Chương 33
Chương 33: Torino (10)
***
Tối hôm đó, Tạ Lan Sinh và Sân Dã đến một nhà hàng ăn mỳ Ý, mua một vài món đồ lưu niệm nho nhỏ cho Âu Dương Nam Nam và Sầm Thần. Tạ Lan Sinh rất chiều Âu Dương Nam Nam, luôn mong muốn cô được vui vẻ, vì vậy đã mua một đống đồ lặt vặt, khiến ảnh đế cứ "hừ" mãi. Vốn dĩ anh định mua đồ lưu niệm AC Milan cho Sầm Thần, không ngờ Torino lại không bán, vì thế anh mua của đối thủ không đội trời chung của AC Milan là Juventus.
Khoảng nửa đêm, bọn họ ngồi máy bay rời khỏi thành phố này. Tạ Lan Sinh bám vào khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài,vô cùng cảm khái. Bấy giờ tuyết đã ngừng rơi, tòa tháp Antonelliana hiện lên rõ mồn một. Ánh đèn từ muôn nhà lấp lánh xung quanh nó, thỉnh thoảng, dòng xe cộ như lũ lụt chạy ngang con đường huyết mạch của thành phố. Và dãy núi Alps phủ tuyết vẫn lặng im đừng sừng sững phía xa.
Tạ Lan Sinh thầm nói trong lòng: "Bye bye Torino."
Máy bay bay càng lúc càng cao, Torino, cuối cùng khuất khỏi tầm mắt.
***
Sau hai ngày bay vất vả, cuối cùng Tạ Lan Sinh và Sân Dã cũng đặt chân đến sân bay thủ đô trong tình trạng vô cùng mệt mỏi. May sao, bọn họ có thể lập tức trở về nhà và ngủ một giấc no nê.
Tại điểm nhập cảnh, Tạ Lan Sinh đưa hộ chiếu đỏ của mình ra, người đàn ông phía Trung Quốc nhìn anh hết lần này đến lần khác, như đang xác nhận điều gì.
Tạ Lan Sinh: ???
Đã xảy ra chuyện gì ư?
Kỳ thực anh khá căng thẳng khi trở về Trung Quốc sau "đại náo thiên cung", không biết ngoài "cấm quay phim tám năm ra" thì còn điều gì mới nữa không.
Lẽ nào, lẽ nào, anh thầm nghĩ, cấm anh nhập cảnh vào Trung Quốc? Không thể nào? Anh là công dân Trung Quốc đàng hoàng, anh còn đi đâu được nữa? Chậc, ở lại sân bay sống qua hết kiếp này ư?
Một lúc lâu sau, người đàn ông kiểm tra nhập cảnh gật đầu với Tạ Lan Sinh:
– Được rồi, vào đi.
– Hả, cảm ơn.
Tạ Lan Sinh thở phào một hơi: Xem ra anh nghĩ hơi nhiều.
Anh xòe bàn tay ra, đặt lên bàn, chờ đợi anh ta trả hộ chiếu cho mình. Nhưng chẳng ngờ đối phương lại khép hộ chiếu của anh vào, đặt ở một góc bàn, gọi cảnh sát sân bay đến chờ ở một bên mới ngẩng đầu lên nhìn Tạ Lan Sinh, chậm rãi nói:
– Vào đi, anh có thể về nhà. Song, quyển hộ chiếu này sẽ bị tịch thu.
– Tịch thu ư?- Tạ Lan Sinh chưa kịp phản ứng, đứng ngây ra tại chỗ.
Thái độ của đối phương rất tốt, còn giải thích thêm với Tạ Lan Sinh:
– Quyển hộ chiếu này bị tịch thu. Muốn ra nước ngoài thì phải xin lại.
– ....
Đến đây, cuối cùng thì Tạ Lan Sinh cũng hiểu.
Hộ chiếu của anh coi như bỏ.
Biết rằng chẳng còn xin xỏ gì được hải quan nữa, Tạ Lan Sinh đành gật đầu, nói:
– Vâng, cảm ơn, làm phiền anh quá.
Anh bàng hoàng, bối rối, bước đi theo bản năng, còn quên xách theo hành lý. Cuối cùng Sân Dã đi theo sau phải giúp anh mang vào.
Tạ Lan Sinh chưa từng nghĩ đến việc hộ chiếu của mình sẽ bị tịch thu, nói cách khác, sau này anh không thể ra nước ngoài được nữa.
Sau khi bị cấm, anh vẫn định sẽ tiếp tục quay phim, anh cảm thấy cùng lắm thì bị cấm hết lần này đến lần khác, cuối cùng lặp đi lặp lại trong vô tận, cộng dồn có thể lên đến bảy, tám mươi năm.
Nhưng bây giờ... không thể ra nước ngoài.
Vậy còn tham gia liên hoan phim thế nào được nữa đây? Bán bản quyền thế nào được nữa đây?
"Bén rễ" kiếm được 405.000 tệ, chỉ đủ quay được một bộ nữa mà thôi.
Sau đó thì sao?
Sân Dã nhận thấy Tạ Lan Sinh đang hoang mang bèn an ủi:
– Không sao đâu, không ảnh hưởng gì hết. Tôi có thể tham gia liên hoan phim, cũng có thể đi đàm phán bản quyền.
– Ừm...
Tạ Lan Sinh không để trong lòng những lời Sân Dã nói. Sân Dã chỉ là bạn bè, đâu thể lo lắng cho mình đến mức độ ấy được. Tuy nhiên, ít nhất Sân Dã đã đúng một điều, tuy rằng anh không thể tự ra nước ngoài nhưng có thể nhờ người khác ra nước ngoài hộ. Chẳng qua việc nhờ người khác ra nước ngoài bàn chuyện bán bản quyền có nguy cơ rất lớn. Bởi vì người có tâm với một tác phẩm điện ảnh nhất vẫn là đạo diễn của nó, người hiểu biết về tác phẩm nhất cũng chỉ có đạo diễn, bất kể xét về mặt thái độ hay kỹ năng thì đạo diễn là người thích hợp nhất. Hơn nữa, qua liên hoan phim lần này anh đã có kinh nghiệm hơn nhiều, không phải người mới nữa. Vốn tưởng rằng lần đàm phán bản quyền tiếp theo sẽ easy hơn chút, hóa ra lại càng khó hơn ư?
Cuộc đời của một người luôn có "bất ngờ".
Tạ Lan Sinh thầm nghĩ, xem ra sau này phải mời nhà sản xuất thông minh một chút. Đàm phán với những công ty kinh doanh Âu Mỹ không giống đàm phán với chó với mèo. Bọn họ chỉ gặp đạo diễn và nhà sản xuất mà thôi, nếu cử bừa một người đi thì chắc chắn cuối cùng chẳng thu hoạch được gì. Lần này nếu không phải anh tự "quảng cáo" chắc có lẽ cũng đã thất bại rồi.
Nhưng tìm nhà sản xuất ở đâu đây? Trước đây chủ nhiệm sản xuất của xưởng Tiêu Tương toàn là những bà cô trung niên chịu trách nhiệm quản tiền, quản người, giọng rất lớn.
Vốn dĩ "quay phim" đã rất khó, bây giờ còn khó khăn hơn. Anh cần kéo được một nhà sản xuất giỏi về làm với mình.
Trời ạ.
Haiz, đau đầu quá, bỏ đi, ngày mai nghĩ tiếp vậy.
***
Sau khi về nhà, Tạ Lan Sinh nói với mẹ rằng mình nhận được giải thưởng lớn, còn kiếm được 405.000 tệ, song Lý Tỉnh Nhu chẳng mảy may động lòng, bà nói:
– Làm việc ở xưởng quốc doanh tốt biết mấy! Con thấy ai có công ăn việc làm ổn định mà lại ra làm riêng bao giờ không? Người ta đâu có ngu? Doanh nghiệp nhà nước có bảo hiểm, còn con ăn hết bữa này thì làm gì còn bữa sau nữa, tìm người yêu cũng khó. Tối qua mẹ hỏi hàng xóm còn biết cô nào giới thiệu cho con không, người ta nói không có, nghe thôi cũng biết nói cho có lệ.
Tạ Lan Sinh: ...
Lại nữa rồi, lại nữa rồi đây, mới ngừng có mười ngày thôi mà.
Có điều Tạ Lan Sinh vẫn dỗ dành bà:
– Lợi nhuận ròng là một trăm năm mươi nghìn tệ, con bán một bộ phim điện ảnh bằng người ta kiếm tiền hai mươi năm, sau này ai dám nói con trai mẹ, mẹ cứ đốp thẳng sự thật vào mặt người ta.
– Được rồi, được rồi, không phải chuyện ấy. Ăn, mặc ở, tiền lương hưu còn chưa đâu vào đâu, doanh nghiệp nhà nước có phân phối phòng ở, còn con thì sao?
Tạ Lan Sinh không nói được gì. "Nhà ở thương mại" vừa mới ra mắt cách đây mấy năm nhưng số lượng vô cùng ít ỏi, giá cả trung bình tầm 1000 tệ/m2. Giá tại Bắc Kinh còn cao hơn nữa, chắc chắn không mua nổi.
Lý Tỉnh Nhu phàn nàn thêm một hồi, cuối cùng nói:
– À, đúng rồi, giáo viên ở Học viện Điện ảnh của con, ông Vương Tiên Tiến ấy, vừa mới gọi điện thoại tới bảo con về thì gọi điện thoại lại cho ông ấy ngay.
– Thầy Vương có nói là chuyện gì không ạ?
Lý Tỉnh Nhu tức giận nói:
– Ai mà biết được.
Tạ Lan Sinh nhìn đồng hồ treo tường, bây giờ là mười một giờ.
– Thầy ấy đã ngủ chưa nhỉ? Có nên gọi không đây?
Sau một hồi do dự, cuối cùng anh quyết định vẫn gọi điện thoại. Nếu không có việc gì gấp thì cùng lắm chỉ hơi bất lịch sự thôi. Nhưng nếu có việc gấp thật vậy thì hậu họa khôn lường.
Vương Tiên Tiến vẫn chưa ngủ, ông nói: "Lan Sinh, chúc mừng em, nghe nói 'Bén rễ' của em đã đoạt giải 'Phim điện ảnh xuất sắc nhất' tại liên hoan phim."
"Vâng, cảm ơn thầy, em cũng bất ngờ lắm. Em đã bán bản quyền cho Nhật Bản và ký hợp đồng đại lý với châu Âu, trong vòng năm năm nếu công ty Renaissance International không đạt doanh thu hai trăm nghìn bảng anh sẽ phải bồi thường 50%."
"Haiz, cũng là một kết cục tốt. Công ty Renaissance International rất mạnh khoảng kinh doanh." Chúc mừng xong, Vương Tiên Tiến ở đầu dây bên kia bỗng im lặng một lát mới nói, "Lan Sinh này, vẫn còn một chuyện nữa, Phó Cục trưởng Phương của Cục Điện ảnh muốn nói chuyện với em."
"Dạ?" Giọng Tạ Lan Sinh uất ức, vừa như đang oán than vừa như đang làm nũng, "Bàn gì cơ ạ, còn gì phải bàn nữa đâu ạ. Hộ chiếu của em còn bị thu luôn rồi."
Vương Tiên Tiến suy nghĩ một lát mới chầm chậm nói: "Lan Sinh, em đừng lo quá. Quyết định xử phạt đã ban hành, không có chuyện trở nên nặng hơn đâu. Phó Cục trưởng Phương chỉ muốn nói chuyện với em, không nghiêm trọng vậy đâu, đừng sợ."
"Sợ thì không sợ..." Được rồi, vươn đầu ra cũng là một đao, rụt đầu vào cũng là một đao, chịu thôi, lợn chết không sợ nước sôi.
"Tám giờ sáng mai đến đó nhé. Em đợi lãnh đạo, đừng để lãnh đạo đợi em." Vương Tiên Tiến nói, "Em có biết địa chỉ của Cục Điện ảnh không? Nằm ở... vào cửa thì nói em là Tạ Lan Sinh, tới gặp Phó Cục trưởng."
"Vâng, em biết rồi."
"Nói chuyện xong thì gọi điện thoại báo cho thầy một câu."
"Vâng, em sẽ gọi, cảm ơn thầy Vương đã quan tâm."
"Chuyện nên làm thôi mà. Mong rằng tất cả mọi chuyện đều thuận lợi."
"Vâng ạ."
Cúp máy xong, Tạ Lan Sinh vẫn băn khoăn không rõ rốt cuộc Phó Cục trưởng Phương muốn "bàn" chuyện gì. Nghĩ mãi mà không ra, cuối cùng anh ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Anh nằm mơ về Torino, và hình ảnh Sân Dã trong đêm tuyết.
***
Sáng sớm hôm sau, Tạ Lan Sinh mặc bộ đồ Âu gần hai nghìn tệ mua ở Torino lên, ngồi tàu điện ngầm một đoạn, đến Cục Điện ảnh "chịu chết". Anh muốn tỏ ra nghiêm túc hơn, căng thẳng hơn, và rồi chết nhẹ nhàng hơn một chút.
Lần đầu tiên bị hẹn gặp nói chuyện, Tạ Lan Sinh không khỏi cảm thấy bồn chồn. Nhưng anh biết là phúc hay họa thì đều không tránh được, anh chỉ đành bình tĩnh đối mặt mà thôi.
Phó Cục trưởng Phương năm nay đã hơn sáu mươi tuổi, da trắng, hơi đậm người, tóc vuốt ngược ra sau, đeo một chiếc kính, hai mảng thịt lớn ở khóe miệng hơi rủ xuống dưới, tự dưng Tạ Lan Sinh lại nhớ tới hình ảnh chó sa bì trong phim hoạt hình. Văn phòng của ông ấy rất rộng, một dãy giá sách tựa vào tường, bàn làm việc đặt phía trước giá sách. Phía Đông của văn phòng có một chiếc sofa to và một chiếc bàn trà màu đen bày đầy những tờ báo giấy.
Phó Cục trưởng Phương bảo Tạ Lan Sinh ngồi xuống trước bàn làm việc, mười ngón tay đan vào nhau, khẽ mỉm cười, thoạt nhìn khá hòa nhã:
– Lan Sinh này, cậu có biết bản thân mình đã mắc sai lầm không?
Tạ Lan Sinh nói:
– Cháu biết ạ.
Phó Cục trưởng thở dài:
– Vậy cậu biết mình đã bị phạt rồi không?
– Cháu biết. – Tạ Lan Sinh cố gắng tỏ ra thật chân thành – Trong vòng tám năm không được tham gia công việc sản xuất phim điện ảnh.
– Ừ, đúng vây.
Phó Cục trưởng vẫn giữ tư thế đan mười ngón tay vào nhau, nhưng lại cụp mi nhìn mặt bàn, dường như đang nghĩ xem phải nói thế nào, một lúc sau mới lên tiếng.
– Lan Sinh, mặc dù tôi chưa có cơ hội xem qua bộ điện ảnh "Bén rễ", song tôi biết nó đã nhận giải, nên tôi nghĩ nó cũng có trình độ nghệ thuật và tư tưởng nhất định.
???
Tạ Lan Sinh cảm thấy nghi hoặc.
Anh đã chuẩn bị sẵn sàng để nghe Cục Điện ảnh chỉ trích, không ngờ rằng Phó Cục trưởng tự dưng lại khen ngợi bộ phim của anh.
Con người thích được công nhận, bầu không khí căng thẳng trong căn phòng lập tức dịu đi nhiều.
Phó Cục trưởng tiếp tục:
– Tôi cũng đã xem báo giấy của Hồng Kông viết về "Bén rễ". Nói thật, tôi cũng công nhận rằng nó khác với rất nhiều những bộ phim điện ảnh hiện nay, có thứ mà các đạo diễn trẻ bọn cậu muốn biểu đạt, cũng có suy nghĩ của những đạo diễn trẻ với xã hội ngày nay, tốt lắm. Cá nhân tôi cảm thấy nội dung và chủ đề này rất tốt.
Tạ Lan Sinh: ???
Không phải chứ, tình huống gì thế này?
– Lan Sinh này, cậu là một đạo diễn thanh niên tài ba. – Phó Cục trưởng Phương nói tiếp – Mặc dù đã phạm sai lầm lớn, nhưng về sau vẫn có thể sửa đổi. Chúng tôi rất mong rằng hai đạo diễn trẻ là cậu và Tôn Phượng Mao đừng từ bỏ điện ảnh dễ dàng như vậy. Trong khoảng thời gian bị cấm, cậu vẫn có thể làm thư ký trường quay, làm trợ lý, thậm chí là viết kịch bản, đồng thời tiếp tục học tập, tiếp tục nghiên cứu, đừng lãng phí học vấn của mình. Chỉ cần đừng làm đạo diễn điện ảnh nữa, chúng tôi... có thể nhắm một mắt, mở một mắt cho qua. Nghĩ lại thì khoảng thời gian này nói dài cũng không dài, nói ngắn cũng không ngắn. Những người khác cũng phải đợi tầm sáu năm ở những xưởng sản xuất khác đúng không nào? Cậu đã quay được một bộ rồi, chỉ cần sửa chữa sai lầm thì vẫn còn tương lai rộng mở phía trước. Cục Điện ảnh cũng rất hoan nghênh cậu làm đạo diễn sau khi hết lệnh cấm.
...
Anh biết tại sao Phó Cục trưởng Phương lại muốn nói chuyện với mình rồi. Cục Điện ảnh cũng tiếc người tài, anh nhận được giải thưởng lớn ở Torino, lãnh đạo Cục mong rằng anh đừng từ bỏ điện ảnh, nhưng dẫu sao anh đã vi phạm quy định, để chặn miệng công chúng thì vẫn phải cấm anh đến cùng.
Có điều, Tạ Lan Sinh không tán thành lời Phó Cục trưởng vừa mới nói.
Ông ấy nghĩ rằng trong thời gian chờ đợi chuyên môn của anh sẽ mai một, tất cả những gì anh học được đều theo gió thổi mây tan. Sản xuất phim điện ảnh cần luyện tập, giống như học vẽ hay học viết thư pháp, chỉ nhìn mà không luyện tập thì chắc chắn sẽ không ngừng thụt lùi, học đá bóng hay bóng rổ cũng vậy. Huống hồ, anh thường cảm thấy thời gian cấp bách, cuộc đời của con người cũng chỉ có mấy chục năm ngắn ngủi, anh cần phải tổng kết, cần phải tiến bộ, không thể chờ đợi mãi thế này. Đồng thời Tạ Lan Sinh cũng cho rằng trong khoảng thời gian phí hoài ấy, cảm xúc của anh, kích thích của anh, sự sáng tạo của anh, linh cảm của anh, tất cả sẽ mai một theo thời gian. Thứ anh muốn quay là suy nghĩ của "người trẻ" về Trung Quốc, và anh mong muốn thể hiện được cuộc sống của người dân Trung Quốc vào đầu những năm 90. Đây là bộ phim mà anh chỉ quay được trong giai đoạn nhất định nào đó của cuộc đời, qua mấy năm nữa, tất cả sẽ thay đổi, bản thân anh thay đổi, Trung Quốc thay đổi, anh không thể làm được.
Anh không thể đợi được nữa. Anh sẽ vẫn quay phim, anh muốn ghi lại bản thân mình và cả khoảnh khắc hiện tại.
Tất nhiên, anh không thể nói những lời ngông cuồng này với Phó Cục trưởng Phương được.
Hai người nói chuyện thêm một lát, thái độ của Tạ Lan Sinh vẫn rất ngoan ngoãn, cuối cùng cũng đến lúc phải nói tạm biệt.
Kỳ thực Phó Cục trưởng Phương cũng nhìn ra Tạ Lan Sinh đang uất ức và không cảm thấy thoải mái hơn vì Cục Điện ảnh "ra vẻ hòa nhã". Ông há miệng, ngập ngừng muốn nói rồi thôi, do dự hết lần này đến lần khác, cuối cùng ông thở dài thườn thượt, nói một vài lời từ đáy lòng:
– Lan Sinh này, thực ra Cục Điện ảnh cũng muốn cho những đạo diễn trẻ như cậu một con đường để đi.
– ... Hả? – Nhận thấy bầu không khí khác thường, Tạ Lan Sinh ngẩng đầu lên.
Phó Cục trưởng nói:
– Kỳ thực chúng tôi đều biết, những người làm đạo diễn như các cậu luôn có ý tưởng sáng tác, luôn muốn sáng tác, muốn quay điện ảnh, thậm chí nhất định phải làm, nhất định phải quay, chế độ của các xưởng hiện tại đang làm khó cho các cậu.
Tạ Lan Sinh:
– ... A.
Anh coi việc sáng tác như sinh mệnh của mình. Ban đầu làm điện ảnh ảnh ngầm cũng chỉ vì muốn quay phim mà thôi. Giám đốc Quan bảo anh đợi thêm năm năm, nhưng sau rất nhiều chuyện xảy ra anh đã chẳng thể tin tưởng vào giám đốc Quan được, đó chính là sợi rơm cuối cùng đè chết con lạc đà.
Anh không hiểu, tại sao lại có chỉ tiêu "sáng tác"? Tại sao phải có quy định cứng ngắc giới hạn số người được quyền sáng tác mỗi năm? Tại sao những đạo diễn lớn lũng loạn chỉ tiêu, còn người trẻ thì không được quyền sáng tác? Tại sao toàn quốc chỉ có mười sáu xưởng có quyền quyết định ai có thể sáng tác và ai không thể sáng tác? Hát, nhảy, vẽ tranh, nhiếp ảnh và viết văn đều không giống như vậy. Lẽ nào thích điện ảnh là tất cả đều khác ư?Đến cả phim truyền hình cũng được mở rộng hơn rồi cơ mà.
Rất khó để kìm nén xúc động trong lòng bọn họ, đợi qua vài năm sau mới quay thì cảm giác cũng trôi qua rồi. Năm 1985, những người yêu điện ảnh bọn họ nhìn thấy những sinh viên khóa 82, 83 tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh được coi trọng và làm đạo diễn, trong lòng bọn họ tràn ngập kỳ vọng cho nên mới bất chấp tất cả để học làm đạo diễn. Ai ngờ đâu, các đàn anh của bọn họ liên hợp với các "đạo diễn lớn", lũng loạn logo xưởng điện ảnh, hàn kín cánh cửa của bọn họ, đồng thời không nâng đỡ đàn em có bất cứ cơ hội lên phim nào. Vì thế, trong lòng bọn họ có rất nhiều câu chuyện nhưng không thể nói ra.
Chủ đề cuộc trò chuyện đã mở ra rồi, Phó Cục trưởng Phương thở dài:
– Thật ra, Cục Điện ảnh chúng tôi... cũng muốn cho điện ảnh trẻ một con đường. Không thể lên phim trong xưởng, vậy thì tự mình góp vốn quay phim, tự vui cũng là một cách. Chúng tôi không muốn hủy hoại những người trẻ tuổi tài năng.
– ... Hả?
Nghe đến đây, Tạ Lan Sinh giật mình sửng sốt.
Anh vốn tưởng rằng Cục Điện ảnh toàn những ông già cổ hủ trịch thượng, chẳng thấu hiểu nỗi khổ trong lòng những người trẻ bọn họ, vậy mà hóa ra... bọn họ đều hiểu cả ư?
Tất khả đều khác so với tưởng tượng của anh.
– Vốn dĩ chúng tôi định xem xem sau này sẽ thế nào, nếu có dấu hiệu xấu sẽ ra tay ngăn cản, ít nhất hiện tại cũng chưa xảy ra hậu quả xấu gì đúng không nào? – Phó Cục trưởng Phương vừa nói, vừa vỗ vỗ lên mấy tập giấy nháp bên cạnh, đau lòng nói – Nhưng Tạ Lan Sinh, cậu đã bị người ta tố cáo rồi...
– Tố cáo? – Tạ Lan Sinh ngẩng đầu, ánh mắt hoang mang – Là ai...?
– Chuyện này không thể nói được. – Phó Cục trưởng Phương nói – Không chỉ có một thư tố cáo, có tận ba lá thư đến từ ba đạo diễn, nói rằng cậu đã ảnh hưởng tới sự truyền bá hình tượng của Trung Quốc tại quốc tế. Cho nên cậu thực sự đã mắc sai lầm. Tự quay phim, tự tham gia liên hoan phim, có người tố cáo cậu, vậy thì Cục Điện ảnh nhất định phải xử lý, không thể coi như không biết được.
Tạ Lan Sinh cũng hiểu. Vì có người tố cáo bọn họ, tất nhiên sẽ chẳng ai dám bảo vệ bọn họ cả, bằng không nếu cấp trên truy cứu, Cục Điện ảnh sẽ bị coi là không làm tròn chức trách của mình.
Phó Cục trưởng Phương ngừng một lát, dựa lưng vào chiếc ghế da lớn, vỗ vỗ chồng báo kia, cười khổ:
– Tạ Lan Sinh, cậu nghỉ việc ở xưởng phim, tự kêu gọi vốn tự quay phim, không hề tranh giành mà nhường tất cả những tài nguyên điện ảnh cho các đàn anh khác. Nhưng các đạo diễn lớn mà các cậu kính trọng... vẫn không thể dung thứ cho các cậu.
Nghe thấy câu cảm khái này, Tạ Lan Sinh sửng sốt.
Cho dù anh đã từng được chứng kiến bao nhiêu bản tính xấu xa của con người qua điện ảnh, thì trong thế giới hiện thực này, anh vẫn cảm thấy toàn thân ớn lạnh.
Bọn anh từ bỏ "logo xưởng", chỉ tham gia một vài Liên hoan phim Âu Mỹ, nhận được giải thưởng lớn, bán bản quyền, thu hút sự chú ý cũng không được sao? Làm vậy cũng là đang cản đường bọn họ ư? Cũng chiếm lợi của bọn họ ư?
Chỉ có thế thôi mà.
Anh và Tôn Phượng Mao đã trao hết toàn bộ tài nguyên của mình cho các đạo diễn lớn, mạo hiểm quay điện ảnh ngầm, vậy mà các đạo diễn lớn kia vẫn không cho bọn họ một con đường sống.
Hết chương 33
Lời tác giả: Trong hiện thực, chuyện thu hộ chiếu diễn ra vào năm 96 và 97. Năm 1994, sau khi bị cấm chiếu, Trương Nguyên tiếp tục quay "Đông cung Tây cung", không nghe lời nên đã bị tịch thu hộ chiếu. Tất cả mọi chyện đều diễn ra tuần tự, không phải xảy ra cùng lúc. Có điều tiểu thuyết không thể viết rải rác được cho nên mới gộp lại luôn.
Thuyết minh một chút: Bởi vì Mẹ Gấu Trúc cảm thấy con trai Lan Sinh của mình vẫn chịu được.
Lan sinh: ... Mẹ???
Giả Chương Kha quay xong "Tiểu Võ" (1997) bị cấm chiếu và bị một đạo diễn lớn tố cáo.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro