Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

TÂY THI - MỸ NHÂN NỔI TIẾNG CỔ KIM (end)

Câu Tiễn cả mừng, lập tức chia quân theo 2 đường thủy, bộ, rầm rộ nhắm hướng kinh thành nước Ngô mà đi. Vì đường xá đã được Văn Chủng chú ý sửa sang kĩ càng, nên quân Việt tiến rất mau, chẳng mấy chốc đã bao vây kinh đô nước Ngô. Vì quân thiện chiến đã theo Phù Sai đi gần hết, quân Ngô mất tinh thần chiến đấu, ngay trận đầu đã đại bại; quân Việt thừa thắng giết chết Dương Tôn Dị Dung, còn thế tử Hữu hăng hái chống cự, bị trúng lên mấy mũi tên, biết có sống cũng chỉ mang nhục nên tự vẫn chết tại chiến trường. Dương Tử Địa hết sức kinh hoảng, 1 mặt đóng chặt cửa thành cố thủ, 1 mặt cấp tốc cho người phi báo với Phù Sai. Câu Tiễn mấy lần xua quân tiến chiếm nhưng đều thất bại, đành cho quân đi đốt phá các cung điện, đền đài ngoài thành. Cô Tô đài lửa đỏ rực trời mà hơn 1 tháng sau chưa tắt hẳn, đủ biết quy mô của nó hoành tráng như thế nào. Bao nhiêu tiền bạc, công sức mà Phù Sai đổ vào đó trở thành tro bụi. Thu vét được bao nhiêu tài vật, Câu Tiễn cho quân mang xuống thuyền theo đường Thái Hồ về nước. Mỗi ngày, hàng đoàn chiến thuyền tấp nập chở đầy của cải, khiến nước Ngô tuy giữ được mà chẳng còn chút tài vật nào. Đây cũng là chủ trương của Văn Chủng, bởi nếu quân Ngô về, thì ít nhất cũng mất hàng chục năm mới phục hồi lại được. Khi đó, quân nước Việt đã hùng hậu thêm nhiều, không còn ngán ngại gì nữa.

Khi ấy, ở Hoàng Trì, Phù Sai tính thực lực của nước Tấn sai lầm. Vì vậy 2 bên giao chiến ác liệt nhiều trận mà không sao phân được thắng bại. Còn đang lúng túng, chợt Phù Sai nghe tin quân nước Việt xâm lấn đến tận kinh đô thì rụng rời cả tay chân. Bá Hy lập tức chém chết quân báo tin, khiến Phù Sai kinh ngạc hỏi: "Sao ngươi lại làm vậy?".

Bá Hy bỏ kiếm xuống, tạ tội rồi thưa: "Sở dĩ tôi làm vậy, là vì không muốn tiết lộ quân tình. Hiện tại quân Tấn chưa biết việc nước Việt đánh phá, chúng ta phải lợi dụng cơ hội ngắn ngủi này mà kết thúc cuộc chiến mau mau, rút quân về nước cứu viện mới kịp!"

Phù Sai thở dài lo lắng hỏi: "Cứ theo tình hình thế này, muốn kết thúc là cả một việc khó khăn. Còn tự nhiên rút quân về, thì Tấn sẽ làm bá chủ, các như hầu đều theo. Sau này muốn lật ngược thế cờ còn khó hơn nữa. Tiến không được, lui không xong, ta chỉ trách mình không nghe lời Ngũ Viên mà thôi".

Bá Hy sợ Phù Sai nhắc tới Ngũ Viên rồi trách mắng mình bất tài, vội hiến kế: "Bây giờ chỉ còn mỗi cách vừa giương oai vừa nói khéo để nước Tấn cầu hòa. Đại vương lấy cớ quân hai nước đã cùng mệt mỏi, đưa thời hạn nội trong một ngày có ưng chịu hòa giải hay không thì trả lời ngay. Như vậy, nước Tấn không có thời gian tìm hiểu địch tình."

Bất đắc dĩ, Phù Sai phải nghe theo, dồn hết lực lượng đến gần đàn thề, thúc trống gõ chiêng vang trời dậy đất để phô trương thanh thế, 1 mặt cho người đưa điều kiện với Tấn Định Công, tỏ ra là mình đang có thế mạnh. Tiếc là trong triều nước Tấn có 1 đại thần tên Đổng Các, rất tinh minh mẫn tiệp. Thấy tự nhiên quân Ngô hành động 2 việc trái hẳn nhau thì tâu với nhà vua: "Có lẽ nội tình nước Ngô đang có xáo trộn, Phù Sai tiến không xong mà lui cũng chết nên mới giở trò vừa phô trương vừa cầu hòa".

Tấn Định Công suy nghĩ rồi hỏi lại: "Nếu vậy ta nên đánh hay nên hòa?"

Đổng Cáp thưa: "Đánh cũng khó mà giải quyết nổi trong thời gian ngắn, mà hòa thì mắc mưu bọn chúng. Hay nhất là Đại vương nhịn Phù Sai một bước, đồng thời cũng bắt hắn lui một bước, không được xưng vương làm bá chủ chư hầu nữa".

Tấn Định Công nghe theo, cho người nói với Phù Sai điều như vậy. Phù Sai quá bối rối vì chần chừ ngày nào đất nước tan nát ngày ấy, lập tức ưng thuận, ban bố chiếu thư xin làm Ngô công rồi cùng chư hầu hội thề, khi vừa xong, cấp tốc kéo quân về nước ngay. Phù Sai thấy đất nước điêu tàn, trong khi quân Việt sĩ khí hừng hực thì rất chán nản, sai Bá Hy sang quân doanh nước Việt cầu hòa. Câu Tiễn toan từ chối nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng đều khuyên: "Nay nước Ngô đã suy yếu cùng cực, hà cũng chẳng sao. Đánh hổ cũng không nên dồn vào đường cùng. Nếu Phù Sai bị chèn ép quá, tất phải vận dụng hết sức lực chống lại. Khi ấy chưa chắc chúng ta đã thắng được".

Câu Tiễn nghe theo, cùng Phù Sai kí hòa ước, thế nhưng hòa ước này chỉ được thời gian rất ngắn. Câu Tiễn dò xét, biết nước Ngô đã quá suy nhược thì liền bàn cùng Phạm Lãi và Văn Chủng tiến đánh lần nữa. quả nhiên, Phù Sai lấy hết tàn binh chống cự nhưng đều đại bại. Các tướng trụ cột như Tào Cô, Tư Môn Sào tử trận nên quân binh càng mất ý chí chiến đấu. Phù Sai đành nhịn nhục, sai Công Tôn Lạc làm sứ thần qua lại 7 lần mà Câu Tiễn nhất định không chịu, lại còn chỉnh đốn quân mã, quyết đánh 1 trận cuối cùng. 1 đêm khuya, Phạm Lãi và Văn Chủng còn đang ngủ, bỗng thấy Ngũ Viên khăn áo chỉnh tề, bước vào nói: "Số trời đã định nước Ngô bị tiêu diệt, các ngươi cứ kéo quân theo lối Đông Môn ắc sẽ thành công".

Giật mình tỉnh dậy, 2 người kể lại giấc mơ giống hệt nhau thì đều kinh ngạc, báo cho Câu Tiễn biết. Vua nước Việt liền thống lĩnh đại quân theo Đông Môn mà vào, bất ngờ đến nỗi Phù Sai không kịp ăn cơm, để bụng đói chạy ra Dương Sơn. Bá Hy thì mau lẹ đầu hàng để bảo toàn tính mạng. Nhưng Câu Tiễn chẳng dung kẻ phản bội, truyền xử trảm toàn gia. Phù Sai bị vây chặt ở Dương Sơn, không đường thoát thân nên lại chịu nhục bắn tên ra xin hàng. Ngờ đâu mối thù 10 năm làm trâu ngựa của Câu Tiễn chưa nguôi, nhà vua Câu Tiễn cũng cho bắn tên phúc đáp, hạch 6 tội lớn mà Phù Sai đã. Biết thế đã cùng, Phù Sai ngửa mặt lên trời, than dài: "Bởi vì ta không nghe lời Ngũ Tướng quốc nên mới ra nông nỗi này. Ta có chết cũng làm hại nước Ngô mất rồi!", nói xong dùng bảo kiếm đâm cổ tự vẫn.

Trước khi đó, Phù Sai lấy lụa che mặt lại, để khi xuống suối vàng không dám nhìn Ngũ Viên nữa. Câu Tiễn chiếm xong Dương Sơn, cho người mai táng Phù Sai ở đó theo nghi lễ công hầu rất tử tế. Khi rút quân về nước, Câu Tiễn đưa cả Tây Thi theo, nói với quần thần: "Tây Thi có công rất lớn trong việc làm suy yếu nước Ngô, nàng đã phải trải qua một thời gian bắt buộc phải yêu chiều Phù Sai, rất đáng ban thưởng. Vì vậy, ta định phong làm quý phi, tuy dưới ngôi hoàng hậu nhưng cũng được hưởng nhung lụa suốt đời. Các ngươi nghĩ sao?".

Quần thần đều ưng bằng lòng, nhưng Câu Tiễn chưa kịp tấn phong cho Tây Thi thì phu nhân nghe biết, nổi lòng ghen tuông, nghiến răng nói với tả hữu: "Tây Thi tuy có công thần, nhưng là loại yêu nữ ủy mị, chỉ trổ chút tài mê hoặc ra đã khiến Phù Sai mất mạng, nước Ngô tan tành. Nay để Tây Thi trong cung thì có khác gì chứa quỷ trong nhà. Dù Đại vương có tức giận, thì ta cũng phải ra tay trừ mối họa ngầm này mới được!".

Sau đó tự nhiên Tây Thi tích, không còn ai gặp nàng 1 lần nào nữa. nhiều người đồn rằng, Tây Thi đã bị Câu Tiễn phu nhân lén sai người bắt giữ, rồi buộc đá vào, ném xuống sông giết chết. Thế nhưng lại có người cho rằng, Phạm Lãi từ quan không được, cũng lén bỏ đi, đúng với thời gian Tây Thi mất tích, chắc chắn 2 người đã có tình ý với nhau từ khi mới ở Trữ La thôn về triều. Phạm Lãi vì đại sự mà nén lòng để Tây Thi sang làm vợ Phù Sai. Khi xin với Câu Tiễn từ quan không được, Phạm Lãi lo lắng thế nào tính mạng Tây Thi cũng khó bảo toàn dưới bàn tay ghen tuông của Câu Tiễn phu nhân, nên cùng nàng âm thầm xuống 1 chiếc thuyền con, theo lối Tề Nữ môn mà vào Ngũ Hồ.

Từ đó, đôi trai tài gái sắc ấy rong chơi bốn biển, lấy danh sơn thắng cảnh làm nhà, suốt đời hưởng thụ hạnh phúc thiên nhiên, không tiếc nuối gì công danh ngày trước. Mãi sau này, khi con cái đã lớn khôn, Phạm Lãi mới cùng gia đình sang nước Tề, đổi tên là Chi Di Tử Bì, được trọng dụng, phong làm Thượng khanh, con cái cũng đều có danh phận. sau đó, Phạm Lãi từ quan, về Đào Sơn ẩn dật, xưng là Đào Chu Công, viết cuốn sách "Trí phú kỳ thư" thì mọi người mới nhận ra, đó chính là vị anh hùng kiệt xuất đã phò tá Câu Tiễn từ lúc còn làm tôi tớ cho Phù Sai cho đến khi tiêu diệt xong nước Ngô. Riêng số phận Tây Thi thì không nghe nhắc tới, trở thành câu chuyện nổi tiếng muôn đời.

Trước khi bỏ đi, Phạm Lãi có khuyên Văn Chủng: "Tôi ở gần Câu Tiễn hơn ông, lại trải qua khoảng thời gian cực khổ, nhục nhã nhất cuộc đời, nên hiểu rất rõ tâm ý của nhà vua. Nhà vua chịu nhịn nhục rất giỏi, có chí lớn, nhưng lại đố kỵ người tài năng. Ông cũng như tôi, đều là người biết lẽ tiến thoái, mau lui về thì mới mong bảo toàn được mạng sống".

Văn Chủng xin được nhận ý tốt của Phạm Lãi, nhưng cho rằng người anh hùng thì phải tận lực cho quốc gia, dù có mất mạng cũng cam tâm. Phạm Lãi đành thở dài bỏ đi với Tây Thi như đã kể ở trên. Quả nhiên sau này, lòng đố kỵ của Câu Tiễn lên tới đỉnh điểm. Một lần kia chẳng báo trước, Câu Tiễn đi thẳng vào hỏi Văn Chủng: "Ta nghe rằng, ngươi là kẻ lắm mưu nhiều kế, chỉ mới ra tay nửa phần đã tiêu diệt được nước Ngô. Vậy bao giờ thì sử dụng hết những mưu kế ấy để đối phó với ta".

Nói xong, Câu Tiễn vứt thanh kiếm xuống đất, bỏ đi ngay. Văn Chủng nhìn lại, thì ra đó là thanh Chúc Lâu bảo kiếm, mà ngày trước Phù Sai đã ban cho Ngũ Viên tự xử. Văn Chủng liền cười sảng khoái, nói với tả hữu: "Ta chỉ là kẻ tôi thần tầm thường, nay được coi trọng ngang hàng với Ngũ Viên thì chết cũng không uổng một đời", nói xong Văn Chủng tự đâm cổ mà chết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro