thanhmt
Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta (năm 1858), với tinh thần yêu nước nồng nàn, bất chấp chủ trương đầu hàng của triều đình phong kiến, nhân dân cả nước đã vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Chúng đã vấp phải một phong trào đấu tranh quyết liệt và kéo dài, hễ phong trào này bị dập tắt thì phong trào khác lại tiếp tục, không hề ngơi nghỉ, đúng như lời tuyên bố đanh thép của Nguyễn Trung Trực trước giờ xử tử: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". Phong trào Cần Vương (phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến do giai cấp phong kiến lãnh đạo) đã chấm dứt ở cuối thế kỷ XIX với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng vào năm 1896. Sang đầu thế kỷ XX, khuynh hướng này không còn là khuynh hướng tiêu biểu nữa. Phong trào nông dân, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài mấy chục năm cũng thất bại vào năm 1913. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Trong bản hồi ký cuối đời, Phan Bội Châu viết: "Than ôi! Cuộc đời của tôi là một trăm thất bại mà không một thành công". Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thất bại.
Thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đã nói lên một sự thật: Con đường dân chủ tư sản cũng không cứu được nước. Ở nước thuộc địa, nửa phong kiến Việt Nam, giai cấp tư sản dân tộc có vai trò nhất định trong sự nghiệp cứu nước, nhưng họ chỉ có thể phát huy vai trò đó với sự giúp đỡ của Đảng, của giai cấp công nhân.
Các phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự nối tiếp truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam bị khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước. Việc tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng là nhu cầu nóng bỏng nhất của dân tộc ta lúc bấy giờ.
* Mở ra bước ngoặt mới cho cách mạng Việt Nam
Giữa lúc dân tộc ta đang đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa. Sau khi đọc Đề cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta. Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, không những Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, mà còn đánh dấu bước chuyển quan trọng của con đường giải phóng dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Từ đây, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, Nguyễn Ái Quốc xúc tiến truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị các bước đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có Cương lĩnh chính trị xác định con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản. Đây chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho dân tộc ta. Chính con đường này là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này. Đánh giá về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng" (*).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro