DƯƠNG NGỌC HOÀN - MỸ NHÂN THIÊN CỔ HẬN TÌNH (p6)
An Lộc Sơn còn biết gia tộc họ Dương hiện nay nắm quyền thế lớn, nếu liên kết với họ thì lợi nhiều hơn hại. Vì vậy ngoài những phẩm vật dâng tặng hoàng đế, luôn luôn có những vật quý giá đắt tiền để kết giao với họ Dương. Huyền Tông biết chuyện này càng vui mừng, vì như vậy họ Dương dễ quen thuộc với chính sự, trợ giúp việc cai trị cho mình một tay. Khi An Lộc Sơn đã có vị thế vững vàng trong triều thì Dương Ngọc Hoàn cũng đã được phong làm Qúy phi. Phép tắc nhà Đường không cho các quan ngoại trấn được tham dự yến tiệc trong cung cấm, nhưng có 1 lần An Lộc Sơn về triều, mang theo nhiều lễ vật, nên cho hắn được cùng thái tử du ngoạn Ngự Uyển. Đêm hôm đó, Huyền Tông lại mở tiệc ăn mừng Dương quý phi thành thục 1 điệu múa mới hết sức mê hồn, gọi là "Khúc nghê thường vũ y". Khúc múa này do Tạ A Man sáng tác phỏng theo các hình vẽ tiên nữ múa hát cho Ngọc Hoàng thượng đế trên thượng giới. Dương quý phi lại gia thêm bằng những xiêm y tha thướt, yêu kiều, khi múa bóng xiêm y chập chờn huyền ảo làm tăng thêm nét gợi cảm của người múa. Chỉ một lần thưởng thức là không bao giờ quên nỗi.
Dương quý phi rất đắc ý với điệu "Nghê thường vũ y", tự mình đứng ra biểu diễn nên Huyền Tông đặc biệt cho mở yến tiệc để thêm phần long trọng. Lần đầu tiên nhìn thấy dung nhan của Dương quý phi, An Lộc Sơn đã sững người thán phục, hết lời tán tụng, cho là thiên tiên hạ giới chứ không phải phàm nhân. Huyền Tông cao hứng nói luôn: "Hôm nay ngươi quả là diễm phúc được xem thiên tiên múa khúc nghê thường vũ y mà chính trẫm cũng chưa thấy lần nào!".
An Lộc Sơn tuy đang mê đắm nhưng vẫn khôn ngoan, biết quỳ xuống tạ ơn. Huyền Tông hài lòng vô cùng, truyền cho sinh phách đàn địch nổi lên. Từ trong bức màn, Dương quý phi đẹp như tiên nga, chiếc áo dài mỏng manh tha thướt uốn lượn như cánh bướm chập chờn làm cho tấm thân thon thả càng thêm huyền ảo. Nàng múa đến đâu, cả Huyền Tông lẫn An Lộc Sơn đều chăm chú nhìn không chớp mắt đến đó, tâm hồn như bay bổng nơi chốn dao trì thượng cung. Rượu nồng thịt béo làm cho người của An Lộc Sơn nóng ran như lửa đốt, chân tay ngứa ngáy chẳng yên. Vốn là người Hồ, việc múa hát là thường tình, lại xúc động vì nhan sắc của Dương quý phi. An Lộc Sơn chẳng còn nghĩ gì đến lễ phép vua tôi, hắn theo bản năng thô phát của bộ tộc Hồ, bất ngờ nhảy ra uốn éo thân hình, múa cùng với Dương quý phi. Tuy An Lộc Sơn dùng điệu múa của người Hồ nhưng vô tình rất xứng hợp với vũ khúc nghê thường. Bóng 2 người uốn lượn như 2 con bướm vờn nhau, cực kì điêu luyện, đến mức Huyền Tông cũng phải quên đi sự vô lễ của hắn, thầm khen ngợi. Dương quý phi tính thích mê múa hát, thấy An Lộc Sơn trổ tài thì càng thích thú, uyển chuyển thân hình, bước đi nhẹ nhàng như cánh chim lượn cùng hắn biểu diễn cho đến khi kết thúc mới dừng lại. Khi cơn mộng đã tan, bao nhiêu thực tại trở về, An Lộc Sơn nhớ tới hành động bộc phát vô lễ của mình trước mặt Huyền Tông thì thoáng sợ hãi. Tuy nhiên, hắn là người gian xảo nên đầu óc xoay chuyển mau lẹ, nghĩ ra 1 diệu kế vẹn toàn. Hắn vội quỳ xuống xin nhận Dương quý phi làm nghĩa mẫu và nhận Huyền Tông làm nghĩa phụ. Việc bất ngờ này khiến Huyền Tông quên đi giận dữ vì sự vô lễ của A Lộc Sơn, càng tin tưởng là hắn trung thành với mình. Thật sự An Lộc Sơn chỉ giả vờ vậy thôi, trong lòng hắn không sao quên được cái ngày ấy, được cùng mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn sánh đôi ca múa.
Tham vọng chiếm đoạt giang sơn nhà Đường trước kia chỉ nhen nhúm, nay bùng phát dữ dội, bởi vì chiếm được nhà Đường tức là chiếm được cả mỹ nhân. Riêng Dương quý phi bản tính thích múa hát, từ trước đến nay chưa lần nào cùng với nam nhân biểu diễn, bất ngờ được thi thố cùng An Lộc Sơn thì trong lòng cũng có chút rung động. Từ đó trở đi, mỗi lần An Lộc Sơn về triều đều được nàng mời vào cung yến ẩm. An Lộc Sơn thấy Dương quý phi cũng có tình ý sâu đậm với mình thì tham vọng lại càng nung nấu, ngấm ngầm chiêu binh mãi mã, ráo riết luyện quân mã chờ ngày hành động.
Năm Thiên Bảo thứ 10, An Lộc Sơn trở về triều mở tiệc mừng sinh nhật, mời rất nhiều ca nữ đến giúp vui, mời cả Huyền Tông lẫn Dương quý phi. Nhà vua và Dương quý phi đáp lại, hôm sau mời An Lộc Sơn vào cung chiêu đãi. Dương quý phi lấy cớ bắt chước theo phong tục người Hồ, cùng An Lộc Sơn múa hát cho Huyền Tông thưởng thức. Hai người 1 lần nữa lại được sánh vai, công khai liếc mắt đưa tình mà Huyền Tông ngồi đó không hề hay biết. Dương Quốc Trung là người sắc bén, xuyên qua các sự việc đã nhận ra dã tâm của An Lộc Sơn, nhiều lần dâng tấu xin Huyền Tông hãy tước bớt binh quyền hoặc triệu hắn về kinh trao cho chức vụ gì đó, gọi là thăng cấp nhưng thật sự giam chân hắn ở kinh thành để dễ bề đề phòng. Tiếc rằng, Huyền Tông quá tin tưởng An Lộc Sơn, bao nhiêu sớ tấu của Dương Quốc Trung đều vứt bỏ, còn nói: "An Lộc Sơn là danh tướng trụ cột của triều đình, lại nhận ta là nghĩa phụ thì đời nào phản bội. Việc huy động quân mã nơi biên cương chẳng qua chỉ muốn tăng cường để trấn áp bọn người Hồ mà thôi!".
Dương Quốc Trung vẫn cố nài xin, bất đắc dĩ Huyền Tông phải sai 1 tên cận thần đi dò xét rồi về báo cáo sự thật ra sao.
Dưới sự nắm quyền của Lý Lâm Phủ, triều đình hết sức thối nát, người hiền bị chèn ép, kẻ nịnh hót được thăng chức nên khi hắn chết rồi tình hình cũng không thay đổi được bao nhiêu. Viên cận thần này cũng là 1 kẻ nhờ vào tiền bạc mà mua được quan chức và lòng tin cậy của nhà vua. Hắn ngông nghênh đi tra xét, ngựa xe rầm rộ nên An Lộc Sơn kịp thời di chuyển bớt quân mã, giấu bớt thực lực rồi đút lót cho hắn 1 số vàng bạc khá lớn. Vì vậy khi về triều, viên cận thần này tâu với Huyền Tông: "Thần đã được chứng kiến tận mắt Tiết độ sứ An Lộc Sơn chẳng có bao nhiêu quân mã. Người ta đồn rằng Tiết độ sứ cuồng ngạo quả thật không sai, nhưng đó là do bản chất của dân tộc Hồ quá thỏa mãn với chức vị nắm trong tay, không phái là do ý định phản bội triều đình".
Huyền Tông nghe vậy rất hài lòng, gọi Dương Quốc Trung vào trách mắng. Dương Quốc Trung vừa giận hoàng đế khờ dại vừa muốn lật mặt thật của An Lộc Sơn, nên quyết định 1 ván cờ quan trọng. Dương Quốc Trung không thèm tâu trước với Huyền Tông, 1 ngày kia đột ngột cho quân vây chặt phủ đệ của An Lộc Sơn ở kinh thành, xông vào tra xét tìm giấy tờ liên quan đến ý đồ phản bội triều đình. Bọn quân trung thành với An Lộc Sơn quyết chống trả đến cùng, không cho Dương Quốc Trung làm việc phi pháp, vì vậy xảy ra xung đột dữ dội, và tất cả quân của An Lộc Sơn đều bị Dương Quốc Trung giết sạch. Tuy vậy, kết quả Dương Quốc Trung cũng tìm được 1 số bằng chứng, vui mừng mang về cho Huyền Tông xem xét. Nghe tin này, An Lộc Sơn cả sợ, còn chưa biết ứng phó toan tính ra sao thì 1 bộ tướng là Sử Tư Minh liền hiến kế: "Nay thực lực của chúng ta khá mạnh, nhân cơ hội này có thể nêu khẩu hiệu trừng trị họ Dương loạn triều để tiến quân về Trường An, tùy cơ ứng biến. Nếu quân binh của triều đình còn hùng hậu thì ta cứ nói là trừ diệt gian thần chứ không có ý định phản bội. Ngược lại nếu thời cơ dễ dàng thì chiếm luôn ngai vàng lẫn mỹ nhân. Đó là cơ hội nhất cử lưỡng tiện mà Dương Quốc Trung dại dột tạo cho tướng quân vậy!"
An Lộc Sơn cũng đang nóng lòng muốn đoạt được giai nhân, lập tức nghe theo, tập trung hơn 15 vạn quân nhưng phô trương thanh thế là có tới 20 vạn, chớp nhoáng chiếm được toàn bộ các trấn Hà Bắc, vây hãm Lạc Dương. Cuộc nổi loạn này được sử sách ghi là "An – Sử loạn" nhưng vai chính là An Lộc Sơn, Sử Tư Minh chỉ theo thời, không đóng vai trò gì quan trọng.
Huyền Tông thuở thiếu thời là 1 trang anh hùng dũng mãnh nhưng trãi qua mấy chục năm ăn chơi hưởng lạc thì bao nhiêu ý chí đã cùn nhục, không còn đủ khả năng để chỉ huy quân đội. Trong khi ấy, Cao Lực Sĩ mang tiếng là Phiêu kỵ đại tướng quân mà suốt ngày quanh quẩn trong cung, giỏi nịnh hót, tìm đủ loại vui chơi cung phụng cho Huyền Tông và Dương quý phi hơn giỏi chiến trận. Còn Dương Quốc Trung về chính trị khá năng nổ, nhưng đối với trận mạc thì chưa từng xông pha bao giờ, dưới tay họ Dương toàn là bọn quần thần vô tài bất tướng, ngày thường thì hống hách kiêu ngạo, giờ thấy giặc đến thì hoảng hốt chạy về lo thu góp gia sản tìm đường thoát thân, chẳng nghĩ gì đến chống cự. Vì vậy, quân của An Lộc Sơn tiến như chẻ tre, chẳng bao lâu đã tới gần kinh đô. Huyền Tông mấy lần định ngự giá thân chinh nhưng Dương Quốc Trung biết nhà vua đã tuổi cao sức yếu, ra trận chỉ thiệt thân mà thôi nên hết lời can ngăn. Thêm vào đó, Dương quý phi và Cao Lực Sĩ cũng đồng thanh xin Huyền Tông đừng nóng nảy, tạm ẩn nhẫn cố thủ rồi sai các tướng ra chiến đấu thì mới mong bảo toàn được tính mạng. Huyền Tông đành nghe theo, hạ chiếu cho Ca Thư Hàn bằng mọi cách phải trấn thủ ải Đồng Quan, đồng thời triệu lão tướng Quách Tử Nghi ra chỉ huy đại quân phản công. Thoạt đầu các tướng ở Hà Bắc bị bất ngờ nên đều thất bại, sau đó nghe tin triều đình cử Quách Tử Nghi làm đại tướng thì hết sức vui mừng, gom góp tàn quân liên kết lại thành 1 lực lượng đáng kể. Ca Thư Hàn cũng không phụ lòng Huyền Tông, kiên cường gìn giữ ải Đồng Quan đứng vững, cùng lúc với Quách Tử Nghi đưa quân lên phía bắc khiến cho An Lộc Sơn dần dần lâm vào cảnh tiến thoái đều không xong. Hắn bèn đóng quân ở Lạc Dương, tự xưng là Đại Yên hoàng đế, đổi niên hiệu là Thánh Võ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro