Đăng U Châu đài ca
Đăng U Châu đài ca - Trần Tử Ngang
Phiên âm:
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Ðộc sảng nhiên nhi thế hạ.
Dịch thơ:
Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.
(Trần Trọng San dịch)
Trần Tử Ngang (661 - 702) là nhà thơ có địa vị trọng yếu trên thi đàn thời Sơ Đường. Ảnh hưởng của ông rất lớn đối với thi ca thời Thịnh Ðường cũng như phong trào vận động cổ văn thời Trung Ðường. Ông có tên tự là Bá Ngọc, người đất Xạ Hồng, phủ Từ Châu (hiện là tỉnh Tứ Xuyên ). Ông đậu tiến sĩ lúc 24 tuổi năm 684 (đời Đường Trung Tông) làm đại quan trong triều Võ Tắc Thiên với chức Lan đài chính tự sau đó đổi làm chức Tả thập di.
Phong cách thơ của ông xuất chúng, ngụ ý sâu xa. Trần Tử Ngang thời niên thiếu gia đình tương đối giàu có, coi nhẹ tiền bạc, khẳng khái. Sau khi trưởng thành, ông quyết tâm học, giỏi viết văn; đồng thời quan tâm quốc sự , quyết lập công tích về chính trị. Ông thường dâng sớ điều trần về đại kế quốc gia nhưng không được Vũ hậu nghe theo. Vũ hậu là người mưu lược, cương nghị, quyền biến, tâm cơ. Bà không từ một thủ đoạn nào để mua chuộc, lôi kéo hoặc thẳng tay triệt hạ những người tài giỏi thuộc vây cánh của đối phương nhằm thâu tóm quyền lực, Dưới thời của bà những người tài không thuộc bè phái thường bị nguy hiểm.
Trần Tử Ngang khẳng khái, không sợ bức hại, nhiều lần trình tấu, khuyên can. Võ Tắc Thiên lập kế hoạch mở con đường Thục Sơn Kinh Nha Châu công kích dân tộc Sinh Khương, ông đã trình tấu phản đối, chủ trương an cư lạc nghiệp. Nhân việc Vũ Du Nghi phụng mệnh đi đánh Khiết Ðan, ông xin ra làm tham mưu. Vũ Du Nghi không nghe kế ông nên bị bại trận. Ông từ quan trở về quê cũ nhưng vẫn bị bọn tiểu nhân vu tội bắt giam và chết trong ngục.
Trần Tử Ngang có giai thoại nổi tiếng về việc đập đàn. Lần đầu tiên đến Trường An, ông không được một ai biết đến. Ông liền bỏ ra một ngàn quan tiền, mua một cây đàn hồ cầm rất quí, rồi mời mọi người đến dự tiệc, nghe nhạc.
Khi mọi người tề tựu đông đủ và háo hức chờ nghe nhạc. Ông đứng lên nói: Tôi là Trần Tử Ngang người đất Thục, có trăm quyển văn, rong ruổi kinh sư, mà địa vị vẫn tầm thường giữa nơi bụi bậm, không ai biết đến. Nhạc này là của kẻ thợ hèn đâu đáng lưu tâm?
Nói đoạn ông đập tan cây đàn trước sự sững sờ, kinh ngạc của nhiều người. Kế đó, ông đem các cuốn văn ra tặng cho cử tọa. Trong một ngày danh tiếng của ông chấn động khắp kinh thành, mọi người ai cũng biết tiếng.
Năm 24 tuổi, Trần Tử Ngang với văn tài xuất chúng đã thi đậu tiến sĩ và được Võ hậu nể phục tài năng. Luận về thơ,ông nói: "Làm thơ là để gởi tấm lòng vào thiên cổ chứ đâu phải để lưu danh nhất thời".
Quả nhiên, những tuyệt phẩm thơ của Trần Tử Ngang mười ba thế kỷ sau, đến nay vẫn còn tốn hao giấy mực của nhiều người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro