Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hồi 9

Vương-Trùng-Dương phân thân hóa độ,

Tôn-Bất-Nhị phẫn nộ thủ sư

Nghĩa là:

Vương-Trùng-Dương biến thân mà hóa dạy,

Tôn-Bất-Nhị không hiểu chẳng phục thầy.

Có bài kệ rằng:

Ta độ chúng sanh học chơn truyền,

Không không có có khó trau liền,

Biết là Đại-Đạo không xa viễn,

Người chẳng lòng cầu tại thất duyên.

Khi đó Mã-Đơn-Dương nghe Thu-Hương nói Tôn-Bất-Nhị ngồi trước nhà giận hung, liền xin thầy ra đi, coi thử Tôn đạo hữu kêu việc chi. Mã-Đơn-Dương đến nhà trước thấy bà ngồi giận đỏ mặt, liền cười mà nói rằng: Đạo hữu giận việc chi? Hay là tôi tớ có phạm lỗi điều chi không vừa ý? Thôi, mình làm chủ phải cho có độ lượng, dung kẻ dưới tay, chẳng vì nó mà phiền giận! Tôn-Bất-Nhị đáp rằng:

– Sư huynh không rõ, tôi tưởng Vương Trùng-Dương là người có đạo-đức, ai dè người không chánh, mới vào phòng tôi nói việc khó nghe, tôi không học nữa.

Đơn-Dương cười rằng:

– Thầy đến phòng đạo hữu hồi nào?

Tôn-Bất-Nhị nói:

– Còn ở trong phòng!

Đơn-Dương cười rằng:

– Đạo hữu chắc là chiêm bao? Thầy từ sớm mai đến giờ giảng đạo-đức với tôi, giây phút không rời, còn đang tại phòng tôi. Lúc Thu-Hương đến mời cũng thấy. Đạo hữu không tin hỏi Thu-Hương coi có hay không.

Tôn-Bất-Nhị chưa kịp hỏi, Thu-Hương liền nói:

– Hồi tôi thỉnh ông có nghe thầy đương giảng việc trời đất hay lắm. Ông ra đi với tôi thì thầy còn ở lại đó.

Tôn-Bất-Nhị nghe nói cúi đầu làm thinh. Mã-Đơn-Dương sợ thầy đợi lâu trở ra không nói với bà nữa, chừng ấy Tôn-Bất-Nhị trong lòng phiền giận thầm rằng: Tưởng đi thỉnh sư huynh đặng bày tỏ việc thầy cho ông nghe, ai dè nói việc như không, bà buồn bực chẳng vui, liền trở vào phòng.

Cách hơn một tháng, Mã-Đơn-Dương đến mao-am cùng thầy học Đạo. Trùng-Dương tiên-sanh biểu trò ngồi rồi nói:

– " Than ôi! Trên đời người tu hành học Đạo, hoặc vì mặt mà tu, vì miệng mà tu, đều thất xa lắm. Đối với Đạo không có một hào ly chi hết. Lại có người tu tại con mắt, lỗ tai, miệng, bụng, các việc đều phép hữu vi, mất chỗ thể đạo chơn; lại có người theo bàng môn giả dối, tu luyện ham những phù huê (hữu hình) mà định tịnh chẳng biết. Lại có người tâm chí quyết tu mà sức độ lượng yếu, thảy đều có bịnh. Bởi bịnh ấy là tại nơi dung vị hoặc thái-quá bất-cập đều chưa đặng chỗ tự nhiên; hoặc vui chỗ nầy, vui chỗ kia, tới một tấc, trở lui một trượng. Vì phàm tâm chưa dứt, đạo tâm chưa minh, chưa ngán thấu chỗ tình tục, nên ăn mặc còn sợ tốt xấu, danh tiếng tài hay, cùng vàng bạc, cửa nhà, ruộng đất không người hay biết. Các điều ấy chưa đặng cách tục mà lại muốn học Đạo cầu phước, thong thả an nhàn! Có khi than nghèo cực mà lại hay xài phí, tư dục không quên, vì coi chẳng thấu cuộc đời, để cho nó khiến như vậy thì chẳng khá gọi là Đạo!"

Xét lại, mỗi người đều có cái Tánh chơn, biết tu chỗ Đạo thì thành đến bực Phật Tiên. Nhơn vì chẳng cách việc trần, không riêng thế tục, nên cái Đạo chẳng tỏ, chẳng minh. Như muốn cầu theo về Thiên-Đường thì phải món món đều khác, chẳng giống người thường, trong ngoài đều tu hết, mới gọi là có Đạo-tâm".

Tiên-sanh cùng Đơn-Dương giảng Đạo, thầy trò nói tự thỉ chí chung, tâm đầu ý hiệp như vậy thì làm sao mà đạo không thành!

Lại nói qua bà Tôn-Bất-Nhị ngồi trước nhà bị ông Mã-Đơn Dương nói bà nằm chiêm bao mấy lời rồi làm thinh, trong lòng chẳng phục ý ông. Nếu nói mình chiêm bao thì không lẽ. Thiệt thấy rõ ràng thầy vô nói rành rẽ bên tai tôi, sao lại nói thầy ở tại phòng không dời động giây phút? Thiệt là nghĩ không ra. Suy nghiệm một hồi rồi trở vào phòng. Bữa nọ bà đương ngồi công phu, lại thấy Trùng-Dương dở màn bước vô cười rằng:

– Đại-Đạo chẳng phân nam nữ, lìa tránh âm dương Đạo chẳng thành.

Tôn-Bất-Nhị thấy vậy nhượng cho thầy ngồi, mình trở ra đứng ngoài cửa hỏi rằng:

– Thầy sao không ở tại mao-am mà công phu? Vào đây làm chi?

Trùng-Dương nói:

– Vì trò bỏ chỗ Tạo-Hóa lư, ngồi tịnh cô đơn, khí hải khô. Có câu: "Con gái không chồng là hoán phụ, con trai không vợ là khoán phu". Ta nói rõ cho trò biết: Một âm một dương chẳng khá dang cách; âm dương phối hiệp thì việc ắt chánh lý. Có câu: "Tây gia nữ, đông xá làng", nghĩa là: Âm dương hội hiệp mới nương nhau đặng. Vậy thì hai đàng khá chỗ động phòng, hai tám mới về nên giao cảm, kết thánh-thai dựng tại bên thân. Mười tháng công phu ôn dưỡng, sản xuất anh-nhi mạnh hơn người. Trò phải y theo lời làm như vậy, thì đặng về Thiên-Cung chầu Ngọc-Đế.

Tôn-Bất-Nhị nghe mấy lời chẳng nói, liền khóa cửa lại, đi đến trước kiếm Mã-Đơn-Dương nói chuyện đó cho ông nghe. Đi đến thấy cửa phòng của ông đóng chặt, hỏi người tớ là Mã Hưng, Mã-Hưng nói:

– Viên-ngoại và tiên-sanh mắc giảng đạo tại mao-am.

Lúc đó Trùng-Dương đang nói:

– Lòng người phải bớt, lòng Đạo phải chơn; vùng cười, chỉ Mã-Đơn-Dương mà rằng:

– Trò mau đi ra coi có người kiếm ngoài trước.

Đơn-Dương nghe thầy nói có khách đến liền từ thầy ra coi. Đến nhà trước gặp Tôn-Bất-Nhị rồi bà níu áo Đơn-Dương nói rằng:

– Sư huynh lại đây mà coi.

Đơn-Dương hỏi:

– Coi việc chi?

Tôn-Bất-Nhị nói:

– Đừng hỏi, đến đó sẽ rõ.

Đơn-Dương theo đến thấy cửa khóa, Tôn-Bất-Nhị mở khóa biểu Đơn-Dương vô mà coi, Đơn-Dương không biết việc chi, cũng bước vô ngó bốn phía, thấy mền mùng ghế đẳng y nguyên, không có chi lạ, liền hỏi Bất-Nhị rằng:

– Đạo hữu biểu tôi vô có việc chi?

Bà nói:

– Coi thầy của sư huynh ở trong phòng tôi đó!

Đơn-Dương nói:

– Đạo hữu nói không sợ tổn đức; thầy cùng tôi giảng đạo tại mao-am không dời một bước, thầy nào vào đây?

Bất-Nhị nghe nói không tin, bèn vô giở mùng mền kiếm coi, cùng không thấy ai hết, liền nói việc quái lạ!

Mã-Đơn-Dương nói:

– Có chi mà quái lạ. Tôi biết rồi, tại vì đạo hữu không cần công phu đặng thâu cái phàm tâm cho dứt, cứ lo chuyện ngoài hoài, nên sanh ma chướng như vậy.

Tôn-Bất-Nhị nói:

– Sư huynh nói việc gì đâu? Tôi bình sanh không có tạp niệm ma chướng, một lòng tịnh dưỡng nào có vọng tưởng điều chi? Lần nầy là hai lần, thầy đến phòng tôi rõ ràng, tiếng nói bên tai mấy lời còn nhớ, nào có phải vọng ma.

Đơn-Dương hỏi:

– Thầy nói việc chi, thuật lại tôi nghe.

Bà đem lời thầy vô phòng hai lần thuật cho ông nghe.

Đơn-Dương cười rằng:

– Thiệt đạo hữu thông minh một đời, mà lầm sai một thuở. Vì Đạo chẳng phải thông minh mà đặng nên, việc mình muội tánh.

Bất-Nhị hỏi:

– Sao gọi là muội tánh?

Ông nói:

– Vì người học Đạo phải để tâm hạ khí, chẳng hổ học hỏi người dưới. Như vậy một bước lại thêm một bước, đi xa càng hiểu đường dài, lấy mười đếm trăm, thêm trăm đếm ngàn. Thiệt việc Đạo chí quí chí trọng, nói không xiết kể. Đạo hữu mới đặng chút huyền công, tưởng là Đạo có bấy nhiêu mà thôi, mỗi ngày cứ giữ quyết cái phòng của đạo hữu, ngồi hoài khô tọa, chẳng minh lẽ âm dương, không hiểu cơ tạo-hóa, chẳng chịu đến trước thầy mà học hỏi, để nghi tính nam nữ phải cách biệt, chấp lòng nhơn ngã. Bởi thầy thấy đạo hữu giữ quyết một việc sợ sau chẳng đặng liễu đạo, thầy muốn ra chỉ đạo cho đạo hữu, vì sợ chỗ hiềm nghi phải xuất hiện dương thần, phân thân hóa dạy mà đạo hữu chẳng hay. Nên thầy hay nói với tôi: "Một âm một dương gọi là Đạo, lìa bỏ âm dương Đạo chẳng thành". Vì cái âm dương đó: Dương hỏa, âm thủy, là âm dương trong thân mình luyện ra. Chẳng phải nói việc vợ chồng như ở thế.

Nghĩ lại việc nầy thiệt thầy hết lòng khổ chí cần dạy; tiếc cho đạo hữu hiểu lầm mà chẳng biết chỗ huyền-cơ. Lại nói độc dương bất trưởng, là nói dương thuộc hỏa, lửa nhiều nóng quá chẳng đặng thành đơn. Còn độc-âm bất sanh, là nói âm thuộc thủy, nước nhiều tràn lạnh cũng chẳng đặng thành đơn. Bởi nói cô-âm độc-dương là tỷ thí nước lửa chẳng đặng giúp nhau. Luận ra mà nói, người tu hành phải cho đặng nước lửa đương tiếp, âm dương quán phong, mới khá huờn đơn đặng.

Còn nói đạo hữu bỏ Tạo-Hóa lư là rõ ràng chẳng minh lý âm dương. Như nói câu: "Khoán phu hoán phụ" là nói cô-âm bất sanh, độc-dương bất trưởng, nên thầy tỏ mấy lời cho đạo hữu biết. Hễ người học Đạo thì phải tìm chỗ âm dương, bởi âm dương là chỗ huờn đơn của Tiên Phật. Trước dụng chơn-ý, mà dẫn thông âm dương (như cầm bầu rượu mà vui uống rượu ngon). Còn chơn-lý thuộc thổ, màu vàng, nên thí dụ là huỳnh hà. Như câu: "Tây-gia-nữ" là thuộc Kim, Kim hay vượng phát tại Tây nên gọi là "Tây-gia-nữ". Còn câu: "Đông-xá-lang" thuộc mộc, mộc hay vượng sanh tại Đông, nên gọi là "Đông-xá-lang". Còn hai đàng xứng nhau là nói 2 cái 8 là 16, hiệp thành một cân (Hễ kim chẳng phải con của mộc, thì chẳng khắc; mộc chẳng phải con của kim, thì chẳng sanh). Đó là nói việc âm dương tạo hóa, ngũ-hành sanh khắc như vậy.

Còn người tu hành phải lấy cái ý hội thông. Tỷ như bà mai nói hiệp hai nhà dẫn cho kim mộc gặp nhau, không có dang cách như vợ chồng vui hiệp. Còn động phòng là chỗ đơn đình; dẫn kim mộc về một chỗ, kim là phách, mộc là hồn, dẫn tụ về một mối, yêu mến không rời, hồn chẳng lìa phách, phách chẳng lìa hồn. Hống tám lượng, diên nửa cân, giao cảm là chỗ kiết đơn, thiệt nói hai đàng xứng nhau, tinh khí hiệp nhau ngưng kiết (Tỷ như vợ chồng có thai vậy).

Còn nói 10 tháng là số đủ, ôn-dưỡng là hỏa-hầu (Hỏa-hầu là để lửa có chừng). Như nói tinh khí ngưng kiết, cũng là để lửa ngưng có chừng mà nấu luyện thành đơn. Còn nói số đủ là vuông tròn, công phu đầy đủ, anh-nhi giáng sanh (Nghĩa anh-nhi giáng sanh là chơn-khí). Khí hóa ra thần, thần nuôi dưỡng cho đầy đủ, tùng chỗ nê-hoàn mà ra, lên chầu kim-khuyết, mà làm người chơn-nhơn. Như vậy chẳng phải là Thần Tiên sao?

Mã-Đơn-Dương nói rồi, Tôn-Bất-Nhị mới vui mừng tỉnh ngộ. Vậy ai muốn tu luyện thì tìm minh sư mới rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro