn chờ người trong mộng – người luôn sống xứng đáng với 'thanh danh' của mình – sẽ gọi điện cho mình vào một ngày đẹp trời nào đó. Thay vì vậy, tôi tiếp tục thói quen sinh hoạt thường ngày của mình: một buổi chiều tôi hẹn đi cà phê với Khanh và bạn trai của nhỏ (trông dễ thương thật nhưng không có 'chất Thỏ'); mỗi ngày tôi dùng đủ liều Phalanxifor theo chỉ định; tôi online lên lớp vào ba buổi sáng trong tuần ; và mỗi đêm tôi đều ăn tối cùng Ba Mẹ. Vào tối chủ nhật, nhà tôi ăn pizza với mỳ ý. Khi cả nhà đang quây quần bên chiếc bàn tròn trong bếp thì nhạc chuông điện thoại của tôi bắt đầu réo vang. Nhưng tôi không được phép bắt máy vì ở nhà có một quy định nghiêm ngặt là không-nghe-điện-thoại-trong-lúc-ăn. Tôi ngồi nhấm nháp một chút trong khi Ba Mẹ nói về trận bão vừa xảy ra ở miền Trung . Ngày xưa, hai người gặp nhau tại Quảng Nam . Nên khi có bắt cứ chuyện gì xảy ra, thậm chí là tin xấu, họ bỗng không còn là những người lớn đã ổn định cuộc sống gia đình nữa mà như đột nhiên quay trở lại với thời thanh niên của mình, trẻ trung, tràn đầy lý tưởng, sống tự lập và gặp nhiều gian truân. Và Ba Mẹ phấn khích đến độ chẳng buồn để ý là tôi đang ăn nhanh hơn thường ngày, không ngừng chuyển thức ăn trên đĩa vào miệng với tốc độ tên lửa khiến tôi gần như nghẹn thở. Dĩ nhiên tôi cũng lo lắng nhỡ đâu lại bị tràn dịch màng phổi lần nữa. Tôi cố xua tan ý nghĩ này. Theo lịch, tôi sẽ chụp cắt lớp PET trong vài tuần nữa. Nếu có chuyện chẳng lành thì tôi sẽ sớm biết thôi. Từ giờ đến đó lo lắng cũng chẳng ích gì. Nhưng tôi vẫn lo lắng. Tôi yêu cuộc sống này và tôi không muốn từ bỏ nó sớm. Tuy nhiên, lo lắng cũng là tác dụng phụ của việc chờ chết. Cuối cùng cũng ăn xong. Tôi hớn hở thông báo, "Con ăn xong rồi!" trong khi Ba và Mẹ vẫn say sưa thảo luận về ưu – khuyết của cơ sở hạ tầng ở Quảng Nam. Tôi chộp lấy chiếc ví đặt trên quầy bếp, rút điện thoại ra và kiểm tra các cuộc gọi nhỡ vừa rồi. Là Tú. Tôi bước ra cửa sau. Trời chạng vạng tối và tôi có thể thấy chiếc đu. Tôi nghĩ đến việc ra đó ngồi, vừa đong đưa vừa tán chuyện với cậu, nhưng khoảng cách dường như khá xa đối với cái bụng đang óc ách của tôi. Thay vào đó, tôi nằm bệt xuống bãi cỏ bên cạnh chiếc ghế hóng mát, ngước nhìn chòm sao Thợ săn, chòm sao duy nhất tôi có thể nhận diện, và gọi cho anh. "Chào Nhi," Tú chào. "Chào," tôi nói. "Tú khỏe không?" "Khỏe như vâm," Tú đáp. "Tú đã muốn gọi cho em từng phút một nhưng Tú ráng chờ đến khi suy nghĩ mạch lạc hơn đối với truyện Nỗi đau tột cùng." (Tú dùng từ mạch lạc. Cậu ấy thực sự nói thế, con Thỏ ấy.) "Và?" Tôi hỏi. "Tú nghĩ rằng nó như... Đọc nó, Tú cứ có cảm giác giống như, giống như..." "Giống như gì?" Tôi hỏi vẻ trêu chọc. "Giống như một món quà á?" Tú ướm lời như dò xét. "Giống như em đã trao cho Tú một cái gì đó quan trọng." "Ồ," tôi khẽ thốt lên. "Xin lỗi, nghe có vẻ khách sáo quá." "Không, Tú không cần xin lỗi đâu." "Nhưng nó thiếu đoạn kết." "Ừ!" Tôi đồng tình. "Thật là một sự tra tấn. Tú có thể đoán được là cô bé đã chết hay bị gì đó." "Ừ, tôi cũng đoán vậy," tôi nói. "Ừ, okay, thôi được. Nhưng có một thỏa thuận bất thành văn giữa tác giả và người đọc và Tú nghĩ rằng không viết đoạn kết cho truyện cũng là vi phạm một phần thỏa thuận đó." "Tôi không biết," tôi đáp, trong lòng thấy muốn bênh vực cho Nguyễn Đinh Phong. Nói một cách nào đó thì phần kết là một trong những lý do khiến tôi thích cuốn sách này. Nó miêu tả chân thực cái chết. Ta lăn ra chết ở giữa chừng xuân, ngay cả chính giữa một câu. Nhưng tôi cũng — Chúa ơi, tôi cũng thật sự muốn biết chuyện gì xảy ra sau đó đối với tất cả nhân vật khác. Đó là những gì tôi hỏi ông ấy trong thư của mình. Nhưng ông ấy, hây da, ông không bao giờ hồi âm. "Đúng rồi, em nói ông là một người sống ẩn dật phải không?" "Dạ phải." "Không thể tìm được tung tích." "Dạ phải." "Hoàn toàn không thể liên lạc," Tú nói tiếp. "Đáng tiếc là đúng vậy đó," tôi xác nhận. "'Thưa bạn trẻ Lê Thanh Tú,'" giọng Tú thủng thẳng. "'Tôi viết thư này để cảm ơn về bức email của bạn đã gửi thông qua cô Vliegenthart vào ngày sáu tháng Tư, từ nước Việt Nam xa xôi tới mức có thể nói khoảng cách địa lý đã được xóa nhòa trong thời đại số hóa tiên tiến của chúng ta.'" "Tú, Tú đang đọc cái quái gì thế?" "Ông ấy có một trợ lý," Tú giải thích. "Liên Vliegenthart. Tú tìm ra chị này và đã gửi email cho chị. Chị chuyển email cho ông và ông trả lời thông qua tài khoản email của chị ấy." "Được rồi, được rồi. Tú mau đọc tiếp đi." "Thư phúc đáp của tôi được viết tay bằng bút mực trên giấy theo truyền thống vẻ vang của tổ tiên chúng ta và sau đó được cô Vliegenthart chuyển thành một loạt các ký tự 1 và 0 chạy ngoằn ngoèo trong một mạng lưới tẻ nhạt, mà gần đây đã mê hoặc được loài người chúng ta. Thế nên tôi thành thật xin lỗi cho bất kỳ lỗi chính tả hay thiếu sót nào có thể xảy ra.'" "'Với nhiều thú vui chơi giải trí náo nhiệt sẵn sàng phục vụ các thanh niên cô cậu của thế hệ các bạn, tôi thật vô vàn cảm kích trước bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu đã dành ra vài giờ hiếm hoi để đọc cuốn sách hèn mọn của tôi. Nhưng tôi đặc biệt mang ơn bạn, thưa bạn trẻ, không chỉ vì những lời ca tụng tốt đẹp của bạn về cuốn Nỗi đau tột cùng mà còn vì bạn đã nhín chút thời giờ để cho tôi biết rằng cuốn sách đó của tôi, ở đây tôi xin trích nguyên văn lời bạn, "có ý nghĩa to lớn với cháu .'" "'Nhận xét này, tuy nhiên, khiến tôi tự hỏi: Ý bạn là gì khi dùng cụm từ có ý nghĩa? Với cuộc đấu tranh sinh tồn mà kết cục sẽ là cửa tử dành cho tất cả chúng ta, liệu tính phù du thoáng qua của ý nghĩa sống mà nghệ thuật đem lại cho chúng ta có giá trị không? Hay sống chỉ mang giá trị đơn thuần là từng ngày trôi qua sao cho thoải mái nhất? Câu chuyện nên phát triển theo chiều hướng nào đây, bạn Tú? Một hồi chuông cảnh tỉnh? Một lệnh tổng động viên? Một liều thuốc giảm đau? Tất nhiên, như tất cả mọi câu hỏi chất vấn khác trên vũ trụ này, thắc mắc này rõ ràng đưa chúng ta đến câu hỏi sống kiếp người có ý nghĩa gì và phải chăng – xin mượn lời của bọn choai choai mười sáu tuổi với ngổn ngang tâm sự lo lắng cho thế giới hỗn độn này, những tâm sự mà chắc chắn khi nghe bạn sẽ cười vào mũi chúng – cuộc sống này có ý nghĩa.'" "'Tôi e rằng không, bạn của tôi. Và tôi không khuyến khích bạn cật vấn thêm về văn phong viết lách của tôi. Nhưng để tôi trả lời thẳng thắn câu hỏi của bạn: Không, tôi đã không viết thêm gì khác, cũng chẳng định viết nữa. Tôi không thấy việc tiếp tục chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn độc giả sẽ mang lại lợi ích cho họ hoặc cho tôi. Cảm ơn bạn một lần nữa về bức email với những lời khen tặng hào phóng ấy.'" "'Trân trọng kính chào, Peter Nguyễn ( Nguyễn Đinh Phong), thông qua Liên Vliegenthart.'" "Oaaa," tôi thốt lên. "Tú không bịa đấy chứ?" "Nhi, liệu Tú có thể, với trí tuệ kém cỏi của mình, bịa ra một lá thư từ Nguyễn Đinh Phong với mấy cụm từ bay bướm như 'thời đại số hóa tiên tiến của chúng ta' hay không?" "Tú không thể đâu," tôi đồng ý. "Vậy tôi có thể nào... có thể xin địa chỉ email được không?" "Dĩ nhiên là được rồi," Tú nói, cứ như thể đó không phải là món quà ý nghĩa nhất mà tôi từng nhận được. Tôi mày mò suốt hai giờ để viết một email cho Peter Nguyễn. Dường như tôi càng viết, thư càng ẹ hơn, nhưng tôi quá phấn khích đến độ không thể ngăn mình ngừng viết được. Kính thưa ông Peter Nguyễn ( Nguyễn Đinh Phong) (Nhờ chị Liên Vliegenthart chuyển giúp), Cháu tên là Nguyễn Thuỳ Nhi . Bạn cháu, Lê Thanh Tú, người đã đọc cuốn Nỗi đau tột cùng theo lời cháu giới thiệu, vừa nhận được một email của ông theo địa chỉ này. Cháu hy vọng ông sẽ không phiền khi Tú đã chia sẻ nội dung email đó với cháu. Ông Phong, theo cháu hiểu từ email ông viết cho cậu bạn Tú là ông không định xuất bản sách nữa. Nói một cách nào đó, cháu vừa thất vọng, vừa nhẹ nhõm: Cháu không phải lăn tăn chuyện cuốn sách tiếp theo của ông liệu có đạt đến mức hoàn hảo tuyệt vời như cuốn đầu tay không. Là một bệnh nhi đã sống sót qua năm thứ ba của căn bệnh ung thư giai đoạn IV, cháu có thể xác nhận rằng ông đã viết rất đúng trong cuốn Nỗi đau tột cùng. Hoặc ít nhất ông viết đúng về bệnh nhi ung thư như cháu. Cuốn sách của ông như đã báo cho cháu biết trước những gì mình sẽ trải qua trước khi cháu thật sự cảm nhận được và cháu đã đọc đi đọc lại hàng chục lần. Tuy nhiên, cháu tự hỏi không biết ông có thể giải đáp một vài câu hỏi cháu còn băn khoăn về những gì xảy ra sau khi kết thúc truyện không. Cháu hiểu là cuốn truyện kết thúc bởi vì Anna đã chết hoặc sức khỏe quá yếu không thể tiếp tục viết lách. Nhưng cháu thực sự muốn biết những gì xảy ra sau đó với mẹ của Anna – liệu cô ấy có kết hôn với Chú Tulip Hà Lan không, cô ấy có sinh thêm em bé không, và cô ấy vẫn cư ngụ ở số 917 W. Temple chứ, v.v.v Ngoài ra, có phải Chú Tulip Hà Lan là kẻ gian không, hay chú thực sự yêu thương mẹ con họ? Và còn các bạn của Anna – đặc biệt là Claire và Jake, họ còn kết mô-đen với nhau không? Và cuối cùng – cháu nghĩ đây là loại câu hỏi sâu sắc và chín chắn mà ông luôn hy vọng độc giả mình sẽ hỏi – chuyện gì sẽ xảy đến với chú chuột hamster Sisyphus? Những câu hỏi này đã ám ảnh cháu trong nhiều năm – và cháu không biết mình còn sống bao lâu để tìm ra câu trả lời cho chúng. Cháu hiểu đây không phải là câu hỏi quan trọng mang tính văn chương trong khi cuốn sách của ông tràn ngập các câu hỏi văn chương quan trọng hơn, nhưng cháu thực sự rất muốn biết. Và tất nhiên, bất cứ khi nào ông quyết định cầm bút lần nữa, ngay cả khi ông không muốn xuất bản thì cháu vẫn rất mong đợi được đọc nó. Thậm chí cháu sẵn sàng đọc danh sách mua hàng tạp hóa của ông. Một độc giả hâm mộ cuồng nhiệt,
Nguyễn Thuỳ Nhi, (16 tuổi)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro