Có một thời như thế
Tôi sinh ra khi tiếng bom đạn của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ vẫn ngày ngày chát chúa. Nhưng tôi hồi ấy mới chỉ oe oe, biết quái gì đâu.
Tiếc là còn nhỏ quá, sau này chỉ được nghe cha mẹ và anh chị kể lại những ngày đi sơ tán hùng bi của gia đình, cũng như của biết bao gia đình thời đó.
Tại nơi sơ tán, tôi đã ra đời... Đó là núi Kết, rừng thông, Đông sơn.
Một thằng bé, quê gốc Hà Nội, ra đời tại Thanh hoá.
Bố mẹ tôi đặt tên tôi theo nơi sinh: Nguyễn Kết Sơn.
Thế mà khi làm giấy khai sinh, "nhờ" sự nghe nhầm của nhân viên công an, tôi trở thành Nguyễn Viết Sơn từ đó.
Trong tôi, hình ảnh bò lê bò càng (hồi chưa biết đi) khắp nơi, nghịch đất nghịch cát của mình vẫn in rất đậm.
Sau khi cai sữa mẹ, thi thoảng mẹ tôi mới từ thị xã lên thăm con. Mỗi lần lên, bà gọi : "Lại đây với mợ!" Và tôi, thằng con láo toét, vội lẩn đi chỗ khác vì "sợ" người "lạ".
Hồi tôi được 7 tháng, tháng 10 năm 1970, mẹ tôi và đấng cứu thế sinh tôi lần thứ hai.
Nhà tạm dựng lên dưới chân đê (không rõ đê gì), trên mặt đê là đường đi. Hàng ngày mọi người, xe cộ của bộ đội ta đi trên mặt đê ấy.
Một hôm, có 1 đoàn xe tăng, thiết giáp, ô tô gì đấy dừng bánh trên “mặt đường khát vọng”, trời ngả sang trưa, mẹ tôi đi mượn cái chày để về giã cua nấy canh. Chị tôi (bác Hằng, hồi đó 7 tuổi) đang ru tôi gật gà trên chiếc võng trong nhà. Trên đường về, mẹ tôi thấy một chiếc xe tăng cứ rục rà rục rịch tiến lên, lùi xuống phía trên đê. Bất chợt, một khối đất trên con đê bị lở và chiếc xe tăng cùng khẩu pháo…
Mẹ tôi nghĩ mọi chuyện nhanh hơn là nó sẽ xảy ra. Bà vứt cái chày, lao vào nhà, hai tay hai đứa con. (Lạy trời, lúc đó tay của một đứa bé 7 tháng sao khoẻ vậy?)
Ra khỏi nhà được khoảng mươi bước chân thì cả cái khối chiến tranh kia rơi đúng vào nhà tôi.
Khi kéo được cái khối giết người kia ra khỏi khu vực nhà tôi thì… không còn thấy 1 mảnh võng … nó biến thành bột vải rồi.
Và thế là… một “thiên thần” được giải thoát...
...
Trong thời gian đi sơ tán, tôi ở với gia đình "Ông cụ Binh", cùng với người học trò của bố tôi tên là Nhuần.
Hồi ấy, khi có người hỏi: " Sơn ở với ai?" , tôi liến thoắng trả lời : "Sơn ở với anh Nuần, ăn cơm nô". (với anh Nhuần, ăn cơm ngô rưới nước xì-dầu).
Năm 1973, tôi 3 tuổi, về lại thị xã. Lúc đó đã ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh của Mỹ tại Việt nam, hết bom rơi, đạn lạc...
Nhà tôi làm trên một nơi vốn bị bom bỏ trúng 3 lần. Lần nào mẹ tôi cùng các anh chị lớn cũng đào bới, san nền, dựng lại. Nhà làm bằng luồng, nứa, trát bùn đất lên các tấm phên làm vách ngăn của căn nhà. Ngày xưa hay gọi là trát "tôc-xi". Và thảm kịch bắt đầu xảy ra với tôi...
Vì dị ứng hơi bom, toàn thân tôi bắt đầu lở loét. Chỉ trừ cái mặt hầu như không việc gì (chả hiểu tại sao).
Người tôi phỏng lên như bề mặt cái bánh tráng đã quạt than. Các mụn nước khi “chín” lần lượt vỡ ra, tất nhiên một thứ nước vàng vàng, đùng đục oà ra theo...
Các loại thuốc kháng sinh thời đó hầu như chỉ giúp vá víu từng khu vực “trọng yếu”, nhưng không thể ngăn được sự phồng rộp liên tiếp mọc lên..
Các loại vỏ cây đắng, thuốc tây, thuốc ta cũng đều chào thua trước sự nổi dậy mãnh liệt của căn bệnh ngoài da chết tiệt. Quần áo chỉ mặc gọi là, luôn phải ngồi trên giấy báo hay giấy thấm nước mà người ta gọi là giấy bản. Anh chị tôi thi nhau dùng Xanh mê ti len “vẽ bản đồ” lên toàn bộ cơ thể nhỏ bé đáng thương ấy.
Và một quyết định “nghiệt ngã” được đưa ra: Chiếu tia tử ngoại!
Hàng ngày, thằng bé gần 4 tuổi phải đi bộ từ nhà (cạnh trường Ba đình) xuống bệnh viện tỉnh bây giờ để được chiếu tia tử ngoại (tia cực tím). Các bác sỹ bảo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển gì đó… nhưng gia bố mẹ tôi vẫn phải đành lòng chấp nhận.
Khoảng 1, 2 tháng gì đó như vậy. Hôm nào mượn được xe đạp thì được anh bạn của chị thứ hai chở đi. Nhưng phải dừng vài lần để “đổi bên”, vì ngồi xe, bị xóc cũng rất đau cái để ngồi. Thành thử toàn phải ngồi bằng một nửa “bàn toạ” một. Hôm nào bố tôi rỗi, không phải đi dạy thì bố đèo đi. Còn không thì 2 anh em đi bộ… Mỗi buổi sáng đi chiếu điện tôi được cho 1 hào để mua cái bánh tráng hay bánh xốp. Bánh tráng thì đội lên đầu che nắng, bẻ ăn dần. Đến viện là vừa hết. Bánh xốp thì cắn tí một, sợ ăn hết lại tiếc...
Tôi không nhớ cái nắng hồi ấy màu gì, tiếng chim hót ran hồi ấy ra sao, những cái hầm hập của một buổi sáng mùa hè từ dưới đường bốc lên như thế nào… Lúc đó, tôi chỉ thấy mình thật sướng, vì cả nhà có mỗi mình được ăn bánh tráng, bánh xốp, được ăn quà sáng.
Đến nơi, vào phòng chiếu, bác sỹ lấy dụng cụ bịt mắt đeo vào cho tôi, thế là như mù. “Nào, cháu trèo lên giường, rồi, nằm xuống, dạng chân ra… (một phút sau) Rồi, nằm sấp xuống, giơ tay lên…” Sau 5 hay 10 phút gì đó là xong. Và lại chuẩn bị hành trình về nhà…
...
Một thời gian sau, bệnh tình của tôi tạm ổn. Lúc bấy giờ trông tôi như “người cá”. Tôi rất thích ngồi “bóc vảy” của mình! Mỗi lần bóc lớp “vảy” đó, tôi lại thấy 1 lớp da hồng hồng lộ ra, nhìn thật đã… Giờ đây tôi đã có thể ngồi, nằm thoải mái hơn mà không đau đớn, nhớp nháp như trước. Thậm chí không còn có lúc phải ngủ đứng vì đau không nằm được.
...
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Không đèn điện, không quạt máy, đương nhiên không ti vi, radio… Bọn trẻ chúng tôi trong phố háo hức lao ra đường để xem mỗi khi có 1 chiếc ô tô chạy qua. Tuyệt nhiên không hề có cái “bình bịch” nào cho mãi tới 2 năm sau (1976).
Đói là điều đầu tiên tôi nhớ. Ngoài 2 bữa cơm tuềnh toàng của gia đình, hoạ hoằn tôi mới được bắp ngô, củ khoai lang, củ sắn hay cái kẹo… Và một tháng 2 lần có thể được ăn chuối vào ngày rằm và mồng 1 đầu tháng âm lịch. Tôi nhớ hồi ấy, mẹ tôi thường mua một nải chuối con con, về tẽ ra làm 3 khóm để đủ bày 3 bàn thờ trong nhà.
Một năm thì được ăn “của lạ” vào ngày lễ Hàn thực (bánh trôi, bánh chay), ngày giết sâu bọ kiểu gì bố tôi cũng ủ rượu nếp (Thanh hoá còn gọi là “cơm rượu”). Rằm tháng Bảy, Trung thu là những ngày vui nhất: vừa được ăn đủ thứ, lại vừa được chơi và xem nhiều trò.
Lại nhớ trung thu năm 4 tuổi, chị thứ hai lấy xe đạp chở tôi ra chợ. Chị định sẽ mua cho thằng em cái đầu sư tử (đồ chơi của con nhà giàu lúc đó).
Xe đạp không có chân chống, bà chị sai thằng nhóc 4 tuổi giữ xe để chị vào mua…
Lúc quay ra, bà chị được 1 phen hoảng hồn và cũng buồn cười vỡ bụng.
Thằng nhóc đứng nghiêng người 45 độ, hai tay chống cái xe đạp cũng nghiêng 45 độ, hai chân nó dạng ra, môi mím lại, mặt đỏ phừng phừng… Người và xe tạo thành thế chữ A, xe cao hơn người một chút.
Thật bõ công giữ xe. Không những có cái đầu sư tử loại xịn (loại mà râu bằng bông thật chứ không phải loại đỏ đỏ râu bằng giấy cắt ra…), thằng nhóc còn có cái mặt nạ quỷ nữa.
“Trông gớm chết”.
Tối hôm đó, cả nhà đang vui vẻ chuyện trò, bỗng thấy thằng nhóc gào lên thất thanh và chạy như ma đưổi từ ngoài đường vào trong nhà. Mọi người tưởng nó bị làm sao. Hoá ra, đem mặt nạ “quỷ” đi doạ người, lại bị thằng có mặt nạ “ông địa” nó doạ lại… chạy “suýt” mất dép…
Cũng năm đó, anh trai tôi và bạn của anh dạy chữ cho tôi. Các bác ấy lấy bìa cac-tông cắt ra thành những lá như là bài tú lơ khơ, lấy mực viết các chữ cái lên 1 mặt cho tôi học.
Sau 1 tuần, tôi biết đọc, biết ghép vần, bắt đầu đọc bất cứ từ nào nhìn thấy…
Tuần sau, tôi tập viết, tuy nhiên không phải từ nào cũng viết đúng. Nhưng rồi cũng viết được thư để gửi ra Hà nội cho chị, đòi chị mua cho cái tàu thuỷ, thả vào chậu nước, đốt lửa lên là nó chạy vòng quanh trong chậu… Thật là hạnh phúc hoàn toàn…
Chẳng nhớ tôi mò mẫm đàn đóm từ bao giờ, nhưng có một dịp tôi đi biểu diễn đàn tranh (thập lục) tại 25B, mà đánh đến 3 bài mới khiếp chứ! Anh phụ trách, cũng là học trò bố tôi sau này, bế tôi đi qua nhiều đám đông chen chúc, đặt tôi lên 1 cái bàn giáo viên, để lên đùi tôi cái đàn… Chị tôi (bác Hồng – cây văn nghệ thiếu nhi của… chả biết), ra giới thiệu: “ Sau đây, em Nguyễn Viết Sơn, 4 tuổi, sẽ “biểu diễn”. Chà, ồn quá, loa lại khọt khẹt, chả nghe rõ gì nữa…
Lúc về tôi được thưởng 1 gói kẹo. Kẹo thời đó hay lắm, toàn bột thôi, hơi ngòn ngọt, ăn một lúc thấy có chõ đăng đắng (đường cháy), và vì một trong số những chiếc kẹo đó, tôi bị sứt một cái răng.
Tôi là con thứ chín trong gia đình, trước tôi có tám anh chị (nhưng qua đời rất sớm vì nhiều căn bệnh mà ngày nay là “muỗi”).
Sau tôi còn một cậu em sinh năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, do vậy tên cậu là Toàn Thắng. Và tôi chỉ được cùng em tôi có vài tháng… vì cậu bị sốt xuất huyết…
Lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một sự việc ghê gớm đến vậy. Mẹ tôi bế em trên tay vào một ngày đông vô cùng giá rét. Lúc đó mẹ đang cho cậu em ăn bột. Đứa bé đã sốt vài hôm, khóc suốt đêm, khóc cả ngày… Mẹ tôi cố ru rín cho bé ăn. Tôi đứng bên cạnh chực chờ em ăn thừa để được ăn bột… Năm tuổi, biết gì đâu…
Và bỗng mẹ tôi rung rung em bé, lắc lắc, rồi bà hét lên, bế em chạy ra cửa hô hoán hàng xóm… Bà la cái gì tôi không còn nhớ nhưng chỉ biết đó là những tiếng thất thanh thảm thiết nhất mà lần đầu tiên trong 5 năm đầu đời tôi từng được biết đến.
Rất đông người đã ào tới nhà tôi, đỡ lấy mẹ tôi… Ông Nhàn - trưởng phố bế lấy em tôi, nhìn đĩa bột, rồi dùng miệng ông hút miệng, hút mũi em tôi vì ông tưởng em bị sặc bột. Ông nhổ ra không có chút bột nào… Mới năm tuổi, nhưng tôi biết, em tôi đã mãi ra đi…
Tôi chạy ra trước cổng, đến trước cái rãnh nước chạy dọc phía trước nhà và lặng lẽ khóc. Khóc thành tiếng, tiếng khóc của một đứa trẻ con; tiếng khóc của một đứa mới cảm nhận được sự làm anh chưa lâu, khóc vì sợ, khóc vì lo cho mẹ…
Trong nhà, mẹ tôi vẫn đập bàn, xô ghế, đập giường, la hét…
Ai đó, chạy bộ đến cơ quan bố tôi ( khoảng 4 cây số), báo cho ông biết tin dữ…
Bố tôi về… Ông lặng lẽ… Tôi không thể nhớ được mọi chi tiết về bố tôi lúc đó…
Sau không biết bao lâu nữa, Bố tôi lấy cái thùng gỗ đựng đạn pháo, bấy lâu nhà tôi dùng để đựng gạo, trút gạo ra chậu hay ra đâu đó, lau sạch…
Tất cả những gì sau đó tôi không dám chứng kiến. Và chắc chắn người ta cũng không cho 2 mẹ con tôi nhìn thấy…
Tôi chỉ còn nhớ hình ảnh bố tôi buộc cái thùng gỗ lên xe đạp, cùng ông Nhàn đèo em tôi đi… Nghe đâu là đi xuống chợ nhàng… Ông Nhàn đèo cái thùng, bố tôi đi theo sau…
Các anh chị tôi, sau đó, lần lượt đi học ở gần, ở xa về. Mỗi lần có ai về, mẹ tôi lại hoá điên hoá rồ… Mọi người gào khóc, tôi khóc theo…
Hai năm liên tiếp tôi chứng kiến cảnh hàng đêm mẹ tôi không ngủ, khóc thầm để mọi người ngủ.
Năm 1974, mẹ khóc khi tiễn con gái đầu lòng của bà - một y tá – theo đoàn quân giải phóng, đi tiếp quản Sài gòn, đi vào vùng đất chết. Từng đêm, từng đêm, bà nghe tiếng còi tàu vọng lại từ ga Thanh hoá, bà lại khóc, khấn trời cầu Phật cho chị gái tôi được bình an vô sự…
Năm 1975, không mất đứa con đầu lòng trong bom đạn, bà mất đi đứa con út bé bỏng trong thời bình. Bà lại phải khóc cái điệp khúc khóc liên miên: khóc vì không mất, khóc vì mất…
Nỗi đau bên ngoài rồi cũng sẽ qua đi, nhưng di chứng của nó thì không bao giờ mất. Giờ đây, nó biến thành những vết hằn, lằn sâu trong trái tim người ta, chỉ cần chạm khẽ vào thôi cũng trở nên nhức nhối…
...
Thời gian trôi qua… Cái Tết ảm đạm trôi qua…
...
Cuộc sống khắc khổ vẫn cứ lôi tuột người ta trở về với khắc khổ…
...
Bố tôi vẫn phải đi dạy.
Mẹ tôi vẫn phải tần tảo kiếm tiền chợ búa nuôi bố tôi...
Nuôi anh chị em tôi…
Các anh chị tôi vẫn phải tiếp tục học hành…
Và tôi đến tuổi tới trường.
Tôi – SÁU TUỔI.
Ngày ấy, 6 tuổi là đi học vỡ lòng. Tương tự học lớp 1 bây giờ. Nhưng không được gọi là lớp 1. Vì sau học vỡ lòng là học lớp 1.
Trường học vỡ lòng của tôi ngày nay là trụ sở Uỷ ban Chăm sóc và bảo vệ bà mẹ trẻ em – trên đường 1, đi từ trường Lam sơn ra phía đường 1 là nhìn thấy.
Đó là 1 khu nhà ngói cấp 4 có 4 phòng học. Bàn ghế gỗ như của trẻ mẫu giáo cách đây khoảng 10 năm. Mỗi lớp khoảng 40 bạn, một cô giáo.
Trước ngày đến trường, mẹ tôi cắt một mảnh ni lông bộ đội, màu xanh bộ đội, lấy kim chỉ khâu thành một cái túi xinh xinh có 2 cái quai xách.
Bà bảo các chị tôi kiếm giấy, đóng một cuốn vở, bọc bằng giấy báo, dán một cái nhãn vở, viết bằng tay nốt, lên phía đầu bên phải và cho vào túi xách. Tất nhiên không quên cái bút chì dùng lại của chị tôi. Nó dài khoảng 10 phân, được chị tôi gọt cẩn thận bằng dao sắc.
Đồ lề đi học vỡ lòng của tôi chỉ là như vậy đó. Hồi ấy ai cũng chỉ có vậy mà!
Cô giáo vỡ lòng của tôi tên là Lan, nhà hồi ấy ở phía gần bưu điện tỉnh. (Tôi nhớ mang máng vậy vì hồi đó không hề giống bây giờ.)
Hai chị tôi, một chị học lớp 5, một chị học lớp 7 đưa tôi sang trường cùng cái giấy khai sinh và có lẽ là quyển hộ khẩu. Cũng xếp hàng, cũng điểm danh, gọi tên gì đó nhưng tôi dường như mất hồn, vừa câm, vừa điếc… Tất cả như một con rối do 2 chị tôi giật dây…
Và tôi đi học… vỡ lòng. Những ai học qua vỡ lòng mới được học lớp 1 tại trường cấp 1, 2 sau này.
...
Sáng sáng, 7h30 là vào lớp.
Học chữ cái.
Tập viết.
Học tính.
Chép chính tả.
Những thứ mà tôi đã biết trước đó một năm.
Thế thì tại sao ta lại phải nhai lại nhỉ?
Cô giáo nói gì, kệ cô.
...
Thế thì tại sao ta lại không vênh váo nhỉ?
...
Trong lúc lũ “đần” đang loay hoay tập viết, mình đã xong từ tám hoánh.
...
Thế thì tại sao ta lại không nghịch ngợm nhỉ?
Đá dép bọn bên cạnh, giật tóc đứa bàn trên. Đứa nào đứng lên phát biểu thì… thôi rồi… Kiểu gì cũng ngồi phải cái thước kẻ ông dựng lên… Chỉ biết ôm mông mà la oai oái!!! (Độc ác quá!)
Thế thì tại sao ta lại không trêu chọc bọn con gái nhỉ?
Cầm đầu một lũ 14 đứa con trai trong lớp, lùa lũ con gái để... tụt quần!!! (vì hồi ấy tất cả đều mặc quần dây chun hết!)
Thế thì tại sao ta lại không bắt nạt những đứa… có thể bắt nạt được nhỉ?
Không hiểu tại sao, hồi ấy tôi gần như lớn nhất lớp. (Sau này mới bị ảnh hưởng việc chiếu tia tử ngoại nên không to cao lên – như đã nói ở phần trước). Và thấy đứa nào có gì hay hay là bắt nộp cho mình. Mà bọn đó, hồi ấy, cũng ngu ngu sao ấy, không nghĩ ra việc mách cô giáo… cho đến một hôm, có đứa nó nghĩ ra…
- Mi lấy của tau, tau thưa cô!
Câu nói “xuất thần” của thằng bạn học đã làm bủn rủn trái tim chuột nhắt của con hổ rởm kia.
Nó ngây ra…
Nó sờ sợ…
Nó vẫn không trả cái ô tô nhựa…
Nó lẩn…
Nó lẩn ra khỏi lớp…
Nó rời khỏi trường…
Nó không dám về nhà vì chưa đến giờ tan học.
Nó nhắt qua tường để sang trường Ba Đình ( hồi đó chỉ có 1 bức tường ngăn cách, cao khoảng mét rưỡi).
Nó lang thang trong trường Ba đình, chờ đến giờ tan học bên kia bức tường…
Rồi nó về nhà.
Từ hôm ấy, nó “học” qua cửa sổ. Nó vẫn biết cô giáo dạy gì, căn dặn gì… Bài vở nó vẫn đầy đủ, chỉn chu, nhưng tuyệt nhiên, nó không dám vào lớp. Nó sợ cô phạt vì thằng kia đã mách cô.
Khoảng 2, 3 tháng gì đó trôi qua như vậy. ( Xin lưu ý là chuyện đi học hồi đó không ghê gớm như bây giờ).
Cho đến một ngày…
Mẹ nó, như thường ngày, đã mua sẵn cho nó 1 cái bánh sắn 2 hào. (Bánh làm bằng bột sắn củ, bên trong có nhân đậu xanh, vài sợi dừa nạo và hình như có 1 miếng thịt mỡ nho nhỏ - thứ nó toàn vứt đi vì không bao giờ ăn thịt mỡ).
Nó làm như không có chuyện gì xảy ra. Nó vồn vã reo lên như mọi ngày được ăn bánh sắn…
Nhưng khi nó bóc bánh ra xong, cắn một miếng to như bản năng của một kẻ luôn đói, và tự nhiên, rất tự nhiên, không nghĩ ngợi gì cả, nước mắt nó trào ra. (Đến giờ, 37 tuổi, vẫn bị chứng này: khóc thầm vì một cái gì đó không thể gọi tên…)
Nó không biết, không biết giải thích, tại sao nó khóc. Nhớ một lần sau này, khi làm cháy cái quạt máy duy nhất trong nhà (hồi lớp 4), khi bố nó đạp xe từ trường ông dạy về, mồ hôi đầm đìa, bật quạt lên, khói bốc mù mịt, mùi khét lẹt, ông hốt hoảng rút điện, lẩm bẩm “Cháy mất cái quạt rồi!” Ông nghĩ là chính ông đã làm hỏng nó, chứ không hề biết thằng con trai láo toét đã gây nên chuyện…
Và nó chạy ra sau vườn, chỗ không ai có thể thấy, khóc nghẹn… Cho đến giờ, bố tôi ra đi hơn 13 năm rồi, ông vẫn không biết chính nó đã làm cháy quạt… ( Vì cũng chẳng phải chuyện to tát lắm. Sau đó, bố tôi bảo người quen sửa lại ngay.)
Trở lại chuyện cái bánh sắn. Nó không ăn hết cái bánh, lén vứt đi. Nó cảm thấy nhục. Nó cảm thấy sợ. Đó là lần đầu tiên nó làm một việc trái với gia giáo… Nó cảm thấy nó làm cả nhà nhục nhã… và linh cảm hay cái gì đó đại loại như vậy của nó đã đúng.
Khoảng thời gian tôi có thể ăn hết cái bánh trôi qua. Mẹ tôi gọi : “Sơn, vào đây tao bảo!”
Xong rồi !!!
“Chú nằm trên lúa (giường)
Tay nắm chặt bông (mông)
Lúa thơm mùi lúa (vị mặn)
Hồn bay…khắp nhà!”
...
Cuộc tra khảo kéo dài gần 2 tiếng :
Bắt đầu là màn tuyên bố lý do…(Tình cờ cô giáo gặp mẹ ngoài chợ, nhân tiên cô hỏi han - 5 phút.)
(Đét! Đét! Đét!)…
Tiếp theo là phần nhà trai phát biểu… (To gan bỏ học, lừa dối tất cả - 15 phút.)
(Đét! Đét! Đét!)…
Rồi kế tiếp là phần căn dặn của nhà gái… (Làm xấu hổ cả nhà, làm mất gia phong, lễ giáo – 20 phút)
(Đét! Đét! Đét!)…
Phần hai cơ quan, các đoàn thể phát biểu cảm tưởng…(Hồi ông còn nhỏ… Hồi bà còn nhỏ… Hồi chị tôi còn nhỏ… Hồi anh tôi còn nhỏ… Rồi ông lấy bà… Chị tôi đi học… Anh tôi đi học… - cả tiếng!)
(Đét! Đét! Đét!) … (Đét! Đét! Đét!)…
Cuối cùng là phần “Lời hứa quyết tâm” :
- Từ rày…. Có … nữa không?
- Không ạ.
- Từ rày…. Có … nữa không?
- Không ạ.
- Từ rày... Có... nữa không?
- Không ạ.
Cả căn nhà tràn ngập không khí quyết tâm, hừng hực khí thế…
Và cuối năm học đó, tên tôi đứng đầu danh sách học sinh giỏi toàn trường “vỡ lòng”. Dược vinh dự đón sang trường cấp 1 – 2 Ba đình hồi ấy…
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro