Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ước vọng trong tim

    Chương 1:

Bốn chúng tôi trốn trong cái hầm cũ phía bìa rừng. Mấy hôm nay địch rà soát căng lắm, cả làng phải trốn đi khắp nơi. May mà có các anh giải phóng quân chia nhau dẫn chúng tôi chạy, không thì bị bọn giặc chúng nó tóm được rồi.

Ở trong cái hầm này, sáng trưa chiều tối đều như nhau, chẳng mảy may có 1 tia sáng nào lọt vào. Chúng tôi thở thật nhẹ, cố gắng căng tai ra nghe tiếng động ở phía ngoài kia. Ban đầu, bọn giặc ở gần chỗ chúng tôi, nghe trong lòng đất vang dội cả tiếng bước chân của chúng. Tôi thấp thỏm không yên, cái bọn trâu Tây kia, nhỡ chúng giẫm lên nắp hầm, với cái thân hình khổng lồ ấy, không biết nắp hầm có sập xuống không. Mà trời thì lại thích trêu ngươi người. Tiếng chân mỗi lúc một gần, cả cái tiếng xì xà xì xồ cũng rõ hơn. Tim tôi đập loạn lên, đầu thầm nghĩ, đi đời rồi. Bên cạnh tôi, bọn thằng Cò, cái Na với cu Mạnh cũng không dám thở mạnh. Cu Mạnh cấu cấu tay tôi, dù chăng chúng tôi không nhìn thấy mặt nhau, nhưng tôi cũng tưởng tượng ra cái mặt méo xệch và cái mũi thò lò của nó. Tuy rằng trẻ con trong thời này mặt mũi lấm lem là chuyện bình thường, nhưng cu Mạnh lại luôn khiến tôi thấy buồn cười vì cái mũi luôn lòng thòng nước mũi của nó, bất cứ khi nào tôi nhìn thấy nó, nước mũi cũng ở cùng một độ dài, bên má đầy vệt quệt ngang, nhưng bù lại, đôi mắt của nó khiến tôi rất thích, nó không sắc như mắt cái Na, nó cũng chẳng ranh ma như cái nhìn của thằng Cò, mà nó sáng long lanh lên, như một vì sao giữa đêm khuya.

Giặc cách chỗ chúng tôi trốn chắc khoảng 5-6 bước chân, nghe từng tiếng bộp của đế giày chạm vào mặt đất, người tôi căng như dây đàn.
3 bước,
2 bước,
1 bước.
Và bây giờ, thằng Tây đang đứng trên đầu chúng tôi. Không biết nắp hầm rung lên hay cả thân thể tôi run lên, chỉ biết là, hắn mà rơi xuống thì chúng tôi chết chắc. Cụ giáo trong làng kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về các vị anh hùng khai thiên lập địa, họ dũng cảm đối với kẻ thù, họ oai hùng, họ mạnh mẽ, họ nhân từ, họ không biết sợ. Thế là đám trẻ chúng tôi cũng nhận xưng mình là anh hùng, rồi chia vai ra chơi trò công kênh hay bày trận đánh giặc. Khi ấy, tôi nghĩ mình giỏi giang lắm. Thế nhưng, đến giờ phút nguy khốn này, tôi vẫn là đứa trẻ, sợ chết sợ đau. Thằng Tây vẫn đứng trên đầu chúng tôi, tim tôi vẫn cứ như ngừng đập. Thằng Cò nói bằng một cái giọng thật khẽ, nghe như tiếng vo ve của mấy con muỗi, nhưng nó rõ ràng rành rọt từng tiếng rót vào tai chúng tôi:
- Thằng Tây rơi xuống thì để tao ôm nó, chúng mày chạy cho nhanh vào, chạy đường hôm bữa anh Quân dẫn bọn mình đi. Nhớ đấy.

Cái giọng cương nghị ấy tuy không trầm, không uy nghiêm như giọng bác đội trưởng phát lệnh cho các anh giải phóng quân làm nhiệm vụ nhưng nó lại mang cái khí thế hào hùng và vô cùng ngông nghênh. Tôi chẳng nói gì, chỉ có trái tim là kiên định hơn một chút, trong đầu chợt vang vọng một tiếng nói: "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh".

May thay, thằng Tây sau một hồi đã rời đi. Cái tiếng ù ù của máy bay vang trong lòng đất đầy hỗn loạn, như hàng ngàn con côn trùng vỗ cánh. Không gian sau một phen ầm ĩ lại trở về với cái im lặng của nó. Thế nhưng, chúng tôi không thể đi ra. Bọn Tây ranh ma lắm, quân mình mấy lần tưởng chúng nó rời đi rồi nhưng ai ngờ lại bị chúng nó phục kích, cho nên anh Quân đã dặn chúng tôi ở yên cho tới khi anh tới.

Anh Quân là anh trai của thằng Cò, hơn tôi vs Cò 6 tuổi. Tháng 5 vừa rồi, anh tham gia vào quân giải phóng. Tôi còn nhớ hôm kết nạp, anh đứng trong hàng 30 thanh niên, nghiêm trang hướng mắt về lá cờ đỏ sao vàng trên bục cao. Vang vọng trong không gian là tiếng trầm trầm của anh đội trưởng:

Chúng ta những chàng trai đất Việt

Sức dài vai rộng gánh giang sơn

Nghe không dân ta đang oán hờn

Nước lâm nguy làng quê tan tác

Thằng Tây đến gieo bao tội ác

Máu thành sông xương trắng đầy đồng

Thù cướp nước bao giờ mới báo

Nợ máu xương đời nào mới tan

Đứng lên anh em Tổ Quốc đang gọi

Đáp lời Người ta hòa với núi sông

Nguyện dùng máu bồi đắp giang sơn

Nguyện dùng xương đắp ngàn thành lũy

Nối cha ông những dòng máu liền kề

Dù hi sinh dù ngã xuống không từ

Đem cho dân một đời no ấm

Đem Bắc Nam quy thành một nhà

.....

Dứt lời,anh đội trưởng giơ tay chào lá cờ đỏ tươi, giọng ngân vang :
- Anh em chúng tôi nguyện vì Tổ Quốc hi sinh.
30 thanh niên đứng trong hàng hào sảng hô vang:
QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH

Khi ấy, trái tim tôi bỗng có những rung động rất lạ. Một nỗi niềm sộc vào khóe mắt mọi người, tạo thành giọt trong veo rơi xuống trên những nếp nhăn, trên vết đồi mồi, trên hai má bầu bĩnh, trên cả đất trời. Cảnh tượng ấy khắc sâu trong tôi và theo suốt cuộc đời tôi.

Chương 2:

Không biết là bao lâu, chỉ biết là tới khi cái đói khiến chúng tôi không thể ngủ được, không còn sức nói chuyện nữa, chúng tôi mới không đoái hoài đến an nguy, nghe ngóng một hồi rồi chúng tôi đẩy nắp hầm lên. Từng đứa từng đứa bò ra.

Bên ngoài là một mảng đen ngòm. Vì mắt đã quen với bòng tối trong hầm, nên mảng đen xì này không có gì đáng nói với chúng tôi. Thằng Cò dẫn chúng tôi đi, nó hay trốn theo anh Quân đi thăm các đồng chí Việt Minh, để tránh tai mắt kẻ địch, cho nên toàn đi vào nửa đêm, bởi vậy đêm tối trong rừng không làm khó Cò. Nó dắt chúng tôi đi, dù là bìa rừng nhưng tán cây rậm rạp che phủ, thi thoảng lắm ánh trăng mới có thể len lỏi qua kẽ lá. Bốn chúng tôi như những cái bóng, vờn lên những đám cỏ dại, đổ lên những cành cây gãy, phủ lên những đám đất đổ đụn. Tiếng côn trùng hòa cùng tiếng bước chân và tiếng thở của con người. Tôi đi sau cùng, cái Na nắm chặt tay cu Mạnh, nó vốn sợ rắn, cho nên vô cùng cảnh giác, mà tôi thì ghét nắm tay đứa khác, còn thằng Cò đi nhanh quá, cho nên cu Mạnh đành làm vật bám bấu của cái Na. Kì thực, tôi với thằng Cò không chơi cùng cái Na, nó ở xóm trên, cho nên ít tiếp xúc, chỉ có đôi ba lần đoàn văn công về biểu diễn, trẻ con cả làng háo hức tập trung trước khoảng sân rộng nhà tôi thì chúng tôi mới có dịp gặp cái Na. Thằng Cò nói nó ghét cái giọng của cái Na, cái tông cao vút, oang oang, mà tính còn đanh đá. Tôi thì bình thường, bởi cái Na chẳng động tôi, tôi cũng chẳng động nó. Nếu không phải lần này địch tập kích bất ngờ làm náo loạn khiến mọi người chạy vội vàng, ba đứa tôi vô tình gặp cái Na đang vật lộn dưới cái bẫy của thợ săn thì chắc nó toi rồi. Khoảng thời gian trong hầm cái Na chẳng lên tiếng nhiều, có đôi khi nó kể cho chúng tôi nghe về chuyện trên tỉnh, nào bọn giặc đốt nhà tỉnh ủy thế nào, nào là bọn giặc tra tấn các chú bộ đội ra sao, nào là chúng dải truyền đơn bố láo mê hoặc bao nhiêu bà con. Chuyện nó nói, chúng tôi trước giờ chẳng được nghe qua bao giờ. Cái phấn khích cùng háo hức tìm hiểu làm chúng tôi bớt dè dặt nhau.

Sương đêm lạnh buốt, chúng tôi vẫn ẩn hiện trên con đường. Đói quá. Chẳng biết bao lâu rồi chúng tôi không được ăn. Những lần trước, các anh giải phóng quân sẽ mang cho chúng tôi ít lương khô, vài nắm cơm hay đôi ba củ khoai củ sắn. Nhưng lần này, không biết cái bụng của chúng tôi lớn nhanh hay vì lâu quá rồi cho nên đói đến mức muốn lả đi. Chúng tôi băng qua những hàng cây, khoảng gần một tiếng sau, chúng tôi ra khỏi bìa rừng, vượt một con suối nữa là đến làng. Tôi vục mặt xuống suối, uống cho no cái bụng, cho thỏa cái lúc dè dặt từng giọt nước trong hầm. Ba đứa kia cũng vậy, thằng Cò còn mở cái chum chum của nó, cho đầy nước vào. Cũng phải, may là lúc nào nó cũng đổ đầy sẵn cái chum chum nắp bạc ấy mà chúng tôi mới không chết khát trong hầm. Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi bắt đầu vượt suối. Suối không sâu, đến lưng lửng ngực người lớn. Thằng Cò cõng cu Mạnh trên lưng, nước ngập đến gần cổ chúng tôi, chúng tôi bì bõm lội qua.

Đến bờ bên kia, đói, lạnh, ướt, chúng tôi thất thểu thở hổn hển. Chưa kịp hoàn hồn, tiếng súng đột nhiên vang vọng trong không gian. Rồi tiếng máy bay vù vù, tiếng chân phía xa nhộn lên, tiếng kêu, tiếng gọi. Thằng Cò vội vội kéo chúng tôi chạy như bay. Chẳng biết chạy bao lâu, chẳng biết chạy bao xa, chẳng biết bao lần ngã ụych xuống rồi sống chết vùng lên chạy tiếp, chẳng biết mảnh găm ở chân từ bao giờ, chẳng biết máu chảy ra bao nhiêu, chúng tôi cứ chạy, vạch lá mà chạy, dẫm lên đá mà chạy, chạy chối chết, chạy mãi cho đến khi thằng Cò lại kéo chúng tôi chui vào một cái hầm. Lại ụp nắp hầm xuống, lại chờ đợi, lại nghe ngóng, lại cắn răng thấp thỏm. Mãi đến khi không còn tiếng động nào, mãi đến khi cái đói lại một lần nữa vùng dậy, chúng tôi mới hoàn hồn.

Cu Mạnh uống ngụm nước cuối cùng trong chum chum. Thấy không ổn,tôi bàn với thằng Cò chui ra, để cái Na lại trông cu Mạnh. Ai ngờ, cái Na với cu Mạnh quyết không ở lại, khi 2 đứa tôi trèo ra khỏi hầm, 2 đứa nó cũng bò ra luôn, sống chết đi cùng chúng tôi. Bao lâu rồi không thấy ánh sáng? Mắt tôi hoa lên, trắng xóa, cả đầu xoay mòng mòng, mắt nhức đến sợ. Phải một lúc sau tôi mới thích nghi dần với ánh sáng. Chúng tôi đang ở phần thượng nguồn của con suối, tức là ở phần trên của xóm trên. Bụng đói, cổ họng khô khốc, môi nẻ toác, tóc tai rối bời, quần áo vá chằng chịt nay còn rách nát bởi vướng nhánh cây khô lúc chạy giặc. Chúng tôi quyết định vòng về xóm trên, kiếm chút gì bỏ bụng, rồi sau mới về. Trên đường quay lại, tôi hái ít ổi dại, táo dại lót bụng. Cái vị chua chua chát chát của thứ quả dại này khiến ruột tôi muốn lộn tung ra ngoài. Nhưng mà méo mó có hơn không, không ăn vào tôi thành ma đói thì đáng sợ lắm. Các cụ già thường kể, chết đói sẽ thành ma đói, mà ma đói thì không được đầu thai chỉ chuyên đời đi ăn xin đi nhìn người ta ăn. Tôi chẳng tin lắm, nhưng mà, nếu có chết tôi muốn chết một cách oanh liệt như các chú bộ đội, các cô bộ đội trong câu chuyện của cái Na, họa chăng có chết cũng phải vác cái bụng no chứ.

Chẳng biết hôm nay ngày nào rồi, ở trong hầm lâu quá khiến tôi chẳng biết thời gian ra sao. Trên đường chỉ mong mau mau về đến nơi, nhưng bước chân cứ như đeo chì. Mãi tới xế chiều, chúng tôi mới gần đến xóm trên. Cái Na bảo chỉ cần qua quả đồi này là đến. Chúng tôi phấn khởi lắm, nghĩ đến bát cháo loãng, đến vài miếng khoai mà tôi thèm rỏ dãi, lòng cũng phấn khởi hơn. Gần đến nơi, sộc vào mũi chúng tôi là một mùi khét đặc, cái mùi như là hun sống người ta vậy. Thằng Cò cảnh giác, kéo chúng tôi men theo phía ven xóm, ẩn sau lụm cây ngó vào. Cả bốn đứa bàng hoàng thất kinh. Tay đang bịt mũi buống thõng xuống.

Trước mắt tôi là một đống hoang tàn. Những bờ tường đen kịt vết lửa, cả mảnh đất trù phú ngập trong tro bụi, nhà cửa, bàn ghế, cây vườn đều hóa thành than. Thê lương đến kinh hoàng. Cái Na vụt chạy đi, nó lẫn vào trong biển tro bụi, một sinh vật chuyển động giữa cả bề đổ nát im lìm, tang thương đến rợn người. Chúng tôi chạy theo nó, đến khi thấy nó quỳ rạp trước một đống tro tàn, đôi mắt vô hồn nhìn trước mặt. Giờ tôi mới thấy, không chỉ là nhà cửa đồ đạc, mà xung quanh còn có vô số những xác người cháy đen. Mùi gây gây khiến tôi nôn khan. Tôi co người lại, hoảng sợ cực độ. Thằng Cò ôm lấy tôi, che mắt cu Mạnh đi. Cả 3 chúng tôi run lên, cái cảm giác trông rỗng, kinh sợ, mà đau lòng đến cực độ. Cái Na bỗng khóc rống lên, nó lăn lê, nó vật lộn như con vật bị người ta giày xéo. Nó kêu khóc, tiếng khóc xé lòng, xé trời xanh. Tôi bất động, muốn tiến lại gần nó, nhưng chỉ biết níu tay thằng Cò. Thằng Cò cũng khóc, 14 năm lần đầu tiên tôi thấy nó khóc. Nó lặng lẽ lau giọt nước mắt đi, cầm tay tôi rồi mạnh mẽ ôm chặt cu Mạnh. Bốn chúng tôi kẻ khóc kẻ thẫn thờ, cứ như thế cho đến khi sắc tối bao phủ mọi nơi, cho tới khi chúng tôi ôm nhau lịm đi, vì đói, vì mệt, và cả vì vết thương vừa mới găm sâu trong lòng.

Chương 3:
Sáng hôm sau thức dậy, tôi thấy mình nằm trong một cái lán. Muốn cử động nhưng chẳng động được. Tôi thầm nghĩ chắc mình chết rồi, và bây giờ thành ma đói rồi. Tôi chậc lưỡi, ngó quanh. Trong lán ngoài cái chiếu tôi đang nằm ra, còn kê một cái bàn bàn nhỏ, trên bàn có 3 quyển sách, một cái bút máy Hồng Minh, một cái ca sắt. Tôi cố cựa quậy, muốn ra ngoài chút xíu, muốn xem tình hình thế nào. Ai dè, vẫn nằm như cũ, vẫn nặng chình chịch chân tay.

Lúc này, một người bước vào. Một đồng chí bác sĩ tết hai bím tóc, sở dĩ tôi nói là bác sĩ bởi chiếc áo blue chị mặc. Tuy là nó chẳng trắng tinh tươm, tuy là nó có vương những vệt khói đen hay những vết ố cũ kĩ của thời gian nhưng nó vẫn thắp sáng một cái gì đó rất lạ trong tôi. Chị bác sĩ nhìn tôi tỉnh dậy, lúng lính hai núm đồng tiền cười hỏi tôi:
- Tỉnh rồi?
Tôi ngơ ngác nhìn, gật gật cái đầu nặng chịch. Chị bác sĩ ngồi xuống, đưa tay sờ đầu tôi, rồi lại nắn chân tay tôi.
- Ổn rồi, nghỉ ngơi hết hôm nay là tỉnh rụi ngay. Khiếp, hôm bữa thấy mấy đứa tụi bay xụi lơ trong chỗ cháy ấy mà bọn này mừng quýnh, may mà còn người sống. Mấy đứa đói quá, thiếu chất thiếu nước, lại hoảng loạn nên mới ngất đi. May bọn này kịp đến, không thì mấy đứa chầu trời rồi.
Chị nói, cái giọng vừa trẻ con vừa nhẹ nhàng khiến người ta rất có thiện cảm. Tôi nhìn chị, chợt nhớ ra, hỏi:
- Thằng Cò, cái Na, cu Mạnh? Mọi người nữa?
- 3 đứa kia nằm ở các lán khác, bọn này chia nhau chăm các cậu. Còn... đi cả rồi.
- đi.... chết... cháy.... Tại sao?
- Bọn này đang trực bên Tỉnh, nghe thông báo các chiến sĩ bên Hòa Bình bị mai phục, bọn Tây đốt nhà, liền vội vã sang cấp cứu. Ai ngờ.... không kịp.
- Thế ... xóm dưới?
- Cả làng bị đốt, người ở làng lúc ấy đều chết, người ở hầm còn sống được tìm về, đang nhận xác và mai táng bên sông.
Nghe đến đây, không hiểu lấy sức ở đâu, tôi bật dậy, lao ra ngoài. Ai dè, lảo đảo ngã xuống cửa lán. Chị bác sĩ kinh ngạc rồi vội vàng đỡ tôi. Tôi đau lắm, như hàng ngàn lưỡi dao cứa vào tim. Tôi rống lên:
-Thả ra... ngoại... thả..ngoại ... ở ngoài... tìm....tìm ... tôi... thả... ngoại... ngoại...
Tôi vùng vẫy, dùng hết sức vùng vẫy nhưng cánh tay vô lực, chân cũng nhão ra. Nhưng ngoại tôi vẫn ở ngoài kia cơ mà. Chị bác sĩ giữ chặt tôi. Tôi xụi đi, nhưng tim thì cứ vùng dậy, vùng lên những vết cứa, những tiếng đập hoảng loạn. Mấy người nữa chạy vào, tiếng nói, tiếng hô, rồi, mọi thứ mờ dần... mờ dần....

Tôi lại lần nữa tỉnh dậy, nghe tiếng chim hót, tiếng nước chảy. Cả người tôi ê ẩm. Mở mắt ra, thấy thằng Cò ngồi cạnh tôi. Nó thấy tôi mở mắt, chưa kịp phản ứng, nó đã nhảy bổ vào lắc lắc vai tôi, cái giọng nghe mếu máo
- tao.... tao... chết.... mày... sống....sống rồi... sống...

Tôi cố sức đẩy nó ra. Cái tay run run cuối cùng cũng buông tôi ra, nhìn cái mặt méo xệch gầy gò của nó, tôi khóc luôn. Chẳng hiểu sao lại khóc, chỉ biết là tự nhiên thắt lại, chỉ biết là tự nhiên vui mừng, chỉ biết là nước mắt như tích tụ lâu lắm rồi giờ vỡ òa cả ra. Thằng Cò méo xệch mồm, cái mặt của nó chợt đần ra. Nó luống cuống, nó ngây ngô.
- Bà tao.. .
Nó ngẩn tò te, vỗ vỗ tôi.
- Ngoại mày lên tỉnh lị rồi.
Tôi im bặt, sịt sịt mũi vài cái, nấc thêm đôi ba lần. Hóa ra lần trước tôi tỉnh dậy là mơ à? Hóa ra chẳng có chị bác sĩ nào cũng chẳng có lều lán nào? Hóa ra làng mình không cháy sao? ...
Nghĩ đến tôi chợt mừng quýnh, xì mũi vào ống tay áo, nhe răng cười. Thấy bộ dạng của tôi, thằng Cò bày ra vẻ mặt rất ngạc nhiên pha lẫn cả vẻ kinh tởm. Ừ chắc tại lần đầu nó thấy tôi quệt mũi bẩn thế. Ngoại dạy tôi phải biết ý, mũi bẩn thì hoặc là vắt cho sạch rồi rửa tay, hoặc là lấy cái khăn lau, hoặc là kiếm cái lá sạch vắt. Nhất định không được quệt ngang quệt ngửa. Nếu không phải vui quá, nếu không phải trước mặt là thằng Cò, chắc tôi đã không làm cái chuyện kinh kinh vừa nãy. Nhìn mặt thằng Cò tôi có chút ngại ngùng, song, kệ nó, tôi lại tiếp tục giơ nốt vạt áo kia lên quệt.
Thằng Cò coi như không thấy, nó hèm hèm giọng rồi lôi trong tui quần một mảnh vải vứt cho tôi. Tôi cầm lấy, lật đi lật lại. Nó cau mày
- vải sạch mày, lau đi. Nhìn bẩn quá nọ.
Thế là tôi cầm miếng vải đó, lau lau ống tay và vạt áo vừa được tôi.hỉ mũi, rồi lại tiếp tục đưa lên xì nốt mũi. Thằng Cò lắc lắc đầu.
- Tao mơ nhé, gặp chị bác sĩ, xinh lắm, thích lắm. Rồi mơ làng mình cháy hết nữa. Sợ lắm... mà còn như thật, còn lo cho ngoại tao lắm.
- mơ cái cục đất. Chả cha, làng mình cháy hết cả chì.
- mày nói dối
- mày ngất tiếp rồi bọn tây nó lại bắn, tao đang ở lán rồi cõng mày chạy luôn. Để mày ở đây, t phủ lá lên rồi quay lại xem, thấy ngoại mày với dì tao trên xe đi cùng các bác sĩ rồi. Cả ông Năm, bác Bảy cũng đi rồi.
Tôi lại nghệt ra, ơ, thì ra là thật à. Tôi lại cố nghĩ cố nghĩ, cố sâu chuỗi mọi việc lại. Tôi vốn là đứa không nhanh nhạy lắm, cho nên cũng chẳng kịp hiểu lời thằng Cò.
- Hôm bữa bọn mình về xóm trên...
Thằng Cò hiểu cái đứa chậm hiểu như tôi sẽ nghệt ra cả sáng mất, thế là nó lại dùng cái giọng ông cụ già của nó giúp tôi.
- cả nhà cái Na bị cháy, đúng chưa?
Tôi rùng mình, tim thắt lại, cái mùi gây gây lại như sộc thẳng vào mũi, những vết lửa liếm đen xì lại như nện vào đầu, buồn nôn. Tôi khó khăn gật đầu.
- giờ cái Na cu Mạnh đâu?
- Mày có im nghe tao nói hết không?
Tôi ngoan ngoãn gật đầu.
- Bọn mày ngủ hết, thế là sáng tao thấy anh chị ...
- Mày không ngủ à?
Tôi ngô nghê cắt lời
- Tao ngủ bọn tây đến xúc cả đi thì sao? Mà mày im để tao nói.
Tôi lại ngoan ngoãn gật đầu.
- Nói đến, à, ờ, sáng đấy các anh chị bác sĩ đến, thấy bọn mình thế là chia bọn mình đi khám bệnh. Tao ngủ một mạch rồi nghe tiếng mày hét ở bên cạnh, thế là chạy sang, thấy mày thất thểu xỉu tiếp. Chị ấy bảo mày, cái gì nhỉ, cái gì mà sóc sóc tâm ý. Chả nhớ. Thế là chị ấy dặn tao trông mày, cho mày uống sữa. Tối qua, bọn Tây lại aujc, mọi người chạy hết. Mày lại chưa tỉnh, tao đành cõng mày chạy. Nhưng mà mệt quá, nên chạy được đến hang đầu rừng là thôi. Rồi tao phủ lá mày lại rồi quay lại xem. Mọi người lên xe đi cả rồi. Tao định chạy theo xe, nhưng còn mày nên đành ở lại. Bọn nó lại đốt lán, cháy hết. Tao quay lại chỗ mày, kéo đi mày vào tận trong này.
Thấy tôi im im, nó vỗ vỗ tay. Đầu tôi ngổn ngang suy nghĩ. Giờ thì ngoại ổn rồi, giờ thì mọi chuyện ổn rồi. Nhưng còn làng mình thì sao? Còn mọi người nữa? Tôi lại nhớ lời chị bác sĩ nói : "..... các chiến sĩ bên Hòa Bình bị mai phục....". Tôi chênh vênh quá, đau lòng quá. Không sao cả chứ? Giờ thế nào rồi? ..

- Hôm nay ngày mấy?
- Mười tám
- Hả
- Mình ở trong bảy ngày mày, hôm về, lại vào thêm ba ngày nữa, rồi, à, ừ, mày tỉnh rồi ngất, à hai ngày nữa.
- Bảy thêm ba thêm ...hai
Tôi giơ hai bàn tay lên đếm, hai bàn tay đầy những vết xước cũ mới. Tôi đưa hai bàn tay lên trên cao trước mắt, những giọt nắng như tràn xuống những kẽ tay. Ánh nắng lấp lánh như bát mật chấm bánh gio, rót lên những vết xước cũ mới - những vết xước chồng lên nhau, vết xước hôm chạy loạn, vết rách lúc cùng ngoại ra suối sau mò hến, vết cắt lúc giúp ngoại thái rau lợn, vết đứt lúc len lén bỏ mảnh bát vỡ vào cái hộp sắt châu báu dưới gầm giường, vết gai đâm hôm theo thằng Cò đi tiễn các anh giải phóng,... Ánh nắng như xoa dịu, như bầu bạn, như thắp sáng đôi bàn tay tôi. Thằng Cò nghiêng nghiêng đầu, cũng bắt chước tôi giơ đôi bàn tay lên, cũng cái vẻ nheo nheo đầy tập trung, cũng ngắm nhìn đôi bàn tay của nó dưới ánh nắng len lỏi. Không biết nó có giống tôi, có thấy một cánh chim dang rộng trong nắng, như khao khát, như muốn vút bay thật cao.
Tôi ngẩn ngơ nhìn theo những giọt nắng nhiệm màu tỏa ánh trên đôi bàn tay bé nhỏ của mình, trong tim dội lên nhưng lời nhắn nhủ thầm kín, những ước mơ vời vợi!

Chương 4:
Tôi và thằng Cò đi sâu vào trong rừng. Bởi giặc lùng dữ quá nên chẳng thể đi ra. Nó nói dẫn tôi đến chỗ các anh giải phóng. Tôi phấn khích lắm, vì mè nheo bao lần, vì giận dỗi bao lần, nó cũng chẳng bao giờ đồng ý cho tôi đi theo. Tôi tưởng tượng ra đủ viễn cảnh, như cái lúc chúng tôi chơi trò công kênh, tôi ngồi trên mỏm đá, bên dưới là lũ trẻ con canh gác, đừng nhìn chúng tôi chơi trò trẻ con, nom ra dáng phết. Chắc các anh chỉ huy sẽ đứng trên cao, còn các anh.giải phóng đứng dưới, lớp lớp canh gác, uy nghiêm vô cùng. Tôi bật cười khanh khách vì suy nghĩ của mình, độ quên cả sáng giờ chưa có gì bỏ bụng.
Nó kéo tôi men theo những gốc cổ thụ, lại luồn qua những hang những động, rồi lại lấy dương xỉ làm dấu. Bụng tôi phát ra những tiếng biểu tình, nó ngoái lại nhìn rồi cũng chẳng để ý đến tôi. Chúng tôi đi rồi lại nghỉ, có chỗ loang quanh đến ba bốn bận. Thi thoảng gặp những loại quả tôi chưa từng thấy, thằng Cò bảo là ăn được, thế là tôi ăn luôn, thằng Cò cũng nhón mấy quả bỏ tót vào mồm. Đi mãi, chân tôi mỏi nhừ, tôi đập mạnh vào vai Cò, trách nó dẫn tôi toàn đi vào những chỗ cũ, mà lạ thật, chúng tôi đi một hồi rồi lại quay lại, rồi lại đi, rồi lại quay lại. Thằng Cò chả nhẽ quên đường rồi? Tôi hậm hực lẩm bẩm. Nó kệ tôi, vẫn kéo tôi đi đủ đường. Đến cuối, nó hô ổn rồi, thế là chúng tôi lội qua một con suối nhỏ, rẽ phải, rồi lại rẽ trái, rồi chui qua một hang rất nhỏ. Thằng Có chui trước, tôi theo nó bò vào sau. Hang rộng chừng hai đứa trẻ con nằm cạnh nhau, thấp tè tè bởi chúng tôi phải cúi người bò qua. Càng bò vào trong càng sâu, lại càng lạnh hơn, lúc lên lúc xuống như cái ghe tàu. Tôi chật vật bò theo Cò, bàn tay, bàn chân lạnh buốt.
Chúng tôi thấy ánh sáng phía cuối, thằng Cò bò nhanh, chui ra trước, ánh sáng lùa vào cửa hang, mang theo mùi hanh của nắng. Tôi chui ra, bên kia hang là một vùng rộng lớn những cây cỏ. Cò lấy đám lá khô vun thành đống bên ngoài miệng hang, che đi cái lối thần bí kia. Nó nhìn bộ dạng ngơ ngẩn của tôi rồi cười
-Đùn một đống đấy làm gì, đi mày.
Tôi bám vạt áo nó, lặng lẽ đi theo. Đi độ vài chục bước nữa, nó kéo tôi ngoặt sang một lối nhỏ bên trái. Nếu không để ý kĩ, nhất định sẽ không phát hiện có một lối đi ở đó. Bỗng có tiếng hô lớn khiến tôi giật bắn:
- Ai?
- LL4
- Người bên cạnh
- Xóm dưới, chạy giặc
- Mật khẩu
- Độc lập
Tôi ngó quanh quẩn không biết tiếng nói phát ra từ đâu, chỉ thấy thằng Cò như nói chuyện với người vô hình.
- Nhiệm vụ
- Liên lạc
Vừa dứt lời, dưới mặt đất cách chỗ tôi đứng khoảng chục bước chân bỗng nhiên di chuyển. Tôi hoảng hốt lui lại, trong đầu chẳng kịp tưởng tượng ra là vật gì, chỉ biết là theo phản xạ kéo tay Cò chuẩn bị chạy. Phía trước ba người lá lồm cồm bò dậy, mà, người lá hay người đất nhỉ? Phía lưng toàn những lá khô phủ lên, còn mặt mũi quần áo lại toàn một màu đất, đôi mắt được che bởi những chiếc lá dày. Tôi đờ người ra, ba người đất lá trước mắt cười thật lớn, Cò, bỏ tay tôi ra, chạy ra ôm lấy 3 người trước mặt. Tôi chẳng hiểu gì cả, cũng chưa kịp hiểu chuyện gì diễn ra.
Các anh giải phóng nhìn tôi cười vang. Tôi ngước mắt lên, nhìn những đôi mắt hiền dịu và sôi nổi trên khuôn mặt toàn đất, có chút ngại ngùng. Có nói đôi ba câu với các anh, rồi kéo tôi đi vào trong. Tôi ngoái lại nhìn, các anh lại nằm sấp xuống, đặt mảnh vải có những chiếc lá khô phủ lên mắt. Mặt đất lại gập ghềnh như lúc tôi mới đến, như những người vừa đứng trước mặt tôi chỉ là một giấc mộng....

Chương 5:
Tôi ngồi bên đống lửa, xung quanh là những anh bộ đội ngồi quây lại. Lửa chẳng dám đốt to, chỉ như một nhóm tro đỏ lửa le lói giữa một mảnh đất tối om. Chúng tôi chẳng nhìn thấy mặt nhau, thi thoảng thấy hắt đỏ trên khuân mặt. Độ ba chục người ngồi trong vòng, có người tựa vào gốc cây, có người ngồi túm với nhau thì thầm những câu chuyện, lại thi thoảng nghe những câu hát những giai điệu. Một giọng trầm vang lên:
Chiều buồn gửi em những chiều tím
Nắng tắt những hoa nở cuối trời
Anh viết vần thơ trên vành mũ
Nhung nhớ người con gái thôn quê

Rồi tiếng đàn bầu như léo lắt như hòa âm ngay sau đó. Hai đứa tôi dựa lưng vào nhau, tôi nghe tiếng thở đều đều của Cò, tôi lặng gõ nhịp tay xuống đất. Đầu ngón tay chạm trên nền đất cỏ, vân vê những cỏ bụi trên mặt đất. Bạn nghe tiếng đàn bầu chưa? Trước các cô văn công ghé qua biểu diễn, tôi đã đôi lần nghe, nhưng chỉ được ba bốn nhịp, rồi lặng lẽ chuồn khỏi đó, hòa cũng đám trẻ ngó nghiêng những bộ quần áo màu sắc tươi đẹp. Để rồi hôm nay, ngồi giữa mênh mông đất trời, chợt giai điệu ấy vang lên như thấm sâu vào từng thớ thịt, từng mạch máu tôi.
- Ru con
Cò thủ thỉ với tôi. Ừ, khúc này là khúc ru con. Một tiếng đàn vang trong không gian, lúc dồn dập khi lại lay lắt. Tôi chợt ứa nước mắt, tôi chưa bao giờ nghe tiếng ru.....
Mẹ sinh tôi vào năm đói kém nhất, vào nạn đói lịch sử. Ngoại nói khi ấy nhà chẳng có gì, bố tôi đi bộ đội không hề có tin báo về, có ngoại và mẹ ở với nhau. Năm ấy tôi đỏ hỏn nằm gọn trong tay ngoại. Mẹ tôi gắng gượng được vài tiếng thì mất, bởi mất máu. Cái ngày miếng ăn trở nên xa xỉ ấy, đến bát cám loảng còn là một mơ ước thì chẳng ai nghĩ gọi bà đẻ nữa, mà bà đẻ cũng bận vật lộn trong cái đói cái khổ của mình. Năm ấy ngoại ôm tôi chưa kịp nhìn mặt mẹ, chưa kịp nghe mẹ hát ru một câu, bỏ xứ lang thang lên Hòa Bình này. Ngoại bảo, mộ mẹ tôi chỉ là đám đất đổ lên, ngày ấy bà con thương lắm, người cho mảnh tã, người cho nắm gạo, vậy là đi, bôn ba bao năm, xin sữa xin ăn. Ngoại nuôi tôi lớn từng này....
- Mày biết không?
Cò mở lời với tôi...
- à, bọn mình đều biết mà, bọn mình còn chẳng biết mặt bố mẹ..... anh Quân bảo mẹ tao đẹp lắm, bố tao dũng cảm lắm. Mày biết đấy, anh Quần, ừ... không có anh, giờ tao cũng chẳng còn.... tao muốn gặp bố mẹ... nhưng bây giờ, muốn gặp nhất là anh tao...
        Tôi nhớ ngoại tôi, có lẽ giống như nỗi nhớ thằng Cò dành cho anh nó. Cái nhớ nhung ấy âm ỉ trong lòng, nó như đốt lửa lo lắng, lại như xoa dịu ấm êm. Tiếng đàn bầu vẫn réo, như tâm tư của những kẻ xa nhà hòa cùng một nỗi, theo từng nhịp đàn gửi vào hư vô. Tôi ngước mắt lên nhìn, những tán cây che rợp bầu trời, những cành cây nhong nhỏng những đường khối kì dị, có hàng vạn những nỗi niềm bủa vây lấy tôi.
     Tiếng đàn bầu dừng lại. Trả lại cho không gian tiếng rích rích của đám côn trùng. Chẳng ai nói gì nữa, dường như mọi người đều rơi vào vòng vây cảm xúc của chính mình. Cứ như vậy, như kéo dài rất lâu, rất lâu. Bỗng, một giọng nói vang lên
    - Mai anh em lên đường mạnh giỏi...
  Chẳng biết ai nói, nhưng lời thủ thỉ kia kéo tất cả chúng tôi về lại với hiện tại. Ừ, ngày mai thôi, những người còn bên cạnh nhau đây ai sẽ đi, ai lại tiếp tục ở?
  Tôi nhớ lúc chiều phụ anh chiến sĩ tên Mạnh nấu cơm. Anh kể tôi nghe về gia đình nơi Hà Nội, về mảnh đất những con người xa lạ, về chốn phồn hoa đô thị, về cha mẹ già đã 3 năm trời anh chưa từng được gặp lại, về những bức thư đọc lên chỉ muốn lập tức về với mẹ, về đường hành quân lên cứ địa này,... và nhiều nhất, anh kể tôi nghe về những lần chia tay. Các anh hành quân bao nhiêu lâu, đi qua bao con đường, ở lại bao nhiêu nơi. Mỗi lần đi lần ở, là lại quen thêm bao người, nhưng, cũng lại chia tay bao người. Anh nói chiến sĩ các anh sẽ được luân chuyển, được điều động, hôm nay anh em còn ngồi với nhau, mai đã điều chuyển đi xa. Có những lần đến nơi mới, gặp lại anh em, anh noi, khi ấy là cả một nỗi niềm không tên, như vỡ òa, như chực nổ tung, bởi ấy là kì tích vì giấy báo tử của đồng đội nhiều quá, người còn sống là may mắn, được gặp lại nhau chính là kì tích. Anh ở đây đằng đẵng 3 tháng rồi, mỗi ngày đều thấy người đến, rồi lại tiễn anh em đi. Tuy chẳng ở với nhau lâu, nhưng tinh thần trai trẻ và nỗi niềm của những người sẵn sàng hi sinh khi còn quá trẻ đã nối kết các anh lại với nhau, để các anh trải lòng, để các anh nghe những câu chuyện của nhau.
    - Sáng mai sẽ có mười lăm người đi, chẳng biết là ai, chẳng biết đi đâu, chỉ đợi lệnh là vác ba lô lên và hành quân thôi.
   Tôi nhìn nụ cười hiền và đôi mắt xa xăm của anh, hỏi:
   - Nếu ra nơi súng đạn, anh có muốn đi?
   Như một phản xạ tự nhiên, như một ý niệm từ đáy lòng, anh nói:
   - Đi.... đi chứ.
   Anh lại nói
  - Tôi và họ, chúng tôi đã tự xây mộ cho mình rồi....
   Tôi nghiêng đầu nhìn đôi mắt như vừa thắp lên ngọn lửa kia, dù tôi không hiểu lắm lời anh nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng, ngay khi đứng trước họng súng, anh vẫn sẽ giữ vững ngọn lửa trong đôi mắt ấy.

- Tớ tặng anh em bài thơ nhé
  Phá đi cái sự trầm mặc, một giọng nói vui vẻ cất lên. Mọi người đều vô cùng hưởng ứng, gác bỏ cái nặng nề vừa nãy qua một bên.

Đất nước xanh màu lính
   Tiến quân đi lội suối vượt đèo
   Tuổi trẻ ta tiếc gì năm tháng
   Cứ đi thôi về vầng sáng ngày mai

   Cả vòng tròn vỗ tay vang rộn
     - Hay quá
     - Hay lắm
     - Để tớ nối thơ - một giọng vui vẻ khác lên tiếng
Chúng ta là ai những chàng trai?
       Đâu phải cây xanh hay cỏ lá
       Là lính dẫm lên đất đá
       Khoác lên mình ước vọng tuổi xanh

- Hay quá
- Được
- Ai tiếp đi
- Tớ

  Ta mơ về một chuyến du hành
   Nơi ba lô đựng đầy những sách
   Nơi máy bay rải toàn những hoa
   Nơi thức dậy thấy mùi quê man mác
   Lúa chín trái ngọt trĩu những chùm
   Cây súng hóa thành cây bút nhỏ
   Viết nên những áng văn cho đời....

- Mai mốt hòa bình lập lại, anh em nhớ ghi lại thơ của bọn mình đấy.
- Lại ngửi mùi đoán thơ à.
- Ha ha
- Ha Ha
- Mấy cậu đọc lại tớ học thuộc nào....
- Ơ, câu đầu là gì
......
    Và như thế, những bài thơ trong đêm giữa núi rừng Tây Bắc lại được truyền tai nhau, gửi đến tận miền Nam thân yêu.

   Chương 6:

     Sớm hôm sau, khi ánh sáng còn chưa len lỏi trên rạng trời, khi đám lửa hôm qua vẫn tí tách cháy, mọi người đã lục sục dậy.
     Tất cả mọi người đứng thành hàng ngũ, còn tôi và Cò đứng nép một bên trước cửa lán. Anh chỉ huy cao gầy nhưng rắn rỏi nghiêm nghị nhìn mọi người. Anh độ hai nhăm, nhưng nước da đen sạm lại, bởi gió sương, bởi nắng hạn. Anh đứng thẳng, tay chắp sau lưng, cái từng trải toát lên từ anh khiến người đối diện phải đôi phần dè chừng. Anh không hề hô to nói lớn, nhưng cái cách anh nói khiến những anh giải phóng đứng trong hàng như nuốt lấy từng lời, như được tiếp thêm ý chí.
- Mười lăm đồng chí đi cùng tôi hôm nay, không ai biết chúng ta sẽ đi đến đâu, cũng không ai rõ chúng ta sẽ chết hay sống. Nhưng, anh em, đồng chí, chúng ta hiểu rõ một điều, chúng ta đi là vì lí tưởng và vì những người chúng ta thương.
- Hôm nay đi, ngày mai có thể sẽ chết. Hôm nay lành lặn, ngày mai có thể sẽ đứt lìa chân tay. Hôm nay an bình, ngày mai sẽ rền vang tiếng súng. Nhưng, tôi tin dù đứng giữa rừng bom mưa đạn, đứng trước họng súng, anh em của tôi vẫn sẽ mỉm cười và ngay thẳng.
- Giờ, mỗi người có mười phút viết thư cho gia đình. Sau mười phút lập tức lên đường.
Giấy bút sẵn sàng từ bao giờ, màu giấy trắng trên nền đất rừng. Ba lô làm bàn, những con chữ chạy miên miết trên những trang giấy. Tôi ngó những chàng trai trẻ trầm ngâm. Cò nói với tôi đây là tục lệ trước khi hành quân của chiến sĩ, như là, viết sẵn cho mình một giấy báo tử, xây sẵn cho mình một bia mộ vô hình. "Cho mình" nghe sao mà quá đỗi xót xa. Tôi ngẩn ra theo những thâm trầm trong đôi mắt của những chàng lính trẻ, những đôi mắt chợt dịu dàng, chợt đau đáu, chợt xót thương, nhưng đọng lại cuối cùng là ánh nhìn đầy kiên quyết. Tôi chợt nghĩ về những áng mây trắng trong veo trên nền trời xanh của một ngày ấu thơ nào đó, khi mà tiếng máy bay vù vù trên đầu, tiếng nháo nhác gọi nhau chạy giặc, nhưng giữa những hỗn độn và khói lửa, áng mây vẫn tinh khôi đến nhường ấy!
Tôi đứng nhìn đến khi tốp cuối cùng lẫn trong màu xanh của núi rừng. Anh giải phóng đi cuối hàng ngoái lại, giơ cao lá cờ đỏ sao vàng, anh nhìn tất cả những người ở lại một lượt, cười thật rạng rỡ và sôi nổi, như là gửi gắm ở chỗ chúng tôi niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của những người ra đi. À, tôi không thích gọi là "ra đi", tôi muốn gọi họ là những người tiến bước, cũng chẳng vì lí do gì, chỉ là thấy "ra đi" nghe sao bi tráng quá. Cò đứng tít trên mỏm đá phía kia của mảnh rừng, nó cứ đứng như thế, như là đã hoá thành một pho tượng đá, như là đã đứng đó thấm đẫm cả vạn sương nắng của cuộc đời, mãi cho đến khi, cái ba lô cuối cùng lẫn vào trong phiến lá xanh ngát của một ngày hè rực rỡ. Tôi biết chứ, Cò, nó khát khao lắm một ngày đủ tuổi để khoác ba lô lên và nối bước theo những quân đoàn hành quân.
Những chàng trai còn lại đứng cùng tôi giờ tản ra về các lều trại. Những cái nhìn bỏ ngỏ nơi đáy mắt theo bạn bè lên đường đi xa. Cuộc sống lại trở về với những nhịp sống trước kia, cứ như là chưa hề có người ra đi. Chỉ là, tôi phảng phất cảm thấy có những tâm tư vấn vương đến tận trời xanh. Tôi xoay mình bước đến gốc si già. Chẳng biết nó đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết cái thân sù sì to lớn kia toả ra những tán vòng vòng, như ôm trọn cả một vùng trời biêng biếc, thả xuống mặt đất một biển lá xanh rì. Tôi ngồi dựa vào gốc cây, nhìn những cái râu thả từ trên cây xuống, cành rắn chắc nâng đỡ lẫn nhau. Những tiếng chim ngân vang trong không gian thanh mát.
Tôi và Cò ở lại đó khoảng dăm chục hôm. Sáng sớm tôi sẽ dậy theo các anh giải phóng, Cò chạy theo các anh ra suối rèn luyện, tôi được phân ở bếp. Tôi lăng xăng chạy quanh quanh những đụn đất, quanh những bó củi cao, quanh những đốm nắng to bằng miệng bát lên qua lớp lá dày, hắt lên mặt cỏ xanh non. Cuộc sống của chúng tôi cứ em đềm như vậy. Thi thoảng tôi lại nghe những câu chuyện của những chàng trai xa nhà. Họ nói về những mảnh đất tôi chưa bao giờ đến. Thấy Đất Nước mình sao quá đỗi bao la. Các anh kể nhau nghe về cái nôi thân thương của mình, về những tiếng cười trẻ thơ trong trẻo, về bát canh cua mẹ nấu, về điếu thuốc lào của cha, về những buổi dầm mưa cùng những anh bạn nối khố... Và, những câu chuyện ấy, cứ in sâu dần vào tâm trí tôi, gợi cho tôi những khoảng trời rất lạ, đến cả những mảng khói mờ mờ trên những nếp nhà quê cũng đong đầy những vấn vương ....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro