Thánh Phêrô
Thánh Phêrô (Tiếng Hy Lạp: Πέτρος , Pétros "Đá", Kephas hoặc thỉnh thoảng là Cephas) là tông đồ trưởng trong số mười hai thánh tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô được Chúa trao cho quyền cai quản Hội Thánh.
Người ta cho rằng, ông là giám mục của Rôma và là vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Niên giám Tòa Thánh năm 1838 dưới triều Giáo hoàng Grêgôriô XVI cho rằng, ông trở thành giám mục Rôma vào năm 42 và ở ngôi trong vòng 25 năm [1]. Niên giám Tòa Thánh năm 2003 xác định rằng, thời gian bắt đầu triều đại của ông không rõ và kéo dài tới năm 64[2].
Nguồn sử liệu chính giúp chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của ông là sách Tân ước mà chủ yếu là bốn sách Phúc Âm và sách Tông đồ Công vụ. Tân ước nhắc đến Phêrô khoảng 154 lần, dưới danh xưng Hy Lạp Petros, thường gắn liền với tên Do Thái Simêon (đọc theo kiểu Hy Lạp là "Simon"). Tên khai sinh của ông là Simon, và tên của thân phụ là Gioan[3]. Danh xưng tiếng Hy lạp "Petros" gốc từ "petra" có nghĩa là "đá", do Chúa Giêsu đặt cho ông; trong tiếng Aram là Kêpha (xuất hiện trong các thư của thánh Phaolô).
-Cuộc đời trong Kinh Thánh
Gia đình
Tại Capernaum miền Bắc Biển hồ Galilê. Một nhà thờ chính thống giáo đã được xây dựng trên phần đất được xem là nhà của Phêrô xưaÔng sinh tại Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilê, trên bờ biển Tiberia, Palestine. Ông đã có một người mẹ vợ chính thức được đề cập đến trong Kinh thánh và được Giêsu chữa lành một cách kỳ diệu (Matthew 8:14-15, Luke 4:38, Mark 1:29-31). Theo Clement thành Alexandria[4] thì Phêrô đã lập gia đình, có những đứa con, vợ của ông đã chịu đau khổ và chịu tử vì đạo.
Theo một số truyền thuyết có ít nhất từ thế kỷ thứ sáu thì con gái của Phêrô là Petronilla [5]. Tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô có một bàn thờ của St. Petronilla được vẽ bởi Guercino, 1623, Cristofari, 1730. Giáo hoàng Clement I [6] viết: " Phêrô và Philip là cha của những đứa trẻ; [...] Khi thánh Phêrô nhìn thấy vợ của mình bị dẫn đi tử hình, ông đã rất hoan hỉ bởi vì lệnh đòi và sự trở về nhà cha của bà, bà là nguồn động viên, an ủi rất lớn và ông nói với bà: "Hãy nhớ tới Thiên Chúa". Đó là sự kết hợp của những vị thánh và họ là một sự sắp đặt hoàn hảo hướng về những gì thánh thiện nhất"
Thánh Phaolô có vẻ như đã nhắc tới vợ của Phêrô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô:
" Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của chúa và như ông Kêpha
"
-Thư gửi tín hữu Côrintô câu 5 chương 9.
Vị trí trong 12 sứ đồPhêrô là anh em với ông Anrê. Hai ông làm nghề đánh cá ở Caphanaum bên cạnh hồ Galilê (Mt,4,23). Ông đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của Anrê. Ông đến gặp Chúa Giêsu và được Người đặt tên là Phêrô (Ga 1, 42). Phúc âm Luca cho chúng ta biết thêm: ông trở thành môn đệ của Chúa Giê-su sau khi Chúa cho ông đánh được một mẻ lưới đầy cá (Lc 5, 4:11).
Theo các sách Phúc âm (Mc 1,16-18; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11; Ga), ông thuộc vào số những người đầu tiên được Ðức Giêsu kêu gọi làm môn đệ (cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê). Trong danh sách của 12 tông đồ, ông luôn được xếp hàng đầu (Mc 3,16-19; Mt 10,2-4; Lc 6,14-16; xc. Cv 1,13). Tên của ông luôn được nhấn mạnh (Mt. 10:2): "Duodecim autem Apostolorum nomina haec: Primua Simon qui dicitur Patrus.." Sau đây là tên của mười hai Tông đồ đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, Marcô 2: 14 - 16: Và Người lập nhóm mười hai để các ông ở lại với Người và để Người sai các ông đi rao giảng và đặt tên cho Simon là Phêrô. Luca 6: 13 -14: "Et cum dies factus esset, vocavit discipulos suos, et elegit duodecim ex ipsis Smonem quem cognominavit Petrum...(Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông. Đó là ông Simon mà người gọi là Phêrô. Trong nhiều dịp khác, Phêrô đã nhân danh các tông đồ khác mà nói (Mt. 15:15; 19:27; Lc. 12: 41...). Khi Chúa Giêsu nói với các tông đồ thì Phêrô nhân danh họ (Mt: 16 - 16). Thường thì Người nói riêng với Phêrô (Mt 26: 40; Lc: 22 - 31).
-Người giữ chìa khóa nước trời :
Khi đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi (Xê-da-rê Phi-líp-phê) ông là người đã tuyên xưng Giê-su là Con Thiên chúa. Và cũng chính tại đây, ông đã được Chúa Giê-su đặt là người đứng đầu tuyên bố tính thiên sai của Chúa Kitô và làm nền móng cho Giáo hội:
" Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy
"
-Tim mừng Mát thêu, 16,18-19.
Đoạn văn trên được Giáo hội Công giáo lấy làm nền tảng khi nói về địa vị và vai trò của mình là Hội Thánh duy nhất do chính Chúa Giêsu lập với tính chất "thông công" trong dân Chúa.
-Đi trên mặt nước
Tất cả bốn sách phúc âm đều ghi lại việc Giê-su đi bộ trên mặt nước. Mát-thêu còn mô tả thêm việc Phê-rô đi bộ trên mặt nước nhưng khi ông sợ hãi thì ông bắt đầu chìm ( Mt 14: 28 - 31). Phêrô đã nhân danh các tông đồ khác biểu lộ lòng trung thành với Giêsu.
Sau khi nói về mầu nhiệm Mình và Máu của Người (Ga. 6:22t) nhiều người trong nhóm môn đệ đã bỏ Người mà đi. Giêsu hỏi nhóm mười hai thì Phêrô liền đáp:
"Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là đấng thánh của Thiên Chúa".
Cùng với Giacôbê và Gioan, ông Phêrô được chứng kiến vài biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu như khi Người cho con gái ông Giairô chết sống lại (Mc. 9:1; Lc. 8:51); sự hiển dung của Đức Kitô (Mt.9:1; Lc. 9:22); cơn hấp hối trong vườn Giếtsimani (Mt. 26:37; Mc. 14:33). Cũng trong rất nhiều dịp khác, Giêsu đã ưu đãi ông hơn những người khác.
-Chối Chúa Giêsu
Tin mừng Gioan cho biết: trong bữa ăn tối cuối cùng trước khi chịu tử nạn, Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ. Phê-rô đã từ chối không để cho thầy rửa chân cho ông: " Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu". Nhưng khi Giê-su nói " Nếu thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy" thì ông lại xin Chúa rửa cả tay và đầu của ông nữa.
Trong cuộc Tử nạn của Giêsu, mặc dù ông Phêrô đã cam đoan sẽ sống chết với Thầy cho dù các đồng bạn tháo chạy (Mc 14,19.30-31), nhưng đến khi Thầy bị bắt, thì ông đã chối mối quan hệ giữa ông và Thầy Giê-su ba lần (Mc 14,66-72). Tuy vậy, theo các tác giả Phúc âm, ba lần ông chối Thầy đã được Giê-su tiên báo: "Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần" (Mt 26: 30-35, Mc 14: 26-31 ; Lc 22: 31- 34 ; Ga 13: 36 - 38). Ông đã được ơn hoán cải và hơn thế nữa, được uỷ thác nhiệm vụ củng cố anh em mình "Và Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin." (Lc 22,31-32).
-Chém đứt tai tên đầy tớ
Cả bốn phúc âm đều kể lại rằng: khi Giê-su bị bắt, một trong những kẻ theo Người liền vung tay, tuốt gươm và chém đứt tai phải một tên đầy tớ của thượng tế (Mt 26,51 ; Mc 14,47 ; Lc 22,50 ; Ga 18 : 10 - 11). Phúc âm Gioan cho biết người tuốt gươm là Phê-rô, còn tên đầy tớ bị chém đứt tai tên là Man-khô (Tiếng Anh: Malchus). Giê-su đã chữa liền tai cho tên đầy tớ (Lc 22,51).
-Sau khi Chúa Giêsu sống lại
Sau khi được bà Maria Mađalêna báo tin là xác của Chúa Giêsu đã biến mất thì ông Phêrô và môn đệ mà Giêsu yêu dấu đã chạy ra mộ. Hai ông đã kiểm chứng là không có dấu tích của sự xâm phạm, bởi vì các khăn vải còn y nguyên (Ga 20,6-7). Luca cũng nói tới việc ông Phêrô ra viếng mộ (Lc 24,12). Vai trò của Phêrô trong cộng đồng tiên khởi được biểu lộ qua câu nói: "Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (Lc 24,34). Trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi Côrintô, ông Phêrô (Kêpha) đứng đầu danh sách những người được Chúa hiện ra (1Cr 15,5).
Trong các trình thuật sau khi Giê-su sống lại, ta thấy ông Phêrô dẫn đầu các môn đệ khi Chúa hiện ra ở Galilê (Mc 14,28; xc. 16,7; Lc 24,34). Ở lần hiện ra thứ ba, Chúa Giê-su đã trao quyền chăn rắt đoàn chiên của Ngài cho Phê-rô:
" Đức Giê-su hỏi ông Simon Phê-rô: "Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có mến thầy hơn các anh em này không?"ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy" Đức Giê-su nói với ông "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có mến thầy không?" Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". Người hỏi lần thứ ba: " "Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có mến thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi đến lần tới ba lần: "Anh có yên mến Thầy không?"Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Đức Giê-su bảo: "hãy chăm sóc chiên của Thầy.
" -Tim mừng Gioan,21,15-17.
Thánh Gio-an cho chúng ta biết Chúa Giê-su cũng ám chỉ ông sẽ phải chết thế nào để tôn vinh Thiên Chúa: "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy... Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn". (Ga 21,18).
-Vai trò trong cộng đoàn sơ khai
Trong những chương đầu của sách Tông đồ công vụ, ta thấy hai ông Phêrô và Gioan thường xuất hiện với nhau khi làm chứng cho Chúa Phục sinh (Cv chương 3-4). Trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, Phêrô giữ vai trò lãnh đạo.
Chính ông chủ tọa việc bầu một tông đồ thay thế Giuđa Iscariôt (Cv 1,15-26) và tiên phong rao giảng Tin mừng sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2,14). Ngài chủ tọa Ðại hội tại Giêrusalem (Cv chương 15) - thường được coi là công đồng đầu tiên. Khi lên Giêrusalem lần đầu tiên, ông Phaolô chỉ đi gặp ông Phêrô (Kêpha) và ông Giacôbê (Gl 1,18-19); về sau, ông Phaolô thêm ông Gioan nữa: cả ba họp thành "cột trụ của Giáo hội" (Gl 2,9).
Phép lạ Thánh Phê-rô chữa người què ở cửa đền thờ đã làm cho người ta để ý đến các tông đồ và cộng đoàn sơ khai. Công nghị Do Thái lo ngại, bắt giam Phêrô và Gioan. Trước một phiên toà, hai ông can đảm minh chứng cho Chúa Giê-su là Đức Cứu Thế. Bị đe dọa không được tiếp tục giảng hai ông thẳng thắn trả lời:
" Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ trước mặt Thiên Chúa không? các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.
"
-Thánh Phêrô và Gioan
Sau khi ngăn đe lần nữa, họ thả hai ông về vì không tìm được cớ trừng trị hai ông. (Cv chương 4).
Chương 12 của sách Tông đồ công vụ thuận lại việc Phêrô bị bắt một lần nữa. Vua Hêrôđê cho bắt Phêrô, tống vào ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ vượt qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Thế nhưng ông đã được một thiên sư cứu cách lạ lùng ngay trong đêm trước ngày ông bị đem ra xử. (CV chương 12). Sau khi thông báo với những người còn lại việc ông được cứu thoát, ông đã ra đi đến một nơi khác. (Cv 12,17). Việc điều khiển Giáo hội Jêrusalem được trao cho ông Giacôbê.
Các tác phẩm của Tân ước không cho ta biết chi tiết về hành trình của ông, nhất là kể từ sau Ðại hội các Tông đồ tại Giêrusalem (Cv chương 15). Ở chương 8, (14-25) Phêrô cùng với Gioan đi thăm viếng các tân tòng tại Samari trở lại sau khi nghe ông Philippê giảng. Sang đến chương 9, (32-42) chúng ta thấy ngài hoạt động ở Giaffa (Giaphô) cũng thuộc miền Samari. Ở chương 10, ông đi Cesarêa, một thành phố thuộc miền ngoại đạo, vào nhà của ông Cornêliô. Nhóm bảo thủ đã trách móc ngài là vi phạm luật Môsê ngăn cấm chung đụng với dân ngoại (Cv 11,3).
Một số tài liệu cho rằng, ông rời bỏ Giêsusalem vào năm 44. Giám mục Eusêbiô Cêsarêa ghi lại một truyền thống lâu đời cho rằng Phêrô đi làm giám mục Antiokia (Chronicon 2). Thánh Phaolô cũng nhắc đến việc Phêrô ở Antiokia trong thư gửi Galat (Gl 2,11). Điều này cũng được Origenes công nhận ( InLucam Hom, VI). Sử gia Eusebius cho rằng ông Phêrô đã đi giảng Tin mừng cho người Do Thái cư ngụ tại các vùng Pontô, Galat, Cappadoxia, Asia, Bitinia, nghĩa là ở miền bắc Tiểu Á. Xem ra điều này bắt nguồn từ địa chỉ trong lá thư thứ nhất của Phêrô. Một lưu truyền nữa ghi nhận hoạt động của Phêrô tại Côrintô, dựa theo thư thứ nhất của Phaolô gửi Côrintô để dàn xếp xiệc chia rẽ giữa ba phe đổi lập: Phao-lô, Kê-pha (tức Phê-rô) và Appollo (1Cr 1,10; 9,5).
Đến RômaThế kỷ II, trong thư gửi giáo dân Rô-ma, thánh Đionisio (166-174) giám mục Corinto cũng quả quyết giáo đoàn này do hai tông đồ Phê-rô và Phao-lô thành lập.
Không có tài liệu chắc chắn cho chúng ta biết là Phêrô đến Rô-ma vào năm nào. Các sử gia thời thượng cổ chỉ tin rằng Phêrô đã điều kiển giáo đoàn Rô-ma trong 25 năm. Truyền thống cho rằng, ông làm giám mục ở Rô-ma từ năm 42. Tuy nhiên điều chắc chắn là vào khoảng năm 44, Phêrô mới đi khỏi Jêsusalem và năm 49 lại có mặt tại đó để chủ tọa công đồng.
Có sử gia cho rằng sau khi đi khỏi Jêsusalem vào năm 44, Phêrô đã qua Antiokia, rồi sang Rôma, rửa tội cho nhiều người trong số ấy có gia đình ông bà Aquila và Priscilla, và tổ chức một giáo đoàn khá lớn ở đó, song chỉ được mấy năm, vị tông đồ phải rút khỏi do lệnh của hoàng đế Claudius trục xuất người Do Thái vào khoảng năm 46.
Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng, thời ấy nhiều giáo đoàn chỉ được một vị tông đồ ở xa điều khiển. Nếu Phaolô, đang khi ở Epheso vẫn điều khiển hai giáo đoàn Philip và Thessalonic mà không cần đến vị nào khác, thì Phêrô, tuy còn ở trong xứ Judea ngài cũng có thể điều khiển giáo đoàn Antiokia, Bithynia và Rô-ma nữa. Theo ý kiến này thì Phêrô chỉ tới Rôma sau năm 50.
Cho tới thế kỷ XIV, không có ai đưa ra nghi vấn về việc Phê-rô đến Rô-ma và chịu tử đạo tại đây. Nhưng đầu thế kỷ XIV, Marsillius thành Padua làm có vấn cho Ludwig xứ Bavaria, hoàng đế La Mã Thần thánh (1328 - 1346) đã cho ra đời cuốn Defensor Pacis (1324) phủ nhận quyền tối thượng của ngôi giáo hoàng, trong đó ông dưa ra nghi vấn về việc Phê-rô đến Rô-ma.
Những căn cứ về việc Phê-rô tới thủ đô Rô-ma có thể kể đến là:
Thư của Giáo hoàng Clêmentê gửi cho Côrintô (vào cuối thế kỷ thứ 1, khoảng năm 95-96), nói tới những cuộc bách hại vừa xảy đến cho các Kitô hữu vào thời Hoàng đế Nero, và Phêrô là một trong số các nạn nhân (1Cor 5,4-5).
Thánh Inhaxiô Antiôkia khi viết thư cho giáo đoàn Rôma (khoảng năm 107), đã nói rằng "tôi không ra lệnh cho anh em như ông Phêrô và Phaolô đâu" (Ad Romanos 4,3); có vẻ như ngài đã thú nhận rằng uy tín của hai tông đồ rất đáng kể đối với cộng đoàn Rôma. Ở cuối thư thứ nhất của Phê-rô gửi Pontô, Galat, Cappadoxia, Asia, Bitinia, (5, 13), tác giả cho biết thư được viết từ Babilon, tức kinh thành giáo dân, thời đó quen ám chỉ Rô-ma.
Từ hậu bán thế kỷ thứ 2, nhiều tác phẩm ra đời nói về các cuộc hành trình của thánh Phêrô (Periodoi Petrou) cho tới lúc chịu tử đạo. Theo giám mục Papias, giám mục già ở Á Châu (Hiérapolis), người biết các môn đệ trực tiếp của các Tông Đồ thì phúc âm của Marcô là thủ bản ghi lại bài giảng của thánh Phêrô ở Rô-ma. Bản văn của linh mục Gaius (thuộc hàng giáo sĩ Rôma) được viết khoảng năm 200 và được sử gia Eusêbiô trưng dẫn (Hist, Eccl, II, 25,7) .
Trong cuộc tranh luận với Prôclô, Gaius đã khẳng định hai ngôi mộ của thánh Phêrô tại Vatican và của thánh Phaolô trên con đường Ostiense. "Tôi sẽ chỉ cho quý vị đài tưởng niệm của hai tông đồ, hoặc quý vị tới đồi Vatican hay đi trên đường Ostia, quý vị sẽ thấy trước mắt đài kỷ niệm người thiết lập Giáo hội chúng ta". Ngoài ra còn có danh mục Libêriô (ghi danh sách các Giám Mục Rôma tới thế kỷ IV) lập đời Giáo hoàng Libêriô (352-366); Thư thánh Irênê Giám Mục Lyon khoảng 180 (Adv. Haereses); Thư của Giám Mục Đề-ny (Dionisius) thành Côrintô đồng thời thánh Irênê gửi giáo dân Rô-ma khoảng năm 170; Thư của Tertullianus (trong De Praescriptione Haeretic và Carminibus adv. Haereses). Origenes viết " Thánh Phê-rô đã đến Rô-ma và chịu đóng đinh lộn ngược". Khảo Cổ Học cho thấy từ thế kỷ III, các Kitô hữu ở Hang Toại Đạo đã kính nhớ hai thánh Tông Đồ.
[sửa] Tử đạo
Mô tả cái chết của thánh tông đồ Phêrô với hình thánh giá ngược.Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nero bắt đầu bách hại giáo dân Ki-tô giáo.
Theo một truyền tụng, Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi:
"Lạy Chúa, Chúa đi đâu?" (Quo Vadis, Domine?).
Chúa Giê-su đáp:
"Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa".
Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo. Sau này, người ta đã xây ngay chỗ Chúa hiện ra với Phê-rô một thánh đường, mang danh hiệu Quo vadis, Domine? Vào thế kỷ thứ 3, nhiều tác phẩm ra đời (thí dụ: Công vụ của Phêrô), bổ túc thêm các chi tiết về việc thánh Phêrô gặp Chúa Giê-su vác thập giá khi ông lánh nạn khỏi Rôma (cảnh Quo vadis), việc bị giam ở ngục Mamertina, và bị xử đóng đinh ngược đầu vào thập giá vì thấy không đáng được chết như Thầy mình.
Theo lưu truyền, Phê-rô bị bắt và bị tống giam. Tại nhà ngục, ông đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus. Cả hai được rửa tội và tử đạo. Cuối cùng vì không có quốc tịch Rô-ma, ông bị kết án tử hình trên thập tự. Bị dẫn tới hy trường Caligula trên đồi Vatican, trông thấy thập giá, Phê-rô cảm thấy mình không xứng đáng được chết như thầy mình, đã yêu cầu được đóng đinh ngược.
Sau khi chết, thi hài của ông được chôn táng trong một nghĩa trang gần nơi xử, tức chỗ xây cất đền thánh Phê-rô ngày nay trên đồi Vatican. Năm 258, chiếu chỉ Valerianus đe dọa các nghĩa trang Ki-tô giáo, người ta đem xác thánh giấu trong hang tọa đạo trên đường Appia. Khi cơn bách hại lắng dịu, giáo dân lại đưa hài cốt trở về nơi cũ. Ngày 29 tháng 6 năm 258 ghi trong cuốn Martyrologium hieronimianm chưa chắc đã đúng.
Theo cuốn Liber Pontificialis thì chính Giáo hoàng Corneliô (vào khoảng năm 251, năm Decius chết và cuộc bách hại tạm ngưng) là người đã rước hài cốt thành Phê-rô và Phao-lô về đồi Vatican và đường Ostia. Nếu người ta nhận lưu truyền rằng hài cốt của hai thánh tông đồ được cất giấu trong hang toại đạo suốt 40 năm, thì cuộc rước xương thánh vào hầm mộ thánh Sebastina phải từ thời Giáo hoàng Zepherinô (199 - 217) dưới triều Septimus-Severus. Năm 1915, khi người ta đào bới hang toại đạo, còn thấy trên tường 150 bút ký viết bằng chì những lời cầu khẩn Phê-rô và Phao-lô.
-Hầm mộ
Hầm mộ của thánh Phêrô dưới hầm Vương cung thánh đường thánh Phêrô, RômaCho tới đầu thế kỷ XX đã không có vị giáo hoàng nào nghĩ tới việc kiểm nghiệm khảo cổ mộ của thánh Phêrô.
Năm 1939, các công nhân tu sửa khu hầm bên dưới nhà thờ Thánh Phêrô, nơi mai táng truyền thống của các giáo hoàng, đã có một phát hiện đáng kinh ngạc. Ngay bên dưới sàn nhà, họ phát hiện ra một ngôi mộ La Mã cổ. Vài tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, Giáo hoàng Piô XII đã ra lệnh bắt đầu các cuộc đào bới khảo cổ dưới nền đền thờ thánh Phêrô, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, mà truyền thống liên tục từ xưa tới nay nói là có mộ của thánh Phêrô.
Các cuộc đào bới do Linh Mục Ludovico Kaas hướng dẫn, với sự trợ giúp của các nhà khảo cổ Enrico Josi, Linh Mục Antonio Ferrua, Linh Mục Engelbert Kirschbaum và kỹ sư kiến trúc Bruno Maria Apolloni Ghetti. Các cuộc đào bới đã kéo dài từ năm 1941 đến 1950 và đưa ra ánh sáng nghĩa trang thuộc thời tiền Kitô, cũng như nơi chôn cất thánh Phêrô.
Ngay dưới án thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông.
Năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố là Giáo hội đã tìm thấy hài cốt của thánh Phêrô. Hiện nay Giáo hội công giáo mừng kính thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6 cùng với thánh Phaolô.
[sửa] Những ngày lễ kính thánh Phêrô
Hình ảnh thánh Phêrô, khoảng thế kỷ thứ 15, bảo tàng quốc gia Nga, Saint Petersburg).Ngay vào thế kỷ IV, một lễ đã được cử hành để kính thánh Phê-rô và thánh Phao-lô cùng một ngày, cho dù ngày đó không cùng một ngày ở Đông phương và ở Rô-ma. Tuần đạo danh lục Syria của thế kỷ IV, là một đoạn trích từ bản Hy Lạp liệt kê các thánh từ Tiểu Á, xem những lễ sau đây có liên quan đến lễ sinh nhật (25 tháng 12): 26.12, thánh Stêpha nô; 27.12, thánh Giacôbê và Gioan; 28.12, thánh Phê-rô và Phao lô.
Trong bài tán tụng thánh Basiliô của thánh Grêgôriô thánh Nýt, chúng ta cũng được cho biết rằng các ngày lễ này của các tông đồ và thánh Stêphanô tiếp ngay sau lễ Sinh nhật. Người Armêni cũng cử hành lễ vào ngày 27 tháng 12; người theo phái Nestôriô thì vào ngày Thứ Năm thứ hai sau lễ Hiển Linh. Rõ ràng ngày 28 (27) tháng 12 (cũng như ngày 26 tháng 12 cho thánh Stêphanô) đã được chọn tùy tiện, không có một truyền thống nào liên quan đến ngày tháng các thánh qua đời.
Danh sách các lễ của các vị tử đạo trong thời kỳ của Philôcalô gắn lời ghi này vào thời điểm đó-"III. Kal. Jul. Pertri in Catacumbas et Pauli Ostience Tusco et Bassco Case" (=năm 288). Quyển Martyrologium Hieronymianum" (Tuẩn đạo danh lục của Giêrônimô) trong Berne M.S., có ngày ghi sau đây ở ngày 29 tháng 6" "Romae via Aurelia natale Sanctorum Apostolorum Petri et Pauli, Petri in Vaticano, Pauli in via Ostiensi, utrumque in catumbas, passisub Norone, Basso et Tusco consulibus" (Trên đường Aurêlia ở Rô-ma lê sinh nhật của các thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, Phê-rô ở vatican và Phao-lô ở đường Ostien-sê, và cả hai đều ở hầm mộ, đã chịu khổ hình dười thời Nê-rô, còn Basso và Tusco làm quan chấp chính [7]
Thời điểm năm 258 trong các lời ghi chứng tỏ rằng từ năm này, sự tưởng nhớ hai vị Tông đồ được cử hành vào ngày 29 tháng 6 trên đường Appia ad Catacumbas (gần Sebastiano fuori le mura: nhà thờ thánh Stêphanô ngoại thành) vì vào thời điểm này, hài cốt của các tông đồ đã được chuyển đến đó. Sau này, có lẽ khi xây dựng nhà thờ bên trên các ngôi mộ ở vatican và trên đường Ostiensê, các hài cốt đã được đưa về lại nơi an nghỉ trước đây; Hài cốt thánh Phêrô về lại vương cung thánh đường Vatican và hài cốt thánh Phao-lô về lại đường Ostiensê.
Tại công trường Ad Catacumbas, một nhà thờ cũng đã được xây cất ngay từ thế kỷ IV để tỏ lòng tôn kính hai vị thánh Tông đồ. Từ năm 248, lễ chính của hộ là vào ngày 29 tháng 6; vào ngày này, lễ trọng thể được tổ chức trong ba nhà thờ nói trên từ thời xa xưa [8]. Truyền thuyết đã tìm cách giải thích việc các tông đồ chiếm tạm thời ngôi mộ Ad Catacumbas bằng các giả định rằng, không lâu sau khi họ qua đời, các Kitô hữu của Đông phương muốn lấy trộm xác của họ mang về Đông phương. Toàn bộ câu truyện này là sản phẩm của truyền thuyết dân gian.
Một lễ Rôma thứ ba kính các Tông đồ diễn ra vào ngày 1 tháng 8: Lễ kính xiềng xích của thánh Phê-rô. Lễ này nguyên thủy là lễ cung hiến nhà thờ của vị Tông đồ, được dựng lên trên đồi Esquilin vào thế kỷ thứ IV. Nhà thờ được giáo hoàng Xíttô III (432-440) xây cất lại, do gia đình hoàng đế Byzantine trả chi phí. Sự thánh hiến trọng thể diễn ra vào ngày 1 tháng 8, và đây là ngày cung hiến nhà thờ trước đây. Có lẽ ngày này đã được chọn để thay thế các lễ hội ngoại giáo diễn ra vào ngày 1 tháng 8. Bên trong nhà thờ này vẫn còn nguyên vẹn (S. Pietro in vinculi: Thánh Phê-rô mang xiềng xích), có lẽ đã được lưu giữ từ thế kỷ thứ IV, các xiềng xích của thánh Phê-rô rất được tôn kính, những mạn dũa nhỏ từ các xiềng xích này được xem là các thành tích quý báu. bởi đó , nhà thờ đã sớm có cái tên là In Vinculis (Trong Xiềng Xích) và lễ ngày 1 tháng 8 đã trở thành ngày lễ kính xiềng xích của thành Phê-rô (Duchesne, 286tt; Kellner, 216tt).
Sự tưởng nhớ cả hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô sau này cũng được kết hợp với hai nơi của Rô-ma xưa: Via Sacra, bên ngoài Forum (nơi công cộng), nơi mà người ta nói nhà phù thủy Simon đã bị ngã xuống khi Phê-rô cầu nguyện và nhà tù Tullianum hay Carcer Mamertinus, nơi các tông đồ được cho là đã bị giam giữ cho đến khi hành hình. Ở cả hai nơi này, các điện thờ cac tông đồ đã được dựng lên và điện thờ của nhà từ Mamerti-nô vẫn còn trong hình dạng hầu như nguyên thủy của nó từ thời đại Rô-ma ban đầu. Những sự đồng kính nhớ địa phương này về các tông đồ dựa trên các truyền thuyết và không có những cử hành đặc biệt được tở chức trong hai nhà thờ này. Tuy nhiên, không phải là không thể xảy ra việc Phê-rô và Phao-lô đã thực sự bị giam giữ trong nhà tù chính ở Rô-ma, ở Đồn Capitol mà Carcer Mamertinus hiện giờ là một phần còn lại của nó. Hiện nay Giáo hội công giáo mừng kính thánh Phê-rô vào ngày 29 tháng 6 cùng với thánh Phao-lô.
Những hình ảnh thể hiện thánh Phêrô
Tượng thánh Phêrô - người được Giáo hội Công giáo xem như vị giáo hoàng đầu tiên. Bức tượng này được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican bởi Giáo hoàng Piô IX.Vật hiện còn lưu giữ được xưa nhất là tấm lắc bằng đồng thiếc có hình đầu của các tông đồ; tấm lắc này có từ cuối thế kỷ II hoặc đầu thế kỷ III, và được bảo quản trong Viện bảo tàng Ky-tô giáo của Thư viện Vatican. Phê-rô có một cái đầu mạnh mẽ, hơi tròn, xương hàm nhô lên, một cái trán hớt ra phía sau, to, tóc và râu xoắn. Diện mạo cá biệt đến nỗi phần nào thể hiện bản chất của một chân dung. Kiểu mẫu này cũng được tìm thấy trong hai hình ảnh thể hiện thánh Phê-rô trong một căn phòng của hầm mộ Phê-rô và Marcellin-ô có từ hạ bán thế kỷ III [9]. Trong các bức họa của các hầm mộ, thánh Phê-rô và thánh Phao-lô thường xuất hiện như là đấng cầu bầu và các vị bào chữa cho những người chết trong các hình ảnh thể hiện sự Phán xét chúng (Wilpert, 390tt), và như đang đưa một người đang cầu nguyện (gương mặt cầu nguyện thể hiện người chết) vào Thiên Đàng.
Trong số nhiều hình ảnh thể hiện Chúa Ky-tô ở giữa các tông đồ của người, ở trong các bức họa của các hầm mộ và được khắc trên các quan tài bằng đá, Phê-rô và Phao-lô luôn chiếm vị trí danh dự bên phải và bên trái đấng cứu độ. Trong các hình tranh trí ghép mảnh của các Vương cung thánh đường Rô-ma, có từ theess kỷ IV đến thế kỷ IX, đức Ky-tô xuất hiện như là gương mặt trung tâm cùng với Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô bên phải và bên trái, ngoài ra các vị này được đặc biệt tôn kính trong các nhà thờ riêng biệt.
Trên các quan tài bằng đá và trên các tượng đài tưởng niệm khác, xuất hiện các cảnh cuộc đời của thánh Phê-rô: ông đi trên hồ Gennêsarét khi Chúa Kytô gọi ông đến từ chiếc thuyền; lời tiên tri về sự "trối thầy" của ông; sự rửa chân; sự cho Tabitha sống lại; sự bắt Phê-rô và dẫn ông đến nơi hành hình. Trên hai tấm kính mạ vàng, ông được thể hiện như ông Mô-sê đang dùng gậy đánh vào tảng đá cho nước vọt ra: tên Phê-rô bên dưới cảnh này chứng tỏ ông được xem là người dẫn dắt dân của Thiên chúa trong Tân ước.
Đặc biệt thường xuyên trong thời kỳ giữa thế kỷ IV và VI là cảnh trao Lề luật cho Phê-rô, là cảnh xuất hiện trên nhiều tượng đài khác nhau. Đức Ky-tô đưa cho thánh Phê-rô một cuộn giấy được gấp lại hoặc mở ra, trên đó thường là câu ghi Lex Domini (Luật của Chúa) hoặc Dominus legem dat (chúa ban lề luật). Trong lăng của Constantina ở Rô-ma 9S. Constanza, ở Via Nomentana), cảnh này được xem như là một cảnh sánh đôi với việc trao lề luật cho Mô-sê. trong các hình ảnh thể hiện trên các quân tài bằng đá thể kỷ V, chúa trao cho Phê-rô (thay vì cuộn giấy) những chiếc chìa khóa. Trong các bản khắc của thế kỷ IV, Phê-rô thường cầm một cây sậy
[Chú thích]
[1] ^ Annuario pontificio 1838, Google sách
[2] ^ Thánh Petrus, Các vị giáo hoàng Giáo hội toàn cầu
[3] ^ (Simon con ông Gioan: Simon bar-Giona: xc. Ga 1,42; Mt 16-17)
[4] ^ Stromata, III, vi, ed Dindorf, II, 276
[5] ^ (Catholic Encyclopedia, De Rossi, 'Roma sotterranea', I, 180)
[6] ^ "For Peter and Philip begat children; [..] When the blessed Peter saw his own wife led out to die, he rejoiced because of her summons and her return home, and called to her very encouragingly and comfortingly, addressing her by name, and saying, 'Remember the Lord.' Such was the marriage of the blessed, and their perfect disposition toward those dearest to them"). Catholic Encyclopedia, Clements, Stromata (VII/ Eusebius, Church History (III)
[7] ^ Berne M.S., Nhà xuất bản de Rossi - Duchesne, 84.
[8] ^ Duchesne, "Origines du culte chr é tien", ấn bản lần 5, Paris, 1909, 283tt; Urbain: "Ein matyrologium der christl 169tt; Kellner, "Heortologie", án bản lần ba, Freiburg, 1911, 210tt
[9] ^ Wilpert, "Die Malerein dẻ Katakomben Rom", bản khắc kẽm 94 và 96
Theo : Wikipedia.org
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro