Chương 2
"Tôi gửi tâm tình vào nắng, cậu lại nói cậu thích mưa..."
Tuấn Phong ấm áp, tôi qua loa. Tuấn Phong ôn hoà, tôi hậu đậu. Trái đấy này cực nam và cực bắc không có khái niệm giao nhau? Tôi với cậu nói đúng ra cũng là như thế!
Tôi gặp cậu ở nhà ăn. Hí hửng chạy tới chỗ cậu với nguyện vọng ngồi cùng một bàn ăn chung một bữa cơm, sau đó tôi hắt xì cả buổi phải trốn ở phòng y tế vì Tuấn Phong thích ăn tiêu còn tôi thì sống chết dị ứng. Hoặc có lần cậu đưa tôi về nhà sau buổi luyện đề buổi tối ở trường, nổi hứng thế nào tôi lại đồng ý cùng cậu tản bộ. Đi một vòng quanh bờ hồ, tối hôm đó tôi liền có cảm giác không bao giờ muốn đi lại. Tuổi trẻ nên cố chấp một lần, nhưng không ngờ...tôi lại cố chấp "gần" hết cả thanh xuân ấy!
Sau câu chuyện khách sáo lần đầu chúng tôi vô tình chạm mặt. Lần gặp lại này, Tuấn Phong ngồi bên cạnh tôi. Ngồi cả buổi tạo dựng một câu chuyện nào đó để tiếp cận "cực phẩm". Tôi nghĩ chưa ra, Tuấn Phong lại lên trước tiếng trước: "Cậu có vẻ bất cẩn". Tôi cười nhăn nhở: "Đúng là có chút bất cẩn, chúng ta lại gặp nhau rồi". Nếu dừng lại ở đó, tôi cũng miễn cưỡng coi như cậu tiếp cận tôi trước. Nhưng vế sau: "Áo dài của cậu bị rách rồi". Tuấn Phong nhỏ tiếng.
Tôi nghe không rõ nên hỏi lại: "Hả?".
Cậu chỉ tay vào cái tà áo dài bị xẻ một đường. Ấn tượng để lại cho Tuấn Phong có vẻ sâu sắc hơi thái quá, tôi nhớ lần ấy phải mặc áo thể dục của cậu về nhà.
Buổi học đầu tiên không xuôn xẻ. Tôi "bay" về nhà, lập tức "phi" vào phòng kê ngay cái bàn ra ban công. Đặt một quả táo, một cốc nước và bắt đầu đốt nhang. Thủ tục kiểu này tôi làm thường xuyên như cúng rằm hàng tháng.
Mùi nhang, khói bay khắp phòng khiến tôi chảy nước mắt. Tôi lẩm bẩm trong miệng mấy câu hay nghe trên phim, hai tay chắp lại khấn vái liên tục: "Thiên linh linh địa linh linh". Cái này tôi gọi là "đuổi tà", so phần đen đủi tôi mạnh dạn đứng hạng bậc thầy. Một buổi đầu thanh xuân kí ức nào cũng thấy khó quên.
Ông anh trời đánh sống 1/4 đời người vẫn chưa biết lịch sự, cứ thể mở cửa ngang nhiên đi vào, vỗ vai tôi cái bộp: "Này cô gái, anh có một món quà". Câu lảm nhảm của lão tôi không thèm để tâm.
Việc gì cũng phải có đầu có cuối mới thấy tác dụng, tôi tiếp tục với công việc trước mắt: "Thiên linh linh địa linh linh".
Gia Luân không bỏ qua, gõ một cái vào đầu làm tôi đau điếng: "Này. Quà, không thích à?"
Tôi quay người lườm, hai tay lão giấu sau lưng có vẻ bí mật, tôi hoài nghi: "Là quà cho em?".
"Một vé đi bệnh viện tâm thần trung ương". Gia Luân nói rồi tự cười ha hả.
Nhiều lúc tôi cũng tự nghi ngờ mối quan hệ huyết thống với Gia Luân "yêu nghiệt". Hai anh em tôi giống như nam chân cùng cực đến gần là nhất quyết đẩy nhau.
"Không thèm, anh đi đi. Mau đi". Tôi đẩy Gia Luân ra ngoài trên tay vẫn cầm nén nhang. Dĩ nhiên anh tôi nào có chịu thua ngay. Cứ chạy loanh quanh trong phòng tôi với lão bất đắc dĩ chơi trò mèo đuổi chuột mệt muốn đứt hơi.
Thi thoảng Gia Luân lại bảo: "Không tin được mày là em gái anh đấy". Tôi cũng không tin, có thể là đầu thai nhầm kiếp?
Tôi hầm hực xô Gia Luân ra cửa. Cái miệng lão ngoác ra cười như được mùa.
Nếu khu phố quanh đây tìm chân dung một người đàn ông trẻ tuổi, hăng hái khua môi múa mép cho cái ban loa phóng thanh. Tôi bảo đảm dành thời gian dẫn Gia Luân đi ứng cử! Lão lại le te đi mách mẫu thân đại nhân chuyện tôi "lập đàn".
"Mẹ ơi, con nhỏ định đốt nhà. Mẹ...". Tôi buông ngay nén nhang lấy tay bịt miệng lão. Một nén nhang "phóng đại hoá" thế nào lão lại dám nói là đốt nhà?
"Anh điên rồi hả?". Tôi gằn giọng.
Gia Luân vẫn cười toe dù miệng đang bị lấp kín, còn ngoan cố hét thêm mấy câu: "Mẹ ơi, lên mà xem". Tôi cũng...quen rồi!
Bằng tuổi anh tôi, người ta lấy vợ sinh con gia đình êm ấm. Còn đây, vẫn ngày ngày cạnh khoé với em gái mới hả dạ.
Có lần tôi đứng trên ban công hóng gió, gió thổi mạnh đến nỗi cửa ra vào vô tình bị khoá. Tôi vốn giỏi leo trèo, liền trèo xuống nhà lấy chìa khoá sau đó Gia Luân kéo mẫu thân đại nhân đến xem nói tôi đi chơi đêm chèo cổng về nhà, nghe có vẻ không logic? Nhưng nghĩ thế nào mẹ tôi lại tin. Mấy ngày sau, tôi không được bước chân ra khỏi phòng vào buổi tối.
Mỗi lần hai anh em chạnh choẹ mẹ tôi lại hỏi: "Hai đứa bao nhiêu tuổi? Tối ngày cãi cọ còn ra thể thống gì?"
Tôi: "Con 16 tuổi"
Gia Luân: "Con hơn nó 4 tuổi".
Câu chuyện cũng kết thúc ở đó và chúng tôi vẫn cãi cọ tối ngày.
Mấy hôm sau, đến trường mọi thứ có vẻ quen thuộc với tôi hơn. Ít nhất, tôi không phải xách cặp lang thang khắp các dãy hành lang tìm tên lớp như lần trước. Ngồi ở nhà ăn, tôi khoe chiến tích được trời trao "cực phẩm" với Ánh Dương. Tôi lơ lửng kể về cậu, nghe xong con nhỏ không phản ứng gì uống hết cốc nước làm mặt thờ ơ: "Ấu trĩ. Trên đời ai mà không có khuyết điểm". Tôi gật gù, khuyết điểm của Tuấn Phong có lẽ là "không có khuyết điểm".
Tôi lại kể thêm một tràng dài, con nhỏ chê tôi lắm chuyện liền bỏ đi sau đó còn nói: "Nếu sau này trước mặt tao còn kể chuyện đám đàn ông thì chúng ta tuyệt giao". Tôi ngớ người không hiểu nhỏ nổi giận cái gì?
Nhỏ bảo: "Không thích nghe chuyện đồng loại". Tôi cười nắc nẻ, người ngoài không biết lại ngộ nhận chúng tôi là "bách hợp".
Tối hôm đó trời trở gió, Gia Luân cũng thuận theo trời nổi hứng đưa tôi đi ăn. Tôi một mực đòi ăn kem lão lại đòi đi ăn lẩu.
Tôi bảo: "Anh phát hoả đấy à? Nóng đến thế này còn muốn ăn lẩu?"
Lão khoanh tay ra vẻ: "Trẻ trâu à mà còn dắt nhau đi ăn kem?".
Sau đó "công bằng hoá" bằng cách oẳn tù tì. Kết quả tôi thắng, Gia Luân lại được dịp "tự vả". Tôi giữ khư khư cái thẻ tín dụng, phòng trường hợp lão lại lên cơn chơi mấy trò quái gở thì tôi cũng bó tay.
Tôi cầm menu lướt qua một lượt đã thấy cổ họng man mát: "Cái này, cái này, cái này, cái này nữa mỗi cái hai phần".
Gia Luân tiếc tiền nghiến răng ken két: "Nhất định không có lần sau"
"Vậy thì em phải ăn nhiều chút mới được".
Nhìn mấy cái hộp nhựa, cốc thuỷ tinh, giấy ăn, vỏ bao nilong trên bàn y như bãi chiến trường. Gia Luân nuốt nước bọt: "Mày coi đây là lần cuối cùng được ăn trong đời thật đấy à?".
Tôi vẫn ăn, lười biếng ngừng lại gật đầu nhún vai: "Anh nói vậy mà".
Người tính không bằng trời tính, "lần cuối cùng được ăn" tôi lại trùng hợp gặp Tuấn Phong. Nhìn thấy cậu tôi vội gom mấy cái bao nilong bỏ xuống thùng rác, nhưng hiện trường không khá hơn là bao. Cậu đi tới, cùng Gia Luân hoàn thành thủ tục chào hỏi, dây dưa với lão tôi biết chẳng có chuyện tốt lành gì. Gia Luân quay sang tôi cười tủm tỉm, nói: "Hạ Ân ăn chưa no đâu, chúng ta gọi thêm món".
Tôi vội xua tay chữa cháy: "Cậu đừng nghe anh ấy nói bừa".
Tuấn Phong liếc mắt vòng quanh bãi chiến trường, cười: "Cậu ăn nhiều thật đấy".
Tôi nghe tim mình bị đá cái thình, ai nghĩ được cậu lại thẳng thắn đến mức này.
Gia Luân được dịp ném đá tích cực: "Chút này có là gì".
Mặt tôi tối sầm tiện chân dưới gầm bàn đá cho lão một cái vẫn không bõ tức. Hình tượng của tôi trong mắt cậu, lại bị huỷ hoại lần thứ hai như thế! Những câu chuyện tiếp theo, tôi đóng vai trò là cái bóng đèn. Hai người đàn ông lần đầu gặp mặt "tám" rôm rả đưa qua đẩy lại không ngừng miệng giây nào. Gia Luân tìm được "cạ cứng" sống chết ngồi lì, khó khăn lắm tôi mới nhổ được lão ra về. Tôi ngượng ngùng vẫy tay với cậu: "Mai gặp lại". Tuấn Phong cười gật đầu.
"Cậu ta là bác sĩ tâm thần à?". Tôi và Gia Luân vừa về đến nhà.
"Anh mới là bác sĩ tâm thần"
"Anh thì đúng rồi". Gia Luân tỉnh bơ đáp: "Chứ làm gì mày sợ giữ vậy?".
Đó có lẽ là loại cảm giác bối rối, mỗi lần chạm mặt cậu tôi không có lần nào chuẩn bị được tinh thần.
Tôi chối bay chối biến: "Ăn nói lung tung"
"Mày nhìn người ta như muốn ăn tươi nuốt sống, trúng tiếng sét ái tình rồi chứ gì?".
Quả thật, tôi trúng tiếng sét ái tình giữa ban ngày. Đánh mạnh đến nỗi đen đủi đầy người, ấn tượng tốt đẹp nào cũng không có. Sét đánh phải tôi mà không lây được chút nào sang cậu. Tuấn Phong vẫn nhìn tôi bằng hai mắt như nhìn bao sự vật trên đời, đừng nói quãng thời gian sau này tôi lại phải đơn phương?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro