Viết cho mình ở tuổi 20 (trang 7-19)
Bên tay đặt một tấm ảnh của bạn. Bạn của năm thứ 2 Đại học, 20 tuổi. Một chiếc áo len màu nâu nhạt, một chiếc quần bò, một đôi giày Canvas, tóc tai trong không ra kiểu nào, nụ cười ngờ nghệch. Tôi còn nhớ buổi sáng tinh mơ hôm đó, bạn cảm thấy đau đầu vì chuyện nên mặc gì. Cuối cùng do không có thời gian bèn mặc bừa một bộ, tôi của mười năm sau xem lại, không ngờ cũng thanh tân ra phết.
Giờ đây xem ra, một vài phối hợp mà bạn tính toán chi li thực hiện lúc đó thường hay kết thúc bằng thất bại, trong khi trang phục tùy ý khoát vào ngược lại có vẻ giống bạn. Đương nhiên, bạn của hồi đó không hiểu rõ, mà nếu chẳng có sự thất bại hết lần này đến lần khác của bạn thuở ấy thì có lẽ tôi của hôm nay vẫn đang mải miết đi trên con đường cũ đến cùng.
Tôi nhớ bạn thời 20 tuổi rất đỗi nôn nóng, khi các anh em ở kí túc xá đều đang tán gẫu, chuẩn bị đi chơi game thâu đêm, ngoài mặt bạn nhảy nhót reo mừng , nhưng trong lòng luôn hỏi bản thân một vấn đề: Ban đầu mình khó khăn lắm mới thi đỗ vào Đại học, sau bốn năm, mình nên ra trường thế nào? Dưới núi Nhạc Lộc, đầu cồn Quất Tử, trên bến Tình nhân, bạn cũng trà trộn trong đám đông, khi ngắm từng khuôn mặt tương tự, nỗi lo lắng lớn nhất trong lòng bạn là: Lẽ nào họ đều biết tương lai sẽ đi đâu? Vì sao chỉ có mình ngốc như thế?
Ngốc đến nỗi không có tiền mua máy vi tính, chỉ có thế dùng giấy nháp viết nhật kí hết lần này đến lần khác. Bởi vì không biết nên viết gì, do đó dù viết sai một chữ cũng viết lại cả trang, nét chữ không đẹp lên chút nào mà còn tốn không ít giấy. Nhìn từng xấp từng xấp bản thảo và những bài chưa bao giờ được đăng, trong lòng lại chẳng có mảy may băn khoăn chỉ tự nhủ: Ồ, tối hôm qua lại viết được sáu trang rồi nhỉ!
" Nếu một ngày kia mày thực sự trở thành nhà văn lớn, thì đống giấy viết bản thảo này quả là đáng tiền rồi" - Đây gần như là thời điểm vui vẻ nhất của bạn mỗi ngày.
Lúc đó rất nhiều tòa soạn tạp chí cực kì tôn trọng tác giả, nên bạn thường xuyên nhận được thư trả bản thảo, trong thư viết những lời tương tự nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Chẳng qua là cảm ơn sự ủng hộ và tham gia của bạn, có điều đề tài lựa chọn và văn phong của bạn không phù hợp lắm với tạp chí của họ, mong bạn tiếp tục quan tâm. Bạn giữ lại từng lá thư trả bản thảo này, một phần nguyên nhân rất lớn là trên những thư gửi đến đó đều in tên của các tòa soạn, thi thoảng khi mở ra xem, bạn cứ tưởng tượng đây là thông báo duyệt bản thảo. Đôi lúc bạn cũng lấy ra những lá thư này trước mặt người khác, để họ tưởng rằng bạn và rất nhiều biên tập viên qua lại hòa hợp. Haizz, bạn của lúc đó sống không chút sợ hãi mà lại quá cẩn thận dè dặt, bất kì một sự thay đổi nhỏ nhoi nào cũng sẽ khiến bạn cảm thấy tự hào, ví như: "Không ngờ biên tập viên đó lại đích thân viết thư hồi âm từ chối mình, mình đã có được phương thức liên hệ và tên của đối phương rồi."
Viết đến đây thật ra tôi rất muốn nói với bạn: Tuy trong mắt người ngoài bạn rất hai lúa, nhưng rất cảm ơn phương thức ứng xử không biết xấu hổ đó của bạn đã giúp tôi một mạch đi đến hôm nay, không bao giờ sợ hãy.
Cuối cùng, bài viết đầu tiên của bạn đã được đăng, nhuận bút là 30 đồng. Đương nhiên bạn không lĩnh tiền mà gấp gọn tờ giấy báo nhận nhuận bút lại, bỏ trong ví, để cho mọi người có thể chiêm ngưỡng bất cứ lúc nào, sau đó giả vờ hết sức lơ đãng bảo: "Ôi chao, khoản nhuận bút này vẫn chưa kịp lĩnh nhỉ.". Mãi đến khi giấy báo nhận nhuận bút quá hạn, bạn mới cất giữ nó thật kĩ, chưa bao giờ có ý nghĩ lĩnh tiền.
Vì khoản nhuận bút 30 đồng này, trước sau bạn phải tiêu khoảng 200 đồng để mời bạn bè ăn cơm chúc mừng. Sự hết mình vì một việc nào đó của một số người là vì cuộc sống, còn sự hết mình của bạn vào lúc đó là để chứng minh bạn có thể.
Bạn vốn lớn lên ở bệnh viện, giấu bố ghi danh vào khoa Ngữ Văn của Đại học Sư phạm, đến nỗi bạn và bố gần hai năm trời không nói chuyện, gần như tuyệt giao. Mãi đến khi Vi diệu - bài viết về bố đầu tiên được ấn hành của bạn đăng trên tạp san tỉnh, bố bạn đọc được. Lần đầu tiên ông lái xe chủ động đến trường tìm bạn, mời bạn ăn cơm. Trên đường đến gặp bố, bạn mang theo bản thảo cuốn tiểu thuyết hơn 170 trang lấy tựa đề là Giết chóc, hiện giờ tôi đã quên mất nội dung câu chuyện, vì nó chưa từng được ra sách, thậm chí ban đầu khi viết nó bạn không nghĩ là sẽ ra sách. Tôi nhớ câu đầu tiên bạn nói với bố là: Bố ơi, bố xem, bây giờ con có thể viết nhiều từng này.
Điều mà bố bạn luôn lo lắng chính là sau khi tốt nghiệp Đại học bạn không tìm được việc làm, lo bạn không có bất cứ vốn liếng nào có thể đem ra khoe khoang, lo bạn ngay cả bản thân mình là ai cũng không biết. Vậy mà lúc đó bạn không cầm bài viết được đăng nói với bố: Bố ơi, bố xem bài viết của con được đăng này, trình độ của con khá cao rồi.
Bạn thậm chí không hề nhắc đến bài viết được đăng đó, bạn cầm sấp bản thảo nói: Bố xem này, con viết được lắm. Con đã viết hơn hai tháng, ngày nào cũng viết, không thấy mệt mỏi chút nào, cũng không phải là bài tập mà thầy cô ra. Nói mãi nói mãi, mắt bạn liền đỏ hoe, bạn biết mình luôn khiến bố mẹ không yên lòng, khi chưa có khả năng, bạn chỉ có thể chứng minh mình không sợ khổ, mà rốt cuộc họ cũng lần đầu tiên tin rằng bạn không sợ khổ như thế thật.
Bạn đã học được cách nói: "Tôi rất tốt".
"Tôi rất tốt" không phải là nói cuối cùng bạn đã chịu đựng được đến cái ngày có tiền, có bạn bè, có người chăm sóc; mà là cuối cùng bạn có thể quen nếp với những ngày không tiền, không bạn bè, không ai chăm sóc đó. "Tôi rất tốt" là nói cho họ biết rằng bạn càng ngày càng có thể chấp nhận thực tế chứ không phải càng ngày càng thực tế. Tôi không yếu đuối như mọi người nghĩ, rời xa mọi người, tôi vẫn có thể sống rất tốt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro