Chap 12. Trà sữa ngọt nơi cuối con đường
Chap 12. Trà sữa ngọt nơi cuối con đường
Chiếc Rolls Royce trắng muốt đỗ ở đầu ngõ nhà Kim sáng choang cả một góc đường, khiến ai đi qua cũng phải ngoái lại nhìn. Chiếc xe quá to và lộng lẫy khi đứng trước xóm chợ, như một cung điện hoàng gia di động vậy. Bởi thế, Kim cảm thấy khá ái ngại khi bị mọi người nhìn từ đầu đến chân lúc bước lên xe. Cậu biết chắc thế nào ngày mai cả khu cũng sẽ đồn thổi việc này, bèn nói nhỏ với Phong.
- Phong này, lần sau đến nhà thầy em đừng đi xe này nữa nhé!
- Vì sao?
- Thì, khu nhà thầy hay điều ra tiếng vào lắm. Em đi xe này nổi quá sẽ bị đàm tiếu.
- Đứa nào dám đàm tiếu gọi nó ra gặp em! – Phong quát lớn.
- Ô hay cái thằng nhóc này, sao tự nhiên quát thầy? – Kim giật mình.
- Được rồi, không đi thì sẽ không đi nữa. Mốt em sẽ đi xe khác.
- Oa, thằng nhóc này hôm nay nghe lời ghê cơ. – Kim giả bộ ngạc nhiên, khen lớn.
- Em nói thầy bao lần rồi? Đừng gọi em là thằng nhóc! Thầy mới là đồ trẻ con!
Giả bộ giận lẫy vậy chứ thực lòng Phong đang mở cờ trong bụng, vì Kim nói vậy nghĩa là đã đồng ý cho cậu tới nhà thường xuyên hơn.
- Vậy bây giờ chúng ta đi đâu thế?
- Cứ đi theo em rồi thầy sẽ biết.
Phong đánh xe dừng bệ vệ trước một cửa hàng Dior cũng trắng muốt như ngôi biệt thự hoa hồng nhà cậu. Đây là đại lí ủy quyền của Dior tại Việt Nam nên chỉ bán đồ chính hãng và thiết kế theo phong cách Pháp quý phái với lối họa tiết tối giản. Chỉ cần duy nhất một màu trắng tinh tươm để làm nên sự sang trọng bậc nhất, phô bày những món hàng hiệu xa sỉ sau các gian cửa kính bóng loáng, hắt ánh sáng lung linh từ đèn điện phô đến tận vỉa hè.
Dù đã từng đi qua cửa hàng này nhiều lần, nhưng Kim vẫn không giấu nổi sự bỡ ngỡ khi được đứng đối diện trước nó. Cảm giác như một kẻ ăn mày ánh sáng được người ta cầm bát nước hắt cho thỏa cơn khát tạm thời vậy. Cậu ghé sang hỏi Phong, vẻ tò mò:
- Em định mua đồ ở đây hả Phong?
- Chứ không mua đồ thì tới đây ngắm à? Thầy có cần hỏi mấy câu vô nghĩa vậy không? – Phong đáp lạnh lùng.
Nghe vậy, Kim cũng bực mình gắt lên:
- Tự nhiên em dắt thầy tới đây thì thầy phải hỏi chứ? Cái thằng nhóc đáng ghét này, em không biết cách trả lời một câu tử tế khi người khác hỏi sao?
Không để cho Kim nhiếc mắng hết, Phong kéo giật tay cậu thật nhanh vào cửa hàng.
- Ê này! Đừng có kéo!
Kim hét lên nhưng vội lặng đi khi vào trong cửa hàng. Sự choáng ngợp của nó đã hớp lấy hết tâm trí cậu, không để cậu lại với Phong nữa. Phải bước vào trong mới thấy được đẳng cấp của hàng hiệu, những thứ mà cả đời Kim chưa bao giờ được chạm vào hay nhìn tận mắt. Gian phòng trưng bày cao vút mở ra cả một không gian rộng rãi với những chiếc đèn chùm lấp lánh pha lê phả kim tuyến vàng xuống dưới, phản chiếu vào nền gạch men láng bóng hắt lên người đi theo từng bước chân của họ. Những bộ hàng hiệu được treo đỏng đảnh trên mắc áo bạc, vắt lên các giá treo lớn thiết kế thanh mảnh, vút lên cao. Giữa gian phòng lớn nổi bật lên bộ ghế đệm bọc da đen bóng ngự trên chiếc thảm lông lớn cũng đen tuyền, hệt như viên kim cương đen giữa tuyết trắng.
- Ôi mẹ ơi, sống bao nhiêu trên đời, bây giờ mới được bước chân vào cửa hàng đồ hiệu chính gốc, cứ như đi trên dải ngân hà vậy. Chỉ là một cửa hàng thôi mà, có cần đẹp đến vậy không chứ?
Kim tự băn khoăn khi bước chầm chậm từng bước trên nền gạch loáng bóng. Giờ thì cậu đã hiểu thêm phần nào về giá trị của những món đồ xa sỉ châu Âu, điều mà Việt Nam chưa thể làm được. Họ bán đắt cắt cổ nhưng vẫn đông người mua. Đơn giản vì với họ, kinh doanh là cả một nghệ thuật. Hàng hóa của họ không chỉ là những món hàng, mà là tác phẩm. Đến cửa hàng trưng bày cũng công phu như một công trình kiến trúc. Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng đắt, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Và những người giàu có như Phong hay cô Vân vào đây mua hàng không hẳn chỉ để chơi trội, mà còn vì họ muốn đem đến cho cuộc sống của chính họ những giá trị cao cấp, tận hưởng nghệ thuật trong từng chi tiết nhỏ nhất, thứ mà người nghèo chẳng thể có để hiểu được.
Nuốt nước bọt, Kim hỏi Phong:
- Này Phong, em hay mua đồ ở đây à?
- Cũng thi thoảng. Có lúc em ra Versace, Gucci, D&G. Nói chung là tùy, hứng thì vào.
Câu trả lời của Phong khiến Kim không khỏi há hốc mồm, nhưng vẫn cố hỏi thêm.
- Thế hôm nay em tới đây mua gì thế? Quần áo em thầy thấy cả đống rồi mà?
- Thầy hỏi vô duyên thật. Nhiều thì không được mua nữa à? Với lại, em đến đây hôm nay không phải mua đồ cho em.
- Thế mua cho mẹ em à? – Kim vẫn hỏi – Mà sao lại rủ thầy đi cùng? Thầy có biết gì về đồ hiệu đâu?
- Không phải cho mẹ em, cho một người khác.
Phong vừa nói tới đó thì có người đon đả bước tới. Không phải nhân viên, đó là quản lí cửa hàng.
- Phong đấy à! Lâu lắm mới thấy em ghé chỗ chị.
- Dạo này em bận nên không hay qua được.
- Bận? Thầy thấy em rảnh rỗi đi chơi suốt mà? – Kim chen ngang, tỏ vẻ ngạc nhiên, khiến Phong ngượng chín mặt. Lần đầu tiên có người dám bóc mẽ cậu trước mặt người khác. Nếu bình thường chắc Phong đã cho kẻ đó ra bã, nhưng với người này thì không thể. Cậu chỉ dám gằn giọng.
- Thầy, nếu đây không phải nơi đông người thì thầy biết tay em!
- Ủa chứ thầy đâu có nói sai. Em toàn ngồi không trên lớp cả buổi mà?
Nhận thấy không khí có chút dấu hiệu, người quản lí vội ứng phó với chất giọng nhẹ nhàng.
- Vậy đây là...
- Em là thầy...
- Đây là em trai em. – Phong lên tiếng to nhất, cắt đứt hai tiếng còn lại, tay không quên bịt miệng Kim lại.
Được thể, người quản lí cũng nhanh nhẩu tán chuyện.
- À, ra vậy. Thảo nào chị nhìn hai người giống nhau ghê đó, đẹp cứ như bước từ trong phim ra vậy. Giống nhất là cái mũi á. Ước gì họ nhà chị cũng có gen mũi đẹp như thế thì giờ chị cũng cua được đại gia rồi. Mà Phong đúng là anh trai hết ý đấy, chiều em, dẫn em tới tận đây mua đồ.
- Hả? Không phải mua cho em đâu chị ơi! – Kim hốt hoảng.
- Là mua cho cậu ấy đấy. Chị xem có đôi giày nào đẹp đưa cho cậu ấy thử giúp em!
- Sao lại thế? Em không phải...
Không để Kim từ chối, Phong kéo lại thì thầm.
- Thầy cứ thử đi! Em mua cho đứa bạn ở xa, nó có cùng cỡ chân với thầy nên nhờ thầy tới thử giày hộ thôi. Coi như thầy giúp em hôm nay đi!
- Ơ... ờ, thế thì được. Nhưng lần sau nói sớm nhé, làm người ta như trò hề vậy!
Sau một hồi thử chán chê các loại giày cùng lời tiếp đón nhiệt tình của đích thân người quản lí, cuối cùng cũng chọn mua được hai đôi hợp với Kim. Tổng giá hai đôi hết gần 52 triệu, khiến Kim một lần nữa choáng váng khi nhìn hóa đơn.
- Đúng là con nhà đại gia có khác! Tặng bạn mà tặng hẳn hai đôi giày ngàn đô. Hình như món quà đắt nhất mình từng tặng là cái áo 200 ngàn.
Ra khỏi cửa hàng, Phong dẫn Kim vào công viên gần đó đi dạo. Vừa thấy quầy bán hàng rong là Kim sà vào mua ngay một lọ thổi bong bóng. Phong ngạc nhiên, liền hỏi:
- Thầy từng này tuổi mà còn chơi trò trẻ con này à?
- Thì làm sao? Bộ có luật nào cấm người lớn chơi trò này à? Mà chẳng phải em vẫn bảo thầy là đồ trẻ con đó sao?
- Nhưng cái trò này có gì thú vị?
- Em là đồ nông cạn, suốt ngày lăn lóc trên bar, trên sàn thì sao thấy được cái thú vị của nó. Nhìn đây, thầy sẽ cho em xem!
Kim cười khẩy đầy đắc chí rồi vặn nhanh lọ bong bóng, lấy một hơi thổi hàng trăm quả bong bóng nối đuôi nhau tỏa vào không gian. Ánh mắt Kim dõi theo chuỗi bong bóng đầy thích thú, quay lại hỏi Phong:
- Sao, thấy đẹp không?
- Chẳng có gì đẹp! – Phong chê nhưng mắt vẫn nhìn theo đám bong bóng.
- Thầy nói em là đồ nông cạn không sai mà. Nhìn lại đi! Chúng đẹp hơn nhiều so với mấy cô gái nhảy em chơi đó.
- Ai bảo thầy em chơi gái nhảy? – Phong gắt – Mà gái nhảy thì liên quan gì ở đây?
- Nhìn kĩ lại đi! – Kim vừa nói vừa thổi ra hàng tràng bong bóng – Hôm nay thầy đây sẽ dạy văn ngoại khóa cho em. Em có thấy như đang được đứng giữa dải ngân hà không?
- Dải ngân mương thì có!
- Này thằng nhóc kia! – Kim há hốc mồm – Đừng có bôi bác nhé! Mà thôi, cóc cần nói cho em nữa. Đồ khô cạn!
Nói rồi Kim đi thẳng, làm Phong lẽo đẽo theo sau, dù vẫn giả bộ lạnh lùng. Được một đoạn, Phong mới hỏi Kim:
- Thầy không thổi nữa à?
- Khỏi đi! Tự nhiên có sao chổi va vào ngân hà rồi thì thổi sao nổi.
- Thầy đúng là đồ trẻ con. Hơi tí đã dỗi.
- Ai thèm dỗi với em?
- Thế thầy đi chậm lại đi! Đi dạo công viên mà như truy sát vậy.
- Em thích thì cứ đi chậm! Ai kêu đi theo thầy.
- Em đi theo để đưa thầy cái này. Thầy không dừng lại mất suất ráng chịu.
- Cái gì? – Vừa nghe vậy, Kim quay phắt lại với tốc độ ánh sáng, khiến hai người suýt chạm nhau.
Chỉ đợi Kim quay lại, Phong dúi vội vào tay cậu một cốc trà sữa rồi quay lẹ đi, có vẻ hơn ngượng.
- Ủa, trà sữa à? Em mua từ bao giờ thế? Sao thầy không biết? – Kim mở to mắt ngạc nhiên.
- Cái quán Ding Tea nhỏ nhỏ góc kia chứ đâu. Thầy đi như trên mây thì sao biết em mua lúc nào. Em mà không đuổi theo chắc thầy lao xuống hồ rồi cũng nên.
- Này thằng nhóc, đừng tưởng cho được cốc trà sữa rồi muốn sỉ vả sao cũng được nhé! – Kim lườm nguýt.
- Thế thầy có uống không?
- Uống chứ! Sỉ vả thì cũng sỉ vả rồi, chẳng tội gì không uống. Mà em cũng biết uống trà sữa à?
- Bộ em là người ngoài hành tinh hay sao mà không biết uống? – Phong gắt.
- Chứ em là người Trái Đất thật à? Hehe. – Kim cười lém lỉnh.
- Thầy muốn gì?
- Đùa thôi, tại thầy tưởng cỡ như em thì phải uống mấy món đồ đắt tiền hơn cơ.
- Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Không lẽ em mua bia mang tới cho thầy? Hỏi thừa.
- Ê đừng có khinh nhau nhé! Thầy cũng biết uống bia đấy.
- Được mấy chai?
- Chắc nửa lon gì đó.
- Vậy thầy cứ uống trà sữa đi cho lành! Đừng có đú đởn!
- Em bảo ai đú đởn đấy? Học sinh mà đi bar, đi sàn như em mới là đú đởn?
- Còn thầy giáo mà chỉ uống trà sữa như thầy thì là gì? Chậm phát triển à? Á đau! Thầy dám đánh em à?
Hai người cứ vừa đi vừa chí chóe như thế, đến um cả một góc công viên, khiến ai cũng lấy làm lạ trước cặp thầy giáo – học sinh khác thường này.
- Trà sữa gì mà nhạt thếch! – Phong cau có khi nếm ngụm trà đầu tiên, nhìn sang Kim – Thầy uống ngon lành nhỉ? Đưa em xem nào!
Nói rồi, Phong giật lấy cốc trà sữa của Kim, mút mạnh một hơi.
- Chà, của thầy ngon hơn của em đấy. Đồi đi!
- Nhưng hai cốc này cùng vị với nhau mà? – Kim thắc mắc.
- Chắc chắn khác nhau, chỉ là thầy không thấy thôi, vị giác trẻ con sao biết được. – Phong vẫn khăng khăng đòi uống cốc trà sữa của Kim.
Đi trọn một vòng quanh công viên, Phong mới ngập ngừng:
- Thầy, thực ra thì... hai đôi giày vừa nãy là của thầy. Thầy cứ lấy mà đi nhé!
- Hả, sao lại thế? Không được đâu! Sao em bảo mua cho bạn?
- Em biết thế nào thầy cũng từ chối nên phải nói thế. Bạn em làm gì có đứa nào cỡ chân nhỏ như thầy. Thầy cứ nhận đi, vì đây không phải quà của riêng em.
- Thế của ai nữa?
- Của cả lớp 11A đó.
- Em đừng có điêu! Lớp 11A liên quan gì ở đây? – Kim hoài nghi.
- Em chẳng điêu! Là lớp chúng em muốn cảm ơn thầy vì bài giảng hôm nay thôi. Không có gì to tát đâu.
- Sặc, những 52 triệu đó ông tướng. Bằng cả một gia tài đó! Thầy nhận sao được? Với lại, có mỗi một bài giảng ngoại khóa thôi, các em đâu cần làm như thế. Người ta đi dạy cả đời còn chẳng để ra được chừng đó.
- Với thầy thôi, giáo viên trường em dạy một tuần là được chỗ đó. – Phong bĩu môi.
- Ơ... thì cũng cả tuần chứ ít gì. Nói chung là thầy không thể nhận được!
- Thầy! – Phong quay sang nhìn thẳng vào mắt Kim, ánh mắt giãi bày, khác hẳn lúc trước – Hôm nay ở phòng thầy Ảng chắc thầy đã thấy được thế nào là lớp 11A đúng không? Chẳng phải tự nhiên cả cái trường này cạch lớp 11A. Ừ thì bọn em ngông cuồng, cậy giàu có, chẳng xem ai ra gì, nhưng một khi đã muốn điều gì thì phải làm bằng được điều đó, bất chấp nó khó khăn và ngang trái thế nào. Những chuyện lớn hơn nữa lớp em còn làm được thì hai ba đôi giày này chẳng đáng là gì. Bỏ hai đôi giày để có được những bài giảng của thầy là cái giá quá rẻ. Hàng năm, chúng em phải đóng cả trăm triệu vào trường này chỉ để nghe nhồi sọ, giáo điều. Những cái đó mới khiến chúng em tiếc rẻ. Thầy không biết rằng thầy có giá hơn nhiều so với hai đôi giày này sao?
- Không,... ý thầy không phải thế. Chỉ là một bài giảng vu vơ không đáng với món quà này. Thầy mà nhận thì buồn cười lắm.
- Chẳng có gì buồn cười hết. Hay thầy chê tình cảm của lớp em?
- Thằng nhóc này, đừng có xiên xẹo sang cái khác nhé. Em không hiểu cảm giác của một đứa nghèo rớt đến tiền ăn sáng còn dè xẻn mà lại đi đôi giày mấy chục triệu nó thế nào đâu.
- Thì cũng như đi đôi giày bình thường, chỉ là bền hơn, đẹp hơn thôi chứ khác gì đâu. Đừng để ý tới giá tiền của nó là được. Em mua đồ chẳng bao giờ quan tâm giá tiền. À! – Phong nhìn lém lỉnh sang Kim, mắt mở to – Hay là thầy muốn đổi lại sang tiền mặt? Em hiểu thầy mà!
Bộp!!!
- Thầy làm gì đấy? Đừng có mà đánh người vô cớ!
- Không đánh mới lạ. Em dám nghĩ thầy là con người như thế à?
- Thế rốt cuộc thầy có nhận không đây? Giày thì cũng mua rồi, không trả lại được. Lớp em cũng chẳng có đứa nào vừa cỡ chân tí hon của thầy. Thầy mà không nhận em đáp đi luôn, mai thầy đi mà trình bày với lớp. – Phong lên giọng quyết liệt.
- Em dám vứt đi sao?
- Thằng Phong này trước giờ có gì mà không dám?
- Ôi, lại còn ra vẻ đàn ông nữa chứ! – Kim nhếch mép – Mà, sao lại tặng giày cho thầy?
- Thầy nhìn đôi giày thầy đi lúc sáng xem! Chưa từng thấy đôi giày nào vừa xấu vừa bẩn, lại lỗi mốt đến thế. Trông cứ như móc từ 9 tỷ năm trước lên ấy. Giày bây giờ đâu có đắt, sao thầy không mua tạm đôi rẻ rẻ mà đi?
- Vì đó là của bố thầy tặng.
- Ơ...
Câu trả lời tỉnh bơ của Kim bỗng khiến Phong chưng hửng. Trong phút chốc, cậu cảm thấy tội lỗi đầy mình đã vô tâm mà nói ra những câu ấy. Thà Kim cứ đánh cậu vài cái như trước đó lại tốt hơn. Đằng này Kim vẫn tỉnh bơ như không có gì, càng khiến cậu thấy khó xử. Trong đời một thằng trai ngỗ ngược, ác khẩu, nói năng chẳng bao giờ để ý đến kẻ khác như Phong cũng có lúc cảm thấy ngược mồm, muốn sửa sai vì những lời lỡ phát ra.
- Thế... thế chắc phải lâu lắm rồi thầy nhỉ? – Phong ngượng ngùng, lúng túng.
- Từ hồi thầy vào đại học. Đây là món quà chúc mừng của bố. Ba tháng sau thì bố mất. Nếu biết bố sẽ mất thì thầy đã không đi nó mà cất đi làm kỉ niệm rồi. Hồi đó có biết gì đâu nên đi như phá, đến lúc nhận ra thì muộn rồi, nên thầy cứ đi mãi như vậy. Thầy đi thường xuyên luôn vì mỗi khi đi nó, thầy luôn thấy bước chân của bố dõi theo mình, ấm áp và tự tin hơn hẳn. Chỉ là hàng Converse fake thôi, nhưng phải công nhận là nó bền, đi hoài không hỏng, lại êm chân nên thầy cứ đi thôi. Thầy cố giữ nó cẩn thận, nhưng gần đây nó cũ quá rồi, nước mưa toàn tràn vào. Lắm lúc thầy muốn cất nó đi lắm, nhưng nó vừa bẩn vừa cũ, nhìn vào chẳng cầm được lòng.
Câu chuyện của Kim khiến Phong lặng cả người đi. Cứ mỗi lần Kim kể về quá khứ là cậu lại thấy dưng dưng, thương cảm như đang nghe câu chuyện của chính mình. Cảm giác ấy khiến cơ thể cậu mềm nhũn, buồn buồn, nâng nâng, như có ai đó đang vuốt nhẹ vào lòng cậu, gẩy lên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau ru cậu vào cơn ngủ. Một lúc sau, Phong lóe lên một ý.
- Thầy, em biết rồi! Mai thầy đưa đôi giày đó cho em, em sẽ tìm người phục chế lại nó cho mới nhất có thể rồi bọc lại cho thầy. Thầy đem về cất riêng một chỗ, còn lại cứ đi hai đôi giày kia.
- Nhưng nó cũ lắm rồi, sao sửa được em?
- Thầy yên tâm, em biết một chỗ làm giày đẹp lắm. Chỉ cần em hỏi là họ sẽ làm giúp thôi. Họ mà dám từ chối em đánh sập cả xưởng giày đó luôn. – Phong hào hứng, đôi mắt sáng rỡ.
- Thằng nhóc này lại nói linh tinh rồi. Nhưng nếu có chỗ làm được thì em giúp thầy nhé. Thầy muốn giữ lại chút kỉ niệm của bố.
- Tất nhiên rồi! Có gì mà em không làm được chứ! – Phong nói đầy tự hào – Nhưng, thầy phải hứa với em đã.
- Hứa gì?
- Hứa rằng thầy nhất định sẽ đi hai đôi giày kia! Đi tới rách mới thôi.
- Ơ... Ờ, thì hứa!
Kim mỉm cười, hai má đỏ ửng hơi thẹn vì khi nãy từ chối quá nhiều. Cậu đưa nốt cho Phong phần trà sữa của mình như bày tỏ lòng biết ơn. Và tất nhiên, Phong mút hết nửa cốc trà sữa đó chỉ trong chớp mắt, dù trước đó cậu còn cau có chê bai. Lần đầu tiên uống trà sữa mà Phong cảm thấy ngon đến như thế, còn ngon hơn cả những thứ rượu, cocktail đắt tiền cậu thường uống trên bar. Dù chỉ là trà sữa bình thường thôi, nhưng Phong bỗng thấy ngọt, mềm, man mác thơm đến lạ thường, càng uống càng ham.
Thực ra lớp 11A chưa hề bàn tới việc tặng quà cho Kim, hai đôi giày hàng hiệu đó chỉ là của riêng Phong tặng cậu. Từ lúc sáng, khi Kim đi xuống dưới lớp, Phong dù đang ngồi lơ đễnh nhưng đã đập đôi mắt vào đôi giày cũ nhàu của thầy giáo mình, và cậu không thể chấp nhận việc người mình yêu thương lại đi một đôi giày như thế.
Cuộc tranh cãi chí chóe đi đến sự đồng thuận nơi cuối con đường lát gạch có hàng thược dược phớt hồng hai bên. Nắng khuya hắt vàng xuống bên đường, soi bóng hai mái đầu xanh biếc đi sát bên nhau. Đường đời còn dài nhưng ít ra họ cũng đã cùng nhau đi hết con đường trong công viên này.
- Đừng đi giày cũ! Nếu sau này giày của thầy có bị rách, hãy nói với em! Em sẽ mua cho thầy đôi giày mới nhất để êm hơn những bước đi của thầy!
Tobe Continued...
Đức Long
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro