Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TRƯƠNG LỆ HOA - MỸ NHÂN HÁT KHÚC HẬU ĐÌNH HOA (p2)

Trần Hậu Chủ hết sức kinh ngạc, ngày hôm sau gọi mấy tên hoạn quan vào hạch hỏi, khi biết thái tử Trần Dần quả thật có chê trách mình là u mê thì trong lòng đã nổi giận, nhưng không thể vì 1 lỗi nhỏ mà phế bỏ ngôi vị thái tử được. Qua sự việc này, Trần Hậu Chủ càng tin tưởng Trương quý phi, mặc cho nàng muốn làm gì thì làm. Trương quý phi được thể tung hoành triều chính, công khai ăn hối lộ, thưởng phạt tùy ý thích. Dương triều Nam Trần chẳng những hủ bại mà còn hỗn loạn, chẳng còn thể thống gì.

Ngược lại với nhà Trần, ở phương bắc cũng có biến loạn. Tùy vương là Dương Kiên nắm đại quyền trong tay, ép buộc Tĩnh Đế Bắc Chu mới lên 10 tuổi phải nhường ngôi cho mình, kiến lập nên nhà Tùy, xưng hiệu là Tùy Văn Đế. Nhờ Tùy Văn Đế là người hùng tài đại lược, chẳng bao lâu đã đánh dẹp toàn bộ các thế lực quân phiệt, thống nhất phương bắc. Ông lại đưa ra 1 số cải cách khiến nước Tùy trở thành 1 quốc gia có nên kinh tế phồn thịnh, quân đội hùng hậu. Tùy Văn Đế không dừng ở đó, thấy đất đai phương nam màu mỡ rộng lớn thì có ý dòm ngó. Tùy Văn Đế 1 mặt sai người dò xét tình hình nước Trần, 1 mặt chấn chỉnh quân mã để chờ ngày khởi sự. Khi ấy đang thời Tuyên Đế, ông vua này u mê chỉ biết trọng dụng các quan lại nịnh hót, chèn ép người tài nên kinh tế suy sụp, quân tướng chểnh mảng. Tùy Văn Đế cho là thời cơ đã đến, năm 583, điều động đại quân định vượt biên giới xâm phạm thì bất ngờ Tuyên Đế qua đời. Tùy Văn Đế là người biết lễ nghĩa, thấy vậy bèn dừng ý định xâm chiếm, rút quân và cho sứ thần đến Kiến Nghiệp phúng điếu theo đúng nghi lễ đế vương rất tử tế. Khi Trần Hậu Chủ lên ngôi, có rất nhiều đại thần khuyên nhà vua nên chấn chỉnh quân binh, đề phòng nước Tùy. Thế nhưng Trần Hậu Chủ nhớ lại việc trước kia quân Tùy đột ngột rút lui thì rất tự đắc, nói với quần thần: "Sở dĩ Dương Kiên không tiến quân là vì khi ấy nghe tin ta lên ngôi. Ta còn đây thì chẳng bao giờ Dương Kiên có ý định xâm phạm, các ngươi đứng quá lo lắng cho mệt tâm!".

Vì vậy Trần Hậu Chủ không lo ngại gì mối họa bên ngoài, suốt ngày đêm lo vui chơi cùng Trương quý phi. Dương Kiên cũng nghe quân thám báo, kể lại câu nói này của Trần Hậu Chủ, rất giận nhưng chỉ 1 thoáng đã lại bình tĩnh, nói với quần thần: "Từ xưa đến nay, đã là Đế vương thì ít nhiều cũng phải có tài năng. Thế mà không ít Đế vương mất nước là tại sao? Ta cho rằng họ tự đánh mất địa vị của mình hầu hết là do tính kiêu ngạo mà ra. Nay Trần Thúc Bảo không xem ta ra gì thì càng nên thúc đẩy cho hắn kiêu ngạo thêm nữa. Đến thời điểm, chúng ta xuất quân một lần là chắc chắn đại thắng!".

Sau đó Tùy Văn Đế vẫn sai sứ giả sang nước Trần giao hảo. Mỗi khi có việc vui mừng thì đều biếu tặng nhiều phẩm vật có giá trị. Trần Hậu Chủ lại càng yên tâm hơn, ra lệnh ai nhắc đến nguy cơ bị nước Tùy xâm lấn thì sẽ giáng chức trị tội. Vì tốn phí quá nhiều trong các cuộc truy hoan, xây dựng lầu đài tráng lệ, yến ẩm liên miên nên cuối cùng quốc khố khánh kiệt. Trần Hậu Chủ không hề suy nghĩ xem tại sao, lập tức xuống lệnh tăng thêm tô thuế, làm cho nhân dân đã đói khổ càng thêm xơ xác, tiếng oán than vang trời dậy đất. Trần Hậu Chủ nghe báo lòng dân hỗn loạn vẫn không động tâm, cười nói: "Bọn dân đen đời nào mà chẳng vậy, mỗi khi triều đình cần đến tô thuế thì lại kêu ca phàn nàn. Bọn chúng đâu có biết chính nhờ những chi phí ấy mà triều đình mới đứng vững, làm nền tảng cho dân chúng sinh hoạt làm ăn. Tên nào kêu ca, các ngươi cứ trừng trị thẳng tay cho ta!".

Bọn quan lại dưới quyền nhân cơ hội này bóp nặng dân chúng lấy tiền bạc, lạm dụng hình phạt đến mức chỉ vài năm, các nhà lao đã đầy chật phạm nhân. Thái tử Trần Dần không ngồi yên được, quyết định dâng sớ cảnh tỉnh vua cha. Trần Hậu Chủ còn tức giận trong lòng về việc thái tử khi trước đã phỉ báng mình, liền nắm lấy cơ hội, ghép Trần Dần vào tội khi quân bất đạo, giáng xuống làm thường dân. Dĩ nhiên khi ngôi thái tử bỏ trống, Trương Lệ Hoa ở bên cạnh ngày đêm ỏn thót, thì cuối cùng Trần Hậu Chủ phải bằng lòng cho Trần Thâm thế ngôi thái tử. Địa vị của Trương quý phi càng được vinh hoa, nắm chắc danh phận hoàng thái hậu trong tay.

Khi Trần Hậu Chủ lên ngôi, đã 7 năm trôi qua, dương khí đã tàn tạ. Tùy Văn Đế liền bàn bạc với bá quan việc tiến hành chinh phục phương nam. Để có chính nghĩa, Tùy Văn Đế sai các quan viết chiếu thư, kể hơn 20 tội lớn của Trần Hậu Chủ, ban bố cho toàn dân biết trước khi điều động các chiến thuyền vượt sông. Tùy Văn Đế cho con trai là Tấn vương Dương Quảng thống suất đại binh ồ ạt kéo xuống phương nam, bày trận nơi Trường Giang, uy hiếp biên giới. Thứ sử Tương Châu là Thi Văn Khánh nghe tin này, vội vàng chạy về triều cấp báo cho Trung thư xá nhân Thẩm Khách Khanh. Chẳng ngờ Khách Khanh gạt đi, cho biết: "Thánh thượng đang dự định tết nguyên tiêu này sẽ mở thịnh yến cho bá quan và dân chúng trong kinh thành vui chơi một ngày. Thánh thượng đã hạ lệnh cho tất cả các chiến thuyền ở Trường Giang kéo về kinh thành, treo đèn kết hoa thật hoa lệ. Thánh thượng đã trù định rất kĩ lưỡng, gọi cả quan trấn thủ Giang Châu và Từ Châu về phó hội. Chắc chắn ngày hôm ấy kinh thành sẽ náo nhiệt chưa từng có. Nay chúng ta báo tin này thì thánh thượng không những mất vui mà lỡ như tin không đúng thì chúng ta làm sao giữ được cái đầu".

Thi Văn Khánh nghe vậy sợ hãi nói: "Thế ngài định giấu tin này với hoàng thượng hay sao?".

Thẩm Khách Khanh trầm ngâm suy nghĩ rồi quyết định: "Chúng ta không thể giấu mà cũng không thể làm kinh động khiến hoàng thượng mất hứng thú. Chúng ta chỉ báo một nửa, tức là quân Tùy đang sửa soạn vượt sông rồi tùy ý hoàng thượng quyết định. Như vậy chúng ta không bị tội mà cũng không trách nhiệm gì".

Thi Văn Khánh nghe theo. Ngay hôm ấy 2 người vào cung tâu báo cho Trần Hậu Đế biết, cố tình nói mập mờ là quân Tùy không thể vượt sông ngay trong tháng này. Trần Hậu Chủ không hề lo sợ, còn cười mà nói: "Trước kia quân Bắc Tề đã ba lần tấn công mà Kiến Nghiệp vẫn đứng như đồng, thì đủ biết Nam Triều vẫn còn dương khí đầy đủ. Quân Tùy không vượt sông là may cho chúng, nếu dám là tự chuốc lấy thất bại mà thôi!".

Thi Văn Khánh và Thẩm Khách Khanh nghe vậy đều phụ họa, nịnh hót rằng Trần Hậu Chủ quả là anh hùng đảm lược. Hai tên còn đoán chắc, nếu nhà vua mang quân đi chống đỡ thì quân Tùy không có đất mà chôn. Vì vậy việc sửa soạn cho tết nguyên tiêu năm Trịnh Minh thứ 3 vẫn được tiến hành khẩn trương. Ngay đêm nguyên tiêu, khi các thuyền chiến trang hoàng rực rỡ, rẽ nước sông lướt qua hoa lâu, nơi Trần Hậu Chủ đang cùng với hoàng gia vương tôn ngồi thưởng ngoạn, chung quanh là hàng trăm mỹ nhân xinh đẹp như tiên nga uốn lượn, thân hình mềm mại đi lại thì biến chuyển bắt đầu xảy ra.

Trần Hậu Chủ đang cầm chum rượu, ôm Trương quý phi chỉ trỏ nơi này chỗ nọ, cùng nhau vui cười thì chợt có 1 viên tướng áo giáp trận còn vương bụi đường đột ngột ngay vào, miệng kêu lớn: "Nguy cấp! Nguy cấp! Thần là bộ tướng của thứ sử ở Hoành Giang xin được cấp báo chuyện quân tình!".

Hô xong, viên tướng này nhìn quanh 1 vòng, tỏ vẻ ngại ngùng, vì là chỗ đông người không tiện báo tin cơ mật. Trần Hậu Chủ tỏ vẻ là người độ lượng, cười nhạt rồi phán: "Nay trăm họ vui vẻ, người người hoan hỉ, bá quan đều là người trung thành với nước nhà, chẳng có chuyện quân cơ gì cần giấu giếm. Ngươi có tin gì thì cứ tâu thẳng ra đi, sao lại úp mở như vậy?".

Viên tướng thở mạnh mấy cái như để lấy lại tinh thần rồi rung giọng tâu: "Thần được thứ sử Hoành Giang sai ngày đêm vượt đường dài về kinh thành cấp báo, hôm qua quân Tùy đã huy động toàn bộ quân mã vượt sông!".

Trần Hậu Chủ cả kinh, đánh rơi cả chén rượu chưa uống, còn bá quan ai nấy đều ngẩn người ra; tiếng sinh phách nhã nhạc trong chớp mắt im bặt, chỉ còn tiếng reo hò hoan hô của dân chúng từ phía bến Tần Hoài vọng vào. Qua phút kinh hoảng, Trần Hậu Chủ vội cùng mấy đại thần trọng yếu vào sau hậu điện để nghe viên tướng tường trình cho rõ ràng. Thì ra Tấn vương Dương Quảng đã thám thính được việc Trần Hậu Chủ vẫn quyết định tổ chức tết nguyên tiêu cho toàn dân, quân Tùy nhân cơ hội lơi lỏng ấy chia thành 2 cánh vượt qua các sông ngăn chia làm biên giới. Các tướng Tùy là Hạ Nhược Bậc vượt qua sông Trường Giang uy hiếp Quảng Lăng, Hàng Cầm vượt qua sông uy hiếp Hoành Giang. Sau khi chiếm được 2 trấn, quân Tùy đã hợp binh tấn công Thái Thạch. Trần Hậu Chủ hỏi đến đâu tai mắt như mờ đi đến đấy, hết sức kinh hoảng vì quân Tùy tiến nhanh như gió thổi, nếu không kịp chống đỡ thì Kiến Nghiệp sẽ thành tro bụi.

Sau khi nghe báo là quân Tùy còn thừa thế chiếm cả Cô Tô, Tân Lâm thì Trần Hậu Chủ hầu như chết cứng cả người, run run phán hỏi: "Trẫm nghe quan trung thư báo rằng đã cho quân tướng bố phòng cẩn mật nơi Kinh Khẩu, chẳng lẽ quân Tùy lại hùng mạnh đến mức triệt hạ ngay được sao?".

Viên tướng Hoành Giang cúi đầu, thảm não nói: "Thần được biết, khi Hạ Nhược Bậc tấn công Kinh Khẩu thì chẳng có ai ở đó, tất cả đều về nhà vui chơi với vợ con, tất cả chiến thuyền đều được điều về kinh thành. Quân Tùy vượt qua bao giờ chẳng ai hay biết chứ đừng nói gì đến chống cự".

Trần Hậu Chủ qua phút kinh hãi đã lấy lại được sắc khí trên mặt, gật đầu nói: "Thôi, cho ngươi lui ra! Để trẫm cùng các đại thần bàn việc quân cơ. Ở Thái Thạch đã có Từ Tử Kiến trấn giữ, quân Tùy không thể ngày một ngày hai đánh chiếm được đâu".

Khi quân tướng bái tạ lui ra, Trần Hậu Chủ liền lệnh cho Thẩm Khách Khanh cấp tốc điều quân mấy trấn tiếp viện cho Thái Thạch; nếu trấn này giữ vững thì còn có thời gian huy động toàn quân bảo vệ kinh thành. Tiếc rằng trí óc Trần Hậu Chủ qua thời gian ăn chơi trụy lạc đã quá mòn mỏi, tính toán không đúng với sự thật.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro