Ngô Vương mất, Tĩnh Hải quân dậy sóng loạn ly
Chuyện kể về thời Ngô, thiên hạ trở nên hỗn loạn không lâu kể từ khi Ngô Quyền dẹp phản loạn Kiều Công Tiễn, đánh tan đại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền lên ngôi vương, định đất khai mở nền độc lập tự chủ sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc khốn cùng.
Tháng Chạp năm Giáp Thìn [944], Ngô Vương qua đời để lại di chúc định rằng ngôi báu sẽ truyền cho con cả Ngô Xương Ngập, giao bộ tướng Dương Tam Kha theo phò tá. Nhân cơ hội đó Dương Tam Kha làm trái di chúc, ngoài mặt trung trinh phò trợ nhà Ngô, nhưng hắn lại xét thấy Xương Ngập hèn kém, bèn tôn lập Ngô Xương Văn làm thừa tự, nhận làm con nuôi. Y cướp ngôi của cháu mình một cách trắng trợn, tự lập mình làm vua, rồi xưng là Dương Bình Vương liền chiếu cáo khắp thiên hạ hòng dọa nạt, kêu gọi chúng quân các châu quy thuận triều đình mới. Lại còn khép tội phản loạn cho Ngô Xương Ngập, liên tục tróc nã bắt giết. Ngập biết thế nguy, chạy trốn nhiều phen sau cùng chạy về Nam Sách nương nhờ Phạm Lệnh Công, một bộ tướng cũ của Ngô Vương.
Chúng quân khắp nơi đều bất bình trước hành động bất trung bất nghĩa, trái thiên nghịch địa của Dương Tam Kha nhưng đều phải ngậm tức mà nhịn. Ngoài mặt là quy thuận vì tự biết sức lực không bằng, tính chính danh ngôn thuận cũng không đọ lại cái danh "triều đình". Nhưng bên trong lại không ngừng rục rịch mộ binh, tích trữ lương thảo, rèn đúc khí giới, đắp thành dựng lũy ráo riết. Vì lẽ đó mà khắp nơi nổi lên nạn tham nhũng, quan lại các địa phương thi nhau đục khoét, hành hạ trăm dân, nhà nhà sống trong cảnh nghèo đói khổ cực, giặc cướp theo thời mà nổi lên như cỏ. Lại nói đến triều đình Cổ Loa không dốc sức vì dân chúng mà lại vô cùng dốc sức vì túi riêng của mình, triều chính nát bét. Tình cảnh thê thảm vô cùng!
Lúc bấy giờ, ở phương Bắc đang có chiến loạn thập quốc kéo dài mấy mươi năm qua vẫn chưa kết thúc. Thập quốc mãi mê chiến sự, tiêu diệt lẫn nhau nào có thiết tha, ngó ngàng gì đến Tĩnh Hải quân ở phương Nam này. Bởi đó cũng là cái thời cơ để Tĩnh Hải quân xảy ra chuyện, nội bộ chia năm xẻ bảy, hào trưởng khắp nơi nổi dậy nắm quyền. Ai nấy cũng đều bất mãn với triều đình mới, hiểu rõ tình hình nên vội vã dốc sức chuẩn bị binh mã, dựng thành đắp lũy, tổ chức quân đội kỹ lưỡng chỉ chờ ngày đón quân triều đình "ghé thăm". Nổi bật là Ngô Nhật Khánh, giận chuyện cướp ngôi của Dương Tam Kha mà kéo quân về Đường Lâm cát cứ chiếm giữ, tỏ rõ thái độ chống đối triều đình. Cùng với đó là Nguyễn Khoan, cũng dứt áo về thôn Nguyễn Gia Loan, chiếm giữ một vùng Tam Đái rộng lớn, màu mỡ. Nguyễn Khoan đặt cứ địa ở gò Biện Sơn, đóng đồn ở gò Đồng Đậu, chiêu mộ và huấn luyện dân binh, xây dựng lực lượng quân sự vô cùng khí thế. Ở Tây Bắc, ngay ngã ba sông Bạch Hạc lại giáp với Phong Châu đương do Thứ sử Kiều Công Hãn nắm quyền. Trong khi đó phía Nam có Đằng Châu do Phạm Bạch Hổ chiếm giữ. Dưới Đông Nam Đằng Châu là Bố Hải Khẩu do Trần Lãm đóng quân. Cái thế loạn dần dần hiện rõ, Dương Bình Vương cũng không dám vội động binh tiến đánh.
Thế là suốt 6 năm từ Giáp Thìn [944] đến Canh Tuất [950] triều đình Cổ Loa án binh, chấn chỉnh nội bộ. Dương Bình Vương ngoài việc nhiều lần sai quân xuống Nam tìm bắt Ngô Xương Ngập nhưng đều thất bại, thì chỉ còn biết ra sức chuẩn bị cho chiến tranh, không còn thiết tha đến chăm lo đời sống của người dân bá tánh, đẩy họ đến cảnh khốn cùng phải rời bỏ kinh đô, hoặc trở thành trộm cướp hoặc đầu quân cho các hào trưởng, sứ quân khắp nơi. Các sứ quân cũng tranh thủ thời gian đó mà làm giàu mạnh lực lượng, có người phô trương thanh thế, có kẻ lẳng lặng mà bàn mưu ủ sự hòng chờ thời.
Năm Canh Tuất [950], triều đình Cổ Loa nóng lòng, không còn đủ kiên nhẫn nữa khi nhận thấy ở Tây Bắc quân của Nguyễn Khoan ngày một lớn mạnh, lương thảo dồi dào nhờ vùng đất Tam Đái màu mỡ, đông dân. Chếch xuống phía Nam Tam Đái, hữu ngạn sông Bạch Hạc là địa bàn của Ngô Nhật Khánh cũng mạnh lên không kém với lực lượng thủy quân hùng hậu. Dương Bình Vương tức tối suốt ngày chỉ muốn tiêu diệt sớm hai sứ quân này. Cuối cùng, phải mở nghị sự, lệnh cho Ngô Xương Văn dẫn binh tiến đánh Đường Lâm và Nguyễn Gia Loan, hòng thị uy các sứ quân, các hào trưởng khác đang có ý chống đối và làm loạn.
Đó cũng là việc mở trận cho màn mưa máu gió tanh sau này. Thiên hạ loạn ly, giặc dã nổi lên, kẻ mạnh cát cứ xưng là Sứ quân, cùng với triều đình Cổ Loa tranh hùng xưng bá.
Thảo xem thiên hạ này sẽ thuộc về tay ai?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro