LỜI CUỐI
Tôi không trực tiếp quen biết người điên đã viết những quyển sổ ghi chép này. Nhưng tôi lại quen biết chút ít với người đàn bà mà dường như là madam của quán bar khu Kyobashi xuất hiện trong những quyển sổ đó. Đây là một người cho ta cảm giác là một mỹ nam hơn là một mỹ nhân. Bà ta dáng người nhỏ, nhan sắc không nổi bật lắm, mắt nhỏ và sống mũi cao. Tôi nghĩ những quyển sổ này miêu tả Tokyo vào những năm Chiêu Hòa thứ 5, 6, hoặc 7 gì đó (khoảng năm 1930) nhưng cho đến năm Chiêu Hòa thứ mười (1935) khi lực lượng quân sự bắt đầu hoành hành, tôi mới được bạn dẫn đến quán bar khu Kyobashi đó hai ba lần và uống vài ly rượu nên không thể gặp được người đàn ông viết những quyển sổ ghi này.
Tuy nhiên vào tháng hai năm nay, tôi đến thăm một người bạn đã đi sơ tán về khu Funabashi, quận Chiba. Anh vốn là bạn tôi từ thời đại học, hiện đang làm giảng viên của một trường đại học nữ. Tôi tìm đến anh để nhờ anh sắp xếp chuyện kết hôn của một người bà con của tôi. Nhân tiện chuyến thăm này, tôi cũng muốn mua ít hải sản về cho gia đình vì thế mà tôi đã mang một cái ba lô khăn gói đến Funabashi.
Funabashi là một thành phố khá lớn nằm trên Vịnh Bùn. Vì anh bạn mới chuyển nhà đến đây nên cho dù tôi hỏi thăm khắp nơi cũng không ai biết mà chỉ cho tôi địa chỉ nhà anh đâu cả. Trời thì lạnh, chiếc ba lô trên vai nặng rã rời, bị hấp dẫn với tiếng violon từ đĩa nhựa văng vẳng phát ra, tôi đẩy cửa bước vào một quán cà phê gần đó.
Tôi nhớ hình như đã gặp madam này ở đâu đó nên thử hỏi thăm, thì ra đó là madam của quán bar nhỏ khu Kyobashi của mười năm về trước. Madam cũng nhận ngay ra tôi, cả hai cùng thốt lên kinh ngạc rồi mỉm cười chào hỏi. Chúng tôi bắt chuyện với nhau về chủ đề thời đó thường được nhắc đến là kinh
nghiệm ẩn náu khi máy bay tập kích. "Madam chẳng thay đổi gì hết nhỉ?"
"Không đâu, đã là bà già rồi. Thân xác kêu kẽo kẹt đậy này. Chính anh mới còn trẻ đấy".
"Không có đâu, tôi đã làm cha của ba đứa con rồi. Vì chúng mà hôm nay phải lặn lội đến đây mua sắm đấy".
Chúng tôi trao đổi với nhau những câu chuyện như hai người bạn đã lâu ngày không gặp lại rồi cùng hỏi về tin tức những người quen đã biệt tăm từ đó. Madam chợt đổi giọng hỏi tôi là chắc anh cũng biết Yochan chứ nhỉ. Khi tôi trả lời là không biết, madam đi vào sâu trong nhà lấy ra ba quyển sổ ghi chép và ba tấm ảnh đưa cho tôi.
"Anh có thể dùng làm tư liệu mà viết tiểu thuyết được đấy", madam nói.
Tôi là người không thể viết được gì bằng tư liệu của người khác nên lúc ấy tôi đã tính trả lại cho madam nhưng bị tò mò bởi ba tấm hình (về sự kỳ quái của ba tấm hình này tôi đã viết trong phần mở đầu) nên tôi quyết định nhận những quyển sổ đó. Tôi hứa với madam trên đường quay về tôi sẽ ghé lại đây thăm bà và nhân tiện hỏi thăm madam xem có biết nhà của một giáo viên dạy trường đại học nữ hay không? Vì cùng là người mới chuyển đến đây nên madam biết rõ và nói thêm thỉnh thoảng anh bạn đó còn ghé đây uống trà nữa. Nhà anh ta chỉ cách đây vài bước chân.
Đêm đó, tôi và anh bạn cùng nhâm nhi chút rượu và tôi quyết định nghỉ đêm tại nhà anh. Tôi chăm chú đọc những quyển sổ ghi không hề chợp mắt cho đến tận khi trời sáng bạch.
Những điều ghi chép trong quyển sổ ấy đều là chuyện ngày xưa nhưng những người thời hiện đại bây giờ đọc chắc vẫn còn cảm thấy rung động hứng thú. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng thay vì thêm lời văn thô vụng của mình vào thì tốt nhất cứ để nguyên vậy mà gửi cho một nhà xuất bản nào đó để in thử xem sao.
Tôi chỉ mua ít đồ khô về làm quà cho ba đứa con. Vác ba lô trên vai, tôi từ tạ anh bạn và ghé qua chỗ tiệm cà phê.
"Cám ơn madam rất nhiều về ngày hôm qua. Nhân tiện đây cho tôi mượn những quyển sổ này ít lâu được không?"
"À, xin anh cứ tự nhiên".
"Người viết những quyển sổ này bây giờ vẫn còn sống chứ?"
"Cái đó thì tôi hoàn toàn không biết. Khoảng đâu mười năm trước, một gói bưu phẩm gồm những quyển sổ và ba tấm ảnh được gửi đến quán của tôi ở Kyobashi. Tôi biết chắc người gửi là Yochan nhưng trên phong bì không ghi tên hay địa chỉ người gửi gì cả. Khi thành phố bị không tập, tôi đã bị lạc mất nhiều thứ nhưng không hiểu sao vẫn còn giữ được những quyển sổ này và cũng mới lần đầu đọc chúng trong khoảng thời gian gần đây".
"Bà có khóc không?"
"Không, tôi chỉ nghĩ rằng đời mà đến thế thì thôi, còn làm gì được nữa". "Đã mười năm trôi qua, chắc Yochan đã chết. Anh ta gửi những thứ này
cho bà như một lời cảm tạ. Tuy cách viết có ít nhiều khoa trương nhưng chắc bà cũng phải chịu đựng anh ta nhiều lắm. Nếu những gì viết trong đây là sự thật thì cho dù tôi là bạn của anh ta chăng nữa thì tôi cũng muốn gửi anh ta vào bệnh viện tâm thần".
"Tất cả là lỗi của cha Yochan mà thôi", madam nói như vô tình.
"Yochan mà chúng ta từng biết cực kỳ ngoan hiền và nhạy cảm, ngay cả rượu cũng không biết uống nữa. Không mà dù cho có uống rượu đi nữa thì anh ta vẫn là một người tốt, một thiên thần".
Dịch xong tại Nagoya ngày 15/4/201
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro